Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 268): Bể dâu – Nam Dao (5)

MÙA RỪNG ĐỘNG (5)

*

Cô đội viên cấp dưỡng cùng đi với Thắm hớt hải nói rất nhanh, chị Thắm bị kiểm điểm, lệnh bắt trưa nay chúng em phải đi ngay. Dân điếng người, định hỏi nhưng cô ta làm ngơ, giúi vào tay Dân một chiếc khăn tay rồi thoắt biến sau lùm cây, gọi không quay lại. Dân cầm chiếc khăn màu trắng góc có thêu hai chữ D&T xoắn vào nhau, lòng bồi hồi. Kiểm điểm? Dân tự nhủ, rồi sẽ đến phiên mình. Thôi mặc, đến nước này thì kệ. Con đường độc đạo vào Vĩnh Mốc qua Xóm Rộc. Không nghĩ ngợi thêm, Dân lẩn vào những tàn lá còn ướt sau trận bão, nhắm hướng rồi đi xuyên rừng đón đầu. Xuống cuối dốc, Dân thu mình ẩn vào một lùm cây, mắt chăm chăm nhìn về phía con đường mòn chỉ một người đi lọt. Trên cành, hai con vượn chí choé chạy khi thấy bóng người, con chạy trước ôm theo một con vượn con bé chỉ bằng hai bàn tay. Dân thầm than, vượn có đôi có lứa, có con nối dòng. Còn con người? Dân nhớ chuyện một anh bộ đội con một trong làng mình, lấy vợ được hai tháng rồi đi B, đi nhưng vợ chưa thụ thai. Năm sau, anh “tút”, lén lút về làng gặp vợ nhưng không dám để ai biết kể cả bà mẹ anh nay đã già yếu. Anh trốn trong nghĩa địa đồng không mông quạnh, đào hầm ở chui, trên vách dán một tấm ảnh một đứa bé trai cắt từ báo Nhân Dân. Đêm đêm, vợ anh đến tiếp tế, ăn nằm với nhau, nhất quyết phải có kẻ nối dõi tông đường rồi đi đâu mới đi. Bốn tháng sau, vợ tắt kinh, anh lên đường tìm đơn vị, khai là mình lạc trong rừng. Nhưng chị vợ chửa bụng vượt mặt không biết ăn nói thế nào với làng xã. Chồng đi chống Mỹ cứu nước, chửa thì chửa với ai? Mẹ chồng ăn vạ, từ con dâu. Xã đội bắt chị giong lên Ủy ban, trên đường người làng nhiếc móc, có kẻ xông vào đánh đá. Bị bức bách đến độ cuối cùng chị khai thật, xã cứ thế báo lên đơn vị, và đến lượt anh chồng bị kỷ luật. Ba tháng sau, ông Bí thư xã đến báo mẹ anh bộ đội rằng anh bị tử hình. Chị vợ bụng chửa tám tháng treo cổ trên cành đa cạnh miếu Thành Hoàng đầu làng, đem chôn nhưng mắt vẫn trừng trừng, không một ai khép cho nhắm được. Cả năm sau, người làng cứ đi ngang miếu là nghe thấy tiếng trẻ khóc oe oe, ngày cũng như đêm, cho đến khi làng bị bom B-52 phá trụi.

Dân đợi độ khoảng xế trưa thì đoàn cấp dưỡng thấp thoáng đi đến. Nhẩy bổ khỏi lùm cây, Dân chồm lên chạy ra chặn. Được ba bốn bước, Dân chúi người ngã xuống đất. Một mũi súng lạnh buốt dí vào thái dương, rồi một tiếng cười gằn cất lên:

– Đồng chí đi đâu mà vội mà vàng thế?

Dân ngước nhìn chiếc băng đỏ cuốn quanh vòng tay áo xanh rêu của kẻ vừa thò chân ra ngáng, biết là đám quân báo rình bắt mình. Đằng xa, Thắm trong đoàn người nhưng Dân nào đã thấy bóng dáng. Dân gào, Thắm ơi, tiếng gào vang vang chuyền trong vách núi. Một bàn tay tóm lấy gáy Dân xiết lại. Vùng mình, Dân cố thoát ra, miệng tiếp tục gào, Thắm ơi, anh đây! Dân nghe văng vẳng tiếng Thắm:

– Cố sống về tìm em ở Ý Yên!

Nàng cũng gào lên, không phải một mà là nhiều lần, âm thanh mơ hồ đến từ nơi nằm ngoài cái cõi đời khốn nạn thời chinh chiến.

*

Cầm bút lên, tờ giấy trắng trên bàn bỗng thành mặt biển kề thôn Bàu Bính, nơi Giang và Sơn cùng chết. Giọng Chính Ủy đại đội gằn, đồng chí là đảng viên, lại là cấp chỉ huy mà đi hủ hóa, không biết tam khoan là gì à? Chưa yêu thì khoan yêu. Yêu rồi thì khoan lấy. Lấy rồi thì khoan có con. Dân ngao ngán hỏi lại, chưa chết nhưng phải khoan sống à? Một cánh bướm chao nghiêng cửa hầm, chập chờn đong đưa hình ảnh Thắm. Cuối tầm mắt, những đợt sóng xô nhau chạy vào bờ trong khoang trời âm u thu gọn biển vào một góc vòng cung lổn nhổn những gềnh đá nhô lên nhọn hoắt. Thắm phụng phịu nói dỗi:

– Em kể cho anh nghe hết về gia cảnh em, còn anh, anh bảo mật ghê quá! Không tin em ư? Hay là em chỉ là người dưng nước lã!

Dân kể mẹ Dân chết khi Dân lên bảy tuổi. Còn cha? Cha Dân ư, cha bận công tác, từ lâu lắm rồi Dân không gặp. Cha anh bận công tác gì? Bà anh bảo cha đi Liên Xô! Thắm bĩu môi, bận đến độ không gặp con? Dân chẳng biết đáp thế nào, im lặng một lát, rồi kể. Anh ở với bà ngoại. Bà kể mẹ anh lên Hải Phòng rồi mất biệt. Mẹ bế theo Nhân, đứa anh em song sinh của anh. Bà bảo, hai anh em, đứa một khoáy, đứa hai khoáy. Nhân có mẹ, may hơn anh, có lẽ nó một khoáy. Đứa nào hai khoáy là đứa vất vả. Nhưng cả hai đều không có cha. Và con không cha, bà ngoại thở dài, như nhà không nóc! Năm anh lên bẩy, một người dong dỏng cao về làng, ôm lấy anh, gọi anh bằng con. Bà bảo đây là ông bác, anh của cha. Xẩy cha thì có bác, cũng như cha. Hôm ấy, nắng gắt đến độ dòng sông Văn Úc cuối tầm mắt bốc hơi giăng ngang lưng núi Voi ngày ngày ưỡn cái mông đá xám lên nền trời xanh ngắt. Cây sấu cúi xuống mặt ao lặng lờ, mặc những con bọ ngựa mầu ngọc non ve vẩy bám vào thân cây sần sùi đang tứa mồ hôi. Chỉ bọn châu chấu ma là bất chấp, vẫn lẫn vào đám cỏ cháy, búng chân nhảy nhót lách tách, mắt nhỏng lên nhìn như thể đất trời là của riêng chúng. Đến đêm, trời mát dần. Bác anh nằm cạnh, cựa nhẹ trên chiếc chõng tre cót két, thở dài thườn thượt. Bác quạt cho anh, thỉnh thoảng nhỏm dậy nhìn ra ngoài. Tờ mờ sáng, bác dậy, thì thào với bà, rồi bác vào ôm anh, hôn lên má, lên trán. Tiếng cửa khép lại, anh biết bác lại vừa đi. Sáng ra, bà bảo, bác con lên Hải Phòng. Anh hỏi để làm gì? Bà quệt nước mắt: đi tìm mẹ mày với thằng Nhân. Hai mẹ con đi đã bốn tháng nay rồi, chẳng tin tức gì! Anh ấm ức, nhưng hy vọng bác đi tìm, ắt phải tìm ra chứ. Vài ngày sau, bác anh về. Bác về mà mẹ đâu? Thằng Nhân đâu? Không, không thể thế được. Bác ứa nước mắt, vẫy anh lại. Anh vùng chạy ra ngoài. Anh cắm cổ chạy, chạy cho đến lúc anh kiệt sức, lao mình vào đống rơm, đầu chúi xuống, mắt nhắm lại. Và anh cầu, như bà ngoại vẫn lẩm nhẩm, lạy Chúa lòng lành, hãy cho con về nước Chúa, đừng bắt con nhớ mẹ, nhớ Nhân. Hãy cho con quên cha, cái con người xa lạ kia đã không trở về, và đó là một sự bội phản.

Anh lớn lên với cây sấu, những con châu chấu ma, dòng sông Văn Úc chảy ra biển và núi Voi bằng đá sừng sững chắn ngang tầm mắt. Một năm sau ngày bác đến nhà, bà nhận được tấm bưu thiếp của mẹ anh gửi từ Sài Gòn. Bà bảo, chỉ ít lâu nữa là Tổng Tuyển Cử, mẹ và Nhân lại về. Còn bác, hàng năm bác đạp xe đạp về, đến rồi thoáng một cái, bác lại biến đi như trò ảo thuật. Đến cuối năm anh học lớp bốn, bác không về nữa. Bà bảo, bác đi công tác tận Liên Xô tìm cha con, xa lắm. Thế còn mẹ và Nhân? Làm dấu thánh, bà quay mặt làm như không nghe câu anh hỏi. Phần anh, anh nghe câu trả lời đến từ bọn trẻ cùng trường cùng lớp. Mẹ mày đi Nam, con nhà phản động ăn bơ thừa sữa cặn! Anh ấm ức khóc, thét, nhưng tao có cha. Cha mày đâu? Cha tao đi công tác ở tận Liên Xô. Cha tao về thì chúng mày đi tù mọt gông. Ha ha, chúng tao không tin, cha mày công tác bên Liên Xô vĩ đại mà mẹ mày lại đi Nam theo Mỹ-Ngụy à?

Năm mười tám tuổi, học xong lớp mười, anh tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Không được, phải là thành phần cốt cán, lý lịch trong sạch. Anh là con cháu địa chủ. Bà ngoại xưa có đến bảy mẫu ruộng, cống hiến hết cho xã, được chia lại hai sào, nhưng một ở đầu thôn là sỏi đá, một ở cuối thôn thì nước phèn ngấm đất. Ruộng như thế, bà bảo, thôi thì cho người ta canh tác. Còn cháu, cháu xin vào hợp tác xã mà làm. Cậy cục mãi, anh được nhận vào đội thủy lợi. Năm mười chín tuổi, anh lại xin đi nghĩa vụ. Vẫn không được! Năm ấy, bọn trai làng đi khá nhiều. Chúng nó lên Thái Nguyên học quân sự đâu sáu tháng, rồi đi B. Anh lên hỏi xã đội. Ông ta nhìn anh, chửi nhỏ tiên sư khỉ, rồi xách mé, ngay vào đội tự vệ xã cũng chả được! A, tại sao? Ông xã đội, giọng bí mật, chẳng tại sao cả! Anh về nhà, lén lút như một thằng ăn cắp vặt, nằm vật xuống chõng tre, mặt quay vào tường khóc thút thít. Năm ngoái, một thằng ở thôn giữa đi B về, nó mất cánh tay trái nhưng bù lại, nó xin được đi học đại học, nghe đâu về ngành điện lực thì phải. Còn anh, nếu đi B về, dẫu có mất một cánh tay hay một cái chân cũng chẳng sao. Anh không cứ còn mãi phải đi vét bùn, tát nước, đắp đê. Năm hai mươi tuổi, anh lại viết đơn thỉnh nguyện cho anh được tòng quân giải phóng miền Nam. Sau đợt Tổng công kích Tết Mậu Thân, kỳ này tình thế đã có vẻ khác. Tuyển quân dễ hơn trước, nhưng không hiểu làm sao mà anh vẫn không được chấp thuận. Bà anh bảo, cháu đi thì mười phần chết bảy. Thôi cứ ở đây với bà, bà già rồi. Anh nói, cháu đang chết lần chết mòn bà ơi. Sống thế này, như cùi hủi, làm sao sau này ngước mặt lên được, hở bà! Bà anh khóc thút thít, hôm sau quày quả lên nhà Bí thư xã. Chiều bà về, bảo anh, lý lịch cháu không chỉ có thành phần địa chủ mà còn là Công giáo. Nhưng thế nào là Công giáo? Anh mượn bà anh cuốn Kinh Thánh bìa rách to bằng hai bàn tay, bà anh không cho. Bà đốt Kinh, nước mắt ròng ròng, làm dấu Thánh rồi đưa cho anh một cái nhẫn. Bà bảo, cái nhẫn này là nhẫn đính hôn của mẹ anh, mẹ để bà giữ hộ. Bà ngậm ngùi, con giữ hay con đưa bà Bí Thư xã là tuỳ con. Sang năm, con lại tình nguyện đi B, có bà ấy giúp may ra được!

Tiếng chân nện thình thịch ngoài cửa hầm kéo Dân về hiện thực. Chính Ủy bước vào, giọng ôn hòa:

– Đồng chí đã viết xong bản kiểm điểm chưa?

Dân đứng lên, tay chìa tập giấy, ngao ngán:

– Dăm bữa nửa tháng nữa là đánh một trận quyết tử! Kiểm điểm làm gì hở đồng chí?

Chính Ủy lướt mắt trên tập giấy không có đến một chữ, mặt xạm lại, tay đấm xuống bàn quát, tại sao? Giọng buồn rầu nhưng rành mạch, Dân nói như nói cho mình nghe:

– Đảng bảo chưa yêu thì khoan yêu, nhưng không dạy chúng tôi làm thế nào để khoan yêu cho được!

Mặc cho đồng chí Chính Ủy nói gì thì nói, Dân nhìn ra cửa hầm tìm cánh bướm. Mảnh trời xanh bên ngoài lơ thơ điểm chút mây. Cánh bướm nhung tuyền trên có một nửa trái tim đỏ màu hoa gạo chập chờn lượn là bay lên đậu vào một cụm mây trắng đến lóa mắt.

Comments are closed.