Clément Rosset, người lạc quan vĩ đại

Vũ Thành Sơn

Image result for "Clément Rosset"Clément Rosset từ trần ngày 27/03/2018 tại Paris, thọ 78 tuổi. Cùng với Gilles Deleuze, Clément Rosset hình thành một đường lối triết học cá biệt, không theo khuôn mẫu, một gương mặt triết học thời danh nhưng không mấy được ưa chuộng và đề cập đến ngay trong giới hàn lâm triết học, cuối cùng đã trở về với hiện thực tàn bạo, vô nghĩa. Chỉ có vài lời thông báo ngắn gọn từ biên tập viên của một nhà xuất bản đã được loan đi. Người ta có lý do để tin rằng, trong một thời đại vốn dĩ đã có quá nhiều những đau khổ, mất mát, có lẽ sẽ còn rất lâu sự ra đi của Clément Rosset mới được cảm nhận là một tổn thất.

Tin ông ra đi lại đến với tôi khá chậm trễ. Và bài viết ngắn này, như vậy, là một tưởng niệm muộn màng đồng thời để bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ý chí mạnh mẽ của một con người đã dám giũ bỏ tất cả mọi ảo tưởng có nguồn gốc từ tôn giáo, luân lý, siêu hình học để mặt đối mặt với thực tại trần trụi, bi đát.

Toàn bộ suy tư của Clément Rosset, có thể nói, bắt đầu từ nghi vấn triết học: Lịch sử và hiện hữu của con người có ý nghĩa gì không? Hay thực ra, “cuộc đời chỉ là một câu chuyện kể của một tên khờ, đầy ắp tiếng động và phẫn nộ, chẳng có ý nghĩa gì hết”? Cuộc đời đáng sống hay không đáng sống? Niềm tin của nhân loại vào sự tiến bộ có còn hợp thời?

Trả lời những câu hỏi đó và đề xuất một viễn tượng khác, hoàn toàn mới mẻ, là mục đích, ý nghĩa của triết học của Clément Rosset.

Ông đã bắt đầu đọ sức với những vấn đề hệ trọng nêu trên khi mới 19 tuổi với tác phẩm đầu tiên: Triết lý bi đát (La Philosophie tragique). Với Triết lý bi đát, Clément Rosset đã sớm khẳng định hành trình triết học của mình mà ông theo đuổi cho đến tận cuối đời, cũng như định hình một cách thức tiếp cận triết học khác, sáng sủa, dễ hiểu, dí dỏm và gần gũi với những bận tâm của đời sống hằng ngày, khác biệt hẳn với truyền thống triết học hàn lâm, bác học vốn vẫn khép kín trong phạm vi của giới nghiên cứu đại học. Sự khác biệt không chỉ giời hạn ở trong phong cách mà từ nền tảng. Đó chính là một thứ bản thể học của hiện thực (ontologie du réel) mà ông đề xướng để đối lập với cái mà ông gọi chung là bản thể học truyền thống hay cổ điển (ontologie traditionnelle, classique) kéo dài từ Parménide cho đến Heidegger. Chịu ảnh hưởng của Schopenhauer và Nietzsche, tác phẩm đầu tiên này của Clément Rosset đánh dấu sự thức tỉnh trước một hiện thực hỗn mang, vô nghĩa, phi lý, không thể giải thích. Đó chính là khoảnh khắc mà cảm thức bi đát xuất hiện.

Bi đát là gì? Định nghĩa đầu tiên về bi đát là phát hiện một sự khước từ bất thình lình, hoàn toàn, mọi ý định giải thích. Bi đát, như vậy, được hiểu là một sự bất lực trước một hiện thực không thể giải thích được tại sao, không thể hiểu nổi, không thể trốn tránh hay che đậy, đồng thời cũng không thể hòa giải mà người ta có cảm tưởng như bị xô đẩy vào chân tường và không còn một lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận, chịu đựng nó. Đó là cái bất ngờ tự bản chất (surprenant par essence) mà chúng ta không thể phòng vệ trước. Đó là cái hiện hữu hiện hữu và không thể không hiện hữu. What is done is done, giống như lời của Lady Macbeth nói với chồng mình.

Lần đầu tiên chúng ta thấy mình bất lực tuyệt đối trong việc tìm kiếm một giải pháp, trong việc chiến thắng nghịch cảnh dựng sừng sững trước mặt. Lần đầu tiên chúng ta bị chặn đứng lại, chúng ta không thể đi tiếp con đường đã lựa chọn, lần đầu tiên chúng ta bị buộc phải nhìn lại con đường mình đi. Đó là giai đoạn đầu tiên của bi đát, và người ta, tôi nghĩ, nhìn ra được tất cả sự nghiêm trọng của vấn đề: đó là sự xét lại cả một niềm tin, niềm tin vào chiến thắng, niềm hy vọng trên con đường thênh thang của tuổi trẻ đã vạch ra, chúng ta sẽ vượt qua hết mọi chướng ngại ẩn giấu mà người ta có thể đặt lên đó; lần đầu tiên sự thất bại được nhìn nhận: ở đây, chúng ta không vượt qua nổi (Nous nous révélons pour la première fois absolument incapables de trouver une solution, de vaincre l’obstacle qui s’est dressé devant nous. Pour la première fois, nous sommes arrêtés, nous ne pouvons parvenir à continuer dans la voie sur laquelle nous étions engagés, pour la première fois nous sommes amenés à reconsidérer notre route. Tel est le premier degré du tragique, et l’on voit, je pense, toute sa gravité: il s’agit de la remise en queation de toute une croyance, la croyance à la victoire, l’espoir que toujours, dans la voie royale de la jeunesse que nous nous étions tracée, nous surmonterions les traitres obstacles qu’on placerait sur notre chemin; la découverte première de l’échec: ici, on ne passe pas).

Ngoài sự bất lực không thể tìm thấy giải pháp cho tình trạng bế tắc, con người bi đát còn nhận ra mình bị rơi vào thế cùng quẫn, tuyệt lộ, không có một lối thoát nào khác để trốn tránh, đào thoát, hóa giải hay thậm chí hòa giải, thương lượng.

Ở đây, người ta nhận ra sự khác nhau giữa con người bi đát với con người phi lý của Albert Camus. Trước hết, cảm thức phi lý phát sinh từ sự thức tỉnh trước sự sụp đổ bất thình lình những ảo tưởng, hào quang, biểu tượng, những mối liên kết làm nên ý nghĩa của thế giới khiến cho nó trở nên bưng bít, khó hiểu với lý trí con người. Cánh cửa thế giới bất thình lình đóng sập lại và con người phút chốc trở nên xa lạ trong chính ngôi nhà của mình. Cái phi lý, như vậy, không thuộc hẳn về thế giới mà cũng không thuộc hẳn về con người, mà đúng hơn, là một tình trạng ly dị, đổ vỡ mối quan hệ gắn bó giữa con người với thế giới. Con người phi lý không có cảm giác kinh ngạc tột cùng như đứa bé kinh ngạc khi nó bị từ chối một món đồ chơi, mà chỉ có mỗi cảm giác xa lạ và ý thức phản kháng. Sisyphe khi đứng nhìn hòn đá tảng lăn xuống dưới chân núi, chàng có hai sự lựa chọn: hoặc là trở về với gông xiềng một cách vô thức, hoặc là tỉnh thức trọn vẹn; hoặc là tự sát, hoặc là tái thiết lại cuộc đời. Sisyphe cuối cùng đã quyết định đi xuống chân núi tiếp tục lăn hòn đá tảng lên đỉnh. Bằng hành động đó, chàng đã hòa giải với số phận của mình; số phận của chàng từ nay không còn do một bàn tay vô hình nào điều khiển nữa mà do chính chàng làm nên, đồng thời qua đó Sisyphe cũng đã hóa giải hình phạt khủng khiếp thành một niềm vui chiến thắng thầm lặng.

Con người bi đát, ngược lại, không có đến được một sự lựa chọn, kể cả ca thán, bởi lẽ ca thán có nghĩa là còn quá lạc quan; nó giả định vẫn còn cái gì đó mình thiếu thốn, còn cái gì đó để mình mong muốn. Cái bi đát tột cùng, ngược lại, chính là việc con người ở trong tình huống bắt buộc phải bằng lòng, luôn luôn bằng lòng, vì đã hoàn toàn bất lực, không thể mưu cầu, tìm kiếm cho dù một sự thay đổi đối với những gì đang hiện hữu (Clément Rosset, Lanti-nature).

Quan niệm về bi đát của Clément Rosset liên quan chặt chẽ với quan niệm về hiện thực của ông. Có thể nói như Philippe Sollers, đối với Clément Rosset, chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm trọng: đó là hiện thực (nhại lại câu nói của chính Albert Camus trong Huyn thoi vSisyphe: chỉ có một vấn đề triết học thực sự nghiêm trọng, đó là tự vẫn). Hiện thực, với Clément Rosset, là cái gì hiện hữu thì hiện hữu, cái gì không hiện hữu thì không hiện hữu; nó có đó, như vậy là như vậy, không hào nhoáng, không che đậy; nó mang tính áp đặt một cách nhẫn tâm, tàn bạo và ngang ngược, không những bí ẩn về nguồn gốc mà còn không thể là đối tượng để suy tư. Đứng trước hiện thực, người ta chỉ im lặng, không thể giải thích hay phân tích, không thể mô tả, so sánh mà chỉ có thể nói cái này nhưng đồng thời bất lực không thể nói là cái gì. Khi chúng ta cố gắng mô tả hiện thực là chúng ta mô tả lại nó qua những biểu tượng, hình ảnh, ấn tượng, kinh nghiệm, kỷ niệm mình đã từng trải qua, đã có sẵn, được ký thác trước về một cái gì tương tự. Cái múi sầu riêng chúng ta đang ăn, chẳng hạn, chúng ta có thể cảm nhận đầy đủ, trọn vẹn ngay lúc này hương vị, màu sắc, hình dáng, độ mềm mại hay chai cứng riêng có, đặc thù của nó; nó gợi nhớ về những múi sầu riêng mà mình đã ăn, đến mức chúng ta cảm nhận được cả sự khác biệt của múi sầu riêng này với múi sầu riêng hôm qua. Thế nhưng khi bị yêu cầu mô tả, chúng ta chỉ có thể trả lời được đó là múi sầu riêng, không thể so sánh với một cái gì tương đương, cùng lắm thì chỉ có thể cung cấp thêm là sầu riêng thuộc giống nào nhưng hoàn toàn bất lực trong việc xác định tính cá biệt không thể nhầm lẫn của múi sầu riêng này với những múi sầu riêng khác. Càng cố gắng mô tả, chúng ta càng chỉ làm cho hiện thực trở nên rối rắm và trừu tượng. Giản dị bởi vì hiện thực là cái duy nhất, cá biệt, đơn giản – cái ngu xuẩn – (idiotès, theo từ nguyên Hy Lạp).

Nhưng bi kịch của con người bắt đầu cũng chính từ đây, chính từ thái độ của con người đối với hiện thực. Có lẽ không có gì khó khăn, chông chênh đối với con người cho bằng khả năng nhìn thẳng vào hiện thực và chấp nhận hiện thực một cách không do dự và vô điều kiện. Vấn đề thực sự xuất hiện khi người ta chỉ chấp nhận hiện thực với những điều kiện nhất định. Khi thực tế trở nên quá khốc liệt, tàn bạo, đau đớn, người ta thường chọn thái độ lẩn tránh: hoặc giả vờ như không có nó, hoặc triệt để phủ nhận nó; thậm chí người ta có thể chọn hình thức quyên sinh để trốn tránh việc phải đối mặt với một thực tại bi đát. Thông thường nhất là thái độ phủ nhận thực tại trước mặt, coi nó là không có thật và tự đánh lừa mình bằng ảo tưởng về sự hiện hữu của một thực tại khác, vô hình, nhưng người ta tin rằng chân thực hơn, một thực tại siêu việt để có thể yên tâm đi qua một trần gian đầy khổ lụy, đau thương và nước mắt. Sự phủ nhận hiện thực để theo đuổi cái mà Clément Rosset gọi là phiên bản, cái tương tự, bản sao của hiện thực là truyền thống của các nền siêu hình học từ trước đến nay, bắt đầu từ Huyền thoại về hang động của Platon, nơi mà thực tại người ta đang tham dự được mô tả chỉ là hình bóng, ảnh ảo được phản chiếu trên vách đá trong khi thực tại đích thực là ở ngoài kia, dưới ánh sáng rực rỡ của mặt trời. Thậm chí ngay cả đối với Marx, người xây dựng nền triết học duy vật biện chứng, cũng nỗ lực tìm kiếm trong sự vận động của hiện thực xã hội một quy luật để giải thích phương hướng và kiến tạo một thực tại đích thực khác. Tương tự, Heidegger với chủ thuyết về hữu thể đối lập với hiện thể, nền tảng cho cái-đang-là. Với các tôn giáo cũng không khác, cũng lộ rõ tính chất lừa bịp của những cái gọi là miền đất hứa hay cõi tịnh độ. Con người có thể vô thần, có thể chấp nhận một đời sống trần gian không có Thượng Đế nhưng con người không thể nào chấp một sự thật quá giản dị: hiện thực là hiện thực, chỉ là chính nó, chỉ có nó và không là/ không có cái gì khác, một hiện thực duy nhất, hữu hạn, ngẫu nhiên, sống sượng, vô nghĩa. Người ta không thể sống mà không gắn mình vào một cái gì đó, vĩnh cửu, có ý nghĩa, có thể hiểu, có thể giải thích.

Không những siêu hình học, tôn giáo, Clément Rosset còn đả phá quyết liệt mọi thứ tín ngưỡng, luân lý. Bởi lẽ cũng như siêu hình học và tôn giáo, tín ngưỡng hay luân lý luôn tìm cách phủ nhận thực tại, giải thích, áp đặt trật tự, ý nghĩa cho thực tại vốn hỗn mang, ngẫu nhiên.

Clément Rosset cho rằng đối với hiện thực, người ta chỉ có mỗi thái độ chấp nhận vô điều kiện và chỉ có thái độ đó mới là nguồn cội đích thực của niềm hoan lạc vô bờ bến. Nếu chúng ta muốn tìm thấy niềm vui, trước hết chúng ta phải bắt đầu tìm cái bi đát (Si nous voulons retrouver la joie, il faut commencer par retrouver le tragique – La philosophie tragique). Bởi hiện thực như nó là tự bản chất đã như là một trò đùa vĩ đại.

Chính ở đây mà Clément Rosset bị phê phán bởi ý tưởng chấp nhận hiện thực vô điều kiện của ông bởi thái độ đó sẽ dẫn đến sự vô cảm trước bất công, trước nỗi bất hạnh của người khác. Đáp lại, Clément Rosset cho rằng chấp nhận hiện thực như-nó-là hoàn toàn không có nghĩa là dửng dưng trước bất hạnh của người khác, rằng “khi điều kiện có thể, việc giải thoát cho một người ra khỏi mọi hình thức khổ đau không nhất thiết đưa đến một lý thuyết luân lý nào đó. Đó là lòng lân mẫn. Nỗi đau của người khác đối với tôi là bất khả khoan nhượng, mặc cho những người chống đối thấy thế nào”.

Có thể kết luận như thế nào về Clément Rosset? Đích thực đó là triết gia của nỗi bi đát và niềm hoan lạc.

Comments are closed.