Bài của Vũ Thành Sơn về Vũ Lập Nhật – Giải Thơ Văn Việt lần thứ tư: “Đọc thơ Vũ Lập Nhật”

Vũ Thành Sơn

Thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta một cảm giác mất thăng bằng, một thế đứng chông chênh nguy hiểm, như thể khi bước vào thế giới thơ của Vũ Lập Nhật là chúng ta đang bước vào một thế giới khác, một thế giới song song không biên giới; ở đó, trật tự, định luật vạn vật hấp dẫn, sự sáng suốt của lý tính như bị thách thức.

rằng để đi bộ bình thường
hai chân anh không được cùng lúc nằm trên một đường thẳng
thơ cũng là dao động giữa trái và phải
nhịp này nhịp kia tìm lấy nhau
mất cân bằng mới tiến về phía trước
nên khi anh dừng lại
thơ biến mất

thơ không thể vận hành bằng sự phô diễn
anh phải chờ nó biến mất
để rồi tìm lại đâu đó trong ký ức
về những bước chân anh đã không bước

(Một tối xem tranh của Van Gogh)

Trong lúc nhiều nhà thơ còn say sưa triết lý ba hoa, hoặc than mây khóc gió trên một niềm tin vững chắc về tính tất yếu hiển nhiên của đời sống hữu hạn, Vũ Lập Nhật đem đến một thứ Thơ hoàn toàn khác; ở đó, cái chất liệu làm nên Thơ là ngôn ngữ bị đem ra xét hỏi và cũng qua đó, ngôn ngữ mới được trả lại bản chất đích thực ban đầu của nó: đó là tiếng vọng của sự im lặng.

tôi sẽ không thể cất lên bất cứ tiếng nói nào
hoặc chỉ ú ớ vài từ vô nghĩa
người ta sẽ không phán xét tôi như trong mọi cuộc phán xét về cách sử dụng ngôn ngữ
im lặng và tôi
sẽ chết theo cách của tôi

(Tôi không phải là tôi)

Rất ít những nhà thơ Việt Nam truy vấn về tính khả thể của Thơ để cho ra đời một thứ Thơ về Thơ (metapoetry) như Vũ Lập Nhật. Đó không phải là một môn thể thao nhào lộn trong phòng kính mà là một sự khai quật nguồn ánh sáng kỳ diệu đã bị tước đoạt bởi truyền hình, phim ảnh, báo chí hay facebook; sự khai quật đó có tên gọi là Homer.

như suy tư về tàn tích một thành phố không tồn tại nữa

Đó cũng chính là suy tư của Ulysses sau những tháng năm dài lưu lạc quay đầu nhìn về cố quận Ithaca và của mỗi chúng ta trong cuộc sinh tồn này.

“Hiện hữu hay không hiện hữu”, câu hỏi đó không bao giờ lỗi thời bởi vì nó phủ nhận đời sống con người như là một thứ tất định, phủ nhận quyền uy tối thượng của Tạo Hóa và khẳng định tự do không thể đảo ngược của Con Người.

tôi không phải là tôi
tôi là tóc của tôi
mỗi sáng sớm khi nhớ ra điều gì về thế giới này thì thấy mình xoăn tít trong đám đồng loại
và vài ngày sau thấy mình mắc kẹt trong những
thanh nhựa song song của một chiếc lược có khi
bụi bám đầy
thấy mình trôi
vào
nhiều ống cống cho những cuộc tái sinh
rơi
trên vô số nơi mà tôi chỉ ước gì nó không
tồn tại trên mặt đất này

(Tôi không phải là tôi)

Nhưng đối với những độc giả yếu bóng vía, không những câu hỏi đó làm cho nhiều người hoảng sợ mà họ còn hoang mang, bất ổn ngay từ ngưỡng cửa của thơ Vũ Lập Nhật khi chính ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc trong thơ Vũ Lập Nhật đã vượt quá cái khung an toàn của ước lệ và điển phạm. Họ, những độc giả sợ độ cao và chỉ quen nhìn ngắm chân trời từ khung cửa hẹp của mình, hốt hoảng vì nguy cơ của một cú rơi tự do vào cái xa lạ, cái bất khả tri.

em hỏi tôi thay vì vậy
sao tôi không viết bài thơ chào mừng lưỡi dao mới
những tờ giấy gập đôi từ nay sẽ tách rời nhau dễ dàng hơn
sao tôi không mơ một cách hợp lý
về em, về lưỡi dao, ngày kỷ niệm lao động, ngày lễ tình nhân
nhưng tôi thấy em trong ngày kỷ niệm lao động
thấy lưỡi dao trong ngày lễ tình nhân
tôi nói những điều riêng tư trong khán phòng đông người
rồi thuyết trình về vấn đề phổ quát trong phòng mình
cũng như ăn trưa cùng các nhân vật trong rạp chiếu phim
hay xem phim trong nhà bếp cùng lũ kiến bò trên thức ăn vụn còn sót lại vào buổi sáng
tôi ngủ trong công viên và chơi trò đu quay trong phòng ngủ

(Tôi đã viết một bài thơ tình)

Không có nỗi sợ nào, kể cả cái chết, kinh hoàng cho bằng nỗi sợ khi đứng trước cái xa lạ và cái không thể hiểu, bởi vì, nói như Epicure, đối với người đang sống thì cái chết chưa xuất hiện, còn đối với người đã chết thì họ không còn hiện hữu nữa để có thể cảm nhận được cái chết như thế nào; cái chết, suy cho cùng, chẳng có liên hệ gì đến con người trong khi cái thực sự có giá trị đối với con người chính là cuộc sống ở thời hiện tại thì đang bị hoài phí.

anh không thể thưởng thức trọn vẹn ổ bánh mì
nếu không đọc hết câu chữ được in trên tờ báo làm giấy gói
anh chẳng xé nát bìa sách khi ngốn hết câu chuyện bên trong
vì anh biết vật chứa đôi khi lại đẹp hơn thứ nó chứa đựng
anh lật ngược bìa vào trong và đảo trang cuối sách ra làm bìa
cũng như đôi khi ta cần biết trước kết thúc để quyết định có sống cuộc đời này hay không
những đứa trẻ ra đời vì ai đó đã giấu đi chương tối hậu

(Nào đâu có gì khác biệt nơi đây)

Với những dòng thơ như thế này, Vũ Lập Nhật đang thực sự chiêu niệm những nỗi buồn lô xô mái ngói, mắt lúng liếng, hay nắng thủy tinhlệ đá xanh… của một thời không xa:

Nếu tôi không ở nhà thì chắc là tôi đang ở dưới trời mưa
Nếu tôi không ở dưới trời mưa thì chắc là tôi đang trên đường đến đó
Nếu tôi không trên đường đến đó, chắc là tôi đã muốn đến một nơi nào khác
Nếu tôi không muốn đến một nơi khác, chắc là tôi vẫn mong đến nơi có mưa
Nếu tôi không mong đến nơi có mưa, chắc là tôi đang muốn huỷ diệt đi sự lưu trú của mình… huỷ diệt bất cứ địa hạt nào của cuộc sống chứa chấp tôi ảo não
Nếu tôi không muốn huỷ diệt đi sự tồn lưu, chắc là tôi đang muốn làm biến mất đi những đường viền xung quanh nó và thử tưởng tượng có một lằn ranh giới trắng bao quanh tôi khi đứng dưới cơn mưa này.
Nếu tôi không muốn làm biến mất đi những giới hạn ấy, chắc là tôi đang muốn làm biến mất đi vỏ bọc của chính tôi và thử tưởng tượng thật ra những đường viền ấy không phải màu trắng vì nó được làm bằng da của tôi, da đang chai sần đi vì những vệt nắng cứa vào các kẽ hở nhỏ của những lỗ thoát khí.
Nếu tôi không muốn làm biến mất đi da thịt của mình như cách một con rắn gỡ bỏ lớp da để tiếp tục thanh xuân hoá đời sống, thì chắc là do tôi đã biết sẽ có ai đó thay tôi làm công việc này
Nếu tôi không biết sẽ có ai đó thay mình róc da thịt, chắc là tôi sẽ đứng dưới mưa và tiếp tục đi tìm mưa để nó xối rửa những tiểu tiết và đại sự trên cơ thể. Sẽ chẳng còn gì cả…

  (Mưa)

Cái làm nên vẻ đẹp của thơ Vũ Lập Nhật chính là ở sự thách thức tính hợp lý của những biểu tượng đã được khuôn đúc và hằn dấu nung đỏ lên trí tưởng tượng của con người.

người lao công nói về điều hợp lí
khi những chiếc đũa tre trong hộp cơm trưa ai đó vứt đi được cắm vào bình hoa
tôi đốt những chiếc đũa ấy và cầu nguyện
tựa như thể đũa là danh từ mở rộng của nhang và bình hoa là danh từ thay thế của lư hương

(At right place)

Tuy vậy, vẻ đẹp đó cũng vẫn là một vẻ đẹp kết tinh trong suốt của lý tính cho dù Vũ Lập Nhật thường đào xới tính bất hợp lý trong thơ, và chính vì vậy thơ của Vũ Lập Nhật không có cái bay bổng siêu thực. Vũ Lập Nhật một chân còn bám chặt vào mảnh đất của hiện thực trong khi chân kia vẫn còn lưỡng lự trên miệng hố thẳm của vô thức, nên thơ của Vũ Lập Nhật thiếu cái say khướt si dại mà quá tỉnh táo để có thể cất cánh bay ra khỏi quỹ đạo của ý thức.

như con kiến nhẫn nại
tôi bò quanh
      thành cốc nước
vừa chờ đợi
      vừa tiến hành cái chết của mình
bằng nghi thức bức tử sự lãng mạn
trong cái nóng khủng khiếp từ những khung cửa sổ bị tra tấn bằng nhiệt độ
mà hơi thở là đồng loã của nỗi buồn
và khoảng giữa     chỉ là khái niệm
như con cá tung mình trên mặt biển hoàng hôn
có lẽ nó không thấy đường chân trời nằm giữa đâu cả
và trong tiếng lắc cắc…
      những hòn đá lạnh cuối cùng còn sót lại
tôi quyết định
          nhảy
          xuống
      một bài thơ khác

(Những suy nghĩ trước khi kết thúc một hư cấu)

Đọc thơ Vũ Lập Nhật cho chúng ta niềm vui thú của sự khám phá những cái bất ngờ, bất định giống như một người gặp những ngã rẽ không báo trước trên con đường quen thuộc, nó vừa bất trắc nhưng vừa mời mọc kêu gọi. Những du khách đã quen ngồi sau một tay lái sẽ không có được cái cảm giác của một sự phân vân, lưỡng lự hay liều lĩnh đó bởi khi đó, đọc một bài thơ, chẳng khác gì làm một bài trắc ngiệm trí nhớ của học sinh thi tốt nghiệp; họ sẽ bỏ trống ô vuông bên cạnh đối với những cái lạ lẫm chưa từng được dạy dỗ bao giờ. Vũ Lập Nhật đem vào trong thơ một chiều kích khác của ngôn ngữ, đó là một sự triển khai hình ảnh trong trường ngôn ngữ (Jacques Lacan), là sự mơ hồ cấu thành của thông điệp thi ca (R. Jakobson), là thứ ngôn ngữ biểu tượng của Roland Barthes.

Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành
bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác
sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc
như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển
_ ___ __ ___  ____ _  _ ___  __
____ __  ____  _ _ _ _____ __
__ ___   __  ____  ___  ___ _ _
rồi chúng thành đường thẳng duy nhất
mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất
Khi sự im lặng của tôi hấp hối
chúng mới hiểu rằng
từ lâu mình đã bị gọi sai tên.
(Bầy cá nhỏ bơi qua sự im lặng)

Và chúng ta hy vọng, như Vũ Lập Nhật hy vọng, rằng:

thơ không thể vận hành bằng sự phô diễn
anh phải chờ nó biến mất
để rồi tìm lại đâu đó trong ký ức
về những bước chân anh đã không bước

(Một tối xem tranh Van Gogh)

Những bài thơ mà Vũ Lập Nhật không viết hoa.

Nguồn: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/doc-tho-vu-lap-nhat/

Comments are closed.