Ronald F. Inglehart
Nguyễn Quang A dịch
2. SỰ LÊN CỦA CÁC GIÁ TRỊ HẬU-DUY VẬT Ở PHƯƠNG TÂY VÀ THẾ GIỚI
Hơn bốn thập niên đã trôi qua kể từ khi sự thay đổi từ các giá trị Duy vật sang các giá trị hậu-Duy vật được giả thuyết. Những sự thay đổi được tiên đoán đã có thực sự xảy ra không?
Một khối bằng chứng lớn, được phân tích sử dụng ba cách tiếp cận khác nhau – (1) phân tích nhóm tuổi (cohort analysis); (2) các so sánh của những nước giàu và nghèo; (3) sự xem xét các xu hướng thực sự quan sát được trong 40 năm qua – tất cả đều chỉ tới kết luận rằng các thay đổi văn hóa lớn đang xảy ra, và rằng chúng phản ánh một quá trình thay đổi giữa thế hệ liên kết với các mức tăng lên của sự an toàn tồn tại (existential security).
Bằng chứng kinh nghiệm đầu tiên về sự thay đổi giá trị giữa thế hệ đến từ các khảo sát được tiến hành trong năm 1970 ở sáu xã hội Tây Âu để kiểm định sự thay đổi giá trị được giả thuyết. Mặc dù các Khảo sát giá trị sau đó đã theo dõi một dải rộng hơn nhiều của các sự thay đổi giá trị, nghiên cứu này đã cung cấp bằng chứng định lượng sớm nhất về sự thay đổi giá trị giữa thế hệ và cơ sở dữ liệu chuỗi thời gian rộng nhất. Từ 1970 đến 2009, các khảo sát đại diện quốc gia đã được tiến hành hầu như mỗi năm trong sáu nước này, cung cấp một chuỗi thời gian chi tiết phủ bốn thập kỷ dựa vào hơn 300.000 phỏng vấn. Bằng chứng chuỗi thời gian thêm bây giờ là sẵn có từ rất nhiều nước khác trên tất cả sáu lục địa có người ở.
Trong việc kiểm định giả thuyết thay đổi giá trị, chúng tôi đã hỏi mục tiêu nào họ coi là quan trọng nhất, chọn giữa các thứ như sự tăng trưởng kinh tế, chiến đấu chống giá cả tăng, duy trì trật tự, và đấu tranh chống tội phạm (mà đề cập đến các ưu tiên Duy vật); và quyền tự do ngôn luận, trao cho nhân dân nhiều tiếng nói hơn trong các quyết định quan trọng của chính phủ, nhiều tiếng nói hơn về việc làm, và một xã hội nơi các ý tưởng được tính đến (mà đề cập đến các ưu tiên hậu-Duy vật).1 Các khảo sát đại diện quốc gia trong năm 1970 đã hỏi các câu hỏi này tại sáu nước Tây Âu (Nước Anh, Pháp, Italy, Tây Đức, Bỉ và Hà Lan).
Các khảo sát này đã tiết lộ những sự khác biệt lớn giữa các giá trị của những người trẻ và những người già trong tất cả sáu nước. Như Hình 2.1 cho biết, giữa những người 65 tuổi và già hơn, những người với các ưu tiên giá trị Duy vật đông hơn những người với các ưu tiên giá trị hậu-Duy vật hơn 14:1. Điều này gợi ý rằng trong đầu thế kỷ thứ hai mươi, những người Duy vật đông hơn những người hậu-Duy vật một cách áp đảo. Trong thời kỳ đó, lời xác nhận Marxist rằng chính trị bị chi phối bởi xung đột giai cấp và các vấn đề kinh tế đã là sự xấp xỉ bậc nhất kha khá tốt của thực tế. Nhưng khi ta di chuyển từ các lứa tuổi già hơn sang lứa tuổi trẻ hơn, cán cân từ từ thay đổi tới một tỷ lệ giảm dần của những người Duy vật và một tỷ lệ tăng lên của những người hậu-Duy vật. Giữa lứa tuổi trẻ nhất (những người 18–25 tuổi trong năm 1970) những người hậu-Duy vật đông hơn những người Duy vật. Bằng chứng mặt cắt ngang (cross-sectional) này gợi ý rằng, khi các nhóm sinh già nhất chết đi và được thay thế bằng các nhóm tuổi trẻ hơn trong các thập niên tiếp sau 1970, chúng ta phải quan sát một sự thay đổi về các động cơ thịnh hành, với những người hậu-Duy vật trở nên ngày càng đông.
Hình 2.1 Kiểu giá trị của nhóm tuổi, giữa các công chúng của Anh, Pháp, Tây Đức, Italy, Bỉ và Hà Lan trong 1970.
Nguồn: Khảo sát Cộng đồng Âu châu trong tháng Hai 1970. Dựa vào bảng câu hỏi 4-khoản các giá trị Duy vật/hậu-Duy vật ban đầu. In lại từ Inglehart, 1990: 76.
Nhưng các sự khác biệt lứa tuổi này phản ánh các hiệu ứng nhóm-sinh bền bỉ hay các hiệu ứng vòng-đời nhất thời? Với dữ liệu từ chỉ một điểm thời gian, người ta không thể chắc chắn – và hai diễn giải có các hệ lụy rất khác nhau. Diễn giải vòng-đời ngụ ý rằng lứa-sinh sau chiến tranh sẽ trở nên ngày càng Duy vật khi họ già đi, sao cho vào thời gian họ 65 tuổi họ sẽ Duy vật như những người 65-tuổi trong năm 1970 – và xã hội như một toàn thể sẽ không thay đổi chút nào. Diễn giải hiệu ứng lứa-sinh ngụ ý rằng các lứa trẻ hơn sẽ vẫn tương đối hậu-Duy vật theo thời gian – sao cho khi họ thay thế các lứa già hơn, Duy vật hơn, thì các giá trị thịnh hành của xã hội sẽ thay đổi.
Phân tích lứa tuổi cung cấp cách quyết định duy nhất để trả lời câu hỏi này và nó đòi hỏi: (1) dữ liệu khảo sát phủ vài thập niên; (2) các khảo sát được tiến hành tại nhiều điểm thời gian, cho phép người ta phân biệt các hiệu ứng thời kỳ khỏi các hiệu ứng vòng đời và lứa-sinh; và (3) số người trả lời đủ lớn tại mỗi điểm thời gian sao cho ta nhận được các ước lượng chính xác khi ta phân rã mẫu thành vài nhóm sinh.
Hình 2.2 cho thấy các kết quả của một phân tích lứa tuổi dựa vào hơn 300.000 phỏng vấn. Nó theo dõi các nhóm sinh cho trước trong bốn thập niên, sử dụng dữ liệu từ các khảo sát Euro-barometer mà đã gồm bảng câu hỏi Duy vật/hậu-Duy vật trong hầu như mỗi năm từ 1970 đến 1997, được bổ sung với dữ liệu từ các Khảo sát giá trị từ 1999 và 2007–2009.2
Hình 2.2 Phân tích lứa tuổi: Tỷ lệ phần trăm của những người hậu-Duy vật trừ tỷ lệ phần trăm của những người Duy vật trong sáu nước Tây Âu (Anh, Pháp, Tây Đức, Italy, Bỉ và Hà Lan), 1971–2009.
Nguồn: dữ liệu từ 1970 qua 1997 là từ các khảo sát Euro-Barometer; dữ liệu từ 1999, 2006 và 2008–2009 là từ European Values Study/World Values Survey.
Hình này gộp dữ liệu từ tất cả sáu nước nhằm để cung cấp các mẫu đủ lớn để ước lượng một cách đáng tin cậy vị trí của mỗi lứa tuổi ở một thời gian cho trước – mà được tính bằng việc trừ tỷ lệ phần trăm của những người Duy vật khỏi tỷ lệ phần trăm của những người hậu-Duy vật. Như thế, tại điểm zero trên trục dọc, hai nhóm đông ngang nhau. Tỷ lệ của những người hậu-Duy vật tăng lên khi ta di chuyển lên; và tỷ lệ của những người Duy vật tăng lên khi ta di chuyển xuống trên Hình 2.2.
Nếu những sự khác biệt tuổi được thấy trong Hình 2.2 phản ánh các hiệu ứng vòng-đời, thì mỗi đường trên hình này sẽ di chuyển xuống khi chúng di chuyển sang phải, với mỗi lứa tuổi trở nên Duy vật hơn khi nó già đi từ 1970 đến 2009. Nếu các sự khác biệt tuổi phản ánh các hiệu ứng lứa-sinh ổn định, các đường sẽ là ngang, với mỗi lứa tuổi vẫn khoảng hậu-Duy vật vào cuối chuỗi thời gian như nó là vào lức bắt đầu.
Nhưng chúng ta cũng cần tính đến các hiệu ứng thời kỳ. Lý thuyết của chúng tôi ngụ ý rằng các sự kiện làm giảm sự an toàn tồn tại, như các cuộc suy thoái lớn, sẽ đẩy tất cả các lứa tuổi xuống trong sự đáp lại các điều kiện hiện thời. Với sự khôi phục, chúng sẽ quay lại các mức trước kia của chúng, sao cho trong dài hạn chúng vẫn có thể khoảng hậu-Duy vật như chúng đã là lúc bắt đầu. Trong ngắn hạn, một hiệu ứng thời kỳ đẩy tất cả các lứa tuổi xuống sẽ cho ấn tượng lầm lạc rằng các sự khác biệt tuổi phản ánh các hiệu ứng vòng-đời. Nhưng trong dài hạn, các giao động dương và âm chắc có khả năng khử lẫn nhau.
Với dữ liệu chi tiết từ chuỗi thời gian dài trong Hình 2.2, chúng ta có thể thấy rằng các hiệu ứng thời kỳ rõ ràng có hiện diện. Như Inglehart và Welzel chứng minh, chúng phản ánh các điều kiện kinh tế hiện thời, nhất là lạm phát.3 Trong các thời kỳ suy thoái kinh tế, mỗi lứa sinh di chuyển xuống, trở nên Duy vật hơn; với sự phục hồi, mỗi lứa sinh lại đi lên, trở nên hậu-Duy vật hơn – nhưng các sự khác biệt giữa các nhóm sinh cho trước vẫn ổn định. Bởi thế, các hiệu ứng thời kỳ không có tác động kéo dài nào: các nhóm tuổi trẻ hơn vẫn tương đối hậu-Duy vật bất chấp các thăng giáng ngắn hạn, và trong một thời kỳ bốn thập niên chúng tôi không thấy xu hướng chung nào cho các thành viên của các nhóm sinh cho trước để trở nên Duy vật hơn khi họ già đi.
Nhưng trong khoảng thời gian bốn thập kỷ này, ba nhóm sinh già nhất đã rời khỏi mẫu. Họ được thay thế bởi ba nhóm tuổi trẻ hơn, sinh trong 1956–65, 1966–75 và 1976–85. Phân tích nhóm tuổi trong Hình 2.2 cho thấy không bằng chứng nào về các hiệu ứng vòng đời. Là rõ rằng các sự khác biệt liên quan-đến tuổi tìm thấy trong 1970 phản ánh các sự khác biệt nhóm tuổi kéo dài. Điều này ngụ ý rằng khi các lứa tuổi trẻ hơn, ít Duy vật hơn thay thế các nhóm tuổi già hơn trong dân cư trưởng thành, các xã hội này sẽ thay đổi từ các giá trị Duy vật tới các giá trị hậu-Duy vật.
Đấy chính xác là cái đã xảy ra. Trong bốn thập niên qua, đã có một sự thay đổi thực chất hướng tới các giá trị hậu-Duy vật giữa sáu công chúng được khảo sát đầu tiên trong 1970 (chúng tôi cũng thấy những sự thay đổi tương tự ở Hoa Kỳ và các nước Tây Âu khác). Đường tô đậm trên Hình 2.2 cho thấy sự thay đổi thuần tới các giá trị hậu-Duy vật giữa dân cư trưởng thành như một toàn thể tại các thời điểm khác nhau từ 1970 đến 2009. Trong đầu các năm 1970, những người Duy vật đã đông hơn những người hậu-Duy vật rất nhiều trong tất cả sáu nước. Tổng thể, những người Duy vật đã bốn lần đông hơn những người hậu-Duy vật, và 14 lần đông hơn những người hậu-Duy vật giữa nhóm tuổi già nhất. Tương tự, ở Hoa Kỳ trong 1972, những người Duy vật ba lần đông hơn những người hậu-Duy vật. Trong những năm ở gữa, những sự thay đổi lớn đã xảy ra. Vào năm 2000, những người hậu-Duy đã đông hơn những người Duy vật một chút ở Tây Âu và đông hơn gấp đôi những người Duy vật ở Hoa Kỳ. Sự thay đổi được tiên đoán tới các giá trị hậu-Duy vật đã xảy ra.
Nhưng các mức an toàn kinh tế đã không tiếp tục tăng lên trong hai thập niên qua. Sự tăng trưởng kinh tế đã chậm lại và, bởi vì sự bất bình đẳng thu nhập tăng lên nhưng lợi lộc đã hầu như hoàn toàn thuộc về những kẻ chóp bu; một phần lớn dân cư đã trải nghiệm thu nhập thực tế trì trệ hay giảm sút. Việc này đã bị tăng cường bởi những sự cắt bớt nhà nước phúc lợi và các mức thất nghiệp cao, nhất là giữa những người trẻ. Sự thay đổi hướng tới các giá trị hậu-Duy vật đã giảm dần trong các nước Tây phương này. Như thế, trong các khảo sát gần đây nhất, các nhóm tuổi trẻ nhất không còn hậu-Duy vật hơn các nhóm tuổi hậu chiến khác – mặc dù họ là thế hơn đáng kể so với lứa tuổi tiền-chiến sống sót, trong đó những người Duy vật vẫn đông hơn những người hậu-Duy vật. Như một kết quả, sự thay thế dân cư giữa thế hệ không còn mang lại một sự thay đổi lớn hướng tới các giá trị hậu-Duy vật nữa.
Nhưng một sự chuyển đổi giá trị lớn đã xảy ra: trong năm 1970, những người Duy vật đã hết sức đông hơn những người hậu-Duy vật trong tất cả các nước Tây phương. Vào năm 2000 những người hậu-Duy vật đã đông hơn những người Duy vật một chút – nhưng bởi vì những người hậu-Duy vật có khuynh hướng tập trung giữa các tầng lớp an toàn hơn, có giáo dục tốt hơn và nói năng lưu loát hơn của xã hội, họ định giọng: các giá trị của họ đã trở nên phải đạo (politically correct). Sự thay đổi giá trị hậu-Duy vật không còn là một nhân tố chính nữa trong các nước này; trừ lứa tuổi già nhất, những người trẻ và những người già bây giờ có các giá trị khá giống nhau. Nhưng văn hóa của các nước Tây phương thu nhập-cao đã biến đổi.
Logic của sự thay đổi hậu-Duy vật có các hệ lụy quan trọng cho các nước khác. Thế giới như một toàn thể cho thấy sự tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy kể từ 1980, với Ấn Độ và Trung Quốc trải nghiệm các tỷ lệ tăng trưởng hàng năm từ 6 đến 10 phần trăm. Chỉ vài thập kỷ trước, hầu hết người dân trong hai nước này đã sống chỉ trên mức chết đói. Trong ký ức của những người đang sống, ít nhất 30 triệu người Trung quốc đã chết đói sau sự thất bại của Đại Nhảy Vọt. Các nước này bây giờ có nhiều triệu phú (và hàng triệu người sống trong sự nghèo khủng khiếp). Sự tăng trưởng ấn tượng của họ có nghĩa là 40 phần trăm dân số thế giới đang di chuyển từ sự nghèo mức-chết đói sang một mức khiêm tốn của sự an toàn kinh tế. Lý thuyết hiện đại hóa tiến hóa ngụ ý rằng trong dài hạn, việc này sẽ mang lại một sự thay đổi tới các giá trị hậu-Duy vật. Nhưng, như chúng ta đã thấy, dính líu đến những độ trễ thời gian nhiều-thập kỷ. Bây giờ, những người hậu-Duy vật tạo thành một thiểu số bé tẹo ở cả Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng lý thuyết của chúng tôi tiên đoán rằng nếu họ tiếp tục trên quỹ đạo hiện thời của họ, một sự thay đổi tới các giá trị hậu-Duy vật sẽ xảy ra khi một thế hệ trẻ hơn nổi lên mà đã lớn lên coi sự sống sót là đương nhiên. Nhiều nước khác từ Mexico đến Singapore đã đạt ngưỡng này rồi.
Trong thế giới như một toàn thể, tỷ lệ giữa những người Duy vật và những người hậu-Duy vật thay đổi ghê gớm theo mức phát triển kinh tế của một xã hội. Các nước thu nhập-thấp và các nước bị xung đột xé nát cho thấy một ưu thế áp đảo của những người Duy vật, trong khi các nước thịnh vượng và an toàn bị chi phối bởi những người hậu-Duy vật. Như thế, những người Duy vật đông hơn những người hậu-Duy vật với tỷ lệ 55 trên 1 ở Pakistan, và với tỷ lệ 28 trên 1 ở Nga; nhưng ở Hoa Kỳ những người hậu-Duy vật đông hơn những người Duy vật với tỷ lệ 2 trên 1, và ở Thụy Điển với tỷ lệ 5 trên 1. Không ai có thể đảm bảo rằng sự thịnh vượng và hòa bình sẽ tiếp tục, nhưng trong các nước mà có đạt được các mức an toàn tồn tại cao, chúng ta có thể kỳ vọng để tìm thấy sự thay đổi giá trị giữa thế hệ.
Hình 2.3 cho thấy phân bố của các giá trị và các giá trị hậu-Duy vật trong mỗi nhóm sinh được sinh từ 1927 đến 1996 trong 11 nước nguyên-cộng sản mà bây giờ là thành viên của Liên Âu (EU) – Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Rumania, Slovakia và Slovenia – sử dụng khảo sát sẵn có gần đây nhất từ 2008–2012. Các khảo sát sớm nhất của các nước này (khoảng 1990) đã cho thấy rồi các sự khác biệt lớn giữa thế hệ cho biết một sự thay đổi tới các giá trị hậu-Duy vật – mà có lẽ đã đóng góp cho các cuộc biểu tình quần chúng dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở đó.
Sự chuyển đổi từ các nền kinh tế do nhà nước-vận hành sang các nền kinh tế thị trường đã gây ra những sự trật khớp kinh tế nghiêm trọng làm cụt hứng xu hướng tới các giá trị hậu-Duy vật, nhưng sự suy sụt kinh tế này đã không kéo dài trong các nước này, mà mau chóng đã trở thành các thành viên của Liên Âu; trong thập niên đầu tiên của chúng trong EU, các thành viên mới này đã có các tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao khoảng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng của các thành viên cũ hơn. Sự thay đổi giữa thế hệ tới các giá trị hậu-Duy vật đã lại tiếp tục, như Hình 2.3 cho biết. Giữa nhóm tuổi già nhất, sinh từ 1927 đến 1936, những người Duy vật vẫn đông hơn những người hậu-Duy vật với tỷ lệ 8 trên 1 – nhưng giữa nhóm tuổi trẻ nhất, tỷ lệ chỉ là 2,5 trên 1. Sự thay đổi giá trị giữa thế hệ có vẻ đang nổi lên, mặc dù các nước này vẫn tụt hậu xa đằng sau Tây Âu về các con số tuyệt đối của những người hậu-Duy vật.
Hình 2.3 Các giá trị Duy vật vs. hậu-Duy vật theo nhóm sinh, trong 11 nước nguyên-cộng sản bây giờ trong Liên Âu (Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Rumania, Slovakia và Slovenia), 2008–2012.
Công chúng Nga cũng cho thấy các dấu hiệu về một sự thay đổi giữa thế hệ mạnh từ các giá trị Duy vật sang các giá trị hậu-Duy vật trong khảo sát sẵn có sớm nhất trong 1990 – nhưng sự sa sút của sự an toàn tồn tại mà nhân dân Nga đã trải nghiệm với sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản đã nghiêm trong hơn nhiều so với ở các nước nguyên-cộng sản mà bây giờ là thành viên Liên Âu. Liên Xô đã tan rã, thu nhập trên đầu người sụt khoảng 40 phần trăm của mức trước kia của nó, các định chế phúc lợi xã hội tan vỡ, tội phạm tràn lan và ước lượng tuổi thọ đàn ông đã giảm khoảng 18 năm. Quan trọng ngang thế, lòng tin vào một hệ thống niềm tin Marxist mà một thời đã cung cấp một cảm nhận về ý nghĩa và mục đích cho nhiều người đã sụp đổ. Công chúng Nga đã trải nghiệm một một nỗi khó chịu khác thường, trong đó một đa số của công chúng Nga mô tả bản thân họ như bất hạnh và không hài lòng với cuộc sống của họ như một toàn thể.
Vào khoảng 2000, nền kinh tế Nga bắt đầu phục hồi, phần lớn do giá dầu và gas tăng lên, và trật tự đã được Vladimir Putin khôi phục. Các mức an lạc (well-being) chủ quan cũng đang khôi phục – nhưng các nhóm sinh Nga trẻ nhất đã không trải nghiệm các mức an toàn kinh tế và an toàn thân thể cao hơn đáng kể so với những người già hơn của họ: các năm hình thành của chúng đã bị định hình bởi sự nghèo và sự mất trật tự lan rộng. Vì thế, các khảo sát Nga gần đây cho thấy ít bằng chứng về một sự thay đổi giữa thế hệ tới các giá trị hậu-Duy vật, và những người Duy vật đông hơn những người hậu-Duy vật một cách áp đảo.
Hình 2.4 Các giá trị Duy vật vs. hậu-Duy vật theo nhóm sinh, trong tám nước Mỹ Latin (Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Guatemala, Mexico, Peru và Uruguay, 2005–2012).
Hình 2.4 cho thấy phân bố các giá trị Duy vật và hậu-Duy vật theo nhóm sinh ở tám nước Mỹ Latin – Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Guatemala, Mexico, Peru và Uruguay – dựa vào các khảo sát sẵn có gần đây nhất, từ 2005 đến 2012. Trong 25 năm qua, hầu hết các nước Mỹ Latin đã trải nghiệm sự tăng trưởng kinh tế đáng kể và nhiều nước đã chuyển đổi thành công từ các chế độ độc đoán sang các chính phủ dân chủ. Các nước này bây giờ cho thấy các dấu hiệu về một sự thay đổi giữa thế hệ từ các giá trị Duy vật sang các giá trị hậu-Duy vật. Giữa nhóm tuổi già nhất (sinh từ 1927 đến 1936), những người Duy vật đông hơn những người hậu-Duy vật hơn ba lần. Nhưng giữa nhóm tuổi trẻ nhất (sinh từ 1987 đến 1996), những người hậu-Duy vật đông hơn những người Duy vật. Trong các phân bố giá trị tổng thể của họ, các nước này vẫn tụt lại khá xa sau sáu nước Tây Âu được phân tích ở trên – và còn xa hơn nữa đằng sau Hoa Kỳ và Thụy Điển, nơi những người hậu-Duy vật đông hơn những người Duy vật với biên độ lớn. Nhưng một sự chuyển đổi giữa thế hệ có vẻ đang biến đổi các nước Mỹ Latin.
Các lực hiện đại hóa đang bắt đầu biến đổi các xã hội Islamic, nhưng chúng vẫn ở một giai đoạn ban đầu. Đợt 2007–2014 của WVS cho thấy bằng chứng rằng một quá trình thay đổi giá trị giữa thế hệ bây giờ đang hoạt động trong một số nước đa số-Muslim, đặc biệt các nước đã đóng vai trò hàng đầu trong Mùa Xuân Arab. Hình 2.5 cho thấy cán cân thay đổi giữa các giá trị Duy vật và các giá trị hậu-Duy vật trong chín nước đa số-Muslim, Morocco, Algeria, Tunisia, Libya, Palestine, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania và Indonesia. Giữa nhóm sinh già nhất, những người Duy vật đông hơn những người hậu-Duy vật với một tỷ lệ hơn 10 trên 1; giữa nhóm sinh trẻ nhất, tỷ lệ chỉ khoảng 2 trên 1. Tỷ lệ đang thay đổi, nhưng nó vẫn chưa tạo ra một nhóm tuổi trong đó những người hậu-Duy vật đông hơn những người Duy vật.
Hình 2.5 Các giá trị Duy vật vs. hậu-Duy vật theo nhóm sinh ở chín nước đa số-Muslim (Morocco, Algeria, Tunisia, Libya, Palestine, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Albania và Indonesia). N = 24,107.
Nguồn: World Values Survey và European Values Study, 2007–2013.
Các sự khác biệt liên quan-đến tuổi là tương đối yếu ở 13 nước đa số-Muslim khác: Kazakhstan, Uzbekistan, Azerbaijan, Kyrgyzstan, Lebanon, Iran, Saudi Arabia, Qatar, Yemen, Mali, Pakistan, Bangladesh và Malaysia (r trung vị = −0,05). Các nước cho thấy bằng chứng về sự thay đổi giá trị giữa thế hệ tương đối mạnh không có các mức cao nhất về GDP trên đầu người (mà được thấy ở các nhà nước vùng Vịnh) – nhưng chúng có ước lượng tuổi thọ cao hơn, tỷ lệ tử vong trẻ em thấp hơn và tỷ lệ sinh đẻ thấp hơn các nước Islamic khác. Như thế, tuổi thọ kỳ vọng trung vị trong các nước được thấy trong Hình 2.5 là 75 năm; tuổi thọ kỳ vọng trung vị trong các nước khác là 69 năm. Các nước đa số-Muslim với tuổi thọ kỳ vọng tương đối cao cho thấy các sự khác biệt giá trị giữa thế hệ tương đối lớn. Hơn nữa, ngoài Indonesia ra, các nước này cụm lại trên hay gần Địa Trung Hải và có các dòng chảy dân cư tương đối lớn tới và từ Tây Âu.
Việc đơn giản tổ chức các cuộc bầu cử sẽ không thiết lập nền dân chủ hiệu quả trong thế giới Muslim. Và có vẻ không chắc xảy ra rằng các nước nói tiếng-Arab, trong tương lai gần, sẽ thiết lập một làn sóng dân chủ hóa lâu dài giống làn sóng đã quét qua Đông Âu trong những ngày cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. Nhưng có các dấu hiệu rằng sự thay đổi giữa thế hệ đang bắt đầu biến đổi văn hóa của một số nước đa số-Muslim.
Sự Thay đổi Giá trị giữa thế hệ Khởi động Vòng Phản hồi Dương
Sự thay đổi từ các giá trị Duy vật sang hậu-Duy vật đã chậm lại ở Tây Âu, nhưng nó đang lan ra nhiều nước khác. Hơn nữa, sự nổi lên của một sự thay đổi giá trị giữa thế hệ trong thời hậu-chiến cuối cùng đã khởi động một vòng phản hồi dương dưới đó mỗi nhóm sinh mới đã lớn lên dưới các điều kiện dễ dãi hơn các điều kiện đã định hình các nhóm tuổi già hơn. Vì mọi người coi thế giới mà họ sinh vào là đương nhiên: nó có vẻ quen thuộc và bình thường. Và trong 60 năm qua, mỗi nhóm sinh kế tiếp nhau trong các xã hội thu nhập-cao đã sinh vào một thế giới trong đó sự khoan dung về bình đẳng giới và những người đồng tính và các nhóm ngoài khác đã đều đặn trở nên phổ biến hơn và sự đa dạng sắc tộc đã tăng lên. Điều này có nghĩa rằng khoảng cách giữa thực tế đương thời và thế giới mà người ta sinh vào đã lớn hơn cho các nhóm sinh già hơn so với nó đã là cho các nhóm sinh trẻ hơn – như thế các nhóm tuổi già hơn đã cảm thấy bị đe dọa hơn và bị mất phương hướng hơn bởi các mức đương thời của sự khoan dung xã hội và sự đa dạng sắc tộc hơn các nhóm tuổi trẻ hơn. Quá trình này tiếp tục ngay cả khi các nhóm tuổi trẻ hơn không còn được định hình bởi các mức an toàn kinh tế cao hơn so với các nhóm tuổi gia hơn của họ. Đối với các nhóm sinh trẻ hơn, sự hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và việc bàu một Tổng thống Mỹ gốc Phi đã đơn giản là sự tiếp tục của một xu hướng quen thuộc. Đối với các nhóm tuổi già hơn chúng đã là các sự kiện gây sốc mà đã không thể tưởng tượng nổi trong thế giới mà họ đã sinh vào.
Nguyên lý này áp dụng cho các sự khác biệt địa lý cũng như các sự khác biệt nhóm sinh. Nếu người ta sinh ra ở New York hay Los Angeles trong năm 1960, sự đa dạng sắc tộc và văn hóa đã là quen thuộc và tương đối có thể chấp nhận được. Nếu người ta sinh ra trong năm 1960 ở thôn quê Montana hay West Virginia, họ đã không. Sự hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và việc bầu một Tổng thống Mỹ gốc Phi có vẻ là không tương thích với các chuẩn mực của thế giới mà họ đã sinh vào. Vì thế, cả các nhóm sinh trẻ hơn và những người sinh trong các vùng đô thị lớn đa dạng ủng hộ hơn một cách đáng kể các chuẩn mực văn hóa mới so với những người già hơn và những người từ các vùng thôn quê. Khi các nhóm tuổi trẻ thay thế các nhóm tuổi già hơn, các thay đổi văn hóa lớn tiếp tục.
Chương 2 Sự Lên của các Giá trị hậu-Duy vật ở phương Tây và Thế giới
1 Cho chi tiết đầy đủ hơn về các giá trị Duy vật/hậu-Duy vật được đo, và sự hợp thức của các số đo, xem Inglehart, 1977, Chapter 1, và Inglehart, 1990, Chapter 1.
2 Các mẫu được tính trọng số để phản ánh dân số của mỗi nước. Vì World Values Survey 2006 đã không gồm Bỉ, chúng tôi sử dụng dữ liệu từ khảo sát Bỉ 1999 trong phân tích gộp (pooled analysis). Việc này có khuynh hướng làm giảm lượng thay đổi quan sát được từ 1999 đến 2006, nhưng sự méo mó là tối thiểu vì Bỉ chiếm chỉ 4 phần trăm của dân số của sáu nước.
3 Inglehart and Welzel, 2005.