“Từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh thiếu niên”

Nghiêm Phương Mai

Chủ tịch sáng lập VMEF (Vietnam Montessori Education Foundation)

“Từ tuổi ấu thơ đến tuổi thanh thiếu niên” là bản Việt ngữ đầu tiên của tác phẩm “Dall’ Infanzia all’ Adolescenza”của Bác sĩ Maria Montessori. Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1948. Bản chuyển ngữ của chúng tôi dựa trên phiên bản Anh ngữ thứ hai được in vào năm 1976 của Nhà Xuất Bản Schocken Books Inc.

Sau khi đã trình bày về đường lối giáo dục cho giai đoạn phát triển đầu tiên của đứa trẻ từ khi sinh ra đến năm 6 tuổi trong các cuốn sách khác, bác sĩ Maria Montessori, qua tác phẩm này, tiếp tục cho ta thấy cái nhìn xuyên suốt của bà về vai trò của giáo dục và cách tiếp cận tối ưu trong các giai đoạn hay “bình diện ” phát triển kế tiếp của con người, từ lúc 7 tuổi đến tuổi trưởng thành, một quá trình mà bà xem là một sự ‘lột xác’ hay biến thái hữu cơ.

Nếu trẻ ấu thơ bắt đầu khám phá và “thấm hút” các ấn tượng và ‘trật tự’ của thế giới (kosmos) của nó trong một môi trường kín của mái ấm gia đình (0-3 tuổi), rồi sau đó ở trong ‘môi trường được chuẩn bị’ của Ngôi Nhà của Trẻ Thơ (3-6 tuổi), nơi mà các yếu tố của thế giới bên ngoài đã được đưa vào, chủ yếu thông qua các giác quan và năng lực vận động của nó, đứa trẻ 7 tuổi bắt đầu phát triển ở một bình diện cao hơn, với khả năng lý luận và óc tưởng tượng đang triển nở của nó, khi nó bước ra thế giới bên ngoài để khám phá và tiếp cận với một môi trường rộng mở hơn.

Maria Montessori đề xướng một nền giáo dục mang tính vũ trụ (cosmic education) đã được khởi động ngay từ giai đoạn phát triển đầu tiên ở Ngôi nhà của Trẻ thơ, qua các hoạt động cơ bản về cảm quan, vận động và kỹ năng trong đời sống thực tiễn, khiến đứa trẻ cảm nhận một tình yêu sâu sắc đối với môi trường của nó đến độ nó trở thành một phần của chính cái môi trường đó.

Đối với trẻ em ở tuổi 7 đến 12, trong môi trường của Montessori, khái niệm về giáo dục mang tính vũ trụ này càng được triển khai một cách rõ nét hơn nữa, đối với trí năng và óc tưởng tượng của trẻ; nay đứa trẻ đã có thể tiếp thu những ý niệm trừu tượng, có thể nhìn ngược dòng thời gian về quá khứ và dự phóng vào không gian của tương lai, nay trẻ có thể thụ đắc một tri thức mang tính toàn thể trong tổng thể đồng thời chính xác, khoa học trong chi tiết. Mục đích của giáo dục tiểu học là tạo ra bên trong đứa trẻ một ý thức về bản thân, về sự hình thành của tập thể xã hội và dân tộc mà nó là thành viên và một cảm nhận toàn diện có tính hoàn vũ thông qua các trải nghiệm của chính nó.

Các ‘Bài Học Vĩ Đại’ về sự hình thành của vũ trụ, của sự sống trên địa cầu, sự đa dạng và tiến hóa của các thực vật và động vật, sự tiến hóa của loài người, sự hình thành của ngôn ngữ con người và toán học v.v. cũng như mối tương quan và liên kết mật thiết giữa các thành tố của sự sống, đều được trình bày cho đứa trẻ khi nó bước vào lớp tiểu học Montessori. Trong sách, bà Montessori đưa ra những ví dụ về các bài học về khoa học như địa chất, sinh học, hóa học và đặc biệt nhấn mạnh đến mối liên kết giữa các lĩnh vực này với thiên nhiên.

Các dự án thực hiện trong lớp tiểu học Montessori giúp trẻ trau dồi khả năng làm việc chung, theo tinh thần nhóm, khả năng tương tác với nhau trong hài hòa, lòng thấu cảm đối với nhu cầu của người khác cũng như đối với mọi tạo vật sống và sự tôn trọng sâu sắc đối với môi trường xung quanh.

Lúc này, người thầy là kẻ hướng dẫn đứa trẻ đến những nguồn kiến thức dồi dào và ngay cả đến các chuyên gia, là kẻ cung cấp cho trẻ những cơ hội học hỏi và trải nghiệm phong phú và có ý nghĩa trong đời sống thực tế và tôn trọng sự tự do của đứa trẻ trong công việc mà nó cần thực hiện. Công việc đó là dần dần phát triển một sự thấu hiểu và một tâm tình thán phục, tri ân trước vũ trụ kỳ diệu cũng như một sự nhận thức về vị trí và vai trò của con người trong vũ trụ. Do vậy, giáo dục mang tính mở rộng, vượt lên mọi hạn chế và thành kiến để luôn trang bị cho con người các năng lực để giải quyết mọi vấn đề của cái thế giới đang liên tục biến đổi của chúng ta.

Sau đó, dựa trên nền tảng của chương trình tiểu học của bà, bác sĩ Montessori phác họa ra một đường lối giáo dục thích hợp cho sự phát triển tâm sinh lý và nhất là cho nhu cầu độc lập mạnh mẽ trong tư tưởng và hành động của người thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi, với một mô hình có tên gọi là Erdkinder (Trẻ em của Trái Đất hay Con của Mẹ Đất). Môi trường Erdkinder là nơi mà sự độc lập của trẻ thiếu niên được khuyến khích hơn nữa trong việc học hỏi cũng như ứng dụng vào đời sống thực tiễn về mặt kinh tế và sản xuất trong mối tương quan với xã hội nói chung, khi các em cùng chung sống và sinh hoạt chung trong một tập thể xã hội riêng của các em, giữa một môi trường gần gũi với thiên nhiên, như ở một nông trại. Bà xem cộng đồng Erdkinder, được tiếp nối với chương trình trung học Montessori, là môi trường thích hợp để đáp ứng cho sự triển nở của phẩm cách cá nhân, nhận thức về công bằng xã hội và ý thức bản thân trẻ là một thành viên tích cực của cộng đồng.

Hình thức sinh hoạt của Phong trào Hướng Đạo do Lord Baden Powell sáng lập (1907, đồng thời với Ngôi Nhà của Trẻ Thơ đầu tiên của bà tại San Lorenzo, Roma) cũng được bà xiển dương vì nó là một môi trường sinh hoạt rất thích hợp với các đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi đó và với sự hình thành nhân cách của người thanh thiếu niên.

Ý nghĩa và vai trò của giáo dục cho người trẻ ở bậc Đại Học cũng được bà đề cập đến. Với quá trình giáo dục tiệm tiến từ thuở sơ sinh đến tuổi thanh thiếu niên như đã nói trên, người trẻ đã được trang bị với một cái nhìn toàn cầu có tính bao quát và thống nhất về quá khứ, hiện tại và tương lai. Người sinh viên không còn học chỉ đơn thuần để có một bằng cấp làm cách tiến thân và kế sinh nhai cho chỉ riêng bản thân hay gia đình của mình. Đại học là nơi người trẻ trau dồi khả năng học hỏi suốt đời, chuẩn bị nhận lãnh một vai trò thiết thực trong xã hội, xác định trách nhiệm của mình trong cộng đồng nhân loại và sứ mệnh vũ trụ (cosmic task) của bản thân qua năng lực sáng tạo và đóng góp cho hòa bình và sự thăng tiến chung của sự sống trên địa cầu và trong vũ trụ.

Các ý tưởng mà bác sĩ Maria Montessori đã đề xuất hẳn sẽ là những tiền đề cụ thể cho một viễn kiến sâu sắc đối với những ai luôn đau đáu về một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, xứng đáng với ý nghĩa và mục tiêu đích thực của nó.

Comments are closed.