VÀI ĐỐI THOẠI TRONG MƠ

 

đoàn huy giao

 

clip_image001[4]

 

 

10

 

Tôi lỗi hẹn vô số mùa thu trong ngôi vườn đá tảng. Đá trầm tư và cây trầm tư. May còn sót một chiếc lá vàng lặng lẽ đưa tôi đến gặp ngài.

 

Lợi Hưu : Đừng rung cây ! Cái đẹp hãy tự nó

               đến.

Tôi : Bạch thầy gió rung chứ đệ không rung.

Lợi Hưu : Vậy thì ngươi cũng là gió.

Tôi : Dạ không ! đệ chỉ là hơi thở vô tội của lá

        vàng.

 

Coi chừng đụng đầu lá xanh – Lợi Hưu nói và chỉ tay về phía mùa xuân.

 

 

 

11

 

Ôi mùa thu vĩnh hằng.

Ngươi làm gì trong « Hoàng hôn. Đống cỏ khô »(*) mà Lê-vi-tan ưu ái dành cho ta vậy. Một nỗi cô đơn trong trẻo. Một không gian buồn trong trẻo của bậc chí thành.

 

Họa sĩ : Hãy cầm bút lên.

Tôi : Dạ.

Họa sĩ : Hãy chọn màu nào trái tim anh mách

             bảo.

Tôi : Dạ.

Họa sĩ : Đừng bôi bẩn cái anh nhìn thấy. Hãy vẽ  

             cái anh cảm thấy.

Tôi : Thảo nào Bác cho đốt hết các lá thư đi.

Họa sĩ : Nhưng tôi còn để lại mùa thu và sắc lá 

             bạch hương.

Tôi : Dạ. Bác còn để lại cả lối mòn và những đầm

        ao trong sắc trời chiều của tuổi thơ con nữa.

Họa sĩ : (nheo cười như thể chính mùa thu đang

              chơi trò trốn tìm trong mắt ông).

 

Và tôi lặng lẽ xem tranh ông mà không nói cho ông biết rằng ông đã giữ lại cho tôi bao nỗi nhớ quê nhà.

 

                              (*) một tác phẩm của danh họa Lê-vi-tan.

 

 

12

 

Vậy là tôi đã về sau nhiều ngày lũ quét. Bờ sông lở còn rền vang trong ánh chiều những cành lau bị dập. Trên bếp tạm ngoài trời mấy củ khoai úng nước đang bốc mùi tân khổ. Làn khói mỏng một niềm triều mến bao la.

 

Tôi : Con đung đưa theo ánh sáng của mẹ, một

        nữ nhân lấm bùn trên vách đất.

Cái bóng : Ánh sáng duy nhất của bầu trời âu lo

                cho bữa ăn con cái mình.

Tôi : Như tiếng gà chưa cũ của đời con.

Cái bóng : (trong khói tóc hoàng hôn chập chờn    

                  một nụ cười độ lượng).

Tôi : Con đã đi quá xa với khả năng của đứa trẻ

        lạc đường muốn trở về.

Cái bóng : Thế nào rồi con cũng về được. Nhưng

                đừng làm vấy bẩn bóng chiều của mẹ,  

                nghe con.

 

Đây là ký ức găm vào não tôi sau trận lũ 1964 khi đứng trên thềm nhà của mẹ thi sĩ Bích Khê.

 

 

13

 

Từng giọt, từng giọt rét gõ vào hiên đêm thiếu ngũ. Trời còn mờ tối. Em đã thồ phân ra đồng. Lạnh cóng như thể người ta róc xương trong « Bản án thực dân Pháp ».

 

Chú Sáu(*) : Làm sớm cho đạt điểm khoán.

Tôi : (nhai nhầm hạt sạn trong bữa khoai sáng

         còn đèn. Ngọn đèn mù u như giọt lệ lưng

         tròng).

Chú Sáu : Mỗi công điểm chỉ được chia lon rưỡi

                lúa thôi, anh ơi. Mô Phật !

Tôi : Mô Phật !

                                                     

Giờ thì tôi thắp cho Chú một nén nhang trên Gò Cao. Còn cái xe thồ phân của Chú tôi xin mang ra phố để dạy nhắc cho tôi cách thồ chữ.

 

                              (*) Kiểu xưng hô của tôi với người em ruột.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments are closed.