Thuật ngữ chính trị (53)

Phạm Nguyên Trường

163. Equilibrium – Cân bằng, cụ thể hơn, đây là tình hình, trong đó không tác nhân nào muốn làm nhiễu loạn. Các công trình nghiên cứu trạng thái cân bằng chính trị thường dựa vào một trong hai truyền thống: truyền thống cân bằng lực lượng trong quan hệ quốc tế và truyền thống của lý thuyết trò chơi.

Ý tưởng đằng sau cân bằng quyền lực khá đơn giản. Các nước sẽ lưỡng lự trước việc khởi động chiến tranh với một đối thủ có khả năng chiến đấu và chiến thắng ngang bằng với mình vì nguy cơ thất bại là khá cao. Tương tự như thế, trò chơi nằm trong trạng thái cân bằng nếu không tác nhân nào được lợi khi thay đổi chiến lược.

164. Equity – Công bằng. Công bằng đòi hỏi rằng những trường hợp giống nhau phải được xử lí như nhau. Ví dụ, hai người làm cùng một việc, theo cùng một cách, mang lại kết quả như nhau cho cùng một người sử dụng lao động, thì tiền công phải như nhau. Ngược lại, hai người cùng phạm một tội, trong những hoàn cảnh tương tự nhau, mà bị kết án khác nhau thì là không công bằng. Như vậy, công bằng liên quan chặt chẽ với bình đẳng (equality) và chế độ pháp quyền (rule of law).

165. Escalation – Leo thang. Leo thang là thuật ngữ được sử dụng trong chiến lược quân sự hiện đại, đặc biệt là trong lý thuyết chiến tranh hạt nhân: Bạo lực hoặc vũ lực được sử dụng nhằm phản ứng trước hành động của kẻ thù sẽ ngày càng gia tăng. Vì vậy, một cuộc chiến có thể bắt đầu với vũ khí quy ước, và khi một bên thấy mình đang rơi vào tình trạng bất lợi thì có thể “leo thang” bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật. Lúc đó, phía bên kia có thể chuyển sang sử dụng vũ khí tương tự, hoặc, thậm chí sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược, do đó làm cho chiến tranh “leo thang” hơn nữa. Khái niệm này dựa vào hình ảnh của một cái thang, mỗi bậc thang đại diện cho những mức độ triển khai lực lượng khác nhau. Hầu hết tư duy chiến lược đều tập trung vào việc làm giảm các khuynh hướng “leo thang” của bất kỳ chính sách cụ thể nào, dẫn đến tập trung vào phản ứng linh hoạt, thay cho cho tư duy cũ về trả đũa ồ ạt.

166. Established Church – Quốc giáo. Quốc giáo là hệ thống tôn giáo hay tín ngưỡng chính thức của một quốc gia, được nhà nước đó công nhận, được một số quyền và được nhà nước bảo vệ, nhưng, ở mức độ nào đó, cũng bị nhà nước kiểm soát. Ví dụ, quốc giáo của nước Anh, thường gọi là Anh giáo (Anglican church) hoặc theo tên chính thức là Giáo hội Anh (Church of England). Nhà nước tham gia trực tiếp vào việc quản lí Giáo hội Anh, thủ tướng bổ nhiệm các giám mục, quốc vương là người lãnh đạo chính thức của Giáo hội…

Đấy là do bối cảnh chính trị trong quá trình thành lập Giáo hội Anh dưới thời Tudor và cuộc Nội chiến sau đó, cũng như cuộc Cách mạng năm 1688 làm cho người ta tin tưởng vững chắc rằng tôn giáo chính thống là điều kiện cần cho ổn định chính trị. Các lý thuyết gia chính trị khác nhau như Hobbes (1588-1679) và Rousseau (1712-1778) cũng đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, quốc giáo cũng bị coi là rất phi tự do và bị Tu chính án Thứ nhất (1791) của hiến pháp Hoa Kỳ cấm. Đấy có lẽ là do ảnh hưởng của bức thư của Locke về lòng khoan dung (Locke’s Letter on Toleration – 1689) – các nguyên lí của tự do và thái độ phản đối quyền lực nhà nước của triết gia người Anh này, nói chung, có ảnh hưởng đến quá trình soạn thảo hiến pháp Hoa Kì. Hầu hết luật về quyền công dân hiện nay đều nói đến quyền tự do tôn giáo, và, trong khi có quốc giáo không có nghĩa là cấm các tôn giáo khác, nhưng sự kiện này có thể được coi là ưu ái quá mức một tôn giáo nào đó. Chắc chắn là một số linh mục và giáo dân trong Giáo hội Anh cảm thấy không thoải mái và muốn Giáo hội thoát ra khỏi cái ô bảo trợ của nhà nước, tương tự như ở Scotland (năm 1689), Ireland (1869) và Wales (1920). Nhiều công trình nghiên cứu xã hội học về tôn giáo chỉ ra rằng các giáo hội nằm ngoài nhà nước thu được nhiều thành công hơn các giáo hội được nhà nước bảo trợ trong cuộc đấu tranh chống lại quá trình thế tục hóa.

Nhà nước không có quốc giáo thì được gọi là một nhà nước thế tục, trong khi nhà nước được cai trị bởi các giáo sĩ hay tăng lữ là chế độ thần quyền.

Comments are closed.