Trung Quốc, một nhà Trung Nam Hải học và hai khối bất đồng

Nguyễn Hoàng Văn

Thoạt đầu, trong Chiến Tranh Lạnh, với bóng dáng bao trùm của Liên Xô nên tiếng nói của những nhà Cẩm Linh học rất có trọng lượng tại phương Tây. Liên Xô sụp thì Trung Quốc lên và càng ngày những nhà Trung Nam Hải học càng được chú ý nhiều hơn.

Nhưng từ khi Putin lên cơn điên thì giới Cẩm Linh học đã phần nào lấy lại thế giá của mình, xem như bên tám lạng, đàng nửa cân; dĩ nhiên là ở đây chỉ tính cân ta như khi Nguyễn Du viết Kiều với mỗi cân tương đương 16 lạng. Dẫu sao thì đây chỉ là mối cân bằng không bền vì thế đi lên của giới này chỉ nhờ vào cơn điên của Putin, mà đời Putin thì có hạn trong khi cơn điên có… dữ dội đến đâu cũng có lúc cạn kiệt năng lượng.

Cẩm Linh là cách phát âm Hán Việt của Kremlin, trước đây là cung điện của Nga hoàng, sau là dinh Tổng bí thư Liên Xô, nay là dinh Tổng thống Nga. Khoa học nghiên cứu về nội tình chính trị của Liên Xô trước đây gọi là Kremlinology và những chuyên gia của nó là Kremlinologist!

Trung Nam Hải là Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, xưa là cung vua, bây giờ nơi trú ngụ và làm việc của những yếu nhân Đảng Cộng sản Trung Quốc, người Anh phiên âm là Zhongnanhai. Khoa nghiên cứu về Trung Quốc nói chung thì gọi là China Studies hay Sinology, nhưng cái khoa học chuyên về mối quan hệ giữa những nhân vật trong Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản nước này thì gọi là Zhongnanhai Studies: Trung Nam Hải học!

Lâu nay chúng ta hằng nghe những phân tích chi ly và khúc chiết của các chuyên gia trong lĩnh vực này về xung khắc hay ràng buộc quyền lực chằng chịt giữa những phe nhóm: phe Đoàn, phe Thượng Hải, phe Thái tử đảng, rồi phe Tân Tả, v.v Họ giúp chúng ta hiểu những gì diễn ra sau hậu trường nhưng, thành thực mà nói, ít khi họ tiên đoán chính xác những diễn tiến chính trị cụ thể.

Sự thể cũng giống như những nhà Cẩm Linh học thời trước, nói rất hay, rất chi li nhưng thường thì dự báo trật lất để rồi khi ông Zbigniew Brzezinski lên làm Cố vấn An ninh cho nguyên Tổng thống Jimmy Carter, ông bảo dẹp đám học giả này qua một bên, toàn nói chuyện ruồi bu. Mà cũng chính Brzezinski này lại bắc thang cho Trung Quốc lên, nghĩa là làm sáng giá cái nghề của giới Trung Nam Hải học.

Dẫu xuống giá cũng có một nhà Cẩm Linh học sáng chói là bà Condoleezza Rice. Khi ra tranh cử ông Bush cha đã mời bà làm Cố vấn Ngoại giao, đắc cử Tổng thống thì bổ làm Cố vấn An ninh Quốc gia, tái đắc cử nhiệm kỳ hai thì bổ làm Ngoại trưởng, nghĩa là sáng giá hơn ông Brzezinski rất nhiều. Thời trẻ bà này mơ làm nghệ sĩ dương cầm nhưng nhận ra rằng mình không thể đi xa trong âm nhạc nên đầu tư tâm sức vào môn Cẩm Linh học, nói thành thạo tiếng Nga, là một trong những chuyên gia hàng đầu về Nga của Mỹ. Nhưng cả khi trên đỉnh cao quyền lực bà Rice cũng không cứu vãn sự xuống giá trong cái nghề từng chọn vì đó là là thời cuộc. Thời ông Bush cha làm Tổng thống Mỹ thì nước Nga đói meo, Mỹ nói gì cũng phải tuân thủ để dễ vay tiền, thành thử chả ai phải sợ Nga và chẳng cần nghiên cứu sâu về Nga nữa.

Sau đó là thời của Trung Quốc và sự sáng giá của những nhà “Trung Nam Hải học”.

Ông Kevin Rudd, Thủ tướng thứ 26 của Úc, hiện là một nhà Trung Nam Hải học như thế, với tầm cỡ quốc tế.

Tháng 9 năm 2007 Hồ Cẩm Đào đến Sydney dự Hội nghị thượng đỉnh APEC và được chính phủ John Howard mời dự quốc tiệc. Tại đây ông Rudd, trong vai trò Lãnh tụ đối lập, đã “xổ” tiếng Trung trong bài diễn văn đáp lễ sau diễn văn của Thủ tướng dài khiến phái đoàn tuỳ tùng của ông Hồ không giấu được vẻ sung sướng, hả hê. Riêng Hồ Cẩm Đào ngỏ lời với ông Rudd: thành Thủ tướng hay không, không cần biết, chính phủ Trung Quốc sẽ mời ông dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.

Sau đó, trong cuộc bầu cử tháng 11/2007 ông Rudd trở thành Thủ tướng Úc và tháng Tư năm sau chính thức viếng thăm Trung Quốc. Ngày 9/4/2008 ông Rudd nói chuyện với sinh viên Đại học Bắc Kinh bằng tiếng Trung, nhắc nhở họ rằng trường đại học của họ từng là trọng tâm của phong trào “Ngũ Tứ” , mở đầu cho thời kỳ với những chuyển biến trọng đại và những tên tuổi lẫy lừng như Thái Nguyên Bồi, Trần Độc Tú, Hồ Thích, Lý Đại Chiêu và Lỗ Tấn để đặt cho nền móng của một nước Trung Hoa hiện đại.

Ông Rudd nói với các sinh viên: “Năm nay, 2008, cũng là năm kỷ niệm 90 năm của một số biến cố chính của thời kỳ Ngũ Tứ. Trong những tiểu luận trên tạp chí Tân Thanh Niên, nhà giáo dục kiêm nhà văn Hồ Thích đã thành công khi cổ xúy cho việc dùng văn bạch thoại trong giáo dục và truyền thông. Điều này đã mang lại những thay đổi quan trọng trong cách truyền đạt của giới trẻ Trung Quốc thời ấy với đồng bào mình. Cùng lúc đó nhà văn Lỗ Tấn đã xuất bản cuốn truyện đầu tiên và, công bằng mà nói, đó là cuốn truyện nổi tiếng viết theo lối văn bạch thoại. Tôi cũng nhận thấy rằng chính Lỗ Tấn là người đã vẽ kiểu cho biểu tượng của trường đại học của các bạn, hiện vẫn còn sử dụng. Như thế thì các bạn, những sinh viên của Đại học Bắc Kinh ngày nay, đang kế thừa một truyền thống vĩ đại về sự dấn thân của giới trí thức với đất nước của mình.”

Ông Rudd đã khiến người Trung Quốc đã lên cơn sốt. Nhà xuất bản Giáo dục Phúc Kiến xuất bản cuốn sách tiểu sử về ông, với tên Hoa ngữ là Lu Kewen, phiên tâm theo tiếng Hán Việt là Lộ Khải Văn. Với họ thì Lộ Khải Văn không chỉ là với vị nguyên thủ quốc gia Tây phương đầu tiên nói thành thạo Hoa ngữ mà còn là người am tường văn hoá và lịch sử Trung Quốc.

Nhưng chính vì hiểu Trung Quốc hơn ai hết nên ông Rudd đã khiến người Trung Quốc căm ghét, khi xem Trung Quốc là mối đe dọa chính và nghiêng hẳn về phía Nhật.

Bất chấp sự phản bác của giới tình báo Úc, tháng Năm năm 2009 ông Rudd đã thuận tình để giới chiến lược trong Bộ Quốc phòng Úc công bố Bạch thư Quốc phòng “Defending Australia in the Asia Pacific Century: Force 2030” (Phòng thủ nước Úc trong Thế kỷ Á Châu – Thái Bình Dương: Lực lượng tới năm 2030), trong đó xem Trung Quốc như là là mối đe doạ chính của Úc trong tương lai. Dĩ nhiên bạch thư không trực tiếp nên tên Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu “mối đe doạ từ phưong Bắc” là ám chỉ nước này. Chưa kể là, như sau đó Wikileak đã tiết lộ, chính ông Rudd đã cố vấn cho nguyên Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cách đối đầu với Bắc Kinh: với bọn này thì cứ đánh mạnh, cứ chơi cứng, càng nhún nhường chúng sẽ lấn tới, được đàng chân chúng nó sẽ lấn đàng đầu.

Lúc đó ông Chu Phong, Phó khoa Quốc tế học tại Đại học Bắc Kinh, than thở trên truyền thông Úc (tờ The Australian) rằng Trung Quốc vẫn là một “quyền lực cô đơn” (a lonely power) và đang tìm kiếm một vài “hình thức quan hệ quốc tế thân mật” (form of international intimacy). Phó Phong tả oán: “Khi ông Rudd thắng cử, chúng tôi đã kỳ vọng rằng quan hệ giữa hai nước sẽ phát triểu vì ông ta am hiểu Trung Quốc và nói tiếng Trung Quốc rất hay. Chúng tôi thật sự mong mỏi Úc, như là một quyền lực bậc trung (middle power), đóng một vai trò quốc tế lớn hơn” nhưng đã hoàn toàn thất vọng bởi “ông Rudd nói rất hay, rất cảm động nhưng có thể sẽ không thực sự nghiêm chỉnh về những gì mình nói.”

Trên thực tế ông Rudd đã không kể hết bởi vốn liếng hiểu biết của ông về Trung Quốc còn vượt xa sự mong đợi của chính quyền Trung Quốc: luận văn tốt nghiệp bậc “honour” (trên cử nhân) của ông nhắm vào đề tài thuộc loại “phản động” với họ.

Đó là luận án “Nhân quyền ở Trung Quốc: Trường hợp của Nguỵ Kinh Sinh” (Human Rights in China: The Case of Wei Jingsheng), được Rudd trình năm 1980 (lúc 23 tuổi) tại Phân khoa Á châu học, thuộc Đại học Quốc gia Úc.

Luận án dày 300 trang này lại viết vào thời điểm đang nóng: Ngụy Kinh Sinh bị bộ máy toàn trị Trung Quốc đấu tố dữ dội vào cuối năm 1978, bị cầm tù vào đầu năm 1979. Là một luận án mang tính hàn lâm, Rudd đã cố sử dụng một giọng văn “trung tính” nhưng đã không giấu được sự chia sẻ và ngưỡng mộ với Nguỵ Kinh Sinh.

Trong chương “Quyền làm người trong xã hội Trung Quốc” Rudd đã đề cập đến các cuộc tranh luận của trí thức Trung Hoa trong các thời kỳ lịch sử và kết luận: tư tưởng xuyên suốt trong lịch sử Trung Hoa vẫn là “sự đè nén những quyền cá nhân xuống dưới quyền lợi tập thể”. Với cách phân tích này, Rudd chỉ ra rằng quyền làm người trong xã hội Trung Hoa có tính điều kiện và chỉ ngụ ý trách nhiệm của cá nhân trước tập thể, do đó hoàn toàn xa lạ với ý niệm quyền làm người trong xã hội phương Tây.

Trong chương “Bức tường dân chủ” Rudd nhắm đến những sự kiện đã và đang xảy ra vào cuối năm 1878 và đầu năm 1979 với phong trào Bức Tường Dân Chủ của Ngụy Kinh Sinh. Giữa lúc Đặng Tiểu Bình ra sức “phấn đấu” cho mục tiêu hiện đại hoá kinh tế và quốc phòng thì Ngụy Kinh Sinh đứng ra đòi hỏi phải hiện đại hoá cả chính trị, tức là cởi mở hơn với tự do chính trị.

Trong chương này Rudd đã phân tích sát sao những bài viết chính trị của Ngụy Kinh Sinh, trong đó nội dung chính là phê phán chủ nghĩa Marxist và Maoist như là hệ thống “trái nguợc với giá trị dân chủ”. Theo Rudd thì bài viết của Ngụy Kinh Sinh khá “phức tạp, sống động, có thực chất” và khi bàn sang những lý lẽ “phản biện” của các quan chức cộng sản, Rudd gọi đó là “sặc mùi giáo điều và toàn trị”.

Theo Rudd thì sở dĩ các nhân vật dân chủ này được thả lỏng để hoạt động là do nước cờ chính trị của Đặng Tiểu Bình: ông ta muốn sử dụng các tiếng nói dân chủ để công kích đối thủ của mình. Đến cuối năm 1978 đã có thể đạt được những mục tiêu chính trị, tuy nhiên việc “trấn phản” này vẫn được tạm hoãn để đầu năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình đi Mỹ, ông ta có thể mang theo hình ảnh một nước Trung Hoa cởi mở và khai phóng. Sau đó, khi Đặng từ Mỹ trở về vào tháng Ba năm 1979 thì Ngụy Kinh Sinh và hai mươi nhân vật dân chủ khác bị bắt.

Trong chương cuối của luận án Rudd không phân tích hay phẩm bình mà chỉ dịch biên bản phiên toà xử án Nguỵ Kinh Sinh. Thời đó Trung Quốc đang xung đột với Việt Nam và cáo trạng của công tố viên đã kết án: “Bị cáo Ngụy Kinh Sinh là con chó mẫn cán chạy theo Việt Nam. Hắn ta là một tên vô lại chưa trưởng thành của đất nước. Tội ác của hắn chống lại nhân dân.”

Rudd kết thúc phần chuyển ngữ này bằng một nhận xét đầy thán phục: “Không ai mà không thực sự cảm phục sự dũng cảm của người dám đứng ra thách thức một hệ thống chính trị không bao giờ dung chứa một kẻ bất đồng.”

Bây giờ, sau hơn 20 năm, khi nhìn lại ai cũng có thể thấy rõ rằng con người am hiểu Trung Quốc đó đã đoán đúng, đã vượt qua tầm nhìn nông cạn của giới tình báo để phán đoán rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa của Úc, và mối đe dọa này không chỉ tiếp tục không dung chứa một cá nhân bất đồng mà còn đi xa hơn nữa, đã dập nát và đe dọa sẽ dập nát cả một cộng đồng bất khiển. Mà đó không phải là một cộng đồng nhỏ nhoi. Hồng Kông là một cộng đồng dân chủ lớn, đã bị dập nát. Đài Loan còn là một cộng đồng dân chủ lớn hơn nữa, đang bị đe dọa sẽ dập nát!

Với những gì đã và đang diễn ra, ai còn có thể nuôi hy vọng hòa bình với nó?

Comments are closed.