Hịch thơ sĩ

Nguyễn Hoàng Anh Thư

Ta thường nghe: kẻ làm thơ có thể chết bởi rượu, tử bởi trăng; có thể chết bởi thói ngông nghênh bạt mạng; xưa Lý Bạch khinh đời cùng tiên kiếm ngao du, lặn xuống vớt trăng rồi tiêu diêu tiên cảnh, phút thăng thiên ấy, mấy người trong thiên hạ từng trải qua. Hay là thi nhân họ Hàn từng nuốt trăng mỗi đêm để nguyền rủa nỗi đau mà trời xanh chẳng thấu? Từ xưa, các bậc thơ sĩ bỏ mình vì rượu vì trăng đời nào chả có? Ví thử các bậc tiền nhân ấy cứ bắt chước bọn tiểu nhân, hay thói nữ nhi ẻo lả thì làm sao có những áng thơ bất hủ lưu lại thiên cổ đến bây giờ?

Các ngươi – các thơ sĩ bây giờ, mọc lên như nấm, viết thì nhiều mà chẳng hiểu nổi văn nghĩa, viết áp phích pano mừng ngày thơ mà sai ngữ pháp lung tung, nếu như các ngươi tự cho rằng mình là tinh hoa tinh tuý của dân tộc thì e điều đó là trái đạo. Các ngươi chỉ biết làm thơ yêu đương nhảm nhí hoặc bốc phét, nịnh nọt. Điều đó chẳng tổn hại đến thanh danh của dân tộc này ư? Xưa nay, có rất nhiều bậc tiền nhân đã dùng thơ châm biếm phủ lên đầu bọn nịnh thần bán dân hại nước, thơ của họ không ngần ngại xông vào chốn quan trường để trảm ngang xử dọc, người đời mãi nêu gương, từ thời Lý đến thời Trần, thời cụ Ức Trai đến thời Nguyễn Du. Họ là thi nhân và cũng là anh hùng hào kiệt bốn phương. Các ngươi xem đó mà răn mình, đừng viết bậy bạ, thả thơ lung tung có ngày đụng chạm đến thiên giới sẽ là điều phạm huý.

Ta đây, chỉ là một người yêu thơ, quý thơ, và cũng từng thử viết vài ba bài cho cuộc đời đỡ chán nhưng chẳng thể làm ngơ trước vấn nạn này

Các ngươi đã lâu quen việc làm thơ như là lấy tiếng, lấy thơ làm công việc chính hay chỉ làm thêm, tất cả cũng đều chung một mục đích là để thể hiện mình. Nhưng các ngươi quen lối sống với vẻ ngoài hào nhoáng, thích hoan hô xưng tụng, mỗi lần viết ra được vài câu thơ là hình dung tới những lời chúc mừng, những tràng pháo tay vang lên không ngớt. Các ngươi cho rằng, việc làm thơ là thể hiện sự tài hoa, khí tiết hơn người; so với công việc cày ruộng năm xưa của tổ tiên ông bà thì các ngươi vất vả nào có kém gì?

Ta thường tới bữa ăn cơm, chỉ lưng mấy chén, vừa ăn vừa ngẫm nghĩ rằng, giá như có một phép màu giúp ta từ bỏ được thơ, nhà nhà bỏ làm thơ thì dù trăm thân này bị ném đá, trăm xác này phơi ngoài đồng nội ta cũng cam lòng.

Ta và các ngươi sinh ra trong thời đất nước còn khó khăn, nợ công ngập đầu, nhiều người còn bơ vơ nơi gầm cầu xó chợ, nhiều trẻ con, cụ già còn không có nơi tá túc, các ngươi còn bày ra nhiều tiệc thơ, rồi làm thơ chia sẻ, xót thương cho lấy lệ, chẳng có can đảm chỉ ra nguyên nhân mọi sự, hoặc giả làm lơ để yên thân, như vậy có xứng đáng là một kẻ sĩ có tấm lòng với đất nước này?

Nay các ngươi nhìn đất nước nghèo khó gian nguy mà không biết than vãn, chỉ viết những điều nhảm nhí tung hô mà không biết thẹn, thấy tàu tung của thì gọi là tàu lạ, chúng đâm chết ngư dân mà các ngươi không biết khóc, thấy cá chết thì miệng câm như hến, lại cứ làm thơ ca ngợi cảnh thái bình, người ta nói “có mắt như mù” chẳng phải để ám chỉ các ngươi sao? Rồi thêm cái bọn bồi thơ, bình thơ thời này cứ xun xoe tâng bốc, một chữ chúng bẻ vụn thành vài trang, đăng chật kín trên các mặt báo văn nghệ, tiền của công sức của dân cứ thế đốt nhanh như hàng mã, rồi ô nhiễm môi trường càng thêm trầm trọng bởi rác thải từ giấy in thơ của các ngươi. Nếu kéo dài tình trạng này, có lẽ vài năm sau nữa, con cháu của chúng ta sẽ sống giữa đống lổn ngổn thơ rác, lúc ấy, liệu có đảm bảo cho sự trong sáng của tiếng Việt?

Nay ta bảo thật các ngươi: nếu có lòng yêu thơ thì hãy ngưng viết, đừng tự in ra rồi đem tặng người khác, điều đó rất hoang phí và sẽ vô cùng khó xử đối với nhiều người. Không lẽ, các người muốn số phận của thơ phải vứt ra ngoài sọt rác thì mới hả lòng hả dạ hay sao? Hoặc nếu viết thì phải cân nhắc kỹ, những điều này có giúp ích được ai khác ngoài bản thân mình không. Xưa – tiếng “nhà thơ” rất được kính trọng, nay – gọi “nhà thơ” thì nhiều người thấy thật là hổ thẹn, nhột nhạt trong người. Một đất nước nhà nhà làm thơ người người làm thơ rất lạc quan mà mãi vẫn chẳng trả nổi đống nợ chồng chất to tướng.

Ta, một kẻ yêu thơ, luôn mong muốn thơ được trân trọng gìn giữ, nên viết bài hịch này mong mọi người thấu hiểu. Có gì khinh xuất xin hoan hỉ đại xá.

n.h.a.t cẩn bút :))

Nguồn: FB Nguyễn Hoàng Anh Thư

Comments are closed.