Đĩ thúi & phần còn lại ở đời sau (kỳ 8)

Nguyễn Viện

Trong thời gian chờ đợi, tôi treo mình trong háng B cùng lúc treo trong háng Kiều Nguyệt Nga và Kim Liên. Đây cũng là thời gian Chí Phèo cho tổng kết tình hình thực hiện nghị quyết sống và làm việc bằng lỗ tai. Tất cả mọi thằng cu cái hĩm được tập hợp tại sảnh đường của háng trung tâm. Tôi thấy đủ mọi màu sắc và tiếng nói khác nhau. Các lỗ tai được trang trí đủ kiểu từ cài hoa cho tới xăm trổ hoặc đeo các loại trang sức bằng lửa. Tuy nhiên kiểu trang trí phổ biến nhất vẫn là hình cái lưỡi màu đỏ vẽ từ hai bên má đến sát lỗ tai. Gần như ai cũng đăng ký phát biểu và cũng gần như bài phát biểu nào cũng giống nhau. Biểu tượng của sự nhất trí tuyệt đối, trung thành tuyệt đối và tính tổ chức tuyệt đối. Nội dung chủ yếu đều cảm tạ công đức của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu, nhờ ngài mà con người mới biết thế nào là cực lạc. Không được nói và không được nghe là một thiệt thòi lớn. Sau phần tụng ca đến màn đấu tố. Tôi là một trong số ít bị Ban Tuyên dục mang ra phê bình kiểm điểm. Lý do thứ nhất, tôi đã không tuân thủ lệnh thể hiện mối quan hệ xã hội ưu việt từ lưỡi qua lỗ tai mà trực diện phản động từ con cu vào lỗ hĩm. Thứ hai, qua việc vọng tưởng về một thế giới khác, tôi đã để mất niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu. Ban Tuyên dục yêu cầu tôi viết tự kiểm, nhìn nhận sai lầm của mình và thành khẩn sám hối, trong lúc quần chúng các linh hồn tinh tuyển xỉ vả tôi phản cách mạng, phủ nhận mọi thành tựu đáng trân trọng của chế độ và thời đại quang vinh của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu.

Tôi sao lục trong ký ức những bản tự kiểm của tất cả các nhà văn khi còn trên dương thế và tôi khám phá được một điều quan trọng: văn học đích thực, bản chất con người và sự phù phiếm xã hội không nằm trong tác phẩm mà được thể hiện sâu sắc trong các bản tự phê bình của họ. Rồi tôi chép lại một bản tự kiểm dài nhất để chứng tỏ tôi thật sự thành khẩn cải tạo. Bản tự kiểm của tôi được đọc trước toàn thể các đẳng linh hồn và tôi được khoan hồng cho ở lại trong háng B. Nhưng chứng nào tật ấy, tôi vẫn thích đút cu vào hĩm hơn là dùng lưỡi liếm lỗ tai. Kim Liên, Kiều Nguyệt Nga và tôi treo mình dưới những tán lá môn và chờ trăng lặn.

Mặt trăng dưới âm phủ thật ra cũng chỉ là bóng của một cái hĩm. Vì thế, khi treo trên bầu trời, trông nó giống như một con diều. Sự vọng dục của các linh hồn làm cho mặt trăng lung linh và chao đảo. Bóng tối do nó toả ra có mùi đất thó và làm cho sự đắm chìm của các linh hồn càng trở nên sâu thẳm. Trong sự trải nghiệm của tôi, sự đắm chìm ấy là một cơn mù khơi khi cả tôi, Kim Liên và Kiều Nguyệt Nga cùng chạm đáy bản thể.

Để đạt đến trạng thái vô sở trú của linh hồn, chúng tôi phải tận dụng tất cả mọi cơ năng của thân thể trong việc thụ hưởng khoái cảm nhục dục. Khi bấu chặt vào nhau, sự giải thoát sẽ đến. Đó là sự biến đổi mang tính đốn ngộ, như sự xuất hiện của cái có.

Ông Đồ Chiểu nói với tôi: “Con người phải biết nhắm mắt thì huệ nhãn mới khởi sinh”.

Tôi nói: “Thấy hết, biết hết cũng chẳng để làm gì khi chúng ta ở âm phủ và là âm phủ”.

Bản chất cuộc sống là sinh dục và sinh dưỡng. Dục để dưỡng và dưỡng để dục. Vì thế, tôi cứ để tôi treo vào ái dục và vô minh.

Ông Đồ Chiểu la lên: “Tải đạo, tải đạo..”.

Ông Cao Văn Lầu búng vào dây đàn khẩn cấp như có giặc cướp đến.

Lòng tôi tràn ngập một nỗi xốn xang đợi chờ.

Khi ấy, lãnh tụ Chí Phèo kính yêu đang xem phim cấp 3 trong nội phủ để nghiền ngẫm một nghị quyết mới.

Xuân Tóc Đỏ đã hoàn hồn sau lần dấn thân vào cõi mịt mùng để tìm thiên đường với tôi, hắn âu yếm lỗ tai tôi và nói: “Tôi đã tìm thấy chân lý”.

Ngạc nhiên, tôi hỏi lại: “Ở đâu?”

Hắn bảo ở ngay chính sự ái dục của chúng ta. Tôi càng ngạc nhiên, Xuân Tóc Đỏ vốn chỉ là một gã cơ hội. Hắn dẫn tôi đến gốc đa trên mặt trăng, dặn: “Bí mật nhé”.

Tôi gật đầu.

Hắn nói: “Cỡ Chí Phèo làm cách mạng được thì tại sao tôi với ông lại không làm được?”

Tôi bảo ai cũng có thể làm cách mạng, vấn đề là dám hay không thôi. Tôi không dám vì tôi sợ. Sợ nhiều thứ cho dù đã vào âm phủ. Xuân Tóc Đỏ chửi thề. Trí thức đúng là cục cứt.

Xuân Tóc Đỏ nói: “Tôi sẽ làm cách mạng, nhưng tôi không thể làm một mình. Tôi cần có sự ủng hộ”.

Tôi bảo tôi sẵn sàng ủng hộ. Hắn từ giã tôi bằng một cái bắt tay thật chặt.

Tôi nhìn vào đám rễ chằng chịt của cây đa và phát hiện bà Phó Đoan đang đái.

Tôi hất đầu cười: “Cần gì phải kín đáo thế”.

Bà Phó Đoan cũng cười: “Chẳng phải em lịch sự đoan trang gì đâu”.

Tôi đùa: “Cũng muốn làm cách mạng à?”

Bà Phó cười lả lơi: “Chẳng giấu gì anh, em thủ dâm đấy”.

Tôi bảo tôi chấp hành mọi chính sách của chế độ Chí Phèo nên tôi sẵn sàng phục vụ bà nếu bà muốn.

Bà Phó ôm tôi nói nhỏ: “Không phải thế đâu. Anh còn nhớ truyện cổ tích về cây đa thằng Cuội không?”

Tôi bảo tôi nhớ.

Bà nói tiếp: “Là thế này, em muốn bắt chước vợ thằng Cuội đái vào gốc đa xem nó có bay lên không”.

Lại một linh hồn làm tôi ngạc nhiên. Tôi nói: “Không phải Chí Phèo đã mang đến cho chúng ta mọi lạc thú rồi sao?”

Bà Phó bỉu môi: “Anh nói cứ như cán bộ, chán như con gián”.

Tôi nói: “Tôi đã nghe Vũ Trọng Phụng nói về em. Tôi cũng muốn bay đến một nơi nào khác. Em sẽ đi với tôi chứ?”

Chúng tôi làm tình với nhau không theo luật của Chí Phèo. Tai mắt nhân dân ở khắp nơi, Thị Nở bắt gặp quả tang chúng tôi phạm pháp.

Giữa lúc tôi còn bối rối, Thị Nở nói: “Chiều em đi, em sẽ không tố cáo với tổ chức”.

Tôi bảo: “Mẹ mày, đi mà tố cáo”.

Thị Nở nói: “Em đùa thôi mà. Cho em làm tình chung với”.

Chúng tôi treo lên cành đa. Đệ nhất phu nhân Thị Nở cười sằng sặc.

Thị Nở kể: “Thằng Chí Phèo nhà em nó dâm dục lắm. Nhưng nó chỉ dâm dục với những con gọi là cái gì quốc tế ấy, chứ nó chả thèm em đâu. Em ức lắm mà chả biết làm sao. Hôm nay gặp được anh chị, em thỏa mãn lắm”.

Bí mật cung đình chán cơm thèm phở của lãnh tụ Chí Phèo kính yêu do Thị Nở tiết lộ không làm rúng động thế giới hĩm. Bà Phó Đoan bảo thằng cu nào chả thế. Tôi nói dù sao cũng nên học tập. Bà Phó bảo tôi hơi bị khiêm nhường. Tôi nói cu nhân dân không thể so sánh với cu lãnh tụ. Bà Phó cười, chả trách được. Lấy Tây vẫn là mơ ước của bà.

Cành đa la đà. Bà Phó bảo: “Tây hiếp sướng lắm”.

Thị Nở nói: “Hồi xưa thấy bọn Tây vào làng, em hồi hộp ơi là… hồi hộp, mong được nó hiếp xem thế nào. Nhưng bọn khốn kiếp ấy nó vờ không thấy em”.

Bà Phó nói: “Cái bọn lê dương ấy chúng nó không tha ai bao giờ”.

Thị Nở bảo: “Em nói thật đấy, chúng nó coi em như cứt đái. Đời em gặp được thằng Chí Phèo tưởng đã là may mắn, không ngờ còn có ngày tuyệt đẹp hôm nay”.

Tôi bảo: “Em muốn sướng thì cứ bắt thằng Chí Phèo nó thực thi cái luật pháp của nó với em”.

Thị Nở nói: “Ôi giào, luật với lệ gì thằng ấy. Nó bảo luật pháp là để cai trị chứ không phải để tu thân”.

Kỷ niệm ngày cách mạng thành công, Chí Phèo tuyên đọc nghị quyết mới giữa buổi mít tinh trọng thể tổ chức tại quảng trường trung tâm hay còn gọi là Háng Lớn.

“Hỡi các linh hồn,

Chúng ta muốn sung sướng, và chúng ta đã được sung sướng. Nhưng chúng ta càng ngày càng muốn sướng hơn, vì thế nay tôi quyết định:

Mọi giao dịch, quan hệ xã hội bất kể là gì, tình ái hay giao lưu văn nghệ, nhất thiết chúng ta chỉ sử dụng cái mũi.

Tại sao thế? Bởi vì cái mũi là nguồn tiếp xúc với vũ trụ giúp chúng ta duy trì sự sống qua hơi thở. Đây là chân lý. Để nâng tầm sự sống lên một đỉnh cao mới, chúng ta cần vượt qua sự hạn hẹp của lỗ tai, chỉ sử dụng lỗ mũi làm phương tiện của hạnh phúc nơi âm phủ vĩnh hằng này.

Lỗ mũi muôn năm.

Âm phủ muôn năm.

Chí Phèo kính yêu muôn năm”.

Tất cả các linh hồn đều vỗ tay hoan hô và cảm động rơi nước mắt. Chúng ta lại có một niềm sung sướng mới.

Ban Tuyên dục triển khai nghị quyết hạnh phúc qua lỗ mũi bằng cách soạn một văn bản hướng dẫn tường tận cách đánh hơi như thế nào để định giá đối tượng, có bao nhiêu loại mùi, đặc trưng và tác dụng của từng loại mùi hay hít hà tận hưởng như thế nào cho sướng khoái. Vui nhất vẫn là những ngày học tập và thực hành nghị quyết.

Làm gì cho qua cái vĩnh hằng?

Tôi vui sống vì đời tôi đã có lãnh tụ Chí Phèo kính yêu. Nhờ ngài mà tôi đánh hơi được tới sâu thẳm mọi hang hĩm và hít hà mọi nỗi niềm ẩn mật. Nhờ ngài mà tôi tìm thấy tôi trong mọi khát vọng và sướng thoả.

Cũng nhờ học tập thông suốt nghị quyết này mà Thị Nở đánh hơi được tôi trong mọi ngóc ngách treo mình với Kiều Nguyệt Nga, Kim Liên hoặc bà Phó Đoan. Tôi cần phải minh xác điều này, về bản chất Thị Nở thâm đen hay Kiều Nguyệt Nga trắng ngần cũng không khác gì nhau. Hĩm nào cũng là hĩm. Trong thế giới vô hình tướng, tất cả bản năng và hình thái chỉ là một.

Thói quen đánh hơi và hít hà làm cho lỗ mũi của tất cả các linh hồn đều to ra và cánh mũi mỏng hơn. Không biết tự lúc nào trên khuôn mặt của các linh hồn chỉ còn hiển hiện một cái mũi. Điều này chỉ được phát giác khi lãnh tụ Chí Phèo kính yêu vi hành vào các háng. Không ai nhận ra ngài để đón chào và tung hô. Âm phủ không còn giai cấp và khoảng cách đạo đức cách mạng. Lẽ ra đây phải được coi là thành tựu tuyệt đối của cách mạng, nhưng cũng vì thế lãnh tụ Chí Phèo kính yêu đã tự đánh mất tính chính danh của mình.

Xuân Tóc Đỏ ý thức được thời cơ đã đến, hắn nói với Bá Kiến: “Thằng Chí Phèo làm đảo lộn mọi trật tự. Ông phải lôi cổ nó xuống đánh cho nó mấy roi để nó tỉnh ra biết trên biết dưới”.

Bá Kiến gừ gừ trong miệng như tích tụ thù hận đã lâu, nói: “Chúng nó không biết mình là ai”.

Xuân Tóc Đỏ nói thêm: “Ông cần dạy cho nó biết lễ độ”.

Bá Kiến nghiến răng: “Cách mệnh! Cách mệnh cái con củ cặc!”

Xuân Tóc Đỏ nói: “Ông đừng nói thế. Tất cả chúng ta đều là cặc. Bọn chúng là cặc thối”.

Bá Kiến gật gù: “Ừ, phải. Bọn cặc thối”.

Rít một hơi thuốc lào, Bá Kiến bảo: “Mày lôi cổ thằng Chí Phèo về đây cho tao”.

Xuân Tóc Đỏ vội thoái thác: “Dạ, con không làm được đâu ạ”.

Bá Kiến hỏi: “Thế ai mới làm được?”

Xuân Tóc Đỏ rụt rè thưa: “Dạ, chỉ có ông mới làm được thôi ạ”.

Bá Kiến bảo: “Chỉ có tao? Thôi được để tao tính. Thời cơ chưa chín mùi”.

Thời cơ chẳng bao giờ tự nó chín mùi. Chí Phèo vẫn là lãnh tụ kính yêu của mọi linh hồn.

Một hôm, tôi nói với bà Phó Đoan: “Em đi với anh”.

Chúng tôi đi về phía tây. Ở phía bao giờ nắng cũng tắt, chúng tôi nhìn thấy những bông hoa mọc tràn lan trên những lỗ huyệt trống trải, bát ngát. Hoang dại và u uẩn.

Bà Phó Đoan bảo: “Hoa là hĩm của cây cỏ. Lỗ huyệt là hĩm của trần gian. Ở đâu có lỗ huyệt ở đó là hĩm”.

Tôi bảo: “Hĩm của em đẹp và giống như một cánh lan”.

Bà Phó Đoan bảo: “Chỉ có một cửa ngõ duy nhất là hĩm, nếu anh muốn tìm một điều gì đó”.

Tôi đứng lại nhìn bà Phó Đoan. Thế giới ở đây. Ở đây không thuộc về tôi. Tôi muốn tìm một cánh cửa khác không phải hĩm. Nhưng tôi không thấy gì khác ngoài hĩm. Hĩm khô, hĩm ướt, muôn trùng hĩm thì hĩm cũng chỉ là hĩm.

Tôi nói với bà Phó Đoan: “Ở đây hay ngoài kia, anh muốn tìm một cái gì khác”.

Sự nhàm chán là địa ngục. Đây là địa ngục. Tôi phải thoát ra như thế nào? Liệu có thoát được không?

Bà Phó ham vui, nói: “Nếu anh có thể tìm thấy một cửa ngõ nào khác, cho em đi với”.

Tôi nói: “Hãy đứng lên và đi”.

Tôi cũng không hiểu sao, tôi vẫn quyết định đi về phía giả định là phía tây. Phía tàn lụi. Những bóng ma phất phơ nhưng ẩn ức mông lung. Họ bị trì kéo bởi những giấc mơ và treo trên những nghiệp chướng nhân quả. Họ không tự bứt được khỏi nhân quả để làm những con ma tự do. Nhưng tự do đôi khi cũng chỉ là ảo tượng. Không phải những tiếng thét gào, nhưng sự im lặng của thế giới này mới khủng khiếp làm sao.

Bà Phó nói: “Phải chăng đây mới chính là cõi chết?”

Tôi nói, khi còn cảm nhận được một điều gì đó thì chưa hẳn đã là chết. Chúng ta không đi tìm sự chết. Tôi muốn tìm Nguyễn Du, Vương Thuý Kiều, Đạm Tiên, Mã Kiều Nhi của Đoạn Trường Tân Thanh. Họ đã siêu thoát hay vẫn còn hệ luỵ? Siêu thoát ở đâu và hệ luỵ ở đâu? Tôi sợ sự vô tận.

Sau cõi lặng câm, chúng tôi rơi xuống một cõi hỗn mang. Sự hỗn mang dường như đã làm chúng tôi rơi ra xa nhau trong một khoảnh khắc.

Tôi nói: “Coi chừng lạc”.

Ngay lúc đó, tôi không còn thấy bà Phó Đoan đâu nữa. Chúng tôi bị hút đi mỗi người mỗi ngả. Tôi cầu chúc cho bà tìm thấy điều bà mong ước, cho dù điều ấy vớ vẩn.

Khi mở mắt ra, tôi thấy Vương Thuý Kiều, Mã Kiều Nhi và Đạm Tiên đang từ chỗ Hồ Tôn Hiến bước lại. Họ vồ lấy tôi. Và phủ đầy linh hồn tôi mùi nước hĩm của họ. Tôi nhớ lại lời bà Phó Đoan, chỉ có một cánh cửa duy nhất là hĩm.

Tôi kêu lên: “Oan gia”.

Ba cô gái cười nắc nẻ. Thế giới nào cũng thế thôi, ông anh ạ. Tuy nhiên, người tôi muốn gặp lại nhất là Hồ Tôn Hiến. Tôi cảm thấy vui vì tôi nghĩ đây là lúc tôi có thể nói chuyện với ông một cách bình đẳng nhất, không vướng vất huyền thoại hay quyền lực.

Tôi nói với ba cô gái: “Các em vẫn xinh tươi là vui rồi. Nhưng cho anh chào người chăn dắt các em cái đã”.

Đạm Tiên nói: “Thúc Sinh còn sống ở Dubai, ở đây chỉ có đại ca Hồ Tôn Hiến thôi”.

Tôi bảo tôi muốn gặp ông ta. Họ treo tôi trong háng và dẫn tôi đến chỗ Hồ Tôn Hiến.

Họ bảo: “Đây là cách an toàn nhất”.

Hồ Tôn Hiến vẫn đường bệ và kiêu hãnh cho dù ông ta đã phải uống thuốc độc bước xuống tuyền đài.

Hồ Tôn Hiến nói ngay: “Nhà văn cũng không thể thay đổi lịch sử phải không”.

Tôi đáp: “Vâng, nhà văn không làm thay đổi điều gì cho ai ngoài chính hắn”.

Hồ Tôn Hiến nói: “Tôi cũng không tin là ông có thể tự thay đổi”.

Tôi đáp: “Vâng, đấy chỉ là điều tôi mong muốn”.

Hồ Tôn Hiến bảo: “Chúng ta đều đã làm việc vô ích”.

Tôi nói: “Không chỉ vô ích mà đôi khi tàn ác”.

Hồ Tôn Hiến bảo: “Trong những hoàn cảnh nhất định, khó có thể làm khác như tôi đã làm. Vấn đề chỉ là các điều kiện”.

Tôi nói: “Tôi không có ý định phán xét ông”.

Trong lúc chúng tôi nói chuyện, Đạm Tiên, Mã Kiều Nhi và Vương Thuý Kiều xoa bóp cho Hồ Tôn Hiến và tôi cảm nhận được quyền lực của ông.

Tôi hỏi: “Ông vẫn có thể tìm được cho mình những thứ của trần gian sao?”

Hồ Tôn Hiến cười: “Cũng rẻ thôi. Đây chỉ là hàng mã hoá vàng do độc giả của ông gửi xuống”.

Hồ Tôn Hiến nói tiếp: “Tôi biết ông xuống đây cũng đã lâu, nhưng dường như ông vẫn chưa biết gì về âm phủ”.

Tôi gật đầu.

Hồ Tôn Hiến nói: “Thật ra, thế giới của các ảo tượng như Chí Phèo, Kiều Nguyệt Nga vân vân… mà ông đã trải qua cũng không khác thế giới của xương thịt máu me như ông hay tôi. Tất cả chỉ do ý lực mà thành. Ông hãy thử đi”.

Tôi nói: “Có ý lực là có tranh giành”.

Hồ Tôn Hiến bảo: “Phải. Đây là cõi hỗn mang. Cũng vui mà”.

Tôi cảm thấy không còn gì để nói với Hồ Tiên Hiến dù trước đó tôi rất muốn được ông chia sẻ những kinh nghiệm lịch sử trần thế.

Lòng tôi nguội lạnh.

Bà Phó Đoan đã rơi vào háng nào? Tôi cần phải đi tìm bà.

Ngay khi tôi mới chỉ khởi lên ý nghĩ ấy, bà đã xuất hiện trước mặt tôi: “Em vẫn ở bên anh”.

Tôi hỏi trong lúc tôi gặp Thuý Kiều, Mã Kiều Nhi, Đạm Tiên và Hồ Tôn Hiến thì bà ở đâu?

Bà Phó cười trơ tráo: “Em muốn vào hội với họ và em đã ở trong háng Hồ Tôn Hiến”.

Tôi hỏi: “Em sẽ ở lại hay đi tiếp với anh?”

Bà Phó nói: “Đây là thế giới của em và em muốn ở lại”.

Tôi ôm bà Phó một lúc để chia tay.

Tôi cúi nhìn nơi tôi sẽ rơi xuống. Làm thế nào đến bến mê, xoá sạch mọi ký ức? Tôi tung người và tôi thấy tôi lộn vòng. Khi rơi xuống, tôi vẫn chỉ thấy bà Phó Đoan đứng đó bịn rịn.

Bà Phó bảo: “Anh cần phải đi qua một cái háng”.

Chẳng có chọn lựa nào khác, tôi chui vào háng bà Phó.

Ở phía bên kia tôi nhìn thấy những bộ xương trắng đang bốc hơi. Tôi cũng nhìn thấy nhiều người đang đi tìm hài cốt của mình. Họ bới móc và lắp ráp vào thân thể mình những lóng xương tìm thấy. Đôi khi không khớp, họ quăng đi và tiếp tục tìm kiếm. Tôi nghĩ tôi cũng có thể tìm thấy những chiếc răng sâu của mình ở đây, tuy không cần ăn nữa, nhưng răng vẫn tạo ra cảm giác. Nhưng tôi không thể đánh hơi được răng của mình ở đâu trong đống xương vô định này.

Tôi chợt rùng rợn vì nghĩ đến việc sẽ thoát ra khỏi cõi này như thế nào nếu không đi qua một cái háng? Tôi thử tung người và lộn vòng. Tôi rớt xuống giữa đống xương. Tôi nghĩ phải tạo ra một cái háng. Và tôi tìm một bộ xương háng. Rồi tôi chui qua. Tối tăm mù mịt. Tôi không sang được phía bên kia mà tôi đang ở trong háng-tối-tăm-mù-mịt. Cụ Đồ Chiểu ơi, cứu tôi. Tôi chìm trong sự ẩm ướt. Những linh hồn lạnh giá cào cấu tôi như thể họ muốn lột da tôi. Tôi bàng hoàng nhận ra họ đang lóc thịt tôi bằng sự lạnh giá của họ.

Sự lạnh giá làm tôi tê cứng. Chẳng bao lâu tôi sẽ chỉ còn là một bộ xương khô như họ. Tôi sợ. Tại sao tôi lại sợ mặc dù tôi biết tôi đã ở thế giới của sự chết và sự sợ hãi? Tôi cố gắng vùng vẫy. Khi tôi đứng lên được, tôi không còn nhìn thấy bộ xương nào nữa mà trước mặt tôi là một ông già vẻ mặt quắc thước nhưng run rẩy vì lạnh.

Tôi hỏi ông ta: “Những bộ xương đã biến đi đâu?”

Ông già nói: “Ta đã làm củi đốt để sưởi ấm hết rồi”.

Tôi hỏi lại: “Trong một khoảnh khắc?”

Ông ta đáp: “Cái lạnh ấy không thể dùng lửa bình thường mà sưởi ấm được, cũng không chỉ đốt một vài bộ xương khô là đủ”.

“Và ông sẽ tiếp tục tìm củi xương để sưởi ấm?” tôi hỏi.

Ông ta bảo có đốt hết nhân loại trên mặt đất này cũng không đủ. Tôi muốn đạp cho ông một cái và tôi nghĩ không thể không đạp ông ta. Rồi tôi nhảy lên đá song phi vào mặt ông ta. Nhưng tôi chỉ trượt vào khoảng không.

Sự oán giận làm tôi không trụ chân xuống được. Tôi tiếp tục trượt đi vô định.

Tôi nghĩ cần phải có một cái háng để treo mình lại. Tôi hồi hướng về Mã Kiều Nhi, ngay lập tức, tôi thấy tôi đang treo giữa tử khí của một cung đình đã lụi tàn.

Hồ Tôn Hiến đang họp với bọn môn khách, thấy tôi Hiến nói: “Ngồi xuống đi, ông cũng nên tham dự”.

Không biết chuyện gì, nhưng tôi cũng ngồi xuống.

Hồ Tôn Hiến nói: “Tin thông thiên địa cho biết, bọn cực tả Chí Phèo đã làm cuộc cách mạng giai cấp trên toàn bộ các bộ phận chức năng của cơ thể. Tình hình rất phức tạp. Bọn chúng có thể tấn công vào triều đình phong kiến của chúng ta, gây mất ổn định chính trị và đặc quyền đặc lợi của chúng ta. Đề nghị chư huynh đệ cho biết biện pháp đối phó”.

Một vị môn khách có vẻ như từng là một quan chức lớn đã về hưu, nói: “Thưa ngài lãnh tụ vĩ đại, với bọn vô sản trên răng dưới dái như Chí Phèo, chúng ta chỉ cần bảo nó, triều đình sẽ bảo đảm cho chúng một cuốn sổ hưu vĩnh hằng, tất chúng sẽ hoan hỉ nhận ơn mưa móc, vâng phục tôn ti trật tự của triều đình”.

Hồ Tôn Hiến quay ra hỏi tôi: “Ông thấy thế nào?”

Tôi bảo tôi không có kinh nghiệm về sổ hưu.

Một vị môn khách khác nói: “Chúng ta đừng quên rằng, Chí Phèo cũng có thể cung cấp các sổ hưu cho đồng bọn, có khi còn hậu hĩ hơn”.

Một vị môn khách có màu da đỏ như lửa nói: “Không được nói thế. Triều đình của chúng ta là ưu việt. Sổ hưu của chúng ta cao quí nhất trong toàn cõi trời và đất, vì chúng ta đã phục vụ một vị chúa tể của mọi chúa tể”.

Hồ Tôn Hiến sờ cái cằm không râu của mình, nói: “Chư huynh đệ không đi vào trọng tâm của vấn đề. Trong chúng ta, ai biết Chí Phèo thực sự muốn gì?”

Tất cả im lặng.

Hồ Tôn Hiến nói: “Đây là chỉ thị, sau khi tôi chiêu đãi ông Nguyễn đây một chầu nhất dạ đế vương xong, chư huynh đệ phải báo cáo chi tiết cho tôi mọi khát vọng thâm sâu của Chí Phèo. Hết họp”.

Hồ Tôn Hiến dẫn tôi đi giữa hai hàng mỹ nhân dợn sóng gợi dục. Tôi nhận ra một số khuôn mặt quen mà trên dương thế gọi là hot-girl, tôi thật sự muốn họ.

Nhưng Hồ Tôn Hiến bảo: “Ông dùng chi cái thứ lá cải ấy”.

Rồi Hiến dẫn tôi đến một nơi chỉ là ánh sáng, thứ không thể tìm thấy dưới âm phủ mù mờ. Ánh sáng như ngọc lung linh. Hiến bảo: “Ông hãy tắm gội thư giãn bằng thứ ánh sáng huyền hoặc này để thanh lọc linh hồn trước khi đón nhận những niềm vui mới”.

Tôi chìm ngập trong ánh sáng và linh hồn tôi long lanh trong suốt. Ánh sáng rửa sạch tôi và ánh sáng xoa bóp tôi, tôi cảm thấy nhẹ nhàng nhưng đói khát. Rồi ánh sáng mờ đi, hương hoa trái của trời đất hoà với hương của hĩm đàn bà dìu dặt rồi đậm đặc dần, tôi hít thở bằng thứ thanh khí ấy và tôi căng phồng dần lên. Khi tôi đầy sức mạnh cũng là lúc tôi cảm thấy mình hoang dã nhất, tứ đại mỹ nhân Trung Hoa từ từ tụ hình và tôi bị treo giữa Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền và Dương Quí Phi. Lòng tôi khát cháy.

Hồ Tôn Hiến cùng Mã Kiều Nhi, Vương Thúy Kiều, Đạm Tiên xuất hiện. Hồ Tôn Hiến nói: “Ông muốn được là Đường Minh Hoàng, Ngô Phù Sai, Hô Hàn Tà… hay tất cả cũng ok. Chúc ông thoả mãn”.

Tôi bảo: “Đa tạ thịnh tình của ngài, nhưng tôi vốn không có chân mạng đế vương để hưởng lạc thượng thừa nên với các bậc mẫu nghi thiên hạ này xin kính nhi viễn chi. Nếu có thể được, tôi chỉ muốn Trần Viên Viên dân giả, kỹ nữ của thành Giang Tô hoa lệ”.

Trần Viên Viên đến, tay bắt mặt mừng với các nàng hầu của Hồ Tôn Hiến. Cùng trong một cõi phong trần, họ toát ra mùi dâm đãng quí phái. Hồ Tôn Hiến tặng tôi cả bốn nàng kỹ nữ.

Tôi hỏi Hồ Tôn Hiến: “Có điều kiện gì không?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Cứ vui chơi và quên đời”.

Chúng tôi cầm kỳ thi hoạ như những kẻ tao nhã trước khi bốn nàng kỹ nữ tháo rời tôi từng mảnh và thả trôi tôi trong các mạch máu của họ. Một lạc thú tôi chưa từng biết tới và không thể mô tả.

Rồi tôi thấy lại đời.

Hồ Tôn Hiến hỏi: “Không quên đời được à?”

Tôi đáp: “Tôi và đời khác chi nhau”.

Hồ Tôn Hiến nói: “Vậy thì, ông sẽ theo tôi hay theo Chí Phèo?”

Nghe cứ như cái thuở quá độ “chống cộng đến cùng” hoặc “cộng sản đến chết” của đồng bào mình.

Tôi đành xúc phạm Hồ Tôn Hiến: “Hồ Tôn Hiến hay Chí Phèo khác gì nhau?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Người quân tử phải biết chữ thời”.

Tôi đáp: “Tôi, dân vỉa hè, chỉ biết chữ không”.

Hồ Tôn Hiến ném trả tôi về háng-tối-tăm-mù-mịt. Lão già vẫn dùng xương làm củi sưởi ấm đang ngồi trước háng một mình. Tôi không hiểu tại sao chỉ có duy nhất lão ở cõi này.

Tôi hỏi: “Hồi trên dương thế, cụ đã làm gì?”

Lão vuốt râu ra vẻ hài lòng về cách xưng hô của tôi: “Ta chỉ làm vì thôi. Chú hiểu không?”

“Nghĩa là cụ bị tiếm quyền?”, tôi hỏi lại.

Lão ta gật đầu: “Bọn khốn nạn mượn danh ta lộng hành”.

Tôi hỏi: “Sao cụ lại để bọn khốn nạn ấy mượn danh mình?”

Lão già có vẻ ngậm ngùi: “Bởi vì chính ta cũng đã là một kẻ mượn danh người khác”.

Tôi lờ mờ hiểu và dật dờ im lặng. Bọn khốn nạn ấy nắm được bí mật lão, nhưng không dám giết lão vì sợ cái thế lực đã dựng nên lão. Bọn chúng buộc phải vô hiệu hoá lão và vẫn dùng lão như một biểu tượng không thể thay thế. Có lẽ không ai lạnh giá hơn lão.

Tôi cảm nhận một nỗi nguy hiểm khi ngồi bên lão. Lão có thể đốt cả tôi để sưởi ấm sự cô đơn tuyệt đối của mình. Tôi cần phải bỏ chạy hoặc giết lão, nhưng không thể. Tôi nhớ lại lời Hồ Tôn Hiến, vấn đề chỉ là ý lực. Và tôi tập trung ý lực hướng tới sự tha thứ.

Khi tôi trở nên thanh thản hơn, tôi nói với lão ta: “Tôi biết những đống xương kia do cụ tạo ra và cụ tìm cách thủ tiêu nó. Nhưng sự huỷ diệt chỉ tạo ra sự huỷ diệt khác. Tôi chân thành cầu chúc cụ siêu thoát”.

Chẳng có ai siêu thoát trong thế giới này. Nhưng lão đã biến đi. Tôi dứt bỏ lão khỏi tâm trí.

Bây giờ tôi chỉ còn một mình. Và tôi nghĩ về sự cô đơn. Tôi nhớ khoảng năm 1980 trên dương thế, khi tôi bị lực lượng an ninh đón lỏng bắt tại nhà ông bạn già, người hợp tác với tôi biên soạn tài liệu chống chế độ độc tài toàn trị trong điều kiện hợp pháp. Hai tên ép tôi ngồi giữa trên xe gắn máy chở về trại giam. Chiều chập choạng đông người, nhưng nỗi cô đơn mới ớn lạnh làm sao. Tôi chỉ có một mình trước cửa ngục tù và huỷ diệt. Tôi chỉ có một mình của sử lịch nhân gian. Bầu trời này rồi khép lại. Hai tay tôi bị còng. Tôi sẽ không với tới bất cứ một cái gì khác.

Thế giới vắng lặng. Nhà tù vắng lặng. Tôi cũng vắng lặng. Tôi không cầu mong điều gì cho tôi.

Tôi nhớ quà tiếp tế trong tù của mẹ tôi. Tôi nhớ trần gian. Tôi hiện về trong giấc mơ của vợ tôi bảo hãy gửi xuống âm phủ cho tôi tất cả những người bạn. Vợ tôi vào Chợ Lớn đặt hàng vài chục hình nhân vừa nam vừa nữ, rồi dán tên từng người vào lưng áo họ giống như vận động viên bóng đá, hoá vàng. Nhờ thế, tôi cập nhật được thời sự. Cũng nhờ thế, thỉnh thoảng tôi tham gia ký tên trong các tuyên bố hay kiến nghị về tình hình xã hội, đất nước.

Những người bạn tôi ngạc nhiên vì âm phủ không phải là nơi an nghỉ. Tôi nói với họ đã đến lúc cả âm phủ và dương gian phải vùng dậy. Đúng lúc ấy, bọn côn đồ xông đến, chúng ném mắm thối và gạch đá vào chúng tôi. Đó là những kẻ vĩnh viễn không thể đầu thai, bởi vì chúng phục vụ cho một ý chí tồn tại mang tính đặc quyền. Trong lúc mọi người còn hoảng loạn, Chí Phèo xuất hiện. Lãnh tụ kính yêu lớn tiếng át mọi ý lực còn mơ hồ:

“Hỡi các linh hồn,

Ai muốn sung sướng, hãy theo tôi á. Và để được sung sướng hãy tùng phục tôi á. Ai không tùng phục tôi, kẻ ấy sẽ phải đau khổ á. Vì tôi là chân lý, hãy hoan hô và kính yêu tôi á. Sau khi mãn hạn phục vụ tôi, ai cũng được cấp một sổ hưu vĩnh hằng á. Ngay từ bây giờ, hãy nhận lấy vinh quang này á…”

Toàn bộ âm phủ được thanh lọc. Những bạn bè tôi biến mất.

Hồ Tôn Hiến đứng cạnh tôi, lo lắng hỏi: “Liệu thành phần như tôi có phải đi học tập cải tạo không?”

Được làm vua, thua làm giặc, bận tâm làm gì. Tôi muốn nói với Hồ Tôn Hiến, nhưng tôi im lặng.

Dưới chính sách khoan hồng của cách mạng, phong kiến như Hồ Tôn Hiến bị vất vào trong háng thối. Đồi trụy phản động như tôi không bị tập trung cải tạo nhưng phải viết kiểm điểm cho đến bao giờ hết chữ.

Một hôm, Hồ Tôn Hiến hỏi tôi: “Cách mạng xét cho cùng là gì?”

Tôi bảo, vấn đề của ông chỉ là thay vì tự ca tụng mình, ông chuyển sang ca tụng Chí Phèo.

Hồ Tôn Hiến gật gù, lại hỏi: “Như vậy thì khi người ta làm lãnh tụ hay có quyền lực trong tay, người ta sẽ thông minh hơn hay trở nên tối dạ?”

Tôi bảo, chỉ những kẻ biết từ bỏ quyền lực mới là người thông minh.

N.V.

Comments are closed.