Uyên bác An Chi

Hoàng Dũng

image[6]

Anh An Chi (trái) và tác giả, ảnh chụp ngày 15/8/2022

1. Ngày 1/5/1955 Emile Pierre Lucatos xuống máy bay ở Hải Phòng thì đất này theo Hiệp định Genève vẫn thuộc quyền quản trị của Pháp. Ông quốc tịch Pháp, có đi Paris chăng nữa cũng còn được, huống đây là Hải Phòng. Chỉ vài hôm nữa, ngày 13/5/1955, là người lính Pháp cuối cùng lên tàu tại Bến Nghiêng (quận Đồ Sơn, Hải Phòng) để rời Việt Nam. Từ Sài Gòn, Emile Pierre Lucatos “vượt tuyến ngược” ra Bắc theo cách như thế.

Cái họ Lucatos là của người cha đỡ đầu, bạn của cha ông. Tên Việt của ông là Võ Thiện Hoa, bản thân học trường Tây Chasseloup-Laubat, nhưng tham gia Đoàn Học sinh bí mật Sài Gòn – Chợ Lớn. Ra Bắc, trong túi có thư giới thiệu với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đang giữ chức Thứ trưởng Y tế, ông không đi gặp ông Phạm Ngọc Thạch, lại tình nguyện tham gia lực lượng Thanh niên xung phong xây dựng đường sắt Hà Nội – Lào Cai. Một năm sau, ông đi học trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, để đến năm 1959 đi dạy cấp 2 ở Thái Bình. Nhưng từ năm 1965, ông “mất dạy”, trải qua đủ nghề: tạp vụ cho nhà ăn, thợ nguội, thợ tiện, dạy bổ túc văn hóa, thủ thư. Sau năm 1975, ông trở về Nam, công tác trong ngành Giáo dục, rồi đến năm 1984 dứt khoát xin về hưu non – như ông nói, “để đọc sách và nuôi chim kiểng chơi”.

Năm 1990, Võ Thiện Hoa xuất hiện lần đầu tiên với bút danh Huệ Thiên trên tạp chí Kiến thức Ngày Nay. Rồi sau một “tai nạn viết lách”, Huệ Thiên nhường chỗ cho An Chi, bút danh không phải xuất phát từ câu “lão giả an chi” (già thì yên phận) quen thuộc, mà là nói lái từ y chan(g), tiếng miền Nam có nghĩa là “giống hệt (như trước)” – An Chi không phải là người dễ dàng thối chí. Chia tay với Kiến thức Ngày nay, ông cộng tác với Người đương thời (sau đổi thành Đương thời), Năng lượng mới, An ninh thế giới, Người đô thị, Thế giới mới, Đại học Quốc gia TP HCM, Nghiên cứu và Phát triển.

Dần dần, cái tên An Chi trở nên quen thuộc với độc giả. 32 năm nghiên cứu, ông để lại 7 cuốn sách với gần 8 ngàn trang: Chuyện Đông chuyện Tây (7 tập, nxb Trẻ, 2004-2017), Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm (nxb Trẻ, 2004, nxb Tổng hợp TP HCM, 2017), Câu chữ truyện Kiều (nxb Tổng hợp TP HCM, 2017), Từ thập nhị chi đến 12 con giáp (nxb Tổng hợp TP HCM, 2018), Truyện Kiều bản Duy Minh Thị 1872 (nxb Tổng hợp TP HCM, 2019), Từ nguyên (tập 1, nxb Tổng hợp TP HCM, 2019), Rong chơi miền chữ nghĩa (5 tập, nxb Tổng hợp TP HCM, 2016-2022). Đầu tháng 10 này, ngay trước khi anh mất, tập 5 của cuốn Rong chơi miền chữ nghĩa được Nhà xuất bản cho ra mắt, để ông kịp ký tặng bạn bè.

Ông viết đủ thứ: về diện mạo và tung tích con tàu Amiral Latouche Tréville (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 1, tr. 422-431), về “lệ bắt tay và lệ vỗ tay” (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 2, tr. 98-100), về nguồn gốc một bức ảnh đặc biệt về cụ Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 2, tr. 181-187), về chuyện Mạc Đăng Dung có dâng đất cho nhà Minh hay không, về một kỳ thi quốc gia đời Lê Thánh Tông (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, 2017, tr. 93-100; 115-120), … Nhưng tập trung hơn cả vẫn là những vấn đề ngôn ngữ học hay liên quan đến ngôn ngữ học, đặc biệt là ngôn ngữ học lịch sử. Chính ở đây là phần đặc sắc nhất trong trước tác của ông.

2. Chiếm phần lớn số trang là những bài ông giải đáp thắc mắc cho bạn đọc phổ thông. Có lẽ vì thế mà văn ông ít hàn lâm. Ông đã làm được điều mà ở ta cho đến nay chưa nhà ngôn ngữ học chuyên nghiệp nào làm được nhiều như ông: đưa kiến thức ngôn ngữ học đến cho đại chúng. Nhưng điều này tuyệt nhiên không có nghĩa những gì ông viết đều là kiến thức có thể tìm đọc được đâu đó. Trái lại, không thiếu những phát hiện khiến cho giới chuyên môn phải giật mình.

Như trường hợp Âu Cơ, Triệu Ẩu – hai cái tên đã rất quen thuộc đối với dân Việt. Phải đến An Chi thì mới phát hiện có vấn đề: tất cả các nguồn sử liệu Hán Văn đều ghi chữ Âu, Ẩu trong hai cái tên trên bằng chỉ một chữ 嫗. Truy nguyên, An Chi cho rằng chuyện đọc 嫗 thành âu hay ẩu là xuất phát từ Trần Trọng Kim. Tra Khang Hy, Từ nguyên, Từ hải, Vương Vân Ngũ đại từ điển, Hán ngữ đại từ điển, v.v. An Chi thấy 嫗 chỉ có hai cách đọc khả dĩ: ú nghĩa là “mẹ” hay “tiếng thường dùng để chỉ phụ nữ” (An Chi cho u “mẹ” là từ chữ này), và với nghĩa “(chim) ấp trứng” (tồn tại trong tiếng Việt ở ấp ủ, ủ ấm, ủ bệnh…). Tuy có thể cho từ cách đọc ta có ẩu (bởi vì bên cạnh cách đọc cu, chu ta còn bắt gặp câu, châu) nhưng xét trong tổ hợp Triệu Ẩu thì sẽ không phù hợp về mặt nghĩa; như thế chỉ còn khả năng ú được đọc là ấu: chữ 嫗 trong Âu Cơ, Triệu Ẩu theo An Chi phải đọc là Ấu. (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 571-574)

Hay giới sử học xưa nay đều cho Hai Bà Trưng chiếm được 65 “thành”. Dầu cho “thành” ở đây là “thành trì” (Trần Trọng Kim), “thành quách” (Đào Duy Anh), citadelle (Lê Thành Khôi) hay “mỗi huyện là một thành” (Trần Quốc Vượng) thì đều không ổn. Suốt thời Tây Hán, Giao Chỉ được cai trị theo cách lỏng lẻo, duy trì cơ cấu bộ lạc của người Việt. Chỉ sau khi dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, nghĩa là từ năm 43 trở đi, thì Mã Viện mới bắt đầu xây thành để làm nơi đồn trú cho quân xâm lược. Như thế, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, làm gì có thành mà chiếm? An Chi cho “thành” 城 ở đây chẳng qua là ghi chiềng, một tổ chức xã hội cổ truyền của các tộc người nói tiếng Tày-Thái, liền trước và sau đầu Công nguyên vẫn sinh sống ở miền Lưỡng Quảng, Vân-Quý và Bắc Việt Nam. Tất nhiên, để đi đến kết luận này, An Chi còn phải sử dụng ngữ âm học lịch sử để giải thích sự biến đổi từ chiềng sang thành.

3. Táo bạo nhưng thuyết phục, là vì ông bao giờ cũng biện luận chặt chẽ. Cho nên, bài của ông thường đầy ắp cứ liệu để làm cơ sở cho lý giải của mình, không chỉ cứ liệu ngôn ngữ học, mà còn các ngành khác, thậm chí cả khảo cổ học, sinh học.

Như trường hợp câu “Rắn mai tại chỗ rắn hổ về nhà” được một soạn giả giải thích là “rắn mai gầm thường ở trong hang, còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài”, ông vận dụng kiến thức sinh học (nọc rắn mai gầm độc và mạnh hơn nọc rắn hổ mang đến 4 lần) để cho câu này thực ra phải hiểu “hễ bị rắn mai gầm cắn thì thường chết ngay tại hang rắn còn hễ bị rắn hổ mang cắn thì có thể về đến nhà mới chết” (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 347).

Hay để phản bác quan điểm cho rằng người Trung Hoa xưa vay mượn của phương Nam từ ngưu chỉ con trâu vì trâu không sống ở lưu vực sông Hoàng Hà, cái nôi của văn minh Trung Hoa, ông dẫn công trình về biến đổi khí hậu ở Trung Quốc trong 5000 năm qua dựa vào thành tựu khảo cổ học để khẳng định thời xa xưa nơi đây quả có trâu sinh sống. (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 237-238)

4. Đằng sau những thành tựu đó là “tử công phu” của một người tự học. Chỉ dẫn ra vài thí dụ. Ông chỉ học tiếng Sanskrit và tiếng Pali qua sách vở nhưng đủ kiến thức để chỉ rõ ngọn nguồn những sai lầm liên quan đến hai thứ tiếng này.

Trước ý kiến của một số người cho khái niệm niết bàn, tiếng Sanskrit là nirvāṇa, có liên quan đến rừng vì -vāṇa có nghĩa là “rừng”, ông cho biết vāna “rừng” không có liên quan gì với yếu tố -vāṇa trong nirvāṇa cả. Phụ âm đầu của âm tiết thứ hai là khác nhau và được thể hiện bằng hai ký tự dị biệt: một bên có dấu chấm bên dưới, còn một bên không. Về mặt nghĩa, nirvāṇa (với có dấu chấm) mới là “niết bàn” như ta thường hiếu, còn nirvāna (với n không có dấu chấm) chỉ có nghĩa là “không có rừng”. (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 1, tr. 350-354)

Hay khi một nhà nghiên cứu cho núi Linh Thứu trong kinh Phật nghĩa là núi Kên kên, mà tiếng Sanskrit ghi là Garuda-kūta, Pali: Gjjha kūta, Hán: Kỳ xà quật, ông chỉ rõ lẽ ra phải ghi đúng tiếng Pali là gijjhakūta (sau g có thêm i), trong đó gijjha (tiếng Hán: kỳ xà là phiên âm, thứu là dịch nghĩa) chỉ chim kên kên, kūta (dịch sang tiếng Hán: quật) là đỉnh, chóp; còn cho tiếng Sanskrit tương ứng là Garuda-kūta thì nhầm lẫn: Trong tiếng Sanskrit, garuda (viết đúng garuḍa) là đại bàng, gṛdhra mới là kên kên. (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 1, tr. 343-345)

5. Những nghiên cứu của ông là thành tựu thu góp được trên con đường tìm tòi. Cho nên, có khi chỉ về một vấn đề, mà ông trở đi trở lại mỗi lần có cứ liệu mới. Tìm hiểu về “đọc vị”, “dính chấu” ông viết hai bài cho mỗi cách nói (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 2, tr. 374-376, 377-383; tập 5, tr. 270-272; 273-275), về tên thật của Chú Hỏa (Hui Bon Hoa) cũng hai bài (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 4, tr. 143-146; tập 5, tr. 198-201). Còn về mấy chữ “vu lan bồn” thì đến ba bài (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 179-186; Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 1, tr. 190-198, tập 2, tr. 466-472).

Viết trở lại về một vấn đề là để bổ sung kết quả của bài trước. Nhưng có khi là để thẳng thắn bác bỏ chính mình. Sau khi chứng minh con tàu trong một bức ảnh được cho Amiral Latouche Tréville thực ra không phải là con tàu đó, ông viết: “Chính chúng tôi cũng đã hấp tấp viết trong một bài trước rằng con tàu trong bức ảnh được in tại tr. 7 của tạp chí Kiến thức Ngày nay số 748 (2-5-2011) đúng là chiếc Amiral Latouche Tréville. Chúng tôi thành thật xin lỗi và xin trân trọng cải chính rằng đây không phải là con tàu trên đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước” (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 1, tr. 425). Có khi ông dùng lời lẽ nặng nề để nói về chính mình: “[…] chúng tôi đã chủ trương một cách ngu dốt rằng Sài Côn là tên chữ còn Sài Gòn là tên Nôm của Prei Nokor” (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 2, tr. 199).

Đặc biệt cảm động là trường hợp trao đổi giữa ông và Trần Trọng Dương, một nhà nghiên cứu trẻ, về cuốn Khảo cứu từ điển song ngữ Hán Việt Nhật dụng thường đàm của Phạm Đình Hổ của Trần Trọng Dương. Hai người đến lúc ấy chưa hề gặp nhau nhưng quý nhau qua duyên chữ nghĩa. An Chi bộc lộ ông “hằng ái mộ” Trần Trọng Dương. Nhưng chính vì thế mà khi phát hiện “những cái lỗi không thể tha thứ được” và “hoàn toàn thất vọng”, ông viết bài phê phán cuốn sách trên với nhan đề nghiêm khắc Từ phiên âm đến hiệu khảo đều kém cỏi, vạch ra đến 135 lỗi của cuốn sách (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 4, tr. 323-344). Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương viết thư cảm ơn với nhan đề Mỗi chữ là một lần tri ân thảo luận lại 70 trường hợp “để làm rõ hơn giả thuyết của ông, hoặc minh chứng thêm giả thuyết cũ của chúng tôi, hoặc đi đến một giả thuyết mới, hoặc để các giả thuyết trò chuyện với nhau” (sđd, tr. 346). Cuốn sách đăng thư của Trần Trọng Dương (sđd, tr. 345-436), trong đó mỗi trường hợp thảo luận đều có ba phần: (1) Phê bình của An Chi; (2) Trao đổi của Trần Trọng Dương; và (3) Ý kiến của An Chi về nội dung mà Trần Trọng Dương trao đổi. Đấy là cuộc trò chuyện học thuật giữa hai nhà nghiên cứu một già một trẻ, tương kính mà thẳng thắn, tất cả đều để tiến gần đến sự thật hơn. Và ông già ấy sau khi đọc ý kiến của người bạn trẻ, tuy không nhân nhượng trong nhiều trường hợp, vẫn không ngần ngại khen Trần Trọng Dương “có lý” (tr. 415), “rất đúng”, “hoàn toàn có lý” (tr. 414), “hoàn toàn đúng” (tr. 421); nhận mình sai, thậm chí “dốt”, “chủ quan” (tr. 363); hoặc cả hai đều sai (tr. 402).

6. Đối xử nghiêm khắc với chính mình, là vì với ông, sự thật là cao hơn tất cả. Cho nên ông không ngại tranh luận với những tên tuổi lớn trong học giới như Haudricourt, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Ngọc, Vương Hồng Sển, Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Huệ Chi, Bình Nguyên Lộc, Lê Ngọc Trụ, Thích Minh Châu, Đinh Gia Khánh, … thậm chí cả Cao Xuân Hạo, một người thân thiết chỉ hơn ông có 5 tuổi nhưng bao giờ ông cũng kính trọng gọi bằng cậu vì Cao Xuân Hạo là bạn của cậu ông.

Ông không chịu được việc dùng uyển ngữ để nói về cái sai trong học thuật. Đã sai thì nói thẳng là sai: “Rõ ràng cái thuyết “instinctivement” của Hoàng Xuân Hãn là một thuyết hoàn toàn sai lầm” (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 476); “Cái lý này hoàn toàn không vững” (Rong chơi miền chữ nghĩa, tập 2, tr. 193); “Tóm lại, khẳng định rằng từ kẻ chỉ đi chung với địa danh “thuần Việt” là đã đưa ra một ý kiến hoàn toàn không đúng với thực tế” (Từ nguyên, tr. 100); “[…] ý tưởng dựa vào những địa danh “Nôm” như trên, mà lại có cả yếu tố Kẻ đứng trước, để vẽ lại cương vực của nước Văn Lang thời các vua Hùng là một ảo tưởng […]” (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 138)…

Ông không cho đó là vô lễ. Đọc những dòng sau đây của một nhà nghiên cứu viết về Hoàng Xuân Hãn: “Theo tôi nghĩ, bác (tức Hoàng Xuân Hãn – AC) là một bậc Phu tử. Khi nào bác có điều gì muốn nói, thì có lẽ, những kẻ ‘hậu sinh’ như chúng ta chỉ nên ‘nghe’, và tránh ‘đánh giá’ bác”, ông bực tức viết: “Hoàng Xuân Hãn chỉ là một trong những nhà văn hóa lớn của nước nhà chứ đâu có phải là một ông thánh”. Và mạnh mẽ hơn: “Nói như thế mà nghe được kể cũng lạ vì hậu sinh thì khả úy chứ đâu có phải là những kẻ nô lệ về tư tưởng. Đây là biểu hiện của thói sùng bái cá nhân dở hơi và hoàn toàn bất lợi cho sự phát triển của học thuật đích thực.” (Truyện Kiều, bản Duy Minh Thị 1872, tr. 34)

Còn ông, khi bàn về ý kiến của Đào Duy Anh, ông thẳng thắn bày tỏ: “Ông Đào Duy Anh là một nhà văn hóa mà cá nhân chúng tôi rất ái mộ và kính trọng từ thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường trung học. Việc ông là tác giả của Hán-Việt từ điển, Pháp-Việt từ điển, Việt-Nam văn-hóa sử cương và nhiều công trình khác là sự kiện đã được ghi khắc sâu đậm vào tấm bia vĩnh cửu của lâu đài văn hóa Việt Nam. Một Huệ Thiên bàn về chữ chớ của ông chứ bao nhiêu Huệ Thiên bàn về bao nhiêu chữ của ông cũng không mảy may làm lu mờ được tên tuổi của ông trong tòa lâu đài đó. Tuy nhiên đấy chỉ là mới nói đi.

Còn nói lại thì, dù Đào Duy Anh có là nhà văn hóa lớn đến mấy, ông cũng không phải là một thần tượng bất khả xâm phạm.” (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 487-488)

7. Trong lúc hăng hái tranh luận khoa học, ông không khỏi có lúc nặng lời; người bị An Chi “phê” có lẽ chẳng thú vị gì nhưng có khi đành chịu vì về mặt lý, lập luận của ông không dễ gì bác bỏ. Cách viết dí dỏm của ông cuốn hút người đọc, làm cho họ bật cười. Nhưng chính thế càng khiến cho người bị phê thêm khó chịu.

Bình một cách hiểu hai chữ nhẵn nhụi trong câu Kiều Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, An Chi viết: “Đáng tiếc là có người lại cho rằng nhẵn nhụi ở đây là trụi lủi vì bị cạo nên mới làm phát sinh cái thắc mắc là: thế thì họ Mã có cạo cả lông mày hay không? Nếu có thì kỳ cục quá nhưng nếu không thì tại sao Nguyễn Du lại viết “mày râu nhẵn nhụi”? Và cuối cùng cũng ra được một cách hiểu “đờ-mi” cho rằng đức giám sinh chỉ cạo trụi râu thôi chứ lông mày thì ngài còn chừa lại” (Câu chữ truyện Kiều, tr. 110)

Một nhà nghiên cứu có tên tuổi cho trong tiếng Pháp chandelle (cây nến) đồng âm với champ d’elle mà theo ông này có nghĩa là “cánh đồng của cô ta”. Sau khi chứng minh champ d’elle là lối nói chỉ do tác giả tưởng tượng chứ không tồn tại trong tiếng Pháp, An Chi viết: “Huống chi nếu có nói được “champ d’elle” như tác giả đã nói thì người Pháp cũng khó mà “xúc động đậy” trước “cánh đồng của cô ta” vì họ đâu có biết đến câu “An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh” (Một tấc đất An Nam, không biết bao nhiêu người cày) của tay sứ giả Tàu trong giai thoại mà vế đáp lại là “Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất” (Đại trượng phu Bắc quốc đều do đường ấy mà ra).” (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 380)

Khi được một độc giả nhắc nên nhẹ nhàng hơn, ông chân thành trả lời: “Chúng tôi biết đây là một sự khuyến cáo đầy thiện ý và cũng biết rằng nếu làm được như thế thì có lẽ sẽ hay hơn chăng. Nhưng cũng xin thưa “rằng quen mất nết đi rồi” mà hễ đã thành tật thì khó sửa. Vì vậy, nếu được ông và bạn đọc thông cảm cho về điểm này thì thật là vạn hạnh”. (Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, tr. 617)

*

Anh An Chi đã “rong chơi miền chữ nghĩa” ở cõi Vô Cùng.

Tôi quen biết anh An Chi đến nay đã 42 năm và bao giờ cũng coi đó là một hạnh ngộ. Với anh, viết chẳng qua là “Vùi trong ngôn ngữ quên ngày tháng” như một câu thơ anh trong bài Tự vịnh 2017, nhưng những gì anh làm được khiến cho tôi, chúng tôi, những người có điều kiện học hành ở nhà trường hơn anh, không phải chịu những vùi dập của cuộc đời như anh, phải xấu hổ.

Comments are closed.