Thơ Nguyễn Tuyết Lộc

MƯA

 

Nếu em cần một bờ vai để tựa

Hy vọng rằng bờ vai đó vai anh

 

Mưa

Mưa! Mưa xối xả. Mây vần vũ tối đen. Em đã chờ từ lâu những cơn mưa như thế. Được khóc trong mưa, được gào thét dưới mưa. Nước mưa hoà cùng nước mắt, tuôn tràn thành sông, thành lũ, cuốn hết mọi thứ công thức giả tạo, nguyên tắc gò bó, phạm trù định sẵn, rác rưởi phù du.

Continue reading “Thơ Nguyễn Tuyết Lộc”

Thơ Nguyễn Tuyết Lộc

1.

Đêm Caribbean

Em ở đây
Giữa dòng người xa lạ
Đủ mọi ngôn ngữ
Đủ mọi màu da
Người ta đi
Người ta chạy
Người ta vừa đi vừa chạy
Với ánh mắt không hồn
Em bỗng trở thành kẻ mộng du
Cũng vừa chạy vừa đi
Để bắt kịp thời gian
Để sống cùng tốc độ
Chỉ cách nhau hai giờ bay
Mà sao muôn trùng khác biệt
Em bơ vơ – bơ vơ

Mới hôm qua trăng vằng vặc mười lăm
Lăn tăn trên sóng bạc
Em nức nở nhớ anh
Bỗng hôm nay biển động
Mưa xối xả điên cuồng
Gió rú gào giận dữ
Trong vòng vây sấm sét
Em hoảng loạn – hoảng loạn

Em thích nằm đây
Cuộn mình trong bóng tối
Cần hơi ấm từ bờ ngực rộng anh
Cần vòng tay dịu dàng ve vuốt
Cần môi hôn
Cả sợi râu mới nhú làm em nhột nhạt
Cùng tiếng thì thầm rất sex bên tai…
Và tin nhắn – Ôi những tin nhắn
Như giọt serum chuyền sức sống
Vỗ về em trong suốt những giấc mơ
Em cần anh – cần anh

Hãy ôm em
Hãy siết chặt em
Đừng để em một mình
Không anh
Em chỉ là một đứa trẻ cô đơn
Bị bỏ quên trên sân ga cuộc đời

Please hold me
Hold me, MY LOVE!


2.
Ngày Mặt Trời không hát

Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
…”
(Nhạc Trịnh Công Sơn)

Qua rồi bình minh đỏ tươi
Những đoá hướng dương quay cuồng vô vọng
Lạnh lùng ánh sáng trăng
Triệu triệu vì sao
Cùng đại dương gầm gừ phẫn nộ
Anh ơi
Ngày Mặt Trời không hát

Trái đất biến thành hoang mạc
Núi oằn mình
Cuồn cuộn dung nham
Cuộc chạy đua vào không gian
Như điệu nhảy Moonwalking không còn
Người Sói bị diệt vong
Tình yêu giữa Thần Thái Dương và người đẹp Hằng Nga
Vì Chúa can ngăn
Hẹn sống cùng nhau ngay sau cái chết
Nhưng rồi
Hành tinh trong hệ Mặt Trời chỉ còn là ký ức
Anh ơi
Ngày Mặt Trời không hát

Sinh linh hấp hối
Tuyệt vọng thét gào
Đâu rồi Đấng Tối cao
Hằng ban ơn ban phước
Phật lim dim đôi mắt
Còn hành tinh khác không?
Chúa im lặng quay đầu
Có Thiên đàng thật chăng?

Người thân cùng người lạ
Mặt người và mặt nạ
Rơi rụng… rụng rơi

Anh ơ… ơ… ơi!
Tiếng em gọi tên anh
Vào cuối ngày tận thế
Lạc giữa biển U Minh
Dọc hai bờ Hư Ảo

Vĩnh biệt anh
Mặt trời không còn hát!


3.
Hẹn hò

Những vòng hoa chất đầy gò đất
Những dòng chữ tiếc thương

Anh
Trong đám đông xô bồ, nhốn nháo
Vẫn điềm nhiên

Anh
Người duy nhất biết rõ
Em ngủ một giấc dài
Như mỗi ngày em ngủ
Trong tay anh bình yên

Biết người yêu của mình
Sẽ chu du khắp các hành tinh
Như đã lập trình
Qua vô số vì sao
Đêm đêm cùng em trò chuyện
Khi đối diện
Quả cầu lửa rực hồng
Tiếng cười em ròn rã
Vang vọng giữa thinh không

Tới ngày được phục sinh cùng Chúa
Buổi hẹn hò
Lại váy xống fashion
Miệng hát thánh ca
Mắt môi rạng rỡ
Amen!
Anh lại ru em ngủ
Y như đêm nào
Và âu yếm đánh thức em
Như thể hôm nao

Tình yêu ta bền hơn sự sống
Vượt qua cái chết
Không đếm nổi trùng trùng kiếp kiếp
Chuyện thường tình:
Sinh tử – Tử sinh!

Trong giấc mơ tôi (kỳ 3)

Nguyễn Tuyết Lộc

*THỜI CỦA BIẾN CỐ

Ai cũng biết từ năm 1954 đến 1960 dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Huế nói riêng cũng như cả miền Nam nói chung tưởng chừng như hưởng một nền hòa bình yên ả. Và ai cũng phải công nhận ông Diệm thành công rõ rệt trong những năm đầu. Để được như thế, thật ra ông không có một ngày được ngủ yên. Ông quyết lật đổ vua Bảo Đại – nói cách khác với sự góp ý và OK của người Mỹ, gạt bỏ mọi thành phần chống đối, trấn áp các phe đối lập, từ nhóm Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các đảng Đại Việt, Quốc Dân đảng, xây dựng một bộ máy chính quyền có tổ chức chặt chẽ, lại có thêm ông em là Ngô Đình Nhu làm cố vấn, lập đảng Cần Lao để phục vụ chế độ. Nhiều trường đại học khác được thành lập ở các thành phố lớn, dân chúng nhìn chung đã tạm yên ổn làm ăn. Nhưng càng về sau, chính sách của ông ngày càng áp bức, không tin dùng ngay cả những người có công đưa ông về nước, chỗ nào cũng có mật vụ, nạn tham nhũng làm lũng đoạn cả guồng máy nhà nước dân sự cũng như quân sự. Nhất là chính sách kỳ thị tôn giáo rõ rệt. Ngày lễ Noel trường học được nghỉ, trong lúc ngày lễ Phật Đản bị huỷ bỏ trong học đường cũng như trong chính quyền và quân đội… Tôi nghe người ta nói mỗi người – ngay cả những bậc thông minh, kỳ tài – đều có một “điểm mù”. Có khi đây chính là “điểm mù” của toàn bộ thành viên họ Ngô Đình chăng?

Sự chống đối chính quyền gia đình trị họ Ngô cứ âm ỉ, ngày càng mạnh mẽ và căng thẳng hơn. Đặc biệt trong giai đoạn này là vụ tự tử của nhà cách mạng, nhà văn nổi tiếng Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam để lại nhiều bùi ngùi thương tiếc. Những thiện cảm mà quần chúng dành cho ông Ngô Đình Diệm trong những năm đầu ông vể nước giờ đã tiêu tan. Không thể chịu nổi tình trạng này, một số đơn vị quân đội đã nổi dậy chống đối. Continue reading “Trong giấc mơ tôi (kỳ 3)”

Trong giấc mơ tôi (kỳ 2)

Nguyễn Tuyết Lộc

*SANG MÙA BIỂN ĐỘNG

Khi Ba tôi chuyển công tác từ Huế ra Lệ Thuỷ – Quảng Bình anh Hai khoảng 5, 6 tuổi, thường theo Mẹ đến chùa lễ Phật, chơi đùa múa hát với chú điệu Thích Trí Quang, Hoà thượng Thích Trí Quang bây giờ. Chú điệu Thích Trí Quang lớn hơn anh Hai hai tuổi theo tuổi khai sinh, còn theo tuổi âm lịch thì chú điệu tuổi Giáp Tí hơn anh Hai tuổi Ất Sửu chỉ một năm. Hoá ra đúng như người ta vẫn nói “trái đất tròn”, ai ngờ hai người “bạn” thân một thời thơ dại – Hoà thượng Thích Trí Quang và giáo sư Nguyễn Văn Hai, anh tôi – còn duyên kỳ ngộ về sau ở đất Huế đô lúc mỗi người đã có vị trí, thanh vọng riêng trong xã hội, hẳn có những ngần ngại tôi không dám hỏi.

Ông nội chúng tôi là thầu khoán xây dựng nên giàu có. Sau khi đỗ bằng Tiểu học Yếu lược, anh Hai được Ba Mẹ tôi cho vào Huế ở với ông nội tại Ô Hồ, khu vực sau lưng chùa Diệu Đế – Gia Hội – tiếp tục học lớp nhì nhất niên (Cours Moyen Première Année), nhì nhị niên (Cours Moyen Deuxième Année) và lớp nhất (Cours Supérieur) ở Khải Định.

Vì anh Hai là cháu đích tôn nên ông nội rất cưng chiều. Sáng anh đi bộ từ Ô Hồ đến Khải Định, chiều từ Khải Định về Ô Hồ, ăn trưa trong trường, ngày nghỉ thì rong chơi với bè bạn. Khi ông nội mất, do đau buồn anh không tập trung học hành và chỉ thi đậu bằng Tiểu học, viết tắt là CEPCI (Certificat d’Études Primaire Complémentaire Indochinoise) mà lại rớt vào năm thứ nhất Cao đẳng Tiểu học. Ba Mẹ tôi phải đưa anh về Lệ Thuỷ, nhờ bạn là thầy Trần Tiếu Dư kèm cho anh học lại lớp nhất, nhờ vậy cuối năm anh thi đỗ vào Khải Định với thứ hạng rất cao, được cấp học bổng toàn phần vào nội trú. Từ đó anh hăng say học tập, không lêu lổng bạn bè nữa. Anh đọc đủ loại sách báo từ tiểu thuyết, thơ, kịch, cho đến khảo luận, lịch sử bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Có thứ anh nhịn tiêu dùng tiền Ba Mẹ tôi cho thêm hàng tháng để mua, có thứ do trao đổi với bạn bè hoặc đi mượn ở thư viện L’Accueil, hay chuyền tay nhau mà có. Hầu như học sinh nội trú đều lâm một bệnh chung là đọc sách. Càng đọc càng thấy say. Cả một chân trời mới mở ra trước mắt. Đọc sách, nghiên cứu, sưu tập tư liệu là công việc theo anh Hai tôi trọn một đời, có thể nói đó là hobby lớn nhất của anh. Continue reading “Trong giấc mơ tôi (kỳ 2)”

Trong giấc mơ tôi (kỳ 1)

Nguyễn Tuyết Lộc

*LOUISVILLE – HỘI NGỘ SAU 22 NĂM

1997.

Đây là lần đầu tiên tôi đi Mỹ thăm anh Hai tôi sau 22 năm xa cách kể từ 75.

Vào thời điểm này, không dễ dàng gì lấy được visa vào nước Mỹ. Thời Việt Nam đã “đổi mới” nhưng những ngăn trở, nghi ngại ở cả hai phía đối địch cũ chưa thể xóa nhòa. Những người vượt biên trước đây được nhà nước “xóa án phản bội Tổ quốc”, thậm chí họ được tiếp đón nồng hậu khi trở về thăm quê nhà với danh xưng rất đẹp: Việt Kiều Yêu Nước. Còn họ xác định thế nào là Việt kiều yêu hay không yêu nước thì thú thật tới giờ tôi vẫn chưa rõ. Bởi sau khi bộ đội cụ Hồ chiếm được miền Nam một thời gian ngắn ngủi thì hàng chục ngàn quân, dân, những người làm cho chế độ cũ phải vào tù, gọi là đi “học tập cải tạo”, với hàng loạt trại cải tạo tại rừng thiêng núi hiểm trên toàn quốc. Chính phủ Mỹ mất 8 năm trời điều đình với chính quyền Hà Nội để họ được trả tự do cùng gia đình sang định cư tại Mỹ, ưu tiên theo diện ODP (Orderly Departure Program) hay còn gọi là “Chương trình ra đi có trật tự”, với tư cách là những người tị nạn chính trị chứ không phải vì lý do nhân đạo. Mà thật, vì hầu hết ra đi do sợ chế độ khắt khe của Cộng sản, hoặc bế tắc kinh tế, mối lo cho tương lai học hành nghề nghiệp của con cái, hoặc do cha mẹ đi cải tạo trong tù, nhà trường không cho hoặc gây khó dễ việc học hành của con em họ. Mặt khác, họ cũng lao động hết sức mình nơi quê người để kiếm tiền gửi cho thân nhân ở quê nhà, đỡ một phần đất nước phải gánh vác.

Anh chị Hai đón tôi ở phi trường Kentucky, không có màn ôm nhau khóc hu hu, không mừng mừng tủi tủi, một phần tính anh Hai tôi nghiêm khắc, phần khác tôi vẫn còn rụt rè do hai anh em cách nhau hơn 20 tuổi, nhưng nhìn cách anh chuẩn bị đón em út rất chu đáo cũng biết là anh thương em lắm. Anh Hai cho biết anh Thạch cũng đang trên đường từ Paris bay qua New York rồi từ New York về thành phố này. Chiều mai anh Thạch sẽ đến, ba anh em sẽ được ở chung một nhà như hồi tôi còn nhỏ. Thích quá. Cuộc hội ngộ này chỉ có trong giấc mơ.

Trên đường về anh Hai lái xe “ngon lành” lắm, viu viu như thanh niên lái vậy. Tôi nhìn anh, nhìn chị. 22 năm! Bỗng dưng mắt tôi hoe hoe đỏ, mũi tôi phập phồng, có cái gì đó chặn nghẹn cổ tôi. Tôi muốn khóc òa lên nhưng không dám khóc. Tôi thương anh tôi quá.

Đây rồi xe dừng trước số nhà 8409 – Calm Lane – Louisville, địa chỉ mà tôi thường thấy trên những bức thư anh Hai tôi viết gửi về cho tôi với nét chữ thân thương. Anh chị dẫn tôi đi một vòng quanh nhà rồi bảo tôi lên phòng nghỉ ngơi.

Phòng anh chị ở basement, ba phòng ngủ tầng trên thì hai phòng dành cho tôi và anh Thạch. Anh Hai đã tự tay thay drap giường sạch sẽ tươm tất. Chuyến bay thật xa, mệt, tôi chỉ trông chui vào phòng để ngủ một giấc thẳng cẳng cho sướng cái đời.

Trời se lạnh. Đêm Louisville thật yên tĩnh. Continue reading “Trong giấc mơ tôi (kỳ 1)”