Truyện
Nguyễn Tuyết Lộc
Trong thời đại mà mọi thứ đều toàn cầu hóa như hiện nay, thì tình yêu không biên giới là chuyện bình thường. Ngàn năm trước, thời nô lệ phương Bắc, biết bao phụ nữ Việt bị buộc phải lấy chồng Tàu. Trăm năm Tây đô hộ, phụ nữ mình có người lấy chồng Tây, đến thời Nhật, Mỹ, Hàn cùng đồng minh vào đất nước ta, biết bao phụ nữ Việt lại kết hôn với Nhật, Mỹ, Hàn, rồi sau này cả Liên Xô, Đài Loan. Có người còn cập kè với các hảo hán Châu Phi, Trung Đông… Mỗi người một số phận, hên xui khó lường. Tuy vậy, nhìn chung phụ nữ Việt Nam đã theo sát trào lưu thế giới. Có lẽ chỗ khác biệt là ngày xưa làm vợ Tây có sự xuống giá dưới mắt đồng bào qua các danh xưng me Tây, me Mỹ, và xưa hơn nữa là ý mỉa mai Tiếc cho cây quế giữa rừng. Ngày nay việc lấy chồng Mỹ, Pháp hay Hàn Quốc, Đài Loan có âm hưởng lên đời, đổi đời. Nếu may mắn được lên đời thì đi xe hơi ở nhà lầu, chồng cưng chồng chiều, còn đổi đời thì khó đoán trước có khi không lên voi mà còn bị ngược đãi xuống chó, bị đánh đập hành hạ đến mức từ cõi dương sang cõi âm. Đó là chưa kể đâu đó ở các nhà chứa công khai ở nước ngoài (hoặc lén lút ở Việt Nam!) có các bạn gái Việt trần truồng bị nhốt trong cũi sắt, tủ kiếng để bọn đàn ông có tiền tha hồ chọn lựa, không khác gì thời buôn nô lệ. Giá như đó là tin đồn thất thiệt thì hay biết mấy…
Riêng những phụ nữ tôi được tiếp xúc chuyện trò sau đây, quả là những “Cô Bé Lọ Lem” thời đại “A Còng”, mà số phận của họ lạ lùng, vô lường, may mắn đến khó tin!
1.- Nhà tôi cách chái tranh em ở đi sâu vào ngõ hẻm bốn, năm trăm mét.
Em không có thân hình nảy lửa, sexy. Em gầy guộc, cao ngồng, ngực lép kẹp. Khuôn mặt chẳng có gì gợi cảm, hấp dẫn hơn: mắt ti hí, miệng rộng, môi mỏng. Tên em là Chanh, khoảng hai lăm tuổi. Gia đình Chanh nghèo. Thật nghèo. Cha mất sớm, mẹ lấy chồng khác.
Sau 75, không có nhà cửa, mẹ Chanh phải thuê chái tranh của người ta, cho có chỗ che nắng che mưa, sống tạm qua ngày. Hai chị em Chanh phụ mẹ bán xăng lậu ngoài đường suốt ngày đêm, cùng với tủ thuốc lá mà vốn liếng chỉ vài ba gói. Khách đi xe ngang ghé mua, thuốc hết đến đâu, lấy đến đó. Ông bố dượng chạy xe ôm chỉ đủ nuôi bản thân, không mong gì đỡ đần gia đình. Tối đến, ông ra đầu đường, tụ tập vài đồng nghiệp xe ôm, nhậu đế với cóc ổi, khi về đến nhà thường đã quá nửa đêm, người đi không vững, chân sau đá chân trước, xiêu qua vẹo lại. Đó là lúc hai chị em Chanh sợ hãi nhất, vì cũng là lúc mẹ em phải chịu những trận đòn bằng thoi đạp, hay bất cứ bằng vật gì trong tầm tay cha dượng. Những lúc như thế, hai chị em bỏ ra hiên ngồi ôm nhau khóc, hàng xóm không ai dám vào can ngăn. Mà miệng người đời cũng lắm chuyện, họ nói với hai chị em: “Nói má mày bỏ thằng cha đó đi, bám nó được gì mà bám cho khổ thân. Ăn không đủ no mặc không đủ ấm, lại còn đèo bòng thằng nát rượu. Bộ trên đời chỉ thằng chả có “bộ tam sự” thôi hả?”.
Hai chị em Chanh không có bạn trai, không người đưa đón như bao cô gái cùng tuổi, không cần phải giải thích.
Một ngày kia, Chanh đang đứng bán xăng, một ông da trắng trờ xe gắn máy tới đổ xăng. Chanh chạy vào xách can nhựa hai lít, ra dấu bằng tay cho biết số tiền phải trả. Tiền trao, cháo múc, có gì bận tâm. Vậy mà chẳng biết sao ông Tây trở lui hỏi nhà Chanh ở. Đêm sau, ông đến nữa, đứng nhìn Chanh và bà mẹ bán xăng, nói vài câu, cười vui vẻ. Chanh chẳng hiểu ất giáp gì, và cũng chẳng hiểu tại sao ông Tây trở lại, với mục đích chi. Đêm sau nữa, khi Chanh nghỉ bán qua nhà bạn chơi, ông vào tận chái nhà hỏi Chanh. Cha dượng và má Chanh vừa mừng vừa lo. Mừng vì đoán ông Tây để mắt tới con mình, nhưng lo vì gia cảnh nghèo khó, Chanh lại xấu xí, lo ông ta tính lợi dụng chuyện này chuyện kia. Vài ngày sau ông lại đến gặp Chanh, cho Chanh một số tiền và bảo em đi học tiếng Anh. Cha dượng và mẹ lúng ta lúng túng không biết giải quyết thế nào, chỉ bàn ra tán vào. Trong đám bạn bè Chanh có đứa tiếp xúc nhiều, từng trải chuyện đời, góp ý:
– Tao thấy ổng thương mày thật đó. Mày cứ nghe ổng đi học Anh văn, biết chữ nào, nói chữ đó. Nói cạp cạp, rồi dùng tay ra dấu ông cũng hiểu.
Một đứa khác chêm vào một ý không nhã nhặn lắm:
– Mày thì “trên răng dưới bướm” đâu có gì để mất mà lo.
Chanh trợn tròn đôi mắt ti hí:
– Trời đất! Mày muốn hại tao hả? Chữ Việt còn học chưa hết, trai Việt còn chê tao nghèo tao xấu, làm sao mấy ông Tây ưa tao được.
Miệng nói vậy chứ Chanh cũng có ý muốn đổi đời. Bắt đầu từ đó, hằng ngày cô vẫn giúp mẹ bán xăng, tối đến lại chịu khó đi học tiếng Anh ở Trung tâm ngoại ngữ.
Và ngày đó đã đến. Cái ngày mà cả nhà em cũng như hàng xóm láng giềng không bao giờ tin vào lỗ tai và con mắt mình: Ông Tây đến dạm hỏi Chanh, đi cạnh ông là năm người vừa Tây da trắng vừa Việt. Cô gái người Việt đi theo để thông dịch. Bốn tháng sau, một lễ cưới hoành tráng, đón dâu từ chái tranh lên đến khách sạn Caravelle. Bấy giờ Chanh mới hiểu Tây là một danh từ chung chỉ những người da trắng ở phương Tây, thật ra chồng Chanh là người Úc, qua Việt Nam làm việc.
Dạo đó tôi thường lên khách sạn New World tập thể dục, học bơi. Bấy giờ, Sài Gòn chưa xây dựng nhiều khách sạn năm sao. Tôi gặp lại Chanh tại phòng thay áo quần. Hơn mười năm chung sống, Chanh và người chồng nước ngoài có với nhau ba đứa con kháu khỉnh, chúng là bạn cùng lớp với ba đứa cháu tôi học ở trường Colette. Chanh xin tôi cho phép các con Chanh được qua hồ bơi nhà tôi để bơi cho gần. Và mỗi lần đưa con qua, em thường lân la kể chuyện gia đình.
– Con vừa mua nhà ở Lê Quang Định, gần Phan Đăng Lưu, đi xe hơi mười lăm phút là đến nhà cô rồi. Cái nhà này con đứng tên, vì “hắn” là người nước ngoài, không đứng tên được.
Hơn mười năm, từ cô bé lọ lem, Chanh trở thành phu nhân có chồng ngoại quốc giàu có, một chút lên xe, hai chút có người hầu kẻ hạ. Em không còn là con Chanh bán xăng như trước. Tất cả quay ngoắt 180 độ. Nay Mrs. Chanh đã biết trao đổi tiếng Anh với chồng nhanh như gió, tiếng bồi cũng chả sao, miễn chồng hiểu là được. Thời buổi này, ký hợp đồng, trao đổi mua bán, chỉ cần vốn ngữ vựng, không cần chia động từ cho thêm rắc rối. Chanh chọn nhà hàng sang trọng để ăn, bắt đầu dè bỉu: “Ngồi ăn ngoài đường bụi bặm, mất vệ sinh”, và chê luôn đàn ông Việt Nam: “Chồng Tây cái chi cũng trắng trẻo, hồng hào, lại lịch sự. Mấy cha Việt Nam đen thùi lùi, đã vậy lại ghen tuông, tủn mủn, thời buổi này mà còn xem cái màng trinh quý hơn vàng. Mấy chả đâu biết cái màng đó chỉ cần năm, mười triệu là bác sĩ thẩm mỹ vá lại. Làm gì đến ngàn vàng!”…
Thường sau khi bơi lội, tập thể dục, ăn sáng xong quý bà vào phòng tắm hơi để sauna, thay áo quần, và ở cho hết thời gian buổi sáng, rồi đi ăn trưa, rồi lại ngồi uống cà phê để chờ giờ đón chồng con. Nhưng không phải ai cũng phí phạm thời gian như thế. Có người thì dựa thế lực chồng, có người làm gái gọi, hay các cô trẻ đẹp nõn nà, học thức, ngoại ngữ nói rất chuẩn, vừa thay áo quần vừa điện thoại hẹn giờ ký hợp đồng mua bán hột xoàn, bất động sản, hay trao đổi hàng hóa, mỹ kim từ giữa biển khơi… Tôi còn gặp cả người có bằng tiến sĩ hẳn hoi. Chị tốt nghiệp ở Liên Xô, công việc đang làm là phụ trách một nguyệt san Anh -Việt. Chị cho biết, ở Liên Xô học là phụ, làm luận văn tốt nghiệp thì chuồi tiền cho người làm sẵn là xong, chủ yếu là đi buôn, chứ cái bằng đó làm sao kiếm tiền nuôi thân, đừng nói đến con cái. Chê thì chê vậy, nhưng về Việt Nam chị lại giàu lên là nhờ cái bằng “quái đản” đó. Chị mua manchette những tờ báo mà trên quầy báo không bao giờ bán, loại báo in chỉ để phát không. Cái cần mà chị làm bằng được, là lấy quảng cáo từ các công ty lớn, nhờ thế mà tiền nhuận bút trả rất khá.
Thế giới đàn bà trong căn phòng nhỏ bé này muôn màu muôn mặt. Họ ăn chơi cũng khủng mà kinh doanh buôn lậu cũng khủng không kém. Nhưng vào đây tất cả đều là đàn bà nên mọi người tha hồ nhồng nhộng. Người này ngắm người kia, nhiều khi thấy vú người bên cạnh lớn quá cỡ, chạy tới bóp bóp, nắn nắn, xem thử vú thật hay vú giả. Trước lạ sau quen. Ngoài xã hội, áo quần, son phấn, nữ trang, xe hơi nhà lầu có thể phân biệt cấp hạng, còn vào đây, thì ai cũng như ai…
Chanh cởi chiếc khăn tắm quấn quanh người, đứng soi gương, ngắm cơ thể trần truồng của mình một cách hài lòng. Hai xương háng nhô ra, phần kín nhất lõm vào, sinh ba con mà vú vẫn lép, theo tiêu chí xem vú chọn vợ thời ông cha ta thì có nước ở giá…
– Bữa nay con phải ghi tên tập Aerobic cho thân hình săn chắc cô ạ.
Vừa nói với tôi, Chanh vừa lấy tay kéo miếng da bụng:
– Thằng chồng con nói, có mỡ dư không tốt. Nó bảo phải ăn rau quả thật nhiều để không bị máu đóng cục, da đẹp. Ban đầu con tưởng hắn hà tiện, nhưng sau con đọc báo thấy hướng dẫn y như hắn nói nên con tin và từ đó ăn uống kiêng khem. Hắn thích thân hình con lắm. Hắn khen con giống người mẫu bên nước hắn. Lông nách lông chim phải cạo sạch để không mất thẩm mỹ và mất vệ sinh…
Giọng Bắc của một bà chị sồn sồn vang lên trong căn phòng nhỏ chật cả người:
– Nói nghe chả lọt lỗ tai chút nào. Đàn bà có lông nhiều là tướng tốt. Đàn bà không lông là mạt hạng, đó là tướng làm đĩ, ăn mày.
…………………………………………
Chỉ lông, tóc, vú, mắt, mũi thôi mà cũng xôn xao hết ngày này sang ngày khác. Chuyện xem ra thường tình của đàn bà, chứ nóng hổi, hấp dẫn không kém chuyện chính trị, chiến tranh ở Syrie, Iraq, Ả Rập của giới đàn ông.
Có hôm đến nhà tôi, vừa cho con xuống hồ bơi, Chanh kể lể:
– Cô ơi, con xem cô như mẹ nên con mới nói với cô. Hôm qua, vợ chồng con gây nhau một trận.
– Gây nhau? Về chuyện chi? Vợ chồng nói qua nói lại, đôi khi to tiếng là chuyện thường. .
Chanh bỗng trở nên giận dữ:
– Cô biết không, từ khi mua ngôi biệt thự đó, hắn bảo con không làm gì thì đi học tiếng Anh thêm, để vài năm nữa mấy đứa nhỏ sang Úc học đại học, con cũng phải qua bên đó, sẽ giao tiếp dễ dàng với gia đình hắn cũng như với người ngoài. Hắn còn bảo con phải chùi dọn nhà cửa, giặt giũ cho chồng con, đỡ nuôi người, tốn kém, vì bên đó không thể nuôi người như bên này. Con tức quá. Con như vầy mà chùi nhà cửa, cầu tiêu sao. Chẳng thà con ở với má con cực khổ làm chi con cũng làm, chứ mang tiếng lấy Mỹ lấy Tây giàu có mà phải làm như ôsin để bạn bè cười con à. Con , cầm chiếc giày cao gót chỉ vào mặt hắn: “Mày xem lại cái túi quần của mày đi. Mày đưa tao bao nhiêu tiền mỗi tháng mà bắt tao làm việc nhà. Tao là vợ mày chứ đâu phải ôsin của mày. Hơn hai mươi năm, mẹ tao, em tao vẫn ở cái chái tranh của người ta, có khác chi ngày mày chưa lấy tao? Mày ưa ly dị thì cứ làm giấy tờ đi, chia đôi của cải, tao ký liền”.
Chanh kể không kịp thở, y như đang gây với chồng vậy. Nghỉ lấy hơi, rồi nó hăng hái tiếp:
– Cô ơi, con phải “dạy” hắn một bài học, đến đâu thì đến.
– Ông ấy hiểu ý em nói không?
Cô hạ giọng, cười bẽn lẽn:
– Con nói cạp cạp cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt. Hắn hiểu hay không mặc kệ hắn, con không cần.
– Em đừng nghĩ thế, của chồng nhưng công vợ. Vì tính em chơn chất, giản dị, ông ấy mới yêu em, cưới hỏi em đàng hoàng. Ông làm ra tiền mua nhà cửa, nuôi con ăn học. Thằng John đậu vào trường đại học nổi tiếng của Úc, ông phải tốn kém rất nhiều để nó học ở đó. Rồi em nó, Jennifer cũng vào đại học. Tiền học, tiền ăn, tiền tiêu, tiền bay qua bay lại thăm con hay cho con du lịch với bạn bè… Lấy đâu ra? Tất cả cũng có phần đóng góp của em. Em đưa chúng đi học, đón chúng về, lo chúng ăn mặc, lúc đau ốm… Tưởng là việc nhỏ nhưng không em thì ai làm thay được? Còn cha mẹ, mình lo được chừng nào thì lo, sao bắt người ta phải lo? Em quên rồi hả? Hôm đưa bé út Jasmine sang giải phẫu xương sống bên Singapore, em đã kể daddy nó phải tốn 100 ngàn đôla để ghép ống inox thay xương sống cho bé. Tiền đâu có sẵn 100 ngàn đô?
Tôi nhìn Chanh và nghĩ: dù cô có lên xuống xe Limousine sang trọng, thì cốt cách của một bé Chanh bán xăng đã ăn sâu trong huyết quản. Nhưng lạ một điều, không vì cô Chanh với bản chất hoang dã, ăn nói hỗn ẩu đó mà ông chồng nước ngoài này ruồng bỏ em, ngược lại, ông vẫn thương yêu và chăm lo gia đình như một người đàn ông mẫu mực. Chắc bạn đọc cũng như tôi, chỉ biết mừng cho số phận cô bé bán xăng trên vỉa hè Sài Gòn ngày nào.
***
2. Bước chân vào nhà hàng Park Hyatt, đến bàn ăn ngoài trời mà gia đình chúng tôi đang ngồi đợi, là một luật sư người Mỹ, có văn phòng đặt tại Sài Gòn. Khoảng bốn mươi tuổi, mắt xanh trong veo như mắt mèo, tóc hoe vàng dợn sóng, Will giống ngôi sao màn bạc Hollywood trong những phim tình cảm lãng mạn. Will thường đến nhà chúng tôi dùng cơm vào tối thứ Bảy, các cháu tôi thường gọi “Uncle Will”.
Đi cùng cậu Will hôm nay là một cô gái trẻ, xinh đẹp. Con tôi nghiêng người nói nhỏ:
– Cô ấy là ngôi sao nhạc rock ở Hồng Kông đó me.
Tôi kín đáo nhìn cô. Một cô gái Hồng Kông, một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng, thoạt nhìn lại rất đơn giản, tóc cắt ngắn phía sau, hai mái trước dài nhọn, ôm lấy khuôn mặt trái xoan, trắng, trang điểm nhẹ. Cô mặc chiếc đầm voan đen, bên trong lót màu vàng úa, không đeo thứ trang sức nào trên người ngoại trừ chiếc nhẫn kim cương làm theo kiểu nhẫn đính hôn đeo ở ngón tay áp út. Ở cô toát ra nét sang trọng, quý phái từ dáng đi cho đến cái bắt tay, ánh mắt thông minh biết cười. Cô khoảng hai mươi mấy, đẹp, có sức hấp dẫn, người chung quanh cứ thích ngắm hoài, không chán. Will giới thiệu đây là girlfriend của Will ba năm rồi. Vì hai người còn phải lo cho sự nghiệp riêng nên hai năm nữa mới cưới nhau.
Bẵng đi một thời gian dài tôi mới nhận được điện thoại của Will. Cậu ta mời xuống An Phú ăn mừng nhà mới. Khi chú bảo vệ mở cửa, ngồi từ trên xe hơi dừng ở cổng biệt thự tôi đã thấy khách đứng đông quanh hồ bơi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi tự nhủ:
– Chà, mấy năm nay chẳng gặp lại Will, chắc cậu muốn giới thiệu nhà mới và vợ đẹp, ca sĩ Hồng Kông dạo nọ cùng lúc.
Gần nửa tiệc, tôi đưa mắt nhìn quanh, xem thử cô gái nào quấn quít cạnh Will không, nhưng chỉ thấy Will cầm ly rượu đi vòng vòng bắt tay bạn bè, chào hỏi, nói chuyện vui vẻ. Gần tàn tiệc, Will vào trong bồng em bé, một cô gái cùng theo ra chào, cám ơn mọi người.
– Trời! Coi kìa, hôm nay con Yến hóa thành tiên nữ mày ơi.
– Ừ. Nó có phước thiệt. Mà cả nhà nó cũng hưởng ké phước nó. Má nó và thằng em trai dọn về đây ở đó mày. Từ giã khu ổ chuột bờ kè Rạch Miễu, má nó bữa nay oai lắm, đi chợ bằng xe hơi. – Các bạn gái của Yến bàn tán.
Cô gái đứng cạnh Will mặc chiếc đầm trắng dài, hở vai, tóc bới cao, là vợ của Will. Và tiệc chiêu đãi hôm nay, mừng đầy tháng con trai đầu lòng của họ. Hai vợ chồng Will đến gặp tôi, đưa con khoe:
-Con trai đó cô. Cô thấy giống cháu không?
Will quay sang vợ:
– Đây là mẹ của bạn anh.
– Cháu kháu khỉnh quá. Nè, sao cậu lấy vợ mà không cho cô biết?
Tôi thân mật trách Will, nhưng vẫn kín đáo nhìn cô gái.
Tôi không tin vào mắt mình nữa. Cô gái đứng cạnh chàng Will đẹp trai lịch lãm kia xuất thân từ ổ chuột? Cũng không sao. Nhưng so với ngôi sao nữ nhạc rock Hồng Kông, thì cô này chẳng được một phần, từ sắc đẹp đến địa vị. Nói phải tội, chỉ tại tôi đã bị sốc khi so sánh cô với người yêu trước đây của Will…
Will đưa con cho vợ bồng, ra dấu cho cô vào trong.
Will trao tôi ly nước trái cây, cùng đến chiếc ghế đặt ở hàng hiên:
– Cô đừng trách oan cháu. Hôm cháu đến nhà mời cô và gia đình dự cưới thì người nhà cho biết cô đi du lịch rồi.
Will biết tôi muốn nghe chuyện, nên kể luôn:
– Cháu và cô ca sĩ đính hôn ba năm, nhưng đứa nào cũng muốn làm thật nhiều tiền rồi mới cưới. Mỗi đứa mỗi nơi. Cô ấy là người của công chúng, rất bận rộn, thường xuyên đi biểu diễn trên thế giới. Mỗi năm gặp nhau chỉ vài ngày rồi vội vàng chia tay. Cháu nói, chắc cô không tin. Cô thường bảo, cô chẳng bao giờ tin số mệnh. Mà theo cháu, có số mệnh sắp đặt cho mình cô ạ.
Tôi nhìn anh chàng luật sư trẻ, cười.
– Cô đừng cười cháu. Thật mà. Yến, vợ cháu bây giờ, là một cô gái bán báo dạo.
– Hả?
Tôi không kịp bịt miệng mình lại, sợ làm mất lòng. Nhưng quả thật tôi rất đỗi kinh ngạc. Một luật sư lấy một cô bán báo dạo ngoài đường.
Will hiểu ý tôi:
– Từ khi chia tay bạn gái người Hồng Kông, cháu chẳng thích gì nữa. Sáng nào cháu cũng ra Hồ Con Rùa ngồi uống cà phê, đọc báo. Yến bán báo quanh quẩn ở đó. Lấy Yến, cháu không hiểu rõ mình có yêu cô này không, nhưng như là định mệnh sắp sẵn. Cô thấy đó, Yến không đẹp, không sắc sảo, nhưng được cái rất chơn chất, chẳng biết gì ngoài việc bếp núc, chồng con, cũng không có tính se sua bạn bè. Cưới xong cháu mới báo cho ba mẹ biết, vì thế nào ông bà phản đối. Khi cháu mời ba mẹ từ Thụy Sĩ về mừng cháu nội, hai người đã từ chối.
Tôi lại gặp Will cùng hai con trai nghỉ hè ở Bali, Indonesia. Đi theo có ba mẹ của Will. nhưng không có Yến, vợ Will.
Câu chuyện của Will làm tôi liên tưởng đến cô giáo người Pháp trong ban giám hiệu trường trung học Pháp tại Sài Gòn, đã không phân biệt giai cấp, học vấn, kết hôn với một anh làm vườn người Việt thua cô gần mười tuổi. Cô nghỉ làm, cùng anh chồng Việt Nam về nước chung sống đến hết cuộc đời còn lại. Theo thói quen của người Việt, tôi rất muốn biết phản ứng của cha mẹ và gia đình cô đầm. Và tôi không rõ bạn đọc nghĩ thế nào. Gẫm lại, cuộc đời là của riêng từng người, từng người có trách nhiệm với nó. Làm gì có một công thức chung cho tất cả mọi người.
***
3.-Thường khi nào Thơm đến cũng báo trước cho tôi bằng điện thoại, xem tôi có nhà không, hoặc hẹn nhau chỗ nào đó. Nhưng lần này, khi tôi vừa ra khỏi phòng tắm thì người nhà cho hay cô đến.
Trong thời gian viết báo, tôi thường đến các sứ quán nước ngoài hay thư viện Pháp ở Lê Thánh Tôn để xem báo và mượn tư liệu. Tôi từng gặp và quen chồng của Thơm, một giáo sư người Pháp nói tiếng Việt khá chuẩn dạy tại đó. Chúng tôi thường trao đổi chuyện trò từ thời sự quốc tế, văn hóa cho đến thời gian tôi học ở Pháp. Tôi cũng nhắc đến hai anh trai tốt nghiệp tiến sĩ ở Toulouse và Sorbonne. Ông tỏ ra thích thú, muốn đưa cô vợ người Việt đến thăm tôi. Tôi chỉ biết có thế về Thơm, cũng không bao giờ hỏi chuyện tình cảm của hai người. Dần dà, Thơm tỏ vẻ quyến luyến tôi. Thơm là một phụ nữ khoảng bốn mươi lăm, gương mặt đôn hậu, đôi mắt buồn, ít nói, điềm đạm.
– Nè Thơm. Em đi đâu giờ này, tối vậy? Còn ông xã đâu?
– Dạ, ổng đi dạy cô ạ.
Thơm chỉ nói đến đó là òa lên khóc. Khóc như chưa từng bao giờ được khóc, như bị dồn nén từ lâu, như mưa sau hạn, ào ào trút xuống.
Tôi dẫn Thơm đến ngồi tựa lưng trên giường ngủ, ra ngoài nói người nhà cho một cốc chanh nóng và hộp giấy.
– Cô ơi, em khổ tâm lắm.
Thơm sụt sịt lau mũi, nước mắt, giọng khản lại.
– Em khổ lắm – Thơm lặp lại.
– Mà chuyện gì vậy, em?
– Cô tha lỗi cho em. Ngoài cô ra, em chẳng biết tâm sự với ai được. Người ta nghe xong, lại cười em…
– Em là vợ một giáo sư đại học có hôn thú, ai dám nói gì em. Với lại, lấy chồng nước ngoài giờ là chuyện bình thường. Sao lại có chuyện chê cười?
– Cô ơi, chuyện này không ai biết. Mà em cũng đâu có quen ai thuộc tầng lớp của ông ấy đâu. Đây là lần đầu em kể chuyện gia đình em. Em có hai đứa con gái riêng trước khi lấy ông này.
Chồng cũ của em, sửa, vá xe cạnh đường rầy xe lửa Nguyễn Thượng Hiền. Tụi em đều là dân ăn đường ở chợ. Cha mẹ hai bên không còn, gặp nhau rồi có con. Chiều nào nó cũng nhậu, kiếm cớ đánh em, đã nghèo mà năm nào cũng đẻ, hai đứa con gái chưa được, bắt phải có thằng con trai nối dõi. Cha mẹ hai bên nghèo mạt, nó cũng trên răng dưới dái, có gì mà nối. Đêm nào không cho nó “gần”, nó ghen, nó đánh. Có lúc nhậu về, nó lấy đầu chai bia tống vào cửa mình em… Đây là nghiệp chướng quá nặng của em. Em nghĩ chắc mình không sống nổi, cảnh gia đình chẳng khác gì địa ngục.
Cho đến ngày nọ em đi chợ, bị xỉu dọc đường, nhằm lúc ông Tây lái xe tới. Ổng tưởng ông tông vào em làm em ngã, nên đưa em thẳng tới bệnh viện Cấp cứu Sài Gòn. Em mê man không biết mấy ngày đêm, phần vì đói, phần khác bị chồng hành quá em kiệt sức. Khi mở mắt thấy mình đang chuyền sérum, ông Tây ngồi bên cạnh. Ông mừng lắm. Không rõ sao em nói với ông là em có mấy đứa con, nhưng vợ chồng xa nhau, chúng nó ở với cha. Em ở nhờ nhà bạn, đi làm lấy tiền gửi nuôi con. Ông cho biết có hai con gái lớn đều làm người mẫu cho mấy tạp chí và công ty may mặc tại Pháp. Ông cũng chia tay vợ mấy năm rồi. Sau một vài lần thăm nuôi ở bệnh viện, ông rụt rè đề nghị em đến ở lại nhà ông. Thấy hoàn cảnh quá bế tắc, em nhận lời. Một thời gian sau ông và em quyết định làm hôn thú. Cũng dễ thôi, vì trước đó em không làm hôn thú với cha mấy đứa nhỏ. Tuy rất nhớ con nhưng em không dám về thăm, sợ ba chúng làm khó dễ. Chắc chúng biết việc em gửi tiền về hàng tháng để chúng tiếp tục đi học. Thỉnh thoảng sau giờ tan lớp chiều, hai đứa ra phụ ba chúng, em ngồi trên xe hơi đậu xa xa để lén nhìn các con cho đỡ nhớ. Nhiều lúc muốn chạy ra ôm con nhưng đến ba chúng, em níu chặt ghế xe, nước mắt chảy dài. Đôi khi thấy em buồn, ông cũng từng gợi ý, nếu muốn thì rước hai con về chung nhà, sau này cho chúng qua Pháp, tuổi già của ông và em sẽ bớt hiu quạnh. Được lời như mở tấm lòng. Chiều hôm đó em quyết định đến thăm con, và đặt vấn đề đưa cho anh ta một số tiền để nhận hai con về nuôi.
Khi em tới, ba chúng nó đang cắm cúi sửa xe. Em chưa kịp nói gì thì đúng lúc hai đứa nhỏ đang lum khum khiêng can nước từ nhà ra, đổ vào thau. Bất ngờ thấy mẹ, con bé út buông tay, can nước đổ tràn. Em mở rộng tay chờ chúng lao đến nhưng chúng chỉ đứng chôn chân tại chỗ. Chúng nhìn em từ đầu đến chân rồi quay lại nhìn nhau, môi trề ra như sắp khóc. Em biết trước mắt chúng, em không còn là người mẹ lam lũ ngồi giữa đống dụng cụ vá xe dơ bẩn, mặt mày luôn khiếp hãi, mà là một người đàn bà xa lạ, mặc váy đi giày cao gót, tóc cắt ngắn bước từ xe hơi xuống. Cha chúng ngồi bệt tại chỗ, cái kềm đang cầm trong tay rơi xuống đất. Chắc anh ta cũng biết người phụ nữ này giờ không còn là vợ mình. Đây là một bà sang trọng, ở ngoài vòng kềm tỏa của anh ta. Không nói một lời, anh ta bỏ đi.
Em chỉ chờ có thế, chạy đến ôm các con vào lòng, và mẹ con òa ra khóc. Mọi người trong xóm vây quanh rất đông. Họ biết hoàn cảnh của em, không hề trách em mà còn nói những lời chúc mừng đầy tình nghĩa.
Thơm hết khóc, nói ra được những gì giấu kín nên vơi đi nỗi khổ tâm từ lâu gặm nhấm trong lòng. Sau này không còn dịp tiếp xúc, tôi cứ tiếc quên hỏi dự định đưa hai đứa con gái qua Tây của Thơm rồi có thành sự thực hay không…
***
Những gentlemen từ trời Tây – do ngẫu nhiên mà tôi tiếp xúc với họ – chấp nhận kết hôn với những cô gái Việt mà số phận không cưng chiều, nghèo khổ, thậm chí thất học. Họ không đòi hỏi hay đặt bất cứ điều kiện gì về nhan sắc, thân thế, địa vị xã hội… Đúng là họ lấy vợ không bắt đầu bằng tình yêu lãng mạn, sôi nổi. Thậm chí ở mặt nào đó, họ giống ông bà mình xưa kia, làm gì có ngủ trước xem vừa ý rồi mới cưới hỏi sau, ít ra trong những trường hợp mà tôi đàng nhắc tới. Vậy mà rồi con cái họ vẫn được giáo dục đàng hoàng, không gì trở ngại.
Không biết tôi có quá lời, vô tình làm ai đó chạnh lòng hay không, chỉ nói về chuyện phân biệt chủng tộc, giai cấp, thì những ông Tây ở trên đã tiên phong hơn hẳn một số đàn ông Việt Nam với thói quen xem người bạn đời của mình như kẻ phục dịch không ăn lương, đối xử tùy tiện, bất bình đẳng.
Những người viết phóng sự có thể phát hiện thêm những sự thật thú vị – đáng vui hoặc đáng buồn – khác, những nhà xã hội học có thể nêu ra những nhận xét – khó nghe hoặc dễ nghe – về hiện tượng hôn nhân giữa Tây giai cấp cao và Ta giai-cấp- dưới với màn happy ending. Trong cái thị hiếu có mùi exotic này, phải chăng các công tử Tây hiện đại đã chán ngán những cô nàng đồng hương đỏng đảnh ưa được phục vụ hơn là phục vụ chồng, những lady ý thức nữ quyền cao tới độ trước khi cưới đã ra đủ điều kiện, cả điều kiện chia tài sản nếu ly thân, ly dị! Liệu trong thiết chế nữ quyền kiểu Tây quyết diệt vai gia trưởng hách dịch của đàn ông có vô tình nảy sinh mầm mống gia trưởng trong quý bà hiện đại hay không, và thí nghiệm một không khí gia đình hợp gu mới hơn chăng. Xem ra không dễ giải thích. Những người chồng da trắng, mũi lõ có vẻ hạnh phúc tôi đã gặp cũng không thể giải thích một cách suôn sẻ, tự nhiên. Và phải chăng chính vì đó, người ta bèn viện tới “duyên tiền định”.
Có hay không duyên tiền định? Có thể một số người không đồng ý, nhưng ít ra đó là ý kiến của một người trong cuộc, mà chính tai tôi nghe qua câu chuyện tình của anh ta với “Lọ Lem thời @”.