Lan man về câu nói của TS Bùi Trân Phượng

Lê Học Lãnh Vân

Trong chương trình Diễn giả Phan Đăng, tiến sĩ Bùi Trân Phượng cho biết:

Cái xã hội mà mình đã sống qua trước 75 là một xã hội mà mình đã không đồng tình với nó về nhiều mặt rất cơ bản. Mình là người đã tham gia cuộc đấu tranh chống lại xã hội đó, chính quyền đó. Nhưng mà, đứng về mặt học hành thì cái môi trường xã hội đó nó vẫn tốt hơn cho việc học của mình gấp triệu lần so với cái môi trường mà mình chứng kiến từ năm 75 đến nay.

Câu nói đó gợi nhiều điều trong ký ức và suy nghĩ…

1) Trước năm 1975 tôi chỉ đi học: tiểu học, trung học rồi đại học. Nhận được sự giáo dục khai phóng trong một chế độ tự do, tôi có nhiều suy nghĩ về xã hội mình sống. Và cũng nhiều lần trình bày quan điểm của mình trước lớp hay trước một cử tọa vài mươi người, trong đó có ý kiến phê phán mặt yếu của chế độ đương thời, những ý kiến bây giờ gọi là phản biện. Củ tọa ấy gồm sinh viên, thầy giáo cấp ba, công chức… chúng tôi nói chuyện trong tinh thần hòa ái, tương kính. Tôi mua tài liệu giáo khoa tiếng Pháp (gọi là annale) để học cách giải đề thi và biết mình đang nhận sự giáo dục chu đáo từ nhà trường. Các tài liệu này không mắc lắm vì gia đình tôi, thuộc gia đình giáo chức trung học đệ nhị cấp, đủ sức mua.

Tôi có những người quen, bạn giống như chị Trân Phượng, “không đồng tình với nó [tức xã hội Miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa, người viết] về nhiều mặt rất cơ bản. Đã tham gia cuộc đấu tranh chống lại xã hội đó, chính quyền đó”. Tôi tự hỏi tại sao phải chống lại xã hội Miền Nam, chống để lật đổ, khi xã hội đó tự do thế, khai phóng thế!

Dù không đồng ý với cuộc chiến Bắc – Nam, lạ thay, lúc đó tình cảm tôi vẫn nghiêng về Miền Bắc. Có lẽ bởi chịu nhiều ảnh hưởng từ tấm gương những người ưu tú của thế hệ cha anh bỏ hết danh lợi lao vào chín năm kháng Pháp giành độc lập. Cuộc kháng chiến ấy còn rất gần thế hệ tôi! Cũng có thể lúc đó chúng tôi còn trẻ, khao khát sự thay đổi và hoàn thiện nên không vừa lòng với cáí trước mắt, có phải bỏ mồi chạy theo bóng?

2) Khi hòa bình, thống nhất tái lập trên đất nước, sau một thời gian ngắn “hồ hởi” vô điều kiện, tôi nhận ra xã hội mới theo đuổi những giá trị khác hẵn với xã hội cũ. Điều này càng rõ ràng hơn khi nhìn vào hệ thống giáo dục.

Hệ thống giáo dục cũ dạy chúng tôi Nhân đạo cùng với tình Đồng bào. Người trong một nước phải thương nhau cùng. Tinh thần Nhân đạo, tình Đồng bào phải cao hơn tranh chấp vùng miền hay đảng phái. Những bài tập toán yêu cầu trẻ em tính số kẻ thù bị chiến sĩ giải phóng quân giết chết sau những trận công đồn thực quá tàn nhẫn, ngược cả lòng Nhân đạo và tình Đồng bào!

Hệ thống giáo dục cũ dạy chúng tôi Trung Thực. Thí dụ về sự thiếu Trung Thực không ít trong các bài giảng, bài đọc thêm, bài tuyên truyền chính trị…

Hệ thống giáo dục cũ dạy chúng tôi tinh thần Hoài nghi Khoa học, hệ thống mới khẳng định chúng ta ở đỉnh cao trí tuệ, ở giai đoạn phát triển sau cùng của tri thức loài người!

Hệ thống giáo dục cũ mở cánh cửa vào tất cả các trường phái tri thức, khoa học, triết học trên thế giới cho học sinh, sinh viên hiểu biết và suy nghĩ, hệ thống mới đóng các cánh cửa đó!

Hệ thống giáo dục cấp cao của chế độ cũ thực hiện Tự trị Đại học, hệ thống mới không có!

Hệ thống cũ Khai phóng trên tinh thần Nhân bản với mục đích đào tạo con người tư do, hệ thống mới gò bó theo yêu cầu chánh trị nhằm đào tạo con người công cụ.

3) Chị Bùi Trân Phượng nhận xét: “Đứng về mặt học hành thì cái môi trường xã hội đó nó vẫn tốt hơn cho việc học của mình gấp triệu lần so với cái môi trường mà mình chứng kiến từ năm 75 đến nay”. Nếu hiểu “gấp triệu lần” là một cách nói diễn tả sự tốt hơn rất nhiều, tôi đồng ý với nhận xét của chị Trân Phượng.

Tôi lại suy nghĩ thêm rằng, một xã hội có thể xây dựng môi trường giáo dục, dạy và học, tốt như vậy, cái xã hội dạy người ta thương yêu chứ không căm thù, cái xã hội ấy có xấu xa và đáng bị chống đối trên nhiều mặt căn bản cho tới mức bị sụp đổ hay không? Cho dù bị thua trận, giới tinh hoa của xã hội ấy có đáng bị đưa vào trại cải tạo không? Những giá trị, kinh nghiệm quản trị của xã hội ấy có nên được nghiên cứu, học hỏi, áp dụng không? Cũng vì sự tốt đẹp cho quốc gia chung thôi mà!

Lại nghĩ thêm, nửa thế kỷ trước Việt Nam bị kẹt trong thời khắc tranh chấp quốc tế, không đủ sức làm chủ chính mình nên bị đẩy vào cuộc chiến tương tàn khốc liệt. Bây giờ tàn cuộc chiến người Việt cần xây dựng quốc gia chan hòa tình thương yêu thông cảm không có lòng căm thù, với cách quản trị xã hội có nhiều tính chất dân sự mà ít tính cai trị, với nền giáo dục thực sự khai phóng, nhân bản.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, cục diện thế giới đang từ bình bước sang loạn. Việt Nam rút được bài học gì cho mình sau ba mươi năm chiến tranh, sau bốn mươi chín năm đặt quốc gia dưới chính thể chuyên chính và toàn trị, bỏ lỡ nhiều cơ hội cất cánh? Nếu Việt Nam học được các bài học ấy để hôm nay được vững vàng, quốc gia này có hoài bão phát triển mạnh mẽ từ cục diện thế giới không?

Tôi tin rằng đó là mong muốn, ước vọng của đa số người liên quan thực tới cuộc chiến. Cũng là trách nhiệm của chính quyền hôm nay. Hàng triệu người Việt của hai bên ngã xuống xứng đáng được thế hệ sau nghiêng mình kính trọng, khóc thương!

Ngày 5 tháng 11 năm 2024

Comments are closed.