Hãy ngồi xuống đây! (kỳ 46)

MÙA THU 2017

Mùa lá rụng

Hạ Đình Nguyên

Hôm nay, thuộc về tháng cuối thu của năm.

Nhưng sẽ không hứa hẹn là mùa đông rét mươt sắp đến ở nơi nầy.

Không gian mùa thu vẫn còn đang chiếm ngự mấy tháng nay với những tuần lễ mưa phùn lất phất. Gió mát hiu hiu, nắng dịu dàng, và “trên không có những đám mây bàng bạc”. Thỉnh thoảng, một chiếc máy bay lượn qua, để lại một vệt trắng ngang trời rồi sau tự tan dần.

Lá rụng đầy vườn. Lá khế màu vàng tươi, rải đều trên mặt sân dalle lát sỏi; lá dầu màu nâu đỏ, nằm ngang ngửa trên mặt đất; bông sao chỉ còn hai vệt trắng xanh vắt vẻo trên đầu cỏ. Có những tiếng kêu của nhiều loại chim. Tiếng ríu rít của chim se sẻ là ồn áo nhất, tiếng kêu của đôi chim quạ trong cuộc tình, đang đuổi nhau trên các ngọn cây. Nhiều tiếng chim lạ, lạ vì chủ nhân không rành về động vật học. Thỉnh thoảng có đôi bồ nông từ đâu ghé chơi, tiếng kêu không hay ho lắm, nhưng dáng to như con gà mà đậu tít trên cao. Sau một thời gian, thỉnh thoảng bồ nông lại bay về nhưng chỉ còn một con. Nó đã lẻ bạn vì một chuyện chẳng may nào đó, có thể vì “tai nạn giao thông”, vì bị “thanh toán”, bị “bắn tỉa”, hoặc ăn phải “thực phẩm độc”, hoặc bệnh lạ nào đó. Đã vài tháng nay không thấy nó ghé lại; đôi khi tôi có chút hoài niệm về nó. Có bầy chim cu đất, gồm từng cặp, cùng nhau thân ái đi kiếm ăn trong vườn. Về khoản nầy nó hay hơn tôi. Vợ tôi, là nàng ấy, đúng là một loài chim, còn tôi thuộc loài đi trên đất, và ở cố định một nơi. Chẳng có gì quan trọng về chuyện nầy, các thiền sư hay nói thế, và tôi cũng thấy thế.

Tôi được xã hội xếp vào loại người già, nhưng chỉ mới qua 75 mùa thu thôi. Tôi không thích lắm khi người ta hay dùng chữ mùa xuân, để tính sổ đời người, bởi cho đấy là mùa tươi đẹp nhất. Vì người ta cứ mơ tưởng mùa xuân là sự tiến lên, tiến tới, sự đâm chồi nẩy lộc, sự phát triển, sự đi lên… như đi lên… “chủ nghĩa xã hội” vào một ngày xa xôi nào đó. Mùa xuân không hứa hẹn điều gì cả. Tôi cho đó là mùa ảo thuật nhất của đời người, bởi chỉ toàn là mơ tưởng. Hình như ở đó có hơi quá đà, nó chứa đựng nhiều nhất sự tham lam các kiểu. Nó thường dẫn đến cái chết vì các thứ viễn mơ. Như “lý tưởng” chẳng hạn, có khi thì, chỉ vì mái tóc, nụ cười, đôi mắt hay đường cong cong… Nguyên nhân có thể vì cái ảo tự thân do trời đất cài đặt, hoặc cái ảo bị cài đặt bởi xã hội, được gọi phổ thông là lý tưởng. Mùa hạ, mùa đông cũng có cái hay, nhưng lại có chút cực đoan, nóng quá hoặc lạnh quá, nắng gắt quá cũng như mưa nhiều quá. Còn mùa thu lại gợi nên chút lãng đãng, mơ hồ, không rõ nét. Cái đó lại thấy hay, vì mơ tưởng và hiện thực trộn lẫn vào nhau.

Lá rụng đầy vườn, có thể rải dày nhiều lớp trên lối đi.

Mỗi ngày, người có 75 mùa thu nầy, không mỏi mệt vì quét lá và đốt lá. Trước hết, vì nghĩa vụ của vai trò “sở hữu”, thứ đến là niềm vui về lợi ích bâng quơ.

Chỉ sau năm, bảy ngày không quét, lá sẽ tạo nên vật liệu làm nhà cửa và thức ăn của các loại rắn rít, côn trùng lớn nhỏ. Chúng bình yên nhầm tưởng người chủ đã bỏ đi, cho là không gian vô chủ. Chúng sẽ “thu hồi” theo chính sách quy định, biến thành hợp tác xã, hoặc quy hoạch các loại, chia nhau khai thác các kiểu. Mỗi chủng loại thì đục khoét theo cách của mình. Kết quả là chủ nhân mất trắng, nó sẽ là cái tờ giấy màu đỏ vô nghĩa nằm trong ngăn tủ. Cái đó cũng công bằng, vì chiếm hữu mà không dùng hết, dùng theo nghĩa đen của chủ nghĩa duy vật thực dụng, đâu có kể chi là không gian môi trường. Sở hữu, tuy thực mà trở thành ảo. Xét cho cùng, cái gì mà không ảo! Vậy cùng nhau chúng ta với côn trùng – dù phiền nhất là chủng tộc kiến – phải chung sống vậy. Ta không hề có ý tận diệt các ngươi! Hãy tương liên mà sống. Chỗ nầy là ta, chỗ kia là ngươi, chúng ta cũng cần củng cố hiến pháp, và thiết lập luật pháp phải được phân minh. Ta xâm phạm, các ngươi cắn; các ngươi xâm phạm, ta đốt lửa. Chẳng ai thua ai, vỏ quít dày có móng tay nhọn, loài người chúng ta thường nói thế. Cái sở hữu cũng cực, vì có mặt trái của nó, là cần sự bảo quản và chăm sóc.

Quay về thực tế, lại tự hỏi, cái vườn sạch, có lợi ích gì nào?

Nàng ấy – là vợ tôi – thường hay đi mây về gió, bảo: Anh ở thế nầy phí quá! Lại nữa! Mà cũng phí thật, theo quan niệm của nàng. Hẳn ý của cô ấy là, sao không chia lô mà bán, làm phòng trọ cho thuê, hoặc cho thuê tất tần tật, ôm tiền kiếm cái cao ốc mà chui vào, làm consummer ngon ơ cho các tay kinh doanh địa ốc lợi ích nhóm, có phải sang hơn không! Tôi bất ngờ về cô vợ vốn nổi tiếng lãng đãng – cũng được xác nhận của cả nhà bên vợ – nay đột nhiên thực dụng đến bất ngờ.

Tôi im lặng và cảm thấy có sự ngộ nhận lớn lao. Lớn ở chỗ, bỗng dưng xoay chiều nhân sinh quan. Tích cóp, cả đời tích cóp, để làm gì kia chứ? To earn money, to earn money! Các quan chức đại gia đã làm ảnh hưởng xấu đến vợ tôi chăng? Veston, cravate, áo thêu rồng phượng, gấm hoa các kiểu mỗi lần xuất hiện, ôtô, biệt thự cứ ngổn ngang ra đấy…, nhưng có lay động gì tới tôi đâu! Đúng hơn là tôi không chạm đến, nhất là ở vào tuổi mùa thu nhiều lá vàng nầy. Khi còn ở giai đoạn lá còn xanh thì có lẽ tôi chưa đủ chín để đâm chồi nẩy lộc, giống như các thế hệ quan hiện tiền. Nếu không thế, thì biết đâu để mà thong dong quét lá, ngẩn ngơ nhìn trời như hôm nay! Từ ngày bắt đầu ý thức từ bỏ dần tham vọng, tôi thấy cái tự do lớn thêm lên, và ngẫm nghĩ, đúng là “không có gì quý hơn”. Tôi nói về cái thứ tự do nho nhỏ, ở vùng chật hẹp hoang vắng, nhỏ nhoi. Nhưng không có nội tâm tự do – tự do nhỏ – thì làm sao có tự do lớn! Cái khó hiện nay, và cũng đã có từ lâu, và khốn thay, cái tự do nhỏ bị nhốt trong cái tự do lớn, phần nó lại bị nhốt trong cái lớn hơn, mà cái lớn hơn đó chứa toàn cái cực nhỏ, thật tội nghiệp, bởi muôn trùng tường thành sắc thép của lòng tham cố hữu vốn có sẳn của con người.

Vợ tôi đã mất hai thập niên đi tìm tự do (theo một loại đạo), nay chừng như hơi chán và không nhiệt liệt như thuở ban đầu. Hình như tiền là một thứ xiềng xích vinh quang cụ thể. Đúng thế, tôi không có ý đối nghịch lại với loại xiềng xích chân chính nầy. Nó êm ái hấp dẫn thật. Nhưng phải trả giá cao. Băn khoăn là ở chỗ đó. Những ai có được nó mà không phải trả giá, hiếm lắm, nó chỉ dành riêng cho những tài năng đích thật, hoặc cho những kẻ siêng năng chân chính nhặt nhạnh. Ngoài ra chỉ là trộm cướp các kiểu. Đó là lẽ đời. Lẽ đời trật lất với lẽ đạo. Vì thế mà ý đời trở nên kỳ vĩ hơn chăng, chỉ dành riêng cho những ai muốn bước vào “khung cửa hẹp” (*)?

Ngẫm nghĩ, tôi nói với vợ: Có chi là lãng phí! Tôi đang bon chen và đấu tranh hiền hòa với rắn rít và côn trùng các loại. Đó là cả một thế giới phức tạp, đâu phải không cần vận công phu! Lại nữa, “của trời, trăng gió kho vô tận” thật bình đẳng, nào có ai giành ai! Lãng phí là lấy của công mà chà đạp dưới chân mình. Tôi chỉ cho vợ nhìn hai cột trộn bêtông to đùng, cao 20 thước, màu vàng chóe, cách nơi tôi ở chưa tới 1.000 mét, đứng sừng sững, hiên ngang trên một vùng đất bỏ hoang có tường bao bọc, mặc cho trăng gió đã hơn mười năm nay. Nó thuộc công ty Sông Đà, nơi và lúc mà anh sếp thành phố vừa đi (bí thư Th) thuở còn làm kế toán trưởng. Ở đó rắn rít và các côn trùng cùng nhau chung sống. Có gì đâu là lãng phí!

Lá vàng lại rơi rơi. Tôi tiếp tục quét và đốt.

Tôi biết ở tít tận Ba Đình, cái nơi xa mã dập dìu, cũng đang vào mùa lá rụng, cả lá vàng và lá còn xanh. Và theo ông “Chủ Xị” tối cao, củi khô tươi gì cũng cháy cả. Vì lò đã nóng lên rồi.

Nghe, thì nghe vậy!

Lại có người mang nhãn quan yếm thế, cho rằng, không ai xoay trở được càn khôn.

Gió mưa là chuyện của “Giời”. Chừng một tháng nữa là sang mùa.

Một năm mới không có gì mới, sẽ đến như nó đã từng đến, và sẽ đi qua như nó từng đi.

Vị thiền sư bảo: Không phải làm gì, không cần suy nghĩ gì. Hãy cứ ngồi yên. Ngồi yên không vì mục đích nào cả. Ngươi là Phật sẽ thành!

Nghe cũng hay.

(*) Tác phẩm của André Gide.

Comments are closed.