Bùi Hoằng Vị thực hiện
Văn Việt xin giới thiệu một dạng bài giới thiệu/phê bình/nghiên cứu văn học không có gì giống với cách giới thiệu/phê bình/nghiên cứu văn học quen nhìn/đọc thấy từ trước đến giờ.
Về nhà văn Nguyễn Viện, bạn có thể đọc hai tiểu thuyết mới của anh đã đăng trên Văn Việt: Cơn bấn loạn dưới đất và Đi.com
. . . . .
PV (Phóng viên): Theo ông thì làm sao xuất khẩu NV (Nguyễn Viện) đi khắp thế gian?
PB (Pierre Bùi): Tôi thấy cần thiết dịch những tác phẩm quan trọng nhất của ông. Nhưng câu hỏi vẫn là “bằng cách nào?” Cụ thể hơn, “làm sao để dịch NV sang một ngôn ngữ khác, chẳng hạn tiếng Anh?” Ai có thể làm việc này?
PV: Nghe nói một học giả nọ hăm là sẽ làm được đấy!
PB: Tôi biết, và còn biết cả ngôn ngữ của vị đó – hệt ngôn ngữ của sách giáo khoa hay bản tin thời sự vậy, nghĩa là trong suốt, sáng trưng, tuyệt không để ngỏ một cơ may nào cho việc hiểu nhầm hay hiểu nước đôi. Quả là một trong vô vàn ca tu từ hạnh phúc, bảo đảm có nhờ Gu Gồ nó dịch giùm qua bất cứ thứ tiếng nào khác thì kết quả cũng trăm lần mỹ mãn cả trăm. Tuy nhiên, lần này khác – là văn bản/ngôn ngữ của một người-viết-có-văn, lại là văn đẹp và đểu, ghê răng lắm, vị ấy còn hăm nữa không?
PV: Thế thì một học giả khác, dịch giả của Lý Lang, nên chăng?
PB: Bạn nói ai? Diệt giả của chú Đợi hả? Rất may, vị này đã hứa “không đọc NV, vì tục” ngay từ đầu. Thế là NV an toàn, chả phải lo bị diệt bởi vị ấy đâu.
PV: Thế thì một nhà khác, tiếng Mỹ “đỉnh” luôn, từng đoạt giải…
PB: Bạn định nói ai, tôi biết rồi. Nhưng nhà này không biết tiếng Việt. Nếu bạn phàn nàn “Không ngờ cột sống nhà tôi lại đâm ja thế này!”, thì có trên 90% khả năng nhà ấy sẽ cho là bạn muốn nói “No doubt the life column of my house again stabs skin like this!”. Thôi, làm phiền nhà ta chẳng tiện đâu.
PV: Phải thừa nhận là ông bi quan.
PB: Chứ lạc quan được sao? Nếu cơ hội hiện tượng NV xuất hiện trong văn học VN là “bốn ngàn năm một thủơ”thì xác suất tồn tại một người có thể dịch ông còn bé hơn nữa. Đến nỗi tôi dám cho chỉ có thể chờ ông đầu thai (hay tái sinh!) làm một người Anh Mỹ Úc gì đấy, rồi tự dịch mình, mới tạm ổn thôi. Nhưng khoan hẵng nói đến dịch; trước hết hãy nói chuyện đọc hiểu NV đã.
PV: Lại bàn lui rồi? Vì sao?
PB: Vì nhiều người đọc NV còn chưa thông thì dịch với vật làm gì cho nó mệt? NV không dễ đọc đâu. Nếu có ai bảo “Trong 100 người VN hôm nay đọc ông thì chỉ có 5 là cảm nhận được thông điệp (ngôn ngữ/nghệ thuật/tư tưởng…) của tác giả, trong đó 1 sẽ rất thích; còn lại 95 người kia chỉ là đọc thử bởi tò mò (do cái kẻ rất thích nọ tích cực tuyên truyền), nhưng rồi cũng mau chóng thở dài mà bỏ cuộc!”, tôi sẽ không ngạc nhiên. Nói thật, để đọc mà thích được NV thì phải hội đủ ít nhất 6 điều.
PV: Điều gì?
PB: Thứ nhất, IQ phải cao. Thứ nhì, (tiềm năng) sáng tạo phải dầy. Thứ ba, óc khôi hài phải nhậy, mà không kiêng tục. Thứ tư, tiếng Việt, đặc biệt là khẩu ngữ Bắc Kỳ, phải tinh. Thứ năm, chữ phải rộng. Và nữa, cảnh giới Thiên – Nhân (HN trước 54 hoặc SG trước 75) lẫn Súc Sinh – Ma Quỉ – Địa Ngục (những chỗ đấy, sau những thời điểm đấy) phải từng trải qua, nhưng không được phép đọa cảnh giới sau.
PV: Ông đừng làm khó. Thứ nhất, tại sao phải IQ cao?
PB: Người viết thông minh, thì người đọc cũng phải thông minh, thế thôi.
PV: Ông cố tình nói sai? Chứ người ta vẫn phán “đã tuyệt tác thì từ đại trí đến dân ngu ku đen đều phải thấy hay”?
PB: Người ta nào, hay chỉ cái Trường Dỗ Công Nông Viết Văn mới cần mị dân thế? Thực tế là “You are what you (like to) read – Đọc đứa nào theo lao đứa đấy”, chân lí ấy chưa bao giờ thay đổi. Xưa nay chỉ có mỗi trường hợp Karl Marx (mà các fan cuồng – đặc biệt là bọn về sau này lên lãnh đạo các nước Thế Giới Thứ Hai, lại càng cuồng – toàn là bệnh nhân Down!) suýt được tưởng là ngoại lệ, song rốt cuộc hóa chẳng phải: Lúc về già cũng đã kịp thừa nhận và muốn sửa lại những chỗ “suy tư thiếu máu” (chữ của ông Thiện), “tư duy phản tiến hóa” của mình, thế nhưng đám tín đồ ấy có dám duyệt cho giáo chủ của chúng nó được phép tiến hóa đâu?!
PV: Hmm! Thế điều kiện thứ nhì, độc giả cũng phải sáng tạo, có ngược đời không?
PB: Không những chẳng, mà còn rất phải nhẽ, bạn à. Nếu bản thân không sẵn khả năng sáng tạo thì người đọc cũng sẽ khiếm thị/khiếm thính trước cái sáng tạo của người viết, bạn tin đi. Tôi từng hí hửng khoe một giảng viên toán đại học (nghĩa là IQ không tồi, nhé!) câu lục bát này của Bút Tre: “Biển xanh sóng vỗ dập dồn / Mấy cô gái đẹp ngửa… lưng ra bơi”, song vị ấy chớ hề nhếch mép, còn hỏi “Có gì thú vị đâu?”
PV: Tôi tưởng cái này là điều kiện thứ ba của ông, “hài hước” với “tục” mà?
PB: Phải, nhưng trước hết vẫn là cái tài chơi khăm lục bát của tác giả, quá tinh quái, bất ngờ chứ?! Bạn không đánh giá cao cái sáng tạo ở người khác chẳng qua vì bạn không có óc sáng tạo, chỉ có thể hiểu như thế. “Điếc thì không buộc phải câm, nhưng đã câm thì nhất thiết điếc” (được cho là ý của ông Thiện) – nghe phản tâm sinh lý, nhưng lại đúng luật chơi này.
PV: Nhưng có lạc để không? Đang nói NV mà?
PB: Ờ, hãy quay lại NV, điều người đọc có thể thấy trước tiên là cái thế giới ảo phì đại (hay siêu thực? hay cả hai?) đa chiều mà ông dựng lên trong tất cả truyện của mình. Nó vượt mọi qui luật vật lý lẫn sinh học quen thuộc của bạn. Mọi thứ đều nghịch thường, như thể đã bị hút qua một đầu của lỗ đen rồi phọt ra ở đầu kia, trong một thế giới lộn ngược. Mà nó cũng không xa lạ hẳn – cái gì, nhân vật nào ở đó cũng khiến bạn ngờ ngợ, như là từng gặp, nhưng không thể gọi đích danh ra được.
PV: Không phải ẩn dụ, mà là “ẩn dụ về ẩn dụ” – “meta-metaphor”, gọi thế được chăng?
PB: Trước đây một tiến sĩ văn ở nước ngoài, khi tôi meo truyện NV cho đọc, đã lắc: “Moa chán ẩn dụ lắm rồi.” Giờ nghe nói “siêu ẩn dụ”, ắt sẽ sập cửa dập mũi bạn!
PV: Chà, ở ngoài còn vậy thì ở trong thế nào?
PB: “Ngoài hay trong” không là câu hỏi, mà “tầm (hoặc chỉ tiềm năng) sáng tạo của người đọc đến đâu”; chẳng hạn, bạn có thể khẳng định ngay NV là món không thể nuốt đối với không ít nhà nghiên cứu phê bình văn học, hộ khẩu thường trú thì đã lắm đời ở Hà Nội song lập trường thẩm mỹ sặc mùi thuốc lào vô sản lại qui định “Thị Nở và Xuân Tóc Đỏ mới là chuẩn mực cao nhất của văn xuôi nước Việt”. Cái mặt phẳng hiện thực phê phán của nửa đầu thế kỷ trước mà họ còn chưa thể nhấc tầm mắt lên khỏi, thì nói gì đến chuyện tiếp cận những thế giới đa chiều phì đại hôm nay?
PV: Đồng ý. Giờ sang điều kiện thứ ba, “óc hài hước”, và “tục”. Lý do?
PB: Một trong những đóng góp lớn nhất của NV, theo tôi, là tiếng cười, mà cũng là thứ văn học VN còn thiếu lắm. Nếu có ai từng ước ao VN sắm được một Rabelais, một Cerventes, hay Gogol gì đấy, thì giờ không cần nữa, ta đã có được một NV rồi.
PV: Thiên hạ cần cười vậy sao?
PB: Thủơ còn cảnh giới Thiên, Nhân, thậm chí Atula, tôi chưa từng nghĩ nó cần, song từ ngày lọt xuống cảnh giới này, tôi mới vỡ ra một lẽ: Không biết cười, bạn sẽ chết, và làm cả người khác chết. Bạn có biết nhà nước của những Hitler, Lenin, Stalin, Mao, Pol Pot, Kim, hay cả IS nữa – những thiên đường độc tài toàn trị – rập khuôn đến mức nào chăng? Xin thưa, ở chỗ tất cả đều được lãnh đạo bởi những “thiên tài” thiếu óc hài hước, những quái vật không cười, đúng không? Nếu bạn đứt dây cười, hãy đọc các tác giả khác; đọc NV làm gì cho nó phí đi.
PV: Được rồi. Nhưng còn cái sự “tục”?
PB: Thúc Sinh của NV giải thích: “Một chế độ cai trị càng hà khắc thì sự tục tĩu trong ngôn ngữ càng phổ biến. Hiện tượng tục tĩu trong ngôn ngữ do đó là một biện chứng, nó thúc đẩy sự thay đổi, bởi chính nó là sự thay đổi. Một nhà nước suy đồi, ngôn ngữ không chỉ lươn lẹo mà còn rập khuôn.” Dùng cứt, đái, rác để vẽ chính nó thì đúng là sử dụng “phương tiện thiện xảo” (ngôn ngữ nhà Phật) chứ gì?! Tuy nhiên, NV không chỉ gọi các “sinh thực khí” cùng “chức năng phồn thực” bằng tên cúng cơm chữ Nôm của chúng, điều này khối người khác ông cũng đã/đang làm rồi; điểm khác biệt là trong khi những người kia chỉ show hàng lẻ một cách tính toán, thì NV cung cấp hàng sỉ một cách hào phóng, ê hề, thậm chí mời chúng làm phát ngôn chính trong phần vĩ thanh cho một tác phẩm của ông. Sự hào phóng tốt bụng đó xưa nay tưởng chừng chỉ có ở Rabelais (người khổng lồ mà nếu thiếu vắng, người đọc Pháp sẽ mất hẳn tự tin mà khóc ròng tủi hổ!), thì bất ngờ sao, hôm nay ta lại có được ở đây, từ NV.
PV: Vâng. Thế còn tiêu chí phải “tinh” tiếng Việt, đặc biệt là khẩu ngữ Bắc Kỳ, thì tại sao?
PB: Thưởng thức một nhà văn, bạn phải thân quen với ngôn ngữ của họ. Thế mà, giọng văn Bắc Kỳ ngả bàn đèn tiểu tư sản di cư của NV lại không hề dễ cảm đối với, chẳng hạn, một cô/bác tiểu nông Nam Bộ. Kết quả là, có được khuyến mãi kèm bao nhiêu kí lô giá sống đi nữa thì một đại biểu thi ca Lục Tỉnh mà tôi quen cũng nhất quyết không chịu duyệt cho ông “điểm trên trung bình”! (Cũng thế, đố bạn làm thế nào để đặc sản của cô Tư, dẫu thuần khiết, tinh tế, và quí hiếm mặc lòng, được một ông đồ xứ Nghệ thâm niên biên chế ở Viện Văn kia vồ vập?!)
PV: Tôi hiểu ấy là ông nói rào cản ngôn ngữ vùng miền. Còn rào cản nào nữa không?
PB: Có chứ. Chẳng hạn rào cản tu từ, ngưởi đọc cùng vùng miền với nhà văn cũng vẫn phải vượt qua. Biện pháp (hay thủ pháp/kỹ năng/phong cách/nghệ thuật) tu từ là căn cước người cầm bút, bạn phải nắm được để giải mã thông điệp (nghệ thuật/ngôn ngữ/tư tưởng/…) của họ. Nếu bạn thích/ghét một nhà nào, phần lớn có nghĩa bạn thích/ghét phong cách “tu từ” của họ. Ở NV, cũng như ở bất kỳ tác giả có tài nào, phong cách tu từ (sắc sảo/tinh tế/độc đáo/thông minh/tài tình/sống động/duyên dáng/…) luôn thu hút đồng thời thách thức người đọc. Mà “tu từ” chẳng cần lúc nào cũng hàm ý gì nặng nề đâu; lắm khi chỉ một chữ “tầm thường” nhưng vào tay một tác giả “không tầm thường” cũng có thể khiến bạn mất ngủ như chơi (chữ “mủi lòng” của ông Hạo chẳng hạn)! Tất nhiên với điều kiện tiếng Việt của bạn không “cùn”.
PV: Thế nếu tôi vẫn không bị “mất ngủ” gì cả vì những tác giả đó của ông, thì sao?
PB: Thì “lời đề nghị khiếm nhã” (nhưng chân thành nhất) dành cho bạn có lẽ là “Nên lui về với những văn bản trong sáng hơn, ở “độ không của tu từ” (chả liên quan gì đến ông Barthes), như sách giáo khoa hay bản tin thời sự gì gì đấy, cho nó lành”.
PV: Ok. Bây giờ, điều thứ năm – chữ phải rộng, để làm gì vậy?
PB: Để bắt kịp ý tác giả, chứ còn gì?! Bạn có thấy NV có cả một kho báu đặc ngữ/thành ngữ (từ Văn học, Triết học, Sinh học, Sử học, Chính trị, Tôn giáo – Phật, Lão, Khổng, Thiên Chúa Giáo, Cựu Ước, Tân Ước – cho đến các sách giáo khoa, nghị quyết, báo đài, chưa kể giới mát-xa, bia ôm, xe ôm, ăn nhậu, vỉa hè, v.v., của cả trước lẫn sau 75) không? Chả hiểu ông đã tích chứa cách nào. Có vẻ bao nhiêu chữ nghĩa từng đi qua mắt ông đều được giữ lại trong bộ nhớ, chẳng sót một mảy may; nay chỉ chực ông ngồi vào bàn viết, là dồn cả xuống, vọt ra đầu ngón như “Lục Mạch của Đoàn Gia” vậy? Song điều hy hữu là cái kho bộn bề như thế (mà thường chỉ cần một phần mười dung lượng cũng đủ khiến khổ chủ phải “ngộ”, mà “mửa chữ”) lại được ông tận dụng/vận dụng một cách tài tình. Mỗi chữ được đặt đúng chỗ, đúng lúc, trơn tru như bôi mỡ. Mà ông không mất thời gian để tìm/đặt gì; cứ thế tuôn, như sông như suối…, còn “sặc” hay “ngộ” là việc của người đọc, không phải người viết.
PV: Nghe ông mà oằn cả mình; tôi còn phải xem lại. Nhưng ông còn một điều kiện nữa? Là gì nhỉ?
PB: Là cảnh giới Thiên – Nhân (HN trước 54 hoặc SG trước 75) lẫn Súc Sinh – Ma Quỉ – Địa Ngục (những chỗ đấy, sau những thời điểm đấy) người đọc phải từng qua, nhưng không được phép đọa cảnh giới sau.
PV: Ông đùa, đúng không?
PB: Không hề. Trước hết để tôi giải thích tại sao người đọc phải từng nếm mùi Tam Ác Đạo. Có một sự thật nghiêm túc: NV thường lấy Súc Sanh – Ma Quỉ – Địa Ngục làm chủ đề, vậy nếu chưa từng qua cảnh giới đấy, làm sao bạn thẩm định được tác giả vẽ đúng hay sai, hoặc đúng/sai cỡ nào? Hơn nữa, nếu sẵn xa lạ với vấn đề này, bạn sẽ thờ ơ, không hứng thú. Bà Nhã Ca, bạn biết đấy, bà ấy viết hồi ký “Để Tang Cho Các Thiên, Nhân, Bị Ma Quỉ/Súc Sanh Tàn Sát Và Ăn Thịt Ở Đấy Tết Năm Ấy”, mà thế giới (chủ yếu là Thế Giới Thứ Nhất!) có được mấy người quan tâm đâu? Đơn giản “Vô tri bất mộ”, là thế.
PV: Nhưng sao người đọc phải từng trải cả cảnh giới Thiên/Nhân?
PB: Cần lắm chứ! Không thì lấy gì mà so sánh/nhận thức? Chẳng hạn, dân Bắc Triều Tiên, bạn cũng biết rồi: “Tuyệt đại đa số” luôn sẵn sàng nghiêm chỉnh thề rằng họ là “những công dân diễm phúc nhất hành tinh”, và chỉ cảnh giới của họ mới là “Thiên Đường/Mùa Xuân Vĩnh Cửu cho nhân loại”, đúng không? Nói của đáng tội, từ chào đời đến lìa đời, họ chỉ biết mỗi cái Thế Giới Thứ Hai ấy, chứ có từng thấy Thế Giới Thứ Nhất (hay ngay cả Thế Giới Thứ Ba) bao giờ, mà hòng so với sánh để hiểu ra mình đang đứng đâu? Loại này ngược hẳn loại trên – chưa từng sống qua cảnh giới nào khác Tam Ác Đạo, nên có khi thấy nó thậm chí … “quá chuẩn, chẳng cần chỉnh” luôn; ngắm tranh NV, họ làm sao tin những quái vật xấu xí ngồn ngộn trong đấy chẳng là ai khác ngoài chính họ? (Chứ mà tin được, thì làm gì có chuyện vừa rồi lệnh cho đến uống trà xong lại đuổi về “không tiễn”?!)
PV: Thế còn cái đuôi “không được phép đọa cảnh giới sau”, là gì vậy? Chả thừa thãi lắm sao?
PB: A, cái này mới quan trọng nhất đấy. Bạn phải từ hàng Thiên, Nhân trở lên, mới hòng người ta thưa chuyện, chứ với Tâm/Thức Súc Sanh hay Ma Quỉ, thì như tôi vừa mới thí dụ đấy – nói làm gì uổng công?! Bạn tin nổi không, cách đây chỉ 3 năm, dịch giả đem quyển hồi ký của bà Nhã Ca sang giới thiệu ở Nga La Tư, ngỡ sẽ được chào đón hỉ hoan, ai ngờ dân ở đấy họ bảo bà ấy ngay rằng là “Xin lỗi nhé, bạn lạc đề rồi; ở đây chúng ta chỉ nên tập trung tố cáo tội ác của Mỹ thôi, bạn ạ”? (Tác giả phải than “não trạng người Nga La Tư hôm nay vẫn chả khác 25 năm trước”!) Song tôi (trộm) nghĩ: Chúng sinh ở đấy đã ba thế hệ liền bị đẩy vào Tam Ác Đạo, khiến 88% trong số đã nhiễm trược nặng nề cả Tâm lẫn Thức, đến nỗi nay dù đã “hồi dương”, vẫn chưa đành lòng thật dạ mà tham gia cảnh giới Ngũ Thừa ngay được (đã vậy, mới rồi còn nườm nượp “vote like” cho lão Pu tự sướng; chẳng khéo lại bị lão kéo tuột theo trở xuống “dưới ấy” thêm một a tăng kỳ kiếp nữa chưa chừng)! Nhưng này, cái con số 12% khiêm tốn quí hóa còn lại kia mới chính là đại biểu cho thành phần độc giả tiềm năng mà chúng ta cần – những kẻ “không chịu đọa”!
PV: Vậy là đã kể trọn sáu điểm ông yêu cầu ở người đọc NV? Song từng ấy liệu đủ chưa?
PB: Tôi e chỉ cần, chưa đủ. Nhưng thôi, hãy để các nhà nghiên cứu/phê bình đảm đương phần của họ.
PV: Nhà nào? Ở trong hay ngoài nước?
PB: Đùa thôi, chả kỳ vọng nhà nào được. Bạn có muốn biết tại sao đến giờ người ta vẫn chưa thể cho sinh viên (Đại Học/Sau Đại Học) làm luận văn về NV, bất chấp bao nhiêu đề tài thú vị – “chất Hài”, “chất Biếm”, “chất Tục” , “kho Từ Vựng”, “nghệ thuật Ngôn Ngữ”, “phong cách Tu Từ”, “đặc điểm Diễn Ngôn”… – từ một người viết đương đại như ông không? Chúng lại chả đáng để khám phá/khai thác hơn là đám bã trầu xơ xác mà chư vị TS-PTS-GS-PGS ở các Khoa, các Viện Văn khả kính của chúng ta vẫn (lãnh lương – từ tiền thuế nhân dân – để) mải miết nhai đi nhai lại bấy lâu à? Thì đấy, điều kiện #6 của tôi đã có thể trả lời bạn: Trong các vị có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên chọn/làm đề tài, thì ngoài cô Bình (người bảo trợ cô Thuyên) ra, có vẻ chẳng còn ai thuộc thành phần 12% “quí hóa” nói trên cả.
PV: Nhưng đấy là trong nước, còn ở bên ngoài?
PB: À, đấy lại là câu hỏi khác: Kiểu gì để họ có thể cập nhật tiếng Việt, vốn vẫn không ngừng phát triển kể cả lúc họ xa quê? Trong việc này, thách thức lớn nhất đối với cả hai – người hướng dẫn đề tài lẫn người được hướng dẫn – là điều kiện #4, và cả #5 nữa, đúng không?
PV: Nhưng nghiên cứu là chuyện lâu dài, còn ngay bây giờ họ không thấy một việc có ý nghĩa trước mắt cần làm, là trao một giải thưởng, dù chỉ tượng trưng, cho tác giả sao? Ấy là tôi nói những người ở bên ngoài.
PB: Chính xác. Song, ấy là “giả định” ở những cảnh giới nảo nào, nơi mà sự đánh giá và ghi nhận gần như ngay lập tức đối với những cá nhân có năng lực là việc rất bình thường, minh bạch, và chính đáng phải làm, chứ giữa những cộng đồng người Việt với nhau (đặc biệt cộng đồng làm văn nghệ), thì ở đâu, trong/ngoài gì, cũng thế, tốt nhất là đừng nhắc. (Cái trò “giải thưởng”, nói đến thì lại càng phơi bầy cái thấp hèn to vật vã ra: Gần như mặt phải/mặt trái của “ganh ghét”, “bè cánh”, “vùng miền”, cho đến “xin xỏ”, “vận động”, “mua bán”, thậm chí cái tuồng mày trơ trán bóng nhất, là “vừa dự thi vừa chấm giải”, mà cứ hở ra là diễn đi diễn lại, ba cái “bằng khen”/”giải thưởng” của ta nên được gọi thế nào cho đúng nhỉ? Có lẽ, phải đến thủ đô nghìn năm văn vật mà hỏi các cụ Khiêu, ông Thuận, bạn ạ.) Tắt một lời, người tài và tự trọng mà nói tiếng Việt, ở giữa cộng đồng Việt, thì quên hai chữ “giải thưởng” đi, thế thôi. Bạn có thể tin, với NV, sống, viết, và được ghi nhận bởi vài đồng nghiệp đẳng cấp, là ok rồi.
PV: Ông cần nói gì về tác giả nữa không?
PB: Không, chỉ chúc NV sớm best selling, ít ra là trong nước.
PV: Ông tin thế?
PB: Thực tình thì rất là khó đấy. Cô Hoài chắng hạn, giới thiệu “Đĩ Thúi”, dường như đã rất dè dặt khi cảnh báo rằng bạn đọc “sẽ không thể dửng dưng với nó”, thế mà cô ấy vẫn… bị lừa: “Chúng nó” cứ lạnh như tiền! Tôi dám cá chính NV cũng không đủ tự tin để thuyết phục các thành viên trong nhà ông đọc hết một phần mười nó. (Câu hỏi “Dân Việt ra ngõ chạm anh hùng, mở cửa vấp thi hào của ta đọc cái gì và đọc trung bình bao nhiêu chữ mỗi năm?” thì tôi xin phép để dành đến một dịp khác.)
PV: Trước giờ đã nhiều nhà nhận định về NV rồi, ông có gì khác so với họ?
PB: Có, mà trước nhất là khi mọi người chủ yếu nêu quan điểm “định tính”, thì tôi còn làm cái việc “định vị”, đối với tác giả này.
PV: Rất cảm ơn đã hợp tác.