Văn Giá
1. Tập truyện ngắn này thực ra mới là tập truyện thứ ba của tôi, vì tập Mưa ở Bình Dương đã in ở NXB Thanh niên năm 2019 chỉ là sách tuyển các truyện từ hai tập trước và có thêm mấy cái truyện mới.
Tôi viết truyện ngắn đã lâu, từ hồi sinh viên, tức là những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng viết mãi chưa thành.
Đến năm 1987 tôi đi học Cao học, rồi làm Nghiên cứu sinh, rồi bước hẳn vào con đường nghiên cứu phê bình văn học. Truyện ngắn là một thể loại tựa như mối tình đầu của tôi trong văn chương. Đã định bụng thôi hẳn đấy, nhưng lạ thay, nó luôn khiến tôi bận lòng…
Đến tận năm 2008 gì đó, tôi mới trở lại với “mối tình đầu” đó. Và nó được đánh dấu bằng hai truyện ngắn (Về thôi, Trên máy bay) đăng báo Văn nghệ lúc bấy giờ do nhà văn Dạ Ngân gác trang. Từ đấy, tôi được các nhà văn Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái và bạn văn khích lệ… Nhân đây tôi xin bày tỏ niềm cảm ơn của mình tới tất cả.
Thêm một lý do nữa, 2007 tôi được mời về làm Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận – Phê bình Văn học thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội (bây giờ là Khoa Viết văn, Báo chí). Lúc này, tôi phải đảm nhiệm giảng dạy bộ môn Lý thuyết thể loại truyện ngắn cho sinh viên Viết văn. Tôi nghĩ, nếu giảng dạy mà có thêm thực hành nữa thì sẽ có sức thuyết phục hơn. Thế là tôi gắng thử sức ở thể loại truyện ngắn.
Mỗi truyện ngắn của tôi thường là có một chút thể nghiệm, có khi rất nhỏ thôi về nghệ thuật tự sự, thí dụ về sắp xếp/dàn dựng văn bản, về trộn giọng giữa người kể chuyện với nhân vật, nhịp điệu trần thuật, về không khí truyện, về phi trung tâm hóa nhân vật/ đa điểm nhìn… Cũng không rõ có chút thành công nào không, nhưng để khi lên lớp, bên cạnh việc dẫn các văn liệu của các nhà văn bậc thầy, tôi cũng chia sẻ cho các sinh viên cách ứng dụng của tôi.
Nhưng có lẽ trước hết và trên hết là tình yêu của tôi đối với thể loại này. Nó xinh xắn, dung lượng vừa phải, phù hợp với tính cách ưa ngẫu hứng của tôi. Nó có khi rất gần với thơ, với tiểu luận, thậm chí mang tính tiểu thuyết. Nó cũng cho phép tôi trải nghĩ trải lòng trước người khác dễ dàng hơn…
2. Nói chút về tên quyển sách. Do là người làm nghiên cứu, phê bình văn học, tôi ý thức sâu sắc được rằng, thì ra việc mình lên tiếng/phát ngôn không phải lúc nào cũng muốn mà được. Vả lại, ngay cả việc lên tiếng ấy nhiều khi tưởng như rất vô tư, hồn nhiên, mình muốn nói thế nào thì ra thế, nhưng không phải, hóa ra trong thẳm sâu, có những thứ định chế như một vô thức chi phối sự lên tiếng của anh mà anh không biết, không kiểm soát được. Đây là nhìn từ phía người viết. Còn nhìn từ phía bạn đọc, do kinh nghiệm tri thức, văn hóa của mỗi người khác nhau, lại do bối cảnh thực tại chi phối, nên họ tiếp nhận các phát ngôn cũng rất khác nhau. Người nói/viết đừng nằm mơ ai cũng là kẻ tri âm, tán tụng mình, khen ngợi mình… Một khi phát ngôn/tác phẩm được tất cả mọi người khen thì đó là báo hiệu sự thất bại của chủ thể tác giả. Đây chính là câu chuyện của lý thuyết diễn ngôn. Hiểu được điều này để thấy được mối liên hệ mật thiết giữa mỗi cá nhân, trong đó có nhà văn đối với xã hội/lịch sử/văn hóa/chủng tộc/thiên nhiên… mà họ thuộc về; đồng thời cũng thấy giới hạn của mỗi chủ thể cất tiếng. Đó chính là câu chuyện “Ai nói & tại sao lại nói như thế”. Vậy là, tôi muốn chuyển dịch trọng tâm trong các tác phẩm của tôi từ việc “Nói cái gì?” để sang việc “Tại sao lại nói như vậy” mà không nói khác?
Mỗi chúng ta chỉ là một tiếng nói thật yếu ớt trong đời sống này. Đây chính là một nỗi buồn thật sâu của tất thảy chúng ta, nhất là những người cầm bút. Hầu hết các truyện ngắn của tôi đều quan tâm tới lời nói, bao gồm ai nói, tại sao lại nói vậy, tính biểu nghĩa như thế nào trong hoạt động diễn ngôn… Bạn có buồn không khi không nói được/được nói điều mình muốn? Bạn có khi nào bất lực không khi lời nói của ta không được hiểu hoặc bị diễn giải khác? Bạn có dám đảm bảo mình không bao giờ ăn theo nói leo không? Bạn có khi nào trở thành nạn nhân của phát ngôn không?… Đây chính là chỗ sống động, phức tạp và bất lực nhất của con người.
3. “Mẹ tôi là nông dân. Tôi sinh ra ở nông thôn”. Thân phận tôi trùng khít với câu văn này của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Khi lớn lên, đi học, học lên dần rồi lập nghiệp ở phố, lấy vợ phố, sinh con ở phố. Vừa bị neo buộc vừa vượt thoát “nông dân tính” lại vừa hòa nhập vừa kháng cự “đô thị tính”, như một tất yếu, tôi chọn con đường trí thức, một thứ trí thức gốc gác nhà quê sống giữa đô thị và thiết chế xã hội hiện hành. Trong sự nhùng nhằng đó, tôi sống và viết. Tất cả hay dở đều từ đó mà thành.
Có lẽ trong văn của tôi, hình như có một anh trí thức gốc gác thôn quê sống đời đô thị mà dằn vặt, chất vấn/tự chất vấn ít nhiều về chính mình và đời sống này.
4. Năm nay tôi đã vào tuổi sáu nhăm. Sau tuổi này không dám chắc một điều gì. Cuộc đời vốn rất vô thường, một khái niệm nhà Phật có nội hàm rộng lớn hơn cả khái niệm hư vô (đây cũng là một ý tưởng mà tôi ít nhiều đã có dụng ý thể hiện trong một số tác phẩm). Nên, tập sách này như một tri ân với gia đình, thầy cô, bạn bè, học trò… Tôi vẫn thường hay nói, tôi mang ơn khắp gầm trời này. Nếu không có họ, cũng không có một tôi như đang là.
Tập truyện ngắn này như thể khép lại một chặng đường để rồi mở ra một chặng khác, phía trước, mịt mờ, không biết rồi sẽ thế nào…, nhưng vẫn cứ phải hướng tới.
5. Có người hỏi tôi, nếu chỉ được kể ra năm truyện ngắn của bạn mà bạn cảm thấy tâm đắc nhất, thì đó là những truyện nào? Một câu hỏi khó, nhưng nó đặt tác giả vào một tình thế tự lựa chọn, qua đó nói lên nhiều điều về tư cách nhà văn. Tôi xin mạo muội chọn mấy tác phẩm dưới đây (mặc dù có phần tiếc nuối vì không được kể thêm): Làm U, Mưa ở Bình Dương, Phật Chỉ, Chăm người bệnh, Diễn ngôn.
Tháng Chín, 2024
VG
(Tranh của Hoạ sĩ trẻ Ngô Vĩnh Thuận, đã in trong tập truyện này)