THẢO LUẬN THOÁT TRUNG VỀ VĂN HOÁ (16): Thoát Trung hay thoát chính ta?

Trần Tiễn Cao Đăng

 

Victor Ivanovich Nikitin (1911-1994) là ca sĩ solo nổi tiếng của đoàn hợp xướng Hồng quân Liên Xô mang tên Alexandrov. Ông là người đầu tiên trong số vài người hiếm hoi của đoàn Hợp xướng Alexandrov được mệnh danh “Mr. Kalinka”, bởi khả năng hút hồn người nghe với bài “Kalinka” nổi tiếng. 

Tại buổi Hòa nhạc Hòa bình của Hợp xướng Alexandrov ở nước Đức vào năm 1948, bên cạnh những bài hát Nga quen thuộc, Nikitin mua một cuốn sách gồm mười bài dân ca Đức và thuyết phục Boris Alexandrov (trưởng đoàn) cùng các sĩ quan cao cấp Liên Xô đang chiếm đóng nước Đức lúc đó cho phép ông hát vài bài trong số ấy bằng tiếng Đức. Điều này được khán giả Đức coi là cử chỉ chứng tỏ sự chân thành hướng tới hòa bình. Trong một bức ảnh chụp từ sau lưng đoàn hợp xướng vào lúc đó, ta thấy khán giả khoảng ba mươi ngàn người, với bối cảnh là thành phố bị tàn phá tan hoang. 

Ông, Nikitin, một người Nga, hát những bài dân ca Đức cho khán giả Đức, tại nước Đức. Chỉ ba năm sau khi Thế chiến Thứ hai kết thúc.

Trong tim ông, đó là những bài hát Đức, những bài hát đẹp – nếu chúng không đẹp, hẳn ông đã không chọn hát – và đó là những khán giả, những con người như bất cứ con người nào. Những con người có thể đồng cảm với ông. Những con người xứng đáng nghe ông.

Ông không có ý nghĩ đó là những bài hát “của kẻ thù” và ba mươi ngàn người đang nghe ông kia là những kẻ thù.

Ông hát với niềm tin rằng, những gì mà ý thức hệ và súng đạn đã xé rách, âm nhạc – văn hóa, giá trị tinh thần – sẽ có thể nối liền, dù chỉ một phần.

Kẻ thù của ông, một người Xô viết, là tập đoàn phát xít Đức mà lúc đó đã bị tiêu diệt. Kẻ thù của ông không phải là mấy chục triệu người bình thường của dân tộc Đức. Không phải những bài dân ca Đức. Không phải Bach, Handel, Beethoven, Mendelssohn, Brahms…

Chắc chắn như thế.

*************

Trong những ngày “cao điểm” cơn sôi sục tập thể của hàng triệu người Việt Nam trước hành động càn rỡ của nhà cầm quyền Trung Quốc với cái giàn khoan của họ tại Biển Đông, đã có lúc tôi cảm thấy hẳn sẽ không thể xem nổi bất kỳ một bộ phim Trung Quốc nào nữa. Tôi đã phải cố vượt qua cái cảm giác gai gai người, ớn lạnh sống lưng trong khoảng mươi phút đầu của phim “Câu chuyện cảnh sát” và chỉ sau đó mới xem được đến hết phim. 

Gai người vì âm hưởng của tiếng Trung Quốc, vì các nhân vật trong phim nói tiếng Trung Quốc, là người Trung Quốc. Đơn giản có thế.

Nhưng rồi tôi nhớ lại mình đã say mê đến thế nào những “Cao lương đỏ”, “Cúc Đậu”, “Đèn lồng đỏ treo cao”, “Anh hùng”, “Thập diện mai phục”, “Thiên lý tẩu đơn kỵ”, v.v. của Trương Nghệ Mưu.

“Bá Vương biệt cơ” của Trần Khải Ca.

“Thiên hạ vô tặc”của Phùng Tiểu Cương.

“Hồng Lâu Mộng”, “Thiên long bát bộ” và một số bộ phim truyền hình Trung Quốc khác, như “Tào Tháo và nàng Sái Văn Cơ” với bài hát tuyệt vời ở đầu và cuối phim mà cho đến giờ, sau nhiều năm, tôi vẫn còn nhớ lời, vẫn có thể phục hồi lại trong tâm trí và, hồi đó, khi xem, đã có lúc tôi bất giác chảy nước mắt.

Vì cái đẹp trong những tác phẩm đó, vì khoái cảm thẩm mỹ cao độ mà chúng từng mang lại cho tôi.

Đó là Trung Quốc.

Một bộ mặt khác của đất nước đó. Một Trung Quốc khác.

Và, điều quan trọng hơn: ở những tác phẩm thành công nhất trong số đó, ta nhìn thấy không chỉ những người Trung Quốc. Ta nhìn thấy những con người. Những con người với tâm tư, cảm xúc… y như chúng ta.

Họ, những người Trung Quốc ấy, những con người ấy, gần gũi với trái tim tôi hơn là những người Việt “đồng bào” tôi đang một mực thóa mạ bất cứ ai đang nghe nhạc Trung Quốc, xem phim Trung Quốc, đọc văn Trung Quốc.

Một người Trung Quốc bình thường không mặc nhiên là kẻ thù của chúng ta đơn giản vì họ là người Trung Quốc. Nhưng khả năng rất cao là họ sẽ thành kẻ thù của chúng ta thật nếu bản thân chúng ta khăng khăng coi họ là kẻ thù.

Những người Trung Quốc bình thường ấy hoàn toàn có thể là bạn tốt của ta nếu họ được trao điều kiện để biết đầy đủ hơn sự thật về những kẻ cầm quyền ở nước họ.

Họ hoàn toàn có thể là bạn tốt của ta nếu và khi đất nước họ được lãnh đạo bởi một thế hệ những chính khách có tầm trí tuệ cao hơn, có khả năng hành xử văn minh hơn.

Thoát Trung có nghĩa là thoát khỏi bất cứ cơ cấu quan hệ bất bình đẳng nào với Trung Quốc về mọi mặt – chính trị, kinh tế, văn hóa… Thoát Trung có nghĩa là làm sao cho chúng ta có thể tồn tại lâu dài bên cạnh xứ sở và dân tộc khổng lồ đó như một đất nước nhỏ hơn song đồng đẳng, tự cường, đầy ý thức phẩm giá và tinh thần tự do.

Điều quan trọng ngang như thế, hoặc hơn thế, là ta phải tự vượt qua lối nghĩ coi bất cứ cái gì thuộc Kẻ Khác (ở đây là Trung Quốc) đều là thù địch, đều là đối tượng phải loại bỏ, phải tiêu diệt. Đó là thứ não trạng chỉ xứng với con vật.

Thoát Trung, trên tất cả, là thoát khỏi cái não trạng đó ở chính chúng ta.

Điều đó đối với tôi hết sức rõ ràng và hiển nhiên. Tôi hy vọng có nhiều người Việt cũng nhận thức điều đó giống như tôi, và từ đó có hành động phù hợp.

Tác giả gửi Văn Việt.

Comments are closed.