Thơ chơi của Đoàn Văn Chúc

(Rút từ facebook của Văn Giá)

 

Tập thơ của học giả Đoàn Văn Chúc mang tên “THƠ: 1974-1976” không nhằm xuất bản, trong dạng bản thảo, thuộc di cảo. Theo di nguyện của ông, tập thơ này “tôi không có ý định gì xuất bản.Chỉ tự làm vài bản, tặng vài bạn từng thông cảm” (Vài lời), nên công chúng ít người biết tới (vả lại, sinh thời, giả định ông có ý định xuất bản, chắc hẳn cũng không dễ dàng gì, bởi đó là một thứ thơ khác lạ, không giống ai – thứ mà phần lớn các nhà quản lý văn nghệ và công chúng không mặn mà gì, thậm chí còn rất cảnh giác).

Cả đời ông chỉ dựng duy nhất một tập thơ này. Tập thơ bao gồm hai phần: 1, các bài thơ lẻ, ông gọi là “Bài vặt”, gồm 10 bài, trong đó có 3 bài thơ dịch; 2, Các bài thơ còn lại, ông gọi là “Bài dài” gồm sáu bài, mỗi bài mang một nhan đề chỉ một chữ: Chiều, Đường, Sông, Mưa, Tình, Mẹ (ngoài ra, có lời giới thiệu của chính ông, một số bức vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái mà ông gọi là “Mấy bài nhỏ được trình bày bằng vẽ”, mấy bài của nhà thơ Trần Dần được ông gọi là “Tùy luận”).

Đối với các bài ngắn, mỗi bài được trình bày trọn vẹn trên một mặt giấy. Còn đối với các bài dài, có khi một/hơn một câu thơ được trình bày trên một trang giấy, lần lượt cho đến hết bài. Gọi là “câu thơ”, thực ra cũng là dựa vào một ý niệm mơ hồ về nghĩa cú pháp do người đọc thiết lập mà thành, chứ thực ra rất khó đoan quyết đó là những câu/dòng thơ như cách hiểu thông thường, bởi cái gọi là câu/dòng thơ trong tập thơ này có khi chỉ là một chữ.

Lại nữa, người viết cố ý “sắp đặt” chữ khi to khi nhỏ, nét thanh nét đậm, viết hoa viết thường theo trục dọc, trục ngang khác nhau, với những đơn vị hoặc là những chữ trọn vẹn, hoặc là những chữ cái (cấu thành chữ/từ) hết sức tùy biến, không có quy luật, mỗi trang thơ được hình dung như một “bức chữ” không trang nào giống trang nào.

Tất cả điều đó cho phép người đọc nghĩ đến sự chơi thơ của người viết, chơi thơ bằng/trên các con chữ.

Dưới đây, xin đăng vài “bức thơ” để bạn đọc tiếp cận một phần di sản Đoàn Văn Chúc (VG)

Comments are closed.