Tư liệu thảo luận 1955 về tập thơ “Việt Bắc” (27)

Lại Nguyên Ân

sưu tầm và biên soạn

39. TRẦN ĐỘ

Chung quanh tập thơ Việt Bắc: Vài cảm tưởng của một độc giả thông thường

Tôi muốn phản ảnh một vài ý kiến thiết thực của một độc giả thông thường, đó là một cán bộ xuất thân là học sinh vào ở bộ đội từ Hà Nội… biên giới cho đến Ðiện Biên, đã qua nhiều nơi ở Việt Bắc. Chắc chắn độc giả này không đại diện được tất cả nhưng cũng đại diện được một phần nào.

Trong tập thơ Việt Bắc, trừ những bài dịch, có hai loại bài. Một loại bài nói về từng người hay việc cụ thể, nhỏ bé (như “Cá nước”… “Lượm”). Và một loại bài nói về những vấn đề lớn.

Tôi đọc thấy có những bài thích lắm và có những bài không thích, hoặc chán nữa. Những bài thích như: “Cá nước”, “Phá đường”, “Bà mẹ Việt Bắc”, “Lượm”, “Sáng tháng Năm”, “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”, “Ta đi tới”, “Việt Bắc”. Tôi không có lý luận văn nghệ, tôi thích vì những lẽ sau đây:

1) Thi sĩ đã nói hộ tôi những tình cảm sâu kín, tôi cũng mang máng có mà không biết nói ra thế nào cho được. Khi thấy anh bộ đội (tuy tôi cũng là bộ đội) hiền lành mà gian khổ anh dũng, tôi cũng chỉ biết thì thầm "Anh Vệ quốc quân ơi! sao mà yêu anh thế". Tôi cũng thấy "má anh vàng nghệ" là đáng yêu thật chứ chả có gì là tồi tàn xấu xí cả.

– Lại như đối với “Việt Bắc”, có người bảo tình cảm lê thê đi xuống, hiu hắt, là tôi không chịu. Tôi thấy hay lắm. Sống ở Việt Bắc mấy năm kháng chiến, qua gốc đa lần nào gặp Bác, dự Hội nghị, đi hành quân đêm, ngủ nhà sàn, ăn sắn nướng, v.v… Tôi thấy âu yếm thấm thía lắm. Khi xa Việt Bắc quả thấy một nỗi nhớ kiểu nhớ quê hương sâu và thấm lắm. Nhớ nó man mác, nó buồn, nghĩ đến những làng bản, có cô gái đan nón, có em bé hái măng, có trám bùi, v.v… mà thực tế sau này ít có dịp gặp lại. Nhưng chỉ biết hẹn thầm bao giờ các cụ về Thủ đô chơi, hy vọng sau này giao thông thuận lợi mọi nơi đều sầm uất.

Những câu:

Mình về rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng, măng mai để già

Mình đi có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son

có người chê là buồn. Không, tôi đọc đến đấy tôi thấy nhớ lại những cảnh chặt trám, hái măng vui vẻ, của bộ đội và cơ quan. Nay không còn nữa trám rụng, măng già, một nét rất ý vị sâu sắc. Sự thực còn buồn hơn nhiều: có thể là: "Ðường đi để rậm, xóm thôn cọp về", tôi đã gặp lại mấy đồng chí ở chợ Chu kể thế. "Hắt hiu lau xám, đậm đà lòng son" thì có gì là buồn. Những làng bản lẻ tẻ dưới chân núi, trông cô đơn thật, nhưng vào đến nhà, lửa lúc nào cũng đỏ bếp, nước chè ngon sẵn sàng nghi ngút, điếu cầy kêu vang. Không buồn gì đâu, đằm thắm và ấm cúng lắm. Tôi cho rằng buồn là tùy người. Ðọc bài thơ “Việt Bắc”, từng lời từng điệu cứ như thấm vào người, nhưng nó chỉ làm cho tôi yêu đất nước tươi đẹp thêm, yêu những người dân Việt Bắc hồn hậu thêm, tin tưởng vào tương lai, kiêu hãnh với kháng chiến, với lòng yêu nước của nhân dân thêm. Tôi chả thấy buồn thỉu đi, hay buồn đi xuống gì cả. Tôi cho là bài “Việt Bắc” hay lắm. Tôi không tin rằng tôi là tiểu tư sản mà thích lệch. Các bài khác như bài “Ðiện Biên”, “Ta đi tới”, cũng thế. Có người bảo nó "chính trị", không phải, đánh ở Ðiện Biên Phủ, chúng tôi nghĩ tới Bác Hồ, nghĩ tới anh Ðồng, nghĩ đến Hội nghị Giơ-ne-vơ ghê lắm. Thắng xong, muốn nhảy lên, muốn kêu lên nói ngay cho Bác biết, cho anh Ðồng biết. Có một anh dân công về nói chuyện với người làng còn bịa ra: "Ðánh xong một cái, tôi thấy anh chỉ huy Ðại đoàn gọi ngay ra-đi-ô sang Giơ-ne-vơ cho Phó Thủ tướng".

Vậy thì đó là tình cảm của quần chúng trong thời đại mới không phải là chuyện chính trị khô khan. Tôi cũng rất thích bài đó vì nó nói hộ cái vui mừng phấn khởi của tất cả chúng tôi, v.v…

2) Những bài thơ đó đều ghi lại một hình ảnh sâu sắc của mỗi thời kỳ đấu tranh của ta.

Ví dụ bài “Phá đường”, tôi nhớ mới đầu kháng chiến có ai đeo ba-lô đi lại nhiều ở đèo Khế, Cao Vân, Quảng Nạp thì mới thấy "rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế, gió qua rừng đèo Khế gió sang…" là thấm thía. Ai bảo đó là hình ảnh khổ sở? Không, đó là nghị lực đấu tranh, đó là sự thử thách, và đó cũng là những kỷ niệm sâu sắc. Bài thơ này hay, nhưng chưa hay lắm vì tình cảm nó chưa đầy đủ, nói chưa hết, chưa sâu, và kết luận hơi yếu!

Lại như bài “Lượm”, biết bao nhiêu là Lượm đã hy sinh như thế. Có những Lượm đã hy sinh ngay ở đồn giặc nữa. Có những Lượm hiện tại đã là cán bộ Ðại đội, Tiểu đoàn, đều xuất thân từ liên lạc như thế, đều như con chim chích nhảy trên đường vàng. Bài thơ đó đã ca tụng một lớp thiếu niên trong trẻo anh hùng của đất nước một cách tài tình.

Bài “Voi” tả rất đúng tâm trạng chúng tôi khi mới có vài khẩu pháo nhỏ, khênh ỳ à ỳ ạch; đúng là "con đường Vệ quốc". Chúng tôi cũng thấy những câu ấy đọc một lần là nhớ ngay và nó cứ ngân vang mãi, lắm lúc tưởng như mình cũng làm câu thơ như thế.

Bài “Ta đi tới” cũng hay lắm, nó đúng vào lúc ta đang làm đường rộng thênh thang. Sau khi đình chiến chúng tôi hành quân ban ngày, thấy các chị đi chợ, các em đi học, thuyền buồm căng trên sông, trời có mây bay, v.v… Sau bao nhiêu năm chỉ sống kiểu "con vạc", những ngày tháng 8-54 thật là rộn ràng ý nghĩa, muốn ghi lại… Nhưng nhà thơ Tố Hữu đã ghi hộ.

Hiện thực là gì? Chất sống là gì? Nghệ thuật quần chúng là thế nào? Tôi chưa phân tích được! Nhưng tôi thấy thơ Tố Hữu (với những bài tôi kể trên) đã nói hộ những tình cảm của quần chúng, kích thích được những yêu, ghét, nhớ nhung, phấn khởi của quần chúng đúng lúc và sâu sắc. Tôi không tán thành một vài đồng chí phê bình cứ nêu lên tình cảm, sức sống của thời đại phải mạnh mẽ, quyết liệt, hừng hực, băng băng rồi bảo thơ Tố Hữu buồn, hoặc nêu lên sự sống phải thế này phải thế nọ rồi bảo thơ Tố Hữu chưa sống, hình ảnh trong thơ Tố Hữu còn bàng bạc, v.v… Tôi cho rằng những nhà phê bình đó không chú trọng đến quần chúng, khinh quần chúng và chưa gần quần chúng, chưa hiểu quần chúng bằng thơ Tố Hữu đã hiểu, chính cái "sự sống" cái tình cảm "thời đại" mà các đồng chí ấy nêu lên lại trừu tượng, xa vời lắm lắm.

Có những bài thơ của Tố Hữu, tôi không thích vì nói không trúng ý, chủ đề nhạt nhẽo và diễn tả ra gượng gạo. Nhất là bài “Bắn” và bài “Lại về”. Bài “Bắn” tả tình cảm chả ra của anh pháo thủ, mà cũng chả ra là người xem pháo thủ bắn, chả ra của cấp chỉ huy, hay của chiến sĩ. Bài “Lại về” gượng gạo quá. Tôi đọc những bài thơ ấy không thấy rung động.

Về cái buồn tiểu tư sản trong thơ Tố Hữu tôi cũng cảm có, nhưng không phải là có một cách hệ thống và trầm trọng. – Nó chỉ ở một vài bài, một số câu:

Vườn hồng ngớt gió mưa qua

Cờ bay đỏ nắng mái nhà vàng sao.

……………

Biết bao sung sướng tủi hờn

Trông nhau mà tưởng như hồn còn mơ

Nhưng tả bộ đội: “Bộ nó rõ oai – Vai thì đeo súng – Ngực chéo hai quai – áo thì thắt bụng – Ðầu nó đội mũ – Có cái sao vàng…” thì không có chút nào tiểu tư sản cả, mạnh mẽ gọn gàng, đáng yêu, rõ ra hình ảnh một chiến sĩ thân yêu của nhân dân. Hay nói đến Hồ Chủ tịch mà

Ta bên Người Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn ở bên Người một chút

thì từ cán bộ cao cấp đến chiến sĩ, đến người dân thường đều thấy thế thật: phấn khởi, tin tưởng, thêm nghị lực đấu tranh nhiều lắm.

Về chủ đề. Có người cho thơ Tố Hữu rộng quá. Tôi cho là không phải. Thơ của Mai-a-kốp-ski còn rộng hơn nhiều nữa kia. Nhưng cố nhiên Tố Hữu còn kém Mai-a-kốp-ski. Có người bảo Tố Hữu chính đi sâu vào từng khía cạnh của tâm tình. Ðòi hỏi Tố Hữu một cách theo ý mình thì không được. Lúc nào nhà thơ đi sâu vào thì nhà thơ đã đi sâu (“Bà mẹ Việt Bắc”, “Lượm"). Còn với điều kiện sống của nhà thơ hiện tại thì “Ta đi tới”, “Việt Bắc” là sâu sắc và đi vào khía cạnh rồi còn gì?

Trên đây là tôi thành thực phát biểu cảm tưởng, ý kiến của một độc giả thông thường đối với thơ Tố Hữu. Và cũng nhân danh độc giả đó đề nghị các nhà phê bình: bớt lý luận dài dòng, phân tích chủ quan, trừu tượng, đôi lúc bộc lộ ý xấu, mà nên thiết thực hơn, chỉ chỗ hay, vạch chỗ dở một cách rõ ràng có nghiên cứu, vô tư cho chúng tôi học với, không nên đem một lô danh từ, vấn đề ra mà không giải quyết được gì cụ thể cả. Xin hiểu cho trình độ và nguyện vọng của những độc giả thông thường. Xin đừng phủ nhận tất cả thẩm mỹ của quần chúng độc giả thông thường đó và đừng bắt các độc giả thông thường đó phải là thi sĩ để thưởng thức thơ.

5-1955

Nguồn: Văn nghệ, số 72 (21.5.1955)

 

40. BẠN ĐỌC GÓP Ý KIẾN VỀ TẬP THƠ VIỆT BẮC

a) NGUYỄN VĂN SÁNG (trung đoàn X.):

Tôi được biết và đã được đọc thơ Tố Hữu từ kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Qua mấy năm trường hoạt động trong hậu địch, sau những lần luồn giặc, đánh giặc chống càn quét khi trở về cơ sở, cán bộ, chiến sĩ và cơ sở gặp nhau bù khú, dí dủm trên ổ rơm là không quên ngâm thơ Tố Hữu, dù là anh lõm bõm năm ba câu, tôi thuộc vài ba đoạn.

Những đêm hành quân qua vùng tạm chiếm, ngồi nấp sau luống khoai chờ đợi vượt đường giây, tuy không được ngâm dù là se sẽ nhưng cũng ngâm trong tư tưởng một đôi câu thơ Tố Hữu thấy truyền cảm thu thú, nhè nhẹ nhưng mạnh mẽ và tin tưởng. Ðôi khi chui dưới hầm bí mật từ sáng sớm rồi chả biết trời đã tối chưa, những lúc chờ đợi mong mỏi thời gian trôi nhanh ấy, tôi nhớ rành mạch từng câu:

Bao đồng chí của ta bay đã giết

Chặt đầu cắm cọc phơi khô

Chị em ta bay căng thịt lõa lồ

Con em ta bay quăng chân vào lửa

Lúa ngô ta bay cướp về cho ngựa

Xóm làng ta bay đốt cháy tan hoang

Rồi lại nhớ luôn sang mấy câu thấm thía nhất trong mối tình anh em ruột thịt:

Xác ai nằm ngổn ngang

Bãi tuyết lặng quanh làng

Phố đổ nhà hoang vắng

Mẹ của em đấy ư?

Cái đầu lâu rũ tóc

Máu chảy dài thân cọc…

(“Em bé Triều Tiên”)

Những đoạn trên đồng chí Hoàng Cầm viết: "Không căm thù chỉ thấy ghê rợn". Kêu như vậy ta thấy Hoàng Cầm nặng về chỉ trích, nhẹ phê bình và nếu có phê bình như vậy là thiếu đắn đo, không hiện thực. Mà sự thật hình ảnh trên, Tố Hữu đã truyền cho cán bộ, cho chiến sĩ, nhất là anh em địch hậu đầy chất sống căm thù. Mối tình quốc tế thắm thiết, Tố Hữu nhìn đất nước Triều Tiên xa xôi nhưng gần gũi ruột thịt cũng chung một kẻ thù đế quốc không đội trời chung.

Qua vùng tạm chiếm, qua những cuộc càn quét lớn nhỏ của địch anh em đã được chứng kiến rất nhiều cảnh đau thương tương tự, do đó anh em càng thông cảm khi đọc thơ Tố Hữu. Tố Hữu với anh em là một.

Nói lên những hình ảnh hiếp tróc dã man tàn phá của đế quốc mà bảo "buồn, lạnh lẽo đến ghê rợn, không căm thù, chỉ thấy ghê rợn…" (Hoàng Cầm) thì thật là khó hiểu. Tôi không rõ viết như thế nào mới khơi được chí căm thù của Hoàng Cầm? Bắn vào giữa mục tiêu chưa chắc Hoàng Cầm đã cho là trúng đích.

Chắc Hoàng Cầm đã nghe nhiều bài hát căm thù hoặc đã dự nhiều buổi tố khổ của đơn vị trong chỉnh quân hay trước trận đánh quyết liệt. Anh em chiến sĩ đã rành rọt, nghẹn ngào, uất hận nói lên tất cả những cảnh đau khổ, chết chóc của thân thế, gia đình mình dưới thời đế quốc phong kiến… Nước mắt hòa nước mắt, mồ hôi quyện mồ hôi thấm vào từng viên đạn… bao nắm tay kiên quyết: thù này phải trả cho xong. Theo Hoàng Cầm, sau những buổi tố khổ đó chỉ có "buồn" rồi tay chống đầu lòng súng… bâng khuâng, chỉ thấy "ghê rợn, không căm thù…" tất nhiên là đi đến hoang mang, cầu an, hưởng lạc… Nhưng trái lại, sau những buổi tố khổ, những người nông dân mặc áo lính đó càng tăng thêm căm thù, trút căm thù đó vào viên đạn qua lòng súng mở đột phá khẩu, phá lô cốt, truy kích tiêu diệt hoàn toàn địch mới thôi.

Trong cuộc chỉnh quân ở Việt Bắc (1953) học tập tài liệu phóng tay phát động quần chúng, tôi đã đi tìm chép thơ Tố Hữu ở những đồng chí LK4, LK5… Say mê, thấm thía và bằng lòng là được chép lại đầy đủ bài thơ "Hai đứa bé". Ai đã được đọc bài này đều thấy rõ giá trị và tác dụng của nó.

Rồi hòa bình lập lại, khi về Hà Nội được đọc tập thơ Việt Bắc, tôi muốn đọc mãi, có khi phạm vào nội quy thời khắc biểu vì không phải nó buồn mênh mang như Hoàng Cầm buồn, không phải nó không hiện thực hay thiếu chất sống như Hoàng Cầm kêu, cũng không phải nó lạnh lẽo đến nỗi Hoàng Cầm phải ghê rợn. Chính là vì nó cách mạng do nhà thơ cách mạng lâu năm làm. Chính là vì nó đã xuất phát từ trong quần chúng mà ra rồi lại trở về với quần chúng. Nó đã bồi dưỡng giáo dục cho quần chúng vững lòng tin tưởng, kiên quyết đấu tranh vượt mọi khó khăn gian khổ để xứng đáng "làm dân Cụ Hồ". Chính là vì nó sống, nó gần gũi, nó thực tế và nó đã nói lên tuy rằng chưa được tất cả sức đấu tranh không ngừng của toàn dân trong kháng chiến cũng như trong hòa bình. Chính vì vậy mà nhà thơ Tố Hữu đã đạt được yêu cầu trước kia và hiện nay: quần chúng thích ngâm, thích đọc thơ Tố Hữu. Sự thật quá rõ ràng như vậy. Cũng như hỏi tại sao các em lại chỉ thích gần và yêu anh bộ đội. Có người bảo tại vì anh bộ đội hiền lành? Có người bảo tại vì anh bộ đội hay yêu trẻ. Theo tôi cũng chưa đúng lắm. Chính vì các em biết đích anh bộ đội là con em của nhân dân đã bảo vệ Tổ quốc yêu quý. Ở đây cũng vậy, đích là vì thơ Tố Hữu hiện thực và nhiều chất sống Cách mạng…

b) XUÂN SÁCH (Văn công):

… Trong xã hội u tối của chúng ta ngày xưa, thơ của Tố Hữu quả là hừng hực đấu tranh. Trong bóng tối dày đặc, một ngọn lửa cũng đủ sáng. Nhưng thời đại của chúng ta là ban ngày, là muôn ánh hào quang đang hiện lên rực rỡ, Tố Hữu chưa lớn được tương xứng, nhưng thi sĩ đã lớn. Những bài thơ căm hờn kêu gọi ngày xưa bây giờ thi sĩ đã thêm cho nó những nét đậm đà những ý thiết tha, những hơi thở của dân tộc.

Chính những cái dịu dàng, ý nhị, thiết tha trong thơ Tố Hữu đã thổi vào lòng người tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, sự lạc quan, hy vọng, những nhân tố đó chính có tác dụng rất mạnh để đẩy mạnh tinh thần đấu tranh của dân tộc. Tính chất thời đại, dân tộc, đại chúng của thơ Tố Hữu chính đã có một khả năng hiện thực đáng kể.

Nguồn: Văn nghệ, số 72 (21.5.1955)

Comments are closed.