Trần Tuấn
Brent Renaud, 51 tuổi, nhà báo, nhà làm phim tài liệu người Mỹ đã bị lính Nga bắn chết hôm qua Chủ nhật 13/3/2022 tại Irpin cách thủ đô Kyiv (Ukraine) khoảng 10 cây số về phía tây bắc. Khi ông cùng 2 đồng nghiệp đang trên một chiếc xe cố gắng tiếp cận dòng người di tản để thực hiện loạt phim tài liệu về "cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu" cho một dự án của Time Studios, như thông báo của giám đốc điều hành Time. Hai đồng nghiệp trên xe bị thương…
Brent Renaud không phải phóng viên chiến trường xông vào nơi hòn tên mũi đạn để đưa tin chiến sự. Mà ông đang thực hiện một dự án nhân đạo! Chỉ những kẻ vô nhân đạo mới bắn chết những con người như vậy.
Brent Renaud cùng anh trai Craig Renaud là những nhà báo, nhà làm phim tài liệu, nhà sản xuất truyền hình nổi tiếng. Công việc của anh em nhà Renaud đã đưa họ đi khắp thế giới đến nhiều khu vực xung đột và nóng trong thập kỷ qua, bao gồm các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, trận động đất ở Haiti, cuộc chiến ma túy ở Mexico và bất ổn chính trị ở Ai Cập. Các bộ phim và chương trình truyền hình của họ đã giành được các giải thưởng bao gồm một giải Peabody (2015), một giải IDA cho Phim truyền hình hay nhất, hai giải thưởng Câu lạc bộ báo chí nước ngoài, hai giải thưởng Columbia Dupont và một giải thưởng Edward R. Murrow cho tác phẩm của họ với The New York Times. Năm 2019, Renaud được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Arkansas…
Nhớ lại những ngày tháng sục sôi mùa hè năm 2014 khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Hoàng Sa – trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tôi đã may mắn đi trên chuyến tàu Cảnh sát biển cùng 11 nhà báo nước ngoài ra Hoàng Sa ngày ấy (trong đó có nhà báo Võ Trung Dung đến từ Pháp).
Và suốt 12 ngày đêm trên các tàu tiếp cận HD 981, tôi luôn dõi sang các tàu của Trung Quốc chạy rượt đuổi phun vòi rồng sát bên cạnh, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một ống kính quay phim, máy ảnh nào. Đồng nghĩa với việc các tàu Trung Quốc không đưa nhà báo ra thực địa, nhà báo nước ngoài lại càng không!
Những ngày giao tiếp, sinh hoạt với cánh phóng viên nước ngoài trên các tàu CSB, tôi mới hiểu rằng: Báo chí có thể đến mọi nơi để đưa tin, nhưng nhà báo thì chỉ đứng về bên chính nghĩa!
Đưa lại đây trích đoạn bài thơ dài "Những trích đoạn Hoàng Sa" tôi viết giữa Hoàng Sa những ngày ấy, để hiểu hơn những nhà báo chính nghĩa quốc tế.
(…)
buổi sớm mịt mùng sóng dữ đối diện giàn khoan ma quái
tôi lần vịn ra mạn boong đã thấy Muroi Yasaku
chàng phóng viên Đài TBS Nhật Bản cũng đang dán người bám chặt boong tàu chòng chành đặt máy vệ tinh truyền hình ảnh về nhà.
Muroi nhỏ thó Muroi trầm tư
Muroi buồn
ống kính luôn hướng về những họng tên lửa họng súng họng mắt China xung quanh đang chĩa vào mình
tôi chưa xem được đoạn phim nào của chàng trai Nhật bốn mươi cân ấy
nhưng đoán được nỗi niềm nhức nhối
Danien Siong Tzin Chung – phóng viên đài CNBC Mỹ quốc tịch Anh gốc Hàn
vóc dáng nụ cười trông như diễn viên phụ phim truyền hình Hàn Quốc
đứng quay hình bên cửa cabin, sóng quật mạnh ngã văng xuống sàn vẫn khư khư ôm máy
hai ống chân bị va đập bầm đen.
bác sĩ trên tàu vội vã lên kiểm tra, xoa bóp.
dịu bớt cơn đau, Chung bập bẹ
“Cám ơn Việt Nam !”.
tôi nhớ Pluno Laymond Phillip báo Le Monde
Philippe Alfred Leltien đài Radio France
nhà báo truyền hình TV5 Pháp gốc Việt Võ Trung Dung
trưa ấy sát bên nhau trên boong tàu CSB 4033 nghiêng ngả
cùng hát say sưa “Vì nhân dân quên mình” và những điệu dân ca về biển với những người lính Việt Nam
tôi nhớ Eunice Yoon kênh truyền hình CNBC Mỹ
Hawley Samantha hãng tin Úc ABC
Akiko Ichihara từ đài truyền hình NHK Nhật Bản
– những nhà báo nữ xinh đẹp quả cảm nơi đầu sóng
bao phen cùng chúng tôi ướt lạnh giữa Hoàng Sa
tôi nhớ từng cái tên từng gương mặt cái bắt tay của Toshihiro Yatagai người Nhật báo Kyodo News, Robert Mathew McPride người Anh đài Al Jazeera, Kuojui Yeh đến từ Singapore của Chanel News Asia, James William Borton phóng viên tự do người Mỹ, Euan McKirdy của CNN, Hoàng Đình Nam AFP tại Hà Nội…
bình thản xoãi chân ghì máy quay giữa xối xả vòi rồng, những cú đâm hủy diệt
cùng chúng tôi đu trên đầu sóng
lắt lẻo giữa đại dương theo những cú rời tàu
mỗi lần hạ xuồng chia tay ai nấy nhoài người ghi lại cảnh tượng và giơ tay thốt lên "Vietnam" đầy cảm thán
Việt Nam trên những chuyến tàu bão có mặt họ cùng chung cơn say nhào cùng nổi chìm trên từng đỉnh muối
Việt Nam – Hoàng Sa trên từng bản tin nóng thước phim nóng dội khắp năm châu
Việt Nam những ngày không bình yên Hải Dương 981
(…)
14.3.2022
Brent Renaud (trái) và anh trai Craig Renaud – Photo: ulitzercente
Brent Renaud đi tuần tra với cảnh sát tại một trong những khu vực nguy hiểm nhất của Honduras. Hình ảnh của Stephen Bailey. Honduras, 2015.
Nhà báo Võ Trung Dung cùng đồng nghiệp nước ngoài tác nghiệp trên tàu CSB 2016 tại khu vực HD 981, phía trước là tàu hộ vệ tên lửa của TQ – ảnh Trần Tuấn
Cảnh sát biển VN chăm sóc vết thương cho nhà báo Danien Siong Tzin Chung – phóng viên đài CNBC Mỹ khi ông bị sóng lớn hất văng trên boong tàu – ảnh Nguyễn Á
Những phóng viên nước ngoài trong một lần chuyển tàu giữa Hoàng Sa – ảnh Nguyễn Á
Nhà báo quốc tế tác nghiệp đối diện giàn khoan HD 981 tại Hoàng Sa – ảnh Nguyễn Á
Nguồn: FB Trần Tuấn