Nhận thức luận quan hệ ngôn ngữ-hiện thực của Trang Tử trong bối cảnh Giải Cấu Trúc Luận

Lê Thời Tân


Tóm tắt: Triết gia Trung Hoa Trang Tử nhận thấy có sự tồn tại của hai thế giới: thế giới của vật thực khách quan (ngón tay – 手 指 thủ chỉ, con ngựa – 馬 mã, cả hành động chỉ vào và nói câu liên quan đến con ngựa) và thế giới của “指” [zhǐ] “碼” [mǎ] viết/nói – tức là thế giới của ngôn ngữ muốn và cũng tự cho mình có thể bao trùm và chứa đựng được tất thảy (Ngôi nhà Hữu Thể – Heidegger). Quan hệ giữa hai thế giới đó diễn ra như thế nào ở nhân loại nói-viết? Đó là câu hỏi mà Trang Tử đã đề xuất ở thiên tản văn triết học Tề Vật Luận. Bài viết này là một cố gắng cắt nghĩa nhận thức Trang Tử về quan hệ ngôn ngữ-hiện thực trong bối cảnh ngôn ngữ học triết học Giải cấu trúc luận.

Từ khóa: Trang Tử, Tề Vật Luận, quan hệ ngôn ngữ-hiện thực, ngôn ngữ học triết học, Giải cấu trúc luận

1.Trích dẫn Trang Tử từ Văn Nhất Đa

Tề Vật Luận (齊 物 論) của Trang Tử có đoạn:

以指喻指之非指 [1],

不若以非指喻指之非指也 [2]

以馬喻馬之非馬 [3],

不若以非馬喻馬之非馬也 [4]

, 一指也 [5];萬物,一馬也 [6]

Phiên âm Hán Việt:

chỉ dụ chỉ chi phi chỉ,

bất nhược dĩ phi chỉ dụ chỉ chi phi chỉ dã;

dụ mã chi phi mã,

bất nhược dĩ phi mã dụ mã chi phi mã dã. Thiên hạ nhất chỉ dã, vạn vật nhất mã dã.

Đoạn nhỏ hai câu trên là một nút thắt khó gỡ bậc nhất trong tác phẩm triết học tiêu biểu này của Trang Tử. Nhằm tránh khỏi bị khỏi ngộp thở giữa “rừng chú giải” nhưng lại vẫn có thể tiến lên nâng cao và khái quát hóa được vấn đề, chúng tôi chọn cách trình bày như sau: Trước hết chọn và giới dẫn tập trung một cách hiểu mà chúng tôi cho là phù hợp tinh thần cơ bản của Trang Tử – cách hiểu của Văn Nhất Đa.[1] Việc này tránh được lối trình bày dàn hàng ngang những cách chú giải dày đặc trích dẫn, nặng về khảo cứu chữ nghĩa. Sau khi giới dẫn Văn Nhất Đa, chúng tôi tiến hành mở rộng và nâng cao vấn đề dưới góc nhìn nhận thức luận ngôn ngữ học giải cấu trúc.

2.1. Cắt nghĩa của Văn Nhất Đa

喻指之非指,次指謂指名之指(抽象名詞),末指謂手指之指(實物名稱),“指”義之名。不若以非指喻指之非指也。以喻馬之非馬,次馬字謂籌馬之馬,今字作碼(抽象名詞),末馬字謂牛馬之馬(實物名),“馬”則兼此二義之名,不若以非馬馬之非馬也。,一指也;萬物,一馬也。一犹皆也。此指,馬二字俱抽象名詞。[1tr.82]

Tạm dịch:

“chỉ” dụ chỉ chi phi chỉ: chữ “chỉ” thứ hai là nói chỉ trong “sự chỉ tên” (danh từ trừu tượng), chữ “chỉ” thứ ba là chữ chỉ trong “thủ chỉ” (ngón tay – danh từ chỉ vật thực), còn từ chỉ thứ nhất (tức chữ “chỉ” in đứng, Văn Nhất Đa đặt trong dấu ngoặc kép – LTT) thì gồm cả hai nghĩa đó; Bất nhược dĩ “phi chỉ” dụ chỉ chi phi chỉ dã; dụ mã chi phi mã, chữ mã thứ hai là nói chữ “” trong “trù mã” (thẻ để tính toán, ghi số hiệu), ngày nay viết 碼 (danh từ trừu tượng), chữ “” sau cùng lại là chỉ ngựa trong từ “trâu ngựa” (danh từ chỉ vật thực), còn chữ mã đầu (tức chữ “mã” in đứng, nhà chú giải đặt trong dấu ngoặc kép – LTT) thì kiêm cả hai nghĩa trên. Bất nhược dĩ “phi mã” dụ mã chi phi mã. Thiên Hạ, nhất chỉ dã; Vạn Vật nhất mã dã. Nhất do giai dã.”

Trong đoạn Hán văn dẫn trên, cách ngắt câu và cách đánh dấu ngoặc kép đối với câu văn Trang Tử được giữ đúng theo Văn Nhất Đa (riêng việc in nghiêng, in đứng và in đậm trong phiên âm Hán Việt như trên là của chúng tôi. Chúng tôi muốn dùng các cách in nghiêng, in đứng, in đậm và in hoa để biểu hiện cách đọc của mình đối với những đoạn văn trong Tề Vật Luận đã được dẫn trong bài viết này). Tôn trọng cách đọc của Văn Nhất Đa, chúng tôi đồng thời cũng chấp nhận sự xác định từ loại của ông đối với các từ trong hai câu này. Như đầu đề công trình “Trang Tử Chương Cú” cho thấy, cách làm của Văn Nhất Đa là – trên cơ sở vận dụng lí luận đồng âm dị tự-dị nghĩa, từ loại học, lần lượt giải thích các từ rồi từng câu văn bản Tề Vật Luận. Trong phân câu [1] ông tập trung cắt nghĩa ba chữ “chỉ”. Đến phân câu [2] tiếp theo, Văn Nhất Đa chỉ chép nó ra mà không giải thích, nhưng ông đã đem hai chữ phi chỉ đặt vào trong dấu ngoặc kép (“phi chỉ“). Sau khi giải thích các chữ trong phân câu [3] ông chép phân câu [4] ra và không cũng không có giải thích. Văn Nhất Đa cũng không cắt nghĩa trực tiếp hai phân câu [5] và [6], chỉ tập trung giải thích chữ nhất dùng chung trong cả hai phân câu: “nhất do giai dã-nhất như “đều là” vậy” (Sau này Quách Mạt Nhược rõ ràng cũng có ý thức về vấn đề từ đồng âm khi chú câu văn này của Trang Tử: “指是宗旨, 是觀念; 馬是法碼, 是符號” – xem 郭沫若《十批判書 – 莊子的批判》). Có thể nói, dựa hẳn vào ngôn ngữ học, diễn giải của Văn Nhất Đa thực sự giải phóng độc giả Tề Vật Luận ra khỏi vòng rối rắm của huấn hỗ học truyền thống. Đương nhiên Văn Nhất Đa cũng chỉ dừng lại ở ngôn ngữ học truyền thống. Ông chú ý nhiều tới vấn đề đồng âm, dị nghĩa, sở chỉ và năng chỉ của từ khi chú giải đoạn văn Trang Tử. Trong công trình “Trang Tử Nghĩa Sơ” (phụ lục của Trang Tử Chương Cú) Văn Nhất Đa nói câu “chỉ” dụ chỉ chi phi chỉ, bất nhược dĩ “phi chỉ” dụ chỉ chi phi chỉ dã là “nói lấy chữ “chỉ” đồng danh nhưng khác nhau về cái vật thực mà nó chỉ ra, để giảng giải vấn đề danh xưng không phải là bản thân sự vật, làm như vậy không bằng lấy những chữ dị danh (không đồng âm) dị thực (chỉ những sự vật khác nhau) giải thích danh từ, tên gọi không phải là vật thực. Cái đồng danh dị thực khiến người ta hay lẫn lộn. Còn những chữ dị danh dị thực thì không như vậy” (Nguyên văn: 谓以同名异实之“指”字说明名称之非实物,不如别以异名异实之字说明名称之非实物也。同名异实者使人迷误,异名异实则不然。) [2 tr.361].

Giải thích tiếp theo này của ông vô hình trung dường như đã làm hẹp lại tầm rộng của bản thân vấn đề mà ông ít nhiều đã hé mở trong chú giải trước đó. Đoạn văn trên của Tề Vật Luận đương nhiên ít nhiều cũng có phản ánh câu chuyện đặc điểm của Hán ngữ – những đặc điểm sẽ được ý thức rõ ràng hơn trong tư biện triết học. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ Trang Tử không phải chỉ nhắm vào mỗi chuyện đồng âm, đồng tự hay chuyện nên biểu đạt tư tưởng bằng một ngôn ngữ khúc triết rõ ràng. Trang Tử cũng không phải chỉ là mượn Tề Vật Luận để bày tỏ thái độ chán ghét các phái “tranh minh” với nhau một cách ồn ào, tranh luận chỉ vì thành kiến hay đơn giản chỉ là vì hơn thua. Đoạn văn trên trong Tề Vật Luận bộc lộ một nhãn quan triết học rộng rãi hơn nhiều. Cách làm của Văn Nhất Đa đơn giản về phương pháp nhưng hàm chứa những gợi ý to lớn về nhận thức luận. Chính vì vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải thực hiện một sự mở rộng và nâng cao diễn giải của học giả này.

2.2. Diễn giải và phát huy Văn Nhất Đa

Một điểm rất đáng chú ý trong diễn giải câu văn Tề Vật Luận ở đây là cách đánh dấu nháy (“…”) lên những chữ-từ nhất định. Như đã nói, đến phân câu [2] Văn Nhất Đa không giải thích, nhưng đem hai chữ phi chỉ đặt vào trong dấu ngoặc kép (“phi chỉ“). Chúng tôi cho rằng chỉ như vậy thì ông cũng đã có một sự chú giải đối với câu này. Có thể diễn rộng ý ông rất thành: “dùng cái mệnh danh của ngôn ngữ (chỉ“) để nói (nguyên văn: “dụ” 喻 – dùng lời để nói rõ, bày tỏ bằng lời, ví dụ câu trong Lã Thị Xuân Thu – phần Ly Vị: “ngôn dã, dĩ dụ ý dã. Ngôn ý tương ly, hung dã”. Trong cổ đại Hán ngữ, chữ “dụ” có thể viết bộ “ngôn” 言 mà cũng có thể viết bộ “khẩu” 口 để biểu ý) một khái niệm, một hoạt động tư tưởng (chữ “chỉ” thứ hai) không phải là một sự vật thực (chữ “chỉ” thứ ba trong từ “thủ chỉ” – ngón tay) thì nhược bằng không dùng “không phải là ngôn ngữ” – “phi chỉ” để thuyết minh, nói rõ ngôn ngữ không phải là chính bản thân sự vật”. Ở đây chúng tôi hiểu “phi chỉdụ…” ý là “dùng cái không phải là ngôn ngữ để nói rõ…”. Xin đặc biệt chú ý dấu ngoặc kép đánh trên chữ chỉ đầu tiên trong câu văn Trang Tử, Văn Nhất Đa rõ ràng có ý phân biệt các chữ chỉ trong đoạn văn này. Bằng cách đó ông bày tỏ một cách hàm súc cách đọc của mình đối với tư tưởng Trang Tử. Chúng tôi tiến thêm một bước cho rằng: ngôn ngữ về một phương diện nhận thức luận nào đó mà nói chính là một cách đánh dấu ngoặc kép lên đối tượng hiện thực khách quan. Và sở dĩ nói bất nhược dĩ phi mã dụ mã chi phi mã dã ấy là vì rốt cuộc “vạn vật nhất mã dã” – thế giới khách quan được diễn đạt trong ngôn ngữ gọi là vạn vật này thực tế đều là kí hiệu (““)”. Như tuồng để nhấn mạnh tính chỉnh thể hệ thống của một ngôn ngữ (““) đối với việc tạo nên một thế giới (“vạn vật”) – cái thế giới sống trong đó những con người chung dùng “mã kí hiệu” đó, Văn Nhất Đa đã giải thích thêm cho chữ “nhất” – “Nhất do giai dã” (“nhất” là “đều là”).

Rõ ràng trong câu “phi chỉ“…” và “phi mã” ….”, phi mãphi chỉ đều được đặt trong dấu ngoặc kép, chúng tôi xem hai chữ phi chỉ cũng như hai chữ phi mã là liền thành một khối, tức đều là bổ ngữ đối tượng trực tiếp của “”; Theo tinh thần đó phi mã, phi chỉ trong câu văn Trang Tử đều tương đương với một nhóm danh từ. Chữ chỉ trong khối “phi chỉ” ở đây, theo chúng tôi nên được hiểu là để đang đề cập đến vấn đề ngôn ngữ: nó vừa là một danh từ chỉ vật thực (ngón tay), vừa là cái sở chỉ (signifie, signified hoặc significatum) mà cũng là trỏ cái năng chỉ (signifiant hoặc signiifer, signifians); Chữ chỉ ở đây là chỉ xưng, chỉ xuất, chỉ thị, lại cũng có thể thông với chữ chỉ trong từ “chỉ dụ” 旨喻/指喻 ; Tương tự chữ trong “phi mã” theo chúng tôi cũng nên được lí giải là vừa chỉ một loài động vật (bạch mã, mã lực,…) mà cũng là “mã hiệu” (mật mã, lập mã, mật mã, mã vạch) – tóm lại đều đề cập đến chuyện sử dụng ngôn ngữ. Nhân tiện cũng lưu ý rằng, thuật ngữ ngôn ngữ học năng chỉ, sở chỉ vừa dẫn trên, trong tiếng Anh hoặc tiếng Pháp đều có gốc từ sign.sign là chỉ kí hiệu, kí hiệu ngôn ngữ, ngoài ra cũng chỉ động tác làm hiệu, động tác “nói” bằng tay, ví dụ nói sign language – ngôn ngữ cử chỉ [3].

Đến đây tưởng đã có thể diễn rộng Văn Nhất Đa trong trường hợp đọc hiểu đoạn văn Trang Tử: “Dùng ngôn ngữ (hệ thống kí hiệu gồm hai mặt – chỉnh thể ngữ âm/ngữ nghĩa) hoặc nói cụ thể như Trang Tử ở đây, dùng một danh từ (kí hiệu bao gồm cái sở chỉ chỉ sự vật và cái năng chỉ hình thành nên ngữ nghĩa) để giải thích, cắt nghĩa một khái niệm, một danh xưng không phải chính là bản thân sự vật (chú ý quan hệ giữa ngôn ngữ và thế giới khách quan; quan hệ giữa từ và vật) – làm một việc như thế chẳng thà dùng không phải là ngôn ngữ (hoặc là nói “không dùng ngôn ngữ” – tuy nhiên có thể không dùng ngôn ngữ mà nhận thức được tồn tại hay không – đó là vấn đề tiếp theo trong nhận thức luận Trang Tử, và cũng là một vấn đề lớn của triết học hiện đại) khiến người ta hiểu ra một tên gọi, một danh từ không phải là bản thân sự vật.” [4 tr. 35-40] Liên hệ vào trong văn học, chẳng hạn ta có thể nhắc đến Roland Barthe khi ông bàn đến vấn đề tự sự lịch sử. Ông nói: “Có điều, lời nói vĩnh viễn không thể có được sự vật thực (vật quy chiếu) ở bên ngoài bản thân nó”. Phân tích ý này của Roland Barthe, một học giả nói: “Nói cách khác, lời nói về lịch sử trong quá trình hình thành đã làm loạn đi sự chừng mực, đem cái sở chỉ (signified) xem thành vật qui chiếu (referent). Sự trần thuật lịch sử không thể đạt đến “thế giới chân thực”, vì thế nó chỉ đẻ ra được một thứ “hiệu quả của tính chân thực”. Nó – ít nhất từ thế kỉ XIX lại nay, đem trần thuật đặt định thành cái sở chỉ của thế giới chân thực và thế là đã tạo nên cái hiệu quả đã nói trên… Tự sự lịch sử của “chủ nghĩa hiện thực” kết thúc vòng tuần hoàn mâu thuẫn: cấu trúc tự sự thoạt đầu là ninh ở trong cái nồi hư cấu (thần thoại và sử thi thời kì đầu) sau đó biến thành một sự chứng minh kiêm kí hiệu của bản thân hiện thực” [5 tr.60].

2.3.Từ Văn Nhất Đa quay lại với Trang Tử

Chúng ta nên biết rằng một danh xưng chẳng qua chỉ là một kí hiệu gọi thành lời, bản thân nó tồn tại trong một ngôn ngữ cụ thể – nó có được ý nghĩa (ngữ nghĩa) trong một ngôn ngữ nhất định; Trong lúc đó vật thực thì tồn tại trong thế giới khách quan cũng với những ý nghĩa của chính nó; bản thân danh xưng, danh từ không phải là bản thân sự vật; Cũng vậy, ngữ nghĩa của một từ không đồng đẳng với ý nghĩa của sự vật mà từ đó phản ánh. Ngữ nghĩa là tồn tại trong một ngôn ngữ cụ thể, còn ý nghĩa của bản thân sự vật là tồn tại trong hiện thực khách quan, không vì chúng ta dùng thứ tiếng nào gọi nó lên thành từ mà bị thay đổi. Đương nhiên ở đây (Tề Vật Luận), có thể Trang Tử còn có ý nói đến hiện tượng “đồng danh dị thực” của tiếng Hán đương thời.

Ngôn ngữ một khi được hiểu là công cụ của tư duy, hệ thống kí hiệu, là sự chỉ, là hành động lập thì việc dùng chính bản thân nó để phân biệt danh xưng, khái niệm với vật thực – việc đó suy cho cùng đã trở nên thừa mà cũng không giúp ích gì cho một nhận thức luận triệt để. Vật thực tồn tại trong thế giới khách quan, tính cách hiện thực của nó không phụ thuộc vào ý thức ngôn ngữ. Khi con người tư biện trong lòng ngôn ngữ (không thể nào khác được) về vấn đề từ không phải là bản thân vật, vật không phải là bản thân từ thì, con người dường như bắt đầu cảm thấy một nỗi bế tắc tuyệt vọng, cảm thấy một tình trạng dường như là đang “chạy quanh chạy quẩn” tựa chuyện kiến leo cành cụt cây đa cây đào vậy.

Trang Tử nhắc nhở mọi người nên biết là “thiên hạ” “vạn vật” thảy đều là chuyện danh xưng, là vấn đề mệnh danh, tên gọi và khái niệm – tức là vấn đề ngôn ngữ, hoặc nói theo cách nói của Trang Tử – đó chỉ là “nhất chỉ” “nhất mã” mà thôi. “Vạn Vật Nhất Mã dã”. Văn Nhất Đa chú giải: “nhất” ở đây là “giai” – đều là. Ông thậm chí còn mở ngoặc nói thêm hai chữ chỉ ở đây đều là danh từ trừu tượng. Theo Trang Tử, phải vượt lên trên ngôn ngữ đạt tới nhận thức trạng thái tồn tại bản-chân-bản-dạng-chưa-từng-bị-phân-cắt-bởi-ý-thức logic dĩ vi hữu vật hĩ, nhi vị thuỷ hữu phong dã” (tạm dịch: thừa nhận tồn tại vạn vật bởi ngôn ngữ, mà biết bản thân tồn tại vật chưa từng bị cầm cố trong ngôn ngữ). Trang Tử yêu cầu siêu việt ngôn ngữ để tiếp cận với Đạo (Đạo vừa không thể mô tả bằng ngôn ngữ lại vừa không thể lí giải được bằng ngôn ngữ – “Dĩ vi hữu vật hĩ, nhi mạt sử hữu phong dã”, sách Trang Tử, chương XXV, tiết 11). Đầu tiên, từ chỗ biết được “chỉ chi phi chỉ” “mã chi phi mã” (thừa nhận giới hạn nhận thức thế giới quẩn quanh mù mịt trong lòng ngôn ngữ) đi đến chỗ nhận thức trở lại được chính bản thân nhận thức – tức là trả lời câu hỏi “chúng ta tại sao lại suy nghĩ/ nói như vậy?”. Ví dụ, trên thực tế chúng ta (“chúng ta” ở đây trước hết chỉ – chẳng hạn, những người cùng chung một thứ ngôn ngữ đơn tiết không biến hình) thường vẫn có thói quen dùng một danh từ giải thích một khái niệm. Nếu bị hỏi dồn danh từ đó nghĩa là gì, chúng ta thường không do dự chỉ ngay vào vật thực – một cách giản tiện lấy sự vật được biểu đạt bằng cái sở chỉ của danh từ đó đi giải thích bản thân danh từ. Ví dụ bị hỏi “thực vật” là gì, chúng ta đem “cỏ cây” ra trả lời; nếu bị hỏi tiếp “cây là gì”, chúng ta chỉ ngay vào một cây bất kì trong vườn. Thế nhưng cho đến nay, ngôn ngữ học dường như không phải lúc nào cũng chú ý phân biệt một cách rạch ròi nghĩa ngữ nghĩa. [6 tr. 48-49] Ngữ nghĩa (hoặc nói cụ thể nghĩa của từ của chữ, mối quan hệ biểu chỉ – signification) và nghĩa, ý nghĩa – sense là hai chuyện khác nhau. Ngữ nghĩa học phải xác định rõ đối tượng của mình. Ý nghĩa, nghĩa thuộc về vật thực. Nghĩa của ngựa, cỏ, ngón tay chẳng hạn được xác định do các nhà sinh vật học, nghĩa của chúng là nhận thức chung của tất cả các ngôn ngữ. Còn việc người Hán viết/gọi 草 [cǎo] (phiên âm Hán Việt thảo), người Anh gọi grass – theo Phan Ngọc đó là chuyện hình thức. Còn như ngữ nghĩa của từ tiếng Hán草thì lại được xác định thông qua một loạt thao tác chọn lựa và kết hợp diễn ra trong lòng tiếng Hán. Tức là thông qua đối lập với 草木 (thảo mộc cây cỏ), 稻 草 (đạo thảo rơm),… mà có được sự xác lập về nghĩa cho từ/chữ 草. Nói một cách khái quát, ngữ nghĩa của một từ ngôn ngữ cụ thể là đặt nó trong trục chọn lựa và kết hợp (lịch đại và đương đại) mới có thể phân biệt xác lập ra được. 馬 (mã) với tính cách chỉ vật – nghĩa đó đối với người Anh hay người Hán đều như nhau, nhưng người Hán viết gọi 馬 [mǎ] mà người Anh thì lại định danh thành từ horse. Ngữ nghĩa của từ 馬 hình thành trong sự đối lập với hàng loạt từ khác trong tiếng Hán cũng giống như ngữ nghĩa của từ horse là hình thành trong lòng tiếng Anh vậy. Nhà nghiên cứu tiếng Hán khi muốn định nghĩa nghĩa của từ 馬 đương nhiên sẽ không dắt ra một con ngựa thật (trong tự/từ điển việc có thể minh hoạ bằng hình vẽ con ngựa lại là chuyện khác). Nhà nghiên cứu tiếng Hán sẽ thông qua đối lập 馬 với một loạt từ 馬 刀 [mǎ dāo] (mã đao), 馬 脚 [mǎ jiǎo] (mã cước vết tích để lại) 骏 馬 [jùn mǎ] (tuấn mã) để xác định ngữ nghĩa một từ cụ thể yếu tố 馬 nhất định. Hiểu như vậy, chúng ta chính là đang tiến gần đến câu chuyện “mã chi phi mã”.

Quay về với Trang Tử. Chúng ta cần biết rằng trong tiếng Hán một từ đơn – tức một đơn âm tiết viết ra bằng một chữ Hán – nói chung dường như là một hình tượng tức khắc trực tiếp của một sự vật, hành động khách quan. Chỉ dừng lại trên bản thân từ đơn mà tiến hành thao tác tư duy trừu tượng hoá là một việc khó, muốn giang rộng đôi cánh tư duy tư biện thì phải bay lên tầng cao của lĩnh vực từ phức. Trang Tử chính là đã thể hiện một năng lực tư duy tư biện triết học nhuần nhuyễn trong điều kiện mà vốn từ đơn hãy còn chiếm địa vị chủ đạo trong tiếng Hán. Ngoài ra, thông qua sự chú giải của Văn Nhất Đa đối với Tề Vật Luận, trên một mức độ nào đó, chúng ta còn có được một ý thức so sánh ngữ pháp giữa hai truyền thống ngôn ngữ. Tức là nói, lúc đọc một câu văn tiếng Hán, ngoài việc phải lí giải luật tương hợp ngữ pháp nói chung (trong các thứ tiếng châu Âu, điều này thể hiện trên biến hoá hình thức của các từ trong câu), chúng ta còn phải chú ý tới luật tương hợp ngữ nghĩa (accord) tức cái gọi là ngữ pháp ngữ nghĩa. Theo chúng tôi truyền thống chú giải kinh sách của Trung Hoa trên thực tế chính là bỏ công sức rất nhiều trên phương diện này. Thực khó mà xác quyết một bề rằng Trang Tử có hay không một ý thức tự giác hoàn toàn về ngôn ngữ như vậy, nhưng việc đọc hiểu đoạn trích “phi chỉ-phi mã” từ giác độ ngôn ngữ học cấu trúc luận như trên dường như có thể giúp ta phỏng đoán rằng tác giả Tề Vật Luận có suy tính đến bản chất của ngôn ngữ nói chung và những đặc điểm của tiếng mẹ đẻ nói riêng. Trang tử có lẽ là đã tính toán tới việc những đặc điểm đó sẽ đem đến những điều kiện như thế nào cho sự tư biện triết học đương thời. Hoàn toàn có thể đặt vấn đề Trang Tử đã thực sự đối diện với câu hỏi: ngôn ngữ rốt cuộc có thể giúp chúng ta tiến gần tới Đạo được hay không? Ngôn ngữ có giúp chúng ta thống nhất được với vũ trụ bản nguyên hay ngược lại, nó khiến cho con người chia cắt với tự nhiên, con người chia cắt với con người? Cho đến nay đó vẫn là câu hỏi chung cho cả nền triết học hiện đại. Chúng tôi mạo muội cho rằng dụ mã chi phi mã đằng sau lối biểu đạt này có lẽ ẩn tàng một ý thức độc đáo của nhà triết học cổ đại Trung Hoa về mối quan hệ giữa ngữ nghĩavật thực khách quan. Còn mệnh đề tiếp theo Bất nhược dĩ phi mã dụ mã chi phi mã thì chính là đã tiến thêm một bước ý thức về tình trạng “lực bất tòng tâm” của ngôn ngữ trong tư cách là một công cụ của nhận thức. Cái công cụ của tư duy con người, cái công cụ của đối thoại tranh luận này, rốt cuộc có thể đưa con người huyên thuyên nhập mình vào Đại Đạo được hay không? Đối với vấn đề đó, Trang Tử dường như đã biểu hiện một thái độ cực chẳng đã. Chính điều này – ý thức về ngôn ngữ của Trang Tử mới chính là điểm căn bản trong hoài nghi luận đặc sắc của ông. Hiểu được điều đó chúng ta mối thấy được mức độ sâu sắc, sự triệt để cũng như tính hiện đại của nhận thức luận Trang Tử.

Trong quá trình nhận thức thế giới bằng ngôn ngữ, Trang Tử dường như cũng đã thấy được biện chứng pháp của nhận thức luận khách quan. Nói một cách đơn giản, có sự tồn tại của hai thế giới: một thế giới của vật thực khách quan (ngón tay trên bàn tay – 手 指 thủ chỉ, con ngựa – 馬 mà chúng ta nuôi… chính là thuộc về thế giới này, cả hành động giơ ngón tay chỉ vào con ngựa và nói câu liên quan đến con ngựa của chúng ta cũng là ở trong thế giới khách quan này) và lại còn một thế giới nữa – thế giới của “指” [zhǐ] , “碼” [mǎ] viết/nói – tức là thế giới của ngôn ngữ. Thế giới của ngôn ngữ muốn và cũng tự cho mình là có thể bao trùm và chứa đựng được tất thảy (ngôi nhà của hữu thể – Heidegger), giống như Trang Tử mô tả “thiên hạ nhất chỉ dã, vạn vật nhất mã dã”. Tại đây, chúng ta có thể suy diễn thêm một bước: thiên hạ/vạn vật hoặc nói cách khác cái thế giới được nhận thức này – bao gồm tất cả mọi thứ mà con người gọi lên bằng từ ngữ, trừu tượng thành khái niệm – chính là được hình thành và cố định lại trong quá trình ý thức đến, gọi tên lên, nói/viết ra. Chúng tôi cho rằng trong đoạn văn của Trang Tử, “thiên hạ chỉ” chính là nghiêng về chỉ mặt chủ thể con người, còn “vạn vật thì nghiêng về nhấn mạnh mặt đối tượng sự vật, riêng “nhất” thì ngụ ý quan hệ mật thiết thống nhất giữa hai phương diện đó trên. Nhà triết học Trần Đức Thảo những năm 40 của thế kỉ XX, khi thảo luận vấn đề nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ đã từng đặc biệt nhấn mạnh tác dụng của hành vi trỏ con mồi và chỉ vào nhau trong săn bắn tập thể đối với việc sản sinh ý thức và ngôn ngữ của bầy người nguyên thuỷ (Trần Đức Thảo, Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, Nxb.Văn hoá Thông tin, Đoàn Văn Chúc dịch từ nguyên bản tiếng Pháp). Gần đây, từ một góc độ khác, cũng có người nêu câu hỏi thú vị “Khi mặt trăng không bị người ta chỉ ra, nó (nguyên văn dùng cả hai đại từ giống cái và giống đực他/她; Thông thường tiếng Hán dùng 它- “giống trung – chỉ vật”) có tồn tại hay không?” Nói tóm lại đây chính là một sự mô tả mối quan hệ giữa con người – ngôn ngữ – vạn vật, một mối quan hệ đặt trong bối cảnh vũ trụ, hoặc như cách nói của Lão-Trang, đặt trong sự biểu hiện cụ thể sinh động của Đại Đạo. Ngày nay nhìn lại với vài ba từ như “duy tâm” “duy vật” hay “siêu hình” thực khó mà khẳng định rõ thực chất tư tưởng Trang tử. Tuy vậy gắn liền vấn đề này với ý thức của Trang tử về ngôn ngữ bộc lộ ra ở Tề Vật Luận ta có thể thấy được phần nào bản chất tư tưởng triết học của ông. Bản chất đó gắn liền với quan niệm về một “Đại Đạo” vô thuỷ vô chung, vượt lên trên cái gọi là “in the beginning was the Word”. Trang Tử nói: “Phu đại Đạo bất xưng, đại biện bất ngôn, … … Đạo chiếu nhi bất đạo, ngôn biện nhi bất cập” (Tạm dịch: Đại Đạo là vô ngôn, sự tham biện lớn thì vô ngữ, … … Đạo mà giảng giải ra thì không phải là Đạo, ngôn biện thì bất cập – Tề Vật Luận, đoạn V) [7 tr.69].

3. Kết từ

Chúng tôi tin rằng không phải ngẫu nhiên mà Trang Tử khi biểu đạt tư biện triết học của mình về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và hiện thực khách quan, lại cố tình chọn đúng các chữ “chỉ”, “”, “thiên địa”, “vạn vật”, “nhất”. Đây hoàn toàn là xuất phát từ một dụng ý triết học sâu sắc chứ không phải là câu chuyện chơi chữ hay đơn giản chỉ là đùa bỡn độc giả hoặc chỉ nhắm vào một cuộc luận chiến cụ thể nào đó, ví dụ cuộc tranh luận “hắc mã bạch mã” với phái Duy Danh đương thời. Đến nay chú giải Trang Tử nói chung, Tề Vật Luận nói riêng đã chất chồng đến độ để tổng kết đã phải riêng một công trình. Bài viết này như đã nói từ đầu chỉ là mạnh dạn chọn lấy một chú giải phù hợp quan điểm cá nhân, tập trung đào sâu một tư tưởng. Có thể xem bài này như là một chú giải đối chú giải, hoặc nói chính xác hơn – xuyên qua một chú giải để tái thức nhận vấn đề trong bối cảnh nhận thức mớibối cảnh giải cấu trúc luận triết học ngôn ngữ học. Đặt trong bối cảnh đó ta có thể thấy nhận thức Trang Tử về quan hệ ngôn ngữ-hiện thực biểu thị một sức mạnh tư biện xuất sắc như thế nào.[2]

Lê Thời Tân

Thiên Tân 2002-2012 Hà Nội

Tài liệu tham khảo

[1] 聞一多全集, 莊子篇 – 莊子章句 – 齊物論, 湖北人民出版社, 1993

Văn Nhất Đa Toàn Tập (Phần Tề Vật Luận trong Trang Tử Chương Cú thuộc Trang Tử Thiên), Hồ Bắc Nhân dân Xuất bản Xã, 1993

[2] 聞一多全集, 莊子篇 – 莊子章句 -莊子義疏, 湖北人民出版社, 1993

Văn Nhất Đa Toàn Tập (Phần Trang Tử Nghĩa Sớ trong Trang Tử Chương Cú thuộc Trang Tử Thiên) Hồ Bắc Nhân dân Xuất bản Xã, 1993

[3] 英汉语言学词汇 An English-Chinese lexicon of linguistics, 商务印书馆, 2000 Hán Anh Ngôn ngữ học Từ vựng, Thương vụ Ấn thư Quán, 2000

[4] Lê Thời Tân, “Đạo gia và ngôn ngữ học-triết học hiện đại (vài điểm suy nghĩ nhân phân tích một câu nói của Trang Tử)”, Tạp chí Hợp Lưu, số 101, 7&8/2008

[5] 新 叙 事 學, 北 京 大 學 出 版 社 Tân tự sự học, Bắc Kinh Đại học xuất bản xã, 2002

[6] Phan Ngọc, Mẹo giải nghĩa từ Hán Việt và chữa lỗi chính tả, Nxb.Thanh niên, 2000

[7] Lê Thời Tân, “Logos Ngữ Âm Trung Tâm luận của Phương Tây và Đại Đạo Vô Ngôn của Trung Hoa – Liên hệ Lão Trang và J.Derida – vài suy nghĩ về triết học ngôn ngữ học giải cấu trúc”, Tạp chí Ngôn Ngữ, số 3 (274), 3/2012


[1] Văn Nhất Đa (闻一 多 Wen Yiduo 1899-1946), nhà thơ và là học giả lớn của Trung Quốc. Ông là người có công lớn trong việc nghiên cứu Chu Dịch, Thi Kinh, Trang TửSở Từ.

[2] Bài viết này là phần đầu của một tiểu luận trình bày tại một seminar kết thúc học phần trong chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học Nam Khai (南開大學Nankai University) năm 2002. Tiểu luận được viết lại bằng tiếng Việt và được công bố trên Hợp Lưu số tháng 7&8/2008 (nhan đề Đạo gia và ngôn ngữ học triết học hiện đại – Vài điểm suy nghĩ nhân phân tích một câu nói của Trang Tử). Nửa sau của tiểu luận này chính là bài “Logos Ngữ Âm Trung Tâm luận của Phương Tây và Đại Đạo Vô Ngôn của Trung Hoa (Liên hệ Lão Trang và J. Derida – vài suy nghĩ về triết học ngôn ngữ học giải cấu trúc)”, Tạp chí Ngôn Ngữ, số 3 (274), 3/2012.

Comments are closed.