Nguyễn Hoàng Văn
Thì còn tùy vào loại sách gì nhưng, thường, mấy từ trên đều được sử dụng để chỉ hành vi của hạng người không ra gì.
Như bọn đốt sách mà Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower điểm mặt trong bài diễn văn tại lễ tốt nghiệp ở Đại học Dartmouth vào tháng Sáu năm 1953: “Don’t join the book burners! … Don’t be afraid to go to the library and read every book so long as that document does not offend our own ideas of decency – that should be the only censorship.” (Tạm dịch: Đừng có theo đuôi bọn đốt sách!… Đừng sợ các thư viện mà hãy đến đó và đọc bất cứ cuốn sách nào miễn là chúng không xâm phạm đến quan niệm của chúng ta về sự tử tế, và đó mới là sự kiểm duyệt duy nhất”.
Bài diễn văn đọc giữa những ngày xáo trộn của nước Mỹ với chiến dịch tố cộng khởi đầu từ năm 1950 do Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy khuấy động như một âm mưu kiếm phiếu. Và nó được đọc lên giữa lúc McCarthy và những đồng đảng cựu hữu hò hét nhau vào các thư viện để vứt hết những sách vở có nội dung thiên tả vào đống lửa.
Nhưng tên mỵ dân McCarthy đã thất bại.
Gần một năm sau, trong buổi điều trần được truyền hình trực tiếp khắp nước, Luật sư Joseph Nye Welch, đại diện pháp lý cho nạn nhân của McCarthy, đã quạt thẳng vào mặt tên cực hữu này rằng, phải chăng, ông ta không có chút xíu ý niệm nào về sự “tử tế” (“Have you no sense of decency?”). Sự thách thức này đã chuyển hướng suy nghĩ của cả công chúng lẫn giới lập pháp Mỹ, vốn đã chán ngán cái luận điệu tố cộng vô căn cứ đã nhàm tai hơn bốn năm qua. Ủy ban Điều tra bị giải tán. Nhà tố cộng số một bị mất hết quyền hành. Và, hết thứ để tố, y đã phải tìm quên trong men rượu để rồi chết lặng lẽ trong quên lãng, như một con sâu rượu.
Nhưng tên đốt sách tàn bạo nhất, khủng khiếp nhất và sớm nhất của nhất của nhân loại, có lẽ, là Tần Thủy Hoàng (259-210 BC), với chính sách “phần thư khanh nho”.
Tần Thủy Hoàng muốn đặt thiên hạ dưới chân mình, xem mình là khởi thủy cho một đế quốc mới. Người Trung Hoa xưng hô với nhau là “trẫm”, như là đại danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhưng Tần Thủy Hoàng đã giành mất độc quyền, chỉ riêng y mới được quyền xưng “trẫm”, phần còn lại thì phải xưng “tôi”, như là tôi tớ của y. [1] Sợ rằng thiên hạ sẽ mượn chuyện đời xưa để chỉ trích chuyện mình đang làm, y đã hành động theo sự cố vấn của Lý Tư, ra lệnh thiêu hủy toàn bộ những gì có chữ, chỉ trừ những chữ dạy cách trị bệnh, bói toán và trồng cây. Nhưng đó là chữ viết trên giấy, còn thứ chữ viết trong đầu con người thì sao? Y cũng ra tay rất gọn, mang 460 nho sinh ra Hàm Dương chôn sống.
Nhưng Tần Thủy Hoàng cũng thất bại. Sách vở y cố tâm đốt sạch vẫn còn lưu truyền. Bao nhiêu thế hệ đời sau vẫn tiếp tục phê phán y, chỉ trừ bọn chính trị gia bá quyền tại Bắc Kinh hiện tại, với bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu. [2]
Một tên đốt sách khác, cũng tàn bạo tương tự, là Adolf Hitler. Hitler và đồng đảng đã tiến hành chiến dịch đốt sách rầm rộ trên toàn nước Đức từ ngày 10/5/1933 tại hàng chục trường đại học trên hàng chục thành phố, thiêu hủy toàn bộ sách vở có nội dung khai phóng do hay thiên tả cùng tác phẩm của các tác giả Do Thái.
Nhưng Hitler cũng đã thất bại.
Một tên đốt sách thâm hiểm khác: Minh Thành Tổ (1360-1424). Tổ chức xâm lược Việt Nam vào năm 1406 với dã tâm thôn tính và đồng hóa nhằm biến Việt Nam thành một huyện hay một tỉnh của Tàu, y ra lệnh hủy diệt toàn bộ những gì có chữ nhưng phải tịch thu sổ sách của cải, tiền bạc, hộ khẩu, địa lý.
Nhưng y đã thất bại.
Hơn năm thế kỷ sau lại một chiến dịch đốt sách nữa trên đất nước chúng ta nhằm hủy diệt những dấu tích văn hóa mà chính quyền miền Nam gầy dựng trong hai mươi năm, từ 1954 đến 1975. Một lần nữa, bọn đốt sách này cũng thất bại bởi những di sản tinh thần đó vẫn còn, vẫn từng bước phục hồi.
Trong cách diễn đạt của chúng ta hành vi “đốt sách” có khi bị trùng lặp với “bán sách” qua thành ngữ song trùng “Cha làm thầy, con bán sách” hay “Cha làm thầy, con đốt sách”.
Như đã nói, cả hai hành vi đều được nêu ra như là hai hành động xấu. Trong trường hợp xấu nhất thì, nếu hành động đầu chỉ là một thứ tội lỗi thì hành động thứ hai mới thực sự là tội ác. Nhưng câu chuyện diễn ra tại Viện Hán Nôm ở Hà Nội đã làm thay đổi toàn bộ cái trật tự này bởi hành động “bán sách”, nếu có thật như thế, đã sa đoạ đến mức thậm tệ, vượt xa tội ác của bọn “đốt sách” .
Theo lời báo động của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện có tới trên 20 thư tịch cổ – trong đó có nhiều thư tịch liên quan đến cương vực địa lý trên bộ và trên biển, liên quan đến chủ quyền tổ quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa – đã không cánh mà bay. Sự việc cùng những âm mưu ăn cắp trước đó [3] làm chúng ta nghĩ ngay đến âm mưu của những tân Minh Thành Tổ, những kẻ không hề đưa quân để tiến hành trò xâm lăng văn hóa mà chỉ dùng tiền!
Nhưng chúng cũng sẽ thất bại. Chúng có thể dùng tiền hủy diệt, ăn cắp hay mua như mua hàng nhưng rồi sẽ thất bại như bất cứ tên đốt sách nào, từ Tần Thủy Hoàng đến Minh Thành Tổ, đến Hitler, McCarthy, và cái bọn đốt sách sau tháng Tư năm 1975.
Vấn đề còn lại là của chúng ta bởi, trong tình thế này, tội “bán sách” thậm chí còn nặng hơn cả tội đốt sách.
Vì đó là tội bán nước.
Cha ông ta dạy “Cha làm thầy, con bán sách” là để chê trách thế hệ sau không tiếp tục truyền thống tốt đẹp của người đi trước. Còn bọn “bán sách” này, những kẻ chịu trách nhiệm tại Viện Hán Nôm, cũng thực sự là bậc thầy. Với những hạng thầy đang tận dụng hết sở học của mình để uốn lưỡi biện minh ở Viện Hán Nôm thì chúng ta có thể nói gì ngoài việc lặp lại lời của Joseph Nye Welch: “Have you no sense of decency?”.
Để làm thầy thì, ngoài vấn đề kiến văn, thì phải tử tế. Cái khốn nạn của đất nước chúng ta là những kẻ không hề tử tế lại có thể trịnh trọng trong bộ dạng và trong phát ngôn của những bậc thầy lẽ ra phải tử tế!
Chú thích
[1] Sử ký của Tư Mã Thiên, chương “Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, bản dịch của Nhữ Thành, đã ghi với lời chú:.
“… Quả nhân, một người nhỏ bé hưng binh trừ khử bọn bạo nghịch làm loạn. Nhờ uy linh của tôn miếu, sáu nước đều chịu tội, thiên hạ bình định. Nay nếu không thay đổi danh hiệu thì không sao xứng với cái công lao đã làm được và truyền cho đời sau. Các ngươi hãy bàn nên đặt hiệu đế như thế nào.
Thừa tướng là Vương Quán, ngự sử đại phu Phùng Kiếp, đình úy Lý Tư đều tâu:
– Ngũ Đế ngày xưa đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của man di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh, giết bọn tàn ác và nghịch tặc, bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận và huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ đến nay chưa hề có, Ngũ đế đều không bằng. Bọn thần sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bậc sĩ thấy rằng: Ngày xưa có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, nhưng Thái Hoàng là cao quý nhất. Bọn thần liều chết xin dâng tôn hiệu của nhà vua là Thái Hoàng, mệnh ban ra gọi là “chế”, lệnh ban ra gọi là “chiếu”, thiên tử tự xưng gọi là “trẫm”(1).
Nhà vua nói:
– Ta bỏ chữ “thái”, lấy chữ “ hoàng”, thêm chữ “đế” của những vị đế thời thượng cổ, hiệu gọi là Hoàng Đế, còn những điều khác thì như lời các khanh tâu.
……………………..
1. Các đời trước không dùng danh từ “chế” và “chiếu”. “Chế” quan trọng hơn “chiếu”, chỉ nhà vua mới được dùng chữ ấy, còn Thái Hậu thì có khi dùng chữ “chiếu” khi thay thế nhà vua trị dân, nếu gọi là “chế” tức là có ý muốn làm vua. “Trẫm” trước là một đại từ chỉ ngôi thứ nhất dành cho mọi người. Sách đạo giáo dùng chữ trẫm để chỉ một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng không ai trông thấy. Bọn Lý Tư đề nghị dùng chữ này là vì thế.”
[2] “Sự sa đoạ của Trương Nghệ Mưu”, Nguyễn Hoàng Văn
https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=7536