Đất Mồ Côi

Huy Đức

“Người Việt hiền hay ác? Vì sao người Việt, nhờ nương tựa nhau mà sống sót qua muôn vàn thiên tai, địch họa, nhân họa nhưng lại nồi da xáo thịt nhau liên miên nhiều thế kỉ? Rằng, đói khổ, hèn mọn có phải là định mệnh của dân tộc này?”

Bạo lực truyền đời không chữa được, được phẫu thuật trong Đất Mồ Côi, theo Tạ Duy Anh, có căn nguyên từ sự “đánh tráo khái niệm” của các nhà viết sử: “Thứ được ngợi ca là oanh liệt, một phẩm giá cao quý, thì trong nhiều văn bản lịch sử, thực chất nó được ‘chưng cất’ từ loại vật liệu thô có tên tàn bạo. Thậm chí nó trùng khít với tàn bạo!”

Có lẽ vì “không muốn tương lai tiếp tục bị hãm hiếp”, Tạ Duy Anh đã cố gắng để “lột trần truồng quá khứ”. Một quá khứ bị lột, bị soi tới từng chi tiết, càng chi tiết tính khái quát càng cao; tính khái quát càng cao càng thấy tham vọng tự vấn, truy vấn lịch sử của tác giả là rất lớn.

Nhưng đằng sau những chất liệu ngồn ngộn, dồn dập cùng với sự khốc liệt mà Tạ Duy Anh dẫn dắt, dường như lại để che giấu sự yếu đuối của ông. Không chỉ xót thương cho người Việt, Tạ Duy Anh đã mềm lòng, tự huyễn hoặc về sự cắn rứt lương tâm của những kẻ thủ ác và mơ, nhân vật “bịt râu” sám hối trước mộ của người phụ nữ bị bắn bởi những người bà đã cưu mang.

Tôi không rõ, bằng sự yếu đuối ấy, Đất Mồ Côi có đủ sức làm cho lịch sử bị “lột trần” và hành trình tìm kiếm “sự đùm bọc trở lại cho xứ sở này” liệu có đi tới đích. Nhưng cuốn sách thì không chỉ làm tôi thích, nó đã ám ảnh tôi nhiều ngày.

Dù biết dụng ý của tác giả, tôi vẫn không thích lắm những đoạn quá “kịch” và “cương” nhất là những màn đấu tố trong cải cách. Nhưng cả cuốn sách thì rất tầm vóc. Đất Mồ Côi (tác giả lấy bút danh là Cổ Viên) không chỉ vượt hẳn lên các tác phẩm trước đó của Tạ Duy Anh còn vượt lên khá xa so với mặt bằng văn Việt. Đã từ lâu, sau Kiến Chuột và Ruồi của Nguyễn Quang Lập, mới đọc được một cuốn sách hay như thế.

PS: Thứ Tư vừa qua, trong bữa ăn tối, một cựu ủy viên Bộ Chính trị nói, “Tôi đã đọc cả 4 cuốn của cô Phan Thúy Hà, rất hay và tôi cũng không nghĩ là nó khốc liệt thế”. Một cựu bộ trưởng có tuổi thơ từng bị “Đội” giam lỏng nhiều tháng cùng gia đình, thêm, thực tế “khốc liệt” hơn những gì Phan Thúy Hà viết trong Gia Đình. Cùng với việc xuất bản những cuốn như Gia Đình hay Đất Mồ Côi, việc các nhà lãnh đạo đương chức, nếu chịu khó đọc, tôi nghĩ, sẽ tránh được rất nhiều sai lầm lịch sử.

image

 

Nguồn: FB Huy Đức

Comments are closed.