Sự tiến hóa văn hóa (kỳ 6)

Ronald F. Inglehart

Nguyễn Quang A dịch

image7_thumb_thumb_thumb

6. SỰ NỮ HÓA XÃ HỘI VÀ SỰ GIẢM SỰ SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU VÌ TỔ QUỐC: THÀNH PHẦN MỨC-CÁ NHÂN CỦA HÒA BÌNH DÀI*

Tổng quan: Nữ hóa Xã hội

Sự thay đổi từ các chuẩn mực Ủng hộ-sinh sản sang các chuẩn mực lựa chọn-Cá nhân mà chúng ta vừa xem xét là một phần của một sự nữ hóa rộng hơn của xã hội xảy ra tại các giai đoạn tiên tiến của hiện đại hóa. Việc này làm giảm mức độ mà người dân sẵn sàng tham gia chiến tranh, đóng góp cho một trong những sự phát triển đầy kịch tính nhất của các thập niên gần đây: sự gần như biến mất của chiến tranh giữa các cường quốc lớn.

Các xã hội bị chi phối bởi các chuẩn mực Ủng hộ-sinh sản là các xã hội gia trưởng, nhưng sự lên của các chuẩn mực lựa chọn-Cá nhân liên kết với sự bình đẳng giới tăng lên – và các tỷ lệ bạo lực giảm bớt. Trong 2013, một phần ba của tất cả các vụ giết người ở Hoa Kỳ đã do những người đàn ông trẻ 17–29 tuổi phạm phải, mặc dù nhóm này đã ít hơn 10 phần trăm của dân cư. Hầu như ở mọi nơi, những người đàn ông trẻ chắc có khả năng hơn nhiều để phạm các hành động bạo lực so với phần còn lại của dân cư. Điều này có vẻ phản ánh cả các nhân tố sinh học (các mức testosterone cao, liên kết với hành vi bạo lực) và các chuẩn mực văn hóa (bạo lực là có thể chấp nhận được hơn nhiều giữa đàn ông hơn giữa phụ nữ). Các mức testosterone có vẻ khá không đổi, nhưng các chuẩn mực văn hóa đang thay đổi.

Các xã hội bị chi phối bởi các chuẩn mực Ủng hộ-sinh sản cho phép tình dục chỉ bên trong hôn nhân, áp đặt sự kìm nén tình dục nghiêm ngặt lên các đàn ông trẻ chưa kết hôn. Suốt lịch sử, các xã hội đã cổ vũ các đàn ông trẻ để chứng minh sự thích hợp của họ qua các hành động bạo lực anh hùng nhân danh bộ lạc hay đất nước họ, thúc đẩy họ liều mạng trong chiến tranh. Lãnh tụ lý tưởng đã là Con Đực Alpha chiến đấu gan dạ và đòi hỏi sự vâng lệnh tuyệt đối trong chiến đấu. Gat đã cho rằng chiến tranh đôi khi đã cung cấp hầu như cơ hội duy nhất cho đàn ông trẻ để có tình dục, với sự hãm hiếp là một chiến lợi phụ thêm của chiến tranh.1

Các xã hội tri thức cần một phong cách lãnh đạo ít thứ bậc hơn: sự đổi mới và sự sáng tạo trở nên cốt yếu, và người ta phải nghĩ cho bản thân họ. Sự thay đổi tới các chuẩn mực lựa chọn-Cá nhân có một sự hợp tốt hơn với các nhu cầu chức năng của một Xã hội Tri thức, nơi một phong cách lãnh đạo ủng hộ, theo khuôn mẫu nữ tính là hiệu quả hơn một mô hình ra lệnh-vâng lời. Bạo lực không được khuyến khích và những con đực không-Alpha như Bill Gates trở thành đối tác hôn nhân đáng mong muốn. Các tỷ lệ sinh thấp hơn và ước lượng tuổi thọ dài hơn đem lại một dân cư già đi trong đó những người đàn ông trẻ tạo thành một tỷ lệ phần trăm nhỏ hơn, và sự kìm nén tình dục giảm đi. Công chúng trở nên ít sẵn sàng để chiến đấu vì đất nước họ, tăng cường các xu hướng xã hội-vĩ mô liên kết với hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

Kể từ sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới II, chiến tranh giữa các cường quốc lớn đã hầu như biến mất. Trong một sự thử ban đầu để giải thích hiện tượng này, Doyle đã mô tả nó như “Hòa bình Dân chủ,” trình bày bằng chứng rằng các nền dân chủ hầu như chẳng bao giờ đánh lẫn nhau.2 Nhưng công trình gần đây hơn cho thấy rằng chỉ các nền dân chủ giàu của thời hiện đại đã hòa bình với nhau – các nền dân chủ sớm hơn đã đánh nhau thường xuyên.3 Các phát hiện này ủng hộ lý lẽ rằng “hòa bình dân chủ” tồn tại bởi vì hầu hết các nền dân chủ là thịnh vượng và liên hệ với nhau qua thương mại.4

Mueller,5 Gat6 và Pinker7 trình bày bằng chứng to lớn về một sự giảm dài hạn trong các tỷ lệ giết người, chiến tranh và các hình thức bạo lực khác; các xu hướng này gợi ý rằng đã có một sự chấp nhận giảm bớt của bạo lực và chiến tranh giữa các công chúng của các nước đã phát triển, nhưng các tác giả này không cung cấp bất kể bằng chứng mức cá nhân nào của những sự thay đổi như vậy. Chương này cung cấp, trình bày các kết quả từ các khảo sát đại diện quốc gia phủ 90 phần trăm dân số thế giới. Bằng chứng này chứng minh rằng, trong 30 năm qua, sự sẵn sàng để chiến đấu vì đất nước của mình đã giảm đi giữa các công chúng của hầu hết các nước, đặc biệt giữa các công chúng của các nước thu nhập-cao. Các lý do cho sự giảm sẵn sàng chiến đấu này là phức tạp, nhưng một nhân tố chính có vẻ là sự phổ biến của các chuẩn mực lựa chọn-Cá nhân được thảo luận trong chương trước. Loài của chúng ta đang từ từ chấp nhận các định hướng nữ tính, hòa bình hơn. Hòa bình Dài đang giành được một cơ sở quần chúng ngày càng vững chắc.

Trong các thập niên sau Chiến tranh Thế giới II, những người có đầu óc thực tế cứng-đầu đã coi là đương nhiên rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Chiến tranh Thế giới III nổ ra, có lẽ xóa sạch nền văn minh. Nhưng các sự kiện đã có một sự chuyển hướng bất ngờ. Thế giới đã bất ngờ trở nên hòa bình. Vào 1984, thế giới đã trải nghiệm rồi thời kỳ dài nhất mà không có chiến tranh giữa các cường quốc lớn kể từ Đế chế La Mã, và hòa bình dài này bây giờ kéo dài thêm hơn ba chục năm.

Sớm hơn nhiều, các nhà tư tưởng tự do đã cho rằng các thị trường và thương mại mở rộng sẽ làm cho chiến tranh không có lời. Trong 1909, Angell tiên đoán sự chấm dứt chiến tranh giữa các cường quốc Âu châu bởi vì sự phụ thuộc lẫn nhau rộng về kinh tế của chúng.8 Nhưng hai cuộc Chiến tranh Thế giới tiếp theo đã làm mất uy tín của khẳng định rằng sự phát triển và thương mại sẽ làm cho chiến tranh lỗi thời.

Các thập niên muộn hơn, hòa bình kéo dài giữa các cường quốc lớn đã dẫn đến một thế hệ mới của các học giả để xem xét lại ý tưởng có vẻ đã bị bác bỏ này. Các phân tích sắc sảo của các khối bằng chứng lớn gợi ý rằng các nhà tự do cổ điển đã đúng.9 Trong khi quan điểm này đã trở nên được chấp nhận rộng rãi giữa các nhà khoa học chính trị, các tranh cãi tiếp tục về vấn đề liệu sự thịnh vượng và sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền dân chủ hiện đại có giải thích cho trạng thái hòa bình của chúng,10 hay liệu có cái gì cố hữu trong bản thân dân chủ mà làm cho các nền dân chủ ít hiếu chiến hơn.11

Lý thuyết

Kể từ sự kết thúc của Chiến tranh Thế giới II, các mối quan hệ hòa bình giữa-nhà nước đã trở nên ngày càng phổ biến.12 Như Pinker lý lẽ, xu hướng này là phần của một sự giảm sút dài hạn của bạo lực. Trong các thế kỷ thứ mười bảy và mười tám, các xã hội bắt đầu bãi bỏ tình trạng nô lệ, sự đấu (súng, gươm) tay đôi, sự thiêu phù thủy, sự tra tấn và các hành động tàn nhẫn khác.13 Các tỷ lệ giết người trong các nước đã phát triển đã giảm đầy kịch tính trong hàng thế kỷ. Kể từ Chiến tranh Thế giới II, các nhà nước đã phát triển đã ngừng tiến hành chiến tranh chống lẫn nhau và số các cuộc chiến tranh và thương vong chiến tranh khắp thế giới đã giảm.14 Kể từ sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, các cuộc nội chiến cũng đã giảm.15 Thậm chí các cuộc khởi nghĩa quần chúng đã trở nên ít bạo lực hơn trong các thập niên gần đây, và các cuộc nổi dậy bất-bạo động đã thành công trong việc chấm dứt áp bức hơn các cuộc nổi dậy bạo lực.16

Sự giảm bớt bạo lực song song với các mức tăng lên của sự an toàn tồn tại. Vào 2010, thế giới như một toàn bộ đã đạt mức thịnh vượng cao nhất đã từng trải nghiệm.17 Trong hai thập niên qua, các xã hội Tây phương đã có các tỷ lệ tăng trưởng tương đối chậm, nhưng phúc lợi vật chất vẫn cao; ước lượng tuổi thọ đã đạt các mức cao chưa từng có và tiếp tục tăng, như các mức giáo dục và tiếp cận thông tin.18 Phần còn lại của thế giới đang bắt kịp phương Tây.19 Trung Quốc và Ấn Độ – với gần 40 phần trăm dân số thế giới – đã có các tỷ lệ tăng trưởng kinh tế đặc biệt cao, và nhiều xã hội đang phát triển khác đã đạt các lợi ích rất ấn tượng, và châu Phi hạ-Sahara bây giờ bắt đầu đuổi kịp về ước lượng tuổi thọ, giáo dục và thu nhập trên đầu người.20 Từ 1970 đến 2010, người dân trong tất cả các vùng của thế giới đã trải nghiệm phúc lợi vật chất gia tăng, đã tăng sự tiếp cận đến giáo dục và ước lượng tuổi thọ tăng lên.21

Các thay đổi này đã đi cùng với sự nhấn mạnh gia tăng đến các quyền con người và dân chủ.22 Trong hai thế kỷ qua, dân chủ đã trở nên ngày càng phổ biến – với mỗi đợt trào dâng đã thiếp theo bởi một suy thoái, nhưng với một xu hướng đi lên dài hạn. Bất chấp sự hồi sinh gần đây của chủ nghĩa độc đoán, các quyền con người và dân chủ đã có sự tiến bộ to lớn kể từ cuối các năm 1980.23

Pinker gợi ý rằng sự sụt giảm bạo lực phản ánh sự phổ biến của các thị trường và thương mại, mà phụ thuộc vào các tương tác con người bất bạo lực, cũng như giáo dục tăng lên và sự tiếp cận đến thông tin, mà cho phép người dân nhìn thế giới từ quan điểm của những người không giống với họ.24 Khi điều này xảy ra, ‘các giá trị khai sáng’ bắt đầu chi phối thế giới quan của nhân dân.

Như cuốn sách này lập luận, sự phát triển kinh tế, cùng với tính dễ bị tổn thương giảm đi đối với sự chết đói, bệnh tật và bạo lực, mang lại một cảm giác tăng lên về sự an toàn tồn tại. Các thế hệ trẻ lớn lên coi sự sống sót là đương nhiên và cảm thấy ít bị đe dọa bởi những người từ các nước khác và ít háo hức để đánh họ.

Mối quan hệ giữa âm giữa các giá trị ủng hộ-lựa chọn và khoan dung về bạo lực và chiến tranh phản ánh một nguyên lý tiến hóa: tự do tình dục và bạo lực thân thể là ở các cực đối lập của thể liên tục an toàn tồn tại. Tại một cực, cuộc sống đày dẫy các mối đe dọa, làm cho bạo lực và các chuẩn mực giới cứng nhắc là một tất yếu của sự sống sót. Tại cực đối diện, bạo lực trở nên phản tác dụng và sự kìm nén tình dục trở nên ít cốt yếu hơn.25

Sự tiến hóa văn hóa cũng được định hình bởi sự học lịch sử. Như thế, sự thất bại và sự tàn phá trong Chiến tranh Thế giới II đã để lại một di sản giữa các công chúng của các cường quốc phe Trục. Từ các khảo sát sẵn có sớm nhất đến muộn nhất, các công chúng Nhật, Đức và Italia đã bày tỏ sự sẵn sàng thấp nhất để chiến đấu vì đất nước họ giữa bất kể công chúng nào mà chúng tôi có dữ liệu. Ngược lại, các công chúng của năm nước Bắc Âu (Nordic) cho thấy mức cao bất thường về sự sẵn sàng để chiến đấu vì đất nước họ mà phản ánh sự tiến hóa của một vai trò mới cho quân đội trong các nước đó. Thụy Điển đã đóng vai trò dẫn đầu trong sự phát triển này. Trong năm 2000 quốc hội Thụy điển đã đưa ra những sự thay đổi quan trọng trong vai trò của các Lực lượng Vũ trang Thụy điển. Trước kia, các Lực lượng Vũ trang Thụy điển chủ yếu đã được định hướng tới việc đẩy lùi một sự xâm lấn lãnh thổ Thụy điển, nhưng vào 2000 rủi ro xâm lấn đã được xem là thấp. Chính sách mới cho rằng, “Việc bảo vệ một quốc gia về mặt lịch sử đã là tương đương với việc bảo vệ các đường biên giới của nó. Ngày nay, việc bảo vệ một quốc gia có thể xảy ra cách rất xa, qua việc tạo ra hòa bình, sự ổn đinh và sự thịnh vượng trong các phần hỗn loạn của thế giới. Theo cách này, việc bảo vệ một quốc gia phải bao gồm việc bảo vệ các giá trị của nó, và việc bảo vệ dân chủ hay các quyền con người.”26 Do đó, nhân viên quân sự Thụy điển bây giờ chủ yếu tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, được tiến hành ở Afghanistan, Kosovo, Bosnia, Liberia, Congo và Lebanon. Quân đội Thụy điển có các mối quan hệ mật thiết với quân đội của các nước Bắc Âu, mà tổ chức các cuộc tập trận chung và chia sẻ doanh trại tại các phái bộ ở các nước gặp rắc rối. Các công chúng của các nước Bắc Âu đã nhận thức về các thay đổi này, nghĩa vụ quân sự đã mang ý nghĩa phục vụ sự phát triển quốc tế và gìn giữ hòa bình – không khác lắm như việc phục vụ trong Peace Corps (Đội Hòa Bình) có một ý nghĩa tích cực và có uy tín ở Hoa Kỳ.27 Có vẻ là có thể rằng trong dài hạn, quan điểm này có thể lan ra các nước châu Âu khác; hiện giờ, nó là một hiện tượng hầu như riêng Bắc Âu. Trong thế giới như một toàn bộ, sự sẵn sàng để chiến đấu cho đất nước mình vẫn được thúc đẩy bởi các nỗi sợ bài ngoại, nhiều hơn là bởi mục tiêu bảo vệ các giá trị dân chủ.

Lý thuyết hiện đại hóa tiến hóa của chúng tôi gợi ý ba giả thuyết:

(1) Theo mặt cắt ngang, các công chúng của các xã hội đã phát triển hơn sẽ đặt sự nhấn mạnh hơn đến các giá trị lựa chọn-Cá nhân và ít sẵn sàng hơn để liều mạng của họ trong chiến tranh.

(2) Theo mặt cắt dọc, trong các xã hội mà các giá trị lựa chọn-Cá nhân là phổ biến nhất, sự sẵn sàng của người dân để liều mạng trong chiến tranh sẽ giảm đột ngột nhất.

(3) Theo viễn cảnh đa-mức, các cá nhân sống trong các xã hội với các giá trị lựa chọn-Cá nhân phổ biến sẽ ít sẵn sàng để liều mạng họ trong chiến tranh.

Vì việc học lịch sử cũng là một ảnh hưởng lên sự tiến hóa văn hóa, việc này thêm một giả thuyết thứ tư:

(4) Về mặt lịch sử, thất bại thảm khốc của các cường quốc phe Trục trong Chiến tranh Thế giới II đã làm giảm mạnh sự sẵn sàng của người dân của chúng để chiến đấu vì đất nước họ; trong khi sự thịnh hành đặc biệt mạnh của các giá trị Tự-thể hiện trong các nước Bắc Âu đã dẫn đến sự nổi lên của một quân đội chủ yếu được chuẩn bị cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình và viện trợ phát triển; việc này, đến lượt, đã dẫn đến sự nổi lên của một quan điểm phân biệt và tích cực về vai trò của quân đội giữa các công chúng Bắc Âu, làm cho họ sẵn sàng hơn để chiến đấu vì đất nước họ.

Các Phương pháp, các Mẫu, các Đo lường

Để kiểm định các giả thuyết của chúng ta, chúng tôi sử dụng dữ liệu Khảo sát Giá trị từ các xã hội quanh thế giới. Các khảo sát ở nhiều điểm thời gian là không sẵn có từ tất cả các nước, cho nên kích thước mẫu của chúng tôi rớt xuống còn 41 nước khi phân tích sự thay đổi về sự sẵn sàng của người dân để chiến đấu. Biến phụ thuộc của chúng tôi được đo bằng các câu hỏi sau:

“Tất nhiên, tất cả chúng ta đều hy vọng rằng sẽ không có một cuộc chiến tranh nữa, nhưng nếu điều đó xảy ra, bạn có sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc bạn?”

Các lựa chọn trả lời là “có” và “không.” Những người trả lời không trả lời cho câu hỏi này (30 phần trăm của tất cả những người trả lời) được xử lý như vắng mặt.

Các Phát hiện

Như Hình 5.1 trong chương trước chứng minh, tất cả sáu thành phần của các chuẩn mực lựa chọn-Cá nhân liên kết mạnh với các mức phát triển kinh tế, tăng lên khi chúng ta di chuyển từ các xã hội thu nhập-thấp đến các xã hội thu nhập trung bình-thấp, đến các xã hội thu nhập trung bình cao và tới mức cao nhất của chúng giữa các xã hội thu nhập-cao. Vì các mức kinh tế đã tăng lên trong các thập niên gần đây trong phần lớn thế giới, điều này gợi ý rằng các giá trị lựa chọn-Cá nhân phải đã lan ra, đặc biệt trong các nước thu nhập-cao. Việc này quả thực đã thế, như Hình 5.4 chứng minh: Sự ủng hộ cho các chuẩn mực này đã tăng ở 40 trong số 58 nước mà chúng ta có dữ liệu chuỗi-thời gian ít nhất mười năm – và, phù hợp với khẳng định rằng các thay đổi này liên kết với sự an toàn tồn tại, nó đã tăng ở 23 trong số 24 nước thu nhập-cao.

image

Hình 6.1a Lựa chọn-Cá nhân và sự sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc (với các nước phe Trục trước kia và các nước Bắc Âu).

Dựa vào khảo sát muộn nhất sẵn có của mỗi nước, năm trung vị là 2007. r = 0, 44, r2 = 0,20, N = 84 nước.

Các đồ thị trong các Hình 6.1a và 6.1b cho thấy tỷ lệ của một công chúng không sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc họ, trong khảo sát sẵn có muộn nhất từ 84 xã hội. Các mức thay đổi rất nhiều, từ các tỷ lệ thấp 2 phần trăm ở Việt Nam và Qatar và 3 phần trăm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, đến một mức cao 74 phần trăm ở Nhật Bản. Các công chúng Đức, Nhật Bản và Italy – các cường quốc phe Trục của Chiến tranh Thế giới II – cho thấy vài trong các tỷ lệ cao nhất thế giới về không sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc họ.

Sự sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc cũng thay đổi với mức phát triển. Trong các xã hội thu nhập-thấp28 con số trung bình là 20 phần trăm, trong các xã hội thu nhập-trung bình là 25 phần trăm và trong các xã hội thu nhập-cao, một trung bình 37 phần trăm của công chúng không sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc của họ.

Các phát hiện này gợi ý một liên kết giữa sự an toàn tồn tại và sự sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc mình, nhưng liên kết này được trung gian bởi xu hướng cho sự phát triển kinh tế để cổ vũ các giá trị lựa chọn-Cá nhân. Hình 6.1 cho thấy sự sẵn sàng trung bình của một công chúng để chiến đấu trong chiến tranh liên kết với sự thịnh hành của các giá trị lựa chọn-Cá nhân. Hình 6.1a cho thấy mối quan hệ trong tất cả các nước có sẵn dữ liệu. Nó chứng minh rằng tương quan tổng thể giữa các giá trị lựa chọn-Cá nhân và sự không sẵn sàng để chiến đấu (r =0,44) là khá mạnh và theo hướng được tiên đoán.29

Andorra cung cấp một trường hợp kiểm định quan trọng về mối quan hệ ngược giữa các giá trị lựa chọn-Cá nhân và sự sẵn sàng chiến đấu. Một đa số dân cư của Andorra bây giờ gồm các công dân Pháp và Thây Ban Nha giàu có những người duy trì nơi cư trú ở đó để tận dụng các thuế thấp.

Nó có một trong những thu nhập trên đầu người cao nhất thế giới và không mối đe dọa quân sự được cảm nhận nào, và do đó, công chúng của nó cho thấy một số định hướng ủng hộ lựa chọn-Cá nhân mạnh nhất giữa tất cả các công chúng được khảo sát – và rất ít sẵn sàng để chiến đấu.

Có hai nhóm cố kết của các outlier (trường hợp nằm ngoài), như Hình 6.1a cho biết. Nhóm đầu tiên gồm những người Đức, những người Italia và những người Nhật – tất cả họ còn không sẵn sàng để chiến đấu hơn định hướng mạnh ủng hộ lựa chọn của họ tiên đoán. Điều này phản ánh kinh nghiệm học lịch sử của họ dưới các chế độ phát xít mà đã dẫn đến sự thất bại thảm hại trong Chiến tranh Thế giới II. Điều này đã để lại một ác cảm lâu dài với chủ nghĩa quân phiệt mà xuất hiện trong tất cả các khảo sát sẵn có kể từ 1981. Một nhóm outlier tương phản là các nước Bắc Âu: Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan.30 Mặc dù các công chúng của các nước này bày tỏ các định hướng ủng hộ-lựa chọn mạnh nhất thế giới, sự sẵn sàng để chiến đấu của họ là cao hơn điều này tiên đoán rất nhiều bởi vì quân dịch đã mang những ý nghĩa rất khác với ý nghĩa nó có trong các nước khác.

Bởi vì những kinh nghiệm lịch sử phân biệt của chúng, hai nhóm xã hội này lệch khỏi hình mẫu tổng thể, làm yếu mối quan hệ mặt khác âm mạnh giữa các giá trị lựa chọn-Cá nhân và sự sẵn sàng chiến đấu. Vì thế, nếu chúng ta bỏ hai nhóm này khỏi sự phân tích, tác động của các giá trị lựa chọn lên sự sẵn sàng chiến đấu trở nên mạnh hơn, như Hình 6.1b chứng minh: mối quan hệ tổng thể giữa các chuẩn mực lựa chọn-Cá nhân và sự không sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc mình tăng lên r = 0,55.

image

Hình 6.1b Lựa chọn-Cá nhân và sự sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc (không có các nước phe Trục và Bắc Âu).

r = 0,55, r2 = 0,31

Các phân tích hồi quy chứng minh rằng một index an toàn tồn tại nhiều biến giải thích 26 phần trăm của phương sai về sự sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc mình: di chuyển từ các xã hội với các mức an toàn tồn tại thấp nhất đến các xã hội với các mức cao nhất làm tăng sự không sẵn sàng chiến đấu của một công chúng thên 28 điểm phần trăm.31 Thêm các biến giả (dummy) cho các nhóm Trục trước kia và nhóm Bắc Âu có một tác động thêm mạnh mẽ, nâng phương sai được giải thích lên 55 phần trăm. Thêm các giá trị lựa chọn-Cá nhân vào phân tích nâng phương sai được giải thích còn thêm nữa, lên 65 phần trăm. Hơn nữa, trong khi các tác động của kinh nghiệm lịch sử vẫn mạnh và hết sức có ý nghĩa khi chúng ta bỏ sự an toàn tồn tại khỏi sự phân tích, các giá trị lựa chọn hầu như hoàn toàn hấp thu tác động hòa bình hóa của sự an toàn tồn tại – phù hợp với giả thuyết rằng sự an toàn tồn tại làm giảm sự sẵn sàng chiến đấu chủ yếu qua xu hướng của nó để tạo ra một văn hóa định hướng lựa chọn-Cá nhân. Vì thế, một mô hình với chỉ hai biến giải thích – các kinh nghiệm học lịch sử và các giá trị lựa chọn-Cá nhân – giải thích 65 phần trăm của phương sai ngang-quốc gia về sự sẵn sàng chiến đấu.

Bằng chứng theo chiều Dọc

Các giá trị lựa chọn-Cá nhân liên kết với sự sẵn sàng chiến đấu thấp vì tổ quốc ở cả mức quốc gia và mức cá nhân, nhưng điều này không chứng minh một liên kết nhân quả. Để di chuyển tới một diễn giải nhân quả, chúng ta phải xác lập rằng tồn tại một mối quan hệ động giữa các giá trị lựa chọn-Cá nhân và sự sẵn sàng chiến đấu. Hình 5.2 trong chương trước chứng minh rằng các giá trị ủng hộ-lựa chọn đã tăng lên trong hầu hết các xã hội. Điều này gợi ý rằng sự sẵn sàng chiến đấu của người dân vì tổ quốc phải rớt xuống khi các giá trị này tăng lên.

Như Hình 6.2 chứng minh, đấy quả thực là cái chúng ta tìm thấy – một cách áp đảo. Hình này phủ tất cả 41 xã hội mà từ đó sẵn có dữ liệu ngang một khoảng thời gian ít nhất mười năm.32 Như nó chứng minh, sự sẵn sàng chiến đấu của công cúng đã rớt trong 36 xã hội, cho thấy không sự thay đổi nào trong hai xã hội, và tăng trong ba xã hội. Giữa các xã hội cho thấy bất cứ sự thay đổi nào, 92 phần trăm trở nên ít sẵn sàng chiến đấu hơn vì tổ quốc. Sự thay đổi trung bình đã là sự giảm sáu-điểm trên thập niên về tỷ lệ phần trăm nói họ sẵn sàng chiến đấu.

Hai nước cho thấy những sự tăng lên lớn nhất về sự sẵn sàng chiến đấu là các nước Italy và Pháp. Suốt thời kỳ hậu-chiến, cả hai nước đã có các đảng cộng sản hùng mạnh phản đối sự tham gia của nước họ vào NATO, mà được xem như hướng tới chống lại Liên Xô. Sau 1990, cả hai đảng cộng sản đã sụp đổ, mở đường cho những sự tăng lên khiêm tốn về sự sẵn sàng chiến đấu vì tổ quốc.

clip_image008

Sự thay đổi về sự sãn sàng chiến đấu trong chiến tranh (được chuẩn hóa theo thập niên)

Hình 6.2 Sự thay đổi về sự sẵn sàng của người dân để chiến đấu vì tổ quốc của họ trong chiến tranh.

Các thanh cho thấy số điểm thay đổi trung bình trên dân cư quốc gia, từ khảo sát sớm nhất đến muộn nhất, cho 41 nước được phủ bởi một chuỗi thời gian ít nhất mười năm (WVS/EVS, 1981–2012). Vì độ dài thời gian trong các số đo sự thay đổi này biến đổi từ nước này sang nước khác, tất cả các sự thay đổi được chuẩn hóa với dộ dài của một thập niên.

Các phân tích theo chiều dọc33 chứng minh rằng sự sẵn sàng chiến đấu là một đặc trưng tương đối ổn định của các xã hội cho trước: nó thay đổi, nhưng thay đổi với một nhịp độ rất chậm. Ngược với phiên bản gốc của luận đề “hòa bình dân chủ”, phân tích này cho thấy rằng dân chủ tăng lên từ Thời gian 1 đến Thời gian 2 không làm giảm đáng kể sự sẵn sàng chiến đấu tại Thời gian 2. Sự an toàn tồn tại tăng lên cũng chẳng cho thấy một tác động giảm bớt đáng kể. Tác động mạnh nhất – và tác động duy nhất mà hết sức có ý nghĩa bên cạnh kinh nghiệm Bắc Âu – phản ánh sự nhấn mạnh tăng lên đến các giá trị lựa chọn-Cá nhân.34 Khi các giá trị này tăng lên từ cực tiểu lên cực đại của chúng, sự sẵn sàng chiến đấu của một công chúng rớt 55 điểm phần trăm từ thời gian 1 đến thời gian 2.35 Mặc dù chỉ sẵn có bằng chứng theo chiều dọc hạn chế, các phát hiện này hội tụ với các phát hiện từ dữ liệu lát cắt-ngang rộng hơn, gợi ý rằng các giá trị lựa chọn-Cá nhân tăng lên đóng một vai trò chính trong việc làm giảm sự sẵn sàng chiến đấu của một công chúng.

Kết luận

Bằng chứng mặt cắt ngang, bằng chứng theo chiều dọc và bằng chứng nhiều-mức từ các xã hội chứa hầu hết dân số thế giới cho biết rằng sự an toàn tồn tại tăng lên gây ra các giá trị lựa chọn-Cá nhân. Khi các giá trị này trở nên phổ biến, sự sẵn sàng của người dân để chiến đấu với các nước khác teo đi.

Không có sự kiểm soát thí nghiệm đầy đủ, ta không thể chứng minh tính nhân quả. Nhưng bằng chứng từ các nước quanh thế giới gợi ý rằng sự an toàn tồn tại tăng lên cổ vũ một sự thay đổi hướng tới các định hướng lựa chọn-Cá nhân và làm giảm sức chịu đựng các thương vong con người, đem lại một sự sẵn sàng giảm bớt để chiến đấu vì tổ quốc. Bằng chứng gợi ý rằng sự biến đổi này đã xảy ra trong ba mươi năm qua, tăng cường các nhân tố ủng hộ hòa bình quốc tế.

Sự tiến hóa văn hóa cũng được thúc đẩy bởi các kinh nghiệm học lịch sử. Chiến tranh Thế giới II đã để lại một di sản lâu dài: từ các khảo sát sẵn có sớm nhất đến hiện nay, chỉ một thiểu số của công chúng Đức, Nhật và Italia nói rằng họ sẽ sẵn sàng chiến đấu cho tổ quốc họ. Ngược lại, một vai trò phân biệt cho quân đội đã nổi lên ở các nước Bắc Âu, trao cho quân dịch các ý nghĩa gìn giữ hòa bình giữa các công chúng của các nước Bắc Âu.

Các xu hướng này là có thể đảo ngược. Việc Nga chiếm Crimea và can thiệp vào miền Đông Ukraine đã gây ra sự lo ngại rộng rãi, đem lại các sự trừng phạt kinh tế, vốn chạy khỏi Nga và thúc giục các lãnh đạo chính trị Bắc Âu đánh giá lại vai trò của các lực lượng quân sự của nước họ. Nhưng cho đến nay, không lãnh đạo phương Tây có ảnh hưởng nào – không ngay cả những kẻ Diều hâu – đã đề xuất hành động quân sự chống lại Nga. Các chuẩn mực của Hòa bình Dài tiếp tục thắng thế bây giờ.


* Chương này dựa vào Inglehart, Puranen and Welzel, 2015.

GHI CHÚ

Chương 6 Sự Nữ hóa Xã hội và sự Sẵn sàng giảm sút để Chiến đấu cho Tổ quốc Mình: Thành phần Mức-Cá nhân của Hòa bình Dài

1 Gat, 2006: Introduction, p. 7. Điều này là đặc biệt đúng trong các xã hội nhiều vợ, nơi các đàn ông giàu có già hơn độc quyền cung phụ nữ.

2 Doyle, Michael W., 1986. “Liberalism and World Politics,” American Political Science Review 80, 4: 1151–1169.

3 Mousseau, Michael, Håvard Hegre and John R. O’neal, 2003. “How the Wealth of Nations Conditions the Liberal Peace,” European Journal of International Relations 9, 2: 277–314; Gartzke, Erik. 2007. “The Capitalist Peace,” American Journal of Political Science 51, 1: 166–191; McDonald, Patrick J., 2009. The Invisible Hand of Peace: Capitalism, the War Machine, and International Relations Theory. New York: Cambridge University Press.

4 Rosecrance, Richard, 1986. The Rise of the Trading State: Commerce and Conquest in the Modern World. New York: Basic Books; Cf. Mueller, 1989.

5 Mueller, 1989.

6 Gat, 2006.

7 Pinker, 2011.

8 Angell, Norman (1933 [1909]). The Great Illusion. London: G.P. Putnam’s Sons.

9 Oneal, John R. and Bruce M. Russet, 1997. “The Classical Liberals Were Right,” International Studies Quarterly 41, 2: 267–293; Hegre, Håvard, John R. Oneal and Bruce Russett, 2010. “Trade Does Promote Peace: New Simultaneous Estimates of the Reciprocal Effects of Trade and Conflict,” Journal of Peace Research 47, 6: 763–774; Dorussen, Han and Hugh Ward, 2010. “Trade Networks and the Kantian Peace,” Journal of Peace Research 47, 1: 29–42.

10 Gartzke, 2007; Mousseau, 2009; McDonald, 2009.

11 Dafoe, Allen, 2011. “Statistical Critiques of the Democratic Peace: Caveat Emptor,” American Journal of Political Science 55, 2: 247–262; Dafoe, Allen and Bruce Russett, 2013. “Does Capitalism Account for the Democratic Peace? The Evidence Says No,” in Gerald Schneider and Nils Petter Gleditsch (eds.), Assessing the Capitalist Peace. New York: Routledge:110–126.

12 Gat, Azar, 2005. “The Democratic Peace Theory Reframed: The Impact of

Modernity,” World Politics 58, 1: 73–100; Gat, 2006.

13 Pinker, 2011.

14 Goldstein, 2011.

15 Human Security Report Project, 2012. Human Security Report 2012. Vancouver: Human Security Press. Available at www.hsrgroup.org/humansecurity-reports/2012/text.aspx.

16 Chenoweth, Erica and Kathleen Gallagher Cunningham, 2013. “Understanding Nonviolent Resistance,” Journal of Peace Research 5, 3: 271–276; Schock, Kurt, 2013. “The Practice and Study of Civil Resistance,” Journal of Peace Research 50, 3: 277–290.

17 Ridley, 2011.

18 Human Development Report, 2013.

19 Estes, 2010.

20 Africa Progress Report, 2012. Jobs, Justice, and Equity. Geneva: Africa Progress Panel.

21 Welzel, 2013: 4.

22 Huntington, Samuel P., 1991. The Third Wave: Democratization in the Late 20th Century. Norman, OK: University of Oklahoma Press; Markoff, John and Amy White. 2009. “The Global Wave of Democratization,” in Christian W. Haerpfer, Patrick Bernhagen, Ronald F. Inglehart and Christian Welzel (eds.), Democratization. Oxford: Oxford University Press: 55–73; Pegram, Thomas, 2010. “Diffusion across Political Systems: The Global Spread of National Human Rights Institutions,” Human Rights Quarterly 32, 3: 729–760.

23 Møller, Jørgen and Svend-Erik Skaaning, 2013. “The Third Wave: Inside the Numbers,” Journal of Democracy 24, 4: 97–109.

24 Pinker, 2011.

25 De Waal, Frans B. M., 1995. “Bonobo Sex and Society,” Scientific American 272, 3: 82–88.

26 Puranen, 2008; Puranen, 2009.

27 Puranen, 2008, 2009.

28 Dựa vào các hạng 2000 của World Bank.

29 Iraq không được thấy trên đồ thị này bởi vì thiếu dữ liệu cho index lựa chọn-Cá nhân, nhưng nó cho thấy sự không sẵn sàng đặc biệt cao để chiến đấu. Điều này phản ánh xung đột sắc tộc giữa những người Sunni, Shiite và Kurd, những người không muốn chiến đấu vì Iraq – nhưng rất muốn đánh lẫn nhau.

30 Công chúng của Đan Mạch và Iceland cũng cho thấy các mức sẵn sàng cao để chiến đấu vì tổ quốc họ, nhưng thiếu dữ liệu đầy đủ về lựa chọn-Cá nhân (6).

31 Xem Inglehart, Puranen and Welzel, 2015.

32 Kể cả như một biến thêm xử lý độ dài của khoảng thời gian của số đo thay đổi cụ thể của mỗi xã hội không làm thay đổi các kết quả được hiển thị ở đây.

33 Xem Inglehart, Puranen and Welzel, 2015.

34 Tác động giảm bớt của các giá trị lựa chọn-Cá nhân tăng lên có hiệu lực, kiểm soát cho các cơ hội sống thăng tiến và dân chủ tăng lên. Nhưng điều ngược lại không có hiệu lực.

35 Nếu ta đảo ngược các vị trí của các giá trị lựa chọn và sự sẵn sàng chiến đấu trong mô hình Inglehart, Puranen và Welzel, sử dụng sự sẵng sàng chiến đấu giảm để tiên đoán các giá trị lựa chọn tăng lên, không nhận được tác động đáng kể nào. Điều này gợi ý rằng hướng chính của tác động chạy từ các giá trị lựa chọn-Cá nhân tới sự sẵn sàng chiến đấu hơn là theo chiều ngược lại.

Comments are closed.