Hồi ký
Dương Văn Ba
LÀM BÁO SÀI GÒN
Phần 1
Nghiệp làm báo
Trong đời học sinh và sinh viên của tôi, có 3 lần tập tành nghề làm báo. Lần thứ nhất vào năm 1956, lúc mới 15 tuổi, tôi được thầy dạy Việt Văn là thầy Lâm Ngọc Bình chọn làm bỉnh bút của tờ đặc san Nhành Lúa Mới, tiếng nói của học sinh trường Công giáo Bạc Liêu. Cùng lo tờ báo đầu tay trong đời này có Phạm Văn Tập dân Cà Mau, sau này là nhà văn Hoài Điệp Tử, chuyên viết feuilleton cho một số báo như báo Tia Sáng, Trắng Đen.
Cách thức làm báo học trò như sau:
– Chúng tôi viết bài, đa số là tùy bút, thơ, truyện ngắn.
– Thầy Bình chọn, tôi và anh Tập lo biên tập, sắp xếp, trình bày. Báo dày 42 trang, khổ tập học trò, bìa in hai màu.
Tôi và anh Tập, đại diện cho nhà trường đem báo lên Cần Thơ mướn in. Nơi in báo của chúng tôi là một nhà in nhỏ của Tây Đô, nằm gần cầu Tham Tướng.
Tôi còn nhớ, bài báo đầu tay của tôi được in là một bài tùy bút về “chiếc áo bà ba đen”, nói lên cảm nghĩ về các cô gái lao động, bán buôn. Hồi đó nhà trường chỉ cho chúng tôi 1.800 đồng để in 300 số báo, kể cả tiền ăn xài, tiền xe lên xuống Cần Thơ hai lần để giao bài và nhận báo. Việc sắp chữ, sửa bản vỗ, cho chạy “bon” đều do chủ nhà in làm vì lúc đó chúng tôi không biết sửa morasse vả lại chỉ ở lại nhà in vài tiếng đồng hồ.
Tờ báo được Trưởng ty Thông tin Bạc Liêu lúc đó cho phép xuất bản là một điều hãnh diện cho trường Công giáo, cho thầy Bình và cá nhân tôi .
Nguyễn Văn Năm, Trưởng Ty Thông Tin lúc đó là một thanh niên đi kháng chiến ở Khu về Thành năm 1952, cùng thời với thầy Lâm Ngọc Bình. Điều này cho thấy ngay từ năm 1953-1954, hoạt động văn hoá, giáo dục của các tỉnh thành miền Nam đã có sự xâm nhập và âm thầm lan tỏa của những cán bộ Việt Minh từng theo kháng chiến. Như trường hợp trường trung học Long Đức của bà Bùi Thị Mè thành lập ở Trà Vinh năm 1955 (bà Bùi Thị Mè và chồng là ông Ngô Tấn Nhơn hoạt động Thành đến năm 1960 lại bỏ vào rừng).
Xâm nhập về văn hóa, văn nghệ, giáo dục là xâm nhập vào trái tim, cái đầu của học sinh, thử hỏi làm sao không có các phong trào đấu tranh thành thị về sau này?
Tôi nhớ lại phía những người cộng sản đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam ngay trước khi Hiệp định Genève được ký kết. Việc xâm nhập về văn hóa giáo dục được tiến hành ưu tiên. Năm 1953, 1954, các bài thơ kháng chiến yêu nước nổi danh của nhà thơ Tố Hữu dã đựơc truyền tụng và đem giảng dạy trong các trường trung học lớn ở Sài Gòn, ở các tỉnh, trường công cũng như trường tư. Học sinh trung học thời đó không mấy ai mà không biết bài thơ tràn đầy tình yêu nước, tràn đầy khí thế cách mạng tiến công, thắng lợi của Tố Hữu. Bài “Ta Đi Tới :”
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái thong dong ta bước.
….Đường Bắc Sơn, Đinh Cả, Thái Nguyên
Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
Đường cách mạng dài theo kháng chiến
Đến hôm nay đường xuôi về biển
Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi…
Họ cũng thuộc lòng bài thơ ca ngợi anh bộ đội nổi tiếng của nhà thơ Chính Hữu….
….Em về cấy lúa trồng bông
Cho lúa mau nở cho bông được mùa
Trưa hè rụng lá bàng khô
Tôi đi ra trận….nghe hò bốn phương
Súng ơi súng ở với tôi mùa thu, theo tôi mùa hạ
Theo tôi diệt nốt quân thù
Tôi nhớ thương người bạn cũ
Miệng cười mắt nhắm ngàn thu…
Lần thứ nhì tôi viết báo vào năm 1959 lúc vừa đỗ tú tài. Tôi lấy bút danh Dương Trần Thảo, Huỳnh Thành Tâm lấy bút danh Huỳnh Phan Anh. Hai anh em chúng tôi cộng tác với Tuần báo Mã Thượng do anh Trịnh Văn Thanh làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Bài viết của tôi là bài “nhận thức thời gian trong thi ca Hàn Mặc Tử” đăng trên tuần báo Mã Thượng (khổ lớn). Bài thứ nhì là thư ngõ gởi nhóm Sáng Tạo do Huỳnh Phan Anh và tôi cùng ký tên.
Một xu hướng triết lý trong văn chương, một kiểu “ếch nằm đáy giếng” đâu thấy trời bao la. Vừa viết báo vừa đi dạy học ở quận Chợ Mới Long Xuyên (dạy trường bán công ở Chợ Mới của anh Trương Phước Đức – bạn thân của Huỳnh Thành Tâm). Huỳnh Phanh Anh dạy Pháp văn, tôi dạy Việt văn, Nguyễn Tấn Trọng dạy tóan, lý, hóa (Nguyễn Tấn Trọng hiện nay ở Mỹ. Trong chiến tranh, anh là Phi công lái F5, bị bắn rơi ở miền Đông, bị bắt làm tù binh và được trao trả năm 1973, ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết).
Đời viết báo và đời dạy học thường gắn bó với nhau. Chúng tôi 3 thanh niên mới lớn đã biết tháo vát dùng chút ít học thức của mình để kiếm thêm tiền sinh sống. Hồi năm 1960, nhật báo rất hiếm chỉ có 4,5 tờ. Báo về văn học càng hiếm hơn. Trường trung học cũng ít. Mỗi tỉnh chỉ có một trường công lập và một, hai trường tư. Còn ở cấp huyện, lớn như huyện Chợ Mới, các nhà tư sản, trí thức hoạ hoằn mới lập ra một trung học tư thục. Giấy phép phải lên tới Sài Gòn xin. Lúc đó, đỗ được tú tài đôi đã có thể tự coi là trí thức. Ở mỗi tỉnh họa hoằn mới có vài chục tú tài. Cái chữ cái nghĩa thời đó sao mà quí giá thế. Không phải như thầy đồ Tú Xương ca cẩm “văn chương hạ giới rẻ như bèo” .
Đến lần thứ ba, tôi lại cùng với Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Ngọc Thạch (Tư Trời Biển trong báo Tin Sáng), Võ Văn Điểm viết báo ở đại học Đà Lạt. Tập san Chiều Hướng Mới, tên báo do Huỳnh Phan Anh đặt.
Sau năm 1963 Tổng thống Kennedy bị bắn chết, chiến tranh ở miền Nam Việt Nam bắt đầu sôi động. Tờ báo của chúng tôi có những suy tư trăn trở thoát ra khỏi tháp ngà văn chương. Con người phải dấn thân nhập cuộc. Không dấn thân bằng cách đi lính, thầy giáo sinh viên cũng phải dấn thân bằng những suy tư phản kháng. Báo Chiều Hướng Mới lúc đó đã nói lên những trăn trở của lớp trẻ về sự vô lý của chiến tranh.
Ba bước tập tành theo nghề báo hình như đó là giáo đầu tuồng của định mệnh.
Chinh thức vào nghề viết lách
Đầu năm 1968, tôi chính thức bước vào nghề làm báo với các bài xã luận thường xuyên đăng trên báo Tin Sáng. Chưa chịu dừng ở đó, tôi xin giấy phép xuất bản Tuần báo Đại Dân Tộc. Tôi làm chủ báo nhưng không có quan hệ với dân buôn giấy, in báo, không biết cách bọc lót với giới phát hành, toàn là những “trùm sò” có ăn chịu với Hội cựu Chiến binh, với Trung ương Tình báo. Cho nên Tuần báo là của tôi, nhưng lại do Ngô Công Đức bỏ tiền ra in, phát hành, thu lợi nhuận.
Chủ nhiệm kiêm chủ bút Dương Văn Ba ăn lương một tháng 30 ngàn đồng (lúc đó bằng 3 lạng vàng). Tuần báo Đại Dân Tộc, nhật báo Tin Sáng, nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc (do Lý Quí Chung làm chủ nhiệm) là ba diễn đàn đối lập công khai với chính phủ Thiệu – Kỳ.
Cùng tham gia viết báo trên tuần báo Đại Dân Tộc có Nguyễn Hữu Chung, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu, Lý Chánh Trung…. Đại Dân Tộc đi vào chiều sâu của những vấn đề thời sự chính trị, là diễn đàn chống chiến tranh, đôi khi bị coi là thân cộng, phản diện với Tuần báo Con Ong của Minh Vồ, một tiếng nói hậu thuẫn của Nguyễn Cao Kỳ và các chính trị gia chống cộng gốc Miền Bắc. Tuần báo Con Ong coi cộng sản là kẻ thù không đội trời chung, còn tuần báo Đại Dân Tộc chủ trương hoà bình hoà giải dân tộc. Chúng tôi thẳng thắn và công khai chỉ trích Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Chúng tôi chủ trương người Mỹ, quân đội Mỹ không nên can thiệp trực tiếp vào Việt Nam.
Báo Đại Dân Tộc vừa có những bài bình luận chính trị nghiêm túc, vừa có những bài châm biếm khó quên. Nhà thơ Cung Văn mỗi tuần có một bài “móc lò” châm biếm chính trị vừa cay vừa chua đối với chính quyền và các nhân vật gia nô thời đó. Ông Đạo Ù Ù (bút danh của ông Hồ Hữu Tường), Hai Mã Tấu (bút danh của Nguyễn Ngọc Thạch) cũng có mặt trên Đại dân Tộc. Tuần báo của tôi cũng thường bị tịch thu và luôn luôn bị nhiều đoạn “TYĐB”.
Tự ý đục bỏ là biện pháp kiểm duyệt của chính quyền đối với báo chí. Báo chí cứ tự do viết, tự do nói, tự do xuất bản. Đồng thời Nha báo chí của Bộ Thông tin cũng tự do tha hồ đục bỏ, tha hồ tịch thu. Để tránh khỏi sự bao vây của kiểm duyệt và của cảnh sát, chúng tôi thường thuê in báo ở nhiều nơi khác nhau. Có nhà in ở Gia Định, có nhà in ở Quận 1, Quận 3, có nhà in ở Chợ Lớn.
Thường thì mỗi ngày cứ vào khoảng 2-3 giờ chiều Nha Báo chí mới kiểm duyệt xong các bản in thử. Họ gạch bỏ các hàng in nguy hiểm, xoá trắng những chỗ cấm đoán và thay thế bằng dòng chữ “TYĐB”.
Các nhà in ở đường Gia Long, nhà in ở đường Võ Tánh đương nhiên phải thi hành nghiêm túc lịnh TYĐB. Chúng tôi nộp lưu chiểu các ấn bản có TYĐB. Nhưng các ấn bản nguyên xi ở Gia Định, Gò Vấp, Chợ Lớn chúng tôi đã cho in từ sớm và in “nguyên con”.
Các chủ nhà in ở Quận 5 rất “chịu chơi” cho chạy máy toàn bộ các ấn bản không thông qua kiểm duyệt. Đội quân hàng mấy trăm người phát hành sẵn sàng xông vào các nơi in báo lậu để lãnh báo đi bán rộng khắp hang cùng ngõ hẻm.
Chúng tôi in báo được nguyên con nhờ các ông chủ nhà in gan dạ. Dĩ nhiên họ có thêm lợi nhuận, còn nhà báo thì liều mạng với chính quyền. Các em bán báo nhờ sự xé rào của chủ báo và chủ nhà in có được báo hấp dẫn để bán đắt như tôm tươi. Các chú cảnh sát, công an chìm làm ngơ cho báo in lậu, phát hành lậu cũng được thêm tiền lương súp do các tay đầu nậu phát hành báo đài thọ. Cả một hệ thống phân phối báo lậu, in lậu nhưng công khai tựa vào nhau mà giành lấy sự sống, và chiến đấu. Vô cùng sôi động và khó quên thời kỳ làm báo vưà công khai vừa chui vừa lậu.
Số phận tuần báo Đại Dân Tộc mặc dù in lậu nhiều số được “nguyên con”, nhưng vẫn không khác số phận của tờ Tiếng Gọi Miền Tây ở Mỹ Tho. Tổng Trưởng Thông tin Ngô Khắc Tỉnh ký án tử cho Đại Dân Tộc sau 9 tháng hoạt động. Có điều lạ là nhật báo Tin Sáng đấu tranh chống chính phủ Thiệu-Kỳ mãnh liệt, nhưng không hề hấn gì. Cùng thời đó, nhật báo Tiếng Nói Dân Tộc của ông Lý Quý Chung đối lập nhẹ nhàng hơn, phản ảnh tiếng nói vừa mức của thành phần thứ ba, đứng giữa cũng bị đóng cửa vĩnh viễn. Nhà báo Lý Quý Chung quá ngứa nghề, có lúc phải nhận làm chủ bút nhật báo Điện Tín trong 6-7 tháng .
Câu hỏi tại sao nhật báo Tin Sáng chỉ bị tịch thu nhiều lần mà không bị ông Nguyễn Văn Thiệu buộc đình bản, có nhiều người thắc mắc. Giải đáp tạm bợ của một số dư luận: Ngô Công Đức gốc công giáo, cha từng bị cộng sản giết, lại có bà con xa gần với Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, nên Nguyễn Văn Thiệu còn nể vì. Cũng có nhiều người không tin vào ý kiến đó, họ đặt nghi ngờ xa hơn, Ngô Công Đức từ lâu đã có quan hệ với nhiều người Mỹ. Tài sản của Đức có được khi còn làm ăn ở Hậu Nghĩa do thầu cung cấp nước đá cho lính Mỹ và do thầu các quán xông hơi massage phục vụ quân đội Mỹ. Tiếng nói của Đức có thể phản ảnh một nước bài chính trị: đối lập với chế độ Thiệu, theo chủ trương của người Mỹ. Trong cuộc chơi chính trị tư sản, có thân chánh, phải có đối lập. Nếu triệt hạ báo Tin Sáng có nghĩa là huỷ bỏ toàn bộ cuộc chơi. Bàn cờ dân chủ được sắp đặt như thế, không thể đổi khác.
Ở một xứ sở lệ thuộc vào Mỹ quá nhiều, điều gì người ta cũng có thể nghi ngờ. Người ta nghi Ngô Công Đức dính với Mỹ cũng như Ngô Công Đức đã từng dính sâu với Nguyễn Cao Kỳ, với Nguyễn Thiện Nhơn, cánh tay mặt của Kỳ trong mọi cuộc ăn chơi đàng điếm.
Đại Dân Tộc hàng tuần bị đóng cửa, tôi tiếp tục viết xã luận mỗi tuần cho Tin Sáng và Thời Đại Mới do anh hai Nguyễn Kiên Giang phụ trách chủ nhiệm kiêm chủ bút. Một bài xã luận được lãnh 10.000 đồng nhuận bút, một tháng tôi viết cho Tin Sáng 5-6 bài, nhưng đối với báo Thời Đại Mới, tờ báo nghèo của anh Hai Kiên Giang tôi không nhận bút phí. Tình cảm của anh chị Hai Kiên Giang đối với các đàn em trong làng báo Sài Gòn lúc đó rất dễ thương. Đối với tôi, một ngòi bút chính trị trẻ lúc bấy giờ anh Hai Kiên Giang là tấm gương sáng trong nghề làm báo miền Nam.
Báo Thời Đại Mới không có nhiều độc giả như Tin Sáng, nhưng đó là tờ báo của một ký giả nhà nghề. Qua bao đổi thay sóng gió, hoan hô, đả đảo, Thời Đại Mới của anh Hai Kiên Giang vẫn luôn có mặt, luôn tồn tại, góp phần vào sự nghiệp làm báo nhà nghề miền Nam.
Khi tôi viết những dòng này, có lẽ anh Hai Kiên Giang đã khuất, xin coi như nén nhang tưởng niệm một đàn anh nhà nghề bất khuất, luôn lạc quan, luôn có mặt để nói lên những gì cần nói và nói được những gì mà nhà cầm quyền không đục bỏ, vẫn cứ nói theo thể cách riêng để tồn tại vì tồn tại là trên hết để làm nhân chứng lịch sử.
Tự do báo chí?
Giai đoạn 1965-1975 báo chí Sài Gòn đầy màu sắc, khá phức tạp. Có thể tạm chia làm 5 loại:
– Báo chống cộng sản: Các tờ Chính Luận, Tự Do, Sóng Thần, Tiền Tuyến.
– Báo thương mại, làm báo để làm giàu, để kiếm sống, không lập trường chính trị rõ rệt: Báo Tia Sáng của ông Nguyễn Trung Thành, Sài Gòn Mới của bà Bút Trà.
– Báo nhà nghề, chuyên đào sâu các vấn đề thời sự, chuyên môn dưới cặp mắt báo chí không phản ảnh rõ rệt đứng bên này hay bên kia: Báo Thần Chung của Nam Đình, Đuốc Nhà Nam của Trần Tấn Quốc.
– Báo đối lập gồm có báo Tiếng Nói Dân Tộc, Tin Sáng, Điện Tín, Đại Dân Tộc
– Báo được CIA Mỹ tài trợ hoặc báo của trung ương tình báo Sài Gòn như báo Trắng Đen, Chính Luận.
Có tự do báo chí hay không dưới thời Nguyễn Văn Thiệu 1965-1975?
Không có và có.
Không có: vì hàng ngày báo nào cũng bị kiểm duyệt. Phóng viên, ký giả có thể bị bắt nếu suy ra viết bài hay tung tin có lợi cho phía cộng sản.
Các ký giả vừa viết báo vừa hoạt động cho cộng sản có thể bị bắt không cần một phán quyết nào của tòa án. Thường một số nhà báo từng tham gia kháng chiến chống Pháp tiếp tục hoạt động cho cách mạng hay các phóng viên cộng sản mới vào nghề, lộ diện dễ dàng bị bắt bởi công an chìm.
Chế độ cũ kiểm duyệt và kìm kẹp báo chí thường chỉ chú trọng tới nội dung chính trị, báo có làm lợi cho cộng sản hay không. Còn về mặt văn hoá văn nghệ, xã hội hầu như họ thả lỏng. Ở những lãnh vực này báo chí được tự do muốn viết gì thì viết. Từ đó, một tiểu thuyết kích dâm hạng nặng như tiểu thuyết Chín Củi được đăng tải trong báo Tia Sáng, một tiểu thuyết khác như tiểu thuyết Cậu Chó có nhiều pha nhơ nhớp, tục tĩu vẫn được đăng trên báo Trắng Đen, vẫn ùn ùn bán chạy.
Có tự do báo chí:
– Hiểu theo nghĩa ai muốn viết gì cứ tha hồ viết. Chẳng có một rào cản nào ngoại trừ rào cản cộng sản.
– Hiểu theo nghĩa chưa có ký giả nào bị bắt bỏ tù vì dám viết bài chống hoặc phỉ báng chế độ. Các mục tiếu lâm, móc lò trên các báo tha hồ xỏ xiên, bôi đen Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Ví dụ Thiệu được gọi là Anh Bảy Tê Tê, Kỳ được gọi là Tướng Đá Gà Râu Kẽm. Trên báo Tin Sáng, Tư Trời Biển tha hồ tung tin vịt nghe qua rồi bỏ, nhà thơ Cung Văn tha hồ ví von chính quyền theo sở thích.
– Hình phạt nặng nhất của chế độ cũ: đóng cửa báo.
– Cũng chưa có ai bán các tờ báo lậu mà bị bắt bỏ tù.
Chế độ cũ chỉ bưng bít sự thật trên báo chí được nửa vời. Các báo hàng ngày chống chế độ vẫn tới tay đọc giả thông qua hệ thống phát hành lậu. Biện pháp nửa vời đã là ngòi nổ giựt sập uy tín chế độ cũ trong tâm lý quần chúng. Chế độ cũ có giăng lưới bao vây tự do báo chí chỉ giăng lưới một nửa. Còn một nửa kia, độc giả vẫn thấy được sự thật 100%. Báo chí của chế độ cũ đã góp phần liên tục “đánh mìn chế độ” trong dư luận.
Thời kỳ làm báo Điện Tín
Tuần báo Đại Dân Tộc cáo chung. Đến năm 1971, do yêu cầu của kỹ sư Võ Long Triều, tôi ký giấy đồng ý nhượng tên Đại Dân Tộc để anh Triều đứng tên xin phép xuất bản tờ nhật báo cũng lấy tên Đại Dân Tộc.
Vào khoảng cuối năm 1971, Đại Dân Tộc tái xuất giang hồ với tư cách báo hàng ngày. Ba nhân vật chính điều hành báo này là anh Võ Long Triều (lúc đó đã là dân biểu Quốc hội ) dân biểu Kiều Mộng Thu, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. Đại Dân Tộc trở nên sáng giá, là nhật báo đối lập hàng đầu.
Cuối năm 1971, sau khi thất cử, Ngô Công Đức đã bỏ trốn đi nước ngoài. Báo Tin Sáng tiếp tục xuất bản đến đầu tháng 4-1972 phải tự đình bản vì Bộ Thông tin không cho nộp lưu chiểu nữa dù không có lệnh đóng cửa.
Anh Hồ Ngọc Nhuận và tôi được anh Hồng Sơn Đông mời về làm chủ biên nhật báo Điện Tín kể từ tháng 11-971.
Đầu não của báo Điện Tín được sắp xếp như sau:
– Nghị sĩ Hồng Sơn Đông: Chủ nhiệm
– Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận: Chủ bút.
– Dương Văn Ba (đã thất cử): Phó chủ bút kiêm Tổng thư ký Toà soạn
– Giáo Sư Lý Chánh Trung: Giám đốc chính trị
Nhật báo Điện Tín vào giai đoạn này ngấm ngầm trở thành tiếng nói chính thức của nhóm chủ trương hoà bình dân tộc, đứng đầu là Đại Tướng Dương Văn Minh.
Dương Văn Minh và Hồng Sơn Đông trong quân đội có quan hệ thầy trò. Hồng Sơn Đông đóng lon Đại tá (theo đạo Cao Đài) dưới quyền chỉ huy của Tướng Minh. Về chính trị Hồng Sơn Đông ủng hộ đường lối hòa bình của Tướng Minh. Vì lúc đó đang khá giàu có, Hồng Sơn Đông một phần nào đã chia xẻ gánh nặng tài chinh cho Tướng Minh. Trong Quốc hội, Hồng Sơn Đông đứng chung liên danh với luật sư Vũ Văn Mẫu, nhân vật được phật giáo Ấn Quang hậu thuẫn, chủ trương giải pháp hòa bình giữa các bên Việt Nam.
Khoảng thời gian đầu, khi nhận làm phó chủ bút báo Điện Tín, tôi vẫn tiếp tục nghề dạy học tại trường trung học Mạc Đĩnh Chi (sau khi thất cử dân biểu tỉnh Bạc Liêu tôi bị buộc trở về Bộ Giáo dục. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh đã ký quyết định chuyển tôi về dạy học). Trường Mạc Đĩnh Chi lúc đó do anh Lý Di, người Trà Vinh làm hiệu trưởng. Tôi và anh Di là bạn, anh ấy phân cho tôi dạy môn Pháp văn, 16 giờ một tuần. Tôi tiếp tục nghề dạy học thêm 3 tháng, sau đó vì công việc nhà báo tràn ngập, tôi bỏ ngang nghề thầy giáo.
Lúc tôi điều hành tờ Điện Tín hàng ngày, báo này mới chỉ có 8 ngàn độc giả. Đó là vào khoảng tháng 12-1971.
Cùng làm việc với tôi hàng ngày ở toà soạn (địa chỉ số 101 đường Võ Tánh, quận 1 – ngày nay là đường Nguyễn Trãi) – có những người sau đây :
– Anh Trương Lộc – Thư ký toà soạn
– Anh Huỳnh Bá Thành tức hoạ sĩ Ớt – Trưởng ban trình bày – lúc đó chúng tôi gọi là Giám đốc kỹ thuật (sau ngày giải phóng Huỳnh Bá Thành mang lon Trung tá Công an – Tổng biên tập báo Công an TP.HCM), Nguyễn Văn Phúc – Kỹ thuật viên montage, trợ lý trình bày cho Huỳnh Bá Thành (sau giải phóng mới lộ ra Phúc là Trung úy công an).
– Anh Kiên Giang, anh Sơn Nam phụ trách trang văn hóa văn nghệ.
– Anh Nguyễn Vũ, anh Tường Hữu cung cấp các bản dịch tin nước ngoài và tin tổng hợp lấy từ các thông tấn xã AFP, UPI, AP, Reuter
– Anh Trần Trọng Thức bút danh Trần Văn Lê phụ trách mục ký sự nhân vật (lúc đó Trần Trọng Thức đã bị động viên đóng lon trung úy Hải quân)
– Anh Cung Văn tức Nguyễn Vạn Hồng – Phóng viên Việt Tấn Xã – phụ trách mục thơ châm biếm. Anh Nguyễn Ngọc Thạch thường xuyên viết mục Án Thua Đủ ký tên Hai Mã Tấu – trước đây Cung Văn cũng thường viết Tư Trời Biển trên báo Tin Sáng cùng với Nguyễn Ngọc Thạch.
– Đội ngũ phóng viên có nhiều người trẻ. Trong đó có Nguyễn Ninh, Điệp Liên Anh, có Quốc Trang (sau giải phóng mới lộ ra Quốc Trang hoạt động cộng sản, hiện nay giữ vai trò quan trọng trong việc quan hệ với người Hoa Chợ lớn)
– Phụ trách viết xã luận có nhiều người: Nguyễn Hữu Chung, Hồ Ngọc Nhuận, Huỳnh Văn Tòng… ( Dương Văn Ba lúc đó ký tên nhiều người như dân biểu Huỳnh Ngọc Diêu, dân biểu Huỳnh Trung Chánh, Nghị Sĩ Hồng Sơn Đông, dân biểu Trần Văn Thung, dân biểu Nguyễn Công Hoan… những người này không có thì giờ viết, khoán cho Dương Văn Ba viết và trả thêm phụ cấp vì ông Ba đã thất cử, không thể công khai ký tên).
– Viết feuilleton có Lý Quý Chung. “Nhựt ký của nàng Kiều Dung” là một truyện dài rất ăn khách mô tả lối sống ăn chơi của giai cấp thượng lưu trong xã hội Sài Gòn, cũng có những pha tình ái du dương lãng mạn, hấp dẫn. Tôi với tư cách phó chủ bút thường trực quyết định cho đăng feuilleton này. Nhiều người phản đối cho rằng tiểu thuyết đó có tính cách khiêu dâm. Tôi nhớ không lầm đó là phản ứng của Lý Chánh Trung và Hồ Ngọc Nhuận. Nhưng càng đăng, tiểu thuyết này càng có đông độc giả vì nó lột tả được một cách sống động nếp sống xa hoa đàng điếm của một giai cấp thượng tầng xã hội.
– Về phóng sự, nổi bật của báo Điện Tín vào thơi kỳ 1972-1973 có phóng sự “Nhật ký của G.I” do Hoàng Minh Phương thực hiện.
– Hoàng Minh Phương, gốc Huế, lúc đó khoảng 30 tuổi, đầu năm 1972 xuất hiện tại toà soạn, giao cho tôi một tập bản thảo và tự giới thiệu anh đang làm thông dịch viên cho Mỹ ở PleiKu, chán cảnh làm tay sai, bỏ về Sài Gòn với một ngòi bút có khả năng sinh ngữ. Sau khi đọc nhanh tập bản thảo, tôi thấy có sắc thái, nhạy bén, hấp dẫn, tôi nhận đăng đồng thời sử dụng Hoàng Minh Phương dịch một vài tài liệu tiếng Anh ngắn hàng ngày.
– Phóng sự của Hoàng Minh Phương khá thành công, mô tả cuộc sống thác loạn của các thanh niên “chích choác”, pha trộn nhiều cảnh làm tình tập thể hỗn tạp. Việc khai thác phóng sự này giúp độc giả ở các địa phương hiểu sâu thêm bộ mặt đen, ma quái của Sài Gòn cũ. Sau này khi giải phóng xong, hình như Hoàng Minh Phương được tuyển dụng làm phóng viên của báo Đảng “Sài Gòn Giải Phóng”. Hoàng Minh Phương ít nói, có cuộc sống thầm lặng đôi khi khó hiểu. Tôi đã mạnh dạn sử dụng anh, dựa vào ngòi bút có màu sắc của anh, bất kể đằng sau lưng anh là màu xanh hay đỏ. Đã hơn 28 năm nay, tôi chưa hề gặp lại Hoàng Minh Phương, dù cả anh và tôi đều biết là đang cùng sống ở Sài Gòn, riêng tôi từng đi tù cộng sản hơn 7 năm.
Toà soạn nhật báo Điện Tín thời kỳ 1971- 1972, không khí làm việc tích cực, sôi nổi quyết liệt. Bộ bốn Dương Văn Ba, Trương Lộc, Minh Đỗ, Huỳnh Bá Thành luôn luôn có mặt tại toà soạn từ 6 giờ 30 phút sáng, vùi đầu vào công việc cho đến 12 giờ trưa mới xong.
Nhiệm vụ của Trương Lộc và Minh Đỗ, hai thư ký toà soạn, là lựa tin lựa bài, Trương Lộc lo về tin Thông Tấn Xã, teletype, các bản tin của các hãng thông tấn nước ngoài Reuter, AFP, AP, UPI (do Tường Hữu và Nguyễn Vũ cung cấp). Anh Minh Đỗ chọn lựa các tin quốc nội và chuyên lo về trang 3 trang 4.
Tiện đây, tôi xin nói thêm mấy dòng về anh Minh Đỗ. Anh tên thật là Đặng Văn Nên, từng đi kháng chiến chống Pháp ở khu 8, cùng một thời kỳ với ông Lê Hồng Cẩm. Sau 1954, anh Minh Đỗ về thành, làm báo, nhờ nghề chuyên môn đánh Morse trong kháng chiến chống Pháp nên có thời gian anh được chọn làm ở Trung Tâm Kiểm Soát Không Lưu, sân bay Tân Sơn Nhất. Anh Minh Đỗ khá về tiếng Anh, tiếng Pháp, có hiểu biết về chuyên môn. Là một người làm báo chuyên nghiệp, một phụ tá có năng lực cho chủ bút, vui tính, ít nói, tận tụy, say mê nghề nghiệp. Anh phụ giúp tôi tận tình ở báo Điện Tín suốt mấy năm. Qua đến thời kỳ báo Tin Sáng, hồi II, tôi cũng làm phó chủ bút, Hồ Ngọc Nhuận làm chủ bút, anh Minh Đỗ cũng với tư cách thư ký toà soạn,đã phụ giúp tôi đắc lực.
Viết đến những dòng này sau hơn 30 năm làm báo, thời kỳ cộng tác với tôi ở báo Điện Tín và báo Tin Sáng, kỷ niệm giữa chúng tôi khá đậm đà. Anh Minh Đỗ từng là một cán bộ kháng chiến, yêu nước, yêu nghề làm báo, anh là một trong những cột trụ âm thầm của làng báo Sài Gòn xưa và nay. Bây giờ anh đã khuất, trong âm thầm lặng lẽ, trong sự thương tiếc của bạn bè và đồng nghiệp. Tôi ghi lại những dòng này để tưởng nhớ đến anh, một người cộng tác, đầy đủ những đức tính để các lớp đàn em học hỏi.
Minh Đỗ, Phan Ba, Sơn Tùng, Tô Nguyệt Đình những đàn anh nhà nghề mà ai viết về lịch sử của làng báo Sài Gòn trước ngày giải phóng không thể bỏ sót.
Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/DuongVanBa_4a.htm