Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 8)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Chợ Gạo. Sáng chủ nhật.

Một cái chợ vùng chiêm trũng. Phía Đông liền với con đường cái liên xã. Phía Bắc là một dãy tre thấp nhỏ, gai góc, rậm rạp. Nhiều ngọn già, lá cháy nắng đỏ rực như lửa. Còn lại là cánh đồng mông mênh nước trắng.

Khang tách ra khỏi tốp bạn bè và dừng lại ở ngay cổng chợ. Cái chợ quê nhỏ bé hôm nay ngoài dân trong vùng còn có hàng mấy trăm sinh viên cùng khóa với anh vừa sơ tán về. Người đi chơi, kẻ đi tìm quà thôn dã hay những thứ cần cho cuộc sống thời chiến, mà khi còn ở thành phố chưa kịp nghĩ ra. Dân chúng gồng gánh bưng bê, lao xao, ồn ào, kín những lối đi nhão nhoét bùn đất, đầy rác rưởi, quanh những cái quán tre rạ tuềnh toàng, trống trải, xiêu vẹo. Mọi người phải chen, phải lách, vất vả mới tới được những nơi họ muốn.

Giữa những người dân áo nâu nón lá, vá víu chằng đụp, là bạn bè của Khang, Âu phục sạch sẽ. Tất cả được may bằng vải xẫm mầu. Lệnh phòng không, cấm mặc quần áo màu trắng.

Nổi bật giữa chợ là một thiếu nữ lạ mặt, dáng điệu thanh lịch, mềm mại. Nàng mặc chiếc quần Âu đen và áo sơ mi vải tốt có màu xanh biếc.

Khang chợt nhớ là mình đã rất thích cái sắc xanh thắm của bầu trời thu quê nhà, giống màu áo nàng, khi hoàng hôn buông xuống, từ những năm tháng chưa vào đại học. Da nàng trắng. Khuôn mặt đẹp. Nụ cười nở tươi như hoa. Hai lọn tóc đen cắt ngắn, buông lửng dưới bờ vai mềm.

Anh bị hút hồn vào vẻ đẹp thần tiên của người con gái. Mọi đường nét trên thân thể nàng đều thật kỳ diệu. Khang xúc động mạnh. Hình như tâm hồn và những gì khác trong thể xác anh bỗng nhiên hoàn toàn đổi mới.

Nàng bừng sáng giữa mọi thứ đều giản đơn, xuềnh xoàng, xám ngoét trong cái chợ quê tiều tuỵ và xác xơ này.

Đó là một trong những ngày đầu chiến tranh. Báo chí, đài phát thanh viết và nói nhiều về “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, những cuộc ném bom đầu tiên của không quân Mỹ ở cửa sông Gianh, Bến Thuỷ – Vinh, Lạch Trường – Thanh Hoá và thị xã Hòn Gai. Vùng quê mà sáu lớp sinh viên Y6 của Khang sơ tán về vẫn còn đang sống trong yên bình.

Nhà trường đã quyết định rút ngắn thời gian của khoá học này. Họ sẽ thi tốt nghiệp sớm hẳn nửa năm.

Trạc tuổi Khang ở quê nhà nhiều người sớm vợ con và đã trở thành xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Một số đi bộ đội hay công nhân đào than ở Quảng Ninh, công nhân nông trường Mộc Châu, Sông Bôi, Sao Đỏ… Chỉ có hai người vào đại học, ba người học trung cấp chuyên nghiệp. Dấu vết xâm lăng thực dân cũ chưa phai mờ. Cuộc xâm lược mới của đế quốc Mỹ đã lại bùng nổ. Cuộc chiến tranh này sẽ ngày thêm ác liệt. Ở Sài Gòn, người công nhân, chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trỗi vừa hy sinh. Đoàn thanh niên tổ chức học tập và phát động phong trào “Noi gương người anh hùng”. Nơi nào có đám đông, chỗ nào có hội họp, là thấy vang lên bài ca “Nguyễn Văn Trỗi, người công nhân thành phố Sài Gòn… “ Khắp nơi náo nức; hàng triệu chàng trai miền Bắc hừng hực khí thế tình nguyện lên đường đánh Mỹ. Trần Tử Khang cũng đã nộp đơn “Ba sẵn sàng”. Sẵn sàng nhập ngũ; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh; sẵn sàng đi bất cứ đâu, khi tổ quốc cần. Sắp tới, sẽ là những cuộc chia ly… Rồi đây, những ai đi, ở, mất, còn… Không thể tính toán, không thể chọn lựa. Và càng không biết trước được điều gì.

Tốp năm, tốp ba… ở đâu cũng thấy sinh viên nói về chiến tranh và hoà bình. Ai cũng kiềm chế, giữ kín cảm xúc, tâm tư và những nhận biết cá nhân về thời cuộc. Người người bộc lộ tinh thần tuổi trẻ sôi nổi, hăng hái, tự khích lệ mình và động viên bạn hưởng ứng phong trào “ba sẵn sàng” của trung ương đoàn phát động. Lên đường! Lên đường cứu nước! Quyết tâm chiến đấu, phụng sự cách mạng đến hơi thở và giọt máu cuối cùng. Đây đó, không ít người nói với nhau, chết xanh cỏ sống đỏ ngực. Không biết câu nói ấy truyền lan từ đâu?

Trong các cuộc mít tinh, hay đại hội… có người còn nhảy lên mặt bàn, giơ cao nắm tay, thét vang khẩu hiệu bất hủ của lớp ông bà, cha chú, thời đầu kháng chiến chống Pháp: “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh!”

Đã hơn năm năm sống ở Hà Nội, Khang vẫn chăm chỉ đèn sách, như thời anh học phổ thông ở quê nhà. Thủ đô, với nhiều di tích văn hoá, chứng tích lịch sử, cảnh quan ngoạn mục; nhiều đường phố hoa lệ, và biết bao con người đẹp hình thể, hay phong cách… anh cũng chỉ kính nhi viễn chi, ngưỡng mộ âm thầm.. Khang không chủ động làm quen với bất kỳ một cô gái nào, nhất là người thành thị. Anh thấy họ đẹp, hấp dẫn, nhưng xa lạ và cách biệt với mình.

Nghe lệnh sơ tán phòng không, Khang biết chiến tranh sẽ ngày một khốc liệt. Khang cảm nhận sâu sắc sự tàn bạo của bom đạn, qua cái chết của người cha, những năm tháng ngặt nghèo cuối đời của ông bà nội, tuổi trẻ goá bụa của mẹ và thân phận đơn độc côi cút của chính mình. Trong quá trình trưởng thành, cuộc sống mồ côi cay cực, ngày một thấm sâu thân phận.

Làng Đông không chỉ mất ông Trần Tử Kháng, cha Khang, mà còn nhiều người hoạt động Việt Minh; cả những nông dân vốn chỉ biết cày sâu cuốc bẫm…

Trên vùng quê sơ tán xa lạ, Khang chợt nhớ, tuổi niên thiếu mình đã bị số đông trẻ cùng tuổi trong làng xử bắn, trước khi chúng lao vào trò chơi trận giả. Khang không được sinh hoạt đội thiếu niên tiền phong, bởi là cháu nội địa chủ. Lớn lên, cắm cúi học hành, không có thời gian rỗi rãi và kinh tế gia đình eo hẹp, tự anh không muốn giao du… Anh như một con chim lạc đàn, một kẻ bị đẩy ra phía sau cuộc sống của một xóm làng vốn lạc hậu, đói nghèo, heo hút. Hoàn cảnh đã tạo ra một Trần Tử Khang mặc cảm, lẻ loi, đơn độc. Cho đến khi đã sống trong ký túc xá đại học y khoa, anh vẫn chưa có ý thức và một lối sống hòa đồng.

Tin tức về những trận không kích của giặc ở miền Bắc và tình hình chiến sự miền Nam khiến anh bàng hoàng. Đất nước quê hương sẽ lại chìm trong khói lửa. Và Khang đau xót, một cái tang nữa có thể sẽ chụp lên đầu mẹ mình khi anh ra trận! Khang bất chợt nhận rõ một khoảng trống, một hố sâu, một khuyết hổng to lớn trong tâm hồn mình. Tại sao anh chỉ biết mấy người bạn và những cuốn sách? Tại sao anh không biết tạo dựng những mối quan hệ thân thiết, tốt đẹp, với đông đảo bạn bè? Tại sao Khang lại xa lánh các cô gái, nhất là các nữ sinh viên thành phố? Những người ngay từ khi sinh ra đã may mắn tiếp xúc với những gì con người gọi là cuộc sống văn minh. Họ được nuôi dưỡng và cũng được học hành tốt hơn anh, một kẻ sinh trưởng ở nơi thôn dã.

Người con gái Khang chợt thấy giữa chợ là một nữ sinh viên cùng khóa, khác lớp. Nàng kém Khang hai tuổi. Khi còn học ở Hà Nội, Đặng Vũ Hoàng Anh sống cùng gia đình. Nàng chỉ đến trường những giờ học lý thuyết, đến bệnh viện khi thực tập. Khang ăn ngủ ở ký túc xá. Hai người, như ở hai ngả đối lập của cuộc sống. Và, vốn không biết quan tâm đến bạn gái, đúng hơn, anh không chú ý, không dám làm quen, huống hồ kết thân với họ? Hoàng Anh hoàn toàn xa lạ.

Khang đã rung động mạnh bởi vẻ đẹp hào hoa, rực rỡ và tươi sáng của nàng. Lần đầu tiên trong đời anh thấy mình vô cùng cô độc, lẻ loi. Và Khang có những cảm xúc kỳ lạ, chưa từng thấy thế bao giờ. Khang không kịp và cũng không thể chế ngự lòng mình; anh không còn băn khoăn, không cần tìm biết nàng sinh ra và lớn lên ở gia đình và xứ sở nào?

Hai lớp của Khang và Hoàng Anh được dồn lại làm một. Họ học cùng một hội trường, thực tập cùng một bệnh viện. Từ đó, ngày nào Khang cũng gặp nàng.

* * *

Hoàng Anh với bộ đồ cộc tay. Mầu đen trang phục làm nổi bật thêm làn da trắng của nàng. Mái tóc ngắn chải ngôi giữa, buộc chỏng ra hai bên đỉnh đầu. Kiểu tóc như một trò nghịch ngợm. Hai đứa nhỏ chừng hơn hai tuổi, đang ở trên mỗi cánh tay Hoàng Anh. Chị chủ nhà đẻ sinh đôi, hai thằng bé giống nhau như hai giọt nước. Nàng biết cách và thích chơi với chúng. Cả ba cùng đang cười giòn tan. Tiếng cười trong trẻo và thơ ngây như tiếng chim mỗi buổi sớm mai, như những giọt sương sớm…

Người con gái trẻ xinh đẹp ẵm hai đứa bé khoẻ mạnh, bụ bẫm; “Mẹ con” nàng thơ thẩn, chầm chậm bước giữa ngõ chiều, trong âm vang tiếng chuông nhà thờ bính boong, bính boong… làm Khang nhớ đến những bức tranh thời Phục hưng. Hình ảnh ấy, không gian ấy náo động tâm hồn Khang về tình yêu và hạnh phúc. Anh quên hết mọi điều và cũng không nhận ra mình đang cháy lên một niềm khao khát… Anh bước đến trước mặt nàng, như chân không bén đất. Muốn đùa vui, nhưng giọng Khang lạc đi, hết sức xúc động:

– Mẹ con đi đón ba, phải không?

Nàng cười. Khuôn mặt Hoàng Anh rạng ngời, chứa chan ánh sáng.

– Ba bế con đi nào! Nhưng phải khéo nhé. Không được làm ngã các con mình đâu đấy!

Hai trái tim yêu đã thổ lộ giản đơn như thế sau những ngày và đêm họ luôn nghĩ về nhau.

* * *

Sau bữa cơm tối tập thể, từng tốp nhỏ sinh viên đi dạo trên con đường lớn đá dăm. Họ tụ lại khá đông, trên cái sân kho của hợp tác xã nông nghiệp thôn Cảo Đài. Cả lớp xôn xao về chuyện Y6 phải tăng giờ lên lớp. Học quá nhiều rồi. Thêm môn y học quân sự, một số bài giảng về vết thương hoả khí, phòng chống vũ khí hoá học, bom nguyên tử và phẫu thuật chiến tranh. Cuộc chiến giữa quân đội Mỹ và quân đội Sài Gòn với quân Giải phóng ở Nam Việt Nam đã qua giai đoạn “chiến tranh đặc biệt”. Bạn bè sắp chia tay nhau sau những sáu năm chung thầy, chung lớp. Mọi người có nhiều chuyện, nhiều tâm sự không thể không chia sẻ. Biết mai ngày, khi đất nước hoà bình, thống nhất còn gặp mặt nhau? Vùng quê nào, đường phố nào, cũng đã có nhiều thanh niên nhập ngũ và ra chiến trường. Chưa thấy ai có giấy báo tử; cũng hầu như không có thư từ của họ từ chiến trường gửi về. Những sinh viên nữ, tốp ríu rít, nhóm thầm thì, về các anh chàng, về chuyện yêu đương và việc cưới hỏi… về nơi ở mới, về chủ nhà và những đứa trẻ. Rồi chuyện nước nôi, giường chiếu, quần áo, chăn màn, đầu tóc… Những tốp sinh viên nam, góc sân này họ thông báo với nhau: “Cái nước Pháp thực dân, một trong những thằng tư bản già nua đang giẫy chết, đến tận năm ngoái mới chịu công nhận người anh em Trung Quốc phe ta”. Tốp khác, ở góc sân kia: “Các bác sĩ trên khắp nước Bỉ đồng loạt đình công đòi chính phủ của họ phải đối xử bình đẳng với bệnh nhân giàu cũng như nghèo”. “Một bác sĩ cả đời hy sinh cao cả: Bác sĩ Albert Schweitzer bỏ tiền túi thành lập bệnh viện ở làng Lambaréne Congo, chữa từ thiện cho những người bệnh phong…” Một nhóm khác bàn về tình hình Liên Xô: “Ông anh cả” phe mình vừa có chuyện chấn động thế giới, Khrushov bị miễn nhiệm mọi địa vị và quyền lực. Leonid Brejhnev lên thay!” Chỗ khác, mấy cậu chụm đầu vào nhau, thì thầm: “Chuyện này mới ghê chứ, đại tá Thụy Điển Wennerstrom bị Stockholm đưa ra tòa, vì ông ta chính là một đại tướng của Liên Xô”. “Kinh khủng hơn, thằng Beria, bộ trưởng Bộ Nội vụ thời Stalin bị tử hình, vì tội phá trinh một trăm cô gái tuổi mười sáu”… Khang nghe, chuyện Caventy Beria bị tử hình cũ rồi, ngay sau cái chết của Stalin. Nhưng mãi về sau này anh mới biết những người lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Liên Xô bắt và xử tử hắn vì tội đã thủ tiêu hàng vạn cán bộ cao cấp của đảng và chính quyền Xô Viết.

Rồi không rõ ai khởi xướng, đám đông sinh viên cùng ngửa mặt lên trời và tranh cãi nhau về trăng. Vầng trăng mười tư chênh chếch ở đằng đông. Mặt trăng vàng đục. Có một vòng sáng tròn mảnh bên ngoài. Người bảo trăng quầng. Kẻ khác, rõ ràng trăng tán đấy chứ! Lúc đầu, chỉ ít người tham gia. Sau đông dần thành hai phe đối lập, tranh cãi nhau đúng sai kịch liệt, ầm ỹ. Hoàng Anh và Khang đứng gần nhau từ bao giờ trong đám bạn bè lộn xộn ấy. Cả hai đều không tham gia. Họ không chú ý đến tất cả những vấn đề thiết thực, nói gì đến chuyện trời mây trăng gió? Trăng già. Trăng non. Trăng quầng. Trăng tán. Trăng tròn. Trăng khuyết… Và dù trăng có bỗng nhiên phình to ra choán hết bầu trời, hay nó tan biến đi chăng nữa, đôi trai gái cũng không để tâm.

Một người từ trong xóm bước nhanh qua đường đến bên đám sinh viên. Giọng ông ồm ồm át cuộc tranh cãi:

– Tình hình phòng không đã căng thẳng. Ai cho phép các anh, các chị tập trung như một cái chợ bên đường giao thông lớn thế này? Dân chúng tôi đến chết lây vì các người mất!

Khang cũng thấy lạ. Những người bạn mình đây chỉ ít ngày nữa đều đã là bác sĩ, mà họ tranh luận những chuyện tào lao, vô bổ? Mọi người quên hết những lời dặn dò của ông bí thư đảng ủy trường trước ngày lớp đi sơ tán. Tập trung đông đúc và làm ầm ỹ, không những nguy hiểm về mặt phòng không, mà còn bất lợi cho công tác dân vận. Sinh viên, thầy cô, cán bộ nhà trường và y bác sĩ, y tá của bệnh viện đều ở nhờ bà con trong làng. Làm mất lòng dân là một cấm kỵ. Đã túm tụm vào với nhau thế này, mà có người còn bật lửa hút thuốc! Chỉ một quả rốc két…

Đám sinh viên tản đi rất nhanh. Không gian phút chốc vắng lặng.

Ánh trăng thu như được dịp ùa xuống cái làng nhỏ bên sông, con đường và cánh đồng nước cả mông mênh, lao xao sóng vỗ. Trời đất tràn ngập một thứ ánh sáng bàng bạc.

Khang lặng lẽ nắm lấy tay Hoàng Anh. Hai người bước những bước dài trên con đường rải đá dăm, vắng xe cộ và cũng không bóng người qua lại. Giữa bạn bè, bao giờ Hoàng Anh cũng chuyện trò sôi nổi, vui vẻ, hồn nhiên. Nhưng mỗi khi có mặt Khang và bây giờ, nàng im lặng. Bàn tay nàng đang nắm chặt lấy tay Khang. Chỉ thế, đã là một sự kỳ diệu.

Anh dắt nàng rẽ xuống một con đường nhỏ, ở giữa cánh đồng, bốn phía đều rất xa làng mạc. Bên phải họ là một vùng sen mọc khá rộng; còn lại chung quanh chỉ có nước, gió và sóng… Và trăng. Ánh trăng thu dầm sương trong gió thổi lồng lộng.

Dường như đã rất xa làng mạc, và cũng rất xa cái sân kho hợp tác xã nông nghiệp làng Cảo Đài. Một thế giới xa lạ, một chốn thần tiên chỉ còn có hai người. Khang dừng bước. Người con gái quay lại. Khuôn mặt nàng hướng về phía ánh trăng dọi xuống, rạng ngời. Đôi mắt nàng có những hai vầng trăng vằng vặc. Không thể có gì trên đời này đáng cho ta mê đắm hơn. Khuôn mặt Khang khuất tối ngây dại đi vì hạnh phúc. Hai người đứng ôm lấy thắt lưng nhau mà ghì chặt lại. Và, cùng rất nhanh, Khang chạm môi mình vào môi bạn. Lần đầu tiên Khang hôn và được hôn. Anh bỡ ngỡ và lúng túng. Hoàng Anh hơi nghiêng đầu, khéo léo và háo hức. Hai đôi môi gắn chặt lại, ngọt ngào, nồng nàn.

Ta yêu nàng. Thề suốt đời chỉ yêu mỗi một nàng thôi!

Suốt đời, Trần Tử Khang nhớ mãi lời thề và nụ hôn đầu ấy. Như hai kẻ chết khát vừa qua sa mạc…

Dưới chân đôi trai gái, mặt đường khá rộng, cỏ gà đan dày như một tấm thảm rất mềm. Họ dìu nhau ngồi xuống bờ nước. Gió lao xao khua động những cánh lá sen đã bắt đầu hết độ non tơ. Họ ôm siết lấy nhau và hôn nhau, như thể không khi nào không còn say đắm.

Đôi trai gái nằm trên thảm cỏ. Đôi mắt Khang nhìn sát vào đôi mắt nàng. Thân thể nàng mềm mại và thơm ngát. Hoàng Anh ôm cổ, ôm đầu chàng, yêu thương không còn giới hạn… Trời ơi! Nàng là tất cả đời ta.

Trăng gió nước trời bát ngát / Sao giăng vằng vặc sông Ngân / Ta giữa mênh mông đôi mắt / Rượu nồng dốc cạn trần gian / Hai ta và trăng ruổi miết / Tâm hồn lai láng cõi tiên…

Nàng biến chàng thành một người đàn ông, bằng cách thật sự kỳ diệu. Và, chàng bắt đầu tạo nàng thành một người vợ và người mẹ. Đó là ân sủng Trời ban lớn nhất cho con người. Trần Tử Khang hết sức hạnh phúc.

Dù chỉ ba năm sau hai người đã chia tay, cảm xúc ấy vẫn cứ còn lại, bền vững. Chưa bao giờ và không bao giờ Khang có được cảm thức ngọt ngào kỳ diệu ấy nữa. Mãi đến khi đầu đã bạc quá nửa, vĩnh biệt nhau đã nửa thế kỷ, một tứ thơ nhục cảm thanh khiết của giờ phút thiêng liêng ấy mới được ông viết ra, với cái tên Vô đề. Bài thơ như còn dở dang, như bị bẻ gẫy.

* * *

Tốp dân quân bắt đầu đi vào con đường giữa cánh đồng nước, khi đôi trai gái vừa ân ái xong. Trên vai họ, nhô lên những nòng súng thép. Lưỡi lê giương thẳng, lấp lóa sáng dưới ánh trăng và sương thu lạnh buông dày. Họ tiến đến chỗ hai người tình tự. Cách khoảng chừng ba chục mét, người đi đầu hô nhỏ, tiếng hô sắc lạnh, khô khốc: “Các đồng chí!” Cả tốp nhanh chóng chuyển vũ khí sang tư thế sẵn sàng chiến đấu. Họ áp sát mục tiêu. Đôi trai gái chưa hay biết gì.

– Ai! Giơ tay lên!

Trong niềm hoan lạc sâu lắng tột cùng của tình yêu, trời đất hoàn toàn yên tĩnh và cảnh êm đềm của đồng nước cả, nửa đêm trăng thanh gió mát, tiếng quát nghe như sấm sét.

Khang vùng đứng dậy. Anh không quên quay lại với Hoàng Anh: “Em cứ ngồi yên. Đừng sợ!” Và, anh tiến lên phía trước:

– Tôi đây!

– Các người làm gì trên đồng nước này?

– Chào bác và các anh! – Khang nhận ra người đi đầu tốp cao tuổi hơn đồng đội ông khá nhiều. – Chúng tôi đi… chơi trăng.

– Hai người từ đâu đến? – Vẫn người lớn tuổi hỏi, giọng gay gắt. Một người khác ở phía sau nói nhỏ: “Không phải là người quê mình.”

– Chúng tôi ở Hà Nội, mới sơ tán về làng Cảo Đài, xã…

– Đề nghị cô cậu cho tổ dân quân tuần tra kiểm soát giấy tờ tuỳ thân! – Người tốp trưởng nói, giọng đã dịu hơn.

Không có lệnh của chỉ huy, nhưng cả toán dân quân cùng khoác súng lên vai. Họ bỏ tư thế tiến công, nhưng những ngọn lê thì vẫn giương thẳng. Người tốp trưởng cầm cái Thẻ Sinh viên của Khang giơ ra trước mặt. Họ không có đèn pin. Vừa khi trăng tỏ. Mọi người đều nhìn rõ mặt nhau. Khang thấy Hoàng Anh cũng đã đứng bên mình. Người chỉ huy tốp dân quân nheo nheo đôi mắt, nhìn gắn vào cái thẻ, miệng lẩm nhẩm. Ngừng đọc, ông hỏi:

– Thẻ của cô đâu?

Khang cười:

– Bác và các anh thông cảm. Hai chúng tôi là bạn học cùng lớp. Đàn ông, giấy tờ tuỳ thân thường có trong người. Còn phụ nữ, bác và các anh thấy…

Tốp trưởng dân quân thấy ngay lời nói của đối tượng là đúng sự thật. Ông đưa lại cho Khang cái thẻ, sau giây lát chần chừ, suy nghĩ:

– Anh nói có lý. Quần áo phụ nữ thành phố, đúng là không có túi.

Cả toán cùng cười. Tốp trưởng dân quân tiếp, giọng đã thân thiện:

– Đây không thuộc địa phận làng Cảo Đài, nơi anh chị sơ tán về. Chúng tôi là dân quân xã sở tại. – Bác ta chỉ tay về phía trái. Khang không biết cái xã sở tại ấy tên gì và ở những chỗ nào. Anh và Hoàng Anh đã đi quá xa. – Chúng tôi làm nhiệm vụ đi tuần tra an ninh trong địa bàn xã mình. Chiến tranh Mỹ Ngụy gây ra ở miền Nam đã lan rộng khắp miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Toàn dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Cấp trên chỉ thị cho chúng tôi là phải đề phòng gián điệp, phải chống biệt kích nhảy dù và bọn phản động vẫn nằm án binh bất động từ hồi năm tư, đang chờ thời cơ ngóc đầu dậy. Bây giờ, đêm đã quá khuya… – Người tốp trưởng dừng lại: – Lẽ ra, chúng tôi phải dong anh chị về trụ sở, để sáng ngày mai cho đồng chí trưởng công an xã xem xét, giải quyết. Nhưng… thôi. Anh chị là người Hà Nội, lại đang học bác sĩ. Vả lại, cũng còn đang ở lứa tuổi tìm hiểu… Chúng tôi thông cảm. – Người tốp trưởng tự nhiên thấy nể chàng trai và cô gái trẻ. Sắp sửa họ là bác sĩ cơ mà! Ông không gọi hai người là cô cậu nữa.

– Nhất trí! Thông cảm!- Mấy người phía sau cùng nói.

– Cảm ơn bác và các anh! – Khang nói và quay lại với Hoàng Anh. Cả hai cùng cười trong ánh trăng.

Tốp dân quân đã rời khỏi được một quãng xa. Bốn người trẻ quay đầu trở lại, nói to:

– Bọn này chào đôi chim cu nhé!

– Hai bác sĩ cứ vui vẻ, cứ tự nhiên như người Hà Nội nhớ!

– Đẹp đôi quá!

– Uyên ương không bằng.

– Hôm nào khám bệnh, chữa bệnh giúp bọn tôi với nhớ.

– Anh ta sướng thế. Người yêu xinh quá là xinh!

– Đẹp như một nàng tiên vậy.

– Sao lại có người con gái đẹp đến thế nhỉ?

– Mày lên giời mà hỏi!

Khang và Hoàng Anh nghe rõ. Hai người hôn nhau.

Cả hai nghe vọng trong gió: “Còn mày vừa nói tới chuyện khám bệnh, bệnh gì? Bệnh thích mấy con vợ liệt sĩ? Bệnh mò vợ những thằng vừa mới đi B?”

Năm cái lưỡi lê nhọn hoắt, lấp lánh ánh trăng, xa dần.

Ngay khi tốp dân quân ập đến, Khang chắc đã gặp chuyện rắc rối, lôi thôi. Dù mình yêu nhau chân chính, người ta vẫn có thể xử sự hết sức vô tình, thô bạo. Xã bên, vừa mới xảy ra chuyện dân quân xử ác với một đôi nam nữ sinh viên sư phạm. Hai người đi chơi khuya bên bờ sông, họ bắt về trụ sở ủy ban lập biên bản, rồi giam trong kho thuốc trừ sâu DDT và 666, mà không cho mặc quần áo suốt một đêm ròng!

V.O.

Comments are closed.