2000 thuật ngữ Tâm lý học (kỳ 92)

Hoàng Hưng

921. Leadership style: Phong cách lãnh đạo

– Các xu hướng và phương pháp ứng xử ổn định của một thủ lãnh khi chỉ đạo một nhóm. Một số phong cách phổ biến là chuyên quyền, quan liêu, mê hoặc (charismatic), dân chủ, buông thả (laissez-faire).

– Trong các lí thuyết về phong cách và sự tuỳ cơ (contingency) của lãnh đạo, là mức độ mà phương pháp của người thủ lãnh có đặc điểm rõ ràng là task-motivated (vì nhiệm vụ) hay relationship-motivated (vì quan hệ). Phần lớn những lí thuyết như thế cho rằng các thủ lãnh hữu hiệu cân bằng hai định hướng căn bản này trong nhóm mà họ lãnh đạo.

922. Leadership theories: (các) Lí thuyết lãnh đạo

Các lí thuyết nhằm giải thích tính hữu hiệu hay không hữu hiệu của các thủ lãnh. Các kiểu lí thuyết chính bao gồm các lí thuyết về nét đặc điểm của lãnh đạo (trait theories of leadership), tập trung vào các đặc trưng như năng lực giám sát, trí khôn, lòng tự tin, và tính quyết đoán; các lí thuyết về ứng xử/ phong cách của lãnh đạo (behavioral / style theories of leadership) tập trung vào những hoạt động dựa trên nhiệm vụ và dựa trên quan hệ; Các lí thuyết về sự tuỳ cơ của lãnh đạo (contingency theories of leadership) toan tính mô tả kiểu lãnh đạo hữu hiệu nhất trong những tình huống khác nhau; và các lí thuyết thức nhận (nhận thức) về lãnh đạo (cognitive theories of leadership) như leader-categogization theory (thuyết phân loại lãnh đạo) hay attribution theory of leadership (thuyết qui kết về lãnh đạo) mô tả cách mà những tri nhận của thuộc cấp về thủ lãnh của họ có ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo.

923. Learned helplessness: (sự) Bất lực do tập thành

Thiếu động lực và không thể hành động sau khi bị đối đầu với những sự kiện hay kích thích khó chịu mà cá nhân không kiểm soát được (như tiếng ồn, đám đông…). Các cá nhân bị tập để thấy rằng mình không thể kiểm soát môi trường xung quanh, và điều này dẫn họ đến chỗ thất bại trong việc sử dụng bất kì phương án kiểm soát nào có thể có. Theo thuyết bất lực (helplessness theory), sự bất lực do tập thành là một nhân tố gây nguy cơ trầm cảm. [Được mô tả lần đầu vào giữa thập niên 1960 bởi nhà Tâm lý học Mĩ Martin E.P. Seligman (1942-)].

924. Learning disabilities (LD): (các dạng) Thiểu năng học

Bất kì điều kiện nào được đánh dấu bằng những khiếm khuyết quan trọng về các kĩ năng học vấn, bao gồm các rối loạn về học (learning disorders) và các khó khăn trong việc học do thiểu năng về tri nhận, tổn thương não, hay loạn chức năng não tối thiểu (minimal brain dysfunction). Khái niệm này không kể đến những vấn đề về học là kết quả từ suy yếu về thị giác, thính giác, chậm trí, rối loạn cảm xúc, hay bất lợi về môi trường, văn hoá hay kinh tế.

925. Learning disorder: Rối loạn về học

Bất kì rối loạn nào có đặc trưng là thành tích của một người thấp xa dưới mức trông đợi đối với trí khôn, tuổi và cấp học của người ấy, được đo bởi các đo nghiệm chuẩn hoá về đọc, toán học và viết. Trong thực hành, sai lệch ở mức một hay hai độ lệch chuẩn so với điểm chuẩn về trí khôn tổng quát trong đo nghiệm thành tích (achievement test) là bình thường, nhưng sẽ được coi là rối loạn về học nếu có đặc điểm nổi bật khác như rối loạn về xử lí thức nhận (nhận thức) (cognitiveprocessing disorder), rối loạn tâm trí liên quan (relevant mental disorder), một thiểu năng về mặt y tế nổi bật… 

926. Learning model: Hình mẫu học

Một cách tiếp cận việc nghiên cứu sự phát triển và hành vi của con người, nhấn mạnh ảnh hưởng của các điều kiện môi trường đối với vận hành thể chất, thức nhận (nhận thức), liên cá nhân và cảm xúc của cá nhân. Theo hình mẫu học, đứa trẻ thẩm thấu một cách bị động những đặc điểm nổi bật thích hợp của môi trường vào dòng liên tục phát triển. Điều này tương phản với sự nhấn mạnh mang tính nhận thức luận về sự phát triển như một sự chủ động xây dựng kiến thức trong những giai đoạn chuyên biệt có đặc trưng là các phương thức tổ chức và biểu đạt khác biệt.

927. Least effort principle: Nguyên lí nỗ lực tối thiểu

Giả thuyết căn bản về hành vi cho rằng một người hay động vật sẽ chọn một đường lối hành động có vẻ đòi hỏi ít nỗ lực nhất hoặc vướng phải ít kháng cự nhất. Cũng gọi là law of least action (luật hành động tối thiểu).

928. Left-hemisphere consciousness: Ý thức bán cầu não trái

Tuyên bố của nhà thần kinh Tâm lý học nhận thức người Mĩ Michael Gazzaniga rằng bán cầu não kiểm soát lời nói (bán cầu não trái ở hầu hết mọi người) là nơi chứa đựng ý thức. Những người khác, bao gồm Roger Sperry, đã đề xuất rằng cả hai bán cầu não đều có ý thức một cách độc lập. So sánh với ý thức bán cầu não phải (right-hemisphere consciousness).

929. Legitimacy knowledge: (sự) Nhận biết hợp thức

[trong Tâm lý học xã hội] Vai trò của sự đồng nhất hoá với nhóm của một cá nhân đóng góp vào hình ảnh tự thân (self-image) và những đánh giá về giá trị cá nhân. Sự nhận biết hợp thức xuất phát từ tri nhận của cá nhân về sự chấp nhận về mặt văn hoá của nhóm màu da, tính dục, dân tộc hay tôn giáo. Nó thường tương phản với competence knowledge (nhận biết năng lực) là thành tố của hình ảnh tự thân, xuất phát từ tài năng và thành tựu của cá nhân.

930. Leisure lifestyle: Lối sống thư nhàn

Lối sống trong đó sự thư nhàn và thời gian tự do đóng vai trò nổi bật. Các hoạt động thư nhàn (thú chơi, giải trí, các hoạt động tự chọn) thay thế một cách rộng rãi hay toàn bộ các hoạt động bắt buộc (làm việc vì tiền…) như trường hợp của những người đã về hưu. Một lối sống bao gồm các hoạt động thư nhàn đều đặn được cho là là tốt cho cả sức khoẻ thể chất lẫn sức khoẻ tâm trí.

Comments are closed.