Tản mạn văn hóa văn nghệ và … văn gừng (5)

Những chuyn linh tinh liên quan đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng vài hin tượng “kết nối” không đúng mực (1)

Nguyễn Thanh Văn


Quan hệ giữa những thi-văn hữu, giữa các danh sĩ, có khi được gọi là quan hệ liên tài xưa nay không hiếm, còn hiện tượng “văn nhân tương khinh”, ý của Tào Phi đời Tam Quốc, không bàn trong bài viết này. Mặt khác, quan hệ giao lưu giữa người nổi tiếng và người mến mộ, giữa các fan và idol của họ có khi còn bình thường hơn nữa, đặc biệt trong thời đại của truyền thông đại chúng đang lên ngôi hiện nay. Trong lần “tản mạn” kỳ này, tôi chọn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm trung tâm để cà kê, bao gồm vài ví dụ “kết nối” thiếu chuẩn mực quanh tên tuổi và sự nghiệp sáng tạo của nhạc sĩ, người không nghi ngờ gì nữa là một trong những nhân vật hiện đại nổi tiếng nhất ở Việt Nam.

Không phải đợi tới khi nằm xuống Trịnh Công Sơn mới nổi tiếng, nhưng đúng chỉ sau khi ông qua đời, lòng hâm mộ dành cho ông, dư luận nhiều chiều về ông, mới thực sự bùng nổ. Các tuyển tập của bè bạn, thân nhân, sách của giới nghiên cứu trong và ngoài nước có nhiều cách tiếp cận dù cầm chắc chưa đầy đủ và còn lắm chỗ cần trao đổi lại, nhưng phải thừa nhận lượng thông tin và ý kiến thực sự phong phú và thú vị. Mỗi người hoặc đơn giản vì ái mộ sáng tác, hoặc quan tâm tất cả, từ ca khúc tới cuộc đời, lẫn tính cách và tư cách của nhạc sĩ, hoặc “lý trí” hơn, xem xét chúng dưới góc độ một hiện tượng văn hóa xã hội vừa độc đáo vừa phức tạp. Nhà phê bình-nghiên cứu văn học Đặng Tiến, cây bút do tuổi tác cường độ trước tác giảm nhiều, nhưng cái làm nên tên tuổi ông – tinh tế, sắc sảo và duyên dáng – thì chưa có dấu hiệu giảm sút, đưa ra ý kiến Trịnh Công Sơn là một “sản phẩm của Việt Nam Cộng Hòa”. Cái ý, nói chính xác là cách nói, khá bất ngờ đáng làm đề tài cho một tiểu luận nghiêm túc, dù không phải ai cũng sẵn sàng hiểu đúng ý ông. Bửu Ý và Đinh Cường trong nhiều bài viết làm rõ tính cách, thế giới nội tâm của Trịnh Công Sơn một thời trai trẻ và nhiều kỷ niệm, góc khuất mà không phải là tri âm tri kỉ quyết không thể viết được. Điều hứng thú là nhiều fan không phải là người tên tuổi trong giới nghệ thuật có những nhận xét sâu sắc, nhạy cảm và đáng chú ý.

Tình khúc của Trịnh Công Sơn chinh phục vài thế hệ thính giả và với hàng triệu người, đã thuộc về cổ điển. Theo thiển ý của người viết, ngay cả những đánh giá về mặt nghệ thuật nghịch lại xu hướng khẳng định – vốn hiếm hoi – cũng chỉ góp thêm gia vị và màu sắc cho sự xuất hiện gần như một cánh chim lạ chưa từng thấy, đơn độc ở đường bay lẫn tầm bay huyền thoại của một chủng loại dường như không có người kế thừa, và hiệu ứng với công chúng thì không đo lường nổi qua năm tháng. Để thêm một cái nhìn tạm gọi là góc “nghịch” này, tôi ghi nhận nhận định của một tên tuổi trong làng âm nhạc Việt, ông Chung Quân. Sau sự kiện 75 – tôi không nhớ chính xác ngày tháng – nhân được phân công làm giám thị kì thi tốt nghiệp trung học thì phải (lúc đó chắc thiếu người, sinh viên được huy động đi coi thi), tôi coi chung phòng với một thầy, sau đó mới biết là nhạc sĩ Chung Quân, tác giả ca khúc “Làng tôi” nổi tiếng. Nói thêm là trong dịp này tôi mới biết nhạc sĩ là người có học vị tiến sĩ (ngành Văn?). Trả lời câu hỏi tò mò của tôi “Anh so sánh sự nghiệp âm nhạc của ông Phạm Duy và ông Trịnh Công Sơn như thế nào?”, ông bảo giới nhạc sĩ chuyên nghiệp phục tay nghề âm nhạc của Phạm Duy hơn hẳn Trịnh Công Sơn. Theo tác giả “Làng tôi”, nhạc của họ Trịnh là nhạc thời trang, hạn chế trong tầng lớp thị dân, theo thời gian người nghe sẽ quên. Tôi vẫn nhớ cách so sánh khá dí dỏm của ông rằng “Có bao giờ anh chứng kiến một ông nông dân vác cày ra đồng mà vừa đi vừa hát “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em…”, nhưng người ta hát nhạc Phạm Duy trong lúc đang cày bừa đó!”. Tôi là dân ngoại đạo về âm nhạc, chỉ kể lại bạn đọc biết cho vui, và tiện nói luôn suy nghĩ của tôi ngày đó là ông Chung Quân dùng mác “thời trang” gán cho tác giả “Diễm Xưa” quả thú vị và táo bạo, nhưng tôi ngờ rằng ông nhầm khi dự đoán người hâm mộ sẽ quên Trịnh Công Sơn. Và không thể không lờ mờ đoán ra rằng sự xuất hiện gần như đột ngột của gã newcomer đầy tài hoa năm ấy giữa bầu trời âm nhạc Việt có khi gây bối rối cho các bậc đàn anh không thiếu tài năng của mình. Phải nhiều năm sau tôi mới nhận ra cách so sánh vừa kể không phải là tiêu chuẩn chuẩn mực định giá một nghệ sĩ, cho dù ví dụ nhạc sĩ Chung Quân đưa ra đúng với thực tế đi nữa.

Còn không ít những ý kiến đáng chú ý ít người biết, một số đơn giản vì không được viết ra. Một lần anh Lê Khắc Cầm, dịch giả tiểu thuyết “Chúa đã khước từ”, nhân đang góp ý cho tập truyện ngắn mới của tôi, bỗng nhận xét rằng “Nghệ thuật ngoài tài năng xuất sắc phải có một chút sến” và anh nêu ca khúc của Trịnh Công Sơn làm ví dụ. “Vấn đề ở chỗ liều lượng” – Lê Khắc Cầm lập luận – “rất nhiều ca từ, giai điệu của Trịnh Công Sơn tiếp cận với đường biên sên sến của rất nhiều ca khúc thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước ở miền Nam, nhưng khác với đa số đồng nghiệp, Sơn không bao giờ dễ dãi bước qua, và đó là bản lĩnh nghệ sĩ”. Tiếc là tôi không nhớ những dẫn chứng minh họa của họ Lê, nay muốn hỏi lại thì đã muộn, người Huế đáng gọi là bậc chân trí thức này nay gần như hôn mê, không nhận ra người đối diện. Nhớ ý kiến độc đáo của anh, nhớ nhận xét “nhạc thời trang” của ông Chung Quân nhắc ở trên, lại chợt nhớ trong một tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn có ghi chú cuối trang về Trịnh Công Sơn mà ông (hoặc nhân vật của ông) có nhắc trong truyện rằng Trịnh Công Sơn là một “nhạc sĩ thời thượng” (ghi chú này bị xóa trong các bản in đợt sau). Theo tôi biết sau đó Trịnh Công Sơn và Nguyễn Huy Thiệp có gặp gỡ và tỏ ra quý trọng tài năng của nhau, nhưng chi tiết này không quan trọng lắm. Và tưởng cần lưu ý rằng “thời trang“ hay “thời thượng” không nhất thiết mang nghĩa phủ định.Tất cả những nhân vật tôi vừa nhắc đều thuộc mẫu người sắc sảo, đầy cá tính, những ý kiến của họ hoặc có góc độ chuyên môn, hoặc lý luận và cả trực cảm, có khi khứu giác mạnh hơn cả thị giác và thính giác. Khi liên tưởng tới “chùm” ý kiến này, tôi cảm giác các anh vẫn đang loay hoay chạm tới cùng một đề tài: quan hệ giữa tài năng nghệ thuật đỉnh cao với “thời trang” và cái tên gọi chưa có định nghĩa ổn định: “sến” (có thể có nghĩa chiều [thị hiếu] quần chúng, nghĩa ủy mị hay thủ pháp “lây lan” qua kênh cảm tính…). Vấn đề có thể chông chênh giữa họ và chông chênh với chính họ là chuyện “liều lượng” theo cách diễn tả của Lê Khắc Cầm đấy thôi. Thưởng thức nghệ thuật có vấn đề trình độ ai cũng biết, nhưng có một yếu tố song hành quan trọng hơn nhiều: thị hiếu. Yếu tố sau có khi gần với tiềm thức, vô thức hơn với ý thức và cả trí thức. Trong một vỉa sâu, gián tiếp có mặt tác động của kiến thức, giáo dục đối với thị hiếu, nhưng đôi khi ở một vỉa sâu khác tác động đó mang tên tập quán và bản năng. Tôi ngờ rằng ái tình cũng có thứ biên “sên sến” đáng yêu đấy chăng, liên quan những thứ chết tiệt như cái cổ dài, bờ môi trề và một thứ mồ hôi thiên thu không dám khi chắt ra thành nước hoa có được thị trường welcome không. Nhạc sĩ sáng tác nhạc thính phòng cổ điển không chịu nhạc sĩ sáng tác tình khúc của công chúng và khác nhạc sĩ sáng tác cho tuổi teen; đòi một công tử Huế hay Hà Thành và một đồng bào đất phù sa màu mỡ hay ruộng đồi cằn khô của họ có cùng khẩu vị thời trang, thậm chí cùng “độ sến” nghe sao được! Cùng nhâm nhi “nước mắt quê hương” nhưng độ cồn đủ cho mỗi người say mỗi khác… Còn cái lõi tài năng thì miễn bàn – trong nghệ thuật không có ghế cho dạng bất tài dù kèm giấy giới thiệu của tổng thống, chủ tịch nước hay mới có tiệc mừng sáu mươi năm tuổi Đảng. Để có người nhớ một truyện ngắn, giai điệu nhạc hay chỉ một hai câu thơ đã đáng gọi là tài hoa, có mươi ca khúc khó quên như Đoàn Chuẩn, Cung Tiến tên tuổi sống đời với người hâm mộ, nói chi những tài năng độc đáo với số lượng và chất lượng tác phẩm xuất sắc mà sự có mặt của họ chỉ làm sang trọng thời đại và cuộc sống tinh thần của đồng bào của mình. Trịnh Công Sơn nằm trong số ít, rất ít đó.

Nhìn chung, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn không có cái may mắn như các tình khúc, vốn được mọi tầng lớp công chúng thừa nhận và giới ca sĩ chuyên nghiệp đều ngầm xem việc hát nhạc Trịnh như một thử thách ở đỉnh cao. Thậm chí từ khi chào đời cho đến tận hôm nay, phần nhạc phản chiến này đã phải nhận không ít phản ứng trái chiều, từ phía chính quyền vàng lẫn đỏ, từ một số anh chị em bên kia biển, hoặc ý kiến nghịch lại của các nhóm fan khác, cho tới một phát biểu có thể xem là đầy đặn nhất của một nghệ sĩ đầy cá tính, bạn Trịnh Công Sơn – họa sĩ Bửu Chỉ. Dù có bị cho là chủ quan, theo thiển ý của tôi, riêng trong đề tài “phản chiến” có khi không thể xem nhẹ cách đánh giá của một “hảo hán” có tầm cỡ và có “võ công” đặc thù như Bửu Chỉ, người đã trả giá cho cuộc dấn thân đấu tranh dân chủ với cái giá bốn năm tù ngục trước 1975, và cũng là người sớm phủi tay với kiếp công-chức-văn-nghệ mòn gỉ, những chức sắc hội hè phù phiếm dưới chế độ mới, công khai không tán thành guồng máy độc tài toàn trị với một lý tưởng nhất quán chọn lựa từ một thời trai trẻ trước 1975: đấu tranh và tiếp tục đấu tranh dân chủ. Không, không có và không dám kết luận ở đây. Và có khi không nên bàn chuyện nghệ thuật bằng bằng chứng chính trị chăng, đại khái như chính tôi vừa “lỡ miệng”. Và vấn đề nên để mở. Nếu chân thành tự nhìn lại thái độ của mình, không ít người – trong đó có tôi – có khi nhận ra chính mình từng có những ý kiến mâu thuẫn về Trịnh Công Sơn. Chưa thuyết phục được nhau và thậm chí chưa thuyết phục được chính mình thì tạm để đó. Vấn đề là từ đầu những năm 60 tới nay – bao nhiêu nước chảy qua cầu – đã có những ý kiến khác nhau về Trịnh Công Sơn và phần nhạc phản chiến của ông mà sinh thời không cho ông nói lời phân trần, nói chi nay thân xác đã thành cát bụi. “Mở” vì “khép” là hành trạng và cách tư duy của bọn độc tài. “Mở” còn vì một lý do quan trọng hơn nhiều, một nghệ sĩ lớn chỉ lớn khi ông/bà ta “vận” được vào mình và sáng tạo của mình cả hy vọng, bi kịch và sóng gió bất cập của thời đại; cái yếu tố “thời đại” vốn chưa bao giờ không phức tạp mà người đương thời từng chia sẻ và biết đâu một lúc nào đó, những người của mai sau cũng còn dịp soi lên và rùng mình thấy ra bóng dáng số phận của chính mình. Một không gian và biên độ như thế cần kiên nhẫn về tài liệu và cách tiếp cận tài liệu, và mỗi người muốn ra tuyên ngôn cá nhân nên uốn lưỡi, có lẽ gấp năm con số ”ba lần” tiền nhân từng gợi ý. Một “tuyên ngôn” chưa đủ “tư liệu”, qua kinh nghiệm lịch sử, thường có xu hướng “thí mạng” ai đó, và có nên chăng chống một điệu đại tự sự bằng một giọng đại tự sự khác như của một số – lưu ý chỉ một số cực đoan và quá cảm tính thôi – người anh em hậu hiện đại địa phương, những người nhân đọc lơ mơ một bài hiệu triệu đâu đó trong một đêm khó ngủ hay thất vọng về văn tài của mình, bèn “cải đạo”, quyết thánh chiến với di sản văn hóa toàn thế giới.

Thử tiếp tục với ý của nhà nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến, người “bầu” ca từ trong ca khúc “Đêm thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn là bài thơ Việt hay nhất trong thế kỷ 20. Nên hiểu ý kiến xuất phát từ cảm xúc cá nhân của ông trước ngôn ngữ thi ca sáng giá của họ Trịnh (tiếc ông Hiến qua đời trước khi có tin người đoạt giải Nobel văn chương 2016, Bob Dylan, cũng là một nhạc sĩ!). Người khác cũng có quyền cự lại vậy, rằng ca từ trong âm nhạc sao gọi là bài thơ. Lại xếp hạng nhất với nhì, rõ là lẩm cẩm. Lại có ý khác cho rằng với cái đẹp người ta cũng có quyền biểu lộ khen chê văn vẻ kiểu nghệ sĩ, bằng ngôn ngữ – và tư duy – “say” của nghệ thuật. Tại sao không?! Chuyện khác ý kiến tự nó đã thú vị. Có người cho việc một loạt bài thơ của cố họa sĩ Đinh Cường đều kết thúc với việc nhắc tới Trịnh Công Sơn, tới tên tuổi, kỷ niệm, trích ca từ, tình bằng hữu của họ là không thích hợp, là… và là… Nói cho thật công bằng, anh chị em – đa phần đều là fan của cả nhị vị, không có ý bất nhã chi cả – cũng có lập luận riêng của họ: sự lặp lại này ảnh hưởng tới nghệ thuật thơ và rất có thể gây hiểu nhầm là đàng khác. Cá nhân tôi nhận xét rằng sự thực ông Đinh Cường làm thơ rất sớm, một số bài thơ hay nhất của ông, sánh về kỹ thuật và thi tứ với thơ của số thi sĩ có tên tuổi để lại, không hề thua kém. Chỗ tế nhị mà người viết cố ý chấm… chấm… ở trên cần làm rõ. Thứ nhất, tư cách Đinh Cường dứt khoát không liên quan những người có tập khí mượn tên tuổi người khác để làm sang cho mình. Thứ hai, dễ dàng nhận ra tâm thế ”hoài cảm”, “hồi ký”, thậm chí “nhật ký”… trong hầu hết các bài thơ khi họa sĩ sáng tác trong thời kỳ có thể xem là “lưu vong” này, nghĩa là chỉ nhìn dưới góc cạnh thi pháp, kỹ thuật thuần túy e vụng về, chưa phải cách nhìn của người có mắt xanh.Thứ ba, không ai không biết quan hệ giữa Trịnh Công Sơn và Đinh Cường hoàn toàn bình đẳng, không phải lụy nhau, trừ cái lụy liên tài, tri âm. Có thể có người không bằng lòng, nhưng theo tôi biết, một mặt, đúng là theo thời gian danh tiếng Trịnh Công Sơn đã vượt lên tên tuổi số bạn thân đều cùng là những ”bậc tài hoa” cả; mặt khác, vào những năm đầu thập kỷ 60 khi Ngô Kha, Bửu Ý, Đinh Cường, Trịnh Cung đã có tên tuổi trong làng văn hóa văn nghệ thì Trịnh Công Sơn chưa có vị trí tương tự, chuyện cần tên tuổi nhau về phía họa sĩ không thể có. Cũng nên ghi nhận – như chính nhạc sĩ nhiều lần thừa nhận – Trịnh Công Sơn từng mơ ước trở thành họa sĩ chuyên nghiệp, nên không ngạc nhiên ông có lòng ái mộ đặc biệt với số bè bạn họa sĩ, như Đinh Cường, Trịnh Cung, Mai Chẩn… cả với Bửu Chỉ, trẻ hơn nhiều và khẳng định tên tuổi chậm hơn, là một ví dụ. Sự thủy chung họ dành cho nhau, dù có lúc nhuốm chút màu dâu bể, chứng minh sự tương ái và cả tương kính rất bình đẳng từ bước đầu hạnh ngộ. Tôi cũng xin phép mạo muội nêu một ý nho nhỏ, số bằng hữu danh tiếng một thời này đã có chiếu riêng của mình trong lịch sử văn nghệ nước nhà, nhưng khi so sánh “chi tiết” một tí có thể thêm những cái thú vị. Ví dụ, rời lĩnh vực của mình, trong những trang văn xuôi, Đinh Cường viết, diễn ý, tư duy sáng tỏ, chân thành và chặt chẽ hơn hẳn Trịnh Công Sơn, người tài hoa, tinh tế và lung linh trong ca từ âm nhạc thế nào thì có thiên hướng làm dáng, sính từ ngữ lạ và “kêu” khi sử dụng văn xuôi. Ai đó nói nếu viết văn Trịnh Công Sơn sẽ thành công lớn không thuyết phục được tôi.

Nhân đây, tôi chợt bị hấp dẫn bởi một hồi ức, muốn kể “ngang” một chuyện liên quan nhà thơ Ngô Kha và anh Trịnh Công Sơn, dù có khi không ăn nhập chi với đề tài (xin lỗi, “tản mạn” kia mà!). Khoảng năm 1972, trước thời gian nhà thơ bị chính quyền Huế bắt lần thứ hai và sau khi vừa được thả nhờ các cuộc biểu tình và phản đối quyết liệt của phong trào học sinh sinh viên và nhân sĩ Huế trước đó, tôi – học trò của giáo sư Ngô Kha ở trường Quốc Học – và ông có rất nhiều dịp “bát phố”, chuyện trò (từ nhà ông – chính xác là nhà chị dâu và các cháu gọi nhà thơ bằng chú – ở đường Bạch Đằng qua cầu Gia Hội là tới phố Trần Hưng Đạo, đi quá chợ Đông Ba đối diện lại quay về, rồi lại vòng lại nói cho hết chuyện). Rất yêu mến và tự hào về bạn, nhưng ít nhất đúng có một lần Ngô Kha có giọng bức xúc hẳn, phàn nàn việc Trịnh Công Sơn vài lần lấy tứ thơ của ông làm ca từ, nhưng không ghi xuất xứ. Một số trích dẫn của ông tôi không còn nhớ, nhưng việc ông đọc thơ mình rồi hát mấy đoạn trong một số ca khúc của họ Trịnh quả làm tôi chú ý. Đại khái có sự trùng lặp về ý tưởng, từ ngữ và có những đoạn đáng xem là “phổ thơ”. Tôi hoàn toàn không nghĩ nhận xét này là bất nhã với Trịnh Công Sơn vì những lý do tôi sẽ nêu dưới đây. Ca từ bài Những giọt máu đến ngày trổ bông mở đầu với giọng ray rứt, chậm rãi:

Bao năm máu như sông trôi thành nguồn / Máu đã khô trên ruộng đồng / Máu âm u trong rừng rậm / Từng dòng máu che mặt trời soi quanh đời u tối / Bao năm máu anh em ngăn nụ cười / Máu ngăn chận qua tình người / Máu cho môi khô thở dài từng dòng / Máu chia lòng mẹ cha nơi đó nơi đây

Chuyển sang bi thiết:

Từng giọt máu anh trong rừng núi lở / Từng giọt máu mẹ bên khóm cải xanh / Từng giọt máu cha trên vùng đất đỏ / Quê hương bây giờ mọc cỏ xanh um / Từng giọt máu em ươm vườn trái nhỏ / Từng giọt máu mẹ ngọt bờ đất khô / Từng giọt máu anh nuôi từng phép lạ / Từng giọt máu chị thơm lúa ngô ta

Rồi tiếp tục dồn dập, quyết liệt:

Những giọt máu đến ngày trổ bông / Nở hòa bình cho đêm vắng xôn xao tiếng người / Nở trên tay chị xuân xanh ngời / Nở trong tim mẹ đồng lúa mới vườn cải tươi Nở ra yêu thương làm mát nụ cười cho mắt nhìn đường đi rất lạ / Cho ta về dựng xây đất mới / Nở trăm con đường cho chân người / Nở thêm đất rộng vườn cây trái mọc thảnh thơi / Nở trăm năm thêm bồi đắp lại đời / Cho ta làm người trong thế giới / Cho chim về ngồi hót quanh đây

Tất nhiên Ngô Kha đọc ngay bài thơ để chứng minh, câu duy nhất tôi nhớ chính là câu “những giọt máu đến ngày trổ bông” vì hình tượng đẹp, có sức nặng và là câu thơ nhà thơ đọc đầu tiên. Số tứ thơ ông dẫn chứng không nhiều và cái “bức xúc” tôi nói trên mang chút bực mình và hình như có sắc thái… lẫy bạn mà thôi.

Thực tế sau 1975, tôi có nhớ ý thầy cũ của mình và định tìm hiểu thêm. Rồi trong một tập sách của một nhà xuất bản ở miền Tây, in sau 1975 (tôi xác nhận đã đọc, dù không nhớ tên đầu sách – NTV), tôi đọc được một ý kiến của anh Trịnh Công Sơn công khai đề cập việc đã từng sử dụng tứ thơ của nhà thơ Ngô Kha, bạn thân và em rể, trong ca từ của mình mà không ghi xuất xứ. Vì đọc được ý kiến này mà tôi xem như sự việc đã rõ, không tìm hiểu nữa. Nhưng tôi nhắc lại vì hai người bạn cùng có ý thống nhất với nhau, vậy nên xem là một gợi ý cho ai đó tìm tòi thêm cho một bài viết thú vị về quan hệ gắn bó nhiều mặt của hai nghệ sĩ được nhiều người rất yêu mến này. Việc tìm và so sánh, trước hết giữa ca từ ca khúc đang bàn và lời thơ của Ngô Kha chắc không khó. Nên nói rõ thêm rằng việc một nhóm bạn thân thiết, hoặc giới trước tác cùng một thế hệ “đụng hàng” khi dùng chữ, có chung thi tứ không phải là hiện tượng cá biệt. Ngô Kha có “Ngụ ngôn của người đãng trí” thì Trịnh Công Sơn có “Tình ca người mất trí” là sự chia sẻ một hình tượng và biểu tượng nghệ thuật của một thời! Cũng gần như đồng thời với thế hệ Ngô Kha và Trịnh Công Sơn, các thi sĩ cùng nhau sử dụng “thành sầu”, “sầu đại lộ”, “ngoại ô đèn vàng”, “mắt liêu trai” đến mức thành sáo ngữ mà không ai kiện tụng ai. Có thể đoán ra một yếu tố chi phối khác: sự dè dặt của họ Trịnh vì cái thế khó của mình. Ông muốn đứng ở vị trí “giữa” – nói theo ý của Bửu Chỉ là “giữa hai làn đạn” – khi tung ra loạt ca khúc phản chiến của mình, lúc tên tuổi Ngô Kha bắt đầu đồng hóa với xu hướng cực tả, nếu không nói là “thân cộng” trước mắt nhiều người. Trịnh Công Sơn tránh nêu tên Ngô Kha là điều có thể hiểu được, trong khi đừng quên Trịnh Công Sơn vẫn ghi rõ xuất xứ ca từ bài “Cuối cùng cho một tình yêu” (ý thơ Trịnh Cung).

Tôi thử nhắc ít “sự cố” nên xếp là đáng tiếc, nó chứng tỏ bệnh “vạ miệng” mà anh chị em trong làng văn nghệ Việt hay vướng đang có xu hướng bành trướng. Trước hết liên quan họa sĩ Trịnh Cung, người trên tôi có nhắc là bạn Trịnh Công Sơn và cũng là người có thanh vọng, cùng trang lứa với ông nhạc sĩ nên họ có “moi”, “toi” với nhau là chuyện bình thường. Việc Trịnh Công Sơn vốn mê hội họa, “cưng” số bằng hữu là họa sĩ trong đó có ông Trịnh Cung tôi cũng đã nhắc. Trong một bài viết tưởng niệm bạn sau ngày bạn mất, giữa những kí ức được nhiều người hứng thú theo dõi – họa sĩ có tài kể chuyện và thường có chi tiết hay – Trịnh Cung bất ngờ tự nhận xét đại khái rằng sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã thực sự bước qua một bước ngoặt mới từ khi phổ bài thơ tình của Trịnh Cung trong ca khúc “Cuối cùng cho một tình yêu”. Đối với sự nghiệp của một tên tuổi lớn, chạm vào chuyện động lực của một bước ngoặt nghệ thuật không dám là chuyện nhỏ. Đúng tính cách truyền thống đã thành thương hiệu của mình, Trịnh Cung ca ngợi bài thơ của chính ông bằng những lời lẽ to tát, nghe kiểu Trịnh Cung trầm trồ về cách dùng từ “hai bàn tay đói” cứ ngỡ như ông đang khen thơ ai. Chắc ông kịp nhớ khái niệm “post-modernism” thời điểm đó chưa phổ biến ở Việt Nam, không thì quyết rằng Trịnh Cung không để yên – chưa tự dán nhãn siêu hiện đại, hậu hiện đại, chưa nhắc Picasso, Dali, chưa phải là Trịnh Cung!

Trước sau cũng đã lỡ mất lòng, cho tôi thưa thiệt cùng anh – anh Trịnh Cung quý mến – rằng không phải Trịnh Công Sơn có bước ngoặt trong âm nhạc nhờ thơ Trịnh Cung, mà sự thực có khác tí chút là chính nhờ ơn Trịnh Công Sơn phổ bài thơ Trịnh Cung nên người ta mới biết … té ra ông Trịnh Cung cũng biết làm thơ!

Comments are closed.