Sinh mệnh (kỳ 2)

Tiểu thuyết Bách Mỵ

 

Dưới bóng ngày xa xưa, một bước chân đi qua, một giọng nói lướt qua, một tiếng gió, một bình minh, một im lặng vừa lướt qua… Ngày thu hẹp lại bằng tiếng bật công tắc điện. Người đã sống những cuộc đời không phải của mình. Những con cá nhỏ dưới sông Đà đã hoá thành lũ chuột rừng cắn phá hết đồi nương. Những hòn đá của bếp thiêng vẫn còn nhưng người không buồn củi lửa nữa. Người lên trời bằng cách tự do phóng thích mình ra khỏi mọi khổ ải mà không theo đường cây cột gỗ thiêng trong nhà nữa. Sự tự do đôi khi là một sự trói buộc, sự hoảng loạn. Không trình tự, không nghi lễ nào giữ dắt được con người theo những quy tắc của đời sống tâm hồn nữa, họ tự phóng thích mình theo cách buông xuôi. Trái tim của Biên bao lần đã vỡ như con linh dương bị giam cầm chăn dắt. Biên sống bằng sự thức dậy của trùng trùng ký ức, và cái hiển hiện của sự thu hẹp và lụi tàn.

Cơn mưa chiều lại phủ xuống những căn nhà vắng quanh ngọn đồi. Thời này Biên gọi là thời vắng nhà. Những con người luôn vắng mặt ngay cả khi họ đứng ngồi trong ngôi nhà của họ. Những chỗ đứng ngoài ngôi nhà đang bị thu hẹp, tranh giành, xoá dấu vết. Một cơn mưa nhỏ lại khiến cho một người trong chăn ấm nệm êm đổ ốm. Rừng co lại và bao nhiêu nước mắt của dân làng trào theo cơn nước lũ cuốn về xuôi. Những tiếng la thất thanh rồi im bặt mãi mãi trong những buổi mưa chiều. Mọi thứ trên đời này đều có tính cân bằng. Sự thu hẹp của núi đồi, sông suối sẽ phải dẫn đến sự thu hẹp sự sống của con người. Già làng đã từng nói: Còn rừng là còn hơi thở. Chặt phá rừng là tự tay bóp mũi mình. Và có những người nhân hậu đã chết vì bàn tay của kẻ khác.

Một cây cầu vừa trôi, sông suối ngày càng trở nên hung dữ và khó đoán. Lũ làng chúng tôi luôn ngơ ngác về sự thay đổi đó. Thiên nhiên nổi giận mà “giận cá” lại “chém” nhầm cái “thớt”. “Quýt làm cam chịu”! Những đứa trẻ mà Biên và Tịnh từng là, đã bị dòng chảy bất thường ấy cuốn đi. Những đôi mắt thơ ngây ngơ ngác còn để lại trên bờ. Yêu thương còn chờ trong những ngôi nhà vắng. Những khát vọng về ngày mai, tuổi trẻ dang dở trên tập vở nhoè nhoẹt chữ. Bao lớp người như Biên đã mang theo sự hoảng loạn, nuối tiếc, trách hờn… mà ra đi. Những đứa trẻ chết dưới những cơn mưa cuộc đời vây quanh Biên hát ca, thương mến.

***

Ký ức không lớp lang, không trình tự. Ký ức như nắng trưa phủ bóng mát dưới hàng cây, lỡ đường dừng chân bạn sẽ gặp. Ký ức là một bóng mây hiền xuất hiện giữa đường dài không nắng mũ của Biên. Biên nhớ mình vừa nói cười ở một nơi, vừa êm ấm, đau khổ ở một nơi khác; vừa chào đón xanh tươi yên bình lại cũng vừa tạm biệt tất thảy trong đớn đau tiếc nuối.

Chiếc máy cát-xét cũ đã làm rối nhùi cuốn băng lưu trữ giọng hát Tuồng của lớp nghệ sĩ một thời vang bóng. Mủ lá cây vú sữa đã tham gia tích cực vào quá trình phục hồi, chắp vá nhưng tiếng người xưa đã ngày một đứt quãng và xa dần.

Tịnh dường như cảm nhận được điều gì đó đã xảy ra trong tâm hồn Biên ở nhiều kiếp sống. Biên được cấu thành bởi những bước chân du mục, bởi tuyết trắng, muối hồng, bởi những buổi chiều đầy âm thanh của rừng, của biển. Biên nở ra từ những con ấu trùng trong rừng thẳm, từ một mùi thơm trong mâm cơm mẹ nấu buổi mưa chiều, từ những sợi tóc dài và giọng hát ru của nhiều bà mẹ. Biên ủ xanh thơm bằng cây lá quê nhà. Và nhiều giọng hát trên mái tóc xanh thơm này đang đứt gãy, rời đi.

Tuồng với Biên là một giọng nói cách điệu dịu dàng, êm ái và chân thật nhất. Âm điệu của Tuồng như tiếng nói của một người cha mực thước; là lời ru ấm trầm, dịu dàng của mẹ; là bờ vai của một người anh thương yêu che chở; là bàn tay ấm êm của một người chị hiền từ bao bọc em thơ. Tuồng với Biên là sự linh thiêng mộc mạc. Nghệ thuật ấy được biểu hiện bằng khí chất, tâm hồn nghệ sĩ. Nghệ thuật đi vào lòng người như cách mẹ mở tấm cửa phên tre bước vào nhà mình: gần gũi và thiêng liêng! Tuồng là một nghệ thuật biểu hiện thời cuộc, nghệ thuật của đạo lý ở đời, của lòng yêu nước, của tình thương yêu con người chân chính. Một lời tự thán, một câu hát xướng, một câu hát ngâm cất lên ở thế kỷ trước sẽ vang vọng, tỉnh thức nhiều thế hệ sau này qua một phương thức di truyền đặc biệt nào đó mà Biên luôn tin là có thật.

Những đêm một mình im vắng, những đứa trẻ như Biên sẽ nghe tiếng bước chân đi, mùi thuốc lá Cẩm Lệ thơm nồng, mùi thơm ngọt của đuốc bã mía cháy. Ánh lửa ấy sẽ soi chiếu lại từng khuôn mặt thân quen xưa, sẽ nhắc nhớ những con người mà chúng ta đã từng là, sẽ thấy không gian xưa hiền hoà, yên ả, sẽ giật mình tỉnh thức những việc làm ta đã gieo cho đời sống mai sau.

Từ những tiếng hát, đường hia, điệu bộ thu hút ấy, Biên nhớ mình có những đêm trăng thanh nắm tay mẹ đi trên cánh đồng làng tới đình, bãi xem Hát Bội. Biên nhớ bàn tay với những ngón xương dài thô ráp vì cấy cày, đốn củi… Biên nhớ bàn tay lúc nào cũng cầm một chiếc lá, một bông hoa hay một chùm quả chín khi trở về nhà. Biên chỉ nhớ rõ hình ảnh của mẹ khi mẹ nắm tay Biên đi dưới trời đêm. Biên nghe tiếng lăn của nước mắt mẹ, nghe tiếng cười đùa của tóc mẹ khi làn gió ưu phiền bất cẩn thổi qua. Mẹ cũng là một nghệ sĩ tuồng của riêng Biên. Biên nói:

– Tuồng cũng như ký ức, không thể dùng từ phục hồi hay chỉnh sửa. Nó là những gì đã qua và những gì đang và sẽ qua. Chúng ta không thể phục hồi một ký ức như chúng đã từng. Chúng ta chỉ có thể sống để có được một ký ức đẹp. Cái đẹp như tiếng gọi con của một bà mẹ đầy yêu thương, nhẫn nại và bao dung.

Tịnh cầm cuốn băng cát-xét xếp vào hộp gỗ nhìn Biên đầy chia sẻ.

***

Biên không biết sẽ đi đâu khi ra khỏi ngôi làng nhiều mỏm đá đứt gãy này. Dưới hố sâu cách mặt đất bảy mét là một hố thẳm với một sinh linh ở tháng thứ sáu trong hành trình mới của mình. Mọi cuộc tranh giành đều đẫm máu và gây nên những nỗi đau kéo dài muôn kiếp mà con người tham lam tàn bạo không bao giờ nghĩ tới. Nhiều phụ nữ sắp làm mẹ đã buộc phải nhảy qua những khe đứt gãy này vì mục đích giảm dân số của thế lực xâm lược. Ngôi làng của đá và những cơn bão triền miên đã luôn vững chãi, mạnh mẽ kiên cường trước mọi khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng trước lòng tham độc của đồng loại, họ đã chịu cảnh thảm thương uất hận. Khoảng thời gian ở dưới hố sâu đó, Biên khao khát trở về ngôi nhà gỗ của gia đình, nơi có khung cửi mẹ ngồi quay tơ dệt vải, nơi treo những bộ kimono đẹp nhất làng do chính tay mẹ dệt vải nhuộm bằng màu của lá cây và khâu tỉ mẩn. Biên ước được cùng mẹ ngồi trên lưng chú ngựa Yonaguni thấp khoẻ đi dạo quanh những cánh đồng mía và lau lách của ngôi làng. Mỗi khi đi qua một nơi nhiều đá sỏi hay hoa trái, mẹ thường một tay cầm dây cương ngựa, tay kia sẽ xoa xoa nhẹ nhàng lên bụng mình vỗ về Biên, sẽ thuyết minh cho Biên biết về mùi thơm của đất trời bằng cách mẹ nhắm mắt hít một hơi dài an tịnh. Và Biên đã phản hồi cảm nhận với mẹ trong hơi thở nhẹ tênh hiền từ của mẹ. Mẹ như một chú ngựa Yonaguni cần mẫn cúi mặt vào đá sỏi mà khoẻ mạnh hiền lành. Nơi này, Biên nhớ tiếng sóng biển vỗ vào đá quanh hòn đảo, nhớ những cơn cuồng phong không quật nổi căn nhà làm từ gỗ. Nhớ mùi sương tan trên đá cỏ và trong hơi thở ợ của những con ngựa già. Biên nhớ lau lách mùa thu ngả mềm theo cơn gió đông mát rượi. Chỗ Biên nằm cách mặt đất nơi có căn nhà xưa yêu dấu bảy mét nhưng qua nhiều thế kỷ Biên vẫn không về được. Mẹ và những người phụ nữ khác trong làng đã may mắn nhấc được thân hình vật lý của mình qua khe đá đứt gãy này, nhưng cuộc đời của họ đã nằm lại mãi mãi dưới hố sâu lạnh lẽo này. Những người đàn ông trong làng cũng lần lượt bị làm vật hiến tế bởi chính sách giảm dân số nam giới của thế lực xâm lăng.

Ở đây thỉnh thoảng cũng có những cơn mưa. Phần lớn nước mưa sẽ thấm vào đá mặn, phần còn lại sẽ dành cho cỏ xanh và lau lách. Đàn ngựa hoang Yonaguni đã lầm lũi nhảy qua ranh giới của sự đứt gãy đó mà sinh sôi, minh chứng cho một sức sống mãnh liệt trường tồn nơi khô cằn sóng gió này.

Dưới lòng đại dương, trầm tích một ngôi làng đang yên vị. Lối rẽ vào một hành tinh khác có thể là những khe hẹp của hai tảng đá lớn. Như ngộ ra được điều gì đó ở hành trình của mình, Biên thấy mình nhẹ tênh và bỗng chốc trở thành một nguồn ánh sáng dịu. Biên đã nhẹ lướt lên khỏi khe hở của hai tảng đá và bắt đầu đời sống linh hồn của mình.

Những rạng san hô hoá thạch, những hòn đá và những sinh vật thủy sinh đã được xác định niên đại bởi các nhà khoa học bằng Cacbon-14. Biên nghĩ mọi thứ luôn tìm cách để lại vết tích của mình, có thể hiển hiện, có thể vô hình bí ẩn. Và thật tiếc thay khi con người chỉ tìm cách minh chứng sự hủy diệt của mình bằng cách để lại những công trình vắng vẻ sự sống khổng lồ và khô cằn kia. Tất cả họ phần lớn chọn hoá thành cát bụi, số còn lại họ lơ lửng ở một thể khí và ánh sáng. Và rồi ở thể nào đi nữa, cuối cùng, họ vẫn nhận ra những nỗi đau muộn màng của chính kiếp sống của mình. Bằng cách nào đó, họ lại tái sinh và tiến hoá một cách bấn loạn và điên rồ không kiểm soát. Những linh hồn nhẹ hẫng, lẻ loi và trơ trọi giữa đá sỏi, đất cằn và cát nóng. Họ lấy gì để gầy dựng mình nói gì đến một bóng cây, tiếng hát, một mái nhà?

Biên dính vào da của một con cá voi xanh và vượt thoát ra rạng san hô ngả màu bóng tối. Lòng nước khi thì ấm mát lúc chợt cóng lạnh. Biên thấy mình như đang bám vào một con tàu vũ trụ. Trước áp lực của nước và sóng gió, trăng vẫn miệt mài vằng vặc. Có những sự đơn độc ngay cả khi được gọi là đồng hành như lúc này. Vũ trụ là khoảng không nằm ngoài sự tưởng tượng đang trùm lên nỗi cô đơn cực độ của một linh hồn. Sự xúc chạm của nước, ánh sáng và im lặng khi cá voi lao đi khiến Biên biến dạng. Sự biến dạng trong tâm thức như khi con người đem lòng ghẻ lạnh muôn loài. Động tác bơi như lao đi và trốn chạy. Sự trốn chạy không còn người rượt đuổi. Sự trốn chạy chính mình mới là sự trốn chạy dai dẳng và khủng khiếp nhất mà Biên nghĩ lúc này. Sự rời đi không hẳn để kiếm tìm một điều gì khác. Sự rời đi lúc này của những con cá voi là một cách giữ lại trong bộ gen của mình một ký ức đẹp ở nơi chúng đã từng đến. Sự rời đi là một lời nói tha thứ chính bản thân chúng. Chúng đi chỉ giữ lại bên mình nước và ánh sáng. Chúng đi như một cách thiền về mai sau mãi mãi.

Đã cách mùi hương quyến dụ của bờ bãi hàng ngàn dặm, chúng thả mình nổi lên mặt nước để Biên có được một trải nghiệm xúc chạm khác. Mặt trời và những âm thanh đồng nhất không lẫn tạp tiếng người đã khiến chúng phấn khích búng mình lên khỏi mặt nước. Bọt nước nơi đây có màu của ký ức. Và lần đầu tiên Biên nghe được tiếng kêu động chân trời của lũ cá voi xanh.

Bơi giữa lòng đại dương, mái che của mỗi linh hồn chính là sự trải nghiệm của mỗi linh hồn đó. Đã có lúc trên trái đất, con người đã trần trụi và hoảng loạn nép trong nhục thể của mình. Sự co cụm đôi lúc hèn hạ và đáng khinh bỉ kia may thay còn có được một tên gọi để mà trả. Nay, dưới lòng sâu này, cảnh hoang tàn mà nước trong, nắng đẹp, trăng rằm kia chỉ ra khiến những linh hồn như Biên lại chết thêm một lần nữa. Chẳng biết trốn vào đâu bởi sự tàn lụi im lặng đầy phẫn nộ kia. Chẳng biết nhìn vào ai để chia sớt bớt tội lỗi hủy diệt này. Những tấm lưới quét khổng lồ đã nuốt trọn sinh vật biển và gieo mình minh chứng cho những cuộc càn quét khủng khiếp nhất của thời đại. Những con cá voi đã bị mắc lại trong những khoảng lưới lạnh lùng kia. Mọi thứ cứ chìm xuống theo cách nghĩ của con người. Nhưng ở đây Biên thấy chúng đang làm một cuộc nổi dậy. Cuộc nổi dậy lớn nhất cho tất cả những gì đã và đang chìm xuống.

Trăng sáng, mặt trời cháy, những tảng băng tan ra và ngùn ngụt trôi đi. Những bầy cá mở trừng trừng mắt. Những rạng san hô hồi sinh lần cuối, sóng gió và mưa rơi. Giông tố cho một cuộc tổng phản công sắp đến.

Tịnh bước đến và đặt vào tay Biên một tờ giấy đầy chữ viết:

Đứng yên trong chiều và rớt vào những hố thẳm

Biển

Người tiên tri nhìn vào gương mặt của nước.

Tiếng lòng mắc vào những chiếc lưới quét chằng chịt đáy sâu

Ở biển, cá đang bơi kiểu như chúng ta đang tìm cách thở trong viện

San hô đang sống bằng cột sống vôi hoá của người già

Ở đáy biển còn có những vực thẳm khác

Vực thẳm của nhựa, rác thải và nghiệp sát

Phù du mang tên loài người

Thiêu thân mệnh danh tinh khôn có vú

Người học thuyết tiến hoá, siêu sinh và quên chữ diệt vong

Người lắp thêm những hàm răng để cười, nói những lời thương yêu giả dối.

Con đường về nhà không giống cách đây mười năm nữa.

Mọi con đường đã không dẫn về mái nhà nào!

Xuống biển lúc này

Có khác chi nhảy vào lửa đỏ?

Máu cá voi đã nhuốm mặn trăng rằm!

Những kẻ thu vén đã ở đây

Đã thay đổi quyết định bao la, hiền hoà của biển.

Hãy tha thứ cho tôi!

Tôi xin lỗi!

Tôi cám ơn!

Tôi thương bạn!

Tôi nguyện cầu cho bạn được bình an!

(Ước gì điều này còn ý nghĩa!)

Khi con người nhắm mắt, họ nhận lại bóng tối

Tôi phản ánh bạn

Tôi phản ánh những gì tôi mang vận.

– Hãy tha thứ cho tôi!

(Ước gì điều này còn ý nghĩa!)

Biên buông bài thơ xuống và ôm chầm lấy Tịnh.

Cá voi xanh rơi những giọt nước mắt người đầu tiên từ lúc nắm tay Biên ở bìa rừng.

***

Có những giống cây nhiều đời không chịu ở đất này. Bạn có biết vì sao không? Tất nhiên là do đặc điểm thổ nhưỡng và môi trường. Nhưng có một đặc điểm khác mà giờ Tịnh mới phát hiện ra là cây cối cũng chỉ sống ở những nơi có tình yêu thương đủ lớn dành cho nó. Trước khi Biên và Tịnh đến, nơi đây là một ngọn đồi mồ côi đầy đá tảng và khô khốc. Nắng lửa và mưa nguồn đã như một người mẹ ghẻ lạnh qua đây gây thêm nhiều vết thương và khiến chúng trở nên vô cảm, bất trị. Nhiều người đã từng thử gieo hạt, trồng cây. Nhưng họ đã chưa đủ kiên trì, chưa đủ yêu thương và cả hy sinh như việc chăm sóc một đứa con bị tổn thương tâm lý lâu năm nên việc làm đó đã không đem lại kết quả tốt đẹp nào, ngược lại nó còn khẳng định sự bất trị của vùng đất. Rồi đến lúc, ai cũng coi việc phục hồi là điều không thể.

Sau chín ngày ngồi trong một hang đá lớn, qua lời kể của những cơn mưa và loài chim Dẫn Dụ, người nữ nghe ra những ngày nắng cháy trên khắp da thịt mình. Cái nắng cách cô nửa vòng trái đất đã hoả táng cô bằng nguồn năng lượng suy tưởng. Những côn trùng khác không ngừng cầu nguyện, hát ca về một vùng đất của ký ức. Cơn gió thổi những tàn tích linh thiêng về phía đại dương. Người nữ đã men theo đường tơ rung giọng hát hò khoan mà đậu xuống dưới cánh rừng này. Buổi người đến là một ngày tháng mười. Trời mưa như cầm chĩnh đổ. Mỗi hạt mưa là một hạt giống nguyên thủy từ tổ tiên của người Kogi lưu giữ. Hạt mưa cắm xuống đất đá, giăng mắc vào tiếng nước chảy khúc hồi quy thành thật. Trăng bắt đầu dừng chân lại chốn này. Những tảng đá lớn chịu lời pháp thuyết đã nứt ra thành khe suối nhỏ. Nước từ những nguồn cơn đạo lý được dẫn nhập. Hạt nảy mầm cho một lần thử thách tồn vong.

Biên bắt đầu chăm cây cối bằng cách chăm những bước chân trần của mình trên đá sỏi. Bàn chân luôn có một tiếng nói quyến thuộc với đất đai. Con đi để biết mình đang đi, đi để biết cách dừng lại, đi để biết nghe và nhìn. Đi đến khi nào những bước chân sống dậy niềm trắc ẩn. Lời tổ tiên mọc lên từ đất, mọc ra từ những hòn sỏi nhỏ, từ những đám mây lam lơ lửng buổi chiều tà. Nơi nào chân con không muốn rời, nơi đó luôn có sự sống. Nơi nào bước chân con qua còn giữ lại dấu vết, nơi đó có linh hồn. Và nơi nào con đi qua mà trong lòng không mảy may rung cảm, nơi đó cần con dừng lại. Biên đã đi hết ngọn đồi này bằng một thương yêu cổ kính. Mỗi bước chân là một cảm truyền, là một sẻ chia, phụng sự. Biên đã ngộ ra rằng, dưới những dấu chân là một vùng đất quê hương. Mỗi bước chân chậm rãi là một lời chào, lời cám ơn, là một hẹn ước. Và những cái cây hẹn ước đã mọc lên xanh tốt, kiêu hãnh và mạnh mẽ từ những dấu chân Giao Chỉ đó.

***

Chín năm Biên quay mặt vào cây. Chín năm loài chim thiên đường đã bay được nhiều vòng tự do quanh trái đất. Chín năm mùi hương của những bông hoa đã lớn thành quê nhà. Chín năm tiếng hát của mẹ ở xứ sở nước mắt đã thành một câu hát ru trên môi những bà mẹ trẻ…

Khi người chưa gieo hạt

Đất đai buồn vô tri

Mầm xanh lên ý nghĩ

Thổ nhưỡng là con người

– Xin chị cho biết bí quyết chọn giống và kỹ thuật gieo trồng trên đá sỏi? Làm thế nào chị có thể phủ một màu xanh và tràn đầy âm thanh của sự sống lên ngọn đồi trọc sỏi này?

– Chị có biết mình đang sở hữu một tài sản khổng lồ?

– Chị có đồng ý chuyển nhượng toàn bộ quả đồi này cho tập đoàn của chúng tôi để chúng tôi tiếp tục khai thác đầu tư du lịch sinh thái không?

Chị có muốn…?

Xin chị…!

Chị ơi…!

……………

……………

Đó là những câu hỏi mà người đời đã không ngừng thốt ra mỗi khi ngang qua cánh rừng. Biên đã đứng vào một cái cây nhỏ để ủi an chúng. Mắt Biên không nhìn họ, tai không nghe tiếng nói của họ. Tóc Biên phủ xuống, màu tóc như xá lợi của mặt trăng. Tiếng mẹ lại nhẹ nhàng: Ở mọi nền văn minh, sự yêu thương luôn là điều cốt lõi. Và sức mạnh của yêu thương nằm ở sự truyền dạy đúng đắn. Các con luôn làm mọi thứ trong cô độc, lặng lẽ. Những lợi ích cá nhân khi đã bị đem ra chia chác thì không bao giờ là đủ cả, sẽ luôn ít, luôn thiếu. Điều cần thiết bây giờ là một lời cảnh báo, một thái độ thẳng thắn không dung túng. Đã đến lúc họ phải nhận lấy sự trừng phạt. Đã đến lúc họ phải trả giá.

“NÓNG ĐẾN BAO GIỜ?

Xin thưa! Về ngắn hạn, trong đợt nóng này thì đến ngày 22 tháng 6 trời sẽ hơi đỡ nóng khi có các cơn mưa rào ở hầu hết mọi miền, trừ vùng ven biển từ Nghệ An vào Quảng Trị vẫn nóng và phải đợi sau đó ít ngày mới đỡ nóng. Nói là đỡ nóng thôi chứ giai đoạn này vẫn đang là mùa gió Tây Nam nên không mát mẻ được.

Nhìn xa hơn, với những chuỗi số liệu khí tượng và sự gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển cho thấy: Chúng ta sẽ phải đối diện với một tương lai khá khốc liệt phía trước.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (National Oceanic and Atmospheric Administration – NOAA) mới đưa ra chuỗi số liệu thống kê cho thấy một số điều như sau:

– Chuỗi số liệu trong 142 năm từ năm 1880 – 2021 cho thấy: Trong vòng 6 năm gần đây tính từ năm 2016, số liệu ghi nhận các tháng tháng 5 hàng năm có nhiệt độ toàn cầu cao kỷ lục. Đó là một chuỗi tăng đột biến với mức tăng hơn 1.5⁰C so với trung bình chung của thời kỳ tiền công nghiệp. Sự gia tăng này lại không phân bố đều mà theo hướng ngẫu nhiên tùy vùng miền. Tháng 5 năm 2021 là một trong sáu tháng 5 nóng nhất lịch sử mặc dù dịch COVID đã hạn chế được 10% phát thải khí nhà kính trong năm nay.

– Nồng độ khí nhà kính có mối tương quan khá rõ rệt với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Và nếu chúng ta nhìn vào sơ đồ gia tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển thì thấy mức độ gia tăng khí nhà kính giai đoạn này đã gấp đôi so với giai đoạn trước năm 1980. Giai đoạn hiện nay, loài người đang thải vào khí quyển khoảng 38 tỷ tấn CO2 mỗi năm và nếu tiếp tục duy trì mức gia tăng phát thải hiện tại thì đến năm 2050 loài người sẽ thải vào khí quyển khoảng 51 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Khi đó ngưỡng gia tăng nhiệt độ không phải chỉ vượt 1.5⁰C mà là 2⁰C – 2.5⁰C. Mức gia tăng đó là một cuộc khủng hoảng khó chống chịu.

Vậy có còn xa lắm không để chúng ta chứng kiến cuộc khủng hoảng đó trong những năm 2050s? Xin thưa đó là 30 năm ngắn ngủi và đa số chúng ta, con cháu của chúng ta sẽ đối diện với nó. Tất nhiên những người ở thế hệ 6x và 7x không còn nhiều người sống được đến lúc đó, nhưng với những đứa trẻ sinh ra hôm nay sẽ là chủ nhân của thế giới ở những năm 2050s ấy. Liệu chúng sẽ đối mặt với khủng hoảng khí hậu như thế nào? Chúng là con và cháu của chúng ta đấy.

Không cần đợi đến năm 2030s hay 2050s để thấy rõ cuộc khủng hoảng khí hậu mà những tác động của nó đang diễn ra thật gần cả về không gian và thời gian quanh chúng ta.

Tôi có một nỗi lo về hệ lụy của một cuộc khủng hoảng nguồn nước trầm trọng khi El-Nino quay trở lại. Giai đoạn đó có thể là khoảng mùa khô cuối năm 2022.

Vậy thì:

Trước khi đặt bút ký việc xóa sổ một khu rừng, dù là rừng trồng thì hãy nghĩ rằng con cháu sau này sẽ không còn nguồn nước, không chống chọi được với nắng nóng.

Trước khi cầm cái cưa để cưa một cái cây, hãy nhớ đến những ngày nóng như thiêu như đốt này sẽ lặp lại và khốc liệt hơn. Xin đừng cưa, đừng chặt cây!

Không cần làm gì to tát cả, thấy chỗ đất nào trống thì cứ trồng cây vào đó. Có nhiều cây thì thành rừng. Còn cây và còn rừng thì còn nguồn nước sạch”.

(Huy Nguyễn)

Nội dung của một trạng thái vừa phát đi trên mạng xã hội trong những ngày nắng thiêu đốt thành phố. Biên ngậm một chiếc lá như ngậm một lời cám ơn từ người lên tiếng. Cơn mưa buồn lại về ngang núi nhỏ. Mưa đang hát lời hát hi vọng. Mưa đang kết nối những con đường pha dịu lại biển xanh.

(Còn tiếp)

Comments are closed.