Dương Thắng
- Sự lên ngôi của đám đông – dù chúng ta đánh giá nó là hiện tượng tốt hay xấu – vẫn là sự kiện quan trọng nhất trong đời sống công cộng hiện nay. Chúng ta đã biết tới cái diện mạo của nó, thấm thía các hậu quả của nó và chúng ta không xa lạ gì với cái tên của nó: “Sự trỗi dậy của đám đông”.
- Để hiểu rõ hơn về hiện tượng này, trước hết chúng ta cần tránh việc gán cho các thuật ngữ “trỗi dậy”, “đám đông”, “quyền lực xã hội” các ngữ nghĩa mang sắc thái thuần túy chính trị hay đi truy tìm nguồn gốc của chúng từ lĩnh vực chính trị. Đời sống của công chúng không chỉ thuần túy là chính trị, nó bao gồm, thậm chí là gắn bó hơn với các yếu tố: trí tuệ, đạo đức, kinh tế và tôn giáo. Đời sống công chúng còn chứa đựng trong nó nhưng phong tục và truyền thống cộng đồng, thậm chí là các thói quen ăn mặc và cách tận hưởng cuộc sống.
- Phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất đối với hiện tượng này có lẽ là việc dựa vào các trải nghiệm thị giác đang đập vào mắt chúng ta, rút tỉa ra từ đó những yếu tố đặc trưng nhất và ấn tượng nhất. Cái đặc trưng lớn nhất này của thời đại, cái đặc trưng mà sẽ rất khó khăn chúng ta mới có thể thu được thông qua những phân tích xã hội phức tạp và rắc rối thì lại có thể dễ dàng có được bằng những quan sát thị giác thường nhật. Chúng ta có thể gọi đó là hiện tượng “kết tụ” hay “đầy ắp”. Các thành phố đầy ắp dân cư, các ngôi nhà đầy ắp người ở, các khách sạn đầy ắp người thuê, các chuyến máy bay đầy ắp khách du lịch, các quán cà phê đầy ắp khách hàng, các bệnh viện đầy ắp bệnh nhân, nhà hát và rạp chiếu phim đầy ắp khán giả. Bãi biển Sầm Sơn vào mùa hè luôn đầy ắp những người đến bơi, tìm cho được một chỗ để tắm luôn là một vấn đề khó khăn, điều không bao giờ xảy ra trước đây.
- Ngạc nhiên và ngỡ ngàng, đó là bước khởi đầu của hiểu biết. Sở hữu một thái độ luôn ngạc nhiên trước mọi sự vật, đó là môn thể thao trí tuệ được ưa chuộng, là thứ tài sản trí tuệ cao cấp của người trí thức. Đó là một thái độ quen thuộc, một sự “méo mó nghề nghiệp” của những người trí thức nếu như bạn muốn gọi là vậy, bởi nếu là trí thức bạn luôn cần nhìn thế giới này với một đôi mắt mở to đầy ngạc nhiên. Kết tụ – tràn đầy, hiện tượng này trước đây không xảy ra thường xuyên. Tại sao lại xảy ra vào ngày hôm nay?
- Đám đông là một khái niệm định lượng và trực quan. Bằng cách chuyển dịch mà không thay đổi bản chất khái niệm đám đông biến thành một thuật ngữ xã hội học, chúng ta tìm thấy ở đây ý tưởng về đám đông xã hội. Xã hội luôn là một sự hợp nhất năng động của hai nhân tố: nhóm thiểu số và đám đông. Nhóm thiểu số là các cá nhân hay nhóm các cá nhân mang những phẩm chất đặc biệt. Đám đông, đó là một tập hợp của những cá nhân không có phẩm chất gì đặc biệt. Vì vậy ở đây phải hết sức tránh hiểu nhầm và đánh đồng khái niệm “đám đông quần chúng” ở đây với “đám đông người lao động”. “Con người – đám đông”, đó là con người mang những phẩm chất “trung bình”. Đám đông, thoạt đầu là một khái niệm thuần túy định lượng, đã chuyển qua để nhận một giá trị định tính. Phẩm chất “trung bình” đó là những phẩm chất chung, có ở bất kỳ ai. “Con người – đám đông” là những cá nhân hoàn toàn không có sự khác biệt nào so với những người khác và chỉ là một sự lặp lại, một bản sao chép lại của một mẫu người chung chung nào đó. Những phẩm chất mà anh ta có đều thuộc về tất cả mọi người và không phải là của riêng ai. Vậy chúng ta đã thu được gì từ cái quá trình lượng đổi thành chất này? Nó khá là đơn giản.
- Định tính cho phép chúng ta hiểu được sinh triển của định lượng. Một sự thật hiển nhiên sự hình thành thông thường của đám đông sẽ luôn dựa trên một sự trùng hợp về những mong muốn, về ý tưởng, về cách tồn tại của những cá nhân đã hợp thành đám đông đó. Sẽ xuất hiện những ý kiến phản bác lại điều này, những ý kiến cho rằng điều này cũng sẽ xảy ra cho mọi nhóm xã hội, bất kể cách họ đã lựa chọn như thế nào để hình thành nên nhóm xã hội đó.
Những phản bác dạng này, đúng hay sai? Trong các nhóm xã hội thiểu số (không thuộc về đám đông), việc trùng hợp hoàn toàn về cảm xúc, một số ý tưởng hay lý tưởng sẽ không bao giờ xảy ra đối với đại đa số các thành viên của nhóm. Để tạo ra một nhóm thiểu số, bất kể đó là thiểu số loại gì, đầu tiên đó là việc các thành viên phải tách khỏi đám đông bởi những lý do đặc biệt, ít hay nhiều mang tính cá nhân. Sự trùng hợp khiến những cá nhân đó hợp nhất với những thành viên khác của nhóm thiểu số chỉ đóng vai trò thứ yếu, xuất hiện sau khi mỗi một trong số họ đã tách biệt ra khỏi đám đông. Đây là sự trùng hợp của những người đều không muốn hòa tan và mất đi bản sắc trong một đám đông. Tại sao nước Anh nổi tiếng là “bảo thủ”. Bởi những người trí thức của nước Anh thường tự nhận mình là “không xu thời” tức là không chạy theo đuôi những trào lưu của đám đông. Cái yếu tố liên kết một số ít các phần tử, như là một phương cách để tách biệt với số đông, luôn luôn ẩn chứa trong mọi quá trình hình thành các nhóm thiểu số. Khi nói về việc một nhóm nhỏ chăm chú nghe một nhạc công tinh tế biểu diễn, Mallarmé đã hóm hỉnh lưu ý rằng họ tạo thành một nhóm thiểu số bởi một lý do duy nhất: sự vắng mặt của đám đông.
- Nói một cách chính xác, đám đông được định nghĩa như là một sự kiện tâm lý mà không cần phải đợi đến lúc các cá nhân kết tụ lại thành một nhóm. Khi quan sát một cá nhân, chúng ta có thể khẳng định rằng anh ta có thuộc hay không thuộc về đám đông, anh ta có phải là một con người – đám đông hay không. Một cá nhân sẽ là một phần của đám đông, không chỉ vì những phẩm chất – có thể tốt hoặc có thể xấu – mà anh ta trang bị cho mình, không dựa trên những tiêu chí về những phẩm chất đặc biệt, mà còn là vì, khi suy nghĩ giống như tất cả các thành viên khác của đám đông, anh ta không hề cảm thấy lo lắng mà ngược lại, chỉ cảm thấy dễ chịu hay an toàn khi mình giống với những người khác trong đám đông. Hãy nghĩ đến một tình huống của một người đàn ông khiêm tốn trong xã hội, cố gắng tự đánh giá (giá trị) của bản thân, cố gắng tìm xem mình có một tài năng đáng chú ý trong lĩnh vực này hay lĩnh vực kia không, cuối cùng anh ta nhận thấy mình không hề có một phẩm chất gì đặc biệt. Người đàn ông ấy có thể sẽ cảm thấy mình tầm thường, thô lậu, bất tài nhưng sẽ không bao giờ cảm thấy mình là con người của đám đông.
- Khi chúng ta nói về “thiểu số tinh hoa”, thông thường những kẻ ác ý sẽ giễu cợt và tìm cách xuyên tạc ý nghĩa của cách diễn đạt này, phớt lờ sự thật rằng những con người tinh hoa chính là những cá nhân ưu tú, những người không bao giờ mắc bệnh kiêu căng tự mãn và cho rằng mình cao cấp hơn người khác mà trái lại, đó là những người luôn đòi hỏi chính mình những nỗ lực cao hơn so với người khác, ngay cả khi anh ta không thể hiện thực hóa trong mình những khát vọng vươn lên cao ấy. Không thể phủ nhận rằng sự phân chia mang tính triệt để nhất của nhân loại là sự phân chia thành hai dạng người: những người luôn đòi hỏi cao ở bản thân và tự nguyện gánh vác trách nhiệm khi gặp khó khăn và những người, không bao giờ biết đặt ra bất kỳ đòi hỏi gì cho bản thâm mình, đối với họ, ở bất kỳ thời khắc nào, cuộc sống vẫn luôn là những thứ đang bày ra trước mắt họ, họ không bao giờ thực hiện một nỗ lực để vươn tới sự hoàn hảo và luôn thụ động để cuộc đời cuốn trôi đi những khúc gỗ trên một dòng sông.
- Việc phân chia xã hội thành đám đông đại chúng và thiểu số tinh hoa vì thế không phải là sự phân chia thành các giai tầng hay giai cấp trong xã hội (theo như cách Marx và một số triết gia khác quan niệm). Mà đây là sự phân chia thành các “lớp người”, cách phân chia này cũng không hề trùng khớp với bức tranh thứ bậc về “tầng lớp trên và tầng lớp dưới”. Bởi vì ở mỗi tầng lớp xã hội, bất kể là tầng lớp trên hay dưới, giàu hay nghèo, chúng ta luôn tìm được nhóm những con người đại chúng và nhóm thiểu số tinh hoa đích thực. Ngay trong môi trường trí thức hiện nay, nơi mà, với bản chất của nó luôn đòi hỏi phải có những đánh giá so sánh về chất lượng, chúng ta cũng chứng kiến sự chiến thắng liên tục của những thành phần giả-trí thức, kém chất lượng, không thỏa mãn bất kỳ tiêu chuẩn nào đặt ra, những kẻ mà chính cơ cấu trí tuệ của họ đã cho thấy rõ điều đó. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trong nhóm những gia đình mang dòng dõi “quý tộc” còn sót lại, cả đối với nam giới và nữ giới. Ngược lại ngày nay không hiếm những trường hợp những người lao động bình thường (hay thợ thuyền theo cách nói của các cụ ngày xưa), những người ngày xưa được xem là mẫu điển hình của con người đại chúng, lại có những đầu óc rất thông tuệ (rất nhiều người ở Hà Nội biết đến cái tên Nguyễn Vĩnh Thưởng, một người công nhân tiện bình thường, sống ở phố cổ, nhưng ông là là bạn tâm giao của rất nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng: nhà thơ Phan Đan, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, họa sĩ Hồng Hưng, đàn anh của nhà sử học Dương Trung Quốc, thầy dạy nhạc của cựu tổng biên tập vietnamnet.vn Nguyễn Anh Tuấn… Quán ” trà nô” ông tổ chức ra ở vỉa hè phố Hàng Giày là nơi tụ họp của đông đảo các “tinh anh” đất Hà Thành trong vòng vài chục năm tận cho tới lúc ông mất).
- Tôi tin rằng không ai cảm thấy phiền lòng khi các cá nhân ngày nay có thể tận hưởng cuộc sống nhiều hơn trước đây, cả về chất lượng và số lượng một khi họ đã có được lòng ham muốn và các phương tiện để thực hiện điều đó. Trước đây dân chủ, luật pháp và cộng đồng có thể xem là những từ đồng nghĩa với nhau. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến khúc khải hoàn ca của một chế độ “siêu dân chủ”. Trong chế độ này, đám đông đã trực tiếp hành động mà không cần tới luật pháp, họ áp đặt các khát vọng và thị hiếu của họ thông qua những biện pháp gây sức ép vật chất lên toàn bộ guồng máy xã hội. Các nhà sản xuất chỉ chăm chăm sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu số đông. Các nhà xuất bản chỉ nhận xuất bản các bản thảo nào được nhiều người mua nhất chứ không phải có hàm lượng trí tuệ cao nhất. Các chính trị gia sẽ nói những câu mà đám đông thích nhất để có số phiếu cao nhất… Ngày nay, đám đông đại chúng nghĩ rằng họ có quyền áp đặt chính kiến và biểu dương sức mạnh tại các địa điểm công cộng và tại những nơi hội họp đông người, trên các trang mạng xã hội mà không thèm đếm xỉa đến những hàm lượng trí tuệ trong những ý kiến đó thấp đến mức nào. Đó là lý do vì sao chúng ta nói rằng đám đông đã tạo ra một nền “siêu dân chủ”.
- Đặc trưng nổi bật nhất trong một nền “siêu dân chủ” khi đám đông trỗi dậy để lên ngôi là việc những tâm hồn tầm thường, tự biết mình tầm thường, mạnh dạn khẳng định quyền của những kẻ tầm thường và áp đặt chúng ở khắp mọi nơi. Đám đông đại chúng đã quét sạch mọi thứ không giống họ, quét sạch mọi thứ xuất sắc, mang dấu ấn cá nhân, có chất lượng và được lựa chọn. Bất cứ ai không giống mọi người, không suy nghĩ như mọi người sẽ có nguy cơ bị đào thải. Và hiển nhiên “mọi người” sẽ không còn là mọi người nữa. Trước kia, khái niệm “mọi người” thông thường dùng để chỉ một sự hợp nhất của hai thành phần, một bên là đám đông đại chúng, một bên là thiểu số chuyên biệt những người không cùng chính kiến, còn ngày nay “đám đông” chỉ thuần túy là đám đông đại chúng.
- Đây là đặc trưng nổi bật của thời đại chúng ta đang sống, cái đặc trưng mà chúng ta cần mô tả tường tận mà không tìm cách che giấu đi những khía cạnh tàn bạo trong cái vẻ bề ngoài của nó.