Đỗ Trung Quân
Quán cà phê nhỏ chỉ kê được vài cái bàn gỗ, dăm cái ghế nhỏ mặt tiền đường, không xa chợ Trương Minh Giảng (sau sẽ đổi thành chợ Nguyễn Văn Trỗi); Đại học Vạn Hạnh cũng cách đấy không xa.
Quán chỉ có hai người. Pha chế là dịch giả, họa sĩ Hoàng Ngọc Biên. Người thứ hai là tôi khi ấy đang làm việc ở một nhà in nhỏ, nơi in những tác phẩm của nhà xuất bản Văn Học, phụ trách bưng bê, gọi sang lên một chút là “tiếp viên nam” của quán. Nếu làm ca tối ở nhà in thì làm “tiếp viên” ở quán cà phê buổi sáng.
Bức tường được chọn phóng một bức tranh của họa sĩ Pháp Fernand Léger. Tranh Léger với đường nét khỏe mạnh, biểu tượng mạnh mẽ phù hợp với tinh thần “lao động xã hội chủ nghĩa” dễ tránh những “rắc rối” của chế độ mới chỉ vừa trên dưới 10 năm (1985).
12g đêm trước buổi sáng hôm sau sẽ khai trương quán, bức tranh Léger được họa sĩ Cao Thanh Tuân (em trai nhạc sĩ Cao Thanh Tùng người dẫn dắt chương trình “Đố vui để học” trên Truyền hình Việt Nam trước 1975) phóng lên tường. Tôi phụ trách… giữ thang, dịch giả Hoàng Ngọc Biên đèn chiếu và pha sơn…
Khi bức tranh kết thúc thì trời sáng. Quán cà phê mở cửa với ba vị khách đầu tiên. Ba chúng tôi vừa trắng mắt suốt đêm với bức tranh còn mùi sơn ướt.
Nhưng vị khách tiếp theo lại không phải vị khách cà phê. Một anh Công an phường mũ cối, áo vàng đi qua dừng lại, bước vào chỉ tay lên tường “Vẽ gì thế này?”. “Vẽ tranh!”, ông Biên trả lời. “Nhưng tranh vẽ ai, đã ra Phường xin phép chưa?”. Ông Biên nói: “Chưa!”. “Chưa thì xóa ngay nếu không thì ra phường”. Lại ra phường.
Khó nhỉ. Chúng tôi nhìn nhau cười. “Thôi được chụp vài bức hình rồi xóa”, anh Hoàng Ngọc Biên nói.
Vậy là danh họa Fernand Léger được mời ra khỏi bức tường lẫn ra khỏi Việt Nam với thời gian kỷ lục từ 12g đêm hôm trước đến 7g sáng hôm sau. Xấp xỉ 10 tiếng.
Đấy là một buổi sáng tháng 5 – 1985 đường Trương Minh Giảng quận 3.
…
PS: Nơi quán cà phê nhỏ nhắn này không lâu sau tôi được đặt ly cà phê xuống bàn một vị khách dáng người dong dỏng “Mời ông!”. Không ai khác đấy là thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Ông vừa trở lại Sài Gòn sau 7 năm cải tạo.
Bức tranh Fernand Léger vừa được họa sĩ Cao Thanh Tuân phóng xong.
Người đàn bà cầm chiếc lọ – tranh Fernand Léger
Fernand Léger