Khang Quốc Ngọc
Những ngày cuối hè, được đọc Phiến Hạ của nữ sỹ Trần Hạ Vi thì kể cũng là một điều thú vị. Thú vị bởi nhiều lẽ. Trước tiên, đó là sự tò mò. Một nữ trí thức Việt kiều Canada mà lại yêu và sáng tác thơ ca bằng tiếng mẹ đẻ đến như thế ư? Tập sách ấy của nữ sỹ được xem là một trong những gương mặt say thơ nó như thế nào mà thu hút được khá nhiều ý kiến của đông đảo những văn nghệ sỹ đương thời?
Phiến Hạ là tên tập thơ như một “phiến” lá “hạ” sang? Mỏng manh và đầy sức gợi? Một sự chuyển giao tâm cảm mượn thiên nhiên để chuyển tải thông điệp đầy ẩn ý chăng? Rằng ở trong tập thơ này, tác giả đã có những cách viết hết sức mới mẻ so với trước đây? Hay chỉ như là một sự khiêm tốn rằng tập thơ cũng chỉ được xem như những lát cắt về mùa, về người, về tình yêu nam nữ luyến ái qua cái nhìn đậm bản ngã của nữ thi nhân?
Có lẽ do vậy, tập thơ được chia làm ba phần rất rõ: Hoa hạ, Cõng mùa, Vi và thế giới. Nếu không có chủ ý ban đầu thì ranh giới phân chia ấy chắc chắn tác giả đã không phải cẩn trọng gom lại như vậy. Rõ ràng, mỗi một phần gắn vào với mỗi chủ đề là cuối cùng cũng chỉ để tụm lại thành ba “ông đầu rau” mà cáng lên lưng mình cho chắc, cho vững ý nghĩa hai chữ “Phiến Hạ” đó thôi.
Nhìn một cách tổng thể, Phiến Hạ rắc đầy những thủ pháp nghi ngờ và tra vấn. Thủ pháp ấy là để khẳng định mình hay còn là cách thể hiện mức độ nào đó sự khao khát của cái tôi rực lửa? Có được câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi trên âu không dễ. Bởi sự mơ hồ mà thơ tác giả tạo ra, và còn bởi cả sự lồng ghép tiếng nói cái tôi được đặt vào trong suy nghĩ của nhân vật trữ tình nhằm truyền tải những thông điệp nghệ thuật của nữ sỹ. Song, dẫu đặt cái nhìn nghệ thuật ở khía cạnh nào thì thơ chị cũng rung ngân lên những cung bậc cảm xúc rất thật, thật đến nồng nàn, thật đến cháy bỏng. Cháy bỏng của những đam mê luôn hết mình cho con chữ. Nhưng, thốt nhiên đó không phải là tất cả của Phiến Hạ. Tập thơ mênh mông và sâu sắc hơn nhiều.
Ở Phiến Hạ, thơ Hạ Vi là những bừng thức, kết nối và tràn đầy những nguyên sơ. Một chuỗi những nghi ngờ tra vấn chỉ là cái cớ y như vỏ bọc ngôn ngữ bên ngoài để cho những nguyên sơ nữ tính kia thức dậy và miên viễn, mãi mãi miên viễn. Do đó, trong thơ chị nhiều khoảnh khắc xuất hiện như một thứ lực đẩy kết nối tạo ra một chùm năng lượng tích tụ hứa hẹn bùng phát.
Thành thử, nhân vật trữ tình trong thơ Hạ Vi mang vác nhiều tâm sự. Đôi lúc, đó là tâm sự vung tóe lên, đầy dữ dội “lẽ ra cơn ghen/ cơn ghen/ tsunami nhấn chìm ngọn núi hồ Ba Bể/ núi lửa tung trời nham thạch giết giấc mơ” nhưng rồi lại dịu dàng chìm trong chiều sâu nữ tính đẫm giá trị nhân văn ở cái thế ngược đời đầy dích dắc “Thương tận cùng bơ vơ/ dẫu bao người chia sẻ/ đêm không cô lẻ/ bốn người cùng nâng chén/ cũng chỉ một mình” (Người đàn bà đến từ giấc mơ đêm qua).
Thơ Hạ Vi thường là thơ tự do, kết hợp những dòng dài ngắn khác nhau rất linh hoạt. Trong mỗi bài, khi cho kết thúc một đoạn thơ, chúng tôi thường thấy điều này: rất chặt về ý, còn thanh điệu thì có sự kết hợp cao thấp nhịp nhàng. Nên khi ta đọc thơ Hạ Vi lên sẽ không có cảm giác gập ghềnh, mà thường nhẹ và gọn. Câu chữ vừa đủ, ít có sự rườm rà thừa thãi.
Bên cạnh đó, thơ Hạ Vi thường là những khuấy đảo của tư duy để gài cho được ẩn ngữ nào đó khiến độc giả có thể thích thú mà tìm cho ra đáp số. Ở đó là những dòng chảy ý tứ ngược xuôi của ngôn từ kết hợp đến khó nắm bắt, thêm ngôn ngữ thơ tự do nên thơ chị thường không dễ đọc đối với những độc giả khó tính. Cảm xúc và lý trí luôn đan xen nhau, xoắn bện từng đoạn từng bài. Nhiều bài thơ, xuất phát điểm dễ gây hiểu lầm vì ở đó có thể là một câu chuyện thường hằng hiện sinh đâu đó đang hiện hữu quanh ta, nhưng rốt cuộc những điều ấy cũng chỉ là cái cớ, cái vỏ bọc ngôn ngữ bên ngoài để dung chứa cái tứ thơ mà chị muốn chuyển tải đến người đọc mà thôi (Luận án tình yêu, K, …). Sự diễn ngôn đó có thể hiểu là một sự dũng cảm nơi nữ sỹ cũng được mà hiểu theo nghĩa tác giả đang mượn chính cuộc đời này để thể hiện tâm tư thi ca cũng được. Hiểu kiểu gì cũng là một sự lạ và độc đáo. Điều đó phải chăng Trần Hạ Vi muốn gửi đến chúng ta một thông điệp rằng nghệ thuật cất cánh và thăng hoa ngay từ chính những câu chuyện bình thường giản dị hàng ngày kia?
Độc giả còn bắt gặp trong thơ Hạ Vi những ẩn ức rời rạc kiểu thi pháp mơ hồ nhằm diễn tả cho bằng được sự đau khổ và khao khát “K không phải là LH/ Nhưng K là LH”, “Mùa đông gõ ngón tay đông cứng/ vào bàn phím chữ/ Lũ sếu không còn bay qua mái nhà/ vào lúc nửa đêm/ Và anh bỏ rơi K/ Và K bỏ rơi anh” (K.). Lời thơ thấu cảm nao lòng của sự triệt tiêu đến độ triệt để mà rồi lại như không. Hư huyễn lại vẫn là hư huyễn, hư vô trôi theo hư vô. Cảm nhiệm về sự công bằng nhẹ tênh. Một sự diễn ngôn của nỗi buồn trong veo mà cố sống. Thật lạ! Mềm mại mà lại cứng rắn vô cùng! Cái bập bênh của cuộc đời trôi đi mất, còn lại là sự vô vi hồn nhiên đến vô cùng, chất vấn để truy nguyên riết róng “Em đã yêu anh nhiều bao nhiêu/ Em đã cho anh nhiều bao nhiêu” (Bọ cạp tháng 10).
Mặt khác, đọc thơ Hạ Vi đôi lúc chúng tôi có cảm giác y như người ta đi xe ngựa phải chịu những xóc nảy, những xóc nảy ấy dĩ nhiên là khó chịu, song nó lại cũng hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn. Đó là kiểu tác giả cố tình tự đẩy mình ra bên ngoài để quan sát nhân vật trữ tình của thi phẩm ra sao khi suy tư cuộc đời vẫn đặt trong giới hạn truy đuổi của sự tra vấn “tình yêu có giữ được bài thơ/ bài thơ có giữ được tình yêu” (Bài thơ và tình yêu); “hạ vi hóa đa đề/ đa đề hóa hạ vi” (Ma túy của hạ vi), “Anh đeo chiếc khẩu trang lộn ngược/ thật gần thật xa/ thật xa thật gần” (P.C.D. 2020). Rốt cuộc thì trong cuộc đời này, đâu là nguyên nhân, đâu là kết quả? Con người đã thật sự hiểu được nhau chưa hay chỉ mãi lòng vòng trong những vòng xoáy phức tạp của cuộc đời? Nghi vấn trồi lên mà thấy lả tả rơi những muộn phiền để rồi cho thơ vẫn mãi mãi là những cung bậc cảm xúc đầy hấp lực tươi non của con người trong cõi nhân gian vốn dĩ luôn luôn bị giằng níu của hai thái cực âm dương muôn thuở này!?
Có lẽ vậy chăng mà thơ Hạ Vi luôn khước từ những rỉ rên mà chúng ta từng thấy trong thi ca, cho dù Phiến Hạ có đề cập rất nhiều những khổ đau. Thơ chị mạnh mẽ nhưng lại dìu dịu trong cái thế nữ nhi ngọt ngào. Bởi thế cho nên, giọng thơ chị không bị đẩy đến chỗ lạnh lùng mông lung đến khó nắm bắt. Nó thủng thẳng mà dứt khoát; riết róng mà bình lặng; thực tại hiện sinh mà mơ hồ,… để từ đó có thể hiểu rằng “Phiến” ấy là của riêng “Hạ” Vi? Một tiếng thơ pha trộn đa sắc vị: Một chút chân thật và trung thực của vùng Miền Tây Nam Bộ, một chút văn hóa Phương Tây với sự đẫm đặc lý trí, một chút những bước du canh du mục và lạnh giá mà mạnh mẽ của nơi xứ tuyết Canada xa xăm mịt mờ…
Phần giữa tập thơ có chút chêm xen hương vị truyền thống mềm mại ngọt ngào trong phần Cõng mùa với một trăm phần trăm là thơ lục bát thì có lẽ tác giả muốn dành cho ký ức quê hương một cách trân trọng và yêu thương nhất? Bắt gặp trong Cõng mùa rất nhiều những hình ảnh viết về quê hương Miền Tây và tuổi thơ một thời. Những câu thơ đẫm đầy ký ức và giàu hình ảnh Miền Tây yêu thương.
Một mảng màu nghệ thuật khá nổi bật không thể không nhắc đến trong Phiến Hạ là tiếng nói thi ca thế sự đã được nữ sỹ thể hiện rất rõ nét và ám ảnh trong phần Vi và thế giới. Ở đó là những trăn trở có phần âu lo trước những thực thể nghệ thuật vốn dĩ từng hiện hữu nhưng nay đang đứng trước nguy cơ lụi tàn “Hoa lệ của một thời tự do tươi thắm/ Nền văn học khai phóng nhân bản Miền Nam/ Những Nhã Ca, Túy Hồng, Trùng Dương, Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng/ Em đeo chiếc khẩu trang năm 2024/ Đến ngồi cạnh và nắm lấy tay anh/ Uống cùng anh ly cà phê pha bột bắp/ Người ta chê cà phê dở…” (Em và Sài Gòn). Thay vào đó là những hiện trạng của vấn nạn thi ca có cùng một giọng điệu xơ cứng sáo mòn đầy lo lắng “Tôi giở hơn chục trang báo in/ Nhan nhản thơ mặc đồng phục/ Áo trắng bâu thủy thủ viền xanh” (Đồng phục thơ).
Một vài những từ ngữ cũ kỹ mang sắc màu sáo ngôn xuất hiện, tuy không nhiều trong Phiến Hạ, đã làm cho tập thơ mất đi một phần nào đó của sự tròn trịa “hư hao” (“miền xám dài hoàng hôn phủ vạt hư hao” – Bài ca về sự kết thúc), “chênh chao” (“thương con chiếc võng chênh chao” – Thương con).
Từ những cảm nhận và phân tích phía trên, chúng tôi cho rằng trong Phiến Hạ, điều cốt lõi mà nữ sỹ Trần Hạ Vi muốn thể hiện là một tiếng nói khác đi của sự bình quyền nam nữ, ở đó có đầy đủ sức mạnh nội lực để vươn lên mà cáng đáng vị trí và vai trò của phụ nữ cho xứng tầm. Do đó, chúng tôi còn thấy rằng một sự cân bằng luôn được để ở cuối mỗi bài thơ của chị là như tác giả đang cố ý ngầm chốt hạ mà khẳng định cho tiếng nói trên mỗi lúc một mạnh mẽ và chắc chắn hơn. Giọng thơ Hạ Vi đích thị được rút tỉa ra trong những va đập của cuộc sống mà hình thành, bởi thế mà nữ sỹ không ngại cho những câu chuyện mang màu sắc đời thường riêng tư cứ tự nhiên chảy tràn ra trong Phiến Hạ. Điều ấy lại chẳng làm cho chúng ta suy nghĩ và trân trọng khi nữ sỹ Trần Hạ Vi được sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất bị xem là vùng trũng của văn chương Việt Nam?
Sài Gòn, những ngày chớm thu 2024