NHỮNG MẢNH RỒNG (kỳ 4)

HOÀNG MINH TƯỜNG

TIỂU THUYẾT

6

Vũ Bảo Huy chưa muốn dời nước Mỹ. Sáu tháng trôi vèo đi, ngỡ như anh vừa mới sang đây tuần trước, hôm qua, hôm kia. Một nước Mỹ hoàn toàn không như người ta nhồi nhét vào đầu anh, như anh tưởng, như anh nghĩ,… đã cuốn hút anh, khiến anh say mê khám phá. Huy đã đến khu nhà thiếu tiện nghi của những người da màu ở Harlem, New York, đã đến chia sẻ với những người vô gia cư dọc đoạn sông Santa Ana từ Freeway 57 đến W.17th St, đã tha thẩn hàng giờ đầy buồn bã giữa People Park, ở thành phố đại học Berkeley, California, nơi khởi nguồn của những cuộc xuống đường với bạt ngàn băng rôn, khẩu hiệu, cờ đỏ của hàng ngàn sinh viên, hàng vạn người ủng hộ Việt Nam, phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ…, nay trở thành nơi tụ tập của người ăn xin và vô gia cư khắp nơi dồn về; đã gặp không ít những người xin ăn, những kẻ nghiện hút, những ả gái điếm vật vờ trong phố tối đèn đỏ, những vụ sả súng điên cuồng vào trường học… Nước Mỹ vẫn còn nhiều mảng tối. Nhưng đó không phải là tội lỗi của nước Mỹ, mà đó là bản chất của cuộc sống. Một nước Mỹ ngày càng khiến anh kinh ngạc trước sự hùng vĩ, hào phóng của sông núi, đất đai, trước sự rộng mở và lòng nhân ái, tình đồng loại và sự nghĩa hiệp, khát vọng tự do và cơ chế hoàn thiện quyền năng Người. Chỉ riêng bang California, bang tập trung gần hai triệu người Việt, có khí hậu, thổ nhưỡng, sinh cảnh gần như nước Việt, diện tích gấp rưỡi nước Việt, dân số bằng một phần ba nước Việt, nhưng mênh mông, phì nhiêu, đa dạng, thuận lợi hơn nhiều lần nước Việt. Trời đất đã cho những kẻ tha hương một chốn nương thân lý tưởng, hơn cả nơi họ đã sinh ra. Người Việt đến đây hầu như không quá khó khăn để thích nghi với thời tiết khí hậu, ngược lại hai mùa nóng lạnh hài hòa, không đến mức khắc nghiệt. Ấy là chưa kể vùng bồn địa mênh mông chạy từ San Francisco, San Jose xuống Los Angeles suốt mấy trăm mile, rộng hàng mấy chục mile, là kho lương thực thực phẩm của toàn nước Mỹ. Ấy là chưa kể đến hệ thống giao thông hiện đại dày đặc đến từng thị tứ, trang trại. Ấy là chưa kể đến nền hành pháp hoàn hảo, nền giáo dục y tế trên cả tầm mơ ước… Sáu tháng Huy đã gửi về toà soạn bốn feuilleton, hai mươi tin bài và nhiều ảnh phóng sự. Và nữa, hai truyện ngắn cho tờ Văn Chương, được in trang trọng ở trang Giới thiệu tác giả. Một sức viết đến chính Huy cũng phải ngạc nhiên. Cuộc sống nơi đây như tuôn chảy qua ngòi bút anh, đặc biệt là những chuyển động của cộng đồng người Việt. Nếu thế hệ người Việt sau năm 1975, thế hệ thứ nhất, với tất cả nỗi hận thù của phía bại trận, nỗi thống khổ của kẻ lưu vong, sự cùng cực của những thuyền nhân tị nạn…, từng trải qua những năm tháng vật vã để mưu sinh và hoà nhập xứ người, thì đến thế hệ thứ hai, thứ ba, gần hai triệu người Mỹ gốc Việt đã thực sự trở thành một phần của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, đã không hổ thẹn mà nói rằng con Rồng nước Việt từ bờ tây Thái Bình Dương đã phung phí văng ra những mảnh rồng, thậm chí những cục phân rồng, và ở bờ đông đại dương mênh mông kia, những mảnh rồng ấy đã bám trụ, đã hồi sinh, những con Rồng cháu Tiên đang sinh sôi, phát triển…

Chưa bao giờ Huy thăng hoa và tràn đầy sinh lực như hôm nay. Chẳng bù cho năm ngoái, trước khi đi Mỹ, rặn mãi mỗi tháng cũng chỉ được một bài và mấy tin vụn, vừa đủ chỉ tiêu. Hoá ra, khi đời sống nhạt hoét, giả chân lẫn lộn, khi tâm hồn chai sạn, lòng tin bị lừa gạt… thì ngòi bút còn nặng hơn cả lưỡi cày.

Huy chưa muốn dời nước Mỹ vì lẽ gì? Thời hạn của dự án tìm hiểu nước Mỹ do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho các nhà báo Việt Nam đã hết. Thằng Kao Đăng cùng làm báo Việt Trẻ với anh vừa gửi email sang: Mày về chậm, dù chỉ một tuần cũng phải buộc thôi việc. Bốn feuilleton của mày, ban thư ký vứt sọt rác. Tổng biên tập tuyên bố trước cuộc họp vừa rồi: Văn chương Vũ Bảo Huy hồi này sặc mùi bơ thừa sữa cặn. Liệu mà tính, theo tao, hãy làm như Tôn Tẫn, “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Vậy là đã rõ. Kao Đăng đã bóng gió viện đến binh pháp Tôn Tử nước Tàu, ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn. Chuồn đi đâu? Tất nhiên là không đi đâu cả, mà tìm cách ở lại Mỹ. Bên nhà vẫn cho người theo dõi Huy từng bước. Và tất nhiên, bên nhà tức là bên này. Mỗi động thái của Huy trên đất Mỹ, đều không qua nổi màng lưới công an dày đặc như thiên la địa võng.

Suốt trên chuyến bay từ Washington DC về San Francisco, lòng Huy trĩu nặng. Anh tưởng như đây là chuyến bay cuối cùng anh được về với Mỹ Hằng. Chín ngày nữa, anh sẽ từ giã nàng. Vé máy bay về Tân Sơn Nhất, là vé khứ hồi, và anh đã định sẵn lịch trình.

Bây giờ thì Huy phải thú nhận: Anh không muốn dời nước Mỹ chính là vì Hằng. Sáu tháng qua, Mỹ Hằng, chứ không phải nước Mỹ đã cho anh sống những ngày thần tiên. Phải mất gần sáu giờ trên máy bay để vật vã trăn trở và phải là chuyến bay cuối cùng khi sắp dời nước Mỹ, Huy mới thú nhận với lòng mình cái điều mà lâu nay anh cứ tìm mọi cách lảng tránh ấy. Với anh, Hằng chính là nước Mỹ.

Có trớ trêu không, cái mối tình của Huy?

Thoạt đầu là sự thờ ơ, thậm chí lạnh lùng khi Huy gặp Mỹ Hằng trong buổi anh giới thiệu tập phóng sự “Từ Bayon bốn mặt đến cuộc đời muôn mặt”. Huy vốn không mấy cảm tình với các nữ doanh nhân nói chung, và đặc biệt là các Việt kiều Mỹ. Hình như họ đều có chung mẫu số là sự kiêu căng và hợm của. Có một lý do của sự ghẻ lạnh ấy: Huy vừa trải qua những ngày căng thẳng trong cuộc sống gia đình. Anh sống ly thân với Thuỳ đã hai năm nay, nhưng anh không có nhu cầu kết thân với phụ nữ. Cuộc sống hôn nhân chẳng khác nào cõi địa ngục. Anh chán ghét hết thảy, cả gia đình, cả cơ quan và công việc mà mới một năm trước đó anh còn đam mê cháy bỏng. “Tập phóng sự này là chắt lọc mười lăm năm làm báo. Không biết sau đây tôi còn viết được nữa không – Huy nói với bạn đọc của mình – Một người lính, khi cố thoát ra khỏi sự huyễn hoặc ma quái của những nụ cười đá thì dường như buông tay bất lực trước cuộc đời muôn mặt. Anh ta luôn trong trạng thái đối diện với những nụ cười hoá thạch…” Hình như Mỹ Hằng là người có linh cảm đặc biệt. Chị như thấu thị được ánh mắt Huy. Ánh mắt quá mệt mỏi và hoang hoải, bất định, mà chỉ có ở những người đang khủng hoảng niềm tin, đang chán sống, đang hoài nghi tất cả. Chị không những đã đọc được tâm trạng của anh mà còn buộc anh phải thổ lộ, giãi bày. Và những chuyến đi tìm hiểu môi trường đầu tư của đoàn doanh nhân Hoa Kỳ mà Huy trong tốp nhà báo được mời đi cùng, đã kéo họ xích lại gần nhau.

Cho đến chuyến đi cuối cùng trước khi Hằng về Mỹ, là chuyến đi riêng giữa hai người. Mỹ Hằng muốn chính Huy, chỉ riêng Huy, đưa chị từ làng quê Cảnh Dương của chị, ngược sông Gianh, rẽ sông Son, vào động Phong Nha. Con thuyền du lịch lắp động cơ nhưng êm ru ngược dòng sông đẹp như cổ tích. Hiếm có dòng sông nào thơ mộng như sông Gianh. “Nước Mỹ không có những cảnh nên thơ như thế này – Hằng chỉ những vạt ngô mướt xanh, những mảng lúa hoe vàng trườn từ mép nước tới dải núi đá thấp thoáng hoa gạo đỏ, trầm trồ – Anh Huy biết không, Hằng là người quê gốc Quảng Bình mà bây chừ mới được về với con sông quê đó”. “Nhưng Hằng có biết, dưới lòng con sông Gianh là bao nhiêu lớp xương người trầm tích…?” Và Huy, như một thầy giáo dạy sử, đã kể cho Hằng nghe về những cuộc chiến đẫm máu suốt gần hai thế kỷ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, về những năm tháng thời kỳ Cần Vương khi vua Hàm Nghi đưa bầu đoàn thê tử và quan quân triều đình từ Huế ra đây lập phòng tuyến chống Pháp, về những trận bắn phá ác liệt Quảng Bình của không quân và hải quân Mỹ mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Và có điều này, hình như là cơ duyên xui khiến: Lần đầu tiên Huy kể với Hằng về người cha của mình.

– Hằng biết không, chính trên dòng sông này, cha Huy đã bước vào cuộc đời chiến sỹ. Nghe đồng đội của cha kể lại, thì đó là một chiến công anh hùng. Cha đã dám đánh Mỹ, dám hiên ngang đối đầu với cả đội quân Mỹ với vũ khí tối tân hiện đại nhất thời bấy giờ. Cuộc chiến đấu diễn ra ban đêm và nhanh đến mức không ai kịp ghi lại. Đó là một ngày hạm đội Mỹ phong toả ngoài khơi, máy bay từ hạm đội quần đảo tìm diệt trên bờ. Thuỷ lôi Mỹ thả dày đặc cửa sông, ngăn chặn mọi phương tiện, trong đó có con phà mà đơn vị cha quản lý. Hôm ấy là ngày thứ ba mạ từ ngoài quê vào thăm cha. Chập tối có người bạn trên Lệ Sơn gửi cho cha một con cá vược lớn, loại cá đặc sản sông Gianh để làm bữa liên hoan tiễn mạ. Nửa đêm có xe quân sự ra bắc, cha sẽ gửi mạ về quê Hà Tĩnh. Tiễn mạ đi rồi, bỗng có người đến thì thào. Và cha vội vã ra chỗ giấu tàu. Chi bộ tổ chức kết nạp Đảng và làm lễ truy điệu sống cho cha và hai người nữa ngay trên sạp tàu. Con tàu kéo theo hệ thống rà phá thuỷ lôi lao ra cửa biển. Chỉ nửa tiếng sau, tàu lọt giữa trận địa thuỷ lôi dày đặc. Một tiếng nổ lớn và một cột lửa vụt lên từ cửa sông, nhấn chìm tất cả…

Câu chuyện sẽ còn tiếp tục nếu Hằng không khóc nhiều đến thế… “Thôi Huy, đừng kể nữa… Hằng sợ…”

Nhưng đó mới là khúc mở đầu của cuộc đời Huy. Một cuộc đời đầy éo le, trắc trở mà những nhà tiểu thuyết tài ba, với trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không bịa ra nổi. Sau này, phần tiếp của câu chuyện, Mỹ Hằng đã được nghe Huy kể trong căn phòng 35.000 USD một đêm ở giữa trái tim nước Mỹ. Lúc ấy, Hằng để mặc cho nước mắt mình chảy tràn khuôn ngực trần của Huy. Nàng muốn tưới cho trái tim anh dịu lại.

– Câu chuyện về cái chết của những người anh hùng vô danh ấy, mãi sau này, tức là cách đây ba năm, mới được một người đồng ngũ của cha Huy quê ở Hậu Lộc kể lại cho một nhà báo. Cả đơn vị thanh niên xung phong bảo đảm giao thông đường sông của cha năm ấy đã bị xoá sổ. Những người từng sống và công tác ở bến phà Gianh, hoặc đã chết, hoặc tản mác về quê quán, hưu trí ở các nơi. Vả lại, buổi kết nạp và truy điệu ấy, diễn ra trong đêm, vẻn vẹn nửa giờ, chỉ với vài ba người…

– Quả là một hy sinh cao cả vì lý tưởng…

– Lý tưởng ư? – Huy bỗng nhếch môi giễu cợt – Sau này người ta cứ gán hào quang anh hùng cho những cái chết như thế, chứ khi ấy cha còn biết chọn con đường nào khác? Ông bà nội Huy thuộc thành phần địa chủ. Cha học xong lớp 10 không được đi đại học, thậm chí một trường trung cấp cũng không thể. Ở nhà làm xã viên hợp tác xã công điểm một ngày vài lạng thóc, không đủ sống. Vả lại trai làng đi hết, ở lại vừa lạc lõng, vừa hèn hạ, không dám ngẩng đầu nhìn ai. Để bớt một miệng ăn cho gia đình, để tránh những cái nhìn thương hại, khinh bỉ, chỉ còn cách xung phong đi bộ đội. Con trai nông thôn miền Bắc khi ấy chỉ còn cách đổi đời, cứu vớt danh dự, thoát khỏi cảnh tù túng, quẩn quanh… là đi bộ đội. “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” là cảm hứng thật của nhà thơ Phạm Tiến Duật khi ông chứng kiến cảnh những đoàn quân trùng trùng ra trận. Họ đi vào chỗ chết mà như đi trẩy hội. Bởi khi đó cả nước chỗ nào chẳng bom đạn, chẳng là chỗ chết? Đi chiến trường là hội chứng lên đồng tập thể, là cảm hứng say máu của đám đông. Huống chi, cha Huy còn có trách nhiệm với cả gia đình, cả dòng họ, là phải viết lại bản lý lịch quá đen do bậc sinh thành để lại. Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực. Cha tự thề như thế và viết đơn bằng máu xin được ra mặt trận… Nhưng với cái lý lịch xám xịt, việc đi bộ đội cũng không dễ dàng. Nhờ có tài bơi lội, nên cha mới được biên chế vào một đơn vị thanh niên xung phong bảo vệ đường thuỷ ở cửa sông Gianh…

– Còn mẹ? Sau cái đêm chia tay với cha ở bến phà?

– Ba ngày vào thăm cha ở sông Gianh ấy, chính là thời gian mạ hoài thai Huy. Khi mạ mang thai hai tháng thì có giấy báo tử cha Huy. Mạ giấu mình đã có thai, buồn chán bỏ quê chồng về nhà mẹ đẻ trên thượng nguồn sông Ngàn Sâu. Rồi mạ cũng phải mang cái bụng chửa về nhà. Không ai tin mạ có thai với cha. Cái tin mạ chửa hoang lan nhanh như gió mùa đông bắc. Bà nội và các anh chị, chú bác cấm cửa. Mạ đành phải về quê ngoại sinh con. Vì quá đau buồn lại trong hoàn cảnh khó khăn, mạ đẻ Huy khi chưa đầy tám tháng. Bà nội và các chú bác liền làm một phép tính. Vậy là rõ rồi. Tội chửa hoang càng không thể thanh minh. Năm ấy mạ mới hai mươi tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời con gái. Ba năm sau, có một đơn vị bộ đội từ ngoài Bắc đến đóng quân ở làng. Một đêm, mạ gửi Huy cho bà ngoại, đi theo đoàn quân ấy vượt Trường Sơn…

Mỹ Hằng tưới đẫm nước mắt lên mặt, lên ngực Huy. Khóc bao nhiêu cho đủ để khoả lấp, xoa dịu cho Huy những đau khổ đầu đời? Kỳ lạ, sao với Huy, Hằng lại mau nước mắt đến thế. Từng sống với hai người chồng, ngài thượng nghị sỹ John Whanscoth và tỷ phú Acthur Nicolai Akharov, nhưng ngay cả phải chia tay vĩnh viễn với họ, Hằng cũng rất dè sẻn nước mắt. Không dám tự thú, vì quá tàn nhẫn, nhưng trong đáy trái tim, Hằng biết, hai cuộc hôn nhân ấy là những giải pháp tình thế của cuộc đời nàng. Còn có thể làm gì khác ở Đà Nẵng trong những năm chiến tranh ấy, với một nữ sinh yếu đuối như nàng? Không rơi vào tay một trong hai chàng sỹ quan hải quân trẻ ngông cuồng và bất cần đời từng si mê nàng như muốn thoả mãn một thú chơi, như tấn thảm kịch trong câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn: “Mai ta đụng trận ta còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Đốt tiền mua vội một ngày vui…”, thì cũng trở thành gái bao của một quán bar, hay thê thảm hơn, sẽ sớm trở thành một chinh phụ chờ chồng, một nàng vọng phu hoá đá…

Nhưng với Huy thì khác, hoàn toàn khác. Hằng đã bị quyến rũ ngay từ cái buổi nghe Huy giới thiệu tập phóng sự của anh. Một sức hút bởi vẻ đẹp trí tuệ, một thiên tư bẩm sinh và một thế giới nội tâm phong phú, một nhãn quan độc lập, khác hẳn những người đàn ông mà Hằng đã gặp. Những con chữ của Huy không sáo mòn, hời hợt, nhạt hoét và giả dối như nhan nhản trên những trang sách thường gặp, mà nó luôn cựa quậy, sống động như chính đời sống, nó chân thật và không hề cơ hội, xu nịnh, nó giúp người đọc nhìn thấu những vấn đề cốt lõi của kiếp người, lật ngược thực tại, làm ta đôi khi phải gấp sách lại, tự vấn, tranh biện với ai đó… Những trang sách của Huy, những cuộc trò chuyện với Huy, ngay cả khi anh im lặng, mắt hoang hoải một nỗi buồn, một sự hoài nghi, cũng giúp Hằng hiểu thêm rất nhiều về lịch sử và truyền thống văn hoá, về những miền quê vốn là đất nước mình mà hầu như xa lạ.

– Anh còn nhớ cái lần chúng mình đi thuyền ngược sông Gianh không?

– Hằng cũng khóc nhè như đêm nay, ngay giữa trái tim nước Mỹ này. Em khóc cho đến khi thuyền vào cửa động Phong Nha…

– Vào chốn động tiên mà em chẳng còn tâm trí nào để hưởng thụ thiên nhiên. Lúc mình dời thuyền lên bãi nhũ đá, em thấy thương anh vô cùng. Em tự hỏi, sao cho đến bây giờ, khi em đã là người đàn bà ngoài tuổi bốn mươi, đã qua hai lần đò, đã quá dạn dĩ cuộc đời, em mới được gặp anh?

– Và anh đọc thấy điều ấy trong mắt em. Đúng hơn là qua những giọt nước mắt… Và không chần chừ gì nữa, anh đã kéo em vào lòng…

– Lần đầu tiên trong đời em biết thế nào là nụ hôn của tình yêu. Em như đang tuổi hai mươi… Anh đã chuộc lại cho em tất cả những năm tháng lầm lỡ, vô định của mình…

Hằng trườn lên người Huy, phủ lên môi anh một nụ hôn thật dài.

– Buồn cười thật. Cho đến trước khi anh sang Mỹ, em mới biết anh kém tuổi em… – Hằng bật cười, chọc ngón tay vào cổ Huy – To gan thiệt, dám yêu chị… Mà này, em hỏi thiệt nhé. Đi với em, có thấy mắc cỡ không?

Huy gật đầu, muốn trêu nàng. Nhưng Hằng lại thoáng thở dài. Lần này nước mắt chỉ hoen ra hai khoé. Hằng thấy tủi, vì nghĩ anh sẽ cả thèm chóng chán…

– Anh không có tuổi trẻ, nên lúc nào cũng cảm thấy mình già… Còn em, không phải nịnh đầm đâu nhé, ngay cả bây giờ, em vẫn thiếu nữ… Ước gì chúng mình mãi như trong câu thơ Quang Dũng: “ Em mãi là hai mươi tuổi. Anh mãi là mùa xanh xưa…”

Cái đêm ở khách sạn Four Seasons ấy, Huy thật đa tình. Huy toàn nói những lời có cánh. Nhưng quả thật, Hằng là người đàn bà không có tuổi. Trong ánh đèn huyền ảo, nàng còn đẹp hơn cả thần vệ nữ. Mấy tháng qua, mỗi lần bên nhau ân ái, Huy luôn tự hỏi, chắc nàng phải tốn tiền mỹ viện ngang cỡ nữ hoàng điện ảnh Madona nên mới có một làn da, một thân hình tuyệt mĩ nhường ấy?

***

Hình ảnh của Hằng sẽ choán hết tâm chí Huy trên suốt chuyến bay, nếu như không xuất hiện người đàn ông từ hàng ghế trên đi qua chỗ anh, kéo anh đột ngột trở về một quá vãng không xa. Người đàn ông này giờ mập hơn, phương phi hơn, nhưng đôi mắt xếch sau cặp kính cận dày, và nốt ruồi ở giữa trán thì không thể lẫn được. Không còn nghi ngờ gì nữa, đúng là tiến sỹ sinh học Phạm Đăng Sinh, thành uỷ viên, phó hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ cao Sài Gòn. Mười bốn năm trước, khoảng cuối năm 1986, trong một đợt học chính trị, Huy từng nghe ông tiến sỹ thuyết giảng tại hội trường lớn thành phố về đường lối Đổi mới do Đảng khởi xướng. Rồi ngay sau đó, Huy đã có cuộc phỏng vấn ông cho báo Việt Trẻ. Hồi ấy, tình hình kinh tế Việt Nam suy kiệt thảm hại, sa lầy sâu ở Campuchia, bị Mỹ và các nước cấm vận, đường lối bế tắc. Phạm Đăng Sinh nổi lên như một hiện tượng cấp tiến. Nhiều nguồn tin úp mở: Sinh chính là ê kíp của đồng chí TXB, đồng chí HP. Nếu phái đa nguyên sắp tới thắng thế, Sinh sẽ giữ một cương vị cực kỳ quan trọng… Huy không thể quên buổi phỏng vấn ông tiến sỹ thành uỷ viên vừa qua tuổi bốn mươi ấy. Một phong thái đĩnh đạc, một bộ óc thông tuệ, một niềm tin sắt đá. “Tớ được đào tạo từ trong lò chủ nghĩa cộng sản nên tớ hiểu nó lắm. Anh em mình nói chuyện tào lao ngoài lề, chớ có viết lên báo nhé. Lẽ ra ngay sau năm 1975 chúng ta đã phải bắt tay ngay với Mỹ và giải quyết con đường hoà hợp theo cách khác, nhất là tránh can thiệp quá sâu vào Campuchia… thì bây giờ ta đã ngang Singapore, Hàn Quốc. Phải coi cái mốc 1975, là đã kết thúc một giai đoạn. Đúng sai rồi lịch sử sẽ phán xét. Nhưng không thể đi con đường cũ, không thể lấy miền Bắc chụp cho miền Nam. Đã đến lúc phải đa nguyên, đa nguyên chính trị đồng thời đa nguyên kinh tế, văn hoá, xã hội… Mô hình độc đảng, toàn trị như Liên Xô và các nước Đông Âu tất yếu sẽ sụp đổ… Hơn lúc nào hết chúng ta phải nghĩ đến Tổ quốc chứ không phải giai cấp như ông Mác, ông Lê xui dại…” Nghe ông tiến sỹ thành uỷ viên nói mà Huy nổi da gà. Phải có kiến văn sâu rộng và tầm nhìn xa lắm, phải có những ai đó thế lực lắm trên thượng đỉnh ngoài Hà Nội chống lưng, mới dám nói năng như thế. Buổi phỏng vấn ấy rất lý thú, nhưng Huy không viết bài. Anh là phóng viên trẻ, vừa từ chiến trường Campuchia về, chưa khẳng định được vị trí trong toà soạn và uy tín nghề nghiệp. Vả lại, có viết cũng không báo nào dám đăng. Bẵng đi hơn một năm, Huy trở lại trường Đại học tìm Sinh thì được biết, ông tiến sỹ đã chuyển đi nơi khác. Nơi khác nào? Có người thì thào: Cầm đèn chạy trước ô tô, hăng máu vịt đòi đa nguyên đa đảng, ngồi chơi xơi nước rồi. Người khác lại bảo: Đang ngồi bóc lịch. Vào Chí Hoà mà tìm.

Mười lăm năm qua, nhiều lần Huy đã chủ tâm tìm kiếm vị tiến sỹ thành uỷ viên bỗng dưng mất hút như bị phép ma thuật, trên khắp dải đất hình chữ S, nào ngờ giờ đây ông đang hiện diện ở nước Mỹ, đang trên cùng chuyến bay với Huy về San Francisco.

– Xin chào tiến sỹ Phạm Đăng Sinh – Huy chủ động hỏi khi máy bay vừa dừng trên đường băng.

Ông khách nhìn sững, mắt kính dày như hai pha đèn dọi thẳng vào Huy, rồi ông reo khẽ:

– Huy nhà báo phải không? Mình vẫn đọc ông trên mạng… Sang đây như bọn mình hay đi công tác?

Câu hỏi mách bảo Huy rằng ngày ấy ông tiến sỹ đã trốn khỏi Sài Gòn theo con đường vượt biên. Chuyến bay duy nhất chỉ có hai người gốc Việt, cho nên họ nhanh chóng trở nên thân thiết.

– Hiện mình với vợ con đang sống ở Toronto, Canada. Hồi ấy mình không chuồn nhanh thì bị tống vào nhà đá. Chuyện mình sang bên này khác nào vượt qua bẩy tầng địa ngục, khổ ải trầm luân lắm, kể cả ngày không hết…

Huy chợt buồn ngơ ngẩn. Hàng triệu cuộc ra đi. Hàng triệu cảnh trầm luân, đoạ đày… Thế hệ đầu tiên của người Việt xa xứ, mỗi cuộc đời là một thiên tiểu thuyết.

Khi hai người ra tới cửa nhà ga, tưởng như phải chia tay nhau đi hai ngả, nào ngờ, đón họ lại là một đoàn. Việt Yến, Đoan Diễm và David Bùi tíu tít chạy lại ôm hôn và đỡ hành lý cho Huy, còn bà Nhạn và Thuyền Nhân thì trang trọng và thân thiết tặng hoa ông Sinh và giới thiệu ông với mọi người.

– Anh em tôi nhận ra nhau từ trên máy bay. Hoá ra lại là người quen biết từ ngày còn ở Sài Gòn – Ông Sinh nói với bà thông gia – Còn ông Huy có biết quan hệ giữa tôi và gia đình bà Nhạn đây là thế nào không? Chúng tôi là thông gia với nhau đấy. Thằng Lương VĩnhToản con trưởng nhà văn Nhân Mục lấy con Phạm Thu Huyền nhà tôi. Hai vợ chồng cháu hiện đang sống ở Vancouver.

Hai chiếc xe do hai tài xế Thuyền Nhân và David Bùi lái, nối đuôi nhau theo đường lên cầu Bay Brigde. Đây là tuyến đường vòng do ông Phạm Đăng Sinh chọn. Mỗi lần về San Francisco, ông Sinh luôn muốn đi con đường này để được phóng tầm mắt trên mênh mông vịnh biển. Ông bảo, từ đây, phóng tầm mắt qua Cổng Vàng, nhìn xuyên đại dương mênh mông sẽ thấy quê nhà. Rất nhiều lần qua đây, đêm về ông lại nằm mơ mình được tắm ở những bãi biển Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu… Cũng đi con đường này, ngang qua khu Evergreen, ông Sinh lại được ngắm những thảm hoa vàng, mềm mại non tơ như những cánh đồng cải ngồng quê Việt trải dài như bất tận…

– Ông Huy còn nhiều diễm phúc hơn chúng tôi, vì ông luôn được sống giữa lòng quê Việt, luôn được nhìn thấy những mùa hoa cải vàng bên sông, luôn được tắm biển ở Nha Trang, Vũng Tàu… còn tôi ở tận miền đông Canada muôn vàn cách trở, chỉ mỗi lần về Cali mới được hoài vọng về cố hương…

Câu nói của ông Sinh, như muối sát vào lòng bà Nhạn, khiến bà phải lấy khăn tay chấm mắt. Cử chỉ ấy bỗng làm Hành bối rối. Anh cho xe đi chậm lại, lánh sang lane phía ngoài và quay sang nói với mẹ:

– Hay chúng ta ghé Grand Century ăn trưa. Con sẽ nhờ bạn đón ba và bác Thái Đàm đến…

Bà Nhàn vội xua tay:

– Về nhà mình con ạ. Mẹ và Việt Yến đã chuẩn bị cơm sẵn rồi. Ba và bác Đàm đang chờ…

***

Cuộc hội ngộ đông vui đến không ngờ. Ba ông già như bạn cố tri, thật là tri âm, tri kỷ, chuyện này níu sang chuyện kia, bất tận.

Loáng cái, bà Nhạn và Việt Yến được sự trợ giúp của Đoan Diễm đã hoàn tất một bàn tiệc bốc khói thơm lừng. Toàn món ăn Việt: Gà luộc rắc lá chanh, chân giò nấu giả cầy, nem Sài Gòn, giò chả Bắc, đặc biệt có món canh cua đồng nấu mướp rau đay và cà muối ăn với cơm gạo Nàng Hương. Tất cả nguyên liệu này bà Nhạn đều mua tại khu thương mại của người Việt ở San Jose, ngay cả những món rau thơm hai miền Nam Bắc, cả thịt chó mắm tôm, lòng lợn tiết canh… cũng luôn sẵn như quê nhà.

Ông Sinh mở va ly lấy ra một chai rượu trong vắt, đặt giữa bàn tiệc:

– Đây là chai rượu làng Vân chính hiệu, một người bà con vừa từ Việt Nam mang sang biếu tôi. Làng Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, quê hương của loại mỹ tửu nổi tiếng này, giờ chỉ còn một người đàn bà nắm được công thức men và bí quyết nấu rượu truyền thống làng Vân, đó là bà cụ Tom, năm nay cũng đã hơn tám mươi. Nào, cháu Hành, rót rượu để mời ba mẹ và bác Thái Đàm cùng mọi người.

Cả Thuyền Nhân và Việt Yến, Đoan Diễm cùng tíu tít, lấy ly, rót rượu, mang đến từng người. Riêng David Bùi thì cứ ngồi ngẩn ngắm Diễm và chờ đợi ánh nhìn của nàng, nhưng càng lúc càng thất vọng vì chỉ thấy những ánh mắt như có lửa của Diễm luôn quấn quýt lấy Thuyền Nhân.

Rượu làng Vân và những món ăn quê kiểng chỉ làm ba ông già càng thương nhớ quê nhà. Để mặc cho bọn trẻ cụng ly, chúc tụng, ba ông chụm nhau một góc. Ông Sinh lại lấy từ trong va ly ra tập tư liệu vừa chữ nho, vừa bản dịch chữ Việt dày đến gang tay xếp trên bàn, rồi thao thao thuyết trình:

– Đây là tài liệu mới nhất về Mạc tộc ở Việt Nam. Còn đây là tài liệu cuộc hội thảo về Dương Kinh. Đây là tư liệu về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với triều đại nhà Mạc… Tính từ đời cụ thuỷ tổ Mạc Hiển Dĩnh phát tích từ làng Long Động xã Nam Tân huyện Nam Sách, Hải Dương, làm quan đến chức Thượng thư, Hàn lâm viện học sỹ, đời vua Lý Nhân tông, thì tôi và ông Thái Đàm thuộc đời thứ 26. Nếu tính từ đời viễn tổ lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, một nhà đại văn hoá thời Trần, thì chúng ta thuộc đời thứ 19. Thế mới biết sức sống quật cường của dân tộc Việt. Năm 1592, Trịnh Tùng phò vua Lê đánh tan quân Mạc, nhà Mạc thất thủ Thăng Long lên cố thủ ở Cao Bằng 85 năm nữa. Để tránh khỏi bị tàn sát và trả thù, con cháu họ Mạc đổi họ thay tên phát tán đi khắp nơi, với nguyên tắc “khử túc bất khử thủ”,” biến dị nhi đồng”, chữ Mạc có thể đổi thành các chữ khác, bỏ các nét chân nhưng giữ bộ “thảo đầu” hoặc nét đầu làm dấu để sau này nhận ra nhau. Lại có nguyên tắc nữa, là lấy chữ Đăng làm tên lót họ, như Lê Đăng, Phan Đăng, Nguyễn Đăng…, hoặc lấy họ Mẹ (Bùi, Đặng) làm họ để sau này nhận ra nhau… Vì thế, họ Mạc đổi thành Hoàng, Phạm, Phan, Lều, Liêu, Tô, Thái, Bùi, Đặng, Tạ, Lê Đăng, Nguyễn Đăng… nhiều tới 55 họ, với hơn 500 chi, ở rải rác tại 32 tỉnh thành cả nước và các châu lục trên thế giới… Kỳ lạ lắm các vị ơi, đây là đôi câu đối sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, quan đầu triều Mạc và người thầy của mấy đời vua Mạc: “Tứ bách niên tiền chung phục thuỷ/ Thập tam thế hậu dị nhi đồng”, tức là, “Bốn trăm năm trước, cuối cùng trở lại như ban đầu/ Mười ba đời sau dù khác biệt vẫn tìm lại nguồn chung” . Ấy là vào năm 1992, đúng sau 400 năm kể từ năm 1592, năm nhà Mạc thất thủ Thăng Long, ứng nghiệm với lời sấm Trạng Trình, hậu thế lại bàn đến nhà Mạc, lại tháo cởi cho nhà Mạc cái tiếng Nguỵ triều đã từng bị các triều Lê, Nguyễn xoá khỏi lịch sử, bôi bẩn trong lịch sử, hoặc viết, nhận định, đánh giá khác đi, sai lệch đi. Và đúng mười ba đời, kể từ cuộc tao loạn cuối thế kỷ XVI đó, con cháu họ Mạc lại tìm thấy nhau, lại quy về một tổ tông. Bằng phương pháp nghiên cứu Tân sử học (New history), Xã hội sử học (Social history), các nhà khoa học lịch sử đã bắt đầu xới lên những cuộc thảo luận, bàn định lại về triều đại nhà Mạc, để rồi, năm 1994, cuộc hội thảo khoa học đầu tiên tầm cỡ Quốc gia về Vương triều Mạc được khởi phát tại Kiến Thuỵ, Hải Phòng, nơi phát tích của Vương triều Mạc. Nên nhớ rằng hai câu sấm này Trạng Trình viết khi triều Mạc còn đang lúc hưng thịnh. Cuộc chiến Nam Bắc triều còn đang thế giằng co. Chính Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi ấy cũng đã cho Đoan Quận công Nguyễn Hoàng mấy chữ: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, để sau này, nhờ lời mách bảo ấy mà Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đã trụ vững sau dải Hoành Sơn và mở cõi về phương nam, tạo nên một bức Đại Nam toàn đồ và một Biển Đông bao la cho con cháu như ngày nay – Ông Sinh đưa ra một trang ảnh chụp – Còn đây, là hỉnh ảnh thanh long đao của Thái tổ Mạc Đăng Dung được tìm thấy tại khu nhà thờ họ Phạm ở thôn Ngọc Tỉnh, Xuân Trường, Nam Định. Thanh long đao đã bị hoen gỉ vì chôn dưới đất ngót trăm năm, cân nặng 25,6 kilogam, dài tới 2,55 mét. Theo các nhà khảo cổ học thì đây là thanh long đao vào loại cổ nhất châu Á, có kích thước ngang với thanh đại đao của Quan Vân Trường thời Tam Quốc…

Ông Thái Đàm run run cầm tập tư liệu do ông Sinh đưa cho:

– Đây rồi. Chi họ Thái ở Lý Nhân, Hà Nam của tôi đây rồi. Theo phả hệ, chúng tôi thuộc phái hệ của thế tử Mạc Đăng Bình… Ông tổ tôi là Thái Liêm, chuyển từ Nghệ An ra từ đời vua Lê Hiển Tông…

Từ nãy, với máu nghề nghiệp, Vũ Bảo Huy vẫn thầm lặng làm nhiệm vụ phóng viên. Anh ghi âm và chụp ảnh, chuẩn bị cho một bài ghi chép, một clip tư liệu về những ngày ở Mỹ, giờ, bỗng dừng máy, góp vào câu chuyện:

– Với những tư liệu này, chúng ta sẽ kiện báo Phục Quốc về tội vu khống được rồi. Ông Thái Đàm không phải là người Hoa, mà là người Việt trăm phần trăm, là hậu duệ đời thứ 19 của lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi.

Ông Nhân Mục hưởng ứng:

– Và cần nói rõ thêm: Việc nhà cầm quyền Việt Nam xua đuổi ông Thái Đàm và vợ con ra khỏi Việt Nam năm 1979 là một tội ác. Vu ông là người Hoa để cướp ngôi nhà mặt phố Hàng Buồm, là thủ đoạn đê tiện của những kẻ mất hết nhân tính. Việc kiện có thể tiến hành sau, nhưng ngay tuần tới phải có bài trên mặt báo.

Ông Sinh giơ ngón tay trỏ, như muốn chốt lại:

– Không thể để báo Phục Quốc dùng diễn đàn thoá mạ và vu cáo những người yêu nước Việt. Tôi muốn ngay ngày mai chúng ta mời ông Thái Đàm, ông Nhân Mục, cháu David Bùi, cháu Thuyền Nhân, những người có tên trong bài báo của tác giả Linh Giác cùng anh em ta kéo đến chi nhánh tòa soạn…

***

Trong khi mọi người tranh luận sôi nổi và chuyền tay nhau cây trâm cổ mà ông Nhân Mục vừa mang khoe, thì Đoan Diễm kéo Hành ra ngoài.

– Xuống nhà kho cho em xem chiếc valy bảo vật của mẹ anh nhé – Diễm đẩy Hành đi, như cảnh sát áp tải một tội phạm.

Khi cánh cửa nhà kho đã khép lại, bóng tối, mùi ẩm mốc, mùi thời gian như từ trong các ngóc ngách cùng ùa ra, khiến Diễm bỗng đứng sững như nàng vừa lọt vào một thế giới cổ tích. Từ các góc nhà, từ những hốc tối, hàng trăm đồ vật cùng giương mắt thao láo, cùng vươn ra những cánh tay kỳ dị. Hai chiếc xe đạp mi ni hoen gỉ, bị xẹp lốp bỗng như cựa quậy. Bộ salon kềnh càng như phồng lên mời ngồi. Chiếc võng dù đu đưa như vẫn đang có ai nằm. Mấy chiếc bàn học chất đầy báo cũ bỗng lật giở soàn soạt. Vòng courroie của chiếc máy khâu ở góc phòng chợt chuyển động. Những cặp sách, ba lô du lịch nhất tề động cựa, thòi ra cả mấy chiếc bút chì. Và kia, một chiếc valy da bò đã ngả màu nâu bóng. Chiếc valy chứa hộp ống tre, trong đựng cuốn gia phả dòng họ Phạm và chiếc trâm cổ, chỉ dấu của cội nguồn… Diễm định tiến lại chiếc valy, thì ngay gần đấy bỗng loé lên con mắt độc nhỡn màu nước biển của cô búp bê có mớ tóc vàng, bị mất một cánh tay. Khốn khổ búp bê tật nguyền. Con mắt bị mất như một hốc tối sâu hút. Và cánh tay còn lại cứ chớp chới như cánh chim. Búp bê cứ ngỡ như đang gặp mẹ. Con mắt còn lại nhìn Diễm với ánh nhìn đau đớn…

Diễm đứng tựa vào chiếc giá sách hỏng, áp chặt hai bàn tay lên ngực mình. Trong đó, như có con chim nhỏ vừa muốn vùng bay ra đã vội nằm thoi thóp thở và lắng nghe tiếng vọng của sóng gió đại dương từ nơi nào xa lắm…

Câu chuyện bà Nhạn kể cho Diễm nghe, như được tái dựng lại hoàn toàn. Trong tiếng sóng gào, tiếng gió giật, tiếng súng, tiếng la hét của bọn cướp biển, có tiếng kêu thét của người chồng, của con gái và tiếng khóc chào đời của Thuyền Nhân. Chập chờn trước mắt Diễm, cô búp bê một mắt, một tay bỗng biến thành bác sỹ Hương Giang. Bác sỹ bế Thuyền Nhân lên một chiếc giường làm bằng một con sóng bạc đầu, trôi đến đảo Ruồi. Theo sau là người mẹ và hai đứa con của bác sỹ Hương Giang. Họ bước từ rạn san hô lên đảo với những bước chân máu chảy ròng ròng. Lập tức những đàn ruồi đen đặc kéo đến. Chúng làm thành những đám mây đen che kín bầu trời. Chúng bay vù vù như hàng vạn máy bay phản lực quanh Thuyền Nhân, chĩa những chiếc vòi tua tủa vào cậu bé. Hai người đàn bà và hai đứa trẻ thay nhau chống trả với ruồi và lũ dòi bọ do chúng đẻ ra, để bảo vệ Thuyền Nhân. Nhưng rồi, bác sỹ Hương Giang đã bị bầy ruồi đánh gục…

Diễm bỗng ôm mặt và khóc nấc lên.

Linh cảm như có gì sắp đổ sập sau lưng mình, Hành vội quay lại.

– Kìa Diễm… Em làm sao vậy?

Tiếng Hành thảng thốt trong khoảng tối. Diễm ôm chầm lấy anh, như thể chính nàng đang sắp chìm trên biển.

– Thuyền Nhân ơi. Em thương anh quá… Sao anh lại có thể sống sót được… đến bây giờ?

7

So với nhật báo Quê Việt, tờ báo hàng đầu của người Việt hải ngoại, tuần báo Phục Quốc sinh sau đẻ muộn hơn, nhưng ngày càng thu hút được đông đảo bạn đọc, đang có cơ vượt mặt bậc đàn anh. Người thổi làn gió mới, thay đổi toàn bộ diện mạo lẫn nội dung tờ báo không thể là ai khác, ngoài Lê Sa Biền.

Tốt nghiệp Đại học Văn khoa Sài Gòn năm 1972, Lê Sa Biền chọn hướng làm báo chuyên nghiệp, cùng lúc viết cho mấy tờ đối lập: Chánh nghĩa, Trắng Đen, Tia sáng, Văn đàn, Chính luận... Có tuần, Lê Sa Biền có bài trên cả chục tờ báo. Có dạo, ban ngày Biền dẫn đầu đoàn ký giả biểu tình chống chính phủ, tối chui vào nhà in, viết được dòng nào đưa ngay cho thợ sắp chữ để kịp phát hành vào chiều hôm sau. Với bút danh Thức Tỉnh, những bài phóng sự về phong trào đòi dân chủ, về hướng sống của thanh niên, về giấc mơ thống nhất, lúc nào cũng hừng hực lửa, thôi thúc lớp trẻ miền Nam đòi lật đổ chính quyền Sài Gòn, ủng hộ Mặt trận Giải phóng. Đã hai lần Biền bị bắt vào bót Catinat, vào khám Chí Hoà, chút nữa bị đày đi Côn Đảo.

Sau giải phóng, nhờ được coi là thành phần báo chí đối lập, lại có ông cậu ruột đại tá quân đội Bắc Việt làm trong uỷ ban quân quản thành phố bảo lãnh, Lê Sa Biền không phải đi học tập cải tạo, mà tham gia viết bài ngay cho một vài tờ báo mới. Là cây bút chủ lực của tờ Tin Sáng cho đến khi tờ báo này đóng cửa, Biền chuyển sang tờ Việt Trẻ, làm tới phó phòng phóng viên.

Sáu năm làm báo dưới chế độ Xã hội Chủ nghĩa, Biền đã hiểu thấu cốt lõi của báo chí tuyên truyền cộng sản. Hoàn toàn khác biệt, hoàn toàn đối lập với những ngày Biền làm báo dưới chính thể Việt Nam Cộng hoà. Ngày trước, không đồng tình có thể viết bài phản biện, không báo này đăng thì báo khác đăng, miễn là đúng pháp luật. Ngày trước, ngòi bút của nhà báo có thể bênh vực những người nghèo, những kẻ bị ức hiếp, nhà báo có thể đình công, ký giả có thể xuống đường ăn mày phản đối chính sách sai lầm của chính phủ. Các báo in sai phải xin lỗi, thậm chí bị kiện ra toà, chủ bút đi tù hoặc phá sản. Báo chí là quyền lực thứ tư, khắc tinh của áp bức, cường quyền. Tranh biện, phản biện trở thành động lực phát triển xã hội, làm cho xã hội minh bạch, nhân dân coi báo chí là đại diện của mình để kiểm soát guồng máy quyền lực… Bây giờ khác hẳn. Hơn sáu trăm tờ báo chỉ có một ông Tổng biên tập, một ông Tổng vô hình nhưng đầy quyền năng và không thiếu tàn bạo. Chỉ một cú điện thoại từ đâu đó, cũng đủ xoá tên một nhà báo, khiến anh ta vĩnh viễn gẫy bút.

Có lần, ra Hà Nội chơi với mấy người bạn ở cơ quan đại diện, vào dịp giao ban báo chí sáng thứ ba hàng tuần, Biền xin trưởng đại diện cho được đi dự, để biết. Lần đầu trong đời Biền được vào số 8 Nguyễn Cảnh Chân, tổng hành dinh của hệ thống chăn dắt tư tưởng. Khu nhà hai tầng vốn là trường Albert Sarraut dạy con em Pháp và số người Việt có máu mặt thời thuộc địa, nay thành công sở, vẫn giữ vẻ khoáng đạt thân mật như một học đường. Hội trường giao ban là một phòng lớn ở tầng trệt mở ra khoảng sân rộng. Có cảm giác giống lớp học ngày xưa, vẫn giữ nguyên những bộ bàn ghế học trò, chia làm ba dãy, mỗi bàn là ba tổng biên tập, hoặc đại diện tương đương. Vụ báo chí Bộ Văn hoá, đại diện Tổng cục chính trị Quân đội, Tổng biên tập các báo lớn, như báo Nhân Dân, Quân Đội, Tiền Phong, Phụ Nữ, Đại Đoàn Kết, Văn Nghệ… thường chiếm mấy hàng bàn đầu, như các lớp trưởng, lớp phó, hoặc ban cán sự. Tổng biên tập, trưởng đại diện các báo nhỏ, các chuyên viên theo dõi báo chí một số bộ, ban, ngành ngồi các dãy bàn sau. Có hôm, có sự kiện quan trọng, liên quan đến một bộ chủ quản nào đó, thành phần mời giao ban còn đông hơn, thêm cả các bộ, ban, ngành, tòa án, viện kiểm sát, thậm chí đại diện các tỉnh có liên quan…, đại biểu phải kê thêm ghế hoặc đứng phía dưới, ngoài hành lang.

Đúng giờ giao ban, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá, cùng các phó ban, vụ trưởng các vụ trực thuộc, trong đó người đề dẫn thường là vụ trưởng báo chí, từ các phòng kế bên, từ trên tầng hai, lục tục vào hội trường. Lần đầu tiên Biền thấy mặt trưởng ban, một ông già lưng còng, tóc bạc rễ tre, trán ngắn, mắt lồi, có giọng nói khàn nhưng trầm và vang. Ông chậm rãi bước đến trước bục, phía dưới tấm bảng đen, hai tay chắp vào nhau, đưa lên ngang trán, rung rung: “Kính chào các đồng chí!”. Rồi ông nở nụ cười hết cỡ. Ai cũng thấy ông cười với riêng mình. Biền chột dạ, muốn lẩn đi, vì anh không phải đại biểu tham dự cuộc giao ban này, nhưng ông trưởng ban đã giơ tay chào Biền: “Đại biểu mới hả? Hoan nghênh báo Việt Trẻ, đại diện cho phương nam thân yêu”. Môi Biền méo xệch, thấy rưng rưng một niềm xúc động.

Lúc ấy, Biền như nuốt lấy từng lời. Sau khi đồng chí Vụ trưởng nói về tình hình báo chí tuần qua, nhấn mạnh ưu khuyết điểm của vài tờ báo, phương hướng tuyên truyền và những vấn đề cụ thể cần xuất hiện trên mặt báo tuần tới, đến lượt đồng chí Trưởng ban. Ông bước lên bục, lia đôi mắt kính như quyét rađa, rồi như thầy giáo trước bầy con nít, thao thao bất tuyệt cho đến hết giờ.

– Các đồng chí ạ, có những vấn đề nhạy cảm, có những vấn đề thuộc về bí mật nội bộ, báo chí cần tránh đề cập đến. Tôi đã nhắc nhở các đồng chí nhiều lần rồi. Vậy mà số báo ngày 12, ba tờ báo cùng nhất loạt đưa lên một vấn đề hết sức nhạy cảm. Tổng biên tập ba tờ báo hôm nay có đây không? – Trưởng ban quắc mắt nhìn xuống chỗ ba cánh tay vừa giơ lên, như ông thầy nghiêm khắc quở trách học trò – Tôi đề nghị ba ông Tổng biên tập đứng lên cho mọi người cùng thấy. Đó, ba chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hoá tư tưởng của Đảng đó. Rõ là vạch áo cho người xem lưng, chưa? Lạy ông tôi ở bụi này, chưa? Sáng nay BBC và RFA nó vừa bêu riếu chúng ta đấy. Đành rằng một ông bí thư tỉnh uỷ có thể khai lý lịch không kín kẽ, hoặc hơi man trá một tí, để được phong anh hùng lực lượng võ trang. Nhưng đây là câu chuyện nội bộ, là bí mật của tổ chức. Bảo vệ cán bộ tức là bảo vệ Đảng. Đồng chí bí thư đó đang thay mặt Đảng lãnh đạo một tỉnh lớn mấy triệu dân, đang giữ vai trò nòng cốt của Đảng ở một địa bàn hết sức nhạy cảm, các đồng chí có biết không? Bới bèo ra bọ như thế có dụng ý gì? Các thế lực thù địch nó chỉ chờ cơ hội nội bộ chúng ta đấu đá nhau để kích động quần chúng vô hiệu hoá vai trò của Đảng, đòi chia quyền lãnh đạo của Đảng. Hãy nhớ lời di chúc của Bác Hồ: “Giữ đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bây giờ bới cái chăn ra, tìm rận, thì cái chăn nào chẳng có. Và thế là đã làm hoen ố, làm mờ đục con ngươi của mắt mình. Tội với Đảng to lắm các đồng chí ạ. Chưa hết, tờ Thuần Phong ngay trong số báo cuối tuần vừa rồi, lại có luôn bài điều tra về đồng chí hiệu trưởng HG cưỡng dâm học trò ngay trong phòng lãnh đạo. Dơ dáy quá. Khốn nạn quá. Các anh làm báo kiểu gì thế? Báo chí gì mà lúc nào cũng cướp, giết, hiếp, mở ra là thấy học trò đánh thầy giáo, bố chồng hủ hoá với con dâu, công an đóng vai anh hùng Núp trấn lột người đi đường… Trong khi cả nước có bao nhiêu tấm gương trên các mặt trận lao động sản xuất, bảo vệ chủ quyền, nghiên cứu, phát minh… thì các anh không đưa, toàn đưa chuyện giật gân, câu khách…”

Một cánh tay, rồi một người cao gầy, kính trắng, đột ngột đứng dậy:

– Thưa đồng chí trưởng ban, theo tôi, loạt bài về đồng chí bí thư và thầy hiệu trưởng vừa nêu không phải là giật gân câu khách, mà là sự thật… Đó là nhiệm vụ của báo chí…

Ông trưởng ban giật phắt cặp kính, đôi tròng con ngươi như muốn bắn về phía người vừa nói, rồi chắp hai tay, điệu bộ như một kịch sỹ humour tài ba:

– Con xin lạy bố… Làm báo cách mạng mà bố lại muốn đưa hết những sự thật trần trụi này lên, thì chỉ ba bữa, chính quyền do chúng ta gây dựng lên, tôi xin nhắc lại, chính quyền công nông do Đảng ta tạo dựng lên bằng biết bao xương máu của hàng chục triệu người, của các thế hệ… chỉ vài tháng sẽ sụp đổ. Chỗ này, lại phải quay lại lập trường Marxit – Lêninit, phải quán triệt chuyên chính vô sản, như Lênin đã dạy. Không thể lẫn lộn báo chí cách mạng và báo chí tư sản. Nói toẹt ra là ta phải dùng thủ đoạn, thủ đoạn cách mạng các đồng chí ạ. Mặt trận tư tưởng, cụ thể là báo chí tuyên truyền, là thứ vũ khí mà Đảng ta quyết không để rơi vào tay kẻ khác. Lênin vĩ đại thính nhạy vấn đề này lắm. Người nói, một khi tuyên truyền đã ngấm vào quần chúng thì nó có sức mạnh hơn cả một đội quân… Kinh chưa? Cùng với quân đội và công an, đội ngũ trí thức trong các hoạt động báo chí truyền thông, văn học nghệ thuật, khoa học giáo dục… tạo thành ba quả đấm thép bảo vệ Đảng và chính quyền. Đừng ảo tưởng Đảng ta sẽ cho phép có báo chí, xuất bản tư nhân. Mặt trận báo chí truyền thông phải được định hướng từng ngày. Mỗi tổng biên tập phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Đảng về tờ báo của mình. Lát nữa tôi sẽ nói kỹ, chỉ ra từng việc cần tuyên truyền trong tuần tới…

Lê Sa Biền như thấy mình đang rơi xuống tầng địa ngục. Những lời từ chính mồm ông trưởng ban thốt ra, khiến Biền kinh sợ. Anh có cảm giác như bộ mặt ông trưởng ban với đôi mắt lồi, cái mũi nhọn, như mỗi lúc một vuốt dài ra, và cái lưỡi đỏ lòm uốn éo như một con rắn độc…

Sau chuyến ra thăm Hà Nội ấy, Biền không còn một chút hứng thú gì với công việc làm báo. Cũng thời kỳ ấy, anh bị ngồi chơi xơi nước vì loạt bài phóng sự điều tra về vụ ăn hối lộ ở cảng biển K. Quá bế tắc và ngao ngán, Biền lặng lẽ móc nối với đường dây tổ chức vượt biên. Hai năm sau, Biền và vợ con đã đến được miền đất hứa bờ tây nước Mỹ.

Hơn mười năm trên xứ người, Biền kiếm sống bằng những nghề không dính líu gì đến báo chí. Sửa chữa và kinh doanh ô tô; kinh doanh nhà hàng; dạy học môn lịch sử ở trường phổ thông… Nhưng rồi anh vẫn không trốn khỏi nghiệp làm báo. Anh vẫn không nguôi ngoai một hoài bão được làm báo như cái thuở ban đầu, được vạch mặt một nền báo chí giả dối, lừa phỉnh mà anh từng biết. Thời cơ ấy đã đến. Ông chủ bút tờ Phục Quốc chết vì bệnh ung thư, mấy người bạn liền bỏ tiền mua lại, rồi rủ Lê Sa Biền về, cùng chấn hưng tờ báo.

Ý thức được tính cạnh tranh, từ ngày Lê Sa Biền làm tổng biên tập, nhận ra tờ Quê Việt dường như có khuynh hướng thân Hà Nội, ông liền đẩy tính khác biệt của tờ báo lên tầm đối kháng. Đối kháng ở nội dung bài vở, học thuật; ở đội ngũ cộng tác viên; ở chế độ nhuận bút; ở hình thức trình bày; ở phương thức phát hành, huy động quảng cáo… Nhưng quyết liệt nhất, cơ bản nhất vẫn là đối kháng về lập trường tư tưởng: Không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, thể chế toàn trị cộng sản. Chiến đấu đến cùng cho một nước Việt không cộng sản, một nước Việt hòa đồng với thế giới Tự do.

***

Khi nhà văn Nhân Mục cùng Vũ Bảo Huy dẫn một đoàn trên chiếc Land cruise chín chỗ đến toà sọan báo Phục Quốc, thì tại đây đang có một cuộc seminar. Hội trường có sức chứa hơn hai trăm người, đông chật không còn ghế trống. Diễn giả là một Việt kiều quốc tịch Pháp sang California theo lời mời của Hiệp hội người Việt hải ngoại.

Vừa bước vào hội trường, nhà văn Nhân Mục như không còn tin ở mắt mình. Ông bấm tay Thái Đàm, rồi lại bấm tay Phạm Đăng Sinh ra hiệu cho hai bạn, như muốn hỏi: Ai đang đăng đàn diễn thuyết trên kia? Một thoáng nhắm mắt, nhà văn có cảm giác như đang bé lại, đang ngược thời gian trở về những phố cổ rêu mốc, mái ngói âm dương trồi sụt như những dòng nhạc nhảy múa dưới những vòm cây cổ thụ. Vụt từ trong sâu thẳm ký ức của ông, hiện lên hình ảnh cậu bé Mạc Tuyên, thường gọi là Tuyên kều, học sinh lớp đệ nhất trường tiểu học Hàng Vôi năm mươi năm về trước. Hai năm đầu cấp, Tuyên học trường Hàng Than, giữa học kỳ năm thứ ba, mới chuyển sang. Thái Đàm không biết Tuyên kều vì ngày ấy lớp Thái Đàm học ca chiều. Tuyên dễ được mọi người nhớ vì cậu ta cao nhất lớp, xếp hàng thường đứng sau cùng. Ngay tuần đầu Tuyên đã chứng tỏ là một thần đồng. Giờ tiếng Pháp nào của thầy Cao Nhuận, cậu ta cũng được mời lên đọc và chữa bài mẫu. Cho đến giờ Lương Vĩnh Nhân còn nhớ bài thơ “Hồ nước”( Le lac), trong tập “Trầm tư(Méditations) của A. De Lamartine do Tuyên kều dịch:

“ Aimons donc, aimons donc! De l’heure fugitive

Hâtons – nous, jouissons!

L’homme n’a point de port, le temps n’a point de rive

ll coule , et nous passons…..”

(Hãy yêu, hãy yêu, từng phút giây hối hả

Hãy tận hưởng mau đi đừng nấn ná

Nhân sinh không bến, thời gian chẳng bờ

Đời chảy hoài, ta trôi dạt bơ vơ…)

Năm cuối bậc tiểu học, cả hai đều đỗ vào trường Bưởi. Nhưng chỉ có Lương Vĩnh Nhân theo học hết khoá. Giữa năm 1952, Tuyên kều bỗng biến mất. Mãi sau này mới biết, Việt Minh cho người về đón mẹ con cậu lên ATK, nơi bố cậu đang giữ một trọng trách trong chính phủ kháng chiến. Năm 1954, trước khi Lương Vĩnh Nhân đi Nam, nghe bạn bè kháo nhau, ngay sau khi lên Việt Bắc, Tuyên kều được tuyển vào trường thiếu sinh quân, rồi đi học Trung Quốc, Liên Xô…

Chẳng lẽ người đang hùng biện trên diễn đàn kia lại là Mạc Tuyên, người bạn học của trường Hàng Vôi và trường Bưởi năm nào? Nhân Mục đang loay hoay tìm câu trả lời, thì Thái Đàm ghé tai ông:

– Nhà thơ Lưu Sơn. Toi không nhớ à? Hồi học trường Hàng Vôi và trường Bưởi hắn có tên là Mạc Tuyên. Không học lớp Moi, nhưng hình như học cùng lớp với Toi?

Phạm Đăng Sinh cũng thì thào:

– Nhà thơ Lưu Sơn thuộc lớp nhà thơ chống Mỹ ở miền Bắc kiêm dịch giả tiếng Nga, chuyên dịch thơ Puskin và Lecmontov. Cả hai cha con đều là nạn nhân của vụ án Xét lại. Bị tù mười năm không án. Sau trốn sang Đông Âu rồi sang Pháp…

Trời ơi, không ngờ có lúc trái đất lại bé bằng quả bưởi. Diễn giả Lưu Sơn kia chính là Tuyên kều của ngày xưa – Nhân Mục thở dài, ứa nước mắt – Cái lứa thiếu niên của ông, những học sinh trường Bưởi, trường Bonal, trường Vinh, trường Quốc học, trường Nguyễn Hoàng, trường Pétrus Ký… một thế hệ vàng, như chim bị xẻ đàn, tan tác trong hai cuộc chiến, thù hận trong cuộc nội chiến, trở thành tử thù của nhau, đối nghịch nhau một mất một còn, đa số kẻ đã bị chôn vùi trong lửa đạn, bị làm mồi cho cá đại dương. Và bây giờ, một trong số còn lại thuộc phe bại trận đang ngồi quanh đây, những mái đầu bạc trắng, những gương mặt già nua, nhàu nhĩ, hốc hác. Cả cái hội trường hai trăm chỗ ngồi này, trắng xoá những mái đầu, hiếm lắm mới có một vài gương mặt trẻ, bởi chúng không nghe được tiếng mẹ đẻ, bởi chúng đã thành công dân Mỹ, thậm chí chúng không còn nhớ chúng là người Việt. Vậy mà những con người cóc cáy già nua ngồi đây đang mang trên vai một sứ mệnh phục quốc, đang muốn cắm lại ngọn cờ vàng trên dinh Độc Lập, trên đỉnh Tháp Rùa. Mỉa mai thay, đáng thương thay là sự ảo tưởng vĩ đại. Chính Lưu Sơn, nhà thơ tài hoa kiêm dịch giả nổi tiếng, tác giả của tập tự truyện “Hộp đen quyền lực đỏ” kia, cũng chỉ như một con rối trong mắt nhà cầm quyền Hà Nội. Bay sang tận bên này Thái Bình Dương để chửi đổng về cố quốc thì còn thảm hại hơn cả một mụ nạ dòng ra mãi ngoài đồng mà chõ mồm về làng chửi cái thằng ôn dịch đêm qua vừa đè mình ra hiếp, vừa bắt trộm con gà mái tơ…

Chừng như thấy đám người đến sau thuộc loại khách sang, nhân viên toà soạn vội mời lên hàng ghế dự phòng sát ngay bục diễn giả.

– Thưa quí vị – Lưu Sơn lịch sự chắp tay chào đoàn khách mới đến rồi tiếp tục diễn giảng – Trên tay tôi là ấn phẩm “ Hối hận lúc hoàng hôn”(*) của tác giả Tri Vũ – Phan Ngọc Khuê, vừa được xuất bản tại Paris. Đây là câu chuyện tác giả ghi lại những cuộc trò chuyện với nhà triết học hàng đầu của Việt Nam, người đã có cuộc tranh luận nảy lửa trên tạp chí Les Temps Modernes với nhà văn kiêm nhà triết học lừng danh Jean – Paul Sartre, và đã thắng thế. Con người đó, không xa lạ gì với chúng ta. Đó là triết gia Trần Đức Thảo, niềm tự hào hiếm hoi về nền triết học của người Việt. Nếu cứ ở lại Paris, chắc chắn giáo sư Trần đã trở thành một tên tuổi khổng lồ và sẽ có những trước tác mang tầm thế giới. Nhưng năm 1951, vì quá yêu nước, ông đã để lại tất cả, địa vị, tiền bạc, danh vọng…, để trở về Việt Bắc, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ tối cao, cùng với nhân dân kháng chiến. Và như chúng ta đã biết, con người trí thức đích thực của giáo sư Trần, cũng như nhiều tên tuổi khác, những Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao…, đã khiến ông trở thành nạn nhân của vụ Nhân văn Giai phẩm, thực chất là một cuộc tiêu diệt khát vọng tự do của giới trí thức tinh hoa. Hơn bốn mươi năm sống như chết, từ tù nhân của chế độ toàn trị tới tù nhân của chính bản thân, giáo sư Trần sống như một cái bóng, như một ông già lẩm cẩm, cô độc trong một gian phòng khu tập thể Kim Liên, Hà Nội, ông sống đấy mà tưởng như đã trở thành thiên cổ, nếu như không có cuộc đào thoát sang Paris lúc cuối đời. Nói là cuộc đào thoát là đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bởi suốt từ khi giáo sư Trần bị quy là cầm đầu vụ Nhân văn Giai phẩm, ông liền bị tước hết danh vị, tư cách công dân, bị quản thúc, bị cách li khỏi đồng nghiệp. Cho tới khi chính quyền cộng sản

mở cửa, một vài người bạn mến phục tài năng của ông, dùng ảnh hưởng và những mối quan hệ của mình, mời ông vào Sài Gòn rồi tổ chức cho ông sang Pháp. Ấy là vào năm 1991, giáo sư Trần được sang Paris chữa bệnh, kết hợp công tác “thuyết phục và hoà giải với Việt Kiều”. Thưa quí vị, quí vị có biết vì sao phải thuyết phục và hoà giải không? Bởi như các vị đều biết, phong trào yêu nước của người Việt tại Pháp đã phát triển từ hồi đầu thế kỷ XX với những nhà yêu nước tiên phong: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc… Cho tới trước năm 1975, Hội người Việt Nam tại Pháp là hội người Việt hùng mạnh nhất toàn cầu, đã lên tới gần mười nghìn hội viên. Suốt bao nhiêu năm ủng hộ tận tình vô điều kiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở trong nước, vậy mà đến những năm 1990, số hội viên chỉ còn không quá bẩy trăm người, Việt kiều đã quay lưng với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, đòi xoá bỏ chế độ độc đảng toàn trị, thậm chí bất hợp tác với chính quyền Hà Nội. Trong thời gian tiếp xúc với giới trí thức Việt Kiều ở Paris, chẳng những giáo sư Trần không giải thích và hoà giải được gì, mà được sự khích lệ và hỗ trợ của họ, đã thức tỉnh, nói đúng hơn là đã phản tỉnh. Ông tiếp tục nghiền ngẫm những trải nghiệm bốn mươi năm nằm trong chăn cộng sản để gấp rút hoàn thành cuốn sách quan trọng nhất đời mình. Từ một tín đồ đích thực của chủ nghĩa Marx, qua nửa đời trải nghiệm sự vận hành chủ nghĩa ấy ở Việt Nam, ông đã đi đến kết luận: “Chủ nghĩa Marx là sai. Ông Marx sai. Chính ông Hegel sai, rồi ông Marx lấy lại phương pháp của ông Hegel, nên ông ấy càng sai. Cả đời Trần Đức Thảo mù quáng cả tin vào ý thức đấu tranh giai cấp của Marx, đi theo cái sai lầm của Marx. Nhìn lại quá khứ, biết bao trí thức cũng hèn như Thảo, chỉ biết theo đuôi ca ngợi lãnh tụ và đảng, ca ngợi chủ nghĩa Marx, thì Nhân dân và Tổ quốc còn biết trông cậy vào ai? Tội ác cứ tiếp tục hoành hành, xã hội cứ tiếp tục suy đồi vì giả dối, vì tội lỗi. Tất cả do đám trí thức hèn như Thảo… Ở Hà Nội họ bảo: Cứ giữ danh nghĩa ông Marx thì ăn tiền. Vậy là họ thừa biết ông Marx sai, cả ông Hồ cũng sai, nhưng nếu không thờ Bụt thì làm sao được ăn oản?” Một cuốn sách cuối đời trưng ra những điều như thế thì là chuyện động trời. Và nhà triết học số một của Việt Nam phải chết. Thưa quí vị, chúng tôi sang đây không phải để nói xấu cộng sản. Bởi không cần nói, các quí vị cũng đã hiểu đến tim đen của họ rồi. Nhưng với cái chết của giáo sư Trần, thì sự thâm độc đã đến tột cùng, thủ đoạn hèn hạ ẩn giấu dưới bộ mặt giả người kinh tởm làm sao. Ngay khi phát hiện ra ý đồ giáo sư định viết cuốn sách bóc trần chân tướng cộng sản, họ đã bí mật theo dõi từng bước đi, từng cuộc trò chuyện, tiếp xúc của ông. Để rồi chỉ đợi đến khi giáo sư định đào thoát khỏi sự kiềm toả của họ, là họ ra tay. Giáo sư Trần chết đột ngột vào tối ngày 24 tháng tư năm 1993, khi ông chuẩn bị dời Đại sứ quán để đến một nơi do Hội những người yêu mến Trần Đức Thảo thu xếp, để tiếp tục hoàn thành những chương cuối của cuốn sách. Rất có thể hậu thế sẽ mãi mãi không được đọc kiệt tác ấy, ngay cả những chương bản thảo đã hoàn thành của ông. Và cuốn sách “Hối hận lúc hoàng hôn” do những người yêu kính ông viết lại, phần nào kể với bạn đọc những trăng trối cuối đời của nhà triết học tài danh và bất hạnh …

Cả hội trường lặng đi, như cố nén trong tim những tiếng khóc. Một người đột ngột giơ tay đứng lên.

– Thưa nhà thơ Lưu Sơn, ông cũng là người đào thoát khỏi chế độ cộng sản như triết gia Trần Đức Thảo. Vậy ông có thể kể cho nghe về cuộc đào thoát của mình?

Đợi mọi người yên lặng trở lại, diễn giả chậm rãi giơ lên một cuốn sách.

– Thưa quí vị. Tôi cũng như quí vị, chúng ta đều là những kẻ bị đuổi khỏi Tổ quốc, chứ không phải đào thoát. Không ai muốn đào thoát, ngay cả khi quê hương lầm than nhất, đất nước đau thương nhất. Cuốn “Hộp đen quyền lực đỏ” này đã nói rõ điều đó. Thực ra là họ không cho tôi sống, như một con người. Ngay cả khi tôi đã được ra tù, đã đi làm ăn ở nhiều nơi, khi thì biên tập cho một tập san của ngành, khi làm phiên dịch cho một tập đoàn… nhưng họ vẫn cho người theo dõi. Chỉ đến khi tôi được một doanh nghiệp mời làm phiên dịch cho một hội chợ thương mại ở Nga, tôi mới tìm cách ở lại… Rồi tôi sang Ba Lan, Đức, và cuối cùng tìm được nơi định cư, nước Pháp. Nhân đây xin nói thêm mấy điều mà cuốn sách chưa tiện nhắc tới. Thầy Tôi, tên khai sinh là Mạc Đạt, quê gốc phủ Trường Yên, Nam Định, học sinh trường Bưởi, tham gia bãi khoá, bị đuổi học, rồi tham gia phong trào yêu nước, gia nhập đảng cộng sản từ năm 1939, sau lên Việt Bắc, do trung thành, mẫn cán, được chọn vào nhóm cần vụ vòng trong cho lãnh tụ tối cao, chuyên lo rượu ngoại và thuốc lá hảo hạng cho thượng cấp, được thượng cấp đổi tên Mạc Đạt thành Lưu Định. Thượng cấp bảo: “Tên của chú không ổn, Mạc gần nghĩa với mất chú hiểu không? Nhà Mạc từng phải chui lủi ở Cao Bằng, con cháu phải mai danh ẩn tích để tồn tại. Đã Mạc thì còn Đạt thế nào được. Chúng ta đang ở trên đất Định Hoá, tôi đổi tên mới cho chú để ghi nhớ mãi vùng quê kháng chiến”. Năm 1952, cha con gặp nhau tại ATK, việc đầu tiên là thầy tôi đổi tên cho tôi. “Thầy được lãnh tụ tối cao đổi họ tên là Lưu Định, nay thầy đổi tên cho con là Lưu Sơn, để ghi nhớ muôn đời vùng sơn cước thần thánh này”.Thầy tôi bảo thế hôm tiễn tôi đi học trường thiếu sinh quân bên Nam Ninh, Trung Quốc. Ba năm sau, tôi tiếp tục được đi học ở Liên Xô. Vậy là cả nhà tôi hàm ơn cách mạng, một lòng đi theo cách mạng. Thầy tôi, những năm 1966,1967 trước khi về nghỉ hưu, được điều sang Liên Xô, đặc trách công tác ngoại thương. Đây vừa là cách trả ơn người tiền bối cách mạng, vừa là cách đẩy khéo để nhường chức quyền cho phe phái đang nắm quyền lực. Còn tôi, năm ấy vừa lên chức trưởng phòng dịch thuật của một nhà xuất bản. Nhưng rồi, thưa các vị, phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí. Do phe cánh cộng sản đánh nhau, do nội bộ cộng sản Hà Nội muốn thanh trừng nhau, thầy tôi đột ngột bị gọi về nước, bị vu cho là gián điệp của Liên Xô, là trong nhóm cầm đầu Xét Lại. Bị bắt giam Hoả Lò, ông phát điên, nửa đêm tru như chó sói… Chỉ hai tháng sau, tôi bị bắt khi đang đạp xe trên đường từ cơ quan về nhà. Tôi bị giam ngay cạnh buồng thầy tôi. Một năm sau, vì bệnh điên của thầy tôi phát nặng, ông được thả về nhà cho mẹ tôi chăm sóc, còn tôi tiếp tục trải qua bẩy trại giam trong tám năm nữa, cho tới năm 1976 mới được tha nhưng không có bản án… Các quý vị có thể đọc tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” vừa xuất bản đã bị thu hồi của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, một người bạn trong vụ án Xét Lại như tôi, để hiểu về nhà tù cộng sản…

———————————–

(*) Sau này xuất bản có tựa đề: ”Trần Đức Thảo, những lời trăng trối”.

H.M.T.

Comments are closed.