Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 101): Thái Tuấn – Một mùa hè đã qua

Thái TuấnHọa sĩ Thái Tuấn dong dỏng cao, tiếng nói trầm và khô, ông vẽ tranh thiếu nữ đậm sắc quê hương, gợi lên hồn thơ, chất thơ, cùng nét thùy mị của phụ nữ Việt mà chừng như người mẫu là vợ ông. Thái Tuấn sống thanh đạm nhưng rất sòng phẳng. Ngày trưởng nữ của nhà phê bình Thụy Khuê vu quy, trong lúc đợi làm lễ nhà thờ, tôi với nhà phê bình Đặng Tiến và cố học giả Hán-Nôm Tạ Trọng Hiệp mời vợ chồng ông đi uống bia (ông uống cà phê, bà uống trà);  họa sĩ Thái Tuấn lấy 20 quan nhất định trả phần mình không cho ai trả, cử chỉ ấy, khiến tôi nhớ mãi. Ông không muốn nợ ai, vì gì, trong cuộc đời. Các tùy bút của Thái Tuấn đều thanh thoát, nhẹ nhàng. Ông còn viết nhiều bài về nghệ thuật, vẽ bìa, góp tranh minh họa cho các báo văn nghệ. Ông rất điềm đạm không khi nào to tiếng, dù ông nhận xét rất tinh tế. Nếu ngắm tranh Thái Tuấn, là đi vào màu lục êm đềm và an bình, thì “Một Mùa Hè Đã Qua” trên Văn số 53, tháng 11-1986, là cuộc giao cảm giữa họa sĩ và nhân vật. Một tự truyện.

[Trần Vũ]

Tiểu sử:

Thái Tuấn tên thật là Nguyễn Xuân Công,

sinh ngày 11-9-1918 tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, Hà Nội

trong một gia đình công chức khá giả.

Đồng tuế và đồng môn với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.

Anh có vào học trường Mỹ Nghệ Gia Định, và theo lớp dự bị tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, cùng khóa với Phan Tại, Đặng Thế Phong, khoảng 1938-1940, rồi bỏ dở.  Định cư tại Orléans, Pháp, sau 1975.

Những năm 2006, ông trở lại Sài Gòn sống cùng các con, tiếp tục sáng tác và đã có vài cuộc triển lãm tại Sài Gòn.

Triển lãm cuối cùng của lão hoạ sĩ Thái Tuấn được mang tên “Về Nguồn”, từ ngày 9 đến 21 tháng 12 -2006, tại Phòng tranh Tự Do đường Hồ Tùng Mậu Sài Gòn.

Hoạ sĩ Thái Tuấn đã từ trần lúc 13 giờ ngày 26-9-2007 tức ngày 16 tháng tám năm Đinh Hợi, tại SÀI GÒN, hưởng thọ 90 tuổi.

Tính theo thời gian và không gian, sáng tác của hoạ sĩ được chia làm 3 giai đoạn: Trước năm 1975 tại Sài Gòn;

sau năm 1975 ở nước ngoài và từ 2006 ở VN.

Sách đã xuất bản: Câu chuyện Hội họa, nxb Cảo Thơm, 1967, Sài Gòn.

nguồn: https://hoasivietnam.wordpress.com/tham-kh%E1%BA%A3o/thai-tuan/tieu-su-thai-tuan/

MỘT MÙA HÈ ĐÃ QUA

Đã bao lần tôi mơ ước trở về quê cũ; sự mơ ước có khi thoảng nhẹ như làn gió hè, đôi lúc dồn dập khẩn thiết như sóng gầm thác đổ đưa đẩy tôi vào một cơn mộng mị triền miên.
Một mùa hè nắng đẹp tôi trở lại căn nhà xưa, ở đấy mọi sự hình như còn nguyên vẹn. Trên lối cũ rặng soan đào vẫn xanh tốt, mùi hương cau thoảng nhẹ đâu đó. Lũ chim sâu thấp thoáng trên cành đào cành mận và giàn hoa thiên lý còn rợp bóng trước sân. Bụi tre hàng chuối vẫn đó, vẫn còn đó hòn đá  cũ trơ vơ bên bờ giếng mà mẹ tôi thường đến giặt giũ.
Tôi dừng chân nhìn lại cảnh trí. Vườn sau ngõ trước bốn bề vắng ngắt. Tôi cất tiếng gọi to, âm thanh tan loãng chỉ có tiếng gió rì rào đáp lại. Sự vắng lặng của buổi trưa hè thật khó chịu, tôi đang nghĩ như vậy, thì một bóng người từ phía sau nhà đi ra tiến về chỗ tôi đứng. Đó là một người trẻ tuổi, khi tới gần tôi hắn dừng lại, đăm đăm nhìn tôi như dò hỏi. Tôi khẽ chào và chợt nhận thấy khuôn mặt hắn  rất quen thuộc, cố khơi đào trí nhớ, vẫn không nhận ra hắn là ai. Thấy tôi nhìn chăm chú hắn hỏi: “Ông tìm ai?” Tôi nói: “Tôi từ nơi xa tới về thăm lại căn nhà cũ”. Hắn thoáng vẻ ngạc nhiên rồi cười đáp: “Có thể ông đã lạc lối rồi, căn nhà này họ hàng tôi đã ở từ lâu, truyền nhau đến mấy đời. Nhưng thôi, ông đã từ xa đến xin mời ông vào nghỉ chân và uống với tôi một ấm trà”.
Tôi bàng hoàng kinh ngạc lặng yên giây lâu. Và sự tò mò đã lấn át tất cả. Tôi lặng lẽ nhận lời theo chân hắn. Mỗi bước chân đi từng kỷ niệm khơi dậy, căn nhà ngói năm gian với những bậc tam cấp xây bằng đá xanh hiện ra sau giàn hoa lý. Cây hoa giấy che rợp hành lang bao quanh nhà, nơi hành lang đó gia đình tôi quây quần trong bữa ăn trưa vào những ngày hè. Nơi chốn này làm sao tôi có thể lầm lẫn được.
Tôi theo hắn vào gian nhà giữa, hắn chỉ chiếc tràng kỷ mời: “Ông ngồi chơi tôi xin phép đi pha một ấm trà”. Khi bóng hắn khuất sau bức mành trúc tôi đưa mắt nhìn căn phòng. Những bức câu đối thếp vàng, hàng chữ nho còn sáng chói. Chồng sách cũ của ông nội tôi vẫn đặt ngay ngắn trên bộ án thư, cạnh đó là cặp kính trắng và chiếc đồng hồ quả quít của cha tôi. Tôi bước lại gần nhìn kỹ thì chiếc đồng hồ đã ngừng chạy, đôi kim chập lại ở con số mười hai. Trên vách tường treo bức tranh sơn dầu, cô gái trong tranh mặc chiếc áo dài màu vàng nhạt trên tay cầm cái quạt giấy. Cô ta như một cái bóng chìm lẫn vào nền xanh của bức họa, tôi chú ý nhìn khuôn mặt, đôi mắt cô ta thật đen tạo nên một cái nhìn lạ lùng. Tôi chợt nhớ lại một khuôn mặt quen thuộc.
Có tiếng động ở phía sau bức mành, hắn trở ra bưng một cái khay, trên khay bộ đồ trà. Hắn đặt nhẹ nhàng lên bàn rồi ngồi xuống đối diện tôi. Mùi hương sen tỏa lên từ ấm trà. Tôi nhìn hắn hỏi: “Hình như ở sau nhà có một cái hồ nhỏ trồng loại sen bạch?”. Nét mặt hắn thoáng hơi cau lại, hắn không trả lời, hỏi lại tôi: “Làm sao ông biết được?”. Tôi mĩm cười và nói thật nhanh: “Tôi, đoán vậy vì ấm trà sen này”. Câu nói của tôi hình như rơi vào một khoảng trống, tôi ngước nhìn, hắn ngồi yên lặng không để ý đến câu trả lời của tôi, một lúc lâu hắn nói: “Ông từ nơi xa về, hẳn có điều gì muốn hỏi thêm?” Và không đợi trả lời, hắn tiếp: “Tôi ở nơi đây đã khá lâu, đã quen với cảnh trí này, thời khắc đối với tôi không còn nữa, ông nhìn xem chiếc đồng hồ trên bàn kia đã ngừng lại. Cái quá khứ thì lờ mờ cái tương lai thì luôn luôn ở phía trước; một khoảng cách. Có lẽ ông nghĩ rằng cái quá khứ là cái mình nắm được, là cái cụ thể hơn cả vì nó đã có. Nhưng tôi xin phép để hỏi ông, ông muốn biết về cái quá khứ nào? Cái quá khứ của chính ông hay cái quá khứ của quê hương này? Cái quá khứ của ông thì quá ngắn ngủi, còn của quê hương thì dài dằng dặc. Ngồi ở một nơi xa xôi, ông cảm thấy ông thương mến quê hương hơn. Hơn có nghĩa là trước kia ông yêu mến chưa đủ, chưa đến nơi đến chốn và bởi vì ông đã không nhìn cho đúng, đã không sống một cuộc sống đích thực. Vả chăng cái tình yêu mến quê hương ấy, đúng hơn chỉ là sự thương cảm cho thân phận của chính mình”.
Lời nói của hắn thật ngạo mạn dù giọng nói dịu dàng. Tôi cố giữ bình tĩnh nói: “Thế nào là cuộc sống đích thực?”. Giọng hắn trở nên ôn tồn “Chắc hẳn ông đã từng nghe câu chuyện vị thiền sư chín năm ngồi nhìn bức vách đá. Ông ta tìm cái gì và đã thấy gì? Sự khôn ngoan của trí tuệ và sự chính xác của giác quan, chằng qua cũng nằm trong vòng giới hạn của cuộc sống và đời sống con người. Vượt ra ngoài giới hạn đó, không thể nói lên bằng lời. Vì lời vẫn là, vẫn thuộc giới hạn của trí tuệ”.
Tôi vô cùng bàng hoàng vì những lời hắn nói, sự suy nghĩ của tôi bỗng ngừng dứt, mọi cảm giác hầu như tê liệt…
Một luồng ánh sáng làm tôi cảm thấy khó chịu, tôi mở mắt nhìn ánh nắng chiều qua kẻ lá soi thẳng chỗ tôi ngồi. Buổi chiều hè lấp lánh trên con sông Loire, tiếng cười nói xôn xao, tiếng xe chạy dọc theo con đường bờ sông. Bức tranh còn dang dở trên giá vẽ, lũ chim sẻ mở hội trên thảm cỏ. Bỗng có tiếng nói dịu dàng từ phía sau lưng: “C’est magnifique!”. Tôi từ từ quay nhìn, một cô gái tóc vàng đang mãi mê nhìn bức họa, thấy tôi quay lại, cô ta mĩm cười xin lỗi. Tiếng Pháp của cô bằng một giọng ngoại quốc, nghe thực êm ái, duyên dáng.
Thấy cô đứng yên, tôi mời cô ngồi, cô ta nỏi cảm ơn, và ngồi xuống cạnh tôi. Gió từ phía sông thổi lên nhẹ nhàng làm rung động những sợi tóc trên khuôn mặt trẻ trung, song một vài nếp nhăn nhỏ và cái nhìn, tôi đoán không ra tuổi. Cô ta nhìn ra xa nói: “Con sông ông vẽ thật giống con sông Vistule ở quê tôi”. Tôi cười đáp: “Đó là con sông Hồng ở quê tôi”. Cô ta bỗng phá lên cười: “Chao ôi! Con sông trước mặt thật là vô duyên”. Tôi bật cười theo. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những vụ hè, những thắng cảnh trên đất Pháp. Bỗng cô ta nhìn tôi hỏi: “Ông có thích Chopin không?”. Tôi đùa cô ta: “Chopin, hay nhạc của Chopin?”. Cô ta cười: “Rất tiếc ông ấy không còn nữa, ở Varsovie khi nhạc của ông bắt đầu được dạo lên, tất cả mọi người đều nín thở để nghe. Những âm thanh trong sáng, nhẹ nhàng bay bỗng trên bầu trời gợi cho chúng tôi muôn vàn hình ảnh của quê hương. Cái quê hương hằng có của chúng tôi, con sông Vistule và những bản nhạc của Chopin, tôi tin là sẽ hiện diện mãi trong đời sống chúng tôi”.
Buổi chiều hè nơi đây thực dài, quanh chúng tôi, vẫn tiếng cười nói lao xao, thiên hạ nhàn tản trong những bộ y phục rực rỡ, họ đi dọc theo mé sông, hoặc tụm năm tụm ba trò chuyện dưới bóng những cây sồi cây dẻ.

Một sự cô đơn êm ái xâm chiếm, bao vây tôi. Tôi vội ký tên dưới bức họa, gở xuống khỏi giá vẽ, và cầm đưa cho cô gái. “Cô cho phép tôi tặng cô con sông Vistule”. Cô ta vội đỡ lấy và nói: “Cám ơn ông, con sông Vistule và cả con sông Hồng nữa chứ”. Tôi cười đáp: “Không, chỉ một con sông thôi”. Tôi đứng lên định bắt tay từ biệt, cô ta lắc đầu và dang hai tay, tôi ôm cô ta hôn trên má và xách chiếc giá vẽ đi dọc theo bờ sông về phía chiếc cầu George V. Đèn trên cầu đã thắp sáng, tiếng nước chảy rì rào dưới chân cầu, xa xa những mái nhà những toà cao ốc nhấp nhô uốn lượn mờ mờ như bóng núi, in trên nền trời xẫm, tôi chợt nhớ lại cơn mộng mị, nhớ lại anh chàng trẻ tuổi đã chiếm ngụ căn nhà cũ của tôi, ngọn đèn đường in một cái bóng dài. Đích là vóc dáng hắn.
————–
Nguồn: VĂN, số 53, tháng 11-1986

Nguồn bản điện tử: http://nguyenthachgiang.blogspot.com/2018/05/mot-mua-he-qua.html

Comments are closed.