Phạm Văn
Không biết từ bao giờ trên các trang mạng tiếng Việt xuất hiện rất nhiều hai chữ “top” và “PS”. Người viết bài này sống ở Mỹ, đôi khi nói chuyện hoặc gõ bàn phím để trao đổi trong những nhóm riêng, cũng thường chen vào vài chữ tiếng Mỹ, vì tiện, vì quen, vì lười, hoặc vì không có được ngay một chữ Việt tương đồng thật chính xác trong lúc trò chuyện.
“Top” là một chữ tiếng Mỹ không bí hiểm gì lắm, một chữ mà tiếng Việt có rất nhiều cách để diễn tả, nhưng “top” được dùng rất nhiều trên báo tiếng Việt ngày nay, có lẽ cũng vì tiện. Hoặc vì làm dáng, nhưng nhiều người làm dáng cùng một kiểu như thế lại trở thành nhàm và nhảm. Khi phát âm, “top” phải nói thành “tóp”, và tôi tin rằng rất đông người Việt bây giờ có thể hiểu “tóp” này không mang nghĩa bé lại, nhăn nhúm vì khô héo hoặc vì mất chất nước, như tóp mỡ chẳng hạn. “Top” không có nghĩa là teo tóp, quắt queo, tọp, xọp, mà là đứng đầu, là được xếp hạng cao trong một chuỗi sự vật cùng loại, chẳng hạn anh tài xế tôi quen có tên là Nhín ở Sài Gòn thường tủm tỉm bảo rằng: Việt Nam là nước đứng hàng “tóp teng” trong khối ASEAN về rất nhiều mặt.
Đến chữ “PS”, viết tắt của “postscript” trong tiếng Mỹ, và nghĩa tiếng Việt của nó là nói thêm ở cuối bài viết hay cuối bức thư, là “tái bút”, viết tắt là “TB”. Dạo này, các ông bà anh chị sính Tây viết báo, viết truyện, viết hồi ký và viết tùm lum trên mạng rất sính dùng “PS”, lắm khi viết xong vẫn cố nặn thêm một chút để “PS”. Tại sao như thế, để ra vẻ bí hiểm chăng, để tỏ ra nhiều chữ, để loè thiên hạ chăng? Hay trong tiềm thức các vị lắm chữ ấy đang vọng ngoại? Tôi tin là dần dần bạn Nhín sẽ biết “PS” là cái khỉ gì, mặc dù có thể anh vẫn chẳng rõ nó từ đâu ra, nhưng khổ thân ông bố và bà mẹ “a bờ cờ” của Nhín ở quê còn lâu lắm mới hiểu cái “pờ sờ” là cái “tờ bờ”. Tội nghiệp các cụ!
Bao giờ cho đến ngày từ điển tiếng Việt có thêm hai chữ “top” và “PS”? Và “plaza, villa, hôtel, café, coffee, resort, casino, gallery, game, like, logo, show, star, check-in, best seller, AI, VIP, PR, R&D, CEO, BOD, BOT…”? Nhiều lắm, kể không hết.
Trong kinh tế có định luật: đồng tiền xấu đuổi đồng tiền tốt ra khỏi dòng lưu hành tiền tệ. Có lẽ trong môi trường văn hoá ốm yếu có định luật: chữ tây đuổi chữ ta ra khỏi ngôn ngữ hàng ngày.
Tháng 2.2021