Văn bản như một hệ thống năng động

J.M. Lotman

Lã Nguyên dịch

1. Khái niệm “văn bản” đã hàm chứa tính phái sinh của nó trong tương quan với khái niệm “ngôn ngữ” (Xem: Ngôn ngữ trở thành cái hiển thị trong hình thức văn bản, P. Hartman, Z. Schmidt). Nhưng nếu nói chí ít là về những khái niệm ví như “văn bản của nghệ thuật” (văn bản nghệ thuật) và “văn bản văn hóa”, thì lại hoàn toàn có đủ cơ sở để xem văn bản là cái có trước, còn ngôn ngữ chỉ là hiện tượng phái sinh của nó. Kết luận này là hoàn toàn đúng đắn cả về mặt lí thuyết lẫn lịch sử (sự xuất hiện của các văn bản thuộc loại này thông thường có trước ngôn ngữ, văn bản được sáng tạo bằng thứ ngôn ngữ “chẳng cụ thể” nào cả, hoặc một thứ ngôn ngữ còn “chưa ai biết”). Với ý nghĩa như thế, văn bản không phải là sự hiện thực hóa của một ngôn ngữ nào đó, mà là cỗ máy sản xuất các ngôn ngữ.

2. Từ những gì vừa nói có thể thấy rằng tính không đồng nhất về mặt cấu trúc là quy luật của văn bản (nếu không nói tới các siêu văn bản và những văn bản của các ngôn ngữ nhân tạo). Các loại văn bản thuộc loại chúng ta quan tâm không bao giờ là những văn bản được tạo ra bằng một ngôn ngữ độc nhất nào đó. Chúng là kết quả hoặc là của một mã kép (mã hóa nhiều lần), hoặc được hình thành từ hai tiểu văn bản (subtexts) được mã hóa bằng những phương thức khác nhau, đồng thời, trong một tượng quan nào đó, nó là một văn bản thống nhất. Trong hàng loạt trường hợp, chúng ta thường bắt gặp hiện tượng nhập nhiều tế bào cấu trúc lạ vào một cơ thể văn bản, hoặc những hình thức cộng sinh nào đó của các tiểu văn bản (subtexts). Sự sai lệch hoặc lỗi cơ học, khi độc giả tiếp nhận chúng như một phương thức mã hóa đặc biệt nào đó mà anh ta chưa hề biết, sẽ là trường hợp cá biệt của hiện tượng đa tạp, không thuần nhất nói trên.

2.1. Từ góc độ ngữ dụng, kết luận rút ra từ điều vừa nói sẽ là khả năng tiếp cận văn bản từ hai giác độ là bình thường trong giao tiếp: a) Tiếp cận văn bản như là tiếp cận thông tin bằng ngôn ngữ mà người tiếp nhận đã biết; b) Như là tiếp cận thông tin bằng một ngôn ngữ xa lạ (trong trường hợp này, ngôn ngữ sẽ được phát hiện hoặc là bằng cách dựa vào kinh nghiệm văn hóa – kí hiệu học có sẵn, hoặc là dựa vào việc giải mã văn bản một cách tùy tiện).

2.2. Từ góc độ chức năng của văn bản, điều vừa nói làm lộ ra khả năng về chức năng kép của văn bản: a) Văn bản nhắm vào việc truyền đạt một thông tin nào nó đã có sẵn từ trước (ý nghĩa có trước văn bản). Trong trường hợp này, xu hướng thống nhất các mã văn bản sẽ chiếm ưu thế, người phát và người nhận cùng sử dụng một ngôn ngữ duy nhất đã biết trước. Ở mức độ cao nhất đó là sự giao tiếp nhờ sử dụng các ngôn ngữ nhân tạo. b) Văn bản hướng tới tạo ra thông tin mới (ý nghĩa không có sẵn, mà đang tạo ra). Trong trường hợp này, chiếm ưu thế tuyệt đối là xu hướng phức tạp hóa mối quan hệ giữa các phương thức mã hóa các tiểu văn bản. Ở mức độ cao nhất, đó là văn bản được tạo ra bằng ngôn ngữ trừu tượng, khó hiểu, bí hiểm.

Ghi chú: Báo cáo sẽ dẫn ra các trường hợp đa dạng về mã hóa văn bản trên chất liệu của thơ Baroque, văn xuôi lãng mạn và thơ trữ tình của Tyutchev.

3. Những điều vừa nói mở ra cách nhìn mới đối với việc nghiên cứu so sánh và sự tác động qua lại giữa các loại văn hóa. Nhập vào một mối thống nhất văn hóa nào đó, khi hoạt động với nhau như những văn bản, các loại văn hóa không chỉ xích lại gần nhau tạo nên sự thống nhất các hệ thống mã của chúng, mà còn bị chuyên môn hóa tạo nên độ căng về mặt cấu trúc đảm bảo cho quá trình tạo nghĩa bùng nổ. Sự giao tiếp càng chặt chẽ thì nhu cầu về sự độc đáo, mới lạ, dị thường, tức là độ căng nội tại giữa các mã càng lớn.

Ghi chú: Luận điểm sẽ được minh họa bằng lịch sử khái niệm “văn hóa lạ”.

4. Những điều đã nói cho phép rút ra một số dấu hiệu chung về văn bản:

a) Văn bản nào cũng có sự vênh lệch, không đồng đều kí hiệu học. Ngoài chức năng truyền đạt thông tin, tạo ra các ngôn ngữ mới, văn bản cũng hoạt động như một cỗ máy, trước khi lưu chuyển trong văn hóa, rơi vào lối đi của nó, các văn bản sẽ vượt qua các ranh giới mã nội tại, sẽ biến thành các thông tin mới. Văn bản sinh ra các văn bản mới, do đó, có thể tạo ra sự nghịch lí: văn bản phải đi trước văn bản về mặt lịch sử.

b) Văn bản nào cũng có một cơ cấu mà nhờ đó nó được xem vừa như một nhóm văn bản độc lập, vừa như một văn bản duy nhất nào đó ở cấp độ cao hơn, và với tư cách là một phần của một số văn bản thuộc trình tự cao hơn. Văn bản biệt lập chỉ là trò hư cấu khoa học đầy tính ước lệ. Xu hướng văn bản bị chia nhỏ tới vô hạn và hợp nhất tối đa, trong khi vẫn lưu giữ toàn bộ đẳng cấp ranh giới mã, được thể hiện rõ trong lịch sử văn hóa của các khái niệm về cấp độ văn bản “cao hơn” và “thấp hơn”. Một mặt thường xuyên có sự vận hành của cơ chế chia tách những yếu tố trước kia vốn dĩ không thể chia tách thành những đơn vị riêng lẻ, được tổ chức lại với nhau về mặt cấu trúc và cấp cho các yếu tố của kí hiệu một ý nghĩa kí hiệu độc lập, tức là biến các bộ phận của văn bản thành một tập hợp văn bản. Mặt khác, để mọi thông tin, ở cấp độ cao nhất, có thể hoạt động như một văn bản, nó phải được nối kết với một văn bản khác để chúng tạo thành một sự thống nhất ở trật tối cao.

5. Tất cả những gì đã nói biến văn bản ở bất kì cấp độ nào thành một hệ thống năng động, tạo nên toàn bộ tòa nhà văn hóa.

Dịch từ nguyên bản tiếng Nga

(Nguồn: Ю. М. Лотман – ТЕКСТ КАК ДИНАМИЧЕСКАЯ СИСТЕМА// Структура текста – 81. Тезисы симпозиума. – М., 1981. – С. 104-105)

Lã Nguyên

 

Nguồn: FB La Khắc Hòa

Comments are closed.