Câu hỏi trước giờ G

Bui Huy Hoi Bui

 

Thông tin cơ bản.
– 500 mil USD tương đương với khoảng 11.000 tỷ VND. Trong mọi hoàn cảnh, ở bất kì đâu, đều là một số tiền không hề nhỏ, gây ấn tượng khá mạnh.
– Gần 250 km bờ biển, trải dài 4 tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế, trên một diện tích gần 23.000km2, với gần 4 triệu dân, là những con số lớn về diện tích, dài về bờ biển, ấn tượng về dân số.

Hà Tĩnh (5.997,3 km2, 1.242.700 người). Quảng Bình (8.065,3 km², 863.400 người). Quảng Trị (4.739,8 km2, 612.500 người)
Thừa Thiên-Huế (5.033,2 km2, 1.123.800 người)

Trước giờ G. Thảm hoạ ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, tóm tắt như sau.
Nguyên nhân đã rõ. Thủ phạm không chối cãi. Đàm phán đã xong. Giờ, là ngày cuối cùng của tháng 6, theo cam kết của chính phủ, là lúc phải công bố chính thức nguyên nhân và thủ phạm của vụ cá chết đầu tháng 4/2016.

 

Sau khi công bố nguyên nhân và thủ phạm gây thảm hoạ này, công việc tiếp theo là gì?
– xây dựng trạm xử lý chất thải, xả theo tiêu chuẩn Việt Nam hay chuẩn quốc tế?
– hệ thống ống thải, xả, chôn ngầm dưới biển có đưa lên mặt biển không?
– chế tài nào để giám sát chặt chẽ quá trình thải, xả?
– xử lý thế nào đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan đến sai phạm?
– giả sử Formosa đền bù 500mil USD, chính phủ xác định thiệt hại cụ thể của người dân như thế nào để có phương án đền bù hợp lý, công bằng và thoả đáng?
– các doanh nghiệp khác trên dọc bờ biển các tỉnh miền trung có vô can trong thảm hoạ vừa qua không? có đảm bảo sẽ không thải, xả, không gây ô nhiễm môi trường biển và môi trường khác trong tương lai không?

Xin hỏi Minh Chiet – nhà toán học – người thông thái, cũng như các luật sư, nhà kinh tế.

1- 500 mil USD là một con số khá ấn tượng, một số tiền khá lớn. Nhưng hệ sinh thái của hàng ngàn km2 mặt biển với 250km bờ biển 4 tỉnh miền trung, sinh kế của hàng trăm ngàn ngư dân và hàng triệu người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm hoạ môi trường, tương đương với giá trị bằng tiền là bao nhiêu?
Số tiền 500 mil USD có đủ để khắc phục hậu quả không? Thời gian khắc phục hậu quả là bao nhiêu năm?
2- Về lâu dài, giải pháp nhận bồi thường bằng tiền đã phải là tốt nhất, khôn ngoan nhất chưa? Việc trấn an dư luận có phải là mục đích cuối cùng không?
3- Khi Formosa đã nhận tội, có thể đưa vụ việc nghiêm trọng này ra toà án quốc tế được không? Là toà án nào?
4- Có khả năng Formosa phải chấm dứt hoạt động sản xuất tại Vũng Áng không nếu có phán quyết như thế của toà án quốc tế?
5- Đánh giá thế nào về kết quả đàm phán và con số 500mil USD (nếu có)? là thắng lợi hay là thất bại?
6- Sau khi bồi thường, Formosa sẽ tiếp tục hoạt động 60,70 năm nữa cho đến hết thời hạn giấy phép, hậu quả sẽ là gì đối với môi trường và hệ sinh thái biển?

Tất nhiên, đàm phán để đi đến kết quả này với tình trạng pháp lí của Formosa đã qui định cụ thể trong giấy phép đầu tư; với bộ máy công quyền yếu kém như Hà Tĩnh, như các bộ ngành (đặc biệt bộ tnmt) có liên quan đến việc thẩm định, cấp phép đầu tư, giám sát triển khai dự án; với sức ép của dư luận xã hội, đặc biệt ngư dân vùng bị ô nhiễm…; được ghi nhận là một quá trình không hề đơn giản.

Thật sự, quá mòn mỏi chờ giờ G, sau khi thoả trí tò mò về những thông tin ban đầu vụ Formosa, chợt nhận ra, kết quả này nếu không phải là thất bại thì cũng không thể coi là thành công được.

Còn quá nhiều việc phải làm sau khi chấp nhận phương án đền bù. Sử dụng, phân bổ số tiền này như nào, đúng chỗ giỏi, rồi cũng sẽ có phương án.

Quan trọng hơn cả vẫn là trả lời câu hỏi: biển bao giờ sạch, ngư dân bao giờ có thể quay lại biển, không phải chỉ đơn giản mỗi hộ ngư dân được hỗ trợ, đền bù bao nhiêu? Sẽ không có chính phủ nào, kể cả giàu như Mỹ, đủ tiền hỗ trợ cho hàng vạn ngư dân 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa…

Nhân đây, xin nhắc lại, ngày 20/4/2010 đã đánh dấu một mốc đáng nhớ với thế giới và đặc biệt là người dân Mỹ, khi giàn khoan dầu sâu nhất thế giới Deepwater Horizon của Tập đoàn Dầu khí BP (Anh) trên vịnh Mexico bất ngờ phát nổ, làm 11 công nhân thiệt mạng và khoảng 4,9 triệu thùng dầu loang dần trên biển.

Tập đoàn Dầu khí BP của Anh đã phải thu hẹp quy mô, bán đi khối tài sản trị giá 30 tỷ USD (tương đương 20% trị giá tài sản) trang trải cho các án phạt, công tác dọn dẹp, chương trình tái thiết, bồi thường, đền bù phá hủy sinh thái, hoạt động kinh doanh, du lịch và phục hồi danh tiếng, song đến nay hậu quả vẫn còn tồn tại.

Sau gần 2 năm theo đuổi các vụ kiện, ngày 18/4/2012, BP mới đạt được thỏa thuận chi trả 7,8 tỷ USD bồi thường về tài sản, kinh tế và sức khỏe cho bên nguyên gồm hơn 100.000 cá nhân và doanh nghiệp có liên quan tới thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico năm 2010. Số tiền chi trả trên thực tế có thể thấp hoặc cao hơn 7,8 tỷ USD, phụ thuộc vào tiến trình bồi thường. Những nguyên đơn không hài lòng với thỏa thuận có quyền theo đuổi vụ kiện một cách độc lập. Và rất có thể, BP sẽ phải bồi thường thêm hàng tỷ đô la nữa cho Chính phủ Mỹ, các bang ven vịnh Mexico và các đối tác bị ảnh hưởng như Công ty Transocean, Công ty Halliburton…

P/S. Tôi đang nghe bài hát về biển, “…cùng tôi biển chết, cùng em biển tan. Ngàn năm nỗi đau, hóa kiếp mây ngàn, cô đơn biển cạn…đời tôi nhỏ bé trước những khát khao chìm trong nỗi đau.”

Hà Nội 29.06.’16.

Nguồn: FB Bui Huy Hoi Bui

Comments are closed.