Hà Nhật
Từ lúc bước vào lớp Tư (tương đương khoảng lớp 2 bây giờ) tôi đã được đọc trong sách Quốc văn giáo khoa thư lớp Dự bị một bài ca dao, nhớ mãi đến bây giờ:
Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn
Chỉ có hai cặp thơ lục bát, ngôn từ giản dị, thế mà có đủ mọi phẩm chất của hoa sen cần phải nói lên, đúng là một thứ hoa trọn vẹn cả sắc lẫn hương, lại còn hàm chứa cả sức mạnh tinh thần.
Có lẽ vì thế mà thời cụ Trần Trọng Kim, bài này nằm ngay phần đầu quyền sách giáo khoa lớp 2 (tính ngang với bây giờ). Rồi sau này, các nhà soạn sách ngay từ đầu cũng trân trọng đưa nó vào quyển sách Văn lớp 6, nghĩa là đầu cấp 2.
Rồi để chuẩn bị cho năm học đầu tiên dùng sách, trong những bài văn được dùng thực nghiệm, có bài ca dao này.
Vậy mà có một lúc, bài ca dao này bị một số người chê, thậm chí bị rủa như một sản phẩm xấu. Ý kiến của họ là gì?
Là hoa sen bội phản nguồn gốc của mình, chê nguồn gốc của mình là bùn, là hôi tanh, may chỉ có mình là vừa đẹp vừa thơm, là chẳng còn dính dáng gì đến mùi bùn gốc gác.
Chê bai cũng có lý đấy chứ!
Có lẽ vì thế mà từ mấy người, đến cả mấy chục người lên tiếng đồng tình.
Không chỉ nói trên báo, một đạo diễn còn đưa nó lên phim.
Bản thân tôi những năm đó, vì những lý do riêng, không thể lên tiếng.
Bây giờ thì mọi chuyện đã qua, không ai nhắc lại làm gì. Tuy nhiên, để tránh những ngộ nhận có thể có mai sau, tôi phải có mấy lời.
Trước hết, đây là một bài ca dao đặc biệt. Chắc tác giả của nó phải là một nhà thơ có tài, nhưng lại ẩn danh, một nhà thơ, một trí thức ẩn danh. Người ít học khó có được một sản phẩm như thế.
Tiếp đến là hàm ý của bài thơ dân gian này.
Về vẻ đẹp ngoại hình của bài thơ thì chắc không phải bàn: lá xanh , bông trắng, lại chen nhị vàng! Đúng cách thể hiện của ca dao, không cãi vào đâu được: không miêu tả, mà tự sự.
Nhưng cái lạ là chỗ này: tả đi rồi nhắc lại, mà theo chiều đảo ngược.
Cứ như phải ngắm từ ngoài vào trong, rồi lại phải ngắm lại từ trong ra ngoài. Có lẽ hiếm có bài ca dao hay bài thơ nào làm như thế.
Tuy nhiên, tất cả chỉ là sự chuẩn bị.
Cái đỉnh của tác phẩm, tâm can của tác giả, khát vọng của nhà thơ chỉ để đi tới câu thơ này:
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
Ôi, tại sao người ta lại chê trách nhỉ?
Chối bỏ nguồn gốc, chê bai cội rễ chỗ nào? Chẳng lẽ, để không như thế thì phải là:
Gần bùn nên phải hôi tanh mùi bùn (?).
Bùn hôi tanh, nhưng hoa sen mọc lên từ bùn thì phải tuyệt đẹp, phải thơm ngát. Thế mới là cuộc sống chứ! Thực sự là như vậy mà!
Sống trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào, môi trường nào, thì phẩm chất con người vẫn phải là thứ tuyệt đẹp. Con người phải biết vươn lên mà sống. Bài học cần thiết của cuộc sống là vậy.
Bùn là hoàn cảnh, là những tình huống trớ trêu ở đời. Không có nguồn gốc nào là bùn cả!
Phải chắt chiu cái đẹp, cái tốt cho mình, cho đời.
Tôi ca ngợi một loài hoa
Tôi ca ngợi một bài ca dao.
Tôi cũng ca ngợi một bài học, mà nhờ nó, tôi đã đi qua bao năm tháng.
Xung quanh ta đang có nhiều bùn lắm mà! Đã có biết bao đóa hoa, tưởng là hoa sen thơm ngát, đã hôi tanh mùi bùn rồi mà.
Mãi mãi vẫn là một lời nhắc nhở, mỗi ngày càng thêm khẩn thiết!
TÁI BÚT
Viết xong những dòng trên, tôi vừa được Hoàng Dũng chuyển cho đọc lại bài thơ của Phùng Quán, với những câu đúng là Phùng Quán:
Bùn với sen đâu phải chuyện gần?
Chính là sen mọc lên từ trong đó
Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen
Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…
Tất cả, tất cả, tất cả!…
Là do bùn hôi nuôi dưỡng
Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng
Cũng là xương thịt của bùn tanh!
Như nhân dân
Gian truân, thầm lặng, vô danh
Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ…
Nhân danh bùn
Nhân danh sen
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!
Thật ra thì ý của Quán chẳng mâu thuẫn gì với những điều tôi đã nói. Chỉ có điều là trong một khát khao tố cáo và lên án những kẻ phản bội nhân dân, có lẽ Quán đã không “phanh” kịp khi viết câu kết thúc:
Tôi đề nghị:
Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!
Không đuổi được! Đây là niềm tự hào của chúng ta! Niềm tự hào vô giá:
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn!
Đuổi bọn phản dân thì được, nhưng đuổi câu thơ này thì không được!
Tôi từng là bạn nối khố của Phùng Quán cả chục năm trời, tôi hiểu bạn tôi mà!
Chính Quán là một biểu tượng của sen đó thôi!