Mênh mông chật chội… (7)

Lại Nguyên Ân

NHÌN THẲNG VÀO THỰC TRẠNG

Bài viết của tôi Vẫn trong vũ điệu của cái bô mà báo Tiền phong chủ nhật số 42 (19/10/2003) đăng với nhan đề Có một “công nghệ” chế tạo tiến sĩ như thế? và tuần báo Văn nghệ số 43 (25-10-2003), đăng với nhan đề ban đầu của tác giả, đã gây được sự chú ý đáng kể của bạn đọc. Ngoài những bài phản hồi mà cả hai tờ báo trên đã đăng tải, tôi còn nhận được một số phản hồi khác, qua điện thoại, qua thư riêng và qua cả …đơn từ riêng nữa. Bên cạnh những ý kiến đồng tình lẽ tự nhiên là có những ý kiến phản đối, nhưng hơi ngạc nhiên là mấy lá đơn “tập thể” của các nhóm nghiên cứu sinh học trò thầy S. thầy H., họ đoan quyết − một cách không cần thiết − rằng các ông thầy hướng dẫn luận án của họ công minh đúng đắn lắm, họ đòi tác giả bài báo phải xin lỗi, họ đòi cơ quan Hội Nhà Văn có hình thức kỷ luật người viết bài báo ấy…

Không cần phải ghi chú gì thì ai cũng thấy bài báo của tôi nói đến một thực trạng chung. Nhân báo Tiền phong chủ nhật kết thúc những trao đổi xung quanh bài báo của tôi, tôi muốn nói thêm, không phải để trả lời riêng bất cứ ý kiến nào, mà để nói rõ hơn về thực trạng mà chúng ta cùng quan tâm, cái thực trạng có thể trở thành một vấn nạn xã hội. Đó, không gì khác, chính là:

1) xung quanh vấn đề chất lượng đào tạo học vị tiến sĩ;

2) xung quanh vấn đề tấn phong các chức danh giáo sư, phó giáo sư.

[Trước khi bàn vào 2 vấn đề trên, xin được mở ngoặc để nói một điều hơi khác nhưng có liên quan này: Việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở ta hiện được gọi là đào tạo “sau đại học”. Theo tôi, cách gọi này không chính xác. Người ta biết hầu khắp các nước chỉ tồn tại hai loại hình nhà trường: phổ thông và chuyên nghiệp; bậc cao nhất của trường chuyên nghiệp là đại học; trường đại học có sản phẩm thông thường và phổ biến nhất là đào tạo ra người có học vị cử nhân, nhưng cũng đào tạo cả các bậc học vị trước (dưới) cử nhân và sau (trên) cử nhân. Trước cử nhân, ví dụ, có hệ thống đại học đào tạo ra bậc associate (Việt Nam chưa đào tạo bậc này nên chưa có tên gọi tương đương; đây là bậc mà người đã đỗ tú tài học thêm 2 năm sẽ đạt được). Sau cử nhân, tuỳ hệ thống đại học, có khá nhiều bậc học vị được đặt thành quy chế đào tạo: “diploma” (cử nhân học thêm 8 tháng hoặc 1 năm), “thạc sĩ”, “phó tiến sĩ”, “tiến sĩ”. Tất cả các học vị này đều “ra lò” từ trong trường đại học. Không đâu hoặc chưa đâu trên thế giới có loại hình trường sở “trên đại học”, “sau đại học” cả. Công việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở ta hiện nay có lẽ nên được gọi là “đào tạo sau cử nhân”,− như ông Phan Đình Diệu đã có lần gợi ra, − thì hợp lý hơn]

1- Xung quanh vấn đề chất lượng đào tạo học vị tiến sĩ, bài viết của tôi nằm trong loạt ý kiến tham gia thảo luận về giáo dục đại học do tạp chí Tia sáng (bộ Khoa học và công nghệ) tổ chức từ đầu năm 2003 và hiện vẫn đang tiếp tục. Có người đặt câu hỏi: Bao giờ ta mới ngưng sản xuất tiến sĩ giấy? Có người tìm căn nguyên từ xa xưa ở lối học cử tử, học để đi thi, học để làm quan, v.v…

Tạm bỏ qua vô số sắc độ biểu cảm của những người góp ý kiến, có thể thấy mấy điểm nhận xét chung.

Một là, chương trình, quy trình đào tạo học vị tiến sĩ ở Việt Nam hiện có chuẩn khá dễ (nghĩa là khá thấp), nhất là ở các ngành học về xã hội nhân văn.

Hai là, việc thực hiện và quản lý thực hiện chương trình ấy vẫn còn khá lỏng lẻo; sự lỏng lẻo ấy khiến phía các nghiên cứu sinh có thể nhờ viết, thuê viết luận án, có thể “đạo văn” từ các công trình đã có (tuy việc bắt quả tang bao giờ cũng rất khó); sự lỏng lẻo cũng khiến phía “quan trường”, tức là các hội đồng chấm luận án, được phép áp dụng những biên độ quá rộng cho sự đánh giá, giành cả chỗ cho những thương lượng, châm chước; cuối cùng nghiên cứu sinh nào cũng bảo vệ thành công.

Ba là, dù không phải không có những nơi thực hiện nghiêm túc, dù không phải không có những nghiên cứu sinh giỏi thật, đạt học vị tiến sĩ là đáng thật, ta vẫn không báo bỏ được một sự thực là các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ do các cơ sở ở Việt Nam đào tạo ra vẫn chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam; trong khi đó các chứng chỉ cử nhân, thạc sĩ, phó tiến sĩ, tiến sĩ đào tạo ở các nước ngoài lại đương nhiên có giá trị khi vào Việt Nam, thậm chí còn được đánh giá cao hơn các văn bằng tương đương trong nước.

Người dân thường nghe chuyện này có thể đặt câu hỏi: vì sao những thứ như cá ba sa, tôm các loại, sản xuất ở Việt Nam mình đây, khi xuất sang các nước lại được thừa nhận về chất lượng, thậm chí có khả năng cạnh tranh với sản phẩm nội địa cùng loại đến nỗi bị người sản xuất sở tại gây chuyện khiếu kiện bán phá giá, v.v.; vậy mà những văn bằng chứng chỉ mang nhãn Việt Nam, ra khỏi biên giới lại hết hiệu lực! Sao vậy?

Một người dạy đại học lâu năm, trả lời phỏng vấn của báo chí gần đây, thừa nhận: Chúng ta không có một trường đại học nào được quốc tế công nhận là đủ tiêu chuẩn; ngay ở Đông Nam Á, ta cũng đang ở hàng cuối và ngày càng tụt hậu. Song sự nhận thức như vậy không ngăn cản ông ta và các đồng nghiệp tiếp tục tăng tốc sản xuất ra các thạc sĩ, tiến sĩ “nhãn hiệu VN”!

Một người Việt dạy môn kinh tế ở một trường đại học của Nhật Bản, ông Trần Văn Thọ, từng tham gia đào tạo nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ, dăm bảy năm nay nhân các lần về giảng dạy ở Việt Nam, đã lưu ý xem xét việc đào tạo “sau cử nhân” ở trong nước. Ông đã nêu kiến nghị trên báo Nhân dân, đã thuyết trình không chỉ một lần về vấn đề này trước các giới chức hữu quan. Cho đến gần đây, ông vẫn thấy tình hình không mấy lạc quan. Ông viết:

“Theo tôi việc văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam tiếp tục là đối tượng bị chế giễu trong thiên hạ nhưng người ta vẫn tiếp tục đổ xô vào việc lấy bằng và nhà nước vẫn tiếp tục cho đào tạo và cấp bằng này là do chúng ta hiểu chưa đúng về chuẩn mực của luận án tiến sĩ nói riêng và trình độ của người được cấp bằng tiến sĩ nói chung, cơ chế đào tạo quá lỏng lẻo, tiêu chuẩn của giáo sư hướng dẫn không được quy định nghiêm túc, chưa xác lập được cơ chế đánh giá khách quan về luận án tiến sĩ và suy nghĩ sai về ý nghĩa của văn bằng này”(Trần Văn Thọ, Bàn lại vấn đề học vị Tiến sĩ // Tia sáng, số 17, tháng 9/2003).

Sau khi diễn giải các nhận xét này, ông Thọ kết luận: Việt Nam phải đứng trước sự lựa chọn: “1/ Duy trì cơ chế hiện tại, tiếp tục sản xuất bằng tiến sĩ theo tiêu chuẩn của riêng mình và văn bằng này xem như hàng nội địa chỉ tiêu thụ tại nước mình.2/ Xem học vị tiến sĩ sản xuất trong nước phải tương đương hoặc gần tương đương với văn bằng ở nước ngoài”(Tia sáng, số và bài dẫn trên). Ông Trần Văn Thọ khẳng định: “Việt Nam hiện nay chưa đủ điều kiện để đào tạo và cấp hàng loạt văn bằng tiến sĩ” (Tia sáng, số và bài đã dẫn).

Đó là một ví dụ về cách nhìn vấn đề ta đang bàn, − một cách nhìn từ ngoài vào. Chẳng rõ trong các giới tham gia đào tạo và quản lý việc đào tạo học vị tiến sĩ, có thể có được bao nhiêu người chia sẻ cách nhìn nêu trên? Câu hỏi này, đúng hơn, việc trả lời câu hỏi này là quan trọng, bởi dư luận dù có lúc sôi sục, vẫn sẽ là uổng công nếu các giới tham gia đào tạo và quản lý đào tạo học vị tiến sĩ chưa có chuyển biến về quan niệm và hành động.

Ở một phương diện khác, loại trừ những tính toán vụ lợi, việc vươn tới các học vị thạc sĩ, tiến sĩ có thể được hiểu như nỗ lực vươn tới trình độ cao về học vấn, chuyên môn, một nỗ lực về tri thức của cá nhân. Nhưng cũng cần phải hiểu rằng trình độ cao, được thừa nhận bằng những chứng chỉ những văn bằng…− chỉ là cơ sở để từ đó đạt tới những cái khác: kết quả hoạt động nghiên cứu, sáng chế, phát minh mới là chỗ cho những người đã được thừa nhận là có trình độ chuyên môn cao (cỡ thạc sĩ, tiến sĩ) vừa tự chứng tỏ trình độ của mình vừa có sự cống hiến cho xã hội. Thêm nữa, trong khi có cả ngàn người góp các bản tiểu sử và tên luận án tiến sĩ lại để in thành các tập “Tiến sĩ Việt Nam thời hiện đại” rồi bỏ tiền mua về hãnh diện trưng ở nhà, bằng lòng với cách tự chiêm ngưỡng như vậy, thì lại có những người học vấn chỉ ở mức trung học thậm chí sơ trung, mầy mò chế tạo được máy cắt lúa, máy hút bùn…đem lại lợi ích nhỡn tiền cho cộng đồng, thì cả dư luận xã hội lẫn những cá nhân học vị cao cũng nên có cách nhìn tương đối về giá trị của các chứng chỉ, các văn bằng.

Khoa cử Việt Nam xưa kia đã từng phát hiện cho dân tộc những tài năng lỗi lạc như Nguyễn Trãi khi chấm cho ông đỗ Thái học sinh (= tiến sĩ), như Lê Quý Đôn khi chấm cho ông đỗ bảng nhãn (= tiến sĩ bậc ưu), v.v…nhưng đồng thời khoa cử các thời cũng sản xuất ra không ít những người đỗ đạt cao mà ngoài chức cao bổng hậu ấm thân phì gia thì không thấy để lại công tích sự nghiệp gì cho dân cho nước. Trong khi ấy, chẳng hạn một Tú tài Phan Huy Chú thực hiện được công trình ngang cỡ công trình của Quốc sử quán, một Tú tài Trần Tế Xương làm nên một nghiệp thơ bất tử. Thi hào Nguyễn Du mới chỉ qua kỳ thi tam trường, còn chưa đến bậc Tú tài, nhưng thành tựu văn chương của ông thì càng với thời gian càng không thể nghi ngờ.

Ông Nghè ông Cống đi đâu cả

Đứng lại văn chương một Tú tài…

Trong dân gian từ thời Lê thời Nguyễn người ta đã biết vừa nghi vấn vừa tin cậy theo cách như vậy rồi, đâu đợi đến thời ta?

2- Về các chức danh giáo sư, phó giáo sư, chưa rõ từ sau tháng 8/1945 đã được nhà nước chế định và điều chỉnh ra sao. Còn trong đời thường, cho đến giữa thế kỷ XX, thậm chí ở miền Nam trước 1975, người ta vẫn quen hiểu “giáo sư” đơn giản là nhà giáo, thế thôi. Có lẽ do vậy mà cả trong dân sự lẫn trong sách báo vẫn thường nghe gọi các thầy các cô nào đó là “giáo sư trung học”, “giáo sư tiểu học”; và ông “hương sư” tức là ông giáo sư trường làng! Chỉ có “phó giáo sư” là trong dân sự tuyệt nhiên chưa hề nghe nói đến.

Ở cách định danh chính thức của ta hiện nay, giáo sư (viết tắt GS), “phó giáo sư”(PGS) hoàn toàn khác cách hiểu dân sự thông tục kể trên. Đây là những học hàm mang tính quốc gia, do một hội đồng chức danh (được nhà nước thành lập, trực thuộc chính phủ) xét thẩm định để chính phủ phê duyệt. Những chức danh này được phong tặng một lần và có giá trị vĩnh viễn, nhưng không gắn với môi trường (cơ sở) đào tạo và nghiên cứu cụ thể nào cả.

Nhiều người từng xúc tiếp với giới đại học nước ngoài thường nêu những khác biệt của các chức danh này ở họ so với ở Việt Nam. Rõ nhất là chỗ, ở hầu hết các nước phát triển, việc tấn phong GS không phải việc của chính phủ mà là việc của các trường đại học. Một ngành học ở một trường đại học nào đó, tuỳ năng lực mà được trường ấn định cho một số “ghế” GS nhất định: vị nào được cử vào đấy rồi thì có thể “ngồi” đó đến hưu đến chết mới bị thay thế; vị nào đang ngồi đó lại muốn bỏ đi nơi khác thì nơi mới sẽ không mặc nhiên tiếp nhận với tư cách GS. Tức là hàm GS không có giá trị chuyển đổi giữa các trường đại học. Ngoài ra các đại học còn thường có quy chế “GS đương nhiệm” mới đủ tiêu chuẩn hợp lệ hướng dẫn nghiên cứu sinh bậc thạc sĩ, tiến sĩ. Do vậy GS đương nhiệm ở các đại học trong một nước là một số lượng hữu hạn, do số lượng hữu hạn GS đương nhiệm được ấn định cho từng cơ sở đào tạo nghiên cứu. Chỉ có những “cựu GS”, “nguyên GS” là có thể có số lượng rất nhiều!

Ở Việt Nam hiện tại, số lượng GS, PGS không tuỳ thuộc quy mô cơ sở đào tạo nghiên cứu; ai đủ tiêu chuẩn đã định đều được tấn phong; cán bộ nghiên cứu của hàng chục viện thuộc Viện Khoa học tự nhiên và công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, các viện và cơ sở nghiên cứu thuộc các bộ, tổng cục…, tuy không làm chức năng đào tạo, chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu, — cũng đều thuộc diện được xét đề đạt tấn phong GS, PGS cho cán bộ của mình. Con số GS, PGS đang và sẽ không ngừng tăng lên. Nếu đây là niềm vui, niềm tự hào thì vẫn kèm theo những nỗi lo. Thứ nhất, loại học hàm mang tính quốc gia này chắc hẳn không chỉ được chuẩn định về danh. Nghe nói cho tới nay các chức danh này vẫn tạm thời chưa được chuẩn định về lợi tương ứng (lương, phụ cấp và các chế độ khác); chưa được nhưng chắc chắn sẽ được. Khoản ưu đãi này, chưa biết sẽ là bao nhiêu, chắc hẳn vẫn do ngân sách công tức là do người dân đóng thuế phải chịu. Thứ hai, con số GS, PGS tăng lên không ngừng, trong con mắt những trí thức trẻ, sẽ có ý nghĩa như sự gia tăng áp lực của một tầng lớp quan liêu ít có khả năng ủng hộ cái mới; nỗi lo nói sau này kín đáo, khó nhận ra hơn nhưng không phải là không có thực.

Trong các giới giảng dạy và nghiên cứu đã và đang có những đề xuất xem xét lại quy chế tấn phong GS, PGS, gắn việc này với cải cách giáo dục đại học. Việc xét duyệt GS, PGS ở quy mô nhà nước có lẽ là một sự lãng phí uy tín từ phía nhà nước; năng lực và phẩm chất của người được tấn phong không nhờ đó mà tăng thêm trên thực tế; trong trường hợp người đó mất uy tín thì mất mát vô hình ấy tựu trung nhà nước(chính phủ) phải gánh chịu. Xét theo mục tiêu tôn vinh những trí thức có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo thì các học hàm GS, PGS lại quá gần và dễ trùng lặp với các danh hiệu “nhà giáo nhân dân”, “nhà giáo ưu tú”. Xét theo mục tiêu chọn ra những nhà khoa học đầu đàn, các chức danh GS, PGS sẽ phát huy tác dụng nếu gắn với cơ sở đào tạo nghiên cứu cụ thể; và quy chế “GS đương nhiệm” đối với việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, như quy chế của các đại học ở nước ngoài, có lẽ là thích đáng hơn chăng?

12-11-2003

Tiền phong chủ nhật

số 48 (30-11-2003)

Comments are closed.