Chân dung nhà thơ Kiều Maily
BÀN CHÂN NÂU
Đi đâu kia? – gót chân trần
bên kia ngọn suối là đồi cát trơn
bên kia cát là mịt mù biển sóng
Chân trần da ngâm
đi tìm ai?
bóng sáng ngày mai hay giấc mơ năm cũ
người đi đang hút con đường
Người đi điệu kẻ say đi miết
hai hàng ba hàng hay n hàng
người đi như ma đuổi
Em về đâu?
người đi rập khuôn
như kịch hài ba xu diễn lại
như phim bộ trên màn ảnh nhỏ mỗi ngày
Ta về đâu? da ngâm chân trần
đi? hay dậm chân tại chỗ?
bên kia suối đồi cát bên kia biển sóng
đâu bến bờ cho bước chân nâu…
SÓNG SÔNG DINH GỌI
Đã hao những cánh chim gầy
Đã bưa mấy cụm mây đầy nỗi mơ
Đã dài niềm nhớ xa xưa
Đã mòn mỏi ánh mắt chờ tiếng quê
Đêm nghe tình dậy bốn bề
Sóng sông Dinh gọi người về với palei
Tiếng mùa vừa động ngọn cây
Tiếng lòng vừa thức giấc dài tha hương
Thì đi cho hết bước đường
Thì mê cho thỏa nhân duyên nỗi đời
Đã say làm bão tố rồi
Thì yêu cho trọn cuộc người
Thì thôi.
VỀ
Về không em?
gió quê đang trở lạnh
nắng palei dịu dần
mầm sương sớm mai nhảy múa trên lưng lá
và
chuối sắp ra hoa
Về đi em!
palei bước sang đông
món quà đợi bình yên, ấm lành
Đất náo nhiệt ta chẳng có chi
đón em – hồn palei đang mở
Về em nhé
đất dậy hương gió lành nước chuyển
vườn nhà ấm lại quê hương
em thêm giọt mực vui cho đời
còn gì nữa ngày mai
ai biết được.
NINH CHỮ MÙA GIÓ NỔI
Mùa gió nổi mùa vắng cá
mùa gió nổi mùa vắng người
mùa vắng vòng ôm mùa vắng tình yêu lạ lẫm
mùa chỉ còn em và anh
tìm đến
Gió nổi
cho sóng biển phủ bóng chúng mình
cho gió cát làm nhòe bóng chúng mình
cho chúng mình đốt lửa
làm ấm biển lạnh
Hãy lánh đi
hỡi những ánh mắt tò mò vô vị
cho cuộc tình tị nạn
biển Ninh Chữ
gió nổi
chỉ một mùa.
NGƯỜI TÙ ĐI DẠO DƯỚI VÒM SÁNG
Thân lạnh băng từ khe hở bất chợt
người tù vớt và thu gom từng mảnh sáng vụn nát
vào mình
Đoàn người máu thịt rách bươm ngoài kia khao khát chạm tay vào vòm sáng
và rồi không thể
khi một bầy lũ tung hô khẩu hiệu bóp nghẹt hơi sáng
bằng vô cảm và dối lừa
Người tù đi dưới bóng râm
không ô cửa thoát hiểm
vài tiếng kêu oan thoát ra từ khuôn mặt ánh sáng
nhỏ bé và dũng mãnh
Đoàn người nổi lênh đênh trên vực thẳm biển
bơi và hát
người tù chấm bút gõ vào bãi xi măng chặt cứng
giữa một thứ mùi hôi bao trùm
Người tù thả giấc mơ vào khoảng sáng bằng dấu chấm
lũ chó vô tội vẫn say sưa sủa
sủa theo định hướng của ông chủ
loài chó hình người mang trí óc rô-bốt
nghiêm nghị, thẳng hàng, bước đều, quay trái hay phải
Người tù thả bước tự do, tôi thấy
ánh mắt sáng thứ niềm tin không tin nổi
đi như nhớ mùa xuân đầu tiên.
APSARA VÀ EM
Apsara gọi em
tiếng gọi như vọng từ nghìn kiếp trước
dội vào muôn kiếp sau
Apsara gọi
không phải ở đâu ngoài em
như từ sâu thẳm lòng em Apsara gọi
Như là tiếng gọi của chính em
Apsara
người là ai Apsara
mà thở trong em thức trong em múa trong em
điệu diễm ảo cao hơn giấc mộng
Đường cong thân nàng hay đường cong thân em
Apsara
môi người cười hay em đang mỉm cười Apsara
Có phải nàng là em Apsara
hay em là nàng
Apsara?
SINH NHẬT HOA CỦA CÁT
Chưa non 2 ki-lô mẹ đã đẩy tôi vào đời
chỉ có thể là cát và tử cung của đất
chỉ có thể là hình hài của loài hoa rám nắng
Tiếng gáy đứt gãy của chú gà trống biết được
điều gì sẽ xảy đến
và
nàng đã cô độc từ tử cung cũ
bật khóc vào một nơi xa vời của thế giới
Nơi sinh ra loài hoa của cát
những vòi vú của giấc mơ
như sắp xé hình hài làm muôn vàn mảnh
tan vào bọt sóng non
Cánh hoa cát ẩn dưới gốc rạ đồng khô
hỏi mẹ đất đâu là cha của loài cát
lòng đất nằm bất động như không muốn nói thêm lời nào
như muốn vĩnh viễn câm
Ném quăng loài nắng khô khốc vào phố
rồi bật trở lại palei
sinh linh ấy mang tên hoa cát
những đám mây vẽ hình phù vân chằng chịt trên cơ thể
cả đời đắm trong một giấc mơ.
loài hoa của nắng, của đất, của gió và của cát nhẹ tênh.
CÓ KHI…
Có khi con gió mùa tình cờ thổi qua bụi ớt
Rồi trôi về đâu, không biết
Có khi bóng ai như bóng cha vừa đi qua
Vào giấc loài dế mun mất nhà gáy buồn từ kẹt cửa
Có khi em chợt quên bẵng khuôn mặt anh
Như loài hoa hồng héo rụng mẹ quét vào chiều
Cuống khô còn lưa nước mắt
Không cách nào ghì níu lại
Như cái Út đánh rơi viên bi tuổi thơ
Vào quên lãng
Em có thể lục album ảnh cũ để nhận mặt anh
Nhưng em đã không
Như em không muốn phone để được nghe giọng cha trầm và ấm
Dù không cách nào đánh thức
Kí ức đã rất xa
Có khi bất chợt em quên rất nhiều khuôn mặt.
CHÀO RIJA NƯGAR
Nắng đốt trời, nắng đốt da người, đốt đất
Như muốn đốt cháy ngàn điệu Ginang phía bên kia mùa
Rija Nưgar
Đất cởi trói mở triệu vạch nứt mang mang
Như ta cởi trói nhau bằng vũ điệu cuồng
Lá me khô lõa xõa rơi chồng lên nhau lớp lớp
Chờ thế hệ lá mới mở bung theo nhịp điệu Tamia Plong
Rija Nưgar
Mùa linh thánh Xứ sở
Rija Nưgar
Hãy cháy lên đi hỡi ánh lửa bi hùng
Cho khuôn mặt mẹ cha ta sáng rỡ
Cho tiếng cười em tôi không còn nghẹn lại nơi cuống họng
Cho anh nông dân gánh vạn nỗi nhọc nhằn thả trôi sông khát
Chờ mưa
Rija Nưgar
Cây cỏ, đất trời hòa tan vào nhịp Baranưng linh thánh
Lửa gọi mưa
Mưa đòi nước
Lửa đốt rụi buồn em, mưa làm đôi má em ửng đỏ
Hương nắng tươi non đang tràn khắp nẻo palei Chăm
Dang rộng cánh tay đón
Rija Nưgar… Rija Nưgar… Rija Nưgar…
THỰC ĐƠN CÁI TÔI HÔM QUA
Cái tôi đã chết hôm qua
tôi đã làm đám tang và đã khóc tiễn
cái-tôi-đã-chết đã chôn
có kẻ đào lên khuấy thành đám bọt trong li bia buổi chiều
làm thức nhắm
Cái tôi tôi đã nói tiếng likau drei*
đã một lần say bái bai theo cách nói của bọn trẻ hiện đại
mà bạn đã cất công vẫy lại
to nhỏ thì thầm vào tai
như thể niềm bí mật được giấu kín
Ừa, bạn hãy thì thầm nếu thích
bạn cứ nhắm nháp với li bia buổi chiều nếu thích
chỉ nhớ
đó không còn là tôi.
* likau drei: cáo từ.
CÓ THỂ…
Có lẽ cuộc vui bị hoãn
môi anh em bỗng héo nụ cười
tiếng đàn ghita nửa chừng chợt tắt
bài dân ca Thei mai ai hát
chợt ngưng nửa vời
có lẽ
Thì các em hãy sang với chị
ta bắc chiếc cầu mây làm lại*
mùa Hè
Có thể mùa xuân này hơi mồ côi
có thể điệu Kamang còn dang dở
tiếng Ginang lạc nhịp, có thể
Thì nhà chị các em cứ về
sân vườn quê đạm bạc
ta thắp lại nụ cười nối lại tiếng hát
cho nhịp Ginang thôi còn lạc
điệu Tiong tìm thấy lại điệu Biyền.
* Cầu Mây: chiếc cầu trong truyện cổ Chăm, nối thực tại với mộng tưởng; Biyền, Tiong, Kamang: các điệu múa Chăm.