Chim ưng và chàng đan sọt (kỳ 3)

Bùi Việt Sĩ

5

Hưng Đạo Vương nhìn Phạm Ngũ Lão. Lát sau Hưng Đạo Vương thong thả kể lại đầu đuôi câu chuyện giữa Tiết Chế với công chúa An Tư. Rồi Tiết Chế hạ giọng: – Kiếp nạn của con thế là thoát rồi. Cha phải dùng “khổ nhục kế” xin An Tư buông tha cho con, công chúa mới xiêu lòng mà về kinh đấy! Chứ không công chúa An Tư mà “ăn vạ” ở đây thì… lôi thôi to cho con.

– Đa tạ công ơn trời biển của cha.

– Tình hình binh lính luyện tập thế nào?

– Thưa cha… Sĩ khí rất hăng… Con tính quân số đây có gần mười vạn… Sẽ chia làm ba đợt thay nhau luyện tập… Sau khi dụng câu liêm thương đã thành thục sẽ tập chống công thành… Rồi tập đánh mai phục, tập đột kích, tập bầy trận…

– Cha nghĩ thời gian còn đủ để luyện quân… Nhưng cha thấy trong gan ruột của con, bề ngoài có phần hùng hổ lắm! Nhưng bên trong vẫn ẩn chứa một nỗi canh cánh gì rất lớn, có đúng không?

– Thật đúng là không có gì giấu được cha… Nhưng nếu con nói ra có sợ mắc tội làm giảm nhuệ khí của quân ta không?

– Cha con với nhau. Có gì con cứ trải hết lòng mình.

– Cái con lo nhất là binh lính của ta chưa quen với trận mạc. Kinh nghiệm trận mạc ngay cả con đây cũng chưa có gì. Vậy thì luyện cho binh lính thế nào? Nhiều đêm con “thức trắng” không sao chợp mắt được. Nhưng vẻ bề ngoài vẫn tỏ… cho binh sĩ biết là ta đây không có gì phải sợ…

– Nỗi lòng của con cũng là nỗi lo của cha. Nhưng Ngũ Lão này… Khi giặc Thát sang ta xâm lược lần thứ nhất, tất cả tướng sĩ Đại Việt đã ai có kinh nghiệm trận mạc gì đâu… Nhưng cuối cùng hơn năm vạn quân Nguyên Mông đã phải ôm đầu máu mà tháo chạy. Mải chạy đến nỗi đói không dám ăn, khát không dám uống… không dám động đến một ngọn cỏ, ngụm nước, hạt cơm của Đại Việt, khiến dân chúng gọi đùa chúng là “giặc Phật”. Lần này chắc chắn là sẽ vô cùng quyết liệt. Quyết liệt hơn lần trước bội phần. Nhưng con cứ nguôi lòng đi! Như chính con lần đầu gặp ta đã nói. “Hãy tạm thời nhường đất cho giặc vào ở nhờ. Sai các tướng giỏi giữ vững các nơi hiểm yếu. Chặn mọi đường tiếp lương của giặc. Đánh qua vài trận là quân tướng Đại Việt ta sẽ có kinh nghiệm ngay thôi… Dân mình tài trí lắm… Và kế sách phá giặc cha cũng đã dự định xong xuôi cả rồi… Bây giờ con về nghỉ đi. Chờ Yết Yêu, Dã Tượng về bốn cha con chúng ta sẽ phải đi thị sát một chuyến….

– Thưa cha còn quân lính đang luyện tập?

Đây cũng là hình thức tốt để kiểm chứng xem có con hay không có con ở trại, kỷ luật binh lính thế nào? Biết để mà rèn thêm.

Năm 1283, mùa xuân tháng hai, bốn cha con gồm Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu và Dã Tượng đem ba ngàn quân kỵ dời đại bản doanh Vạn Kiếp thẳng tiến ra cửa sông Bạch Đằng. Hưng Đạo Vương đi ngựa chứ không dùng voi cho khỏi ồn ã. Trời rét như cắt da cắt thịt. Bầu trời tràn ngập một mầu mây xám. Mưa phùn gió bấc. Tuy nhiên đoàn người ngựa vẫn hăm hở vượt qua những quả đồi đá ong. Đến vùng cửa sông, Yết Kiêu muốn phi ngựa lên trước báo cho Đô tướng Nguyễn Khoái biết để ra nghênh tiếp, nhưng Hưng Đạo Vương cản lại. Người muốn bí mật từ xa quan sát xem thuỷ quân của Nguyễn Khoái luyện tập thế nào?

Lúc ấy thuỷ triều đang lên. Mặt sông căng phồng trải rộng mênh mông. Quân của Nguyễn Khoái chia làm hai đội. “Quân Đại Việt” chít khăn đỏ “Phía Nguyên Mông” chít khăn xanh. Quân xanh dùng thuyền lớn hơn đang hùng hổ từ phía biển tiến vào. Quân đỏ dùng thuyền nhẹ, chia cắt đội hình “địch” cứ ba chiếc quây lấy một chiếc của “địch” mà đánh. Có điều là cả “quân ta” lẫn “quân địch” đều hò “Sát Thát!” vang động cả một khúc sông. “Quân địch” thì cố tiến vào. Còn “quân ta” thì ra sức chặn lại. Đến lúc thuỷ triều xuống thì Nguyễn Khoái từ thuyền lớn ra lệnh khua chiêng thu quân.

Hưng Đạo Vương thấy Nguyễn Khoái thao luyện năm vạn thuỷ quân với hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ hết sức bài bản, lên xuống nhịp nhàng, kỷ luật nghiêm minh thì lấy làm vui lắm. Chợt dưới thuyền có tiếng hô:

– Tiết Chế đến!

Nguyễn Khoái đánh mắt nhìn thấy đoàn người ngựa với lá cờ suý lớn thì vội vàng lệnh cho thuyền quay mũi vào bờ. Còn cách bến một đoạn khá xa, Nguyễn Khoái đã nhảy ào xuống nước hớt hải chạy lên:

– Mạt tướng thật có tội! Không biết Tiết Chế đến để nghênh tiếp từ xa. Nguyễn Khoái vội phủ phục xuống vạt cỏ bên bờ sông vừa liến thoắng nói.

– Đô tướng đừng đa lễ thế! Đứng dậy đi!

Hưng Đạo Vương ân cần nói.

– Tạ ơn Tiết Chế! Nguyễn Khoái đáp lại. Ngũ Lão nhẩy xuống ngựa tự lúc nào, đỡ Nguyễn Khoái đứng lên và hỏi:

– Hiền huynh vẫn mạnh khoẻ chứ?

– Nếu bây giờ lại vật nhau với đệ nữa thì huynh không thua đâu?

Tất cả mọi người đều cười vui vẻ.

Hưng Đạo Vương sai cắm trại ngay trên bờ sông. Cửa trại quay về hướng nam để tránh cái gió bấc rét như cắt da cắt thịt. Người bảo Nguyễn Khoái cho gọi viên đô giám (tức giám quân) và quan chuyên trông coi việc quân lương, binh khí cùng đến dự họp. Một chiếc bàn vuông rất rộng cùng hơn một chục chiếc ghế được bày ra. Hưng Đạo Vương ngồi trên chiếc ghế bành lớn, bên phải là Ngũ Lão, bên trái là Yết Kiêu và Dã Tượng. Phía đối diện là Nguyễn Khoái và hai viên đô giám và quan lương. Vừa ngồi vào bàn Nguyễn Khoái đã đưa cặp mắt nhỏ dưới cái trán thấp nhìn chằm chặp vào bình rượu lớn đặt ở một góc bàn. Hưng Đạo Vương cười vang ra lệnh cho tên lính hầu:

– Rót rượu bát to cho Đô tướng!

Nguyễn Khoái chẳng còn biết giữ lễ, chộp lấy bát rượu tợp một đẫy ngụm hết sạch. Lưỡi đánh sang hai bên mép ra vẻ còn rất thèm thuồng.

– Rót tiếp cho Đô tướng hai bát nữa!

Sau khi Nguyễn Khoái đả xong ba bát rượu, Hưng Đạo Vương nghiêm giọng nói:

– Hôm nay bản vương đi kiểm tra, thấy cánh thuỷ quân của Đô tướng thao luyện rất quy củ, nề nếp bản vương có lời khen ngợi. Bây giờ bản vương có một số câu hỏi, hỏi cả ba người có gì cứ trả lời thật.

Tất cả dạ ran.

– Binh lính ăn có đủ no không?

– Cũng tàm tạm. Nguyễn Khoái đáp luôn. Song nếu khẩu phần hàng ngày được tăng thêm một phần tư hay một phần năm nữa thì mới no ạ!

– Việc này từ mười ngày sau sẽ được đáp ứng! Hưng Đạo Vương đáp và bảo Ngũ Lão ngồi bên ghi ý kiến đó vào cuốn sổ đã mở ra ở trước mặt.

– Thế còn cái mặc?

– Ban ngày luyện tập nên không thấy rét. Nhưng đêm ngủ, chăn áo cũng có phần chưa đủ ấm. Nguyễn Khoái lại đáp luôn mà chẳng thưa bẩm gì khiến viên giám quân phải đá vào chân ở dưới gầm bàn ra điều nhắc nhở. Nhưng Nguyễn Khoái lại không để ý, quay sang vặc lại : “Ta nói không đúng sao?”.

Hưng Đạo Vương thấy vậy thì cả cười và nói tiếp:

– Chăn, áo bông cũng sẽ có sau mười ngày nữa.

– Đa tạ Tiết Chế! Nguyễn Khoái đáp

– Bây giờ ta có một số lệnh thế này! Hưng Đạo Vương nghiêm giọng nói – đô giám và quan coi sóc quân lương và vũ khí nhớ ghi chép cho cẩn thận để cái gì Đô tướng quên thì hai người phải nhắc nhở.

– Dạ! Bẩm thưa Tiết Chế, vâng ạ!

– Sáng mai cho dừng thao luyện ở đây. Từ chiều mai, chuyển toàn bộ binh lính và chiến thuyền về vùng cửa sông Thái Bình. Chọn khúc sông rộng nhất cho quân dàn chiến thuyền tập tấn công binh thuyền của Nguyên Mông. Nửa tháng nữa sẽ có khoảng hai nhăm đến ba mươi thuyền đinh lớn, gần lớn bằng binh thuyền của giặc sẽ được đưa đến. Các tướng hãy chia quân ra làm nhiều lớp, tấn công thuyền “khủng” của giặc. Tập đánh ngày, đánh đêm, đánh cả trong lúc sương mù, mưa gió. Vận dụng xa luân chiến cho thành thục.

Quân lương vũ khí phải nhớ lấy riêng ra vài ngàn quân, lên rừng chặt mây, tre đực già. Lột lấy cật, đan thành khiên hai lớp. Có các loại khiên lớn có thể che cả mặt trước chiến thuyền, đồng thời che được cả mui thuyền. Khiên nhỏ dùng cho binh lính. Trong ruột được nhồi bông, sẽ được bản vương cho người chỉ dẫn. Khi luyện tập phải nhúng khiên xuống sông cho ngậm no nước để chống tên tẩm dầu của giặc. Đồng thời quân lính cũng phải luân phiên nhau lên rừng chặt tre, vót cho được hai mươi đến ba mươi vạn mũi tên… Hàng tháng bản vương sẽ cho người xuống đôn đốc, kiểm tra. Sẽ có thưởng phạt nghiêm minh. Các tướng rõ cả chưa?

– Dạ! Bẩm Tiết Chế, rõ ạ!

– Còn nữa, quân lính phải chia theo đội! Mỗi đội khoảng một trăm người. Tất cả phải biết mặt nhau. Thấy người lạ trà trộn thì phải bắt giữ, nhưng tuyệt đối không được đánh đập mà phải giao về cho Đô tướng tra xét.

– Dạ! Bẩm Tiết Chế rõ ạ!

– Có ai muốn nói gì không?

– Dạ! Bẩm binh sĩ đang thao luyện ở đây rất tốt. Sao lại phải chuyển đi nơi khác! Thao luyện bài tập khác ạ! Nguyễn Khoái mạnh dạn thưa.

– Ngươi hỏi rất có lý! Nhưng quân cơ bất khả lậu. Các người cứ thế mà thi hành. Ai trái lệnh! Chém!… Hưng Đạo Vương nghiêm giọng quát.

– Dạ! Bẩm Khoái mỗ này rõ rồi ạ!

– Có thế chứ! Hưng Đạo Vương cả cười và ra lệnh – Bây giờ thì tất cả đến uống rượu. Phải uống cho thực say để mai, ai vào việc nấy!

Tiệc rượu được bày ra, đủ cả các món sơn hào, hải vị. Viên giám quân bẩm:

– Dạ! Bẩm Tiết Chế, để mạt tướng cho lính mang lên mấy con cá tươi ở vùng sông này lên Quốc Công Tiết Chế nếm thử ạ!

– Ngươi không sợ ta bắt tội, ăn lẻ trước binh lính sao? Hưng Đạo Vương nửa đùa nửa thực hỏi:

– Dạ! Bẩm quả là oan cho mạt tướng ạ! Mạt tướng đoán thế nào cũng có lúc Quốc Công Tiết Chế xuống đây kiểm tra, nên sai lính chuẩn bị sẵn đấy ạ! Chứ bản thân ba người mạt tướng… cũng chưa biết mùi vị cá thế nào ạ!

– Nếu thế thì được!

– Quân pháp của Đô tướng rất nghiêm. Trong quân cấm không được uống rượu. Đến Đô tướng thèm rượu như thế mà cả mấy tháng nay không có giọt nào rót vào bụng đâu ạ!

– Các ngươi che giấu cho nhau chứ gì? Hưng Đạo Vương tinh quái hỏi.

– Khoái mỗ này đã nói một là một hai là hai. Cái trò trí trá đó Khoái mỗ vô cùng căm ghét ạ!

– Ta cũng nói đùa đấy thôi! Mong Đô tướng đừng để bụng.

Mọi người đều tái mặt trước câu trả lời bỗ bã của Nguyễn Khoái. Nhưng vội thở phảo nhẹ nhõm trước sự chân tình, cởi mở của Tiết Chế.

Hưng Đạo Vương vỗ vào tấm lưng to tròn như một gốc lim cổ thụ của Nguyễn Khoái mà bảo rằng:

– Đây là một trong hai cây cột chống trời của Đại Việt ta!

– Đa tạ Tiết Chế quá khen Khoái mỗ này là gì không quan trọng. Chỉ biết rằng lòng trung với Đại Việt với hai Thánh thượng và với Tiết Chế thì có trời xanh chứng dám. Nếu từ nan bất cứ việc gì thì chết sẽ không có đất chôn thây…

Hưng Đạo Vương lấy làm hài lòng lắm. Người quay sang nói với viên giám quân và viên quan coi sóc quân lương:

– Hai ngươi phải hết lòng giúp đỡ Khoái Đô tướng nhé! Sau này công của hai ngươi cũng không nhỏ đâu!

– Dạ! Bẩm Tiết Chế hai người chúng tôi xin đem hết lòng khuyển mã. Nếu có điều gì sơ sảy sai sót, Tiết Chế cứ cho chặt đầu, bêu lên ba ngọn sào để răn người khác ạ!

Cả hai đều ứng khẩu đồng từ khiến Hưng Đạo Vương càng cảm thấy yên tâm.

Từ cửa sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương sai nhổ trại hành binh xuống phía nam nhằm Hồng lộ thẳng tiến. Trên đường đi người hỏi Ngũ Lão:

– Con có biết vì sao ta lại lệnh cho Nguyễn Khoái chuyển quân không?

– Dạ! Bẩm thưa cha con cũng như Nguyễn Khoái đều chưa hiểu ngầm ý ở bên trong là gì ạ!

– Ngươi không hiểu thật hay giả vờ ngây ngô như Nguyễn Khoái đó?

– Dạ! Bẩm thưa cha, có việc gì con giấu được cha từ trước đến nay đâu ạ!

– Kế của ta đã định. Nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Đến như con mà cũng không biết là tốt rồi. Hưng Đạo Vương nói với Ngũ Lão mà cũng như nói với chính mình.

– Tống tướng Triệu Trung là người thế nào? Người hỏi Ngũ Lão tiếp.

– Dạ! Bẩm thưa cha Triệu Trung quê ở Hạ Khẩu bên bờ sông Trường Giang. Võ nghệ và sức lực cũng có thể xếp ngang với bọn Lý Hằng, Lý Quán, Phàn Tiếp của Nguyên Mông. Duy Triệu Trung có tài huấn luyện thuỷ quân, vì từ nhỏ đã sinh sống bên bờ sông lớn. Triệu Trung mang ơn rất sâu nặng với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật. Khi trốn sang đây chỉ có đơn thân. Chiêu Văn Vương đã cho người lặn lội về tận quê đón bố mẹ già cùng vợ con sang ta sinh sống. Lại xây cất cho một dinh thự khá tươm tất. Hiện Triệu Trung được Chiêu Văn Vương sai cai quản và huấn luyện khoảng ba ngàn binh Tống.

– Chiêu Văn Vương quả cũng là một con người sáng suốt.

Hưng Đạo Vương buột miệng khen. Lần này ta xuống đây hội kiến cùng Chiêu Văn Vương, theo con có nên để cho Triệu Trung cùng dự không?

– Dạ! Bẩm thưa cha… Cha nên cho Triệu Trung vào yết kiến và có lời uý lạo hắn lúc đầu thôi. Đến khi bàn chuyện cơ mật thì con sẽ rủ hắn ra ngoài chơi.

– Ừ! Con ta cũng biết phép đối nhân xử thế đấy.

Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật tiếp Tiết Chế tại quân doanh nửa ở bờ sông cái nửa trên đê. Sau khi phân ngôi chủ khách Chiêu Văn Vương cho gọi Triệu Trung vào ra mắt Hưng Đạo Vương. Triệu Trung người không cao lớn lắm, nhưng dáng vẻ chắc chắn với khuôn mặt phong trần dãi dầu sương gió.

– Bại tướng[1] Triệu Trung xin lạy chào Tiết Chế. Sau câu nói ấy Triệu Trung cứ quỳ mọp dưới chân Hưng Đạo Vương. Ngũ Lão vội cúi xuống đỡ lên. Triệu Trung mới dám đứng dậy và nói tiếp:

– Đội ơn Tiết Chế đã cấp thêm tiền lương cho Chiêu Văn Vương mà đời sống đám binh Tống mới được no đủ như hiện nay.

– Gia đình anh em hàng binh sang đây có được nhiều không? Hưng Đạo Vương hỏi.

– Khởi bẩm Tiết Chế người có người không ạ!

– Thế cuộc sống của họ thế nào?

– Khởi bẩm Tiết Chế. Cũng tạm đủ ạ! Những người có nghề làm thuốc, có nghề làm thủ công hay có nghề buôn bán đều được Chiêu Văn Vương tạo điều kiện làm ăn sinh sống như ở quê nhà. Số tay trắng thì Chiêu Văn Vương cho mượn ruộng của công cũng như của Chiêu Văn Vương cho cấy cày mà không phải nộp sưu thuế gì ạ!

– Tinh thần của anh em binh sĩ Tống thế nào?

– Khởi bẩm Tiết Chế đa số rất háo hức muốn được ra trận để rửa hận mất nước mất nhà… và để báo ơn tri ngộ của Chiêu Văn Vương ạ!

– Như vậy là rất tốt! Bản vương có lời khen!

Nhưng ta hỏi thật câu này. Trung Tống tướng đừng để bụng nhé!

– Khởi bẩm Tiết Chế! Xin ngài cứ dạy bảo. Có gì biết Triệu Trung đều cởi hết tấm lòng ạ!

– Số Hán gian cam tâm làm chim mồi chó săn cho giặc Nguyên Mông có nhiều không?

– Khởi bẩm Tiết Chế theo bại tướng có thì cũng không nhiều mà không ít ạ! Duy có một tên mà Tiết Chế phải lưu tâm là Phạm Nhan. Tên này hành nghề đạo sĩ. Có thuật chém đầu này, mọc đầu khác. Hắn rất nham hiểm, quyền biến cơ mưu. Theo như bại tướng biết thì hắn đã vài năm qua Đại Việt hành nghề nên nắm rất rõ đường đi lối lại cũng như thế sông, thế núi của Đại Việt ta.

– Cám ơn ngươi đã cho biết thêm về con người này. Chính hắn đã chỉ điểm nơi ẩn náu của Vua Tống để quân Nguyên truy sát.

– Khởi bẩm Tiết Chế có chuyện đó ạ!

– Ngươi nghĩ ngày các ngươi trở về cố hương có xa ngái lắm không?

– Khởi bẩm trước mắt lũ chúng tôi lấy đất Đại Việt làm nhà! Còn về sau thế nào thì quả là còn bất định lắm ạ!

– Thế là các ngươi hơi chán nản rồi! Bản vương cho ngươi hay. Trước mắt nhà Nguyên Mông thật rất hùng mạnh. Nhưng đất nước Trung Hoa rộng lớn lại không thiếu gì nguời tài, người có lòng ái quốc. Vậy thì nhà Nguyên Mông chỉ tồn tại trên dưới một đời người. Khoảng ba bốn chục năm nữa bên đó chắc chắn sẽ có loạn. Và cũng từng ấy năm nữa thì nhà Nguyên Mông chắc chắn sẽ sụp đổ. Và thay thế vào đó sẽ là một triều đại Trung Hoa mới.

Hưng Đạo Vương nói tới đó thì đưa mắt cho Ngũ Lão. Ngũ Lão ôm vai Triệu Trung nói nhỏ:

– Lâu lắm chúng ta mới gặp nhau. Đệ mời đại ca ra ngoài uống rượu.

Triệu Trung dường như cũng hiểu ý. Hai người vào một quán mới mở của người Hoa tản cư sang.

– Ngũ Lão tẩm ngẩm tầm ngầm mà đá chết voi: Triệu Trung mở đầu câu chuyện.

– Hưng Đạo Vương hay Chiêu Văn Vương thì họ cũng là anh em một nhà cả ấy mà. Ngũ Lão thanh minh. Có điều đệ không có tài đánh thuỷ nên không dám theo huynh phò Chiêu Văn Vương.

– Nhưng cái mẹo ra mắt Tiết Chế phải nói là gan cùng mình. Để giáo dâm vào đùi chảy máu ròng ròng mà vẫn vờ như không biết gì quả là một cách ra mắt có một không hai.

– Có gì đâu! Âu cũng là học cách bên nước Tầu của huynh. Nghe nói xưa Khương Tử Nha muốn theo phò nhà Chu mới đến câu ở hồ thuỷ đình. Nhưng ngặt một nỗi là dây câu lại không có lưỡi. Có người hỏi thì Khương Tử Nha bảo rằng ta đâu cần câu lấy cá. Ta đang câu chức tể tướng của nhà Chu. Chuyện đó đồn đến Chu Vũ Vương Cơ Phát. Biết có người tài đến giúp mình. Cơ Phát thân ra mời Tử Nha vào nội điện. Mình là quan võ phải nghĩ ra cách của mình chứ!

Ngũ Lão nói đến đó thì cả hai cùng cười rồi nâng bát rượu uống cạn.

– Bây giờ bố mẹ, vợ con huynh đã ở đây cả rồi. Huynh cứ yên tâm phục vụ Đại Việt. Sau này không ai đối xử tệ bạc với gia đình huynh đâu?

– Huynh biết chứ! Nguyên Mông là kẻ thù chung của cả hai dân tộc chúng ta mà.

Trở lại chuyện Hưng Đạo Vương và Chiêu Văn Vương trong trại lớn. Mở đầu Hưng Đạo Vương điểm đúng huyệt người ngồi đối diện:

– Nghe nói xuất ăn của gia binh Chiêu Văn Vương khá hơn của quân triều đình có đúng không?

– Quả là có chuyện ấy thật. Vì gia binh chỉ có ba ngàn mà quân triều đình có tới năm vạn quân lương không thể kham nổi.

– Chiêu Văn Vương đừng lo, mười ngày nữa sẽ có lương cấp đủ cho Chiêu Văn Vương. Tuy nhiên bản vương chỉ lưu ý Văn Vương một điều nhỏ là đối với quân lính phải thật công bằng, kể cả binh Tống cũng thế. Đói cùng đói, no cùng no. Có như thế khi lâm trận, tất cả đều xả thân… chứ không suy bì được.

– Tiết Chế thật là cao kiến. Vừa có lý lại có tình. Văn Vương này xin nghe theo.

– Hàng ngày Văn Vương thao luyện thuỷ quân thế nào?

– Vẫn như cũ thôi. Chia làm hai phe “đối luyện”. Tập trận như trò chơi ở các lễ hội. Vui vẻ lắm, ai cũng thích thú cả.

– Như thế là không được rồi. Lâm trận thật thì làm thế nào?

– Thế theo Tiết Chế thì phải làm sao?

– Độ gần nửa tháng nữa triều đình sẽ cấp cho Văn Vương khoảng bảy chục thuyền đinh lớn, gần bằng chiếc thuyền của Toa Đô đang chinh phạt Chiêm Thành. Văn Vương nên chia quân ra làm các đội thay nhau tấn công các chiến thuyền đó”. Đánh theo kiểu “xa luân chiến”, liên tục bất kể ngày đêm, sớm tối nắng mưa. Còn nữa phải cho lính tập phòng thủ chống quân Nguyên Mông bắc cầu phao từ phía kinh thành Thăng Long tấn công sang.

– Ta hiểu rồi! Đúng là phải như thế thật. Chứ như bây giờ thì lúc đánh nhau thật sẽ hỏng cả.

Rồi Hưng Đạo Vương cũng truyền lệnh cho Chiêu Văn Vương (tất nhiên là giọng nói nhẹ nhàng hơn) như với Nguyễn Khoái về việc phải vót ba mươi vạn mũi tên cùng các loại khiên lớn nhỏ. Với số tàn binh Tống, Hưng Đạo Vương bảo Văn vương phải chuẩn bị may đủ ba ngàn bộ quân phục mới toanh theo kiểu Tống. Cờ hiệu cũng phải sắm sửa như cờ hiệu quân Tống. Chiến thuyền cũng phải như chiến thuyền Tống. Cùng hàng trăm loa sắt. Riêng Triệu Trung phải chuẩn bị cho hắn một bộ áo giáp vàng sáng choang. Chiêu Văn Vương nghe đến đó thì ù cả tai. Chả hiểu ý của Hưng Đạo Vương là thế nào?

– Bây giờ với Đại Việt ta, một ngọn dáo, một tay gươm, một cây cung cùng tham gia chống Nguyên Mông cũng là quý rồi. Ở đây những ba ngàn người, ta phải biết cách để kết quả tăng lên gấp hàng mười, hàng trăm lần… Nuôi lính ba năm dụng một giờ. Nhưng đó phải là giờ vàng…

Hưng Đạo Vương vừa mỉm cười vừa vuốt râu, cặp mắt đen sáng long lanh vừa thông minh vừa hóm hỉnh. Người ghé tai Chiêu Văn Vương nói nhỏ… cứ như thế! Như thế… một hồi.

Nghe tới đâu mắt Chiêu Văn Vương sáng ra đến đấy. Và câu cuối cùng Hưng Đạo Vương vừa nói xong thì bất thần Chiêu Văn Vương thốt lên:

– Tiết Chế quả là Thánh thật!

– Còn một việc nữa. Chờ cho cơn xúc động của Chiêu Văn Vương dịu lại, Hưng Đạo Vương nói tiếp. Lần này bản vương để lại Yết Kiêu cho Văn Vương sử dụng, sai khiến. Việc đầu tiên là Yết Kiêu sẽ tham gia thao luyện cùng với binh lính. Rồi từ đó Yết Kiêu sẽ tuyển chọn ra khoảng trên dưới một trăm người có bản lĩnh, có sức khoẻ và có tài bơi lội. Song cái quan trọng nhất là lòng trung thành. Dẫu gươm kề cổ cũng không được khai việc mình đang làm. Số người này Yết Kiêu sẽ đem đi một nơi tập luyện riêng. Huấn luyện thế nào và sau này sẽ làm gì “thần cũng không biết, mà quỷ cũng không hay.”

6

Hưng Đạo Vương lưu lại ở khu vực thuỷ trại của Chiêu Văn Vương ba ngày. Người đưa bọn Ngũ Lão, Dã Tượng, cùng vài chục quân kỵ đi thăm thú cả một vùng rộng lớn kể cả chiều dài lẫn chiều rộng. Chia tay Chiêu Văn Vương, Hưng Đạo Vương vỗ vào lưng “người anh em họ hàng” mà uý lạo rằng:

– Trông thanh nhã, tay cầm bầu rượu, vai đeo túi thơ thế này, mà rồi đây sẽ lập đệ nhất công trong cuộc chiến chống Nguyên Mông đó.

– Tiết Chế mới xứng với công đó. “Một người lo toan bằng cả kho người làm”. Chiêu Văn Vương nhún nhường, chân thành đáp lại.

– Người lo toan mà không có người làm thì cái lo có hay ho đến đâu cũng chỉ là chuyện hão mà thôi! Hưng Đạo Vương cũng khiêm tốn đáp lại.

Ba thầy trò Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng chỉ đem theo hai mươi quân kỵ nhằm thẳng hướng làng Phù Ủng châu Thượng Hồng phi ngựa xuống.

– Ta muốn vào ra mắt sư phụ con – Hưng Đạo Vương nói với Ngũ Lão – Nhưng trước tiên ta phải vào thắp hương lễ Phật đã.

Tất cả quân lính Hưng Đạo Vương để phía ngoài, dặn dò không được làm kinh động đến xung quanh.

Dã Tượng đã chuẩn bị hương hoa và một trăm lượng vàng lá dâng lên bàn thờ Phật tổ. Hưng Đạo Vương kính cẩn quỳ ở giữa. Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng quỳ hai bên. Người lầm bầm khấn:

– Tín chủ là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hiện là Tiết Chế của Đại Việt. Hôm nay thân đến chùa xin với Phật tổ phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, kế sách của quốc gia được binh sĩ hết lòng thực hiện để phá được lũ giặc Nguyên Mông hung bạo, giữ cho dân chúng không bị rơi vào cảnh lầm than “nước mất, nhà tan”. Lòng thành lễ mọn, Phật tổ chứng giám, cung bái.

Khi Hưng Đạo Vương đứng dậy thì sư cụ trụ trì ở chùa Bảo Sơn ở phía hậu cung đi ra. Ngũ Lão nhảy bổ ra ôm chầm lấy thầy, rồi gần như ngay lập tức quỳ dưới chân và nói:

– Con theo hầu Tiết Chế vào lễ Phật, chưa vào trình diện với sư phụ. Mong sư phụ ngàn lần thứ lỗi.

Sư cụ vóc hạc, dáng cao, trán rộng, mắt sáng, chòm râu dài trắng như cước, dáng vẻ còn rất nhanh nhẹn.

– Mô Phật. Thí chủ là Tiết Chế, lại có lòng sùng Phật thế này. Quý hoá quá, quý hoá quá.

– Bạch sư cụ, bản chức cũng là người. Mà mọi chúng sinh đều là Phật tử. Huống nữa, sư cụ lại là thầy thuộc tướng của bản chức, kia mà. Nay nhân việc nước qua đây, trước vào lễ Phật, sau là vấn an sư cụ.

– Sao không cho lính vào báo trước để bần đạo ra tận cổng chùa đón rước. Thật là thất lễ! Thất lễ. Chùa nghèo vì dân quanh vùng đều rất nghèo. Nhưng tấm lòng hướng về Phật tổ thì lại thật là giàu có.

– Bản vương mới nhìn qua đã rõ…

– Xin rước Tiết Chế vào phòng khách.

Ngũ Lão săng sái dẫn đường. Phòng khách của sư cụ là một trái ở sau chùa. Chỉ có một bộ bàn ghế gỗ gụ, không có tay ngai tựa lưng. Một chú tiểu bưng lên một khay trà ướp hoa ngâu. Chiếc ấm cùng bốn chiếc chén đều thô mộc, không có hoa văn, đậm màu da lươn. Dã Tượng đứng hầu phía sau Hưng Đạo Vương. Còn Ngũ Lão đứng chắp tay, hầu phía sau sư phụ.

– Sắp tới chiến cuộc chống Nguyên Mông chắc chắn sẽ diễn ra khốc liệt trên đất Đại Việt ta. Nhất là khúc sông Cái dài khoảng một trăm dặm từ của Đại Hoàng đến trước cửa thành Thăng Long. Châu Thượng Hồng ta gần như nằm ở đoạn giữa khúc sông này.

– Nam mô a di đà Phật! Sư cụ chắp tay trước ngực nói. Bần đạo đã ăn mày cửa Phật tám chín mươi năm rồi! Những chuyện thế sự không còn để ý tới nữa. Song nếu quả thực là giặc dữ có tràn xuống đất này thì cũng phải tay đao tay thước cùng với dân làng đuổi chúng đi để bảo vệ chùa thôi!

– Không! Bản vương nhất quyết không để cho chúng tràn xuống đây được! Nhưng trận chiến ở ngoài sông chắc chắn là rất dữ dội. Mong sư cụ động viên dân làng ra đánh trống, hò reo trợ chiến!…

– Nam mô a di đà Phật! Điều này thì bần đạo có thể làm được. Không cần Tiết Chế phải nhắc nhở.

– Bản vương xin đa tạ sư cụ!

– Không dám ạ! Dù là người tu hành đi nữa thì cũng phải biết phù cái thiện, xua đuổi cái ác.

– Nhân đây xin hỏi sư cụ một số điều, không biết có tiện không?

– Xin Tiết Chế cứ tự nhiên, điều gì bần đạo rõ, sẽ xin thưa lại hết.

– Hôm qua, bản vương có ghé vào thắp hương tại Đền thờ tướng quân Phạm Bạch Hổ. Người đã chém bay đầu tên Việt gian bán nước Kiều Công Tiễn, kẻ đã ám hại tướng công Dương Đình Nghệ để dọn đường rước quân Nam Hán và xâm chiếm nước ta. Tướng quân Phạm Bạch Hổ cũng là tướng tiên phong cho Ngô Vương Quyền chặn đánh dữ dội quân Nam Hán ở cửa sông Bạch Đằng và giết chết thái tử Hoàng Thao, đập tan ý đồ xâm lược của quân Nam Hán. Vậy xin hỏi sư cụ tướng quân Phạm Bạch Hổ với đệ tử Phạm Ngũ Lão của sư cụ có họ hàng gần xa gì với nhau không ạ!

Sư cụ cười sảng khoái đáp:

– Lúc trước Tiết Chế có nói “Đất linh sinh nhân kiệt”. Châu Thượng Hồng là đất như thế. Bởi thế hơn hai trăm năm trước đây đã sinh ra Phạm Bạch Hổ. Còn nay thì sinh ra đệ tử của bần đạo là Phạm Ngũ Lão. Đơn giản thế thôi. Bần đạo quả quyết rằng họ chẳng có họ hàng về bên nội hay bên ngoại gì với nhau cả.

Hưng Đạo Vương cũng cười sảng khoái:

– Sư cụ giải thích thật chí lý! Chí lý!

– Tiết Chế đã hỏi, vậy tiện thể đây bần đạo cũng muốn hỏi lại một câu mong Ngài đừng trách là bần đạo “thóc mách” nhé!

– Xin sư cụ cứ hỏi. Việc gì không ảnh hưởng đến sự an nguy của Đại Việt, bản vương xin trả lời hết.

– Chả là đệ tử của bần đạo vốn không thạo về thuỷ chiến. Mà chiến cuộc theo như Quốc Công Tiết chế nói chủ yếu sẽ diễn ra trên dọc sông Cái. Vậy thì đệ tử của bần đạo trở thành kẻ vô dụng mất rồi sao?

– Sư cụ quả thật là quá lo xa.

– Dạ, không phải. Chả là khi xưa, bần đạo vốn mồ côi cả cha lẫn mẹ từ lúc mới lên ba. Nhờ ăn mày cửa Phật mà sống được tới bây giờ. Sư phụ của bần đạo là người học rộng, văn võ song toàn. Từ lúc năm tuổi bần đạo đã được sư phụ dạy chữ và dạy võ. Qua mấy chục năm khổ luyện cũng thu được kết quả không đến nỗi nào. Trước lúc lâm chung, sư phụ của bần đạo cầm tay mà trăng trối rằng: “Tất cả học vấn về văn võ của ta đã truyền hết cho con. Di nguyện của sư phụ là sau này con sẽ truyền lại được tất cả các thứ đó cho người có thể giúp được nước, cứu đời.” Nay Ngũ Lão cũng có thể coi là thành tài. Ấy vậy mà cái tài ấy đành “xếp xó” thì sau này “hai năm mươi” gặp lại sư phụ, thử hỏi bần đạo sẽ nói năng với người thế nào đây?

– Có phải thanh đại đao và cây cung mà Ngũ Lão đang dụng là của sư phụ của Ngài trao lại? Hưng Đạo Vương hỏi.

– Dạ! Quả đúng là như vậy.

– Như vậy là “y phục xứng kỳ đức” rồi! Với thanh đại đao và cây cung này, bản vương chắc chắn là Ngũ Lão sẽ lập được kỳ công lớn.

– Nhưng…

– Bản vương hiểu được nỗi băn khoăn của sư cụ rồi! Ở đây chỉ có bốn người, đều là chỗ người nhà cả, bản vương sẽ nói đại đởn về kế phá Nguyên Mông mà bản vương đã nung nấu suốt hơn một tháng qua. Sư cụ là người học rộng, tài cao. Biết đâu có thể chỉ giáo cho bản vương được điều gì thì thật là “nhất cử lưỡng tiện”.

– Dạ! Bần đạo không dám! Không dám!…

Hưng Đạo Vương rút từ túi áo ngực ra một tấm bản đồ bằng lụa trắng hình chữ nhật, chiều dài gần gấp đôi, chiều rộng trải trên mặt bàn. Người bắt đầu nói:

– Hiện tại 15 vạn quân của nguyên suý Toa Đô đang chinh phạt Chiêm Thành. Dù thắng hay bại cánh quân này sẽ men theo đường biển đánh phá vùng Hoan – Ái của ta trước. Sau đó sẽ vào cửa biển Đại Hoàng ngược theo sông Cái để đến kinh đô Thăng Long. Sở dĩ Thoát Hoan đã được phong làm Trấn Nam Vương nhưng chưa khởi quân đánh Đại Việt vì còn chờ kết quả chinh phạt của Toa Đô. Song chẳng chóng thì chầy năm mươi vạn quân sĩ Thái tử Thoát Hoan sẽ tràn xuống nước ta.

Bước đầu ta phải lui về phòng ngự. Thậm chí cả kinh đô Thăng Long cũng phải để cho chúng vào “ở nhờ”. Đại quân của ta sẽ lui về bên này sông Cái. Thoát Hoan muốn sang ta phải đánh quyết liệt, buộc hắn phải bật trở lại. Đồng thời các mũi vận lương của chúng ở cả hai ngả thuỷ bộ ta cùng phải “khoá chặt”. Cái gì cướp được thì cướp. Cái gì không cướp được thì đốt và đánh chìm hết. Vùng Quế Sơn gần cửa lục đầu giang vừa tiện cho việc nhận lương cả thuỷ lẫn bộ. Đất ở đấy rộng. Chủ yếu là đất đồi sẽ rất thích hợp cho kỵ mã của chúng tung hoành. Như vậy đại để có thể ví Thoát Hoan ở kinh thành Thăng Long là phần mình của con cua. Quế Sơn nơi tập trung binh lực rất mạnh có thể ví như một chiếc càng cua. Cánh quân của Toa Đô ngược sông cái lên là chiếc càng thứ hai. Bước một khi Toa Đô từ Chiêm Thành ra, Thái sư thượng tướng quân Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đang cầm mười vạn quân Hoan – Ái phải bám đuôi theo, đánh quyết liệt khiến cho chúng bị tiêu hao và mỏi mệt. Từ cửa Đại Hoàng trở ra Thăng Long thì việc này đã được giao Đô tướng Nguyễn Khoái, Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật cùng đội binh sỹ Tống và đội đặc nhiệm của gia tướng Yết Kiêu. Nguyễn Khoái phải làm thế này, thế này. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật phải dùng kế ly gián thế này, thế này… Gia tướng Yết Kiêu sẽ gây cho giặc sự kinh hoàng trong suốt ngày đêm như bị “quỷ ám” bằng cách này cách này… Đến bến Chương Dương trước cửa thành Thăng Long tất cả phải hợp lực quyết không cho chúng vào được thành. Thoát Hoan tất nhiên sẽ thả năm vạn kỵ binh Mông Cổ trong mười vạn tên thiện chiến nhất từ trong thành ra tiếp ứng cho Toa Đô. Đây là lúc dụng võ của Phạm Ngũ Lão. Ngũ Lão sẽ phục binh ở đây… dùng câu liêm thương chặt đứt vó ngựa Nguyên Mông và tiêu diệt chúng. Thoát Hoan muốn tung quân ra nữa thì cửa nam năm vạn quân của Quốc Tảng phải chặn chúng lại. Còn cửa Đông được giao cho năm vạn quân mã Quốc Nghiễm. Ngũ Lão sau khi tiêu diệt đội kỵ binh thiện chiến đó thì toàn bộ quân tràn lên thuyền của Toa Đô cùng Nguyễn Khoái Trần Nhật Duật phải “chặt đứt được chiếc càng cua này”. Với Toa Đô, không bắt sống được thì phải giết chết, quyết không để hắn trốn chạy về Quế Sơn. “Con cua Thoát Hoan” bị gẫy một càng, phải bỏ Thăng Long chạy về phương bắc. Lúc đó toàn bộ hai nhăm vạn quân Đại Việt do Ngũ Lão làm tiên phong, bên phải có Quốc Tảng, bên trái có Quốc Nghiễm sẽ đánh thẳng vào cổng chính của Quế Sơn. Thuỷ quân của Nguyễn Khoái từ cửa Lục Đầu giang sẽ xông lên trợ chiến. Với lực lượng hùng hậu như vậy chiếc “càng cua” thứ hai chắc chắn sẽ phải bị chặt đứt. “Con cua Thoát Hoan” chỉ còn “tám cẳng” thì chỉ còn cách “bò nhanh” về nước. Tất nhiên là quân ta sẽ truy kích đến tận ải Nam Quan. Ngũ Lão vẫn sẽ là tướng tiên phong trong cuộc truy đuổi này. Dĩ nhiên người Nguyên chắc chắn chưa chịu thất bại. Nhưng lần thứ ba bọn chúng sang thì chắc chắn là ta đánh dễ rồi. Song cũng phải bầy binh bố trận để đánh một trận tiêu diệt lớn… Trận này có thể diễn ra ở cửa sông Bạch Đằng. Đánh cho chúng phải dựng tóc gáy khi nghĩ đến chuyện phải sang Đại Việt xâm lăng một lần nữa… Đó là toàn bộ kế sách của bản vương chỉ có vậy. Mong sư cụ chỉ giáo thêm. Hưng Đạo Vương theo thói quen vừa cười vừa vuốt râu nói câu sau cùng.

Nghe xong sư cụ vội vàng xoè bàn tay đặt trước ngực ngón cái hướng vào phía trong, đầu hơi cúi xuống theo nghi thức của nhà Phật, chân thành nói:

– Ngài không phải là người thường mà thực sự là Đức Thánh nhân. Được nghe Đức Thánh giảng giải về kế sách phá giặc dữ quả thực là không uổng sống một đời. Còn Ngũ Lão, đệ tử của bần đạo được cầm roi, dắt ngựa theo hầu Đức Thánh thì còn vinh hạnh gấp vạn lần… Từ nay xin cho phép bần đạo được gọi bản vương là Đức Thánh Trần…

– Chẳng qua là “kế mọn” có gì đáng kể đâu. Hưng Đạo Vương khiêm tốn đáp – Còn việc có thực hiện được hay không còn nhờ vào sự xả thân của tướng sĩ và sự đóng góp hết lòng của toàn thể dân chúng Đại Việt.

– Phải nói thật là hai vua Trần quả thực là vua sáng. Nếu không hôm nay làm gì có người cầm quân chống giặc dữ.

– Mọi người đều hiểu oan cho bản vương cả. – Giọng Hưng Đạo Vương trầm xuống. Họ chỉ thấy bản vương cướp công chúa Thiên Thành trong ngày rước dâu về nhà chồng mà không biết được rằng từ thuở thiếu thời mười sáu, mười bẩy, bản vương và công chúa đã yêu nhau như thế nào. Một người mà ngay cả đến người yêu của mình cũng không bảo vệ được thì còn nói gì đến việc cứu nước, cứu dân sau này… Ngoài hai mâm vàng trả lại đồ sính lễ, hai vua Trần còn phạt bản vương “bồi thường danh dự” cho Trung Thành Vương hai ngàn mẫu ruộng ở phủ Ứng Hoà- Hà Đông. Có nghĩa là toàn bộ điền sản của cả gia đình. Nhưng có hề chi… Nói đến đây Hưng Đạo Vương cười lớn – Cái chính là đã thực hiện được lời “thề non – hẹn biển” từ thuở thiếu thời với nhau. Chứ hai ngàn đến hai mươi ngàn mẫu ruộng cũng có xá gì. Và bây giờ thiên hạ cũng đều thấy “sự hy sinh” ấy đâu có uổng phí. Thiên Thành đã sinh cho bản vương bốn hổ tướng để bảo vệ Đại Việt… Đó mới thực sự là điều quan trọng.

Nói tới đây Hưng Đạo Vương đẩy ghế ra sau đứng dậy. Rồi người bảo:

– Thôi đã đến lúc bản vương phải tạm biệt sư cụ rồi. Quà không có gì nhiều, chỉ có một xúc lụa tơ tằm Vạn Phúc Hà Đông biếu sư cụ và một trăm lượng vàng cung tiến cho nhà chùa để tu sửa lại những chỗ đã bắt đầu hư hỏng.

– Tạ ơn Đức Thánh Trần. – Sư cụ chắp hai bàn tay xương xẩu nhưng vẫn còn rất cứng cáp và nói – Lụa thì bần đạo xin nhận còn vàng thì không dám vì quốc khố đang phải gánh vác công cuộc phòng chống giặc ngoại xâm.

Hai bên đùn đẩy nhau một lúc. Cuối cùng sư cụ đưa ra giải pháp:

– Thôi thì bần đạo thay mặt nhà chùa xin nhận một lượng tượng trưng cho Đức Thánh Trần vui lòng. Số còn lại thì bần đạo không dám.

Hưng Đạo Vương cả cười bảo:

– Ngài khí khái quá.

Rồi tất cả kéo ra bàn thờ chính. Cả bốn người vái lạy Phật Tổ, sau đó sư trụ trì gói lại chín mươi chín lượng vàng, đích thân nâng ngang mặt trao lại. Hưng Đạo Vương đỡ lấy, rồi trao lại cho Dã Tượng.

– Dạ, bẩm thưa cha! Cha cho phép con tối nay được ở nhà thăm mẹ. Sáng sớm mai sẽ trở về Vạn Kiếp ngay ạ!

– Được! Cha cũng có ý đó. Chưa kịp bảo thì con đã xin… Ta có quà cho mẹ con. Cũng là một tấm lụa tơ tằm Vạn Phúc. một trăm hai mươi quan này là cấp cho sáu tháng lương chức Đô uý của con.

– Sao lương nhiều vậy cha? Ngũ Lão hỏi lại.

– Không nhiều đâu con. Nhiều quan lại trong triều còn lĩnh hơn con cả trăm lần – Hưng Đạo Vương giải thích rồi bảo Dã Tượng lấy từ trong hòm “công vụ” mang theo.

Ngũ Lão dắt ngựa vào sân. Vừa lúc đó mẹ Ngũ Lão cũng từ trong bếp bước ra. Hai mẹ con ôm trầm lấy nhau cùng nghẹn ngào trong nước mắt.

– Mẹ! Mẹ ở nhà có khoẻ không?

– Mẹ khoẻ. Chỉ lo cho con thôi.

– Mẹ thấy con cứng cáp thế này… Và còn cứng cáp hơn nữa nên mẹ đừng lo nghĩ gì… mà ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Ngũ Lão buộc ngựa vào một cây cau rồi cùng mẹ bước lên nhà. Chàng đưa tấm lụa Hưng Đạo Vương biếu cho mẹ và đặt một trăm hai mươi quan tiền lên bàn thờ, thắp hương cúng gia tiên và cha.

Mùi hương vừa ngào ngạt bay trong ngôi nhà tranh thì ngoài sân đã ồn ào, lố nhố cả trăm người đủ các thành phần nam, phụ, lão, ấu…

Tiếng mọi người nhao nhao, không còn phân biệt được tiếng ai vào với ai. Nhưng đại để là:

– Xem tân Đô uý Ngũ Lão bây giờ mặt mũi ra sao nào?

– Làng ta sau bao nhiêu đời nay mới có được một người làm quan to đến như vậy.

Xen vào đó cũng có những câu châm chọc, ghen tị:

– Kỳ này về, tân Đô uý Ngũ Lão sẽ đưa mẹ lên kinh sống cho sung sướng chứ?

– Đúng là đẻ con khôn…

Mọi người chỉ im lặng khi thấy hai vị chức sắc là hương lý và phó lý bước vào. Hai ông này cung kính chắp tay:

– Xin chào quan Tân Đô uý.

– Xin hai vị và bà con đừng làm vậy! Lúc nào Ngũ Lão này cũng là con dân trong làng, trong hương – Đứng trên bậc thềm Ngũ Lão cung kính đáp lại.

– Tôi nói thế này, các vị bô lão và bà con nghe có phải không? … Chẳng mấy khi tân Đô uỷ ghé về làng. Bởi thế làng phải mổ trâu, mổ lợn để khao tân Đô uý chứ!

Viên hương lý vừa nói xong thì tiếng mọi người nhao lên như ong vỡ tổ hưởng ứng.

Ngũ Lão lại chắp tay thưa:

– Kính thưa các vị chức sắc, các bậc phụ huynh. Tôi chưa có công tích gì với dân với nước, sao dám để dân làng lại phải giết trâu, mổ bò, mổ lợn để khao. Bởi thế tôi xin được khao làng một bữa cơm nhạt.

Tiếng mọi người lại nhao nhao lên, người ủng hộ, kẻ phản đối không ai chịu ai. Hai vị hương lý và phó lý phải bàn bạc với nhau một lúc lâu rồi mới đưa ra quyết định:

– Đô uý đã có lòng… bà con ta cũng có bụng.

Thế là sau một canh giờ rượu thịt đã được ê hề bầy ra ở giữa sân. Riêng hai vị chức sắc và các cụ bô lão cùng mẹ con Ngũ Lão được ngồi “chiếu trên” ở trong nhà. Phải tới gần nửa đêm tiệc mới tàn. Mọi người đã ra về vãn cả thì bỗng xuất hiện một thiếu phụ bồng trên tay một đứa con trai trên dưới một tuổi tiến vào nhà hỏi Ngũ Lão:

– Tân Đô uý có nhận ra tôi là ai không?

Sau một phút định thần Ngũ Lão vội reo lên:

– Chị Lưu! Chị cả Lưu đấy ư? Sao bây giờ mới lên tiếng?

– Tôi tưởng Ngũ Lão giờ đã là quan to của triều đình thì quên người con gái đáng thương này?

– Chị nghi oan cho Ngũ Lão rồi! Vụ cày một ngày xong năm mẫu ruộng cho thân phụ chị, cả đời này Ngũ Lão đâu dám quên.

– Không, tôi muốn nhắc đến chuyện khác cơ!… Nhưng mà thôi bây giờ Đô uý thấy đó tôi đã có con bồng, con bế có kém ai?

– Anh ấy tối nay có sang đây không?

– Con hoang làm gì có bố… Nhưng mà mừng một cái là cháu rất khoẻ mạnh và mới một tuổi đã nghịch như quỷ sứ. Chị vừa nói vừa cười và trao đứa bé cho Ngũ Lão và nói nựng với con:

– Con ra với chú đi… Để lấy cái khước… Sau này cũng có thể làm được đến chức đô uý…

Phải nói là đứa trẻ rất bạo. Vừa sang tay Ngũ Lão nó đã đưa đôi bàn tay nhỏ xíu vuốt má, sờ mũi và béo tai chàng. Con đôi chân khá dài so với tuổi tôi của nó thì nhảy như choi choi.

– Chị xin giống ở đâu? Và có bị làng phạt vạ không? – Khi mọi chuyện đã trở nên thân mật Ngũ Lão cất tiếng hỏi.

Chị cả Lưu (dân làng vẫn gọi chị như vậy – vừa là tên và cũng là họ) cười xởi lởi:

– Bố bảo hai vị hương lý và phó lý vừa về dám động vào… lông chân của cái con cả Lưu này. “Không chồng mà chửa mới ngoan – Có chồng mà chửa thế gian thường tình”. Dân gian đã có câu ca như vậy, chú thấy có đúng không?

– Chắc chị đanh đá quá nên họ ngại chứ gì? Ngũ Lão hỏi lại.

– Này! Đanh đá với to mồm thì họ có mà xé xác ra! Cái chính là thân phụ của chị bây giờ đường đường là một vị quan huyện… Thử hỏi trong cái làng này, cái hương này… ai to hơn quan huyện nào. Không những chẳng bị phạt vạ mà ngày cháu “đầy tháng” hai vị còn có quà mừng.

– Thế bác thi cử vào hồi nào mà lại đỗ đạt để được bổ làm quan huyện? Ngũ Lão ngạc nhiên hỏi lại.

– Cần gì phải thi cử với chả đỗ đạt! Bây giờ cứ bỏ ra một trăm lượng vàng ròng và một ngàn thúng thóc là có cái chức ấy ngay. Còn quan phủ thì phải gấp ba lần thế!

– Chị nói thế nào ấy chứ? Làm gì có chuyện ấy?

– Này thẻ bài là do chính Tiết Chế nhà chú ký nhé. Chỉ có điều quan huyện như cha chị thì không được cấp triện thôi… Xuân thu nhị kỳ có lính lệ về làng rước kiệu đưa cha chị lên huyện. Tại huyện viên quan huyện chính hiệu tiếp đón các quan huyện không có triện. Ai nhiều tuổi như cha chị thì được gọi là “quan bác”. Những người đồng tuế thì được gọi là “quan anh”. Ăn chơi mấy hôm thì lính lệ lại khênh kiệu trả về chú đừng tưởng “có tiếng mà không có miếng” đâu nhé! Mấy tay hương lý và phó lý xử lý oan sai với dân, cha chị cho người lên “tố” với “quan huyện thật”. Lập tức lính lệ về lôi ra sân đình vật cổ nọc ra đánh mấy chục roi. Bởi thế bọn lý cũng “gờm” cái chức quan của cha chị lắm!

– À, ra thế! Bây giờ thì em đã hiểu. Thì ra Tiết Chế muốn huy động vật lực của các hào phú nên mới nghĩ ra cách “bán tước” đó. Chỉ có lợi chứ chẳng có hại gì.

– Thế chú có thích nghe nghị kể chuyện chị đi “mua giống” để sinh ra cái thằng “cún con” này không?

– Nếu chị thấy không có gì ngại thì em sẵn sàng nghe.

– Vốn là vào tiết thu năm ngoái, chị với đám gia nhân lên bến Bình Than mua than và củi cho cha chị đốt lò gốm. Hôm ấy trời mưa dầm dề đến não lòng. Từ trong quán nhìn ra chị thấy một chàng trung niên, áo tơi, nón lá ngồi bên con thuyền ngáp dài vẽ não nề lắm. Con chim ưng cực lớn bằng con ngỗng ấy! Lông đỏ, mỏ quặp lúc nhảy lên nóc thuyền, lúc chuyền trên vai người đàn ông đó. Bên cạnh anh ta còn có thanh kiếm dài vỏ bạc. Chị ngắm kỹ thấy người này cũng có vẻ “tráng sĩ” lắm! Chắc thất cơ lỡ vật thế nào mới phải làm cái nghề đốt than thế này. Chị cho một viên đầy tớ ra mời anh ta vào quán. Anh ta đứng dậy, vươn vai một cái, dáng vẻ đờ đẫn lúc trước vụt biến đi đâu mất. Một người cao lớn, xách kiếm hiên ngang bước vào.

– Xin chào tráng sĩ. Chị lên tiếng trước. Tôi có đôi điều muốn làm phiền tráng sĩ có được chăng?

– Cần gì chị cứ nói – Giọng anh ta đanh gọn và rất sang, khác với vẻ mặt lem luốc cùng chiếc áo tơi, nón lá trên mình.

– Xin mời tráng sĩ cởi áo tơi rồi ngồi xuống, dần dà tôi xin thưa chuyện.

Anh ta cởi áo tơi, nón lá để gọn vào một góc và ngồi xuống ghế đối diện với chị, thanh trường kiếm vỏ bạc đặt trên bàn.

Chị bảo gia nhân rót một bát rượu lớn mời nhưng anh ta gạt sang một bên và bảo:

– Tôi không uống rượu bố thí khi chưa biết lý do.

– À, tôi muốn mua một thứ… không biết tráng sĩ có bán không? Chị rắn rỏi đặt vấn đề.

– Ngoài thuyền than và củi… Tôi còn có gì bán cho chị đây? Anh vẫn giọng sang sảng hỏi lại.

– Tất nhiên chúng tôi đến bến Bình Than này là để mua than và củi rồi. Thuyền than củi đó chắc chắn chúng tôi sẽ mua. Ngoài ra muốn hỏi mua thêm một vài thứ nữa của tráng sĩ.

– Vài thứ là thứ gì?

– Thí dụ như thanh trường kiếm này chẳng hạn. Chị hỏi không có ý đùa cợt một chút nào.

– Chắc chắn là chị không có đủ ngân lượng. Mà một ngàn lượng tôi cũng không thể bán được.

– Vậy tôi muốn hỏi mua con chim ưng lông đỏ, mỏ quặp… thì giá bao nhiêu?

– Giá bình thường là ba mươi lượng. Nhưng chị chồng ra một trăm lượng tôi cũng không bán.

Nói xong anh ta vội đứng lên. Chị bèn cuống quýt chèo kéo anh ta.

– Anh hãy ngồi xuống một lát! Tôi hỏi mua thứ này, chắc chắn là anh… bán được. Nói tới đó mặt chị đỏ lựng lên. Chuyện hơi tế nhị một chút… Nhưng cũng phải nói thật ra thì anh mới hiểu… Tôi muốn mua… một đứa con của anh.

– Mua con… của tôi? Anh ta bỗng cười lên sằng sặc và ngồi xuống. Quơ tay lấy bát rượu uống một hơi cạn sạch.

– Tôi tuy hơi cứng tuổi một chút… Nhưng vẫn còn “con gái”… Tôi không muốn lấy chồng mà chỉ muốn có một đứa con trai… Nếu anh thuận tình bán cho tôi… Sau ba đêm tôi xin trả anh đủ một trăm đồng… Anh thấy đấy! Trông tôi đâu đến nỗi nào mà phải nói là đẹp gái nữa là đằng khác… Chỉ có điều hơi đanh đá một chút.

– Nếu cô còn trinh nguyên thật… thì như trước đây sau khi ngủ một đêm, tôi phải trả cho cô một trăm đồng… Nhưng hoàn cảnh của tôi bây giờ cô biết đấy! Bởi thế tôi đồng ý.

– Nhưng với một điều kiện thế này!

– Còn điều kiện lằng nhằng gì nữa?

– Đơn giản thôi! Sau khi “tiền chao cháo múc” xong việc “đường ai người nấy đi”. Nếu có tình cờ gặp lại thì cũng coi như “nguời chưa từng quen biết”.

– Ô! … Tưởng điều gì? Chính tôi cũng muốn đề nghị với cô như vậy!

– Bây giờ tôi xin đặt trước anh ba mươi đồng. Bẩy mươi đồng còn lại “xong việc” sẽ xin đưa nốt. À… Còn một chuyện nhỏ thế này…

– Lại còn cái gì nữa đây? Anh ta tỏ vẻ sốt ruột

– Chả là lúc đầu tôi đã có nói… Tôi còn “con gái”. Nên sau đêm đầu tiên… Xin anh nghỉ cho hai ngày. Còn hai đêm sau…

– Tôi hiểu rồi! Nói thẳng ra là cô sợ đau chứ gì? Không biết chuyện đùa hay là thật đây. Nhưng mà đùa hay thật với tôi chưa bao giờ là quan trọng. Nhất là việc như thế này.

Chị móc hầu bao đặt lên bàn trước mặt anh ta. Anh ta không vồ vập mà rất bình thản vơ lấy và hắng giọng khá sang trọng quát:

– Chủ quán đâu! Bắt cho ta một chú vịt béo nhất. Rồi thả ra sân… làm mồi cho chú chim ưng của ta.

Viên chủ quán dạ một tiếng và chỉ loáng một cái một chú vịt bầu đã được thả ra sân. Từ trên mui thuyền chú chim ưng lông đỏ, mỏ quắp rang rộng đôi cánh xà xuống, nhanh như chớp hai chân đầy những vuốt sắc quặp lấy chú vịt, nhẹ nhàng bay trở lại nóc thuyền. Đầu tiên nó vật ngửa chú vịt ra. Mổ vào bụng lôi ra bộ lòng gan nuốt lấy nuốt để. Sau đó nó chậm rãi vặt lông ở mình và ở cánh. Vặt tới đâu nó xé ra từng miếng thịt lớn, ngửa cổ nuốt một cách ngon lành. Lần đầu tiên chị thấy một cảnh vừa man rợ, vừa lạ lẫm và thích thú như thế.

– Tuổi thọ của loài chim ưng này là bằng với loài người. Khoảng trên dưới bẩy mươi năm. Anh ta thấy tôi chăm chú nhìn thì giải thích. Khoảng bốn mươi tuổi, nó sẽ bay về rừng. Đập mỏ vào vách đá cho bung lớp sừng bên ngoài ra. Chờ năm bảy ngày sau chiếc mỏ mới được mọc lại. Nó bắt đầu lấy chiếc mỏ ấy rút từng chiếc móng vuốt ở chân ra. Khi móng vuốt mọc lại, nó bắt đầu rút hết lớp lông cánh lúc đó rất rậm rạp. Và chừng mười ngày sau, nó thực sự lột xác, bay trở về với một vẻ tráng kiện mới… và tiếp tục sống khoảng trên dưới ba mươi năm nữa. Tôi nuôi nó lúc nó mới bằng nắm tay cách đây hai mươi năm. Bởi thế nó sẽ là người bạn thân cận suốt cả cuộc đời tôi. Ngoài ra nó còn là cứu tinh của tôi. Nhân một chuyến đi săn, con ngựa bạch của tôi vừa bước vào vùng cỏ tranh thì bỗng xuất hiện một con rắn chúa cực lớn. Nó dựng nửa thân lên, cao tới đầu ngực, thè lưỡi như chiếc búp chè, miệng thở phì phì, phun ra nọc độc. Cả người lẫn ngựa đều hốt hoảng chưa biết xử trí thế nào thì vù một cái, chú chim ưng bay vượt lên, chiếc mỏ quặp của nó mổ xuống một nhát trúng gáy, khiến con rắn chúa gãy cổ, chết đứ đừ tuy khúc thân phía dưới của nó còn quằn quại một lúc lâu. Lính bắt lên xem thì là con rắn chúa đực. Chắc nó đang canh chừng cho con cái lột xác. Dù tôi có đói khát mà cô trả tôi, cả trăm lượng vàng tôi cũng không thể bán nó. Món nó khoái nhất là vịt….

Đêm đầu tiên tôi hé mắt nhìn. Không biết của những người đàn ông khác thế nào, chứ của anh ta chiếc chày giã cua. Nó liên tục giã. Tôi quằn quại đau đớn nhiều lúc tưởng chừng như tắc thở. Sau trận đòn thứ nhất tôi lồm cồm bò dậy, vớ lấy bình rượu tu một hơi hết sạch. Mượn ma men làm cho tôi lịm đi, để anh ta muốn làm gì tiếp thì làm.

Sau hai ngày nghỉ ngơi đến đêm thứ ba, cảm giác đã trái ngược lại hoàn toàn. Tôi có cảm tưởng chiếc chày dã cua của anh ta đã được bọc nhung. Êm ái vô cùng. Đã có lúc tôi nhổm hẳn người lên khiến anh ta cũng phải bật cười sằng sặc. Đến đêm cuối cùng cảm giác sung sướng đã lên tới đỉnh điểm. Đã có lúc tâm trí tôi đã lung lay và tự hỏi của nả có là cái gì, chỉ có mình ngu dại mới không chịu lấy chồng? Nhưng sáng ra, nhìn bộ mặt có nhiều cá tính mạnh của anh ta với chiếc mũi mỏ diều, hai cánh mũi mỏng khoét sâu đầy vẻ dâm đãng và chiếc miệng rộng với hai khoé môi thu lại rất gọn gàng đầy vẻ cương quyết và trịnh thượng đã khiến cho sự kiên nghị lúc đầu của tôi trở lại.

Cuộc chia tay thật chóng vánh. Tôi trả con thuyền và đống than, củi của anh ta với giá ba mươi đồng.

– Con thuyền này rất chắc chắn được phết sơn ta rất kỹ lưỡng nên khí đắt. Chứ chỗ than, củi có đáng là bao trị giá chỉ hai ba đồng.

Anh ta giải thích xong xuống thuyền thu dọn đồ dùng cá nhân, buộc vào chiếc tay nải khoác lên vai. Tay kia cầm chiếc kiếm dài, đầu cất cao (lúc này trời đã hửng nắng) sải những bước rộng rãi bằng đôi chân dài chắc nịch. Nghe tiếng huýt sáo con chim ưng lông đỏ mỏ quặp từ nóc thuyền liệng xuống đậu trên một bên vai anh. Còn cách mấy ngày thì đầy chín tháng tôi sinh ra thằng cún con này. Mới đẻ ra đã biết ngay là “giỏ nhà ai quai nhà ấy”. Đầu tiên là đôi chân dài, rồi đến cái mũi, cái miệng, đôi mắt hơi lồi, giống anh ta như đúc. Cha tôi ngắm nghĩa hồi lâu rồi bảo: cái ngữ này không kèm cặp thì lớn lên dễ thành tướng cướp lắm đây!”. Bế nó mệt lắm! Hai chân nhảy như con choi choi suốt ngày.

Chị cả Lưu là vị khách cuối cùng dời khỏi nhà Phạm Ngũ Lão. Ở đầu cổng đã có ba bốn gia nhân soi đèn lồng đưa chị về.

Trăng cuối tuần đã lên tới đỉnh đầu trước khi giục Ngũ Lão đi nghỉ, mẹ hỏi một câu thăm dò:

– Trong lúc còn đang yên hàn thế này, anh có ý trung nhân nào chưa thì đưa về đây cho mẹ mừng?

– Cũng sắp sắp có rồi mẹ ạ!

– Con cái nhà ai? Con ông cả, bà lớn là mẹ cháu đấy! Vì cái thân xác quê mùa này sao dám bước vào cửa nhà người ta.

– Mẹ yên trí mà! Cô ấy cũng là con nhà nông dân như nhà mình. Mặc dù bây giờ là con gái nuôi của Quốc Công Tiết Chế.

– Ối trời ơi! Cái đám cành cao, lá vàng ấy làm sao mà con với tới được?

– Mẹ đừng cả nghĩ làm gì cho mệt. Tiết Chế nhận con làm con nuôi. Luôn được ở bên người… được người dạy dỗ hàng ngày. Ngay như chuyến về đây. Phải như thế nào thì Tiết Chế mới cho theo hầu. Chứ có phải ai muốn cũng được đi đâu.

– Đấy là mẹ nói thế thôi! Mọi việc mẹ nghĩ đều do ông giời sắp đặt cả rồi. Có muốn cũng không được mà có từ cũng không xong.

Chợp mắt được một canh giờ, Ngũ Lão trở dậy đã thấy mẹ đang lọ mọ dưới bếp.

– Mẹ làm gì mà dậy sớm thế?

– Mẹ dậy luộc cho anh nồi khoai lang và nấu cho anh nồi nước chè tươi. Những thứ mà lúc ở nhà anh vẫn thích…

– Cám ơn mẹ! Đúng là những món ăn mà con đương thèm.

Rồi Phạm Ngũ Lão ra giếng múc nước rửa mặt và lấy nước cho ngựa uống. Con Tía bỗng dựng hai chân trước lên thành giếng, cúi cái mõm xuống rồi hý lên mấy tiếng rất khác thường. Phạm Ngũ Lão lôi nó ra buộc vào gốc cây thị rồi bê chậu sành nước lớn đặt trước mõm. Nhưng nó chỉ thọc mõm xuống rồi lắc lắc sang hai bên mà kiên quyết không uống. Thấy con Tía dở chứng Phạm Ngũ Lão vừa tát nhẹ vào mặt nó, vừa nựng : “Tía ngoan nào! Có chuyện gì làm mày không vừa lòng ư?” Nó lại quay đầu về phía thành giếng, dựng hai chân trước lên bồn chồn hý hai ba tiếng nữa. Phạm Ngũ Lão quay lại, nhìn xuống thấy lòng giếng tối om, toát lên một vẻ gì đó rờn rợn. Khi đào và xây thành giếng, Ngũ Lão đã cẩn thận xây thành lên khá cao tới trên ngực mẹ, khiến mẹ kéo gầu nước lên khá vất vả. Không phát hiện có gì lạ, Ngũ Lão quay lại mắng con Tía.Trong lúc Phạm Ngũ Lão ngồi ăn khoai và uống nước chè tươi thì bà mẹ dùng quạt nan quạt cho con. Ngũ Lão bảo:

– Bây giờ con đã có lương bổng của triều đình rồi. Mẹ nên đón mấy đứa con nhà chú hai lên ở cho vui cửa vui nhà. Chứ lủi thủi một thân một bóng thế này con thấy ái ngại quá!

– Từ ngày anh lên kinh, làm đến chức đô uý, hàng xóm láng giềng… kể cả các vị chức sắc trong làng, trên hương thỉnh thoảng cũng có ghé qua… nên cũng không cảm thấy quạnh quẽ.

– Nhà chú hai đông con, mẹ cứ đón hai ba đứa lên nuôi đỡ cho chú thím ấy. Đứa nào muốn học chữ thì cho nó đi. Vừa san sẻ miệng ăn được cho gia đình chú thím ấy. Lại có người í ới lúc mẹ trái gió trở trời.

– Được rồi! Anh cứ đi đi! Ngay hôm nay mẹ sẽ xuống đón mấy đứa về.

Trời rạng sáng, Phạm Ngũ Lão đã lên yên, mẹ dặn với theo:

– Con phải sang chào sư phụ một câu chứ!

– Vâng, nhất định phải thế rồi… Hôm qua cùng tiếp Quốc Công Tiết Chế nên con chưa nói gì được với sư phụ cả.

Từ biệt sư phụ xong lúc đầu Phạm Ngũ Lão định phóng thẳng một mạch về Vạn Kiếp. Nghĩ thế nào, Ngũ Lão lại rẽ qua nhà.

– Con quên cái gì à? Thấy Phạm Ngũ Lão dắt ngựa vào sân, mẹ hỏi.

– Không, con muốn vào chào mẹ lần nữa. Ngũ lão tần ngần nhìn cái dáng gầy gò, tất tả một lúc lâu mới dắt con Tía ra đường. Mẹ níu vào vai Ngũ Lão nói:

– Mong sao ông trời phù hộ độ trì cho đất nước được yên hàn mãi như thế này!

– Dân ta tất thảy đều muốn như vậy. Nhưng cây muốn lặng, mà gió chẳng muốn đừng, chẳng chóng thì chày là giặc Nguyên Mông hung hãn sẽ tràn xuống nước ta. Nhưng mẹ yên tâm đi! Đã có Tiết Chế, Ngài đã có kế sách đánh đuổi chúng rồi.

– Phận nam nhi phải đi báo đền nợ nước là đúng rồi! Nhưng con cũng phải bảo trọng con nhé!

– Ở nhà mẹ cũng phải bảo trọng mẹ ạ!

Phạm Ngũ Lão không thể ngờ được rằng đấy là lần cuối cùng hai mẹ con được nói chuyện với nhau. Biết Hưng Đạo Vương có ý định gả quận chúa An Nguyên, có kẻ trong giới quý tộc đã nghĩ ra một độc kế hãm hại mẹ Ngũ Lão để phá bằng được…

[1] Chữ bại tướng Triệu Trung nói ra ở đây là ý đã bị bại trước quân Mông Cổ. Vừa hổ thẹn, vừa nhún nhường.

Comments are closed.