Nhật ký chiến tranh (kỳ 6)

Vương Trí Nhàn

14/7
Về T.70. Có lệnh quay ra. Từ vương quốc của hoang dại, bọn tôi sẽ trở lại vương quốc của sự nhân tạo, cấy trồng. Những chán ngán trong gia đình, những lúng túng trong công việc, và sự không phương hướng trong tình thế chung – sẽ lại đối mặt tất cả. Sau chuyến đi này liệu mình có khác được chút nào?

Lo đường ra. Nghe người ta nói đường ra mà sợ. Địch đánh liên miên. Ngoài kia, cách chỗ tôi đang ngồi viết không xa, những người dân Thanh Hoá, dân công đang ngồi bệt xuống đất nói chuyện. Thanh Hoá, cái tỉnh bè bè ra đó, người đông quá xá, người nào tiếng cũng bè bè, dáng dấp cũng bè bè. Đàn ông, có người 47-48, thuộc loại đã đi dân công từ cuộc kháng chiến lần trước, đi từ Điện Biên Phủ, và bây giờ họ lại đi . Bốc hàng, cáng thương, cấp dưỡng. Những cái quần bạc phếch, những cái áo vá. Trông đàn ông xứ Thanh không hiểu sao người nào cũng như từ cổ sơ trở về, đặc vẻ đàn bà, vơ véo đâu được một cái thắt lưng bộ đội, một cái mũ, tự lấy làm bằng lòng lắm rồi. Và họ đã sống như thế, ăn tết như thế.

Vì cái vẻ ốm o của họ, những cô con gái cứ gợi cảm giác sờ sợ, khiến tôi không dám nhìn lâu.

– Chỉ đàn bà có chồng mới không phải đi.

– Cho nên khối cô rình rập lấy chồng.

– Không đi ở nhà cũng khổ. Nó đánh chỗ đê phía bắc sông Mã rồi.

– Nghe bảo Hoằng Hoá vừa rồi vẫn hoàn thành nhiệm vụ.

– Nhưng mà mưa này mới gay.

– Thôi sống chết cũng phải làm. Nơi nào khó thì lại kêu gọi đảng viên đoàn viên. Hết loạt nọ đến loạt kia. Không chừng sinh viên cũng phải về làm ấy chứ.

– Nhà tôi cạnh chỗ bom nổ có độ sào ruộng.

– Quê ta ở cứ liền liền, nhà nọ cạnh nhà kia, không bằng từ đây đến chỗ cái ghế.

– Thôi, Bác đã bảo, càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan.

Tiếng bom vẫn ầm ì như đã là một thuộc tính của bầu trời này, một thứ đỉa dai dẳng bám vào bầu trời, người ta cố dứt nó ra, không dứt nổi.

Ở cái trạm của tôi, ngày bao nhiêu khách, quây quanh các máy điện thoại. Thông báo về tình hình trên đường. Gặp cấp trên, xin phương tiện, xin ý kiến. Việc nào cũng cập rập. Và mọi người đều có cái vẻ bồn chồn, y như có bao nhiêu sống chết phụ thuộc vào những cuộc đàm thoại đó.

Nhưng rồi ai nấy bình tĩnh trở lại. Không, không phải là bình tĩnh, mà là lì lợm, mặc mẹ mọi thứ.

Đi đâu cũng thấy lính tráng cũng như cán bộ ăn và mời nhau ăn. Vì một bữa ăn, một gói chè, một suất tiêu chuẩn đường sữa, người ta có thể đi vật nài quản lý hàng ngày trời. Bao nhiêu con người, bao nhiêu ngày tháng bỏ phí. Với những người vừa ở mặt trận ra, lúc này đây, không có gì chuyện quan trọng hơn ăn uống. Ấn tượng chung là một cái gì ườn ra, nhếch nhác, ngán ngẩm, vô cảm.

Trì trệ đã thành một thứ khí hậu, ngay ở cái nới gần mặt trận này. Nhưng rồi tôi nghĩ – kéo dài mãi ra ngoài kia, cả Hà Nội của tôi, cả cái tạp chí VNQĐ của tôi, đâu đâu cũng cảm giác trì trệ ấy đè nặng, như những buổi chiều miền núi oi bức.

Cái sức mạnh của dân tộc bây giờ là ở sự chịu đựng. Một dân tộc như thế, rồi sẽ ra sao? Sự chịu đựng vô giới hạn, đến độ người nước ngoài chắc không sao hiểu nổi.

Chỉ còn một thứ rành rọt kỳ lạ, mà, bất cứ lúc nào ở trạm này lắng nghe cũng thấy, đêm hôm nghe càng thấy: tiếng đài phát thanh. Tiếng đài vốn từ đâu vọng về, tức là một cái gì không thật – cái đó đã đành. Có điều cái thứ không thật ấy lại nhắc đi nhắc lại, đều đều thành nhịp điệu đáng sợ, trở thành thật hơn mọi cái có thật khác. Đêm nằm, người ta dí cả đài vào bên tai tôi, mà tôi không dám kêu và không có quyền kêu. Tất cả mọi người chung quanh đều sống như vậy, tôi không có quyền sống khác. Đáng lý mình cũng phải tập ăn, tập ngủ tập chơi bài, tập lì lợm và chuẩn bị chen vào đội ngũ chiến thắng, tôi tự nhủ. Nhưng lại biết ngay từng ấy việc mình không làm được việc nào cả.

15/7

Gọi là đánh nhau, nhưng có lẽ ở nước nào cũng thế, người ta cầm súng bắn nhau không mấy, mà nhiều nhất, dai dẳng nhất và kinh khủng nhất là những ngày sống gần như chui rúc trong rừng, bên suối, những ngày ôm gối nhìn trời mưa, những ngày chờ đợi.

… Rồi rất lâu nữa, tôi phải xoay vào để hiểu. Cái giá trị của đời sống dân tộc lúc này là ở sự chịu đựng. Trong vật vã chấp nhận, không quên làm dáng, ra oai nhỏ nhen lặt vặt với nhau, để rồi lùi ra xa để nhìn, vẫn thấy vĩ đại. Chắc nhiều người như tôi bắt đầu thấy chán sự vĩ đại kiểu đó, ước ao những sự vĩ đại khác – những sự vĩ đại về phát minh, về sáng tạo chẳng hạn.

Nhưng mà thích hay không thích, giờ đây, mỗi người cũng hoàn toàn chịu sự chi phối của đặc tính cộng đồng, cũng triền miên trong sự chịu đựng và chấp nhận.

… Đêm qua, gần sáng thì trời mưa. Những người dân công ốm đau nằm võng tận ngoài rừng, lại lục tục chạy vào trú tạm ở các lán, các cô gái vừa ấm nồng vừa ướt át đó, run rẩy và lạnh buốt đi trong gió, co ro ngồi nằm nhờ. Một cô, lúc sắp sửa lại đồ đạc ba lô, ngán ngẩm thốt lên:

– Thôi, đã gọi chiến tranh là phải thế.

Đúng quá còn gì! Nhưng chung quanh chỉ im lặng đồng tình chứ không ai nói tiếp, vì còn biết nói gì nữa. Không khí chung càng như chết lặng đi.

Có những câu nói kiểu ấy. Chúng vốn sâu sắc, nhưng vì nhắc lại nhiều lần, nên lại là một sự vô nghĩa. Ví dụ như hôm qua, nghe một cậu bảo “Nếu những thứ đồ đạc của cải chiến tranh này chế ra cho mình dùng, thì đời sống mình nâng cao biết mấy”. Ừ, người nói câu ấy, vừa là thông minh thật, mà cũng là lơ mơ lạc lõng thật.

… Từ chuyện dân công, muốn nói nhiều hơn đến những người đàn bà trong chiến tranh. Có lúc nghĩ đáng ra đàn bà không nên có mặt ở nơi hòn tên mũi đạn như thế này. Nhưng bây giờ mọi xó rừng đâu cũng có họ. Mà nghĩ cho cùng, không có đàn bà thì làm sao hiểu được cái tình cảnh mà chúng ta lâm vào, hiểu được cái phần nữ tính với nghĩa chấp nhận, thụ động – nó là số phận chung của mọi người chúng ta trong cuộc chiến hôm nay.

… Người ta nói rằng tất cả sẽ quen đi – trong chiến tranh. Nhưng tôi đã hỏi rất nhiều người rồi. Không ai quen được. Không ai thích được. Một bác sĩ bảo không thể nào thích y học quân sự hơn y học nhân dân… Và dân tộc nào mà thích được chiến tranh?!

Một cộng đồng đau khổ đến nỗi bất cứ sự thật nào nói ra cũng làm người khác đau lòng, người nọ sợ cho người kia, bởi trước hết sợ cho mình.

Một cộng đồng người nào cũng cô đơn, nhưng trước mặt nhau lại phải luôn luôn tỏ ra hồ hởi, lạc quan (cũng như miệng nói lo cho việc chung, nhưng người nào cũng phải lo cho việc của riêng mình).

Một dân tộc như vậy, là một sản phẩm của chiến tranh.

… Bị chiến tranh đẩy tới, xâm nhập làm biến dạng cả mày mặt lẫn hồn cốt, – rồi người ta sẽ sống trong thời bình thế nào, ví dụ như liệu có thể làm lại cuộc sống bình thường sống theo những lề luật của thời bình, xây nhà xây cửa dạy con dạy cái, làm nên một nền văn nghệ của thời bình chẳng hạn? Nhiều lần tôi tự hỏi mà cũng nhiều lần không biết cách trả lời.

18/7

Nghe nói có thêm nhiều đơn vị vào tham chiến. Chiến trường bây giờ cả thảy đâu 6 sư đoàn, chưa kể những đơn vị phối thuộc. Mặt đất Quảng Trị đã nát tương ra vì những trận càn, những trận đánh nhau từ mấy năm trước, nay lại đang phải tự chứng tỏ một khả năng chịu đựng mới. Bao nhiêu là bom đạn dội xuống trên những ngả đường, dọc những con sông, con suối. Vậy mà bộ đội vẫn cứ ùn ùn kéo tới. Những người lính như một thứ nấm đất, một thứ con của đất, đội đất đội cỏ mà lên.

Những dòng người như có khả năng của những con sông, tự cuốn chảy rồi lại tự đầy lên, những vết thương của nó, đối với cái chỗ bị thương ấy, là dằng xé, vật vã, nhưng đối với toàn thể là một điều bé nhỏ không đáng kể – rồi tất cả sẽ vượt qua.

… Cuộc chiến tranh đã bùng nổ đến cái mức cao nhất dù nhịp điệu nhìn bề ngoài thì còn chậm và chưa thấy có những trận đánh lớn. Kẻ địch đang muốn ta đánh theo cách của chúng. Phi pháo nhiều quá. Lúc nào cũng nghe anh em kêu “Nếu không có máy bay thì…”.

Người của chúng ta rất đông, vào rất nhiều, nhưng còn gạo và đạn?

Một chuyến xe đi ra Hà Nội rồi lại vào, khi chưa có chiến tranh phá hoại đi mất 5-7 ngày, hiện nay đi mất 1,5-2 tháng.

Một con số khác. Thương binh ra những ngày thường khoảng 120 người!

Có lẽ tôi quá nhạy bén với những khó khăn. Tôi hay thương cảm và bi quan. Nhưng không hiểu sao, số phận không cho tôi được chứng kiến những phút hào hứng như khi người chiến sĩ vào thành phố giải phóng, những lớp quân đi tràn qua. Tôi chỉ toàn gặp những khung cảnh bi đát. Lính oằn mình ra chịu bom. Những người dân nhốn nháo chạy loạn. Ôi, cái đất nước của chinh chiến này, dáng điệu đàn bà con trẻ người nào cũng xiêu vẹo cả đi. Sao tôi lại gặp toàn những cảnh đó? Không biết nay mai mọi chuyện thế nào. Nhưng bây giờ, tôi sợ cho cái ý nghĩ sau đây của mình. Cố gắng của cả nước, sau 4 năm dồn sức lại, lại không đạt đến cái điều mà tự mình đặt ra. Lại nửa chừng dang dở và dập nát như năm 1968? Đó sẽ là điều mà không ai muốn. Và tất cả sẽ cùng cúi mặt xuống, nói thật khẽ với nhau, hoặc không nói ra, nhưng đều tự hiểu ngầm, chắc cái điều chờ đợi không bao giờ đến. Chắc là lúc nào đó, nhiều người đã ngẩn người ra vì không từ bỏ nổi một ý nghĩ như vậy. Nhưng “đâm lao phải theo lao”. Không có cách nào khác. Không chừng sau khi bị kìm nén quá lâu, tới lúc không giữ nổi, chúng ta sẽ khóc oà lên, mình tự thương mình. Số phận dân tộc mình cay đắng là như vậy (cũng như số phận dân tộc Trung Hoa hiện nay là phải tự lột xác như vậy!). Ít ra, đó cũng là tâm trạng của một lớp trí thức, tự mình đóng góp sức lực thì không bao nhiêu, nhưng quả tim quá nhạy.

19/7

Trạm nằm ngay trên đường hành quân. Trong một ngày nghe dội về bao nhiêu diễn biến của chiến trường. Buổi trưa, những cậu lính trẻ cậu nào cậu ấy đen, béo lẳn cởi trần, hoặc chỉ mặc quần đùi áo lót, vác gạo qua, ngồi nghỉ, đấu hót léo nhéo một lúc. Cái nhìn lúc nào cũng như một sự thách thức, đấy, chúng tôi chỉ có thế.

Buổi chiều, lại một tốp lính hành quân qua. Cả ba lô đồ đạc. Giờ tôi mới hiểu tại sao cái ba lô của họ không lúc lắc, mà đằm mà áp vào vai. Nó đã nặng quá. Và nhìn tất cả những thứ chất trên ba lô, tôi không khỏi ngạc nhiên. Họ đã để bao nhiêu công phu, để làm việc đó. Lính mới cả, nhưng trông cậu nào chằng buộc cũng cẩn thận đến hết mức. Không thể khác được. Chỉ một ngày đi, người ta đã phải học được mấy cách buộc ba lô, cách nào cũng hợp lý, dù rằng không có cách nào làm nhẹ cho người ta được một chút.

Những sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai cả đây. Tốp lính chiều nay đều khoẻ mập. Một cậu ngồi cạnh mình, cái cổ và bộ ngực nở nang vẩn lên một tí ghét, nhẫy mồ hôi. Chân tay những ngón rất to mẩn một vài mụn ghẻ, và vì thế trông lại càng khoẻ. Cậu ta học năm thứ nhất thuỷ sản, nên vẻ còn ngờ nghệch. Cậu ta chỉ cho mình một loạt đồng đội những giáo viên cấp 3, những kỹ sư, người yếu hơn, và nghe chừng khôn ngoan hơn. Chỉ mới chặng nghỉ đầu tiên đã phải cho bớt các thứ dép nhựa tha từ Hà Nội vào. Một cậu chắc do phân công, mang theo một cái cáng lênh kênh. Lúc đến, trước hết, vứt đánh phịch cái cáng xuống, nghiêng ba lô sang hai bên, lắc lắc một hồi, mới ngả được ba lô ra. Suốt đợt nghỉ, cậu ta chỉ tìm cách đi gửi những người khác mấy cái bao gạo của mình. Đỡ tao tí. Cái cáng tao mang kềnh kệch thế này… Cho đến lúc đi, cậu ta cũng gửi không hết. Làm sao mà gửi nổi những của nặng nợ như vậy.

Ai đó kể:

Lính năm nay trẻ quá, nghe thấy có B52 là quấn lại, thủ trưởng ơi làm sao bây giờ. Một ông thủ trưởng phải lấy gậy quất anh em về hầm. Dập cả một cái gậy.

Lính kể giá ai cũng như thủ trưởng của em, thì mình thắng từ lâu rồi. Đằng này các bạn ấy chả ai tiến lên, em nhìn lại không thấy bạn nào cả.

Nghe cấp trên dặn để địch tới 15m mới bắn. Nhưng một cậu để gần tới, gần tới thì ngoảnh lại nhưng mà có người, không bắn được thủ trưởng ạ –“người” đây chính là địch.

Lắm thằng nó (địch) còn bé hơn em cơ, thủ trưởng ạ. Chúng nó rát rát là…

Từ một cuốn sách nhặt được:

Âu châu không còn tư tưởng bằng những từ ngữ tự do nữa, nhưng bằng những từ ngữ định mệnh. Khi tôi bảo rằng mỗi người đều cảm thấy mạnh mẽ bàn tay của định mệnh là tôi có ý nói rằng họ cảm thấy – ít nhất là những lúc nào đó, và hầu như bao giờ cũng cảm thấy một cách thê thảm – rằng vũ trụ chẳng liên quan gì tới nó cả. Và khi con người hành động thì mới có cơ khống chế được định mệnh (A. Malraux).

Comments are closed.