Nhà phê bình Thụy Khuê: Phê bình văn học thế kỷ XX là cuốn sách quan trọng nhất trong đời tôi


Văn Việt xin gửi đến các bạn toàn văn bài phỏng vấn nhà phê bình Thụy Khuê (đã bị cắt bớt khi đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/1/2018)


Diệu Thủy thực hiện

Phê bình văn học thế kỷ XX, cuốn sách đồ sộ sáu trăm của nhà phê bình Thụy Khuê, vừa được ấn hành. Công trình công phu và giàu tính khoa học này là một đóng góp quan trọng cho hoạt động nghiên cứu, sáng tác cũng như đọc tác phẩm văn chương ở Việt Nam.

thuy-khue-3-1-1read-only-1515034358223

– Thưa bà, những người hoạt động văn chương đều biết nền phê bình của chúng ta còn yếu kém, việc tiếp cận các lý thuyết phương Tây còn nhiều hạn chế. Đó là lý do bà viết cuốn sách này phải không?

+ Đúng là nền phê bình của chúng ta còn khá phôi thai. Ban đầu, tôi định dịch cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX của Jean-Yves Tadié sang tiếng Việt, nhưng kinh nghiệm từ những hoạt động liên quan đến văn chương của tôi cho thấy cuốn sách này không giúp ích được gì cho học sinh, sinh viên, và những người muốn làm phê bình ở Việt Nam. Nó hướng về giới học thuật văn chương ở đại học Pháp, vốn đã thấm nhuần trong môi trường nghiên cứu phê bình từ nhiều năm rồi, nên bỏ qua những vấn đề mà độc giả Pháp hiển nhiên đã biết nhưng độc giả Việt thì chưa, vì vậy, tác giả triển khai một số khía cạnh cần thiết cho người đọc Pháp, mà khá xa lạ với người đọc Việt Nam. Tóm lại, đây là cuốn sách vừa thừa, vừa thiếu, cho độc giả trong nước. Thêm nữa cách trình bày vấn đề của Jean-Yves Tadié, cũng như cách chọn lựa tác giả của ông, không phù hợp với quan điểm của tôi. Cho nên tôi nghĩ mình phải viết một cuốn sách khác, dành cho độc giả Việt Nam.

Vì thế tôi phải đi từ đầu, từ con số không, để người đọc Viết Nam hình dung được con đường của phê bình văn học phát xuất từ đâu và phát triển như thế nào để đạt tới hình thức phê bình đa diện như bây giờ.

Sau khi đọc một số sách về lý luận phê bình văn học đã xuất bản trong nước, tôi nhận thấy phần lớn các sách ấy đều trình bày những lý thuyết phê bình thế giới theo lối: hoặc dịch hay chia các lý thuyết ra thành từng mảnh rời rạc, hoặc không đi đến tận cùng một vấn đề, hoặc đưa vấn đề ra một cách phiến diện, có thể gây hiểu lầm. Đôi khi còn móc nối những cái không đúng của tác giả này tới tác giả kia, làm hoang mang người đọc. Chưa kể, chúng ta còn có thói quen không tiếp cận thẳng tác phẩm, mà thường đọc qua nhà nghiên cứu này nhà phê bình kia của phương Tây, mà những “ông phương Tây” được chọn nhiều khi lại không phải là chuyên gia về vấn đề đó, hoặc có những sai lầm trầm trọng. Trường hợp lý thuyết hậu hiện đại mà tôi viết trong sách là một ví dụ sống động về sự “tam sao thất bản” này. Người Mỹ đã hiểu sai khi tiếp cận hậu hiện đại của Pháp, và họ mang cái sai đó về bên kia châu lục, người Nga lấy lại cái sai đó của Mỹ, và cuối cùng người Việt lại lấy cái sai đó từ Nga, cộng với việc dịch thuật không chuẩn, thành ra méo mó hết cả.

Tóm lại tôi thấy cần phải có một cuốn sách toàn cảnh về nền phê bình thế giới thế kỷ XX, nó sẽ giúp ích cho nhiều người, người viết cũng như người đọc, nhất là những người trẻ sắp bước vào con đường nghiên cứu văn học; ít nhất trên hai bình diện: người nghiên cứu cần biết bản chất của văn chương và công việc của mình, và người sáng tác cũng cần biết mình là ai, viết cho ai, trong tình trạng nào, trước khi đặt bút. Như vậy con đường đi lên của văn học Việt Nam sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Trong thâm tâm, đây là cuốn sách quan trọng nhất trong cuộc đời của tôi.

– Quá trình thực hiện cuốn sách này của bà như thế nào?

+ Cuốn sách này được làm trong khoảng hơn 10 năm. Khi làm chương trình văn học trên đài phát thanh RFI, công việc của tôi có hai mảng: nói – phỏng vấn nhiều tác giả; và viết – giới thiệu các tác giả trong nước và các tác giả nước ngoài, trong đó có nhiều nhà lý luận. Những bài viết đó ban đầu khá ngắn gọn. Nhưng tôi bị nhiều người phản đối khi trình bày các bài về lý thuyết văn học trên đài phát thanh, vì người ta bảo khó hiểu. Ví dụ có lần tôi nói 4 tuần về Bakhtin, thoạt đầu anh trưởng ban Việt Ngữ, bạn thân tôi, kêu quá: chị nói về Bakhtin, thì thính giả làm sao hiểu được, tuy nhiên anh vẫn để tôi tự do, nhưng lại có thính giả nói: không hiểu gì nhưng vẫn… thích nghe vì thấy lôi cuốn. Theo tôi, đó là “đạt đích”: mình nói gì thì nói, viết gì thì viết, trước tiên cũng phải lôi cuốn được độc giả và thính giả đã.

Khi đưa đăng các bài này lên báo, tôi mở rộng hơn và viết chặt chẽ hơn. Sau đó tôi đưa lên internet, các bài viết lại được làm dày dặn thêm nữa. Cuối cùng, khi sắp xếp thành cuốn sách, tôi chia ra các chương, thống nhất thành một hệ thống và viết thêm nhiều phần cần thiết. Ví dụ phần Aristote là chương đầu tiên, nhưng tôi viết sau cùng, vì tôi muốn đề cập đến nguyên nhân phát xuất của nền phê bình văn học thế giới từ cội rễ.

– Thế kỷ 21 đã gần được 20 năm, vậy những lý thuyết của thế kỷ 20 có còn là nền tảng cho nền phê bình thế kỷ mới?

+ Theo tôi, những lý thuyết được đưa vào trong sách vẫn sẽ còn là nền tảng lâu dài. Tôi theo dõi tình hình lý luận phê bình đương đại thì trong hơn 20 năm qua chưa thấy có gì thay thế được. Cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX, dừng ở Ký hiệu học, vì, đối với tôi, lý thuyết phê bình ký hiệu học cho tới nay, mang tính đa diện nhất, tức là trường áp dụng của nó rất rộng. Nhà phê bình không còn bị khoanh tròn trong điạ hạt ngôn ngữ, mà có thể hướng tới những địa hạt hoàn toàn khác nhau, qua những ký hiệu khác nhau: như điện ảnh, kịch trường, hội họa, âm nhạc… nếu họ thấu hiểu được những ký hiệu của mỗi ngành.

Ta có thể lấy một ví dụ cụ thể: Phim ảnh thường dùng ký hiệu thay vì lời nói để diễn tả: Tả hai người yêu nhau, đạo diễn giỏi chỉ cần quay một cử chỉ, một ánh mắt, và diễn viên giỏi luôn luôn dùng sắc mặt để diễn tả một tình huống của tâm hồn, chỉ những đạo diễn tồi mới bắt diễn viên nói “anh yêu em”, hay “em yêu anh”. Tóm lại gần như tất cả mọi khía cạnh của cuộc đời đều có thể diễn đạt qua một dấu hiệu, ký hiệu nào đó, tức là những “signe” thay vì nói lên bằng lời và sự giải mã những “signe” đó là công việc của nhà phê bình, xưa cũng như nay.

Văn chương cũng như vậy, mục đích là trình bày sự thực về con người, qua những dấu hiệu, cử chỉ, ký hiệu. Văn chương hiện đại, rất gần với điện ảnh hiện đại, không còn thuật một câu chuyện có đầu có đuôi (đó là lối trình bày con người thời trước), mà bây giờ, sự thực cuộc đời là những miếng đời cắt ra ném vào tác phẩm, không có trật tự gì. Cái đó được người ta gọi là Hậu hiện đại. Nhưng khái niệm này cũng chỉ là một sự “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”, mà tôi đã chứng minh trong phần phụ lục viết về Hậu hiện đại.

Tóm lại, các lý thuyết phê bình sau này, phần lớn đều đi từ Ký hiệu học, rồi, hoặc nói thêm ra hoặc cường điệu lên mà thôi. Nhiều cái sẽ qua đi, cũng như Hậu hiện đại đã trôi qua. Hai mươi năm nay tôi chưa thấy có gì đặc biệt nổi lên, hoặc nếu đã có cái gì đó nhưng còn quá sớm để trở thành một thành tựu.

– Bà có thể nói rõ thêm ý bên trên, tức là cuốn sách này cần thiết như thế nào đối với người sáng tác?

+ Trước đây người ta quan niệm người sáng tác không cần biết gì về phê bình; phê bình và sáng tác là hai phạm vi khác nhau. Nhưng thế kỷ XX qua nhiều nghiên cứu người ta đã xác quyết rằng định kiến trên là sai lầm, sự thực một văn bản không có người đọc thì chưa trở thành tác phẩm, do đó, người sáng tác và người đọc là hai yếu tố luôn gắn kết chặt chẽ. Nhà phê bình chỉ là một người đọc đặc biệt hơn người đọc bình thường mà thôi. Về phía nhà văn, họ cần phải biết người đọc mình là ai, biết mình đang nhắm tới đối tượng người đọc nào, từ đó chọn đầu đề cho cuốn sách, chọn cách thể hiện tác phẩm. Nhưng chỉ người viết nào – khi viết nhắm vào một nhóm đối tượng đặc biệt nào đó – mà lại chạm được tới cái chung của nhân loại, thì mới trở thành nhà văn giá trị.

Cuốn sách này có mục đích tìm hiểu sâu xa về hành động viết và hành động phê bình, qua những tác giả lớn của nền phê bình văn học thế giới trong thế kỷ XX, vì vậy nó cũng là một cầu nối giữa nhà văn và nhà phê bình, nói gọn lại nó giúp người viết hiểu thấu mình, và hiểu thấu đối tượng của mình, tức là độc giả, qua nhà phê bình.

Tôi đã nói trong lời giới thiệu cuốn sách rằng: “Khi cả người viết lẫn người đọc, cùng hiểu rõ hành động viết và tác động của chữ nghĩa, thì con đường phát triển văn chương nghệ thuật sẽ trở thành đại lộ.”

– Vì sao bà hướng cuốn sách này tới đối tượng là người trẻ, như bà nói trong lời giới thiệu cuốn sách?

+ Nước Việt Nam hiện nay là một nước trẻ, người trẻ chiếm đa số trong xã hội. Họ là những người sinh sau ngày đất nước thống nhất, những hệ lụy của chiến tranh đã phần nào nhẹ đi, vết thương chia cắt hai miền đã ít nặng nề, những hận thù, xâu xé đã vơi nhiều, tôi nghĩ nên dựa vào những con người đó để xây dựng sự hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước. Cho nên những gì tôi viết từ trước đến giờ – không chỉ riêng cuốn sách này – đều hướng về thanh niên, với mong muốn một sự tiến bộ trong việc tìm hiểu văn học và lịch sử Việt Nam.

Cụ thể trong cuốn sách này, ngoài việc chia sẻ kiến thức, tôi còn chia sẻ cả con đường tìm kiếm của mình, đó là việc tự học, việc tiếp cận những văn bản gốc, việc viết từ những bài nhỏ, hoàn thiện dần cho đến khi góp thành một công trình lớn… Hy vọng những người trẻ sẽ tìm thấy những điều có ích cho họ trong cuốn sách của tôi. Và tôi tin đó là con đường đưa đến những kết quả khả quan.

Box: Nhà văn Tạ Duy Anh, cho biết:

Những gì được trình bày trong cuốn sách của Thụy Khuê, chúng ta đều ít nhiều đã đọc, đã loáng thoáng nghe nhắc đến ở một số công trình khác cùng thể loại. Tuy nhiên, rõ ràng đây là công trình khảo cứu công phu nhất, đầy đủ nhất, có hệ thống nhất về những trường phái lớn làm nên diện mạo nền phê bình văn học của thế giới trong suốt thế kỷ 20. Tôi tin rằng, với nhiều người làm công việc liên quan đến văn học nước nhà, trong đó có bản thân tôi, công trình của Thụy Khuê có giá trị nhập môn rất hữu dụng. Và nó đương nhiên sẽ cần phải được đặt ở vị trí quan trọng.

Thêm công trình đồ sộ và thú vị này, Thụy Khuê một lần nữa, vẫn bằng cách thức khiêm nhường và lặng lẽ vốn có của bà, tiếp tục nêu một tấm gương lớn về tinh thần lao động nghệ thuật không mệt mỏi và vô vụ lợi. Chúc mừng bà, tôi cũng xin chúc mừng các đồng nghiệp và bạn đọc của bà. Chả lẽ đây không phải là cơ may với họ?

Comments are closed.