Văn học miền Nam 54-75 (636): Thế Uyên (kỳ 1)

clip_image002Thế Uyên tên thực là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà nội. Học trung học Chu Văn An Hà nội và tiếp tục học trường này sau khi di cư vô Sài Gòn năm 1954.
Ông là con trai của ông Nguyễn Kim Hoàn (quản lý cơ sở xuất bản Ngày Nay – Đời Nay) và bà Nguyễn Thị Thế (em gái của Nhất Linh, Hoàng Đạo và là chị của Thạch Lam), em trai nhà văn Thạch Lam.
Đã theo học Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Sài Gòn và làm giáo sư Việt văn các trường trung học công lập trong mười lăm năm. Bị động viên lần thứ nhất năm 1962, khóa 14 Thủ đức, ngành Bộ binh. Bị tái ngũ năm 1968 nên sau tháng 4, 1975 bị đưa đi học tập cải tạo tập trung trong ba năm với cấp bậc trung úy. Sau khi được tha, theo học khóa Văn Sử tại trường Sư phạm Bồi dưỡng Sài Gòn và làm giáo sư Việt văn trở lại trong ba năm trước khi xin từ chức vì lý do đã xin đi Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình.

Sau tám tháng tại Phi Luật Tân, đến Hoa Kỳ vào cuối năm 1987. Sau khi định cư tại tiểu bang Washington, đã theo học Đại học tại địa phương và tiếp tục viết văn. Sau khi tốt nghiệp bằng đại học hai năm Associate in Arts, chuyển sang học tiếp tại The Evergreen State College (WA), bộ môn kinh tế chính trị xã hội và tố chức cộng đồng.
Trước tháng 4, 1975 đã có 21 tác phẩm được xuất bản. Ngoài việc dạy học, đi lính và viết văn, còn chủ trương tạp chí và nhà xuất bản Thái Độ với mục tiêu hình thành một chế độ mới không tư bản và cũng không Cộng sản tại Việt Nam.
Sau khi định cư tại Hoa Kỳ đã cộng tác với các tạp chí Văn học, Người Việt, Văn nghệ Tiên phong, Thế kỷ 21, Phật giáo Việt Nam, Làng Văn, Sóng và các tạp chí địa phương khác.

Ông qua đời ngày 11-6-2013 tại tiểu bang Washington sau một thời gian dài bị bệnh, thọ 78 tuổi.

TÁC PHẨM:

Những hạt cát (tập truyện ngắn, 1964)
Mưa trong sương (kịch, 1964)
Ngoài đêm (tập truyện ngắn, 1965)
Mười ngày phép của một người lính (đoản văn, 1965)
Nỗi chết không rời (tập truyện ngắn, viết chung với Duy Lam, 1966)
Những ý nghĩ của bọt biển (đoản văn, 1966)
Chân dung Nhất Linh (tập hồi ký, 1966)
Tiền đồn (truyện dài, 1967)
Nghĩ trong một xã hội tan rã (tiểu luận, 1967)
Bản tình ca (tập truyện ngắn, 1968)
Chiến tranh cách mạng (tiểu luận, 1968)
Những người đã qua (đoản văn, 1968)
Căn nhà của mẹ (đoản văn, 1970)
Đoạn đường chiến binh (đoản văn, 1971)
Về miền đất hứa (dịch từ Leon Uris, 1973)
Kỹ thuật đảo chánh (dịch từ Curzio Malaparte, 1973)

Sài Gòn sau 12 năm (hồi ký, 1989)
Con ðường qua mùa đông (tập truyện ngắn, 1989)
Tuyển tập truyện ngắn Thế Uyên (tập truyện ngắn, 1992)
Nghĩ trong mùa xuân (tập truyện ngắn, 1992)
Tuyển tập dâm tình và các nhà văn nữ Hoa Kỳ (1993)
Khu vườn mùa mưa (truyện dài, 1993)
Nhà văn già và cô bé gù (tập truyện ngắn, 1995)
Những người Mỹ chung quanh chúng ta (tiểu luận, 1998)
Không một vòng hoa cho người chiến bại (truyện dài, 1998)
Những người đã qua II (đoản văn, 2003)

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?author=the%20uyen

image

TIỀN ĐỒN (KỲ 1)

1. 1

Ba tiếng súng nổ phía đồn, Vũ nghe rõ đủ ba tiếng kế tiếp trong cơn ngủ chập chờn nhưng không muốn thức tỉnh ngay. Chàng xoay mình, chiếc áo còn ướt mồ hôi ở lưng dính vào vải võng, chàng mở mắt chậm chạp, bầu trời sáng trăng, những đám mây trên cao viền bạc óng ả. Bàn tay tự động quờ quạng mở máy lúc nào không rõ, bây giờ tai chàng bắt đầu nghe thấy tiếng u u phát ra. Một đám mây tiến đến che khuất mặt trăng, vùng bóng tối lan dần từ phía khoảng trống cuối chợ tiến nhanh lại toán quân, những bóng đen thẫm nằm bất động từng vệt trên đất. Chàng áp ống nghe vào tai, đưa chân đạp hiệu thính viên nằm cong queo dưới đất. Địch tấn công lớn gần Bến Sa, tiểu đoàn 3 bị vây. Lệnh mở đường và giữ an ninh lộ trình cho tiểu đoàn dù đi đường bộ lên tiếp viện. Một bóng đen tiến lại gần, thì thào: “Vũ đâu? Chuẩn uý Vũ nằm đâu?”. Vũ cầm nút nhựa cứng gõ vào thành bi-đông, tiếp tục tu nước. Bóng đen lại ngồi cạnh, khum tay hút thuốc, đầu lửa đỏ loé sáng soi rõ bộ cằm râu lởm chởm. Các binh sĩ đã tỉnh ngủ, loay hoay tháo võng, gập áo mưa. Những bóng đen lập lờ sau hàng cột chợ, những tiếng leng keng của các bi-đông mở nút, tiếng báng súng va thầm trên đất nện. Vũ đeo dây đạn vào người, dựng khẩu súng vào vai, có tiếng một binh sĩ chửi rủa nho nhỏ, chàng khum tay hứng nước từ bi-đông chảy ra, té lên mặt. Tỉnh hẳn ngủ, nhìn khu chợ như sáng bừng lên dưới ánh trăng không còn mây che, chàng thấy mệt mỏi. Hy quay lại xoay tay đưa điếu thuốc lại cho chàng châm nối. “Trung đội 3 xong chưa?”, chàng gật đầu, “Vũ biết lệnh chưa?”, chàng làu nhàu: “Nghe ban nãy rồi. Một giờ đêm mới về đến đây. Ba giờ sáng đã xuất quân!”. Một bóng đen băng nhanh qua sân chợ lại gần Hy hỏi nhỏ: “Đi chưa đại đội trưởng?”. Hy đứng dậy, bỏ điếu thuốc xuống đất, lấy chân đạp mạnh: “Trung đội 3 đi bên trái đường…”, chàng gật đầu. Trung sĩ Ra thì thào: “Sáu giờ sáng trung đội mình mới phải đi đầu chứ chuẩn uý?”. Vũ tự dưng cáu kỉnh, chàng chưa bao giờ quen với tình trạng tỵ nạnh từng ly từng tí giữa các đơn vị lớn nhỏ, giữa từng chiến binh của đơn vị này. Chàng cố giữ khỏi lớn tiếng: “Được rồi! Tiểu đội 2 trực trung đội đêm nay, đi trước! Đúng 6 giờ sáng, đổi phiên cả trung đội lẫn tiểu đội đi đầu. Rắc rối!” Chàng làu nhàu: “Nào có phải đi sau mà không chết đâu!”. Toán quân lầm lũi ngái ngủ di chuyển dưới ánh trăng, len lỏi phía sau các ngôi nhà kín mít im lìm. Một hàng rào chắn ngang, binh sĩ tay giơ cao súng, tay cố ấn dây kẽm gai xuống xoạc chân bước qua. Toán phía sau dồn cục, chờ đợi. Có tiếng ngáp dài, Vũ lắng nghe, tự hỏi âm thanh phát xuất từ hàng quân hay trong nhà. Chàng xoạc chân vượt qua hàng rào, kẽm gai lướt sắc trên mông, chàng tự dưng thấy thèm ngủ đến độ muốn nằm ngay xuống giữa hai luống rau, nằm ngủ cho tới sáng. Toán quân tiếp tục đi, một vệt dài đen thẫm im lặng uốn cong lên lỏi giữa các nhà kín mít, trăng sáng thật sáng làm nổi một tiếng chửi thề trên giọng khàn hạ thấp của một binh sĩ bị kẽm gai móc vào chân. Bốn giờ sáng có lệnh dừng quân bố trí, Vũ cho trung đội đóng dài dọc lộ phía sau lớp nhà, hút thuốc trong chiếc mũ úp trên tay. Âm thanh rì rào của máy truyền tin, hiệu thính viên thì thào xen lẫn với tiếng huýt sáo nhỏ: “Thanh 3 gọi Thanh nghe không trả lời, Thanh 3 gọi Thanh nghe không trả lời… Thanh 3 đã tới vị trí ấn định, Thanh 3 đã tới vị trí ấn định…”. Đoàn xe tải quân tiếp viện bắt đầu xuất hiện, những khối đen to dần trong tiếng động cơ ầm ì, những ngọn đèn xanh nguỵ trang leo lét như mắt mèo. Vũ đứng dậy, đeo súng lên vai, gắn điếu thuốc lên miệng ra đứng ven quốc lộ, tựa lưng vào cột hàng rào. Những bóng đen bất động trên xe, một vài đốm lửa đỏ hình như hướng về phía chàng như một lời chào không thành tiếng. Ánh trăng tràn đầy, loang loáng trên các đỉnh tròn của mũ sắt, lẫn trong tiếng động cơ vang lớn. Đoàn xe đã đi qua, Vũ nhìn theo chấm đỏ chiếc xe cuối cùng, vơ vẩn nghĩ tới đơn vị bạn đang thất thế, cầm cự từng phút cũng dưới thứ ánh trăng này. Chàng trở lại chỗ cũ ngồi tựa cửa căn nhà, tay quàng lên báng súng ngủ thiếp đi.
Cánh cửa lay động như muốn mất hút về phía sau, Vũ giật mình vùng quay lại. Trời đã hửng sáng. Người đàn bà bất động đặt nguyên tay trên cánh cửa nhìn những người lính ngổn ngang ngoài thềm, không ngạc nhiên, không sợ hãi. Phía trong, ba đứa trẻ ngủ lăn lóc trên chiếu trải ngay dưới đất. Vũ giơ tay che miệng, hỏi qua tiếng ngáp: “Sao bác để các em ngủ đất? Dễ đau bịnh lắm!”. Người đàn bà trả lời, không mỉm cười, không nhăn nhó: “Phải đành vậy. Nằm giường đâu có chạy đạn kịp. Dạo này đánh nhau quá trời đi chú!”. Vũ đứng dậy vươn vai nhìn một vùng trời bắt đầu ửng đỏ, ra sân múc nước té vào mặt, châm một điếu thuốc, nghĩ tới một ngày vất vả đương chờ đợi.

*

“Mấy giờ rồi anh?”
“Không biết”.
“Anh xem đi”.
Đầu người con gái đè nặng trên bụng, ánh trăng phản chiếu từng đợt sáng trên tóc khi thiếu nữ cử động. Định cuối xuống mỉm cười.
“Đồng hồ anh để trong túi quần trái, em lấy mà coi”.
Bàn tay nhỏ trắng vùng lên, lách giữa những lớp vải tìm kiếm, những đầu ngón cử động mơn trớn trên đùi chàng. Thiếu nữ giơ đồng hồ lên, nghiêng đi nghiêng lại để tránh ánh trăng phản chiếu trên mặt kính.
“Ba giờ rồi anh…”
“Tám giờ anh mới đi. Bọn mình còn nhiều thì giờ”.
Định cúi xuống, thiếu nữ đang ngậm ngón tay trỏ của chàng, đầu lưỡi nóng ẩm ướt trên da, ánh trăng đọng hai vết nhỏ trên đôi mắt mở lớn. Chàng nghi ngờ, đưa tay vuốt kẽ mắt, tìm thấy vết ẩm ướt. Linh vòng bàn tay qua gáy chàng, rướn người lên hôn, Định giữ nguyên vị trí, đôi môi nàng mấp máy tìm kiếm, chàng bất động, bàn tay ấp lên trên gáy cử động yếu dần và bây giờ Linh đã buông đầu vào lòng chàng, những giọt nước mắt xuất hiện từng khối trắng đọng lớn dần.
“Tại sao em không cản anh đi sư đoàn? Linh! Em biết lúc ấy em cản, anh sẽ rút đơn lại mà”.
Thiếu nữ cựa người, một giọt nước mắt, chàng trông rõ một giọt nước mắt lăn xuống gạch.
“Em không muốn… Nhưng tại sao anh cứ phải ra trận mới được? Anh tưởng em sẽ tìm được cái gì cho anh ở đó. Không có gì đâu anh, không có gì hết đâu, anh! Em biết thế, em là đàn bà, em yêu anh, em biết rằng không có gì ở đó cho anh đâu!”
Định nín lặng nghe, tiếng đoàn xe lửa lớn dần, át tiếng nói của Linh. Bây giờ đoàn tàu đã đi qua, ánh trăng tiếp tục trên sân gạch, trên những trái tầm ruột góc sân bên kia. Chàng tựa đầu vào vách tường, khép mắt gần kín để nhìn những ánh sáng lấp loé trên hàng mi.
“Em không muốn cản anh bởi vì em biết anh chỉ có thể sống yên bên em sau khi tham dự cuộc chiến. Mỗi người đàn ông cần phải trải qua một cái gì đó mới có thể sống yên…”
“Đừng lo cho anh!”
Bàn tay Linh đưa lên lục lọi túi áo lấy bao thuốc, đặt một điếu vào môi chàng. Ánh bật lửa bùng lên, nét mặt Linh xuất hiện gần như vui vẻ làm chàng ngạc nhiên và cảm thấy đau nhói trong lồng ngực. Cái chết xuất hiện, lẩn khuất với nụ cười… Không rõ ràng như thế, chàng tin sẽ có thể chết. Có lẽ vì sự có thể này, chàng đã xin đi đơn vị tác chiến, có phải chỉ vì thế…
“Em biết tại sao anh muốn ra trận không?”
“Em đã nói rồi. Anh cần phải trải qua chiến trận… Để làm gì? Vì tự ái đàn ông, vì kiêu hãnh làm người hay vì cái gì nữa em đâu biết. Em chỉ biết em không nên cản trở anh, em chỉ biết anh chỉ có thể sống yên bên em sau khi đã trải qua… cuộc chiến tranh này.
Linh ngừng bặt vì chàng đã vòng tay nâng lên hôn, ngậm đôi môi nóng và cắn mạnh, thiếu nữ muốn kêu nhưng âm thanh không thoát ra.
“Không hiểu sao em tin rằng em sẽ chết trước anh đấy, anh yêu!”
Định cười, nhặt điếu thuốc còn cháy quăng lăn lóc bên cạnh, hút tiếp:
“Em có tin có linh hồn không, Linh?”
“Em không biết nữa, nhưng em mong rằng có. Bởi vì như thế dễ sống và dễ chết hơn, anh thường nói”.
Bởi vì như thế dễ sống và dễ chết hơn? Có đúng thế hay không, không biết, nhưng chàng biết chắc đã nhiều lần luyến tiếc vì thời kỳ thơ ấu, thời kỳ chàng tìm thấy, cảm thấy có những vị thần linh dữ tợn sống trong các hốc cây đại thụ, những con ma lả lướt trên rễ đa và những nàng tiên lang thang vơ vẩn trong không gian đi tìm những đứa trẻ đang khóc vì mất đồ chơi hay tủi hổ vì cha mẹ mắng. Chàng nhớ lại thật rõ rệt bốn bức vách quét hắc ín căn phòng chứa xác toà nhà bác sĩ một thị trấn xa, nơi chàng ở nhờ khi tới đáo nhiệm sở mới. Chung quanh vườn rộng um tùm, cành lá trĩu nước của mùa mưa kéo dài, nửa đêm chàng nghe thấy tiếng cạo sửa, cửa thông sang phòng để đồ bên cạnh. Trong giấc ngủ chập chờn, ý thức như ghi nhận những vết cào xước ấy ngay trên sọ. Buổi sáng trở dậy, đi quanh nhà xem xét, chàng thoáng lạnh người khi không tìm thấy trên các cửa một vết cào nào. Khu nhà rộng không có chó, không có mèo. Người đàn bà làm vườn trợn mắt thì thào: “Ông không biết à? Xưa Tây bắn chết mấy chục người ngoài vườn. Xác xếp cả trong phòng đó, phòng chứa xác của ông đốc-tờ!”. Đêm sau chàng đi uống cà-phê khuya, trở về tắt đèn, cầm chiếc đèn bấm đi rừng thu người trong góc phòng chờ đợi. Khi tiếng cào bắt đầu, chàng rón rén tiến lại gần, chồm lên đạp tung cửa, nhào sang buồng chứa đồ. Dưới ánh đèn pin quạt ngang dọc, không dấu vết một sinh vật nhưng cửa chiếc tủ kê nghiêng đang từ từ mở một cánh. Tim thắt lại lạnh giá, chàng nhảy chồm tới mở tung cánh tủ còn lại. Dưới ánh đèn một con chuột lớn đang lẩn trốn sau dãy chai lọ va đổ loảng xoảng. Khi nhảy tới, chàng tìm gì? Một bóng ma hiện hình, một con quỷ không đầu hay một hồ ly xoã tóc đang khát tình? Chàng không hiểu rõ, chỉ biết đã thấy thất vọng đến tận xương tuỷ khi thấy một con chuột mắt giương lấp lánh sợ sệt. Bàn tay nóng của Linh úp lên má chàng:
“Anh nghĩ tới cái gì thế?”
“Anh đang tự hỏi có linh hồn hay không”.
Tự dưng một nỗi thiết tha với cuộc đời, thiết tha mạnh mẽ tới độ làm cơ thể chàng rung lên, nhức nhối. Chàng nói dồn dập:
“Trong đời anh, anh chưa thấy người đàn bà nào yêu mạnh mẽ như em. Vậy nếu em chết trước, anh sẽ lấy vợ khác, đêm tân hôn anh sẽ mang tới căn phòng xưa bọn mình đã sống ở Đà Lạt tuần trăng mật. Anh sẽ để cô nàng trần truồng nằm trên giường, rồi mở lớn cửa sổ gọi tên em. Nếu có linh hồn em sẽ phải hiện về. Nếu không, sau cái chết sẽ không còn gì cả. Em hiện về không, Linh? Anh sẽ gọi tên em thật to cho cả vùng đồi, cho tới tận nghĩa trang có mộ em…”
Thiếu nữ níu tay qua vai người đàn ông, ngồi dậy, mắt mở lớn:
“Em sẽ về! Nếu có linh hồn… bằng bất cứ…”
Thiếu nữ vùng úp mặt vào vai chàng khóc nức nở nghẹn ngào:
“Anh nói thật đi anh! Sau cái chết anh còn tin có gì nữa không, còn gì nữa không…”
Định bế thiếu nữ vào nhà, qua chiếc sân ánh trăng đã nhạt. Chàng hơi dừng lại trên bậc cửa, nhìn lên bầu trời phía đông đã bắt đầu trắng sáng trước khi cúi xuống hôn lên khuôn mặt đẫm nước mắt. Nằm phủ lên Linh, chàng không thấy thèm muốn nhưng chàng muốn, vô cùng mãnh liệt, vào sâu trong cơ thể phía dưới của người khác kia, kẻ khác kia, những thúc đẩy run rẩy của cơ thể chàng tìm kiếm đương hoà hợp với Linh, người khác kia, không có nghĩa gì hơn không mang một giá trị gì hơn là biểu lộ một chống đối thật nhỏ và vô ích với khoảng không có gì hết sau cái chết. Khi thân thể rung chuyển mạnh trước phút cao độ của đàn ông, Linh vùng siết chặt, những ngón tay có móng nhọn chới với trên lưng chàng, những câu nói nàng thốt ra, chàng không hiểu rõ, nhưng cảm thấy một chuỗi tiếng kêu tuyệt vọng từ ngàn xưa của con người khi biết chẳng bao giờ thoát khỏi cái chết đang chờ đợi.

*

Súng cối ở đồn bắn? Chị Ba nhấc đầu khỏi gối lo ngại, nín thở nghe ngóng. Thân thể cứng lại trong chờ đợi tiếng nổ lớn kinh hồn. Chiếc đồng hồ lấp loáng ánh dạ quang xanh mờ vẫn kêu tích tắc trên bát sát giường. Chung quanh im lìm, tiếng một con chó sủa ở xa, một con mối tắc lưỡi trên vách. Không có gì cả, chị thở phào. Chắc thằng Bê đạp chân vào vách, không phải tiếng súng cối bắn đi. Chị tự hỏi mấy giờ, bực mình khi nhớ ra ban nãy có ngó vào đồng hồ nhưng không nhớ là mấy giờ. Chị lồm cồm ngồi dậy, đưa tay cuộn mái tóc rũ rượi lên đầu, gáy và bàn tay đều nhớp mồ hôi, nóng bừng. Mới có ba giờ. Qua khe vách, ánh trăng từng vệt cắt ngang thân hình anh Ba và thằng Bê nằm phía ngoài. Chị cúi xuống, người đàn ông ngủ say, tiếng thở đều đều.
“Anh ơi! Hình như có tiếng súng ở đồn”.
Người đàn ông ầm ừ, co hai chân lên, một khoảnh khắc ngắn bàn chân bám đất hiện rõ dưới ánh trăng.
“Để tui ngủ. Sáng đâu nào”.
Chị lay chồng khe khẽ:
“Anh cứ dậy thử coi. Lỡ mấy ông bắn thiệt, chun vô hầm đâu có kịp”.
Chị đưa tay quàng lấy đầu chồng, kéo lên. Đầu gối người đàn ông lọt vào giữa hai đùi ấm áp, làm chị tự dưng muốn khép hai chân lại. Vợ chồng vừa đôi co lúc tối, chị muốn ăn nằm từ chiều, từ lúc anh Ba xối nước ngoài sân, cái mông cứng lâu láng nước làm chị nóng ran từ dưới lên trên. Chị cố ru cho thằng Bê và khi nó đã ôm cái chăn dạ lính ngủ, anh còn lúi húi đan gì không biết ở căn bên. Chị giục tắt đèn, một lần, hai lần, anh không nhúc nhích. Có tiếng dao chặt nhẹ và tiếng cười: “Có người nghèo mà ham quá ta…”. Nghe tức điên, chị không thèm nói nữa, quay mặt vào vách cố ngủ. Anh kéo ngửa ra, chị vùng vằng không chịu. Anh lao người lên, đè trên cánh tay đau nhói, chị càng tức co chân đạp tung anh xuống đất. Sau cùng cả hai cùng ức, nằm cạnh nhau im lặng. Về khuya chị thao thức không ngủ được, người vẫn râm ran bứt rứt. Chị xoay người lại ép sát vào chồng. Chị biết anh chưa ngủ. Nhưng anh nằm im. Chẳng lẽ chị lại dàn hoà trước. Chị toan tính quẩn quanh, mong có tiếng súng nổ để cả vợ chồng con cái leo xuống cái hầm dưới gậm phản. Thế là tiện, khỏi phải ai dàn hoà với ai hết. Nhưng đêm nay yên tĩnh. Trăng sáng, chắc mấy ông trong đồn nhớ vợ nhớ con không buồn động tĩnh. Chị ấm ức, ấm ức với tất cả. Chẳng lẽ lại đưa tay ra trước để anh chàng sáng mai làm tàng, chịu đâu nổi. Bây giờ không gian bốn bề yên tĩnh, trăng sáng như ban ngày ngoài vách và người chị thì như thế. Chị đưa tay xoa bộ ngực căng tức sữa, một cảm giác buồn buồn bứt rứt lan khắp người, phía dưới bụng như căng ra. Chị bước xuống đất, tiến đến sát vách đối diện, nhìn qua khe. Hàng hiên sạch trắng dưới ánh trăng, dưới mấy bóng cây ngoài vườn không hình dạng nào khả nghi: đêm nay không có toán quân nào tới đóng quanh nhà. Chị toan mở cửa ra ngoài, nhưng lại thôi. Biết đâu mấy ông lại không nằm phía chuồng bò bên kia, bước ra dám bị đạn lầm. Ai biết được mấy ông ở chỗ nào, lệ thế rồi, ban đêm ra khỏi nhà không cầm đèn bắn chết bỏ. Tuần trước, trăng cũng sáng, bà Hương ấp trên nửa đêm ra ngoài đi cầu, bị bắn gãy cẳng. Còn nằm nhà thương trên tỉnh chưa về. Thôi, ở trong nhà là hơn dù chị rất ghét làm việc này trong nhà. Anh Ba nằm kia. Tấm ảnh nhìn chị còn ngượng nữa là… Những lúc thế này, chị muốn già phứt cho rồi để có thể như mấy bả, tiện đâu ngồi đó. Chị cúi xuống, cẩn thận kéo cái chậu xa vách cho vừa tầm, chị tụt quần ngồi có giữ cho tiếng nước khỏi vang động. Có tiếng cười nhỏ trên giường thì phải, chị không dám chắc có phải không. Lại gần giường, chị khe khẽ leo lên, một cánh tay đột nhiên quàng qua lưng, vít xuống. Chị vùng vẫy thì thào:
“Khéo đè lên thằng nhỏ!”
“Đè lên đâu cũng được, làm tàng hoài à!”
Chị giẫy giụa, cố xoay người ép vào vách:
“Chẳng biết ai làm tàng…”
Đột nhiên chị chống tay ngồi lên. Có tiếng động cơ lớn dần, ầm ĩ dữ dội. Anh Ba nới lỏng tay úp trên ngực vợ, nghe ngóng. Đoàn xe vụt trên lộ bên kia vườn, hết chiếc nọ đến chiếc kia. Sau cùng tiếng động cơ nhỏ dần, khuất đi. Chị thả người nằm xuống, hất chồng ra ngoài thì thào:
“Thôi mình! Mấy ông hành quân lớn, đạn bắn tùm lum bây giờ. Tôi hổng chịu xách quần tụt vô hầm như bữa trước đâu”.
“Thì ôm quần tụt vô đã sao, như bữa trước đã sao?”
Chị thẹn nóng bừng má. Bữa đó, súng nổ tứ tung, ngồi sát vách đất hầm tay ôm mớ quần áo, tay bồng đứa nhỏ mà ảnh còn tiếp tục… Nỗi ngượng nghĩ lại làm chị bơ thờ, tứ chi xao lãng thủ thế. Anh Ba lợi dụng lao ngay lên. Chị vùng người không kịp. Chị nói nhỏ:
“Làm khẽ chứ! Cho thằng nhỏ ngủ”.
Chị lơ mơ nghĩ sáng mai phải dậy sớm ra chợ bán thúng khoai mì. Chắc chín giờ là hết, tới hàng vải mua cho thằng nhỏ chiếc áo, cái màu đỏ chị ngắm nghía từ ba bữa nay. Tiếng anh Ba thở mạnh, chị chợt nhận thấy hơi ùa ra khỏi miệng mình còn mạnh hơn, rồi chị chẳng còn nghĩ còn nhận thấy cái gì nữa.

Nguồn: https://vietmessenger.com/books/?title=tien%20don

Comments are closed.