Không khói hoàng hôn (Tập II – kỳ 8)

Nguyễn Thị Kim Thoa

Đốm lửa nhỏ – Tịnh Minh

Qua nhóm Hướng Thiện, gia đình tôi ở Vỹ Dạ trở nên thân thiết với gia đình chị Tịnh Minh ở Nguyệt Biều, cách nhau gần mười cây số.

Chúng tôi gặp nhau vào những dịp đi hành thiện, gặp nhau trong những lần thăm viếng, những dịp kỵ giỗ, tết nhứt.

Chị Tịnh Minh lớn hơn tôi năm tuổi, ở với mẹ trong khu vườn rộng, xanh um cây trái.

Nhà vườn không có đàn ông nên hoang sơ vắng lặng. Lúc nào đến nhà tôi cũng nghe văng vẳng, nho nhỏ giọng hát nữ :

 “… Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Chồng ra lính biên cương
Ngồi may áo cho con, còn nhớ

Nhớ thương anh, oán thù loài tàn hung
Lúc xa nhau, mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh (*)

“Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh”… ra về tôi thầm hát và thấy lòng mình băng giá.

***

Cha chị Tịnh Minh đi kháng chiến từ 1946, 1954 tập kết ra miền Bắc. Hai mẹ con thui thủi như hai cái bóng nên ngôi nhà vườn ba gian hai chái và hai công trình phụ là nhà dưới và bếp vốn đã rộng càng có vẻ rộng hơn.

Chị Tịnh Minh xinh đẹp, hiền từ, đã lớn tuổi (khoảng 30 vào năm 1975) nhưng không chịu lấy chồng. Tôi hỏi, chị trả lời nhỏ nhẹ: “Không có duyên”. Có lần chị tâm sự:

“Mình sinh năm 1945, năm đó mạ mình hai mươi tuổi. Cha mình hơn mạ mình hai tuổi, tham gia cách mạng tháng Tám, đi kháng chiến 9 năm, năm 1954 đi tập kết.

Mình biết về cha qua lời kể của mạ và những tấm ảnh mạ cất giữ như là báu vật. Mình cũng biết về cha qua lời của ông bà nội. Ông bà nội có ba người con trai, cha mình út. Hai bác mình tham gia cách mạng từ 1940, thoát ly gia đình đi hoạt động tận đâu ngoài Thanh Hóa hay xa hơn nữa, sau Genève ở lại ngoài đó.

Cách mạng, kháng chiến đối với mạ và ông bà nội là con đường không thể không đi, là nghĩa vụ mà mọi người phải làm. Ông bà nội mình qua đời trong nhớ thương và niềm hãnh diện về ba người con trai đều đã ra đi theo tiếng gọi của non sông.

Mạ mình hai mươi tuổi, ở vậy nuôi con chờ chồng. Chờ chồng đối với mạ mình là đức hạnh, là niềm tin, là hy vọng đối với kháng chiến và cách mạng. Mình lớn lên cùng với niềm tin và hy vọng đó.

Tên mình: Tịnh Minh là do cha đặt. Tịnh Minh là đốm lửa nhỏ. Ông bà nội, mạ mình nhiều lần nhắc nhở mình là đốm lửa nhỏ của cha. Mình tối dạ, học hành không đến nơi đến chốn, xong tú tài 2 phải kiếm việc đi làm chia sẻ khó khăn cùng mẹ.

Đốm lửa cứ nhỏ dần, nhỏ dần, nhưng mình quyết không để nó tắt. Mình quyết giữ nó để chờ ngày cha và cách mạng về. Trong làng mình có đôi ba đứa bạn trai, có đứa ngắm nghé, có đứa thư từ hò hẹn, nhưng tất cả đều trôi qua vì mình vẫn cứ mãi ngóng cha.

***

Sau 1975, suốt hai năm liền, hai mẹ con chị Tịnh Minh quay quắt, không thấy cha về. Kháng chiền dần lui xa, chỉ có cách mạng về với bộ mặt hung bạo với lao động tập thể, với ngăn sông cấm chợ, với học tập cải tạo, với vượt biên và đói khổ trăm bề.

Năm 1977 chị Tịnh Minh và mẹ mới được tin cha và chồng đã chết trong kháng chiến, thi hài chôn ở nghĩa trang Trường Sơn. Chị Tịnh Minh và mẹ thuê người di dời hài cốt đem về chôn ở trong vườn.

Năm 1980 mẹ chị qua đời vào tuổi 62. Cũng trong năm này, người bác từ miền Bắc vào vỗ ngực là con trai trưởng có quyền hạn và trách nhiệm coi sóc bàn thờ, quản lý hương hỏa, đuổi chị ra khỏi khu vườn nhà – nơi chị mở mắt chào đời, lớn lên, cùng mẹ phụng dưỡng ông bà nội, tổ chức kị chạp, trùng tu nhà cửa, chăm sóc vườn tược, coi trong ngó ngoài suốt 40 năm. Nói là đuổi nhưng thật ra họ cho chị xuống ở chái bếp đầy ám khói… Không thể ở được chị đành ra đi.

***

Năm 1982, tôi gặp lại chị trong đám tang mẹ tôi ở Vỹ Dạ. Tôi nhìn chị ái ngại. Chị già đi trước tuổi, người ốm o, da xanh tái, tóc lốm đốm bạc. Chị tiếp tục tâm sự:

“…Sau khi bị ông bác đuổi, chị rời khu nhà vườn với bao nhiêu kỷ niệm. Bốn mươi năm trông chờ, mong ngóng: Cha thì còn lại nắm xương tàn, mẹ rồi cũng lìa xa, kháng chiến cách mạng chỉ là chuyện viễn mơ. Chính quyền Cộng sản và ông bác chẳng giống gì những điều mình nghe được từ mẹ và ông bà nội. Cũng may mình còn có Phật Pháp và các cháu nhỏ ở cô nhi viện Diệu Viên – nơi mình nương náu và làm mẹ của nhiều đứa con.”

Ôi, đốm lửa nhỏ, đốm lửa nhỏ! Trước mắt tôi chỉ còn lại niềm chua xót đắng cay.

Năm 2005 trước khi vào Nam định cư, tôi về Huế ghé thăm chị ở chùa Diệu Viên. Đốm lửa nhỏ bây giờ là đốm lửa từ bi ấm áp, dịu dàng, vô biên giữa những người già neo đơn, những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa.

Chị nắm tay tôi, lòng tôi dịu cơn đau, bầu trời quanh tôi bừng sáng.

(*) Lời bài hát Nhớ Người Ra Đi của Phạm Duy

Khám bệnh đầu năm

Sáng mùng bốn Tết, thức dậy muộn, đang chuẩn bị bữa ăn sáng, tôi nghe có tiếng gọi quen thuộc ngoài cổng. Tôi dẹp việc làm dang dở chạy ra. Người thanh niên láng giềng hỏi:

– Bà ơi, con vào được không? Tôi cười vui nói: Mời cháu vào, nhà tôi không kiêng cử. Người thanh niên vẫn đứng ở cổng nói tiếp: Con vội lắm không vào thăm Tết bà được. Con tới hỏi bà về chuyện trục trặc của đứa bé mới sinh 12 ngày của con, vợ con có thể bồng cháu tới nhờ bà khám được không?

– Vợ anh mới sinh, cháu mới 12 ngày tuổi, đi ra ngoài vào sáng sớm không tốt lắm, để bà qua nhà cháu. Tôi trả lời. Người thanh niên ái ngại nói:

– Như thế có làm phiền bà lắm không, đã nhờ bà khám còn bắt bà qua nhà.

– Không hề gì, tôi rất vui khi giúp xóm giềng công việc gì đó.

Tôi vào nhà chỉnh đốn y phục, đeo khẩu trang, lấy nón, lấy túi y cụ rồi theo người hàng xóm qua nhà anh ta.

Nhà người hàng xóm ở bên kia con kênh, lối đi hẹp giữa hai vườn mai, cái cầu khỉ hơi khó đi một chút, nhà anh nằm giữa vườn mai thứ ba, mai nở rộ, dịch bệnh không bán được. Gọi là nhà e không chính xác lắm. Thực tế là một cái chòi xập xệ mái lợp bằng mấy tấm tôn cũ réc, vách và cửa ra vào kết nối với nhau bằng những tấm liếp lá dừa nước. Người thanh niên kéo tấm liếp, tôi theo anh lách vào nhà, tấm liếp trở về vị trí cũ. Căn nhà kín mít được soi sáng bằng ngọn đèn led treo ở giữa. Tôi đề nghị anh chủ nhà “mở cửa”, tắt đèn. Người thanh niên kéo một tấm liếp, hai tấm liếp. Ánh sáng ban mai tràn vào. Tôi nhìn rõ bối cảnh bên trong: Một cái giường bằng gỗ cũ kỹ và một cái ghế bố. Sản phụ và cháu bé nằm trên giường. Thấy tôi vào, người phụ nữ trẻ ngồi dậy, vén tấm màng xanh ố vàng đôi chỗ, bồng con, bước xuống đất đến gần chỗ tôi đang đứng. Người thanh niên tập họp được hai cái ghế nhựa, một cho tôi và một cho vợ anh ta. Ngồi vào ghế chị vừa bế cháu vừa kể:

– Cháu sinh ra cân nặng được 2,6kg, con so mà chuyển dạ kéo dài nên con phải sinh mổ, cháu được nuôi trong lồng kính và bú sữa ngoài với giá 340.000 đồng một hộp. Chiều ba mươi con xin xuất viện, về nhà để cúng đầy tháng cho bé. Quê con theo tục cũ sinh trong năm phải cúng đầy tháng trước chiều 30 tết.

Tôi chưa kịp hỏi han gì. Mẹ bé nói tiếp: Từ chiều ba mươi con cố gắng cho cháu bú sữa mẹ như lời bác sĩ dặn, cháu không chịu bú. Con phải nuôi bằng sữa bột nhưng cháu bú ngày càng ít đi. Con rất lo, nhưng chờ qua ba ngày tết chồng con mới dám qua nhờ bà.

Rửa tay bằng nước sát khuẩn đem theo, chờ tay ráo, nhìn quanh gian nhà tôi thấy ngoài chiếc giường gỗ cũ ra còn có cái tủ ăn bằng gỗ xập xệ kê trên bốn cái chén sứt mẻ đựng nước để tránh kiến, cái bàn con thấp ghép bởi mấy tấm ván thô, cái võng dây thừng mắc chéo gần khung cửa đi ra ngoài chái bếp, tất cả đều đen điu. Lon sữa Premium Gold xanh sáng đặt trên chiếc bàn chỏng chơ với cái bình thủy Rạng Đông rét rỉ, một bình bú với cái nấm vú cao su được đậy bằng cái nắp nhựa, hai cái ly nhựa vàng ố có quai. Nhìn qua khoảng trống thông với bên ngoài, tôi thấy một bà cụ nông thôn đang rửa chén bát dưới gốc cây. Người thanh niên chủ nhà giới thiệu: Đó là bà ngoại cháu, từ Kiên Giang lên chăm con gái sinh.

Tay khô, tôi thận trọng khám:

Tôi sờ mỏ ác (thóp trước), xem từng thớ thịt ở cổ, thấy có vài nốt hăm đỏ, khám chân tay, nghe tim phổi, khám rốn và bụng, kiểm tra tai mũi họng… sau khi hỏi kỹ về tiền sử mẹ con… Tôi tạm yên lòng vì không thấy có triệu chứng nào gây nguy hiểm. Có thể biếng bú là vì cháu bé đã quen với mùi vị của sữa Premium.

Quan sát thấy bà mẹ trẻ vụng về trong thao tác cho con bú, tôi ngồi lại gần nửa giờ hướng dẫn chị ấy cách vệ sinh bầu vú, làm thế nào để cho bé ngậm trọn nấm vú, hai ngón tay kẹp bầu sữa ra sao…

Ra về tôi không quên để lại số điện thoại và căn dặn có thể gọi bất cứ khi nào thấy cần.

Cúi đầu bước qua khoảng trống, tôi chào bà ngoại cháu bé, bà đang gom một ít lá tràm hoa vàng. Bà châm lửa đốt, bỏ vào đống lửa đang cháy một nạm muối hột, lá khô và muối cháy nổ lốp đốp, bà nói với tôi:

– Bác sĩ bước qua về chín bận khử phong long rồi về. Cháu nó sinh chưa đầy tháng, bác sĩ chịu khó xông lá thơm đầu năm để tránh xui xẻo trong năm.

Tôi không bước qua đám lửa mà ngồi xuống ụ đất cạnh nhà. Khói lá tràm khô làm tôi dễ chịu, bà lão vẫn tiếp tục gom lá, và trong khói thơm tôi trở về vườn xưa nghe tiếng trảy lá mai lách tách của cha tôi, thấy mẹ tôi quét lá trong vườn, thoang thoảng đâu đây mùi lá thông trên đồi Từ Hiếu ngày đầu năm đi lễ chùa hái lộc…

                                  ***

Mười ngày sau tôi trở lại thăm cháu bé trong một lần đi dạo quanh xóm.  Đứa bé bú tốt, sữa mẹ cũng khá nhiều.

Nhìn đứa bé hồng hào trong tay mẹ, tôi rạo rực niềm vui.

Ngồi khám bệnh cho bé, trò chuyện với người mẹ, tôi nhận ra mình yêu cuộc đời này hơn. Tôi thấy gần gũi với con người hơn. Mùi sữa thơm, mùi dầu chổi hăng hăng khó chịu, nhưng rất dễ cảm thông..

Đưa bàn tay sờ xem thóp trước cháu bé có phồng không, tôi thấy bàn tay mình trở nên “thần thánh”. Tôi nhớ có lần học năm thứ ba trường Y, có một vị bác sĩ đàn anh hướng dẫn tôi khám gan, tôi đã vui sướng biết bao khi sờ được bờ gan mấp mé dưới bờ sườn phải. Vị bác sĩ đàn anh bảo tôi: “Xác định được bờ gan là bàn tay em trở nên thần thánh. Người thầy thuốc hãy để bàn tay mình trở nên thần thánh khi chạm vào thân thể người bệnh, như thế sẽ thấy đời vui hơn và đáng sống hơn”.

Tôi nghĩ đến các bạn đồng nghiệp ở bệnh viện Đà Nẵng đã tổ chức và gây dựng được một ngân hàng sữa mẹ. Nếu bệnh viện ở đây làm được như thế thì cháu bé sẽ có sữa mẹ ngay từ đầu, người mẹ nghèo khổ này không phải mất tiền, cháu bé lại có những giọt sữa mẹ cho giây phút đầu đời. Cám ơn các bạn tôi.

Tôi nghĩ đến tình trạng phổ biến ở các bệnh viện tôi đi qua sau khi nghỉ hưu: Các bác sĩ quá lệ thuộc vào các xét nghiệm cận lâm sàng. Có một lần tại bàn khám, vị bác sĩ hỏi tôi bà đau gì, tôi bảo tôi ho kéo dài, không khám gì cả, vị bác sĩ viết giấy đi chụp phim phổi (XQ lồng ngực). Một lần khác tôi khám bệnh do đau quặn thắt vùng bụng trái, bác sĩ phán ngay: đi siêu âm bụng tổng quát…

Đành rằng ngày nay các phương tiện cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, đã giúp cho các bác sĩ tiếp cận chẩn đoán tốt hơn, nhưng thăm khám kỹ lưỡng sẽ giúp ta chọn lựa được xét nghiệm cần thiết, tránh dàn trải các xét nghiệm không cần thiết, vừa tốn tiền, đôi khi gây tai biến, và phải biết rằng không phải trăm phần trăm các bác sĩ cận lâm sàng đọc đúng, làm đúng. Vì thế đối chiếu triệu chứng lâm sàng và kết quả xét nghiệm không bao giờ là thừa. Mặc khác thăm khám kỹ ta sẽ thấy gần gũi với bệnh nhân hơn, cảm nhận cuộc sống nhân văn hơn, đời sống sẽ phong phú hơn.

Tôi còn nghĩ đến một vấn đề theo tôi là khá quan trọng đối với các bác sĩ ở nông thôn: Vấn đề y học cổ truyền. Trong vòng hơn mười năm trở lại đây, sống trong vùng đông dân nhập cư, lao động nghèo khó, tôi đã vận dụng không ít kiến thức y học cổ truyền để chữa bệnh. Trước đây tôi không đồng tình lắm với nhận định “Đông Tây y kết hợp”, nhưng bây giờ đôi lúc đứng trước tình thế bắt buộc tôi đã phải lựa chọn “Đông Tây y kết hợp” trong một vài trường hợp đơn giản mà tôi đã có chẩn đoán xác định, loại trừ các bệnh ngoại khoa hay nhiễm trùng.

Ngày khám bệnh đầu năm của tôi với khói lá thơm, với tấm lòng đôn hậu của bà mẹ quê chơn chất, với mùi sữa mẹ, và với nhiều niềm vui …

Trường Đồng Khánh

               và buổi học văn đầu tiên

Rời trường tiểu học Thế Dạ, tôi vào trường Đồng Khánh.

Cảm nhận đầu tiên khi trở thành nữ sinh Đồng Khánh là tôi rất vui mừng và hãnh diện. Vui mừng và hãnh diện vì thấy mình đã lớn, đã là học sinh đệ thất của bậc trung học, lại là lớp đệ thất của một trường nữ trung học công lập danh giá nhất của thành phố Huế lúc bấy giờ (1962). Nhưng niềm vui và hãnh diện của tôi không trọn vẹn. Cái tên Đồng Khánh đặt trên cổng trường, viết trên nhãn vở đã khiến tôi buồn rầu và thắc mắc. Một ông vua do Tây lựa chọn và đặt để làm bù nhìn sao lại là tên trường của tôi? Ở trường tiểu học Thế Dạ, cô giáo Liên ở lớp nhì rồi cô Tuyết Ba ở lớp nhất đã nói cho chúng tôi biết rằng Đồng Khánh khi lên ngôi phải qua tòa Khâm sứ phục mạng và suốt bốn năm làm “giả vương” ông đã làm nhiều điều tồi tệ theo lệnh của Tây, một trong những việc tồi tệ nhất là ra Quảng Trị chiêu dụ nghĩa quân Cần Vương ra hàng.

Chuyện giả vương và tên trường “Đồng Khánh” theo tôi suốt không chỉ bảy năm trung học. Năm lên đệ tam (lớp mười bây giờ) phản ứng của tôi là đã viết tên Huyền Trân Công Chúa lên nhãn vở (thay vì viết hai chữ Đồng Khánh như những năm trước). Đa phần các thầy cô không để ý, nhưng hành động “phản chứng” của tôi không “qua mắt” hai thầy Hồ Hữu Hạnh (dạy anh văn hiện đang ở Mỹ) và thầy Hồ Duy Định (dạy Địa Lý – nay tôi không biết ở đâu). Thầy Hồ Hữu Hạnh tính khí nóng nảy, mỗi lần gọi học sinh lên trả bài, nếu không bằng lòng gì đó sẽ đôi vở qua cửa sổ. Một hôm sau khi trả bài xong, tôi cảm thấy hoảng sợ vì thầy Hạnh đã nhìn rất lâu vào cái nhãn vở mà tôi đã viết tên trường: Huyền Trân công chúa. Thầy hết nhìn nhãn vở, lại nhìn vào mắt tôi thật sâu, miệng hơi mỉm cười đầu hơi gật gật. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì thầy đã không đôi vở tôi qua cửa sổ.

Tôi cũng có một ký ức thật đẹp về thầy Hồ Duy Định cũng trong một trường hợp tương tự. Sau khi hỏi bài, xếp vở lại, thầy nhìn nhãn vở của tôi, mắt đăm chiêu nhưng có vẻ vui, thầy nói: “thôi trò về chỗ”. “Thôi trò về chỗ”, một câu nói đơn giản, tôi đã nghe nhiều lần, nhưng lần này, tôi nhận được từ thầy Hồ Duy Định một sự biểu đồng tình, một chia sẻ kín đáo.

Trường Đồng Khánh là một tổ hợp kiến trúc gồm nhiều khối nhà và công trình lớn nhỏ, chính – phụ nằm trên một mặt bằng mà bốn phía đều là đường. Mặt tiền trông ra đường Lê Lợi, nhìn qua công viên, sông Hương như một dải lụa màu kim tuyến vàng óng ánh trong nắng chiều, màu khói lam trong sương sớm. Cổng sau của trường mở ra đường Ngô Quyền và hai cổng bên, một mở ra con đường nhỏ nằm cạnh trường Quốc Học và một mở ra con đường nhỏ khác nằm cạnh tòa hành chánh tỉnh ở phía trước và nhà lao Thừa Phủ ở phía sau.

Trên đại thể Đồng Khánh và Quốc Học có cùng một mô hình kiến trúc. Cũng tường bao quanh màu hồng tía, cũng cổng có mái che nằm giữa bức tường trông ra đường Lê Lợi, cổng này gồm có cửa chính và hai cửa phụ. Cửa chính chỉ mở khi có lễ lạc và khách quan trọng. Hai cửa phụ nằm hai bên dùng làm lối đi cho thầy cô giáo, nhân viên văn phòng, phụ huynh và khách liên hệ công việc hàng ngày. Học sinh ra vào hai cổng bên. Cũng hai khối nhà hai tầng đối diện nhìn ra hoa viên với cây cao bóng mát, trụ cờ, nhà chơi. Cũng villa dành cho hiệu trưởng, giám học và khu hành chánh nằm hai bên cổng vào. Cũng sân vận động chiếm một phần ba mặt bằng tổng thể có cổng mở ra đường Ngô Quyền. Có lẽ bản vẽ của hai trường trung học nổi tiếng này là tác phẩm của cùng một kiến trúc sư. Mặc dù có sự giống nhau về vị trí, mô hình, mặt bằng, tổng thể… nhưng mới nhìn qua bất cứ ai cũng có thể nhận ra bên này là trường nữ bởi cái dáng vẻ nhẹ nhàng, thanh mảnh, duyên dáng của nó và bên kia là trường nam bởi cái hình thế cứng cáp, khỏe mạnh của nó. Chỉ với những đường nét thêm bớt, điểm tô bên ngoài, người kiến trúc sư đã tạo tác nên sự khác biệt khí chất bên trong.

Tôi không rõ trường Đồng Khánh được xây dựng chính xác năm nào, tôi áng chừng vào khoảng mấy năm cuối thập niên thứ nhất hay thứ hai gì đó của thế kỷ trước, bởi do tình cờ tôi đọc được một bài báo nói rằng năm 1924 học sinh Đồng Khánh đã gởi kiến nghị cho toàn quyền Đông Dương đòi trả tự do cho cụ Phan Bội Châu, nhà ái quốc vĩ đại, lãnh tụ phong trào Đông Du.

Một trăm năm trước chính quyền thực dân xây cho dân thuộc địa những ngôi trường như trường Đồng Khánh đến nay vẫn còn sử dụng được là một vấn đề người làm chủ đất nước chúng ta hôm nay nên nhìn lại tất cả các công trình xây dựng từ trường học, đến đường sá, cầu cống, dinh thự… do mình mới làm ra chẳng được bao lâu đã xập xệ xuống cấp.

Mở đầu niên học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) của tôi tại trường Đồng Khánh là hai giờ Việt văn của cô giáo Ngô Thị Vinh. Bài giảng đầu tiên của cô giáo Vinh là bài: “Ngày tựu trường” trích trong tác phẩm Quê Mẹ của Thanh Tịnh. Trước hết, cô giáo Vinh đọc toàn văn của bài trích giảng; cô đọc rõ, chậm, lên bổng xuống trầm rất diễn cảm: “Hằng năm cứ vào cuối thu…”

Chúng tôi chú tâm thích thú cùng cô Vinh tìm hiểu cái hay, cái đẹp của bài văn theo trình tự của bài giảng văn mà một cô giáo có trình độ sư phạm cao, có năng khiếu trong công tác giảng dạy, có lương tâm chức nghiệp có được. Tôi không có ý định tường thuật đầy đủ hai giờ Việt văn đầu tiên của chương trình trung học tại trường Đồng Khánh khiến chúng tôi nhớ đời, khiến cá nhân tôi trở nên thích thú tiếng Việt và môn Việt văn nhiều hơn mặc dù sau này lên cấp học chuyên ban và đại học tôi chọn một chuyên ngành khác để định nghiệp cho mình. Mấy dòng sau đây tôi ghi lại phần cuối của hai giờ Việt văn đã làm cho cô giáo Vinh trở thành một mẫu mực, một nhân tố quan trọng góp phần un đúc tâm hồn tôi. Dường như cô giáo Vinh sợ chúng tôi vì quá ngưỡng mộ văn chương của Thanh Tịnh mà nhập vai cậu bé làng Mỹ Lý – nhân vật chính trong đoạn văn trích từ Quê Mẹ, cho nên phần cuối bài giảng, cô dành để giới thiệu cho chúng tôi một nhân vật khác trong một đoạn trích khác lấy từ cuốn Le Livre de mon ami của Anatole France. Đó là cậu bé người Pháp, vai mang cặp, đầu đội mũ ca lô lệch, chân nhảy sáo, tự tín một mình trong vườn hoa Lục Xâm Bảo bên cạnh những pho tượng trắng dưới những ngọn lá vàng rơi trên đường đi đến trường. Sau khi đọc xong đoạn văn, giới thiệu qua tác phẩm, tác giả, cô hỏi chúng tôi:

–“ Các em nhận định thế nào về hình ảnh và tính chất của hai cậu bé trong hai đoạn văn trên?”

Nghe vừa xong câu hỏi, người tôi rân rân, tai ù và bắt đầu nóng. Tôi không còn biết chung quanh tôi các bạn phản ứng thế nào trước câu hỏi của cô giáo. Một trạng thái tâm lý mà càng lớn lên tôi càng nhận rõ là tôi xấu hổ, xấu hổ rất nhiều. Tôi nhớ lại năm năm trước cũng bằng tuổi cậu bé làng Mỹ Lý và cậu bé người Pháp trong vườn Lục Xâm Bảo, tôi đã đi đến lớp học vỡ lòng của cô giáo Lan ở thôn Vỹ Dạ trên vai ông cậu Mới (người làm vườn, là cậu của ba tôi). Không những ông cậu Mới chỉ cõng tôi một lần trong buổi học đầu tiên, mà ông đã cõng tôi đi về suốt sáu tháng của lớp vỡ lòng. Tôi đã hãnh diện và sung sướng được ngồi trên vai ông cậu Mới nhìn xuống đám bạn bè lúc thúc đi trên đường xóm. Ba me tôi tỏ ra yên lòng khi tôi được đưa đón chu đáo. Sự hổ thẹn và bất mãn với chính mình càng lúc càng tăng khi tôi so sánh cậu bé làng Mỹ Lý với cậu bé người Pháp của Anatole France, cuối cùng tôi so sánh tôi với cả hai. Tôi đã không trả lời cô giáo, không nhìn bạn bè chung quanh cho đến cuối giờ Việt Văn. Nhưng rồi tuổi trẻ hồn nhiên đã khiến tôi chóng quên những xúc động đột xuất. Sự xấu hổ và bất mãn của tôi rồi cũng qua đi, nhưng nó không hề mất, nó chuyển hóa thành nỗi ưu tư, thành một vấn đề ám ảnh mà càng lớn lên cùng với sự hiểu biết ngày được tích lũy thêm, cọng với những thông tin thu nhận ngày một nhiều hơn, tôi có đủ điều kiện để soi rọi tâm hồn mình. Bài học Việt văn đầu tiên với cô giáo Vinh tại lớp đệ thất trường Đồng Khánh trở thành chất liệu xúc tác cuộc giao tiếp (xung đột và hội nhập) văn hóa Đông – Tây diễn ra âm thầm nhưng không kém phần quyết liệt trong tâm hồn tôi. Cả cô giáo Vinh, cả Thanh Tịnh, cả Antole France đã cung cấp cho tôi những năng lượng tinh thần mà nếu không có họ tâm hồn tôi sẽ nghèo nàn thô thiển biết chừng nào. Giả định rằng những năm trên ghế nhà trường, một học sinh không có năng khiếu văn chương chữ nghĩa như tôi mà rủi ro gặp những “thầy cô giáo” chuyên cung cấp những giáo án tiền chế giống như những sản phẩm công nghiệp lỗi thời thì e rằng quảng đời còn lại của tôi chỉ được lớn lên có một nửa. Tôi sẽ bị bán thân bất toại về mặt trí tuệ và tâm hồn. Nhưng văn chương chữ nghĩa chưa phải là cốt lõi của vấn đề mà cô giáo Vinh muốn khơi gợi cho chúng tôi khi nêu ra câu hỏi. Câu hỏi của cô giáo Vinh đi từ lãnh vực văn chương qua lãnh vực khí chất, bản sắc của con người. Đây là câu hỏi lớn về dân tộc học và nhân loại học. Một cậu bé rồi sẽ là một người lớn, là thành viên của một dân tộc, một đất nước, một trình độ văn minh, một nền văn hóa. Một bên là Việt Nam – Đông. Một bên là Pháp – Tây.

Thành thật mà nói sự chấn động của tôi trong buổi học Việt văn đầu tiên với cô giáo Vinh tại trường Đồng Khánh chỉ mới là một phản ứng tâm lý của một thiếu nữ 11 tuổi cảm thấy mình lố bịch so với một thiếu niên cùng trang lứa tận bên trời Tây. Sự chấn động đó không nhất thiết xẩy ra nơi các bạn cùng lớp do bởi họ không có kinh nghiệm đặc biệt của bản thân tôi: đeo trên lưng một ông già suốt sáu tháng của lớp vỡ lòng. Cô giáo Vinh chắc chắn cũng không hề hay biết về một cuộc tra vấn âm thầm nhưng mãnh liệt đang diễn ra trong tâm thức của một đứa học trò còi cọc ốm yếu là tôi. Càng lớn lên tôi càng nhận rõ hơn là cô giáo Vinh chỉ chờ đợi một biểu hiện chia sẻ chừng mực nào đó nơi đám học trò thơ dại khi cô bỏ lửng câu hỏi mà theo tôi cô đã lặp đi lặp lại trong mấy chục năm suốt cuộc đời của một người thầy lấy công việc khai mở tâm hồn cho những thế hệ xanh trẻ làm sự nghiệp vừa khiêm tốn vừa cao cả của mình.

Trao truyền kiến thức mới chỉ là trách nhiệm nghề nghiệp như tất cả các nghề nghiệp khác. Khai phá các tầng sâu, khơi gợi các năng lực tiềm ẩn trong tâm thức các thế hệ học trò mới là sứ mệnh đích thực của Thầy Cô.

Giờ học yêu thích

Thời học cấp hai, hồi đó gọi là trung học đệ nhất cấp, mỗi tuần chúng tôi có một giờ học nữ công, một giờ học vẽ, một giờ học nhạc, một buổi chiều học gia chánh, một buổi sáng học thể dục, một buổi sinh hoạt học đường có thể là buổi sáng hay buổi chiều. Các thầy cô của chúng tôi là bà Bửu Tiếp, cô Hoàng thi Kim Cúc, cô Quỳnh Chi, thầy Lê Như Khuê, thầy Lê Quang Nhạc, cô Tuyết, bà Dần.

Những đường may, đường thêu cơ bản: Đột sưa, đột dày, đường thụt lùi, đường xương cá, đường răng lược, đường chữ V đường chữ X, đường luông… đến các cách vá: vá góc vuông, vá lỗ tròn, vá đắp, vá chằn… Kết nút làm khuy… Các mũi đan len đơn giản như mũi lên mũi xuống, hạt gạo, hạt dâu đến những mũi phức tạp vồng khoai, mắc thơm, lông công… chúng tôi tẩn mẩn làm rồi khoe nhau xem ai làm đẹp hơn.

Lớn lên cùng đường kim múi chỉ thời Đồng Khánh, những bài học cơ bản của may vá thêu thùa đã giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống: Thời bao cấp khó khăn, áo con áo chồng đều phải tự may từ tiêu chuẩn hai mét vải mỗi năm. Cắt, vá, chằm, nối làm sao để cái cũ thành cái mới, cái lớn thành cái nhỏ, cái rẻo thừa thành áo gối, khăn lau… Khi tình cảnh khá hơn, may vá, thêu thùa, đan lát lại là thú giải trí, thư giãn. Còn gì thú bằng khi trời lạnh ngồi thu mình đan len, thêu áo và nghe nhạc.

Là người ưa thích thời trang, nhưng hoàn cảnh kinh tế eo hẹp, không cho phép mua sắm hàng hiệu hay may đo ở các tiệm, từ những kiến thức cơ bản thời trung học tôi tự tạo cho mình, cho em gái, và đôi người bạn những chiếc áo không giống ai. Cám ơn em gái tôi, cám ơn các bạn tôi đã tự tín khoát lên mình những chiếc áo không giống ai này.

Cái bếp của trường Đồng Khánh ngày ấy nằm ở tầng trệt dãy nhà ngang bên trái tính từ cổng trường đi vào, gần khu sân chơi nối hai dãy nhà tầng. Rộng khoảng chừng 25 – 30 m2 với bệ bếp lót gạch men trắng, bếp lò ngầm bên dưới đun bằng than củi. Dưới bệ bếp là tủ đựng soong, nồi, chảo và cả trách, nồi hông bằng đất. Đối diện với bệ bếp là bức tường trắng treo đầy những mủng, những sàng, những rổ, rá bằng tre một bên, bên còn lại treo những cái rây bột bằng lưới thép, những cái khuôn bánh bằng nhôm hay bằng gỗ… Góc phải đặt một cái cối giã và cái cối xay bột bằng đá. Góc trái kê cái tủ con để chén dĩa, đũa muỗng… Cái bếp của trường Đồng Khánh sáng và sạch hơn cái bếp nhà mẹ tôi rất nhiều.

Mỗi tuần chỉ một buổi ở đây với cô giáo Hoàng Thị Kim Cúc chúng tôi tập rang mè, rang đậu, làm kẹo, làm mứt, làm bánh… Kẹo mè, kẹo đậu phụng, mứt dừa, mứt bí, mứt gừng, bánh nhúng, bánh bông lan và nhiều thứ nữa chúng tôi đã học. Thực sự mà nói chỉ một vài lần rang mè, rang đậu, một vài lần làm mứt hay bánh gì đó không đủ để chúng tôi thành thục, nhưng đã làm chúng tôi yêu thích công việc bếp núc.

Về sau, mỗi lần vào bếp nêm nấu, chuẩn bị cơm nước cho chồng con, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ đến lời cô giáo gia chánh nghiêm nghị: Phải đặt cái nồi cho chính chắm, phải đun bếp lửa cho đều, phải sạch sẽ tươm tất… nhiều điều rất nhỏ cô đã căn dặn như thế… Nấu ăn bằng tất cả tấm lòng.

Giờ vẽ, cô Quỳnh Chi cầm tay đưa cây bút chì ngang mày, dạy chúng tôi cách lấy đường chân trời, cách phân bố cục bức tranh, cách pha màu, cách lấy ánh sáng… Những chiếc nón, chiếc mũ, bình hoa để trên bục giảng hay trên bàn giáo sư là những tĩnh vật đầu tiên chúng tôi nhìn rồi vẽ bằng bút chì. Tiếp theo vẽ bằng bột màu, bằng cu-lơ nước. Màu tím là màu được học pha đầu tiên.

Cô hướng dẫn pha màu xanh nước biển với màu hồng hay màu đỏ để có màu tím, đậm nhạt tùy theo tỉ lệ các màu, hoặc pha thêm màu trắng.  Đôi khi còn ít phút cuối giờ học cô hát cho chúng tôi nghe. Một lần ngoài của lớp, bầu trời từ màu lam chuyển sang màu tím nhạt lẫn ít mây hồng, ngồi bệt trên bục giảng cô đã hát: “Trên đường về nhớ đầy, chiều chậm buông trong ngày… Tiếng buồn vang trong mây, tiếng buồn vang trong mây”… Trong tôi vang mãi tiếng hát ngày nào.

Những năm dài trên đường đời, cái cầm tay chỉ đường chân trời của cô, cái màu tím non nớt pha khi còn thơ theo tôi đi mãi. Nhờ cô khi buồn tôi nghệch ngoặc những bức tranh không ra dáng, tôi mài miệt pha màu cho đỡ nhớ đỡ đau. Tôi đã biết thế nào là cái đẹp, cái sâu khi ngắm nghía, phân tích, thưởng thức những bức tranh của nhiều tác giả trong sách báo, trên internet, trong các galery hay tại các cuộc triển lãm. Cám ơn cô đã cho tôi thấy bầu trời cả hồng lẫn tím.

Bước vào lớp, năm dòng kẻ trên bảng đen với những nốt đô, rê, mi, pha, sol, la, si cùng với nốt thăng, nốt giáng… thầy Lê Quang Nhạc, thầy Lê Như Khuê đã đem đến cho bọn trẻ chúng tôi những giai điệu của cuộc sống. Năm dòng kẻ với cái khóa sol thật đẹp, các thầy bắt đầu đọc chính tả: đô, mi, la… Rồi với  những cái âm thoa dài ngắn các thầy gõ lên những âm tầng khác nhau để chúng tôi thính âm,  để chúng tôi nhận biết độ cao độ trầm  của các nốt nhạc, để chúng tôi nắm bắt “âm tầng thế giới”  và rồi mãi về sau này cái “âm tầng thế giới” đó nó râm ran trong tôi mỗi sáng thức giấc bởi tiếng chim ríu rít, mỗi trưa khó ngủ bởi tiếng ve gọi hè… Về sau với kỹ năng thính âm học được ngày nào, tôi thấy cả ánh trăng lan, làn gió thổi mỗi khi nghe: “Lá thu nhẹ rơi rơi, nắng thu vàng phai phai… Du du làn mây bay, hiu hiu làn gió lay… Hồi chuông lớp lớp trong nắng vàng, từng đợt sóng mờ xóa chìm trong sương lắng…”(*) hay cả tiếng rập rình điệu quân hành ca: “Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt…” (**). Hay nỗi buồn xa quê day dứt: “Chiều xa cố hương, lắng nghe niềm thương, Sao lòng vấn vương… Đồng quê xinh đã khuất xa dần… trầm ngâm bóng quê, lòng chim nhớ bình minh quay về”(***)

Các bạn còn nhớ giờ thể dục? Bọn chúng mình lười biếng trốn sau sân khấu của sân chơi trong nhà, Cô Tuyết với gọi “Mấy con yêu bánh nậm mô rồi”. Và rồi cái sân vận động sau trường bọn mình nhảy cao, nhảy xa, ném tạ, leo dây… có lúc chia nhau chơi u mọi, giật cờ…  Cũng có những đứa phá phách chạy nhảy lung tung cô lại gọi “Làm gì như Con ngựa Thượng Tứ rứa”.

Con Yêu Bánh Nậm, Con Ngựa Thượng Tứ, sao mà dễ thương thế thưa cô Tuyết kính yêu. Đến già tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc học rèn luyện thể lực, mới thấy câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” thì e cũng đã muộn rồi…

Giờ sinh hoạt học đường là giờ học chung với một hay hai lớp khác ở cùng liên lớp. Bà Dần phụ trách giờ học này. Chỉ một số bạn (thường là mười người) được phân công đi trực. Công việc của ngày trực hôm đó là đi bưng trà phục vụ thầy cô, đi đưa thông báo, thông tư đến các lớp, bấm chuông đổi giờ, đánh trống ra chơi… Các bạn không ở trong đội trực thì tập trung quanh bà Dần ở một góc sân trường học các trò chơi lớn, hoặc học thắt nút dây, cắm cọc, cắm lều, và đặc biệt học làm thủ công (bây giờ gọi là handmade) các con búp bê bằng vải, bằng len.

Những con búp bê khâu từ vải vụn giống hình bánh xe Michelin, những con búp bê mà sau này tôi đã làm để trang hoàng cây thông Nô en, để dỗ dành và tặng cho những bệnh nhi của mình, những con búp bê là đồ chơi của con tôi, những con búp bê ghi dấu một thời handmade…

Một giờ nhưng cả đời, một khoảnh khắc nhưng trăm năm. Cám ơn các thầy cô. Biết tìm đâu bây giờ!

(*) Tiếng chuông chiều thu – Tô Vũ

(**) Áo anh sứt chỉ đường tà – Thơ Hữu Loan – Nhạc Phạm Duy

(***) Xa quê – Lê Quang Nhạc

This entry was posted in Văn and tagged . Bookmark the permalink.