Di sản tư tưởng Phan Châu Trinh và bài học của chúng ta

Thái Hạo

(Nhìn từ tác phẩm “Đạo đức và luân lý Đông – Tây")

1. Thời gian là thuốc thử đối với những chân – ngụy, hư – thực… Vàng thử lửa; nhân cách tư tưởng qua thời gian như ngọc càng mài càng sáng. Những tư tưởng của Phan Châu Trinh cần được nhìn nhận, đánh giá một cách hệ thống, để sau gần 100 năm ngày nhà cách mạng qua đời, chúng ta – những hậu thế còn sống trên mảnh đất Việt Nam lắm tai ương và nhiều đau khổ này sẽ tìm ra ở đấy những giá trị cho nòi giống ta trong công cuộc chấn hưng đang rất cần kíp này.

Phan châu Trinh đã đi một con đường phải nói là rất “lạ” so với những nhà cách mạng cùng thời và cả sau này. Nếu tìm một câu để khái quát tư tưởng ông thì có lẽ nhiều người sẽ không ngần ngại đọc to lên 9 chữ sau đây: “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh”. Nhưng đọc xuyên suốt các tác phẩm của ông thì chúng ta phải băn khoăn, vì nhận ra rằng đó dường như thuộc về “sách lược” nhiều hơn là một tư tưởng có tính “cương lĩnh”, thống soái. Còn việc Phan Châu Trinh chủ trưởng tư tưởng dân chủ thì đã quá rõ ràng, vấn đề là cái gốc của nó!

Trong “Đạo đức và luân lý Đông – Tây” (1925), tác phẩm sau cùng có tính tổng kết và hệ thống gần như toàn bộ tư tưởng của ông, ở đó có một câu mà ít người chú ý: “ĐẠO ĐỨC MẤT TRƯỚC, NƯỚC MẤT SAU”. Nhận định này chính là cơ sở cho toàn bộ tư tưởng và hoạt động của nhà cách mạng lỗi lạc. Nó quán xuyến tất cả những nhìn nhận, phê phán, cho đến chính sách ngoại giao và những hành động dấn thân khai trí quyết liệt của ông.

2. Chúng ta cần trả lời một câu hỏi căn bản: mục đích của Phan Châu Trinh là gì? Tất nhiên là độc lập cho dân tộc; nhưng không chỉ có thế, mà lâu dài hơn ông muốn đi tới một tương lại “nước Việt Nam sau này được giàu mạnh, mà còn trong thế giới này bất kỳ dân nào muốn đến ăn chung ở đậu trên miếng đất này cũng không dám đem lòng khinh dễ ta như ngày nay nữa” – nghĩa là một đất nước phát triển và văn minh. Để có một đất nước như thế, thì dân trong nước ấy phải có đạo đức và luân lý vững vàng.

Từ đó, ông soi vào xã hội Việt Nam để đánh giá bức tranh đạo đức luân ấy. Và ông thấy một cảnh tượng đổ nát, suy vi, hoang tàn. Phan Châu Trinh đã khái quát luân lý trên 3 phương diện: Luân lý gia đình, luân lý quốc gia và luân lý xã hội. Ở cả ba phương diện ấy ông đều mô tả một cách trung thực về tình trạng điêu linh: “Đạo đức lớn ta không có đã đành, nay xin hỏi đạo đức nhỏ, tư đức của mỗi người, ta có hay không? Thưa rằng: Không!”

“Gia đình luân lý” hiểu một cách nôm na là “lòng thương nhà” của mỗi con người. Đó là tình cảm là trách nhiệm của mỗi người người trong gia đình đối với cha mẹ vợ chồng anh em con cái sao cho tốt đẹp, nhu thuận, yêu thương… Nhưng cái luân lý gốc rễ, chính yếu ấy của xứ Á đông và của dân tộc này cũng bị hư nát rồi*, chỉ còn rặt một thứ chuyên chế gia trưởng và lối hình thức lòe loẹt, đạo đức giả nhan nhản trong xã hội (xem chú thích ở cuối bài).

Quốc gia luân lý, nói cho giản dị, là lòng yêu thương đất nước của mình, từ đó mà có trách nhiệm bảo vệ, bênh vực, giữ gìn công thổ và văn hóa của đất nước. Ông viết: “Cái "thương nước" tôi nói đây không phải là xúi dân "tay không" nổi lên, hoặc đi lạy nước này cầu nước khác để phá loạn trong nước đâu! Tôi xin thưa: Nước ta đã hư hèn bị mắc trong tay người ta rồi, thì bây giờ ta phải đem lòng thương nước, bênh vực lẫn nhau, mà giúp cho nhau để cứu chuộc lại cái danh giá cùng lợi quyền của ta về sau”.

Nhưng cái luân lý này ở “Người nước ta thì sao? Người nước ta vẫn còn say sưa trong giấc ngủ nghìn năm, chưa có chút gì gọi là giật mình mở mắt cả”. “Ngoài cái lo xác thịt ra thì không có một tư tưởng gì khác”. Người nước ta chỉ biết vua mà không hề biết đến Nước, chỉ biết tư lợi mà không hề ngó tới công lợi; nước còn nước mất cũng mặc kệ.

Xã hội luân lý là tình thương yêu và trách nhiệm của mỗi người đối với người khác trong cộng đồng dân tộc cho đến “cái nghĩa vụ loài người đối với loài người”. Ở loại luân lý này thì Phan Châu Trinh khẳng định “Xã hội luân lý thật trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến”. “Ai chết mặc ai, phải ai tai nấy”. “Thương ôi! Làng có một nắm dân mà người này đối với kẻ kia đều ngó theo sức mạnh, không có một chút gì gọi là đạo đức là luân lý cả . Đó là nói người trong một làng đối với nhau, chí như đối với dân kiều cư ký ngụ thì lại càng hà khắc hơn nữa . Ôi! Một dân tộc như thế thì tư tưởng cách mạng nảy nở trong óc chúng làm sao được!"

Đây không phải chỉ là những “đứt gãy”, mà ghê gớm, đó là sự suy bại, là vỡ nát tưởng không còn lại chút gì nguyên vẹn lành lặn nữa.

Cái quan trọng đối với chúng ta, những hậu thế, không phải là việc xem xét cái quá khứ luân lý của xã hội Việt Nam xưa; mà là nhìn trực diện vào xã hội ta ngày nay để thấy sự thật của nó. Và sự thật ấy là: dường như sau 100 năm thì tình trạng luân lý về cơ bản không khác là mấy, nếu không muốn nói là nhiều phương diện còn xuống cấp trầm trọng hơn. Đó là chỗ cần ghi nhớ.

3. Trên kia là bức tranh đạo đức luân lý trong xã hội Việt Nam từ cái nhìn của Phan Châu Trinh. Ông đã cả quyết rằng “Nước ta mất cũng vì luân lý, dân ta hèn cũng vì mất đạo đức luân lý, bị người khinh bỉ dày xéo cũng vì mất đạo đức luân lý”. Nghĩa là trăm mối họa đều có gốc từ sự đổ nát luân lý mà ra. Nay muốn trừ những cái họa ấy thì phải tìm cách kiến tạo sao cho mỗi người Việt Nam cho đến toàn dân Việt Nam phải có đạo đức luân lý. Chừng nào chưa bồi đắp, xây dựng và nuôi lớn được những giá trị cơ bản ấy thì chừng ấy đừng mong có độc lập hay văn minh, đó chỉ là ảo tưởng mà thôi.

Vấn đề bây giờ là làm thế nào để có được những đạo đức luân lý ấy trong dân Việt Nam? Phan Châu Trinh đã tự hỏi và tự trả lời rằng, luân lý của Âu châu thì rất tốt đẹp nhưng không thể mang về mà dùng ngay được, vì “Một nước luân lý cũ đã mất là nước không có cơ sở, nay bảo đem luân lý mới về thì biết đặt vào đâu?”. Từ đó, ông đi đến một kết luận quan trong bậc nhất trong sách lược của mình, đó là “nên cứu chữa lấy cây luân lý cũ của ta”; phải bồi bổ cho giống nòi ta để nó khỏe mạnh lên bằng những giá trị đạo đức truyền thống của nó “rồi sẽ đem chắp nối với cây luân lý của Âu châu vậy”. Khi đó cái “cây ghép” này mới có đủ sức khỏe tự thân mà ra hoa kết quả.

Vấn đề là “cây luân lý cũ của ta” là cái gì, nó hiện ở đâu, có thể tìm lại không…? Phan Châu Trinh trả lời rằng “có”. “Đạo ấy ở trong những câu: Sĩ khả sát, bất khả nhục (Giết người học trò được, mà làm nhục thì không được), Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu (Giàu sang không mê được lòng mình, nghèo hèn không đổi được chí mình, sức mạnh không buộc mình cúi đầu, được thế mới gọi là đại trượng phu)…”. Tóm lại, là những phẩm chất của lòng trung thực, tinh thần trượng nghĩa, ý thức công lợi…

Đó là thứ đạo đức dung hòa, là đạo làm người căn bản vốn không quá xa lạ với người Việt ta; đạo ấy “đem dùng vào đời nào, nước nào cũng được, không cổ, không kim, không đông, không tây”.

4. Đến đây, chúng ta đã hệ thống lại tư tưởng của Phan Châu Trinh: có đạo đức luân lý thì có tất cả, mất đạo đưc luân lý thì mất tất cả; vì thế (với tình trạng đổ nát như hiện thời) phải phục dựng nền móng đạo đức luân lý của Việt Nam; khi phục dựng được rồi thì nỗ lực truyền bá tư tưởng và mô hình chính trị dân chủ châu Âu vào nước ta để xây dựng một xã hội cường thịnh, văn minh, hạnh phúc.

Tôi cho rằng, tư tưởng này của cụ Phan không những là thức thời mà còn đi trước thời đại, quan trọng nhất là nó phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội loài người. Chủ thể (người dân) của một đất nước với những phẩm cách của nó sẽ quyết định không những tương lai dân tộc và còn quyết định cả việc nó sẽ học được những gì, sự tiếp thu của nó sẽ ra sao, và nó sẽ hành động thế nào. Một khúc gỗ mục thì chẳng thể đẽo nên món đồ gì cả. Vì thế, cần khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh để làm một cuộc phục hưng dân tộc.

Nếu hình dung cấu trúc tư tưởng cách mạng của Phan Châu Trinh như một tòa nhà thì việc khôi phục và đắp vững nền tảng luân lý chính là xây móng nhà; việc truyền bá và thiết lập chế độ dân chủ để từ đó kiến thiết các giá trị khác chính là toàn bộ phần kết cấu bên trên nền móng ấy.

Và chúng ta lại hiểu rằng việc xây móng cho một ngôi nhà thì quan trọng đến như thế nào! Không có móng hay móng kém chất lượng thì không thể xây nhà, nhất lại là tham vọng về một tòa nhà cao cả, vĩ đại.

Bài học của chúng ta ngày nay, khi kế thừa tư tưởng độc đáo và minh triết của Phan Châu Trinh chính là: mỗi trí thức cho đến dân thường đều phải nỗ lực để xây dựng ngôi móng luân lý đạo đức cho vững vàng, kiên cố. Công việc ấy, mỗi người trí thức cần gánh lấy như một sứ mệnh “giáo hóa” đối với những người ít học hơn mình. Không có con đường nào khác tốt hơn, ngoài tự giáo dục và giáo dục lẫn nhau. Ở đó, khai dân trí là công việc hệ trọng bậc nhất, bện cạnh việc thực hành một đời sống đạo đức đẹp đẽ để làm thành phong hóa xã hội. Đạo đức và luân lý cần đi bằng con đường “thân giáo”, chứ không phải chỉ có lời nói suông.

Những thứ lý thuyết tân thời, cổ xúy cho các lối sống “phá chấp bạt mạng” mà không thành một hệ thống với tính chỉnh thể và sự tiếp nhận thận trọng, thường có nguy cơ tạo thành một lối sống và cách hành xử lai căng, màu mè; nói thì như rồng cuộn mà sống như… rồng chết…; những thứ như thế lợi thì ít mà hại thì nhiều. Giới trẻ cần có một tinh thần nghiên cứu và học hỏi nghiêm túc trước các “trường phái” lý thuyết như thế để làm lợi lạc cho mình chứ không sa vào những sai lầm. Đáng ngại nhất là tình trạng “triết lý vặt”, ngụy tín và tự ru ngủ bởi những người lắm chữ.

Có rất nhiều bài học quý giá mà chúng ta có thể học được từ di sản tư tưởng của Phan Châu Trinh, nhưng trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại này, thì một nhận thức có tính cách mạng cần được thấm nhuần trong mỗi người Việt chúng ta đó là: “độc lập dân tộc thông qua độc lập cá nhân”. Phải nỗ lực tự học. Mỗi người tự học thì một vài thập kỷ sau hi vọng sẽ có ít nhất có 1/3 dân số thức tỉnh và có nền tảng tương đối. Lúc đó xã hội sẽ phải biến chuyển theo chiều hướng tiến bộ mà không thế lực nào có thể ngăn cản được.

T.H

Tây Lạc Viên, 25/8/2020

* Chú thích: Ta thử xem gia đình của ta bây giờ thì cha mẹ coi con như của, nói rằng của mình đã sinh ra, mình muốn thế nào thì phải thế. Đại khái cha mẹ không muốn lo việc đời, thì cũng không muốn cho con đi xa, cha mẹ muốn lòn cúi các cửa ông lớn này, ông lớn nọ để con làm các sở cho vẻ vang thì cũng bắt con như thế, thật không còn gì là cho con một chút tự do. Ấy là tôi nói mấy nhà giàu, còn như các nhà nghèo thì dạy con thì tát, thì chửi, thì đánh thì nói rằng thương con cho roi cho vọt, mà không biết rằng làm như thế là nuôi cho con một cái tính phục tùng nô lệ. Khi còn ở trong gia đình thì thở cái không khí chuyên chế của gia đình, khi đến trường học thì thở cái không khí trong trường học (tính người mình hay thích giao con cho một ông thầy dữ đòn) thì làm sao khi bước chân ra ngoài xã hội khỏi quen tính nô lệ, chịu lòn cúi người. Cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ lúc trong gia đình chuyên chế mà ra vậy.

Bọn ấy thường nhiều mượn những lốt lễ nghĩa rất kỳ khôi của bọn tà nho mang vào che miệng thế gian, chớ không có một chút gì gọi là hiếu là thuận cả. Nào là nằm đường, nào là chống gậy, nào là khóc mả, nào là ở dơ, nhưng kỳ trung có thương xót, có yếu đuối gì đâu, chỉ đem một trò giả dối diễn ra trước mặt mọi người mà thôi vậy. Chẳng những bọn ấy giả dối trong khi cha mẹ họ tử hậu mà trong lúc sinh tiền họ cũng không ăn ở thật lòng (Đạo đức và luân lý Đông – Tây).

 

 

Comments are closed.