Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 173): Nguyễn Danh Bằng – Nhà cũ

Ðó là một ngôi nhà ngói lớn. Nó chạy dàn ngang thành ba gian. Nhiều cột vuông chia đều lêu nghêu. Vách gỗ chia giữa các gian, có thể do lúc mới dựng ván còn ướt sau co lại tạo những khoảng hở đều đặn mà bố tôi phải dùng giấy báo dán lên. Ngoằn ngoèo chằng chịt đường mối đùn. Tôi hay cạy vỡ những đường mối đùn ấy cho những con gà nhỏ bắt ăn mấy con mối trắng phềnh. Có lần cả ngôi nhà rúng động, một cột chống phần hông nhà gẫy đổ khục xuống, ngói xô ràn rạt. Bố tôi cậy hết mấy người quen xúm vào bẩy cả phần mái lên rồi lót hòn đá tảng dưới chiếc cột gẫy.

Tôi hay nằm nhìn lên cái mái hình tháp mục nát, ánh nắng rọi thành luồng vàng ong những hạt bụi bay vơ vẩn. Ngôi nh trống tuềnh trống toàng, ở góc nhà là cái chạn bát tối om, cũ kỹ.

Tôi đã sinh ra trong những năm tháng khó khăn, nghe kể lại thế. Ông bố tôi là một người nghiêm khắc độc đoán. Những bữa cơm chiều thường rất im lặng trong sự cay nghiệt của ông ấy. Cả nhà, anh chị em đông đúc gầy gò chen chúc vừa đập muỗi vừa và những miếng cơm rau, sồn sột soàn soạt. Những bữa cơm như thế rất yên ổn, rất bình dân, rất đức hạnh, nhưng tù túng buồn bã! Tôi là một đứa bé mải chơi, hay nhìn vào những cái bóng của mọi người run rẩy trên vách, hoặc nhìn chằm chằm vào đôi đũa cả trên cái nồi gang khổng lồ đen đặc mun khói đặt gọn gàng trên cái rế tre. Tôi nhìn ông bố tôi cau có, trông ông đầy quyền lực, nhưng mãi lâu lắm sau này tôi mới biết thật ra ông là một người bất an và đa nghi!

Ðó là tất cả những gì tôi nhớ được về nơi tôi đã sinh ra. Trí nhớ tôi như một cái xơ mướp với nhiều khoang rỗng trơ xác, mất dấu, mà tôi cũng đã một đôi lần cố bịt trét làm đầy. Trí nhớ hành hạ tôi, xúi bẩy tôi, khiến tôi trở thành một người bất ổn, dằn vặt, tìm kiếm.

*

Khoảng thời gian khi tôi đã có thể nhớ được rõ ràng thì lúc ấy đã lớn. Tôi sống trong đô thị lớn, có văn hóa. Tôi đã làm sao, lang bạt thế nào để đến thành phố này, trời biết. Có dễ đến mươi cuộc dời chuyển. Ðời sống ở đây bình lặng và êm ả…

Ngoài đường người ta chào ngắn ngủi vài câu trao đổi về thời tiết:

“Ê chào buổi sáng.”

“Chào buổi sáng. Dẫn chó đi bộ hả?”

“Ừ hôm nay khô ráo.”

“Thế nhé.”

“Chào.”

Ðại loại thế. Cũng có những câu bàn tán bẩn thỉu đôi khi nhưng nhẹ thôi:

“Ê đừng đến cái nhà hàng đó nữa, đổi chủ rồi, một thằng đầu bếp thối tha!”

“Thế à?”

“Chắc lâu lắm không ra ngoài hả? Có gì mới không?”

“Ừ, bị trật chân.”

“Thế à, thôi nhé.”

“Chào.”

Quán xá ở đây sáng sủa nhưng người ta đến đây không phải để tán gẫu mà để làm việc. Có nhiều buổi sáng cuối tuần mùa đông tôi chẳng có gì làm, ra quán ngồi đọc sách. Một lần tôi vớ đọc cuốn sách nói về những lý thuyết Vật Lý hiện đại. Ðấy là lần đầu tôi đọc về lý thuyết không gian thời gian của Einstein. Thời gian có thể co giãn! Nếu chúng ta di chuyển nhanh hơn ánh sáng, chúng ta có thể đi ngược về quá khứ. Có thể. Nhiều ngày tôi nhìn ra ngoài quán thấy những điều chung quanh mình không hoàn toàn hiện hữu, chúng là những biểu tượng tạm thời.

Tôi ở trong một khu chung cư xuống cấp, giá rẻ, nơi ngụ cư của những người già, thất nghiệp, học sinh, những tay tìm kiếm thể nghiệm. Tôi không lấy làm lạ khi gặp đủ thứ người lôi thôi, bộ dạng kì lạ ở đây. Ðối diện phòng tôi có một bà già da đen trồng đủ thứ cây cảnh nhiệt đới trong phòng. Bà trò chuyện quát mắng với cây cối như thể chúng là người. Bà ồn ào một mình ở trong phòng nhưng im lặng ngoài đường. Còn ở góc bên trái gã da trắng gốc Anh suốt ngày đi nhặt rác ở hành lang, gã nhặt từng mẩu giấy nhỏ, cành vụn, thu vén. Gặp ai gã cũng chào hỏi lí nhí, nhưng hay nhìn theo. Tầng trên có những người thanh niên đẹp đẽ nhưng khó hiểu, họ hay biến mất nhiều ngày rồi ồn ào náo nhiệt suốt đêm khi trở về. Thỉnh thoảng tôi chạm trán ở cầu thang máy, thấy họ nhem nhuốc bê bết nhưng ánh mắt vui vẻ hân hoan. Tôi lấy làm lạ! Nhiều lần tôi ngạc nhiên để ý khi mình đã bước ra ở tầng một, họ vẫn ở lại trong thang máy đi tiếp xuống tầng hầm! Ðó là một tầng hầm lớn trước đây dùng làm bãi đậu xe, nay hư hỏng, chất đầy rác rưởi, vật dụng hư cũ, không đèn đuốc, toàn chuột bọ.

Một lần không cầm nổi sự tò mò, tôi mon men mò xuống căn hầm xực mùi ẩm mốc. Chẳng có gì. Ðồ đạc ngổn ngang, ghế sô pha, bàn gỗ gẫy chân, máy giặt móp méo, quần áo cũ… Giữa núi đồ đạc phế thải ấy tôi nhận ra một lối đi luồn lách qua các chướng ngại. Tôi đi len qua những hàng cột, đi quanh vào một ngách nhỏ. Ngách này là nơi tiếp giáp giữa hai dẫy chung cư, một lằn hẹp ánh sáng ở trên cao, đất ở dưới. Mặt đất nhẵn thín với nhiều vết chân đi lại. Tôi đi sâu vào và nhận ra một miệng hầm ăn sâu vào lòng đất. Ðúng lúc ấy một con bé bước ra nhem nhuốc, nó nhìn tôi trô trố. Tôi ấp úng:

“Tôi tò mò quá! Chỉ muốn biết qua các bạn làm gì dưới này.”

“Tìm kiếm” Giọng con bé rề rề.

“Tìm gì thế?”

“Chẳng biết.” Một lúc sau nó nhún vai: “ Anh xuống đi.” Nó đi trước tôi đi sau. Và như thế, lần ấy tôi khám phá ra thế giới của họ.

Tôi bị cuốn hút và gia nhập ngay vào cái thế giới ấy. Tôi và những người trẻ sống và đi lại trong những tầng hầm đào khắp dưới lòng thành phố. Cuộc đào xới hứng thú lắm, chúng tôi tìm được nhiều vật lạ, cất lại, lau chùi, đem bán ở phiên chợ trời cuối tuần trên phố. Thường những món có thể dùng hoặc trưng bày được dễ bán hơn, những món quá xa lạ và khác biệt bán được giá cao nhưng rất khó bán. Dẫu vậy chúng tôi chẳng kiếm chác được bao nhiêu, thường bọn mua đi bán lại biết đánh bóng, mời chào ở cửa hiệu riêng kiếm chác hơn nhiều. Chúng tôi không quan tâm lắm, cái việc đào bới trong những tầng ngầm tách biệt tối tăm thì kích thích đến kỳ lạ.

Khoảng thời gian đầu tôi đào cần mẫn lắm, khoét rộng nhưng thi thoảng chỉ được những món nhỏ thường thấy: bộ ấm vuông mẻ miệng không hoàn chỉnh, cái khay đèn bằng đồng có chạm khắc hoa văn, con dao bạc cong vòng mất phần nạm ở cán, đại loại thế. Hầu hết tôi không bán được những món ấy, nó đã sẵn đầy ở chợ.

Mãi lâu sau nhờ con bé gặp buổi đầu mách, tôi mới nhận ra mình chỉ đào quanh. Những đứa kinh nghiệm đào về một phía, chúng đào xa lắm, có khi mất biệt, rồi thình lình xuất hiện mang về món bở. Thế là tôi và con bé cùng đào mãi xa vào một hướng, tìm được những món lớn hơn. Những viên đá có khắc hình nổi dáng người cổ nhảy múa, những đồng xu hoen rỉ, cây súng nòng dài mất báng, vân vân.

Một lần tôi mang ra chợ món đặc biệt tìm được. Người ta đứng xúm xít lại coi. Ðó là một khối vuông vức màu nâu trong và thẫm. Bên trong có nhiều vệt hình dáng của rơm rạ, một ổ tròn đan như ổ chim, và có vài vết phẩy dáng như chữ viết.

“Thôi phải rồi, đấy là cái lồng đúc để giữ lại được những món trong ấy chứ gì?” Người ta bàn tán.

“Một văn bản cũng nên.”

“Nó làm tôi nghĩ đến một cái gì hết sức đặc trưng, hết sức đơn giản về một điều nghiêm túc nào đó”

“Trò nỡm!” Cũng có người bảo.

Cứ thế họ bàn luận giả thiết.

Một người trả tôi món tiền khá rồi mang nó đi. Ðám đông tản ra ngay, tôi ngồi trơ lại. Thật tức cười, tôi cảm thấy mất mát.

Một lần tôi khám phá ra cái ngách nhỏ. Ðằng sau cái ngách độ chục đứa bé độ bẩy tám tuổi kéo tay tôi chạy thụt vào căn hầm dài hoăm hoắm. Sau một hồi dài đi quanh queo những khoảng đá hẹp chúng dẫn tôi ra bãi phẳng trống đầy tuyết, dòng nước đóng băng, cành cây trĩu xuống những thanh đá dài. Có mấy căn nhà quét vôi trắng, sơ sài nhưng sạch sẽ. Ðứng dưới những lùm cây rải rác đây đó nhiều cặp đang ôm hôn nhau, họ cũng bất động như khối băng. Cái gì đó rất yên bình và thanh khiết. Mãi lâu lắm tôi mới dứt ra mà đi được.

Khi trở về tôi khoét rộng một phần hầm lớn thành hai gian ngăn nắp. Con bé mang dọn vào một ít đồ đạc. Mỗi bận đào được chút gì có được ít tiền, chúng tôi lại mua sắm thêm vật dụng thiết yếu để bày biện. Chúng tôi trữ cả một ít rượu, uống mỗi ngày, nhiều hôm chẳng thiết ra đến ngoài.

Nhưng dù vậy, đêm đêm trong căn hầm hai gian ấy, tôi cứ thấy dường như mình đang rơi xuống một cái hố vuông vắn, mà khi ngước nhìn lên chỉ thấy vách đất cao vút, mãi trên đỉnh thấp thoáng tàn cây của cánh rừng già nguyên thủy. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ gia đình tôi ở trên đấy. Có thể họ đang chất những khúc gỗ mới xẻ, có thể bố tôi đang bổ từng nhát búa vào những miếng củi tròn, có thể mẹ tôi đang to tiếng la hoảng anh chị tôi, tất cả vẫn còn là những đứa bé nhem nhuốc bồng bế lẫn nhau, có thể những con heo mọi bụng phệ đang ủi tung một vũng lầy, đất đen đặc và ướt sau những trận mưa rừng nhiệt đới dữ dội, cây đang mọc vượt lên tranh giành sự sống, những sợi dây rừng to lớn cong vòng vắt vẻo đan vào nhau như một bức tường vững chãi hiên ngang. Tôi muốn gọi to lên nhiều lần nhưng điều đó làm cho con bé hoảng sợ! Con bé hỏi:

“Sao thế?”

“Chẳng sao cả.” Tôi đáp. Con bé ngoảnh đi tư lự rồi thở dài. Tôi hỏi:

“Sao thế?”

“Chẳng sao cả.” Nghĩ sao nó lại nói thêm: “Nhớ ngày còn bé!”

Cả hai chúng tôi ngoảnh đi.

Cũng có lúc tôi nói thật ra mọi điều vẫn chưa ổn. Con bé vẫn im lặng nhìn mãi lên những mảng gỗ trên đỉnh trần. Chúng tôi nằm đó rất tạm bợ!

Một hôm cả nhóm đang ngồi tán phét bên chiến lợi phẩm, một gã trung niên thình lình chui ra từ một ngách hầm. Trông gã râu ria bụi bặm, trầm ngâm và vững chãi. Tụi tôi nhao nhao hỏi gã:

“Ðược miếng nào không?”

Gã chẳng trả lời nhìn chiến lợi phẩm của chúng tôi một lúc rồi nói:

“Ðào nông quá! Quí vị còn đào xơi!”

“Thế có tìm được gì không?” Tôi nóng nẩy.

Người gã trống trơn. Dù vậy trông gã thảnh thơi như một người được của.

“Tớ thấy rồi, các cậu cứ đào về hướng ấy, nhưng đào sâu xuống.” Nói rồi gã bỏ đi về hướng ngược lại.

Tôi nghĩ mãi. Ðồ gàn.

Cả bọn đã tan ra, nhưng tôi vẫn ngồi đó nghĩ mãi. Tới tận bây giờ tôi vẫn sống như một miếng ván bị nhổ bật quăng xuống dòng nước. Nó bập bềnh vướng víu. Thật ra vẫn cứ có điều gì đó xúi bẩy!

Tôi quay trở về căn hai gian nhưng chỉ đứng ở bên ngoài, gọi khẽ. Con bé bước ra chạm khuỷu tay tôi trong bóng tối…

Thế là tôi “ly khai” với bọn thanh niên, tiếp tục với rất nhiều ngày dài một mình. Tôi kiên nhẫn đào xới và mất dần nhu cầu gần gụi tiếp xúc. Sau một thời gian dằn vặt cô đơn tôi bắt đầu thấy ý tưởng mình sáng rõ và mạnh mẽ, nhận ra trí óc mình trước đây chưa từng bao giờ sáng rõ như thế do những chung đụng và co kéo tầm phào với những người chung quanh. Tôi cảm nhận thân thể mình trọn vẹn, cảm nhận hơi thở mình trọn vẹn, cảm nhận khả năng tìm kiếm và chiếm lĩnh trọn vẹn.

Thay vì hùng hục đào xới cả ngày, tôi bắt đầu lắng nghe. Trong những giờ khắc yên tĩnh nhất, áp tai vào thành đất tôi nghe cả trăm ngàn âm thanh li ti hỗn độn. Tiếng ấu trùng cựa mình, tiếng rễ cây tách vào lòng đất, tiếng róc rách mạch nước ngầm, tiếng lạ lùng. Tôi cứ vừa nghe vừa đào, không hối hả không dằn vặt. Ngày ngày trôi qua, những âm thanh trở nên rõ dần. Có lúc nghe như tiếng nước chẩy trước mặt, tôi vội vàng bẻ ngoặt hướng đào.

Ngày kia tôi phát hiện một cánh cửa gỗ nặng nề trễ xuống một bên. Có tiếng rì rầm ở bên kia. Tôi hé mắt nhìn vào qua kẽ nứt khe cửa. Dọc dài theo vách hai dẫy giường dài, đủ thứ người chen chúc nằm, tôi chỉ thấy được những bàn chân hếch lên hướng ra phía ngoài. Những bàn chân chìa ra ngay trên hàng số. Tiếng một người đàn ông rên rỉ:

“Chán quá đi mất các bác nhỉ!”

“Có ai kể chuyện gì đi nào.” Một giọng khác.

“Trò ấy nhàm!”

“Này cậu, cậu đừng nằm co như thế, đã chật.” Có tiếng trở mình.

“Thế đã đủ chưa?”

“Ðủ thế nào được.”

“Thế thì tôi chịu.”

“Ừ biết thế.” Im lặng hồi lâu.

“Bao lâu rồi nhỉ?”

“Chẳng nhớ”

Nhiều tiếng sột soạt người ta trở mình. Tiếng gãi lưng. Tiếng ngáy. Có tiếng thở dài. Rồi tất cả im lặng. Chỉ thấy những đôi bàn chân và gấu quần.

Tôi thở dài ngao ngán đào qua hướng khác.

Có lúc nghe tiếng líu ríu, tôi moi thốc tới, đất sạt ra lộ căn hầm thấp và dài, vài trăm con vịt trắng cạc cạc chạy dồn về một góc. Rơm lầy nhầy vẫn ướt rải rác. Ở một góc hầm vẫn leo lét lửa thấp của ngọn đèn dầu, một cái nón lá, một cái sào trúc và cái áo tơi. Chiếc áo làm từ sơ dừa, đập dập và đan kết, có cả phần choàng qua vai. Nó cũ đen, xơ mướp ra ở phần tà. Phía cuối hầm, tấm phên tre xộc xệch. Bên ngoài tấm phên ấy chắc hẳn hướng ra cánh đồng lúa nước, hẳn có nhiều bờ đất và con sông nhỏ chạy qua một xóm với nhiều lưới vó chắn ngang. Tôi nhìn rất lâu, cảm thấy phấn khích một cách kỳ lạ, không thể lý giải được vì sao lại thích thú như thế khi chỉ khám phá ra một khung cảnh tầm thường như thế. Hình như nó không hẳn chỉ là sự phấn khích, một phần nào cảm động. Sau đó tôi se sẽ trám lại lỗ hổng mà mình vừa moi ra. Căn hầm nằm đó như một dấu diếm.

Nhưng thậm chí còn thích thú hơn khi một lần tôi tìm ra hẳn một phiên chợ đêm. Cảnh mua bán lào xào, bóng những người đàn bà mặc áo bà ba, quấn khăn, đi chân đất, gánh hai rổ hàng với những ngọn đèn hột vịt le lói. Họ ngồi dọc bên một con đường cát, cũng co kéo, cũng rao hàng, cũng gà qué quang quác, cũng cãi vã, khẽ thôi, cũng mặccả cũng gọi giật lưng, bằng lòng nhưng chặc lưỡi.

Tôi ngồi xuống hỏi người đàn bà bán hành củ:

“Bà ơi đây là đâu?” Bà vẫn nhanh nhảu chào hàng với những người đang rảo. Lúc sau bà nói:

“Ngã ba Chợ Hôm.”

“Thế gần xã Giồng Trôm à?” Tôi hồi hộp.

“Cậu đang giỡn à?” Bà trợn mắt. Tôi hỏi tiếp: “Sao?”

Bà tiếp tục rao hàng “Năm chục hai mớ, hai mớ năm chục, mại dô.”

“Thế xã Giồng Nềnh?”

“Nghe nói xã giải tán từ hồi còn đánh nhau!” Lần này bà trả lời.

“Sao thế?”

“…chắc là tàn phá, nghe nói còn rặng tre cháy.”

Bây giờ thì tôi lại nhớ ra thêm, xã Giồng Nềnh có con đường rất trơ, mỗi buổi trưa nắng nó đỏ lên, bốc hơi lên như thể sắp cháy. Thỉnh thoảng có những người đàn bà mặc quần đen đội nón lá gánh đi liêu xiêu bé tí. Tôi nài nỉ hỏi thêm:

“Thế người ta đi đâu?”

“Chắc là vào thành phố, hay đi đâu không rõ.”

“Thế còn những con bò?”

“Chắc là bị bắn chết quá!”

“Sao lại thế?” Tự dưng tôi nhớ lại hình ảnh đàn bò đi trên những ngọn đồi đất đỏ, đằng sau xa xa là dẫy rừng nhiệt đới, chúng chậm rãi, mắt chúng ướt nhèm.

“Làm sao đi tới ấy?”

“Mất đường rồi, cậu đừng giỡn nữa.” Bà quấn lại cái khăn vuông kẻ sọc ca rô lớn trên đầu. Sau thấy tôi thất vọng, bà lại nói thêm:

“Mà có ai biết chắc đâu, chỉ nghe nói thế. Chuyện từ hồi xưa!”

Bà già làm tôi buồn rầu. Tôi không tin thế, tôi vẫn nghĩ hẳn đâu đó giữa rừng vẫn còn vẹt ra một khoảng vuông, mà trong đó những ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn, có lẽ chẳng còn ai, lâu quá rồi còn gì! Hẳn vẫn phải còn những cái cổng tre xộc xệch, mà khi muốn mở phải nhấc hẳn một đầu lên. Hoặc chí ít những con heo mọi với thứ tồn tại bản năng cũng thích nghi được với đời sống rừng rú mà thỉnh thoảng trở về đi lại nghênh ngang giữa những ngôi nhà trống vắng.

Tôi lờ đờ chán nản. Cũng chẳng biết tại sao!

Một ngày kia khi tất cả sự ham muốn tìm kiếm gần như sắp lụi tàn, sự thờ ơ làm tôi lười biếng, thì tôi lại đào trúng ổ. Thoạt đầu tôi moi ra được chiếc cầu thang gỗ có cánh tay vịn, nó bị gẫy ngang, có phần mục nát. Tôi phủi những lớp đất bên ngoài và nhận ra chiếc thang quen lắm. Bên thành của chiếc thang còn đường vẽ rất mờ hình một con ngựa, nét vẽ nguệch ngoạc con nít. Ở mặt bên kia tấm gỗ có vài chữ ghi ngày tháng năm 1957. Rồi tôi moi ra cơ man là ngói, đỏ một mặt rêu một mặt, một đầu hình cong như vẩy cá đầu kia nhô ra núm ngạch nhỏ. Tôi hổn hển moi nữa lấy ra một con dao quắm đầu uốn cong, đầu kia mất cán trơ ra mũi nhọn. Sau con dao tôi lại tìm thấy một khung gỗ đóng nẹp quanh miếng lưới ruồi, bên thành khung vẫn còn dính cái núm kéo tròn bằng nhôm. Tôi ngồi bệt xuống đất nhìn mãi vào chiếc lưới ruồi thủng nát, bây giờ thì tôi đã nhận ra, nó chính là cái cửa nhỏ xíu của cái chạn bát.

Và tôi ngồi như thế rất lâu có cảm giác như mình đang là một người đức hạnh hoặc tử tế gì đấy, một cảm giác rất cũ. Chẳng biết tôi ngồi đến bao lâu, chỉ biết là lâu lắm! Rồi loáng thoáng tôi thấy ánh nắng đang soi thẳng xuống thành luồng rực lên rõ ràng trong một khoảng rộng tối đen. Hàng tỉ tỉ những hạt bụi nhỏ vàng ong cuộn lên, bay lên vơ vẩn trong luồng nắng ấy.

Thật đấy, tôi muốn nói có cả hàng tỉ tỉ hạt bụi nhỏ vàng ong cuộn lên bay lên.

Nguồn: https://damau.org/9218/nha-cu

Comments are closed.