Thuyết trình: nhà thơ – nhà phê bình Inrasara
Chủ trì: Lê Ngọc Phương
9g ngày 9-4-2016 – Lầu 1 – 19B Phạm Ngọc Thạch, quận 3-TP Hồ Chí Minh
5 câu hỏi về/ xung quanh văn học VN sẽ được Inrasara đặt ra và thử giải quyết:
1. Phê bình nhìn toàn cảnh văn học Việt
2. Những chuyển đổi bất ngờ của văn chương Việt chưa được biết đến
3. Thao tác so sánh như là cách thế ghi nhận những điểm sáng của văn chương Việt
4. Phê bình văn học Việt Nam đang ở đâu?
5. Văn học Việt Nam đã nhập lưu cùng văn học thế giới chưa?
Vào cửa tự do. – Kính mời.
Vài gợi ý tham khảo:
SỐNG & VIẾT CÙNG VĂN CHƯƠNG VIỆT ĐƯƠNG THỜI
Từ “Phê bình Lập biên bản” cất tiếng khóc chào đời, nó chịu ít nhiều tai tiếng. Nhẹ thì cho tôi đùa, vừa vừa thì mỉa mai, nặng hơn là – chưởi! Tôi có bỡn đâu, vẫn nghiêm túc đáo để. Tôi làm gì cũng lập chương trình. Phê bình văn học thì càng.
1. Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, nhưng nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình thường gặp, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.
Phê bình hàn lâm vẫn nảy ra vài cây bút tài hoa, họ vận dụng lí thuyết mới vào cuộc, và có được các công trình quan trọng. Dẫu sao, điểm dễ nhận hơn cả ở khu vực này là đa phần đối tượng được chọn để phê bình do tính an toàn của nó. Văn chương phi chính thống hầu như bị bỏ rơi.
Phê bình Lập biên bản ra đời bổ khuyết cho thiếu sót đó.
Còn phê bình nghệ sĩ cũng biết dấn vào cuộc phiêu lưu riêng mình, từ đó có vài phát hiện đáng kể. Tuy nhiên, phiêu đến đâu cũng cứ tùy hứng và tùy tiện, do đó đại bộ phận nhận định vô bằng. Phê bình rời xa văn bản, để tán, về mấy chuyện ngoài lề, chuyện riêng tư với mớ giai thoại lắm khi rất nhảm.
Phê bình Lập biên bản ra đời hi vọng cắt đứt mấy nỗi ấy.
Nó ý hướng kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa học; bên cạnh nó quyết giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học.
Đích thị là một thứ đa nguyên văn học.”
2. Ba hình thức Phê bình Lập biên bản, là:
Biên bản Bàn tròn Văn chương [gồm các biên bản BTVC do tôi chủ trì ở Sài Gòn, Hà Nội, và…], Biên bản Lập chậm [về hội thảo, ra mắt sách,… các nơi] mỗi thứ tôi [và các bạn] đã “lập” trên dưới mươi bài khác nhau.
Phê bình [như là] lập biên bản, là phê bình tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương đương đại. PBLBB “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó. Ở hình thức thứ ba trong hệ thống này, tôi đã “lâp” xong khoảng trăm tác giả, tác phẩm.
3. Phê bình: tự thức & khai phóng
Nếu bước 1, “Ba hình thức Phê bình Lập biên bản” như là cách lập biên bản hiện trạng văn học ở nhiều góc cạnh khác nhau, có lợi cho văn học sử;
thì ở bước thứ 2, tôi triển khai “Hồ sơ Biên bản so sánh” qua 30 bài (đã xong 19 biên bản). Ở đó, so sánh để bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của nó.
Cuối cùng, bước thứ 3 mang tính quyết định. Là, phê bình hướng đến tự do. Phê bình văn học lúc này chỉ quan tâm tác phẩm văn học mang tính khai phóng: cho văn học, cho tinh thần và cuộc sống con người.
*
INRASARA
Sinh 1957 tại làng Cham Chakleng – Ninh Thuận.
10 năm làm công tác nghiên cứu, đến 1998 – tự do. Hiện sống tại Sài Gòn
Tác phẩm
Về văn học
– Tháp nắng – thơ và trường ca, NXB Thanh niên, 1996
– Sinh nhật cây xương rồng – thơ song ngữ Việt -¬ Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 1997
– Hành hương em – thơ, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, 1999
– Lễ Tẩy trần tháng Tư – thơ và trường ca, NXB Hội Nhà văn, 2002
– The Purification Festival in April, thơ song ngữ Anh – Việt, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2005 & 2016
– Chân dung Cát – tiểu thuyết, NXB Hội Nhà văn, 2006
– Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006
– Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận – phê bình, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2006
– Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, 2008
– Hàng mã kí ức, tiểu thuyết, NXB Văn học, H. & Cty Phương Nam, 2011
– Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, tiểu luận – phê bình, NXB Thanh niên, 2014
– Nhập cuộc về hướng mở, tiểu luận – phê bình, NXB Văn học, 2014
– Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’, NXB Hội Nhà văn, 2015
– Những cuộc đi & cái Nhà, NXB Hội Nhà văn và Cty Sách Phương Nam, 2015
Về nghiên cứu văn hóa Chăm
– Văn học Chăm khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, 1994; NXB Tri thức, 2012 & 2015
– Văn học dân gian Chăm – Ca dao, Tục ngữ, câu đố, NXB Văn hóa Dân tộc, 1995 & 2006
– Trường ca Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 1996; NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2006; NXB Thời đại, 2011
– Từ điển Chăm – Việt (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, 1995
– Từ điển Việt – Chăm (viết chung), NXB Khoa học Xã hội, 1996
– Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, tiểu luận, NXB Văn hóa Dân tộc, 1999; NXB Văn học, 2003 & 2008; NXB Khoa học Xã hội, 2011
– Tự học tiếng Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, 2003
– Từ điển Việt – Chăm dùng trong nhà trường (viết chung), NXB Giáo dục, 2004
– Sử thi Akayet Chăm, NXB Khoa học Xã hội, 2009; NXB Văn hóa Thông tin, 2013
– Thả diều xứ nắng, NXB Kim Đồng, 2012
– 4.650 Từ Việt – Chăm thông dụng, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2014.
Chủ biên
Tagalau, tuyển tập sáng tác – ¬sưu tầm – nghiên cứu Cham (15 tập, 2000-2014)
Giải thưởng chính
– CHCPI – Sorbonne (Pháp), Văn học Cham I (1995)
– Hội Nhà văn Việt Nam, Tháp nắng (1997), Lễ Tẩy trần tháng Tư (2003)
– Giải thưởng Văn học Đông Nam Á, Lễ Tẩy trần tháng Tư (2005)
– Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Trường ca Cham (2006)
– Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (lĩnh vực nghiên cứu), 2009
– Giải thưởng Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, 2014.
– Giải thưởng Văn đoàn Độc lập (phê bình), 2015.
Danh hiệu
– Nhân vật Văn hóa năm 2005, VTV3; Nghệ sĩ tiêu biểu năm 2005, VTV1
Nguồn: https://www.facebook.com/inra.sara/posts/1117103858320333