Những nền tảng của xã hội tự do (8)

Phạm Nguyên Trường

 

8. Tư nhân hóa và toàn cầu hóa

Di dân và công nghệ

Thế giới đang mở cửa

Những khu vực của hành tinh, có thời ở rất xa, bây giờ đã không còn xa nữa. Tivi, đài phát thanh, Internet và các phương tiện thông tin liên lạc khác đã đưa những nền văn hóa, lối sống, chủng tộc, dân tộc, quốc gia và các hệ thống của chính phủ lại gần với chúng ta hơn. Du lịch bằng máy bay và xe cộ trên mặt đất chạy nhanh hơn, làm cho việc đi thăm thú nhiều địa điểm trên trái đất trở thành khả thi.

Các chính phủ khó che giấu sai lầm hơn trước. Không có bất kì chỗ nào trong tòa nhà của chính phủ còn là bức tường che chắn để họ có thể hi vọng tiếp tục không để cho công dân biết những khiếm khuyết của mình. Nhờ tiếp xúc thường xuyên với phần còn lại của thế giới – qua các phương tiện truyền thông xã hội hay truyền hình nước ngoài truyền qua vệ tinh – những công dân đó có thể đã biết những cơ hội tuyệt vời ở các khu vực khác.

Kết quả là, nhiều nước đã không còn tìm cách bế quan tỏa cảng nữa. Họ đã mở cửa cho du khách và người thăm quan. Trong mấy thập kỉ vừa qua, các nước lớn như Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar và nhiều nước khác đã trở thành các thành viên cởi mở hơn trong cộng đồng quốc tế. Hiện nay, một phần năm người dân Afghanistan đã và đang sống một khoảng thời gian nào đó ở nước ngoài.

Trao đổi ý kiến

Trong thế giới mới này, không chỉ có người đi du lịch – các ý tưởng cũng đi cùng với họ. Khách du lịch mang tới những câu chuyện của những thế giới khác hẳn, trong đó, người dân có quyền tự do hành động, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Người dân địa phương đi ra nước ngoài và ngạc nhiên khi thấy rằng câu chuyện của du khách là có thật. Nếu người dân tiếp cận được với internet, với tivi truyền qua vệ tinh, thì những câu chuyện mà họ nghe được lại được những cảnh diễn ra trên màn hình khẳng định. Thương mại cũng có ảnh hưởng tương tự. Khi một nước nào đó mở cửa cho thương mại quốc tế, thì công dân của nước đó sẽ tham gia kinh doanh và trở thành bạn bè với người dân trong các nền văn hóa khác và dần dần sẽ biết thêm những cách sống khác.

Nó gia tăng sức ép lên chính phủ, buộc họ phải mở cửa, thậm chí là rộng hơn nữa. Những người thực sự thấy và tự mình trải nghiệm tự do hiểu được sức mạnh to lớn của nó trong việc thúc đẩy tiến bộ và lan truyền thịnh vượng. Họ muốn chính mình cũng tiến bộ và thịnh vượng. Công nghệ, thương mại, di cư, du lịch và thị trường toàn cầu, tất cả đều là các sứ giả quảng bá cho xã hội tự do.

Phát triển xã hội tự do

Chủ nghĩa tư bản không phải từ trên xuống

Tạo ra xã hội tự do ở nơi nó chưa từng hiện diện là việc không dễ. Chính phủ mới và các cơ quan viện trợ quốc tế thường tìm kiếm những thay đổi lớn, ngoạn mục, ví dụ, thay thế toàn bộ bộ máy hành chính, hay tư nhân hóa các ngành công nghiệp lớn do chính phủ kiểm soát.

Cách tiếp cận như thế thường dẫn tới thảm họa. Ở những nơi mà người ta vốn quen với việc sử dụng quyền lực nhằm thúc đẩy lợi ích cá nhân và người dân chưa hiểu được thị trường và cạnh tranh, thì nhiều sáng kiến trong việc tư nhân hóa (ví dụ như của Mexico, cuối những năm 1980) chỉ đơn giản là chuyển những cơ sở độc quyền của nhà nước vào tay tay chân của những người có chức có quyền mà thôi. Đối với công chúng, chủ nghĩa tư bản ô dù như thế dường như không khác gì hiện tượng ô dù của nhà nước trước đó. Và, vì việc cải cách hệ thống tư pháp có thể kéo dài hàng thập kỉ, chủ nghĩa tư bản ô dù có thể tiếp tục tồn tại mà tòa án không làm gì được họ. Vì vậy, người dân trở nên hoài nghi về các giải pháp thành lập doanh nghiệp tư nhân, như là những vấn đề do nhà nước kiểm soát. Nhiều người có thể tin rằng chỉ có những người cấp tiến và những nhà cách mạng mới có thể đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn mới, có thể đem lại lợi ích cho dân chúng, chứ không phải là mang lại lợi ích cho giới ăn trên ngồi trốc.

Thúc đẩy tự do từ dưới lên

Các cách tiếp cận “Chủ nghĩa tư bản từ trên xuống” không thành công vì nó tìm cách thay đổi diện mạo bên ngoài của các thiết chế xã hội mà không thay đổi thái độ, hành động và khích lệ cơ bản, tức là những thứ tạo ra và củng cố các thiết chế xã hội.

Sự sáng tạo và tiến bộ của xã hội tự do phát triển từ các quy tắc pháp lí và đạo đức, quyết định cách người ta sống và hợp tác một cách tự do với nhau. Nếu chúng ta có thể đưa ra các quy tắc hành động như thế và để người dân tự do sống cuộc đời của mình trong khuôn khổ những quy tắc đó, thì năng lượng tự nhiên và tham vọng của toàn bộ xã hội sẽ thúc đẩy thay đổi cả hệ thống.

Giả sử chúng ta làm cho việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng, sở hữu và điều hành doanh nghiệp tự tin, quyền sở hữu tài sản trở nên an toàn, có thể tích lũy vốn sản xuất và buôn bán một cách tự do, nói ví dụ thế. Làm như thế là chúng ta tạo ra các quy tắc và sáng kiến, tức là những thứ sẽ nhanh chóng tạo ra tăng trưởng kinh tế và kích thích cải cách xã hội một cách có hệ thống. Người dân sẽ bắt đầu từ các doanh nghiệp nhỏ, sẽ học cách kinh doanh và thịnh vượng – họ không chỉ nhận được các khoản lợi ích về tài chính mà lòng tự tin cũng gia tăng. Xã hội càng tự tin thì càng có nhiều khả năng giải quyết các vấn đề về thiết chế lớn, như cải cách bộ máy hành chính và các ngành công nghiệp do chính phủ kiểm soát.

Vì vậy, chúng ta không nên bắt đầu ở cấp vĩ mô, không nên tìm cách cải cách tất cả các thiết chế của nhà nước. Chúng ta nên bắt đầu ở cấp vi mô, bằng cách giải phóng các sáng kiến, những sáng kiến này sẽ thúc đẩy sự thay đổi hệ thống thông qua toàn bộ khung thiết chế .

Quyền sở hữu trong hành động

Quyền sở hữu ở Peru

Ví dụ thú vị là cuộc cải cách quyền sở hữu ở Peru, được thúc đẩy chủ yếu bởi nhà kinh tế học Hernando de Soto hồi đầu những năm 1990. De Soto phàn nàn rằng do nạn quan liêu và tham nhũng ở Peru mà có thể phải mất gần một năm mới đăng ký được một doanh nghiệp mới. Quyền sở hữu cũng khó khăn tương tự. Kết quả là hàng triệu doanh nghiệp nhỏ không có quyền sở hữu hợp pháp trang trại, doanh nghiệp nhỏ hay nhà ở. Họ khó vay tiền để mở rộng sản xuất. Họ không thể bán nhà hay doanh nghiệp. Và họ không thể đưa các tranh chấp về tài sản và kinh doanh ra các tòa án để giải quyết.

Trên thực tế, có hai nền kinh tế ở Peru, một nền kinh tế hoạt động theo pháp luật và được hưởng tất cả những lợi ích kinh tế của tính hợp pháp và được pháp luật bảo vệ, còn nền kinh tế kia là hàng triệu doanh nhân bị mắc kẹt trong nạn nghèo đói vì nhà cửa và các doanh nghiệp của họ không tồn tại một cách hợp pháp. Chính phủ bị thất thu vì không thể đánh giá hoặc thu thuế các doanh nghiệp nhỏ nằm ngoài vòng pháp luật. Và, vì không được bảo vệ về mặt pháp lí, các doanh nhân này dễ dàng bị bọn tội phạm và du kích cộng sản trong phong trào Con Đường Sáng lợi dụng.

Giải pháp mà De Soto và những người khác đưa ra là loại bỏ hầu hết các quy định hành chính liên quan đến việc đăng ký doanh nghiệp mới, và loại bỏ hầu hết các giấy phép và giấy đăng kí mà trước đó phải có thì mới được khởi động doanh nghiệp. Người ta tiến hành cả công cuộc cải cách ruộng, và lần đầu tiên hơn một triệu gia đình Peru được công nhận quyền sở hữu ruộng đất. Kết quả là, hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ gia tăng, vì chủ sở hữu có thể vay tiền để mở rộng sản suất và mua, bán bất động sản. Khi người dân có vốn và tiết kiệm, tiêu chuẩn nhà ở được cải thiện và phụ huynh bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho việc học hành của con cái.

Những cuộc cải cách này cũng bị chỉ trích. Một số người khẳng định rằng việc giao đất là không công bằng vì khó xác định người nào “đã sở hữu” một cách không chính thức khoảnh đất nào. Những người khác cho rằng giao đất làm lợi cho người lấn chiếm đất được nhiều đất hơn là người nghèo, ít đất; rằng giao đất làm mất những khoảnh đất chung mà những người dân nghèo nhất phải dựa vào; hay việc giao đất làm suy yếu những thỏa thuận phát canh thu tô – mặc dù không chính thức – đã có tác dụng tốt trên thực tế. Một số người khác khẳng định rằng cải cách ruộng đất không phải là “biện pháp đơn giản và không có sai lầm” và rằng trở ngại lớn nhất đối với phát triển kinh tế là những hạn chế mà nền văn hóa của nhân dân áp đặt lên khát vọng của họ.

Thiết lập thị trường hoạt động trơn tru ở nơi chưa có thị trường là việc không dễ. Biến chậu cá cảnh thành món canh cá là việc dễ, nhưng biến bát canh cá thành chậu cá cảnh thì không. Tuy nhiên, các nước khác đã tìm cách bắt chước các cuộc cải cách của Peru và chính De Soto cũng đã tư vấn cho nhiều nước, cả ở Mĩ Latin lẫn châu Phi.

Những cuộc cải cách củng cố quyền sở hữu

Nhưng, trong khi quyền sở hữu có hiệu lực là rất quan trọng, thì những cuộc cải cách nhằm hỗ trợ quyền sở hữu cũng chắc chắn là rất cần thiết. Ví dụ, cần phải có quỹ tín dụng hoạt động hiệu quả và thị trường tín dụng cỡ nhỏ, mà những quy định phiền hà và quan liêu có thể dễ dàng đè bẹp bất cứ lúc nào (Ví dụ thú vị về qũy tín dụng nhỏ là Ngân hàng Grameen ở Bangladesh, chuyên cung cấp các khoản vay nhỏ cho các doanh nghiệp ở nông thôn – trong đó có những khoản vay dành cho những nữ doanh nhân không có đất đai để họ có thể lập ra các trạm điện thoại công cộng bằng điện thoại không dây).

Cũng cần phải có hệ thống pháp lí hiệu quả và đáng tin, để mọi người có thể giải quyết các tranh chấp một cách tự tin và nhanh chóng. Chúng ta không phải chờ đợi cho đến khi các nhà lập pháp suy nghĩ thấu đáo và thông qua những cải cách cụ thể hệ thống pháp luật của nhà nước. Các bộ thông luật, được xây dựng trên các vụ án cụ thể, có thể giải quyết nhanh hơn nhiều, và có thể có hệ thống pháp luật của khu vực với nhiều tiền lệ đã được xác định, phù hợp với cách hiểu của người dân địa phương về công lí. Nhưng, chúng ta thực sự cần đặt ra các quy tắc cơ bản về cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, ví dụ, cơ cấu của sở hữu, trách nhiệm cá nhân, quyền lợi của cổ đông và dàn xếp khi phá sản.

Chúng ta cũng cần giảm bớt các quy định nhằm ngăn cản việc thâm nhập vào thị trường, để những ý tưởng mới có thể xuất hiện. Ví dụ, các nhà cầm quyền ở Nepal, trước những năm 1950, nói chung, thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng, đã kiên quyết từ chối bán hệ thống điện thoại của họ trên cơ sở cho rằng người dân sẽ kinh hoàng trước ý nghĩ rằng công ti tư nhân sẽ quản lí hệ thống đó. Nhưng họ đã đồng ý cấp giấy phép cho những người mới tham gia thị trường điện thoại. Vì vậy, những người mới tham gia đã thành công đến mức hiện nay Nepal đã có hệ thống điện thoại hiện đại đáng ghen tị.

Có nhiều ví dụ về các doanh nghiệp nhỏ và mới tham gia thị trường đang phát triển, đang tạo ra việc làm, gia tăng thịnh vượng và cải thiện dịch vụ khách hàng, ngày càng có nhiều người có khả năng hiểu rõ tiềm năng to lớn của tự do để tạo ra thu nhập và của cải. Càng có nhiều người ủng hộ thì sẽ càng có ít người muốn giải pháp thay thế triệt để, nhưng cuối cùng lại là những biện pháp có tính cưỡng chế.

Cải cách nông nghiệp

Ví dụ về sức mạnh của quyền sở hữu trong hành động là cuộc cải cách nông nghiệp ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam. Các chính phủ cộng sản ở những nước này xây dựng nền nông nghiệp trên cơ sở quyền sở hữu tập thể ruộng đất và công xã. Các công xã kiểm soát quyền sử dụng và canh tác đất đai và áp đặt hệ thống phân phối bình quân. Nhưng hệ thống này đã trở thành thảm họa. Các công xã đều quá lớn, cồng kềnh và quan liêu. Và vì các cá nhân phải chia sẻ thành quả lao động của mình với nhiều người khác, họ có rất ít động lực để làm việc chăm chỉ hơn hoặc hiệu quả hơn.

Mặc dù phải miễn cưỡng từ bỏ nguyên tắc quyền sở hữu tập thể, từ cuối những năm 1970, Trung Quốc từ bỏ mô hình Liên Xô đầy tai họa này. “Khoán hộ” – các gia đình tự canh tác trên mảnh đất của mình – được áp dụng. Cách làm này khôi phục lại quan hệ giữa lao động bỏ ra và phần thưởng nhận được. Nền nông nghiệp Trung Quốc gia tăng đột biến. Đầu những năm 1980, sản phẩm nông nghiệp gia tăng nhanh chóng, ngũ cốc mỗi năm tăng 5%, bông tăng 8% và hạt có dầu tăng 14% một năm .

Nhưng những tiến bộ ban đầu không kéo dài được lâu. Hệ thống này vẫn còn khiếm khuyết. Hi vọng cào bằng sự khác biệt về chất lượng đất, chính quyền đã cho các gia đình những mảnh ruộng rất nhỏ chứ không phải là một khoảnh lớn. Mỗi gia đình canh tác trên năm hay sáu mảnh ruộng thì áp dụng phương pháp canh tác tốt hơn là không thực tế. Ngay cả bờ ruộng cũng đã chiếm mất khá nhiều đất canh tác rồi. Và cách chia ruộng như thế đã không tính đến sự khác biệt trong năng suất của các gia đình.

Vì vậy, họ quyết định từ bỏ quan điểm về quyền sở hữu đất mang tính kĩ thuật là bất di bất dịch và chuyển sang quyền sử dụng đất – cho các gia đình quyền canh tác lâu dài trên những mảnh đất được chia, được thu hoạch và có thu nhập từ những mảnh đất đó, và có quyền chuyển những quyền này cho những người khác.

Một lần nữa, hệ thống này không hoàn hảo, đấy là nói nhìn từ quan điểm thị trường tự do hay quyền sở hữu. Hệ thống thu mua của nhà nước và giá cả cố định hạn chế quyền tự quyết định của người nông dân, cũng như khả năng tận hưởng thành quả lao động của mình. Nếu không có thị trường đất thực sự thì việc “dồn điền” khó có khả năng xảy ra. Nhưng dần dần, một cái gì đó tương tự như thị trường đất đai đã xuất hiện.

Ví dụ, huyện Mi Đàm, phía bắc tỉnh Quý Châu, để giúp đỡ kế hoạch dài hạn, nhân dân và cán bộ đã ấn định quyền sử dụng đất kéo dài hai mươi năm. Nông dân được quyền thừa kế, chuyển quyền sử dụng và “dồn điền”. Và có những biện pháp khuyến khích người dân khai thác đất bỏ hoang. Kết quả là, đất đai được đưa vào canh tác nhiều hơn, chất lượng đất được cải thiện vì các gia đình chăm sóc kĩ lưỡng hơn, các thiết bị hiện đại được áp dụng. Năm 1995, chính phủ kêu gọi các làng khác theo gương Mi Đàm, và hiện tượng tương tự như quyền sở hữu đất đai bắt đầu lan rộng.

Quyền sử dụng nước

Nước là nguồn tài nguyên khan hiếm, quyền sở hữu có thể phân bổ nước tốt hơn là chính phủ. Ở miền Tây khô hạn của Mĩ, trước đây, đe dọa hạn hán là chuyện thường ngày – không phải vì thiếu nước mà vì hệ thống điều tiết bị quản lí quá chặt chẽ. Ví dụ, những người đầu tiên hút được nước từ dòng suối được ưu tiên hơn những người đến sau, nhưng để duy trì quyền này, họ đã phải bơm liên tục – ngay cả khi nhu cầu về nước của họ không cao.

Trong những năm đầu thập niên 1990, các bang như Montana và Arizona bắt đầu cho phép người dân mua bán quyền sử dụng nước. Trong khi vẫn còn nhiều quy định ngăn cản, thị trường này đã giúp đảm bảo rằng nước sẽ tới những nơi có ích nhất. Từ khi quyền sử dụng nguồn nước có thể được mua và bán, người sử dụng ít (những người có thể sử dụng ít nước hơn hay có thể sử dụng nước đã qua xử lí) có thể chuyển quyền bơm của họ cho những người cần hơn. Hệ thống này có những lợi ích như thế, cho nên thị trường quyền sử dụng nước hiện đã lan ra khắp miền Tây Mĩ.

Cơ chế tư nhân hóa

Các ngành do nhà nước kiểm soát thường là những cơ sở độc quyền, không cho khách hàng bất kì sự lựa chọn nào. Vì vậy, họ có thể (và thực sự) đặt giá cao hơn cho những món hàng hoá và dịch vụ chất lượng thấp. Ngay cả khi những ngành này do một cơ quan nằm dưới quyền của chính phủ quản lí thì đấy vẫn thường là tầng lớp ăn trên ngồi trốc hay bạn bè của họ đang cầm quyền.

Ví dụ, các bonyads (các tập đoàn có vai trò quan trọng trong những ngành không phải dầu khí – ND) ở Iran được coi là những tập đoàn thiện nguyện, kiểm soát khoảng một phần năm nền kinh tế Iran, trong những lĩnh vực như bất động sản, nông nghiệp, sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Đấy là những tập đoàn do Shah (vua Ba Tư – ND) thành lập, nhưng bị nhiều người chỉ trích, nói rằng đây không phải là tổ chức từ thiện mà là cơ chế để cho cơ quan quản lí bảo trợ và kiếm lời cho riêng mình. Tuy nhiên, sau cách mạng năm 1979, chính phủ mới coi các tập đoàn này là miếng mồi béo bở, không thể từ bỏ được. Do đó, những tập đoàn này không những vẫn tồn tại mà còn được hưởng những khoản ưu đãi đặc biệt về thuế khóa và các khoản trợ cấp của chính phủ: Thực tế là những tài sản tư nhân bị tịch thu đều được giao cho các tập đoàn này. Họ được lập ra vì quyền lợi của người nghèo, nhưng người hưởng lợi chính hóa ra lại là những người có chức có quyền.

Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước là phải đưa vào các doanh nghiệp độc quyền ảnh hưởng của sở hữu tư nhân và cạnh tranh và thay vấn nạn tham nhũng bằng thương mại cởi mở. Nó cũng có thể giúp trả lại cho xã hội vốn liếng đã đầu tư vào những doanh nghiệp này. Nhưng để đạt được tất cả những điều mà tầm nhìn này nhắm tới, phải có sức chịu đựng và xây dựng chính sách một cách cẩn thận.

Không có cơ chế duy nhất. Tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước là vấn đề chính trị cũng như vấn đề kinh tế. Mỗi ngành một khác và sẽ cần cách tiếp cận khác nhau. Các ngành khác nhau cả về chủng loại lẫn quy mô và có các nhóm lợi ích khác nhau ngăn chặn cải cách. Vì vậy, biện pháp áp dụng cho dịch vụ như nước hay điện, tức là những ngành mà tất cả mọi người đều cần, phải khác với biện pháp áp dụng cho công ti sản xuất những sản phẩm mà chỉ ít người bị ảnh hưởng.

Có thể bán các doanh nghiệp nhỏ cho các doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân nước ngoài, những người có những ý tưởng mới và có vốn. Nhưng bán các công ti của nhà nước cho người nước ngoài có thể gây ra những cuộc tranh cãi.

Đối với các doanh nghiệp lớn hơn, chuyển quyền sở hữu cho nhiều người bằng cách bán cổ phiếu có thể là hữu ích. Nhưng nếu thị trường cổ phiếu còn sơ khai và nhiều người chưa biết cổ phần là gì thì cần phải có quá trình giáo dục sâu rộng. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga tiến hành “tư nhân hóa bằng tem phiếu (voucher)”, thực chất là cho tất cả mọi người số cổ phần như nhau trong các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng nhiều người bán các cổ phiếu này với giá rẻ mạt và cuối cùng tầng lớp ăn trên ngối trốc mới, “bọn đầu sỏ” trong lĩnh vực kinh doanh đã chiếm được quyền kiểm soát các doanh nghiệp đó.

Áp dụng các nguyên tắc của thị trường

Quan trọng nhất là trong quá trình tư nhân hóa phải phá vỡ các cơ sở độc quyền. Chính phủ có thể nghĩ rằng họ sẽ thu được nhiều tiền nếu bán doanh nghiệp với đầy đủ các khoản ưu tiên ưu đãi độc quyền, nhưng quyền lực độc quyền sẽ tiếp tục gây tác hại đối với công chúng nói chung. Nếu các cơ sở độc quyền của nhà nước được chia thành những đơn vị cạnh tranh thì về lâu dài, cả chính phủ lẫn người dân đều được lợi. Các doanh nghiệp mới được thành lập sẽ mạnh mẽ hơn, năng động hơn và sáng tạo hơn doanh nghiệp độc quyền tiền bối.

Quá trình tư nhân hóa hệ thống điện thoại, năm 1996, ở Guatemala cho thấy tầm quan trọng của cạnh tranh. Ở đây, thị trường viễn thông đã mở cửa cho cạnh tranh trước khi cơ sở độc quyền viễn thông được tư nhân hóa. Tần số cũng được tư nhân hóa, tạo ra quyền sở hữu phổ sóng điện từ, các công ti truyền thông mới có thể dễ dàng mua và sử dụng. Kết quả là, cạnh tranh lan rộng, mang lại nhiều lựa chọn hơn và vùng phủ sóng lớn hơn. Giá giảm xuống mức thấp nhất trong các nước Mĩ Latin, và số người sử dụng điện thoại di động tăng mấy trăm lần trong chưa đến một thập kỉ .

Làm cho đúng

Có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế – và chuyên môn – có thể giúp các nhà cải cách có các chính sách và các cơ chế tư nhân hóa đúng đắn.

Điều quan trọng là quá trình phải hoàn toàn công khai và công chúng phải tham gia cùng với nó. Nếu không, công cuộc cải cách sẽ không được dân chúng chấp nhận. Ví dụ, một số chính phủ ở châu Phi đã tư nhân hóa các dịch vụ như cung cấp nước và ngân hàng bằng cách mời các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng không mở ra cơ hội sở hữu cho dân chúng trong nước. Đây không chỉ là ngây thơ về chính trị, mà còn đi ngược lại nguyên tắc đối xử bình đẳng của xã hội tự do.

Hơn nữa, nếu quyền sở hữu bị bó hẹp chứ không lan truyền rộng rãi, thì vẫn có nguy cơ là các ngành đã được tư nhân hóa sẽ bị tay chân của những người trong chính phủ kiểm soát. Điều đó đầu độc ý tưởng về tư nhân hóa thêm nữa và sẽ cản trở việc đưa các nguyên tắc của thị trường vào những lĩnh vực mà nhà nước còn kiểm soát. Dân chúng phải chắc chắn rằng các cơ cấu mới sẽ phục vụ người tiêu cùng chứ không phục vụ bọn tham nhũng, ăn trên ngồi trốc. Đưa nhiều cạnh tranh nhất có thể, đưa sớm nhất có thể, là biện pháp tốt để đảm bảo điều đó.

Dịch vụ nhân văn không cần chính phủ

Nhiều người nghĩ rằng chỉ có chính phủ mới cung cấp được một số dịch vụ công – đặc biệt là những dịch vụ “nhân văn” như y tế, giáo dục và phúc lợi.

Một số người nói rằng các dịch vụ thiết yếu này quan trọng đến mức không thể giao cho thị trường. Trên thực tế, những dịch vụ này quan trọng đến mức không thể giao cho chính phủ. Khi các nhà cung cấp dịch vụ được tài trợ, họ sẽ không cần làm hài lòng khách hàng, như những người cung cấp tư nhân, có tính cạnh tranh, phải làm. Biện pháp làm phồng túi tiền là vận động chính trị gia hay đe dọa cắt đứt dịch vụ nếu nhu cầu của họ không được đáp ứng. Họ sẽ nhắm tới chính phủ, chứ không nhắm tới xã hội.

Các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với cạnh tranh khốc liệt hơn là cơ sở dịch vụ do nhà nước quản lí. Thường thì pháp luật không cho phép cạnh tranh với các dịch vụ do chính phủ quản lí. Vì vậy, các nhà cung cấp do chính phủ quản lí không cần đổi mới hay thậm chí là nâng dịch vụ của họ lên ngang tầm thời đại, bởi vì khách hàng của họ cũng chẳng có nơi nào khác mà đi.

Nhưng, mặc dù nhiều chính phủ vẫn muốn tự mình quản lí dịch vụ công cộng, thì người ta luôn luôn tìm cách tránh nạn độc quyền. Có rất nhiều ví dụ từ khắp nơi trên thế giới cho thấy các nhà cung cấp phi chính phủ và phi chính thức cung cấp các dịch vụ quan trọng này – và cung cấp tốt hơn chính phủ.

Giáo dục không cần chính phủ

Xin lấy giáo dục làm ví dụ. Nhiều người tưởng rằng trường tư chỉ dành cho người giàu. Nhưng công trình nghiên cứu kéo dài hai năm ở Ấn Độ, Ghana, Nigeria và Kenya do chuyên gia về giáo dục là giáo sư James Tooley tiến hành đã phát hiện ra điều ngược lại. Ở những khu vực nghèo nhất của các nước này, hầu hết học sinh đều học trong các trường không phải của chính phủ. Trong những vùng nghèo nhất ở Hyderabad, Accra và Lagos, chỉ có một phần ba hoặc chưa đến một phần ba trường học là của chính phủ mà thôi. Hai phần ba hoặc hơn hai phần ba học sinh học ở các trường tư thục, nhiều trường là không chính thức, không được chính phủ công nhận. Các chủ sở hữu tư nhân quản lí phần lớn các trường tư thục. Rất ít trường nhận được hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện và không trường nào được nhà nước tài trợ – học phí do cha mẹ đóng, thường rất thấp, là khoản thu nhập duy nhất của nhà trường .

Mặc dù vậy, Tooley phát hiện ra rằng thành tích trong các trường tư thục cao hơn hẳn. Ở Hyderabad, điểm trung bình môn toán cao hơn các trường công lập khoảng 20% – mặc dù chi phí trả lương giáo viên trong khu vực tư nhân chỉ nằm trong khoảng một phần tư tới một nửa chi phí trong khu vực của chính phủ. Các tiêu chuẩn khác cũng cao hơn tương tự. Tooley phát hiện ra rằng giáo viên trong các trường công lập ngủ gục ngay tại bàn làm việc. Giáo viên trường công thường bỏ giờ hơn giáo viên trường tư. Các trường tư thục có bảng đen, sân chơi, bàn uống nước và nhà vệ sinh tốt hơn trường công (Chỉ có một nửa trường công lập có nhà vệ sinh, trong khi 96% – 100% trường tư có nhà vệ sinh). Tỉ lệ học sinh/giáo viên trường tư chỉ gần bằng một nửa tỉ lệ học sinh/giáo viên trường công.

Chính phủ dường như không ý thức được tầm quan trọng của giáo dục tư nhân trong các vùng nghèo khổ. Tài liệu của chính phủ Trung Quốc chỉ ghi nhận 44 trường tư thục ở tỉnh miền núi Cam Túc, mặc dù các nhà nghiên cứu của Tooley tìm được 696 trường, 593 trường trong số đó có tới 61.000 trẻ em đến từ những bản làng xa xôi nhất. Phần lớn là do phụ huynh và dân làng quản lí. Trường tư phát triển mạnh, mặc dù thu nhập trung bình ở Cam Túc chỉ khoảng 150 USD một năm. Ngay cả ở Kibera, Kenya – khu ổ chuột lớn nhất ở phía nam sa mạc Sahara, châu Phi, với khoảng 750.000 dân – Tooley cũng tìm được 76 trường tư thục, với 12.000 học sinh.

Đơn giản là, thậm chí ở một số khu vực nghèo nhất thế giới, sáng kiến tư nhân có thể và thực sự cung cấp được nền giáo dục với tiêu chuẩn cao hơn so với trường công. Và chi phí thấp đến mức ngay cả các gia đình nghèo cũng có thể cho con đi học. Dường như hoàn toàn không cần chính phủ nhúng tay vào lĩnh vực giáo dục.

Không có gì ngạc nhiên là các nước giàu, tức là những nước có nhiều trường công lập, đều mong muốn đưa cạnh tranh và sự lựa chọn của phụ huynh vào lĩnh vực giáo dục. Năm 1991, Thụy Điển đã áp dụng hệ thống mới, trong đó chính phủ tiếp tục trả các khoản chi phí cơ bản cho việc học tập, nhưng những nhóm phi lợi nhuận và những nhóm tìm kiếm lợi nhuận có thể thành lập trường để hưởng những khoản tài trợ đó – trên cơ sở số học sinh mà họ thu hút được. Ngay cả những người phê phán, ví dụ như công đoàn giáo chức, ban đầu phản đối cuộc cải cách này, hiện nay đã quay sang ủng hộ nó; đấy là do hiệu quả, khả năng sáng tạo và chất lượng của hàng ngàn ngôi trường mới được thành lập – đặc biệt ở những khu vực nghèo khổ và khó khăn nhất. Một số nước đã áp dụng mô hình tương tự.

Y tế không cần chính phủ

Y tế là dịch vụ quan trọng, ở nhiều nước, đấy là ngành do chính phủ cung cấp là chính – thường được bảo vệ nhằm chống lại các đối thủ cạnh tranh bằng những ưu tiên về mặt pháp lí, những khoản trợ cấp lấy từ tiền thuế và những quy định khác. Một lần nữa, nó lại hướng sự chú ý của các nhà cung cấp của nhà nước vào việc xin chính phủ cấp cho nhiều tiền hơn và nhiều đặc quyền hơn, chứ không phải là cung cấp dịch vụ tốt cho người bệnh.

Mĩ thường bị chỉ trích vì thị trường y tế được coi là “tự do” có chi phí rất cao. Chắc chắn là đắt rồi; nhưng trên thực tế, đấy lại là một trong những hệ thống bị điều tiết chặt chẽ nhất trên thế giới, và chi tiêu bình quân của chính phủ trên đầu người cho lĩnh vực y tế cũng đứng thứ ba thế giới (chỉ sau Na Uy và Luxembourg). Thuế và quy định gắn bảo hiểm y tế vào nơi làm việc – làm cho người dân không được bảo hiểm trong giai đoạn đang tìm việc làm.

Trong khi người lao động (được các bác sĩ khuyến khích) đòi làm những xét nghiệm và những biện pháp điều trị mà thực ra họ không cần vì chi phí không phải do họ tự trả, mà người sử dụng lao động phải trả. Quy định cũng nói rõ phải đưa vào hợp đồng bảo hiểm y tế những điều khoản nào và hợp đồng có thể được bán như thế nào (ví dụ, chỉ cho công ti bảo hiểm hoạt động trong bang của mình, làm cho họ không thể thu được lợi ích của nền kinh tế quy mô lớn). Tương tự, hoạt động y tế được quy định bởi những yêu cầu của chứng chỉ hành nghề, chủ yếu là do các bác sĩ tự đặt ra – giới hạn số lượng bác sĩ và thù lao cao. Tất cả những quy định này (và nhiều quy định khác) góp phần làm gia tăng chi phí trong lĩnh vực y tế của Mĩ.

Ngược lại, Singapore – đất nước nhỏ bé này, trên thực tế, lại giàu có hơn Mĩ – chỉ chi khoảng một phần sáu số tiền bình quân trên đầu người của Mĩ cho những chương trình y tế do chính phủ tài trợ mà thôi. Nước này chỉ yêu cầu các gia đình tiết kiệm khoảng một phần năm thu nhập cho chữa bệnh, hưu trí và nhà ở (chính phủ có chương trình tài trợ cho những nhu cầu chữa bệnh khi xảy ra thảm họa). Việc người dân gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm dành riêng cho chữa bệnh làm cho họ quan tâm tới việc nhận được giá trị tốt, còn các bác sĩ và phòng khám tư nhân thì phải cạnh tranh để tìm khách hàng.

Ở Thụy Sĩ, chính phủ không có cơ quan bảo hiểm: người dân phải mua bảo hiểm và dịch vụ y tế từ các nhà cung cấp tư nhân. Vai trò của chính phủ chỉ là trợ cấp – không phải cho các nhà cung cấp, mà cho những bệnh nhân không đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản. Vì vậy, một lần nữa, khác với người Mĩ, tất cả người dân Thụy Sĩ đều tìm cách thu được giá trị cao nhất cho khoản tiền mà họ chi cho việc chăm sóc sức khỏe. Nhiều người châu Âu coi thị trường nói chung là tự do của Thụy Sĩ như hệ thống y tế tốt nhất thế giới.

Phúc lợi không cần chính phủ

Hình thức phúc lợi tốt nhất đối với người nghèo là có việc làm được trả lương. Nhưng các chương trình phúc lợi do chính phủ quản lí lại “phá hủy” việc làm. Ở nhiều nước châu Âu, “bảo hiểm xã hội” được tài trợ bởi khoản thuế đặc biệt, đánh vào những người đang làm việc, làm tăng chi phí đối với người sử dụng lao động và làm cho họ không thích thuê thêm người mới. Có nghĩa là, nhiều người hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn, cần phải tiếp tục tăng thuế để tài trợ cho trợ cấp thất nghiệp, dẫn đến thậm chí còn ít người được thuê hơn nữa. Đây là vòng xoáy đi xuống.

Cho đến giữa thế kỉ XX, Thụy Điển là nước tự do, thuế suất thấp và là quốc gia thịnh vượng. Sau đó, trong hai thập kỉ, tính từ năm 1970, nước này đã bắt đầu áp thuế suất rất cao để có thể tài trợ cho các chương trình phúc lợi toàn diện (Thực ra, năm 1976 một tác giả người Thụy Điển đã phàn nàn rằng thuế suất biên (marginal tax rate – là mức thuế mà một cá nhân phải nộp cho một đơn vị thu nhập tăng thêm – ND) của bà đã lên tới 102%!) Thuế cao làm cho người ta không muốn làm việc và kinh doanh. Những khoản thuế này đã đẩy Thụy Điển vào tình trạng tăng trưởng thấp trong suốt hai thập kỉ, cho đến những năm 1990, khi chính sách của họ chuyển theo hướng ngược lại.

Các nước tự do thường giàu có hơn; và các nước giàu có hơn thường chi nhiều hơn cho việc giúp đỡ người nghèo. Về mặt đạo đức, đây là cách làm lành mạnh hơn so với việc chính phủ lấy tiền của người dân thông qua thuế khóa để chi cho các chương trình phúc lợi do chính mình đặt ra – chứ không chỉ vì chính phủ thường mang lại lợi ích cho bạn bè và áp đặt thuế khóa lên những người chống lại họ. Từ thiện thực sự là chuyển một cách tự nguyện từ người này sang người khác, chứ không phải là bắt buộc.

Một vấn đề nữa liên quan tới các chương trình phúc lợi của chính phủ là chúng tạo ra văn hóa dựa dẫm. Vì là những chương trình lớn và do các công chức điều khiển, những chương trình này chắc chắn phải hoạt động trên cơ sở luật lệ, chứ không thể trên cơ sở đánh giá nhu cầu của từng cá nhân và tiềm năng của những người thụ hưởng, như các tổ chức từ thiện thường làm. Làm như thế là khuyến khích người ta “chơi lại” luật lệ để đảm bảo rằng họ được đưa vào danh sách những người được hỗ trợ. Đôi khi, các gia đình nghèo cố tình làm cho hoàn cảnh của họ trầm trọng thêm để đủ điều kiện nhận nhiều hỗ trợ – trái ngược với mục đích của chúng ta. Trong các nhà nước phúc lợi lâu đời nhất và lớn nhất, như Vương quốc Anh, các quan chức đang chứng kiến thế hệ lệ thuộc thứ ba – các gia đình sống bằng trợ cấp, trước đó, cha mẹ và ông bà họ cũng đã từng sống như vậy.

Giúp đỡ lẫn nhau, được tổ chức từ thiện tư nhân giúp đỡ là lựa chọn nhân đạo hơn, có tính khuyến khích hơn và hiệu quả hơn. Trước những năm 1940, Vương quốc Anh đã từng có hệ thống phúc lợi của giai cấp công nhân khá thành công, trước khi nó bị nhà nước phúc lợi quét sạch. Đây là những tổ chức thuận tiện, các thành viên đóng góp theo tuần, đổi lại, họ sẽ được trả trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế và thậm chí là chi phí cho việc ma chay. Các tổ chức này thường tập trung vào các ngành nghề đặc biệt, vì vậy các tổ chức có thể đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của người lao động trong những ngành nghề đó. Hàng triệu gia đình, đặc biệt là những gia đình nghèo hơn, đã quyết định trở thành thành viên của một trong những tổ chức như thế. Phúc lợi cho tất cả mọi người, mà không cần chính phủ, chắc chắn là mục tiêu khả thi.

Phục hồi công tác thiện nguyện

Nhiều người dân sống ở các nước có hệ thống nhà nước phúc lợi khẳng định rằng tổ chức từ thiện và các hoạt động thiện nguyện tư nhân không thể thay thế được những khoản trợ cấp và lương hưu hào phóng do thuế khóa tài trợ. Tất nhiên, chính phủ dễ dàng chi một cách “hào phóng” bằng tiền của người khác và các chính trị gia dễ dàng tung ra những lời hứa sẽ đem lại những lợi ích phi lí nhất vào lúc này, trong khi họ biết rằng thế hệ sau sẽ phải trả thay cho họ. Đấy là lí do để ngăn chặn, không cho các chính trị gia dính dáng tới phúc lợi xã hội. Nhưng, ngoài ra, nếu nhà nước có những khoản trợ cấp lớn thì các gia đình sẽ không còn động cơ tự kiếm sống, còn các cá nhân cũng không còn động cơ tìm việc làm, họ sẽ thích sống bằng trợ cấp hơn – họ càng không muốn nếu đang làm việc phải đóng nhiều thuế để tài trợ cho hệ thống phúc lợi xã hội. Mặc dù phúc lợi xã hội có mục đích tốt, nhưng kết quả cuối cùng lại là hút kiệt hi vọng và tham vọng của người dân và buộc họ phải sống cuộc đời phụ thuộc và người khác.

Những nước muốn chuyển theo hướng tự do phải bắt đầu bằng cách chia hệ thống phúc lợi nhà nước quá cồng kềnh của họ thành những hệ thống nhỏ hơn hẳn và mang tính khu vực hơn. Những hệ thống này thậm chí có thể được “cá nhân hóa” thành tài khoản cá nhân. Nó có thể giúp làm cho các gia đình nhận rõ trách nhiệm của mình, và để họ hiểu rằng họ được những người đóng thuế bằng xương bằng thịt hỗ trợ chứ không phải là “hệ thống” mù mờ nào đó đang giúp đỡ họ. Và việc chia nhỏ hệ thống như thế tạo điều kiện để quản lí một cách hiệu quả hơn – bởi các nhà cung cấp tư nhân.

Ví dụ, hệ thống lương hưu của Chile. Năm 1981, nước này đã tách hệ thống lương hưu kém cỏi và không công bằng do nhà nước quản lí thành các tài khoản cá nhân. Người lao động bắt buộc phải tiết kiệm để dành cho giai đoạn nghỉ hưu, nhưng họ có thể lựa chọn giữa một số nhà cung cấp để quản lí quỹ của mình. Hệ thống này thúc đẩy trách nhiệm cá nhân trong việc tiết kiệm, người lao động được lợi hơn và do đó, được nhiều nước trên những lục địa khác nhau bắt chước.

Ví dụ khác là hệ thống các tài khoản tiết kiệm để chữa bệnh của Singapore (xem bên trên), giao trách nhiệm cho các cá nhân và gia đình, khuyến khích người dân chăm lo sức khỏe và những nhu cầu khác của mình. Có thể tái lập các tổ chức tương trợ trước đây ở Vương Quốc Anh bằng cách chia các khoản trợ cấp của nhà nước thành tài khoản cá nhân của từng người.

Khi bộ máy hỗ trợ của nhà nước hoạt động kém hiệu quả được cải cách theo những mô hình như vậy, thì các cá nhân sẽ tích cực hơn trong việc tìm kiếm việc làm và dựa vào nỗ lực của mình và sự hỗ trợ của gia đình, chứ không dựa vào nhà nước nữa. Vẫn cần các tổ chức từ thiện và các hoạt động thiện nguyện tư nhân, nhưng sẽ nằm trong tỉ lệ có thể quản lí được chứ không quá lớn như hiện nay. Và, như chúng ta đã thấy, tự do và thuế khóa thấp là biện pháp tốt để người dân có cả ý chí lẫn của cải để có thể trở thành những người hào phóng, tức là có động cơ mà nhà nước lớn và thuế khóa cao đã làm cho tiêu tan.

Toàn cầu hóa và thương mại

Những lợi ích của toàn cầu hóa

Tương tự như Nepal, nhiều nước lo lắng không biết thị trường ngày càng toàn cầu hơn sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với họ. Nhưng phần lớn những lo lắng như thế bị đặt không đúng chỗ và những lợi ích tích cực thu được từ quá trình toàn cầu hóa và thương mại là rất đáng kể.

Nhờ cơ chế giá cả của thị trường, mà bây giờ chúng ta có thể buôn bán trực tiếp và gián tiếp với người dân ở khắp nơi trên thế giới. Quần áo chúng ta mặc, thực phẩm chúng ta ăn, các thiết bị trong nhà, trong văn phòng và nhà máy của chúng ta, tất cả đều là sản phẩm của nhiều nước ở xa đến mức có thể làm chúng ta kinh ngạc.

Nhưng toàn cầu hóa thị trường hoạt động theo cả hai hướng. Nó không chỉ tạo điều kiện cho các nước giàu mua sản phẩm trên khắp thế giới. Nó cũng tạo điều kiện cho người dân trong những nước từng bị coi là xa xôi cải thiện tương lai của mình bằng cách đưa sản phẩm của mình vào thị trường quốc tế. Ví dụ, người nông dân trong khu vực nên trồng những loại cây gì? Trước đây, nguồn thông tin duy nhất về giá nông sản là các thương gia địa phương hay cơ quan nhà nước, và dĩ nhiên là họ quan tâm tới quyền lợi chính mình. Giá cả trong khu vực có thể lên xuống thất thường, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như thời tiết. Và thị trường khu vực không phải lúc nào cũng được tổ chức tốt. Hiện nay, người nông dân có thể dùng điện thoại di động để gọi điện và kiểm tra nhiều trang web liệt kê giá cả thị trường – trong đó có giá trong tương lai – cho hầu như bất kì loại cây trồng nào, trên vô số thị trường toàn cầu. Người nông dân ở bất cứ nơi nào cũng đều có thể bán trên thị trường quốc tế, được tổ chức tốt, với giá có thể dự đoán được.

Mở cửa New Zealand

New Zealand là ví dụ về đất nước đã thay đổi hoàn toàn bằng cách hủy bỏ tất cả các quy định về buôn bán và ngoại thương. Trong những năm đầu thập niên 1980, nước này lâm vào tình trạng kinh tế trì trệ và khó khăn, chủ yếu là do những quy định như thế. Nhưng, bắt đầu từ năm 1984, nước này đã từ bỏ chủ nghĩa bảo hộ và đã tiến hành tự do hóa thương mại quốc tế, mở cửa thị trường cho cạnh tranh toàn cầu. Hủy bỏ tất cả các khoản trợ cấp cho công nghiệp và nông nghiệp. Bãi bỏ điều tiết đối với thị trường trong nước, trong đó có thị trường lao động từng có những quy định khắt khe: Trở thành thành viên công đoàn là công việc tự nguyện và để cho người lao động và người sử dụng lao động đàm phán hợp đồng lao động.

Các dự báo thảm khốc từ các nhà vận động hành lang, các học giả, các nhà lãnh đạo tôn giáo và cán bộ công đoàn – rằng bãi bỏ điều tiết như thế sẽ tạo ra “nền kinh tế bóc lột thậm tệ” – tất cả đều chứng tỏ là sai. Lương trung bình tăng. Hợp đồng về lương bổng được giải quyết nhanh chóng hơn. Bãi công gần bằng không. Tỉ lệ thất nghiệp giảm – và giảm nhanh nhất trong dân chúng người Maori, người nhập cư và những người nghèo hay những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn khác. New Zealand đã trở thành một trong những nước tự do nhất và cạnh tranh nhất thế giới .

Bản sắc văn hóa

Một số người lo ngại rằng toàn cầu hóa thị trường có thể tước đoạt bản sắc và văn hóa độc đáo của các nước. Đặc biệt là, sự lan tràn các thương hiệu Mĩ làm gia tăng lo ngại cho rằng các nước sẽ bắt đầu giống nhau đến mức đáng ngại, rằng hàng hóa và cách sống phương Tây sẽ xóa sổ hàng hóa và cách sống của những địa phương khác và những nền văn hóa cao nhất thế giới sẽ bị mẫu số chung thấp nhất lấn át.

Chắc chắn, văn hóa kinh tế và văn hóa xã hội đang thay đổi. Những sản phẩm từng có thời là hàng “độc” của nước nào đó thì hiện nay đã xuất hiện trên các đường phố đông người của tất cả các nước. Nhưng không có nghĩa là lựa chọn và đa dạng đang biến mất dần. Ngược lại, nó có nghĩa là người dân của mỗi nước hiện đã có nhiều lựa chọn hơn hẳn trước đây. Ví dụ, người dân Vương quốc Anh không còn ăn những món ăn vô vị và nấu nhừ nữa. Bây giờ họ có thể tìm được nhà hàng, cửa hàng bán món ăn mang về và siêu thị bán những món ăn khác nhau của Ấn Độ, Việt Nam, Mĩ Latin, Iran, Mông Cổ, Ba Lan và vô số món ăn khác. Và những người khác trên khắp thế giới cũng được lựa chọn như thế – sự lựa chọn mà trước đây chỉ một ít người may mắn, tức là những người giàu có, đủ tiền chu du thiên hạ thì mới được hưởng. Không phải là các nền văn hóa đang biến mất; mà các nền văn hóa mở rộng đến mức mọi người đều có thể thưởng thức.

Các nền văn hóa không bao giờ đứng yên và không thay đổi, như những người muốn bảo vệ, không cho quá trình toàn cầu hóa tác động tới chúng, vẫn hiểu. Nền văn hóa của đất nước nào cũng luôn luôn thay đổi và nền văn hóa càng chói lọi và càng sinh động thì càng tạo ra nhiều ý tưởng mới và càng thay đổi nhanh hơn. Nghệ thuật, âm nhạc, văn học, lối sống, thị hiếu và thời trang của những nước đầy sinh lực nhất hiện nay khá xa lạ với nghệ thuật, âm nhạc, văn học, lối sống, thị hiếu và thời trang của những người sống ở đó cách đây chỉ một thế kỉ.

Các nền văn hóa đều được lợi khi tiếp xúc với các nền văn hóa khác, tạo điều kiện cho người dân lựa chọn những yếu tố phù hợp nhất với cuộc sống và thời đại của mình. Nhờ thương mại quốc tế mà chúng ta có thể thấy và hiểu những yếu tố văn hóa của nước ngoài mà chúng ta cho là hữu ích, có thể thích hợp với chúng ta. Nhưng quá trình thay đổi như thế đã diễn ra trong một thời gian dài, trước khi người ta nói về toàn cầu hóa.

Và nhiều thay đổi mà chúng ta tiếc nhất, sự mất mát của những thành phần sôi động nhất của nền văn hóa của chúng ta lại không phải là do chủ nghĩa đế quốc về văn hóa từ nước ngoài mà đơn giản là kết quả của hiện đại hóa. Các nghi lễ, phong tục, trang phục dân tộc cổ xưa biến mất, không phải vì toàn cầu hóa, mà vì cuộc sống thay đổi. Các lễ hội từng là dấu mốc của những mùa cụ thể, là thành tố quan trọng đối với các cộng đồng nông nghiệp, nhưng bây giờ, trong cái thế giới mà một nửa dân số sống trong các thành phố, người ta không còn chú ý nhiều đến các lễ hội này nữa .

Có thể đấy cũng là lí do làm cho văn hóa thay đổi. Lực lượng chiếm đóng áp đặt nhiều nền văn hóa lên nhân dân các nước bị chiếm và nền văn hóa của những nước ít tự do nhất thực sự bị tổn hại. Chúng ta phải chào mừng sự kiện là du lịch được cải thiện và nhiều người lên tiếng hơn làm cho các nước khó mà giữ được nền văn hóa trong đó một số nhóm người thường xuyên bị lạm dụng, bị áp bức hay bị phân biệt đối xử.

Tầm quan trọng của hòa bình

Adam Smith từng viết: “Điều kiện tiên quyết mà nhà nước cần làm để đưa từ tình trạng man rợ nhất thành mức độ giàu có nhất là hòa bình, thuế khóa nhẹ và công lí có thể chấp nhận được..” .

Câu hỏi: Các nước giàu giành được quá nhiều của cải của thế giới?

Trả lời: Không. Của cải là do bạn tạo ra, bằng kĩ năng, dám nghĩ dám làm, nghị lực, nỗ lực, tổ chức và đầu tư. Các nước giàu chắc chắn là tiêu dùng của cải, nhưng họ cũng làm ra của cải. Và không chỉ cho mình: Họ phát minh và phát triển các sản phẩm và qui trình có tầm quan trọng sống còn trong việc cải thiện đời sống của tất cả mọi người, nhất là đời sống của những người nghèo nhất thế giới.

Ví dụ, những tiến bộ trong lĩnh vực y học đang giúp xóa sổ một số căn bệnh lan tràn nhiều nhất trên thế giới như bệnh lao và bệnh sốt rét. Công nghệ di truyền giúp gia tăng cả sản lượng lẫn khả năng chống sâu bệnh của lúa và những cây lương thực khác. Vật liệu mới làm cho các tòa nhà trở nên rẻ hơn và an toàn hơn.

Tài sản không phải là cái bánh có kích thước cố định, và các nước giàu có giành được phần lớn hơn. Ngược lại, các chuyên gia từ các nước giàu có đang tạo ra những cơ hội mới cho những người khác.

Chắc chắn là, muốn có nền kinh tế tự do thịnh vượng thì phải có hòa bình ở cả trong nước lẫn nước ngoài. Người ta sẽ không đầu tư vào các doanh nghiệp và không tích lũy vốn sản xuất nếu họ tin rằng của cải của mình có thể bị lực lượng quân sự hay quân đội xâm lược cướp bóc. Còn những nước có công dân buôn bán với công dân các nước khác ít có khả năng xung đột với những nước đó. “Nếu hàng hóa không đi qua biên giới thì quân đội sẽ vượt biên” – người ta thường gán câu này cho Frédéric Bastiat, một nhà kinh tế học và chính trị gia người Pháp thế kỉ XIX .

Hòa bình mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn văn hóa. Hòa bình tạo điều kiện hướng các nỗ lực và nguồn lực vào hoạt động sản xuất chứ không phải là hoạt động phá hoại. Nó cung cấp các điều kiện để tạo ra vốn liếng và nền kinh tế tự do thịnh vượng. Nó tạo điều kiện cho người ta lập kế hoạch cho tương lai của mình và gia đình mình. Nó cho họ thời gian, của cải và lòng tự tin để theo đuổi mục tiêu về văn hóa và giáo dục. Hòa bình còn tạo điều kiện để cho con người đi lại tự do, tự do vận chuyển hàng hóa và truyền bá tư tưởng – truyền bá kiến thức, thịnh vượng và đổi mới.

Quan điểm thấu triệt khác của Adam Smith là chúng ta không cần phải làm cho các nước khác nghèo đi để chính mình trở nên giàu có. Sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu khách hàng của chúng ta là người giàu chứ không phải người nghèo . Tương tự, chúng ta không cần làm cho người khác yếu đi để mình trở nên khỏe mạnh. Cả hai bên đều được lợi khi có hòa bình.

Phải thường xuyên đấu tranh thì mới có hòa bình. Phải bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Và có thể cần chính phủ (hạn chế) tham gia vào việc phân bổ những nguồn lực cần thiết. Nhưng các chính phủ trở nên quá lớn cũng dễ biến thành chính phủ quân phiệt – có thể tìm cách che giấu tình trạng nghèo nàn và mất tự do bằng cách nói rằng, vì an ninh của đất nước, cần phải hi sinh, cần có sự thống nhất về mục tiêu và sức mạnh quân sự. Người dân ở những xã hội tự do cũng có lòng trung thành với đất nước mình; nhưng họ trung thành với xã hội cởi mở và tự do, với gia đình, bạn bè, với khách hàng và các hiệp hội tự nguyện – chứ không trung thành với nhà cai trị độc tài, với một lá cờ hay giấc mơ mang tính dân tộc chủ nghĩa.

Một số người nghĩ rằng muốn có hòa bình thì phải có chính phủ siêu quốc gia. Trong khi các diễn đàn quốc tế – trong đó, người ta có thể nói ra những sự khác biệt và tháo ngòi nổ những cuộc xung đột tiềm tàng – là những thiết chế hữu ích, thì chúng ta cũng không nên nghĩ rằng chính phủ thế giới sẽ có mặt nào đó tốt hơn những quốc gia hiện nay. Với quy mô rộng lớn và khoảng cách thậm chí còn xa dân chúng hơn, xu hướng phình ra và lạm dụng quyền lực của chính phủ còn lớn hơn. Và không có ai có thể tránh được sự lạm quyền bằng cách đi đến khu vực khác trên thế giới. Không, cách thúc đẩy hòa bình tốt nhất làm cho chính phủ nhỏ đi chứ không làm cho nó lớn thêm và dựa vào xu hướng tự nhiên của con người là hợp tác một cách hòa bình và cùng nhau cải thiện điều kiện sống của mình.

Comments are closed.